Thứ Tư, 6 tháng 10, 2021

Núp bóng “tổ chức đại diện người lao động” để chống phá Đảng, Nhà nước

Ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, trong đó quy định cho phép thành lập “tổ chức đại diện người lao động” tại doanh nghiệp ngoài công đoàn, trên cơ sở phù hợp với các quy định quốc tế về lao động và tuân thủ các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam đã tham gia. Khoản 2, Điều 170 Bộ luật Lao động năm 2019 (sửa đổi) quy định: “Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”. Đây là một vấn đề mới, chưa từng có tiền lệ trong pháp luật lao động Việt Nam.

Lợi dụng quy định này, các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu đang ra sức tuyên truyền, lôi kéo, kích động công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp thành lập “tổ chức đại diện người lao động” nhằm biến tướng thành các tổ chức “công đoàn độc lập” tại Việt Nam; từng bước tập hợp lực lượng, xây dựng ngọn cờ, kích động biểu tình, đình công, đòi tự do, dân chủ… Âm mưu của chúng là nhằm hình thành lực lượng chính trị đối lập trong nội địa, tiến tới thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” lật đổ Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ chính trị tại Việt Nam.

Để thực hiện âm mưu trên, nhiều cá nhân, tổ chức nước ngoài đang tìm cách tác động, can thiệp, gây sức ép với Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, nhất là Nghị định quy định về quy trình, thủ tục thành lập các tổ chức đại diện người lao động, hòng tạo tiền đề cho việc hình thành những đảng phái chính trị đối lập trong nước. Chúng công khai lộ trình gồm 4 giai đoạn: (1) Yêu cầu Việt Nam sớm ban hành Nghị định quy định về tổ chức đại diện người lao động; (2) từng bước tác động để người lao động thay đổi nhận thức và đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình thông qua tổ chức đại diện người lao động; (3) hình thành tổ chức “Công đoàn độc lập” để tạo ra sự cạnh tranh với Công đoàn Việt Nam; (4) khi đa nguyên công đoàn thì Việt Nam sẽ đa nguyên về chính trị. Mục tiêu trước mắt được chúng đặt ra là đến năm 2025 sẽ xuất hiện mô hình “Liên hiệp các tổ chức người lao động” tại Việt Nam để cạnh tranh trực tiếp với TLĐLĐVN, xóa bỏ vai trò “độc tôn” của TLĐLĐVN.

Một số tổ chức “xã hội dân sự” nước ngoài đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thành lập tổ chức độc lập với TLĐLĐVN tại các doanh nghiệp. Họ tìm cách gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải thực hiện một số chế độ, chính sách, quyền lợi ngoài quy định của doanh nghiệp và Bộ luật Lao động; yêu cầu cung cấp thông tin về người lao động, bảng lương; lấy lý do điều tra xã hội học phục vụ công tác nghiên cứu để tìm hiểu đời sống công nhân tại doanh nghiệp, chế độ, giờ giấc làm việc, việc đối xử của doanh nghiệp với công nhân…; lồng ghép điều khoản yêu cầu phía doanh nghiệp Việt Nam phải cam kết đồng ý thành lập ban tư vấn cải tiến doanh nghiệp (PICC) từ 8-16 người (một dạng tổ chức “công đoàn độc lập”). Các tổ chức khủng bố, phản động ráo riết đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền lôi kéo công nhân, người lao động thành lập các hội, nhóm, tổ chức bất hợp pháp trên lĩnh vực lao động, công đoàn tại các địa phương nhằm đón bắt thời cơ thành lập “Công đoàn độc lập” tại Việt Nam. Điển hình như tổ chức khủng bố Việt Tân công khai mưu đồ thành lập các “nghiệp đoàn độc lập” ở trong nước với 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Củng cố hoạt động “nhóm bạn công nhân” (được thành lập từ tháng 12/2019 trên không gian mạng với mục tiêu phát hiện, lôi kéo, kết nối số công nhân, người lao động có quan điểm chống đối đấu tranh đòi quyền lợi, làm lực lượng nòng cốt cho các “nghiệp đoàn độc lập”). Giai đoạn 2: âm mưu thành lập tổ chức phi chính phủ để thúc đẩy ra đời “nghiệp đoàn độc lập”. Giai đoạn 3: Công khai hóa tổ chức “nghiệp đoàn độc lập”. Tổ chức Lao động Việt (do Trần Ngọc Thành, Việt kiều Ba Lan làm chủ tịch) vận động tổ chức Công đoàn quốc tế công nhận là thành viên chính thức để công khai là tổ chức “công đoàn độc lập” tại Việt Nam; đồng thời kêu gọi, kích động các đối tượng ở trong nước móc nối, phát triển lực lượng trong công nhân để hình thành các hội, nhóm, “nghiệp đoàn độc lập” trong công nhân nhằm tiến hành hoạt động đình công, lãn công, biểu tình, gây rối an ninh, trật tự.

Trong khi đó, một số đối tượng phản động, phần tử xấu ở trong nước, nhất là số đối tượng cực đoan trong tôn giáo đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, thúc đẩy hình thành các tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn trong tôn giáo theo kiểu “Công đoàn đoàn kết Ba Lan” tại Việt Nam, thành lập các “công đoàn độc lập” trong các cơ sở của tôn giáo (trường học, bệnh viện, công ty, xí nghiệp…); liên kết với đại diện Tổ chức Lao động quốc tế hỗ trợ thành lập các tổ chức “công đoàn độc lập” nhằm bảo vệ quyền lợi công nhân theo đạo làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp…

Những hoạt động trên đã làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các tổ chức “công đoàn độc lập”, “nghiệp đoàn độc lập” biến tướng ở Việt Nam. Đồng thời, cũng làm xuất hiện nguy cơ “đa nguyên công đoàn”, gây chia rẽ, phân hóa giai cấp công nhân, đe dọa trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của Đảng.

Thực tiễn lịch sử ở nhiều quốc gia đã cho chúng ta thấy nhiều bài học đắt giá về việc buông lỏng quản lý đối với các phong trào công nhân, đặc biệt khi nó được dẫn dắt bởi các tổ chức công đoàn độc lập với nhà nước. Phong trào công nhân tại Ba Lan được dẫn dắt bởi “Công đoàn đoàn kết Ba Lan” (tổ chức liên hiệp của các công đoàn độc lập trong xã hội Ba Lan) những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX đã dẫn đến sự mất vai trò lãnh đạo của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan và sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Ba Lan vào năm 1989. Tại Pháp, phong trào “áo vàng” bắt nguồn từ phong trào đình công, biểu tình của công nhân phản đối chính sách về thuế, nhất là chính sách về thuế nhiên liệu của Chính phủ Pháp kéo dài từ tháng 11/2018 đến tháng 9/2020 đã dẫn đến những hậu quả rất nặng nề khi các cuộc biểu tình, bạo loạn bùng phát trên diện rộng, sau đó lan sang các quốc gia lân cận như Hà Lan, Bỉ. Tại Campuchia, tổ chức công đoàn tự do đã lôi kéo, kích động hàng chục ngàn công nhân đình công, biểu tình phản đối chính sách của chính phủ, kêu gọi Thủ tướng Hun Sen từ chức…

Có thể thấy rằng, ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, công đoàn là tổ chức rất phổ biến, ở đâu có tồn tại quan hệ lao động thì ở đó có công đoàn, không phân biệt thể chế chính trị, trình độ phát triển. Dù tên gọi, cách thức tổ chức và hoạt động của công đoàn ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ không hoàn toàn giống nhau, nhưng đều có điểm chung là đại diện cho quyền lợi của người lao động. Quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam là bảo đảm quá trình hình thành và hoạt động của hệ thống các tổ chức đại diện người lao động lành mạnh, song hành cùng hệ thống Công đoàn Việt Nam, cùng thực hiện đồng bộ, thống nhất chức năng, nhiệm vụ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động. Tính đến trước thời điểm làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, Việt Nam có khoảng 14 triệu lao động đang làm việc tại các loại hình doanh nghiệp, trong đó có hơn 10,5 triệu đoàn viên công đoàn, trong đó hiện vẫn còn hàng triệu công nhân, người lao động chưa quan tâm hoặc chưa tìm được tổ chức đại diện cho mình.

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực, hệ thống Công đoàn Việt Nam vẫn chưa thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân, người lao động dẫn đến nhiều nơi tỉ lệ công nhân, người lao động tham gia công đoàn chưa cao. Đây sẽ là điều kiện mà các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu lợi dụng nhằm lôi kéo, kích động công nhân, người lao động thành lập các “tổ chức đại diện người lao động”, âm mưu tập hợp lực lượng, thúc đẩy sớm ra đời tổ chức “công đoàn độc lập”, “nghiệp đoàn độc lập” tại Việt Nam nhằm tạo dựng lực lượng chính trị đối lập, tiến tới thực hiện mưu đồ thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam. Bởi vậy, hơn lúc nào hết chúng ta cần tỉnh táo, cảnh giác để nhận diện và đấu tranh với thủ đoạn nguy hiểm này. Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho công nhân, người lao động nắm rõ mục đích, ý nghĩa việc tham gia Công đoàn, đồng thời nhận diện âm mưu của kẻ xấu lợi dụng việc kêu gọi thành lập các tổ chức công đoàn độc lập, giúp công nhân tẩy chay, loại trừ.

Tỉnh táo trước thông tin độc hại

Để chuẩn bị cho giải đoạn mới mở cửa nền kinh tế, tiến tới chung sống với dịch COVID-19, người dân cần phải làm gì trước thông tin xuyên tạc sai sự thật, kích động của kẻ xấu? Theo chúng tôi, cần lưu ý một số nội dung sau:

Trước hết, khi tiếp cận những thông tin không rõ nguồn trên mạng Internet cần thận trọng; với thông tin xuyên tạc, sai sự thật, kích động của các thế lực thù địch và các tổ chức phản động, người dân cần hết sức bình tĩnh, chắt lọc, đối chiếu với thông tin chính thống để tìm ra những điểm bất hợp lý, điểm sai trái không đúng sự thật, tránh biến mình thành công cụ phát tán thông tin giả, gây hoang mang dư luận. Việc không share, like, comment những thông tin trên cũng góp phần kiểm soát dịch bệnh.

Không nghe theo kẻ xấu kích động mà cần làm đúng theo hướng dẫn của chính quyền, hợp tác với chính quyền và cơ quan chức năng trong khai báo y tế, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh, hạn chế tụ tập đông người, tham gia sàng lọc khi có yêu cầu và tiêm vaccine để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và cộng đồng, góp phần sớm đưa Việt Nam bước vào giai đoạn sống chung với dịch COVID-19.

Tỉnh táo, cảnh giác trước những lời lẽ kích động, xúi giục của số đối tượng chống phá. Đừng vì lợi ích viển vông mà tự hủy hoại tính mạng, sức khỏe, tự đạp đổ “chén cơm” của mình, khiến mình rơi vào vòng lao lý và làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của bản thân, cùng sẻ chia khó khăn với đồng bào và đất nước. Với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, Việt Nam chúng ta đã và đang đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước phục hồi kinh tế.

Âm mưu đen tối, lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để chống phá Đảng, nhà nước ta

Trước sự quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân, các thế lực thù địch tiếp tục tìm cách chống phá, bóp méo, chỉ trích công tác phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước ta nhằm hướng lái dư luận và sự chú ý của quần chúng theo âm mưu, ý đồ của chúng, tiến tới kích động biểu tình, bạo loạn.

Việc Việt Nam tiếp tục đứng vững trong đợt dịch lần thứ 4 và đang dần dần ổn định tiến tới tiêm chủng toàn dân để sống chung với dịch COVID-19 khiến cho các thế lực thù địch tỏ ra “thất vọng” và tiếp tục tìm cách chống phá.

Để phủ nhận công sức của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống dịch COVID-19 cũng như gây hoang mang cho người dân trước việc Việt Nam đang chuẩn bị từng bước cho việc mở cửa dần dần kinh tế - xã hội, các đối tượng bịa đặt, đưa thông tin sai trái, lợi dụng một số sai sót trong phòng, chống dịch của Việt Nam để xuyên tạc, thổi phồng. Đó là việc đưa thông tin trên mạng xã hội những số liệu không chính xác; cho rằng “nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hoàn toàn bất lực trong chống dịch nên bắt dân phải sống chung với COVID-19”, vu cáo “chính quyền hoàn toàn không quan tâm gì đến người dân sống khổ sở trong thời đại dịch ra sao, chỉ nghĩ làm sao moi tiền dân bằng mọi cách”.

Thậm chí, các thế lực thù địch và các tổ chức phản động còn trắng trợn bịa đặt: “Nhìn Việt Nam mà lo, chỉ thương cho đồng bào chưa chết vì dịch thì nhiều người đã có khả năng chết vì đói. Suốt mùa dịch người dân chả nhận được sự hỗ trợ nào của Nhà nước thì chớ, lại còn bị bóp họng bắt phải đóng góp tiền mua vaccine”! Từ đó, chúng hướng đến kích động “thương cho người Việt mình còn phải tiếp tục chịu đựng cái Đảng cầm quyền bất lực, tham lam này cho đến bao giờ”!

Tráo trở hơn, các đối tượng còn cắt ghép nhiều hình ảnh xe bọc thép tung lên mạng để xuyên tạc về lực lượng Quân đội, Công an, cho rằng chính quyền huy động các lực lượng này để “đàn áp nếu dân đói xuống đường đòi quan chức mở kho lương”, vu cáo “Quân đội hiện diện khắp đường phố Sài Gòn là để o ép dân chứ không phải chống dịch”! Không chỉ tung thông tin xuyên tạc, bịa đặt trên các nền tảng mạng xã hội ở trong nước, các đối  tượng còn đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc trên các trang thông tin nước ngoài nhằm hạ uy tín của Việt Nam, khiến cho bè bạn quốc tế có cái nhìn không đúng về công tác phòng, chống dịch của nước ta. Đồng thời thông qua đó gián tiếp tác động đến hoạt động ngoại giao vaccine của Việt Nam.

Theo cơ quan chức năng, trong thời gian qua, các tổ chức phản động ở bên ngoài tiếp tục duy trì, lập mới hàng nghìn website, blog, fanpage Facebook trên không gian mạng nhằm đẩy mạnh chiến dịch “chiến tranh tâm lý”, tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước; xuyên tạc chia rẽ nội bộ, gieo rắc tâm lý hoang mang, hoài nghi, bất bình trong nhân dân đối với chế độ.

Điểm mới trong phương thức, thủ đoạn tuyên truyền phá hoại tư tưởng so với trước là: Các thế lực thù địch và các tổ chức phản động lưu vong triệt để lợi dụng những thành tựu tiên tiến của khoa học công nghệ, ứng dụng các loại hình dịch vụ mới trên không gian mạng để đăng tải, phát tán thông tin sai trái, thù địch trên diện rộng với nhiều bình luận phức tạp. Sử dụng ứng dụng thoại trên Internet, thư điện tử, phần mềm chuyên dụng, mạng xã hội để hoạt động chống phá.

Chúng lập các nhóm kín trên mạng xã hội, phân chia theo khu vực địa lý để tập hợp lực lượng trong nước tham gia tổ chức, chỉ đạo chống phá. Các đối tượng chống đối, bất mãn, khiếu kiện, lợi dụng tôn giáo thường xuyên liên hệ, trao đổi qua mạng với các đối tượng phản động lưu vong để nhận sự giúp đỡ hoặc trả lời phỏng vấn, phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội.

Đặc điểm chung của hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc về sự chuẩn bị của Đảng, Nhà nước ta cho giai đoạn phòng, chống dịch trong tình hình mới và hướng tới mở cửa nền kinh tế, chung sống với dịch bệnh là bác bỏ, phủ nhận các chủ trương, chính sách chống dịch của Đảng, Nhà nước; đồng thời cố tình hướng lái sự hy sinh, vất vả, nguy hiểm mà các lực lượng đang ngày đêm quên mình chống dịch như lực lượng Y tế, Công an, Quân đội…, kích động người dân không thực hiện các quy định trong phòng, chống dịch. Trong đó phải kể đến một số thủ đoạn, âm mưu nguy như:

Lợi dụng việc triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ tại các địa phương có diễn biến dịch phức tạp để tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo về quyền tự do đi lại, vu cáo “ngăn sông cấm chợ”... gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. Chúng phỏng vấn một số trường hợp người lao động tự do rồi cắt ghép nội dung, đổi trắng thay đen hòng “củng cố” cho những luận điệu xuyên tạc của mình.

Xuyên tạc về công tác điều trị dịch bệnh, cho rằng chính quyền không chủ động trong ứng phó dịch bệnh mà nay lại tìm cách “sống chung với dịch” là bỏ mặc dân. Phỏng vấn trực tiếp, tạo hiệu ứng đám đông cho các đối tượng chống đối cộm cán trong nước với danh nghĩa “chuyên gia”, người “uy tín” và những đối tượng là người nước ngoài không có thiện cảm với Việt Nam, sau đó phát tán rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội, phương tiện truyền thông ngoài nước. Sử dụng video, clip bị cắt xén, lồng ghép những hình ảnh, âm thanh xuyên tạc về dịch COVID-19 gây hoang mang dư luận; đăng bài viết có tiêu đề giật gân nhưng nội dung thì xáo lại chuyện cũ nhằm tăng tỉ lệ tương tác, lượt like, câu “view”, tư lợi, “đánh bóng tên tuổi”…

Australia sẽ hỗ trợ cho Việt Nam thêm 3,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19

Chiều ngày 6/10, tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã diễn ra lễ bàn giao 300.000 liều vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca; 614.000 khẩu trang N95 và khẩu trang phẫu thuật; 40.800 bộ quần áo bảo hộ của Chính phủ Australia hỗ trợ cho Việt Nam.

Cùng với lô vaccine hơn 400.000 liều đã trao trước đó, tổng số vaccine phòng COVID-19 Australia hỗ trợ cho Việt Nam đến nay lên hơn 700.000 liều. Đây là lô vaccine thứ 2 trong cam kết của Australia hỗ trợ 1,5 triệu liều AstraZeneca cho Việt Nam để chống dịch COVID-19 trong năm 2021.

Tại buổi bàn giao, Đại sứ Mudie thông báo Australia sẽ tăng cường hỗ trợ cho Việt Nam thêm 3,7 triệu liều vaccine COVID-19, thông qua UNICEF mua và cung ứng cho Bộ Y tế Việt Nam. Hỗ trợ này sẽ nâng số lượng vaccine Australia đóng góp cho Việt Nam lên khoảng 5,2 triệu liều. Hiện nay, tổng giá trị cam kết của Australia trong việc hỗ trợ Việt Nam tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 là 60 triệu dollar Australia.

Trong thông báo về việc hỗ trợ thêm vaccine, Đại sứ Mudie cho biết: “Với tư cách là một người bạn và đối tác thân thiết, Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19”.

Ngoài việc hỗ trợ phân phối vaccine tại Việt Nam, Australia đang hợp tác với UNICEF để hỗ trợ nâng cấp dây chuyền lạnh, đào tạo cho nhân viên y tế, hỗ trợ truyền thông ở các tỉnh vùng sâu vùng xa của Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường gửi lời cảm ơn Chính phủ và nhân dân Australia đã chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19. Trong thời gian qua, hợp tác giữa 2 nước về lĩnh vực y tế được tăng cường.

Chia sẻ về việc Chính phủ và nhân dân Australia sẽ hỗ trợ Việt Nam thêm 3,7 triệu liều vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Đây là sự giúp đỡ rất cần thiết, quý báu để chào mừng 48 năm, thúc đẩy mạnh mẽ hơn mối quan hệ ngoại giao giữa 2 nước và giúp Việt Nam tiếp cận được thêm nhiều nguồn vaccine để phục vụ phòng chống dịch. 

Bộ Y tế sẽ nhanh chóng phân bổ 300.000 liều vaccine AstraZeneca và trang thiết bị bảo hộ tiếp nhận hôm nay đến các cơ sở y tế, các địa phương để phục vụ phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả.

Nguồn: Báo QĐND

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...