Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

GIẢI PHÁP BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG TÌNH HÌNH MỚI
                                                               Lê Huy
Chủ nghĩa xã hội hiện thực ra đời sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và đã nhanh chóng trở thành hệ thống thế giới. Đó là kết quả của sự hiện thực hóa chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện thực tiễn cách mạng thế giới gắn liền với vai trò của V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích Nga. Mặc dù vậy, sau gần 80 năm phát triển, đến đầu thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội thế giới lâm vào thoái trào do sự xụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô. Sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa, sự thoái trào của chủ nghĩa xã hội hiện thực, đó là sự sụp đổ của một mô hình xã hội cụ thể, thiếu sức sống do một số Đảng Cộng sản đã mắc bệnh giáo điều, chủ quan duy ý chí, chưa nhận thức đúng và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể mỗi nước.
Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch của chủ nghĩa xã hội đã lợi dụng sự kiện này để xuyên tạc, phủ nhận, đòi xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ cho rằng, học thuyết Mác - Lênin là “quái thai”, “dị dạng” của lịch sử, cho nên các mô hình xã hội đứng trên nền tảng của học thuyết đó sẽ không thể tồn tại được và Cách mạng Tháng Mười là một hiện tượng hoàn toàn Nga chứ không phải là sự kiện tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp mang tầm quốc tế và có ý nghĩa vạch thời đại.
Trước sự thoái trào của chủ nghĩa xã hội và sự chống phá của các thế lực thù địch đã tác động mạnh mẽ tới nhận thức, tình cảm của nhiều người, kể cả cán bộ, đảng viên, làm giao động tư tưởng, giảm sút niềm tin của quần chúng nhân dân vào con đường và sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội. Cùng với đó, sự xuất hiện niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, biểu hiện ở việc khôi phục, lợi dụng mở rộng các hoạt động lễ hội truyền thống gắn với du lịch tâm linh...
Sau hơn 25 năm diễn ra sự kiện Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đến nay chủ nghĩa xã hội đã có sự phục hồi và phát triển công cuộc đổi mới, cải cách, mở cửa của Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác, đã thu được những thành tựu quan trọng; phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh đang có sự trỗi dậy. Đó chính là sự minh chứng sinh động nhất về tính nhân văn, hợp quy luật phát triển của chủ nghĩa xã hội nói riêng, chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung. Điều đó càng đòi hỏi những người cách mạng, những ai đã đặt niềm tin vào tương lai phát triển của chủ nghĩa xã hội, thì tiếp tục nghiên cứu thấu đáo, quán triệt sâu sắc để bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trước sự chống phá của các thế lực thù địch hiện nay.
Trước sự sụp đổ, thoái trào của chủ nghĩa xã hội hiện thực, chủ nghĩa tư bản đã có sự điều chỉnh thích nghi để tiếp tục tồn tại. Mặc dù còn chứa đựng trong nó rất nhiều mâu thuẫn không thể dung hòa, thậm chí đã nảy sinh nhiều khủng hoảng trầm trọng, triền miên, kéo dài cả về kinh tế và xã hội, nhưng chủ nghĩa tư bản đã và đang tìm mọi cách điều chỉnh thích nghi, phục hồi để kéo dài sự tồn tại trong bối cảnh mới. Vào thời điểm hiện tại, sức sống của chủ nghĩa tư bản vẫn còn khá mạnh. Đây là một thực tế không thể phủ nhận và cũng là vấn đề gây hoài nghi, dao động trong tư tưởng của không ít người về con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn.
Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tiếp tục đẩy mạnh chống phá cách mạng Việt Nam, lợi dụng thời cơ tấn công vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hòng phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Chúng dùng nhiều thủ đoạn thâm độc như: xuyên tạc thân thế, sự nghiệp, cuộc đời của Hồ Chí Minh để gây tâm lý hoài nghi vào tính đúng đắn và giá trị to lớn của hệ thống di sản tư tưởng mà Người để lại; tuyên truyền xuyên tác tuyệt đối hóa chủ nghĩa Mác - Lênin, hoặc tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng thực chất là nhằm tách rời, làm mất cơ sở lý luận khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh và đi đến hạ thấp giá trị và sức sống của một bộ phận trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Cùng với việc đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ, các thế lực thù địch, phản động ra sức lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm của Đảng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên để thực hiện âm mưu kích động gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta. Điều đó, làm cho không chỉ nhân dân, mà cả những cán bộ, đảng viên chân chính cũng dao động, hoài nghi, mất niềm tin vào đồng chí, vào tổ chức, rồi dao động lập trường, phai nhạt lý tưởng xã hội chủ nghĩa, hoài nghi chủ nghĩa Mác - Lênin, băn khoăn về con đường xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta chưa có bước đột phá, chưa có được thành tựu lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc thù Việt Nam
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Việt Nam là một bộ phận của cộng đồng thế giới đương đại. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, sự biến động mau lẹ, phức tạp của tình hình chính trị thế giới đã tác động vừa tạo ra thời cơ và thuận lợi mới, nhưng cũng hết sức phức tạp. Điều này được biểu hiện rõ trong đạo đức, lối sống xã hội, những giá trị, chuẩn mực truyền thống đang tồn tại đan xen với những văn hóa, lối sống được du nhập từ bên ngoài hết sức phong phú, phức tạp. Trong khi đó, công tác tư tưởng, lý luận chưa xây dựng được một hệ chuẩn mực về giá trị đạo đức, lối sống của con người Việt Nam hiện nay để làm tiêu chí xây dựng nhân cách con người Việt Nam cũng như để bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp trọng thời kỳ mới.
Sự phụ thuộc lẫn nhau trong xu thế toàn cầu hóa cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông đã tạo nên một thế giới ngày càng phẳng hơn, khoảng cách giữa các quốc gia ngày càng được thu hẹp, sự lan tỏa của các giá trị ngày càng nhanh chóng. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của thông tin, truyền thông đã tạo ra môi trường tự do học thuật, tự do ngôn luận và thúc đẩy mạnh mẽ xu thế dân chủ hóa, minh bạch thông tin. Điều này tạo thuận lợi cho công tác nghiên cứu, đổi mới hình thức và nâng cao hiệu quả tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sự phát triển của các trang mạng xã hội hiện nay lại là điều kiện tốt để các thế lực thù địch xuyên tạc, gây dao động, hoài nghi đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyên truyền các quan điểm, tư tưởng phản động, phi vô sản trong xã hội ta.
Thực tiễn sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, “đất nước ta đã đạt được những thành tự to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tự đạt được, chúng ta còn nhiều hạn chế, khuyết điểm: Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ được một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn…”[1]. Đảng ta xác định, nhiệm vụ của cách mạng hiện nay là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Sự nghiệp đổi mới được xác định trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc làm tốt công tác nghiên cứu, cụ thể hóa các quan điểm, luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới là một yêu cầu quan trọng, hết sức cấp thiết.
Từ năm 1991, Đảng ta xác định nền tảng tư tưởng của Đảng bao gồm chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo đó, việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề cơ bản, xuyên suốt trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Sinh thời, Hồ Chí Minh đã khẳng định: Đảng có vững cách mệnh mới thành công, Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt. Vai trò của Đảng không chỉ trong cách mạng giải phóng dân tộc mà còn rất quan trọng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 86 năm qua đã chứng minh, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn đặt công tác tư tưởng, lý luận lên hàng đầu, coi đó là bộ phận trọng yếu của công tác xây dựng Đảng, góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, trước những biến đổi nhanh chóng và phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, Đảng càng quan tâm hơn nữa đến công tác tư tưởng, lý luận nói chung, đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ tị 05 của Bộ Chính trị. Đặc biệt, tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 37-NQ/TW về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030: “Kiên trì thế giới quan, phương pháp luận khoa học và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đồng thời, tiếp thu các thành tựu mới, tinh hoa của nhân loại. Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch; uốn nắn những nhận thức lệch lạc”[2]. Nghị quyết đã chỉ ra các hướng cần tập trung nghiên cứu từ nay đến năm 2030, trong đó việc tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị bền vững phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; chỉ rõ vấn đề cần bổ sung, phát triển. “Tiếp tục nghiên cứu có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, làm rõ sự bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Hồ Chí Minh”[3], là hướng nghiên cứu được đặt nên hàng đầu. Cùng với đó, Nghị quyết xác định các biện pháp chủ yếu đẩy mạnh công tác lý luận từ nay đến năm 2030. Đây là những định hướng lớn có tầm chiến lược cho việc bảo vệ, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay. Cụ thể:
Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
Một trong những phương cách tốt nhất để bảo vệ, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay là phải làm cho mọi người, trước hết là cán bộ, đảng viên nắm được những nội dung cơ bản, giá trị, ý nghĩa cũng như mối quan hệ biện chứng giữa chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Do vậy, cần phải đổi mới nội dung, hình thức, cách thức tuyên truyền, giáo dục. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, sự phát triển của khoa học, công nghệ đã tác động, làm thay đổi căn bản các phương pháp giáo dục truyền thống và làm xuất hiện các hình thức giáo dục mới. Mặt khác, các thế lực thù địch đang khai thác, sử dụng các thành quả của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại để xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Trước tình hình đó, Đảng ta chủ trương đổi mới nội dung, chương trình giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”[4].
Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cần tập trung làm tốt một số vấn đề: Đẩy mạnh nghiên cứu, khẳng định rõ tính cách mạng, khoa học, giá trị và ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với đặc điểm đơn vị, đặc điểm tâm, sinh lý của từng đối tượng; Tập trung đổi mới nội dung, phương pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, tuyên truyền, theo hướng giúp người học có cách tiếp cận và phương pháp xử lý thông tin đúng, hình thành nhu cầu tìm hiểu, chủ động tự học, tự nghiên cứu; Làm tốt tuyên truyền những ngày lễ lớn của đất nước, dân tộc, tổ chức các sự kiện liên quan đến tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thực tiễn cho thấy, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội luôn có sự đan xen giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ với cái lạc hậu. Trong khi cái mới mà đồng nghĩa với cái tốt bao giờ cũng non yếu cần phải được vun trồng, bảo vệ, thì cái cũ, cái bảo thủ, lạc hậu lại có sức mạnh, bởi nó đã ăn sâu, bám rễ, trở thành thói quen của một bộ phận quần chúng. Vì vậy, giữa chúng luôn có sự cạnh tranh, đấu tranh không khoan nhượng, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, xây dựng phải đi đôi với bảo vệ, xây cái mới phải gắn liền với chống cái cũ.
Trong bối cảnh hiện nay, để bảo vệ, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi hỏi phải đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc hòng làm mất lòng tin của nhân dân, của cán bộ, đảng viên vào lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vào chế độ xã hội chủ nghĩa, vào công cuộc đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta.
Để công tác đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận đạt hiệu quả, cần quán triệt sâu sắc yêu cầu, phương châm, phương pháp mà Đảng ta đã xác định: “Đấu tranh tư tưởng, lý luận phải nhằm khẳng định và bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đa dạng hóa các hình thức đấu tranh trên cơ sở giữ vững quan điểm và nguyên tắc; mềm dẻo, linh hoạt, nhân văn trong phương pháp, công khai, minh bạch, dân chủ, góp phần tạo dư luận xã hội lành mạnh, đồng thuận. Chủ động phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch”[5].
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của quân đội
Sức mạnh chiến đấu của quân đội là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố, nhưng trong đó, yếu tố chính trị tinh thần luôn giữ vai trò nền tảng, quyết định. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”[6]. Tuy nhiên, yếu tố tạo nên sức mạnh chính trị của quân đội là sự thấu hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Theo đó, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là yếu tố tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội và ngược lại, quân đội là lực lượng quan trọng trong bảo vệ, phát triển và nâng cao giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Do vây, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị nhằm làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống chính trị, tinh thần của mỗi cán bộ, chiến sĩ là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng.
Để quân đội ta luôn là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Xung kích đi đầu trong đấu tranh bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi hỏi phải phát huy cao độ vai trò của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ ở các đơn vị trong toàn quân. Quan tấm xây dựng môi trường văn hóa ở đơn vị cơ sở, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; kiên quyết đấu tranh với các quan điểm, tư tưởng sai trái, các hành vi vô kỷ luật; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, không để cán bộ, chiến sĩ bị kẻ xấu lợi dụng, mua chuộc, lôi kéo, không để tệ nạn xã hội xâm nhập vào đơn vị./.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.65.
[2] Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 05 tháng 11 năm 2014
[3] Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 05 tháng 11 năm 2014
[4] Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 05 tháng 11 năm 2014
[5] Trích Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9-10-2014 của Bộ Chính trị khóa XI, về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030. Dẫn theo: Tạp chí Cộng sản, số 856 (11-2014), tr.7.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.217.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...