Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

Tăng cường 410 cán bộ, thầy thuốc quân y vào phía Nam phòng, chống dịch Covid-19

Thực hiện quyết định của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, ngày 4-12, Học viện Quân y và 3 viện, bệnh viện quân đội đã tổ chức lễ xuất quân, điều động 410 cán bộ, bác sĩ, học viên, nhân viên quân y tăng cường giúp các địa phương trên địa bàn Quân khu 7, Quân khu 9 phòng, chống dịch Covid-19.

 Cán bộ, học viên Học viện Quân y lên đường vào các tỉnh phía Nam chống dịch

Cụ thể, trong buổi sáng và chiều 4-12, Học viện Quân y đã tổ chức xuất quân, tăng cường 311 cán bộ, học viên quân y, chia làm hai đoàn công tác lên đường vào làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 7 và Quân khu 9.

Lãnh đạo Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần) động viên, căn dặn các cán bộ, bác sĩ, nhân viên trước khi lên đường vào miền Nam làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: THẮNG GIÁP 

Cũng trong ngày, Viện Y học cổ truyền Quân đội và Bệnh viện Quân y 354, Bệnh viện Quân y 105 (Tổng cục Hậu cần) đã tổ chức xuất quân điều động tổng số 99 cán bộ, bác sĩ, nhân viên tăng cường làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tại các địa phương trên địa bàn Quân khu 9.

Theo quyết định điều động, 410 cán bộ, bác sĩ, nhân viên, học viên quân y của các đơn vị trên sẽ được chia thành 133 tổ quân y, trong đó, 122 tổ quân y được biên chế 3 thành viên, các tổ còn lại biên chế gồm 4 thành viên.

Trong số này, 67 tổ quân y cơ động thuộc Học viện Quân y, mỗi tổ 3 thành viên sẽ trực tiếp tham gia phòng, chống dịch tại địa bàn Quân khu 7. Lực lượng còn lại là các tổ hồi sức, truyền nhiễm sẽ được phân bố làm nhiệm vụ tại các tỉnh trên địa bàn Quân khu 9.

Nhiệm vụ chính của các tổ quân y là hỗ trợ địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; trực tiếp tham gia điều trị và chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại nhà; phối hợp với lực lượng y tế địa phương phát hiện triệu chứng, hướng dẫn người dân phương pháp tự chăm sóc, điều trị; kịp thời phát hiện các F0 có diễn biến chuyển nặng để xử trí, cấp cứu kịp thời.

Được biết, hầu hết cán bộ, bác sĩ, nhân viên quân y được tăng cường phòng, chống dịch tại các tỉnh phía Nam lần này đều có kinh nghiệm, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức, ý thức kỷ luật tốt. Riêng Học viện Quân y, hầu hết các đồng chí tham gia phòng, chống dịch lần này đều là bác sĩ và sinh viên năm cuối; rất nhiều cán bộ, học viên đã từng tham gia tăng cường chống dịch tại tỉnh Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đợt điều động, tăng cường lực lượng cán bộ, nhân viên, học viên Quân y giúp các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch Covid-19 thêm một lần nữa thể hiện vai trò, tinh thần xung kích, đi đầu, hết lòng vì nhân dân phục vụ của lực lượng Quân đội trong mọi hoàn cảnh.

Đây cũng là sự tiếp nối tinh thần “Bộ đội chủ động tìm đến với nhân dân chứ không để nhân dân khó khăn tìm đến bộ đội” đã được những người lính Cụ Hồ thực hiện trong suốt thời gian qua.

Nguồn: Báo QĐND

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Mối quan hệ Việt Nam-Lào là tài sản vô giá

Tối 6-12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phu nhân đã chủ trì chiêu đãi trọng thể chào mừng đồng chí Xaysomphone Phomvihane, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào thăm chính thức Việt Nam từ ngày 6 đến 8-12-2021.

Cùng tham dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo ban, bộ, ngành. Phía Lào có các thành viên trong Đoàn và một số cán bộ Đại sứ quán Lào tại Việt Nam…

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nồng nhiệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội Xaysomphone Phomvihane cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội sang thăm chính thức Việt Nam.

Bày tỏ tự hào về mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng Việt Nam - Lào, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là tài sản vô giá cần được nâng niu, trân trọng và truyền lại cho các thế hệ mai sau. Nhân dân Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc rằng, mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay đều gắn liền với tình đoàn kết, sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình của nhân dân Lào anh em. Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Việt Nam bày tỏ sự cảm ơn chân thành, sâu sắc tới Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Lào về những tình cảm và sự giúp đỡ quý báu đó.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang phát triển hết sức nhanh chóng, phức tạp và khó lường, tình cảm thủy chung, son sắc giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt - Lào không bao giờ thay đổi và ngày càng được củng cố, ăn sâu, bám rễ trong mỗi tầng lớp nhân dân như Chủ tịch Kaysone Phomvihane từng nói: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào-Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.

Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane bày tỏ vui mừng thăm chính thức Việt Nam ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Lào khóa IX. Đồng chí đánh cao giá kết quả cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ diễn ra sáng 6-12.

Hội đàm diễn ra trong bầu không khí thắm tình hữu nghị, đồng chí, anh em. Hai bên đã cùng trao đổi thẳng thắn, thống nhất nhiều nội dung nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp hai nước. Trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo Quốc hội hai nước đã tham dự hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác giữa Quốc hội hai nước, trong đó thảo luận, trao đổi những kinh nghiệm trong lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane cùng chúc cho quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Nhân dịp này, thông qua Chủ tịch Quốc hội Xaysomphone Phomvihane và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng 5 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân Lào trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới

Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và phát huy truyền thống, bản sắc ngoại giao hòa hiếu, giàu tính nhân văn của dân tộc, đường lối đối ngoại của Đảng ta luôn được phát triển và hoàn thiện trong các giai đoạn cách mạng. Trên cơ sở kế thừa đường lối đối ngoại qua các kỳ đại hội Đảng trong thời kỳ đổi mới, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại của Đảng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. 

Phát huy mạnh mẽ tư duy đổi mới được khởi xướng từ Đại hội VI (năm 1986), đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia- dân tộc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đối ngoại thời kỳ đổi mới và được nhận thức ngày càng sâu sắc.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác" , Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc lợi ích quốc gia- dân tộc là mục tiêu cao nhất của đối ngoại. Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX (năm 2003) lần đầu tiên nêu rõ các thành tố cơ bản của lợi ích quốc gia- dân tộc. Từ Đại hội XI (năm 2011), Đảng khẳng định lợi ích quốc gia- dân tộc là mục tiêu cao nhất của đối ngoại, trong đó lợi ích giai cấp, lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc thống nhất với nhau trong lợi ích quốc gia- dân tộc.

Trong thời kỳ đổi mới, đối ngoại luôn thực hiện nhiệm vụ bao trùm và thường xuyên là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các yếu tố quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước. Nhiệm vụ này được nhận thức ngày càng sâu sắc qua các nhiệm kỳ đại hội Đảng.  Nghị quyết 13 Bộ Chính trị khóa VI (năm 1988) khởi đầu quá trình đổi mới tư duy và đường lối đối ngoại, đề ra nhiệm vụ tranh thủ ủng hộ quốc tế và xu thế quốc tế hóa để phát triển đất nước. Đến Đại hội XII (năm 2016), Đảng khẳng định rõ nhiệm vụ của đối ngoại gồm ba thành tố an ninh, phát triển và vị thế đất nước.

Từ chủ trương "thêm bạn, bớt thù", Đảng đã phát triển thành hệ thống quan điểm, phương châm chỉ đạo xuyên suốt đối ngoại Việt Nam thời kỳ đổi mới là nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa; "là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế"; nắm vững hai mặt đối tác- đối tượng, vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên định nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, nhưng linh hoạt, khôn khéo về sách lược, "dĩ bất biến, ứng vạn biến"... Cơ chế thực hiện đối ngoại là phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng và quản lý tập trung của Nhà nước.

Với nhận thức Việt Nam là một bộ phận của thế giới, hội nhập kinh tế quốc tế (Đại hội IX) được triển khai mạnh mẽ, sau đó mở rộng sang các lĩnh vực khác và hình thành chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế (Đại hội XI). Chủ trương này là định hướng chiến lược lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị. Nhận thức về quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc, trong đó nhất quán kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nội lực là quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng.

Đối ngoại song phương và đa phương từng bước điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện. Từ "tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa"  (Đại hội VI) đến hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi. Từ tham gia các diễn đàn quốc tế đến "nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hoặc hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược” .

Việc thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng đã góp phần rất quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước. Đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện gồm tất cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và 17 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20)… Từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung và khép kín, đến nay Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có liên kết kinh tế sâu rộng, đã ký và tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương khoảng 200% GDP, thu hút khoảng 400 tỷ USD vốn FDI đăng ký, v.v…

Việt Nam là thành viên của hầu hết tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương quan trọng, đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn cũng như hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế như Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (2008-2009 và 2020-2021), Hội nghị cấp cao ASEAN (1998, 2010 và 2020), Hội nghị cấp cao ASEM (2004), Hội nghị thượng đỉnh APEC (2006, 2017), Diễn đàn Kinh tế giới về ASEAN (2018), Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên (2019), cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, v.v…

Những thành tựu đối ngoại nói trên là kết tinh nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, là điểm sáng trong thành tựu chung của đất nước như Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, trong đó có đóng góp rất quan trọng của đối ngoại, bao gồm đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Trên cơ sở đánh giá toàn diện thành tựu, bài học, thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới, bối cảnh quốc tế và trong nước, thời cơ chiến lược cũng như thách thức đặt ra đối với đất nước, Đại hội XIII tiếp tục kế thừa những nội dung xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng ta thời kỳ đổi mới, đồng thời phát triển và bổ sung nhiều nội dung mới để đối ngoại đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

1. Về đánh giá, dự báo tình hình thế giới, Đại hội XIII kế thừa những nhận định lớn của các kỳ đại hội Đảng trước đây, nhất là Đại hội XII, về các đặc điểm có tính quy luật và xu thế lâu dài của thế giới, song cập nhật, điều chỉnh phù hợp với tình hình mới. Đại hội XIII khẳng định hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế lớn, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, song nhấn mạnh các xu thế này đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn do “thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo”; Châu Á- Thái Bình Dương có vai trò ngày càng quan trọng, nhưng chỉ rõ đây là khu vực “tiềm ẩn nhiều bất ổn”, v.v… Trong bối cảnh nhiều thách thức an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp, Đảng nhận định tác động của đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, “làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới” . Thực tiễn tình hình quốc tế từ Đại hội XIII đến nay đã cho thấy những nhận định nói trên của Đảng là đúng đắn. 

Một điểm mới là, trên cơ sở đánh giá Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Đại hội XIII đã đưa việc tranh thủ thành tựu của cuộc cách mạng này vào nội hàm quan điểm phát triển đất nước, trên cơ sở đó xác định rõ “đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” là một định hướng lớn trong chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030.

Bên cạnh tiếp tục nhận định thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhau, Đại hội XIII nêu rõ tình hình thế giới "đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn" đối với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, dự báo đúng tình hình, chủ động trước mọi tình huống. Do đó, vai trò của đối ngoại càng quan trọng, nhiệm vụ càng nặng nề, nhất là vai trò tiên phong trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, tranh thủ thời cơ và nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.

2. Về mục tiêu đối ngoại, Đại hội XIII khẳng định "bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc", tức là đặt lợi ích quốc gia- dân tộc lên trước hết và trên hết; đồng thời, chỉ ra nguyên tắc chung là phải luôn nỗ lực đạt được lợi ích quốc gia- dân tộc tới mức cao nhất có thể. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia- dân tộc không có nghĩa nước ta theo chủ nghĩa dân tộc vị kỷ. Đại hội XIII nhấn mạnh thúc đẩy lợi ích quốc gia- dân tộc phải "trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi", cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Trong giai đoạn hiện nay, lợi ích quốc gia- dân tộc cao nhẩt là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, Đại hội XIII bổ sung bảo đảm an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xã hội trật tự, kỷ cương cũng là những lợi ích quan trọng của quốc gia- dân tộc. Các thành tố nói trên có quan hệ chặt chẽ, tương hỗ và thống nhất với nhau, không thể coi nhẹ thành tố nào, đồng thời là căn cứ quan trọng nhất để xác định đối tác- đối tượng, hợp tác- đấu tranh trong đối ngoại, là "bất biến" để ứng phó với tình hình diễn biến nhanh, phức tạp.

3. Về vị trí, vai trò và nhiệm vụ của đối ngoại, điểm mới nổi bật trong đường lối đối ngoại Đại hội XIII là lần đầu tiên Đảng xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của đối ngoại trong "tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước". Các nhiệm vụ này quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn lấy ngoại giao hòa hiếu làm thượng sách giữ nước. Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đối ngoại đi đầu tạo thế "vừa đánh, vừa đàm", tranh thủ ủng hộ quốc tế, phá bao vây cấm vận, mở ra cục diện phát triển mới cho đất nước. Trong công cuộc đổi mới, đối ngoại “đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước" . Như vậy, việc khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại trong văn kiện Đại hội XIII là bước phát triển mới về tư duy đối ngoại của Đảng trên cơ sở vận dụng sáng tạo tư tưởng giữ nước mang tính chủ động cao của dân tộc, đúc kết thực tiễn phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Trước hết, vai trò tiên phong thể hiện ở việc đối ngoại đánh giá, dự báo tình hình, nhận diện thời cơ và thách thức để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, nhanh nhạy phát hiện các vấn đề mới, tham mưu chiến lược, thúc đẩy đổi mới tư duy, tìm hướng đi thuận lợi cho phát triển đất nước. Vì vậy, Đại hội XIII nhấn mạnh “tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại, không để bị động, bất ngờ”. Nhiệm vụ này rất quan trọng, bởi chỉ có "biết mình", "biết người", "biết thời thế" mới có thể tranh thủ thời cơ, thuận lợi để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong một thế giới vận động không ngừng, phức tạp và khó lường.

Hai là, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó có đối ngoại. Đặc thù của đối ngoại là sử dụng các phương thức, biện pháp hòa bình để ngăn ngừa, hóa giải và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, qua đó góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia.

Phát huy truyền thống giữ nước của ông cha ta là "hòa ở trong nước thì ít phải dùng binh, hòa ở ngoài biên thì không sợ báo động", Đại hội XIII khẳng định tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là với các nước láng giềng, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, “tạo thế đan xen lợi ích” và “tăng độ tin cậy”. Việc thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ giúp củng cố vững chắc cục diện đối ngoại ổn định, thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, đối ngoại cùng quốc phòng, an ninh giữ vững đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, tìm kiếm và phát huy điểm đồng về lợi ích để thúc đẩy hợp tác, linh hoạt và sáng tạo trong xử lý các tranh chấp trên cơ sở lợi ích quốc gia- dân tộc và luật pháp quốc tế; trong đó, tiếp tục thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982.

Ba là, tiên phong huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước. Một trong những lợi ích cơ bản của nước ta hiện nay là phấn đấu thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, phát triển đất nước là mục tiêu xuyên suốt mọi hoạt động đối ngoại, theo đó tất cả trụ cột, binh chủng đối ngoại đều nỗ lực đóng góp vào thực hiện tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước, trong đó ngoại giao kinh tế là nòng cốt. Như vậy, cùng với tư duy tiên phong, tư duy phát triển là điểm mới trong tư duy đối ngoại của Đảng tại Đại hội XIII.

Quán triệt “phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm”, đối ngoại tiếp tục tranh thủ hiệu quả các yếu tố quốc tế thuận lợi, các FTA đã ký và các cam kết, thỏa thuận quốc tế nhằm mở rộng thị trường, thu hút tri thức, công nghệ và đầu tư phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần tăng cường năng lực tự chủ của nền kinh tế và sức mạnh tổng hợp quốc gia. Đối ngoại cũng tranh thủ các mối quan hệ chính trị tốt đẹp để xử lý các vấn đề phức tạp trong hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vai trò tiên phong của đối ngoại đã được phát huy và thể hiện rõ qua hoạt động “ngoại giao vắc-xin”, tranh thủ sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của quốc tế về vắc-xin, thiết bị y tế và thuốc điều trị, đóng góp quan trọng vào phòng, chống, thích ứng an toàn với Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội.

Bốn là, tiên phong mở đường, đồng hành, phục vụ lợi ích của người dân, địa phương và doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế. Một điểm mới là Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2021-2030 đề ra định hướng “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm”. Đây là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng “lấy dân là gốc” trong đối ngoại, bởi việc thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại xét đến cùng là nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại và phát triển kinh tế- xã hội, đối ngoại kiến tạo môi trường quốc tế thuận lợi, mở đường, đồng hành, hỗ trợ người dân, địa phương và doanh nghiệp tranh thủ tối đa cơ hội, lợi ích và giảm thiểu rủi ro, vượt qua thách thức của hội nhập quốc tế; đồng thời, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Năm là, tiên phong nâng cao vị thế và uy tín đất nước thông qua phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải, đảm nhận tốt các trọng trách quốc tế, đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quan tâm chung của thế giới. Đại hội XIII xác định đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Công và các khuôn khổ hợp tác cũng như trong những vấn đề quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện của đất nước. Bên cạnh đó, việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại, bảo hộ công dân, ngoại giao văn hóa, triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài cũng góp phần quan trọng nâng cao hình ảnh, vị thế và uy tín đất nước.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “mọi việc thành công bởi chữ đồng”, đối ngoại chỉ có thể thực hiện tốt vai trò tiên phong khi được đặt trong tổng thể đối nội- đối ngoại, có được sự phối hợp chặt chẽ, đoàn kết và đồng thuận của các cấp, các ngành và toàn dân, trong đó điểm đồng ở đây là cùng nhau bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc. Có như vậy, mới phát huy được sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

4. Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng là định hướng bao trùm của đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Thứ nhất, tính đồng bộ thể hiện ở sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các trụ cột đối ngoại, bao gồm đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa các mối quan hệ với các đối tác, các lĩnh vực, nhất là đối ngoại quốc phòng, an ninh, giữa song phương và đa phương… Thứ hai, tính sáng tạo đòi hỏi đối ngoại không ngừng đổi mới, linh hoạt, khôn khéo xử lý các vấn đề phức tạp, tìm hướng đi, cách làm mới với “tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi những tư duy, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế” . Đương nhiên, sáng tạo phải trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, kiên định mục tiêu chiến lược. Thứ ba, tính hiệu quả thể hiện ở việc đưa các quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất, thiết thực, huy động và kết hợp hiệu quả các nguồn lực bên ngoài với nguồn lực trong nước để phục vụ tốt nhất phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu ngày càng cao về tăng cường tính đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả trong hoạt động đối ngoại.

Về hội nhập quốc tế, Đại hội XIII đặt ra yêu cầu về tính “toàn diện” và “sâu rộng”. Đó là, hội nhập quốc tế qua tất cả các kênh Đảng, Nhà nước và nhân dân, song phương và đa phương, ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Không chỉ rộng mở về không gian, hội nhập quốc tế tiếp tục đi vào chiều sâu, triển khai các cam kết quốc tế, trong đó thực hiện hiệu quả các cam kết sâu rộng của các FTA thế hệ mới, “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế” vì lợi ích quốc gia- dân tộc và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

5. Để đối ngoại phát huy vai trò tiên phong và hoàn thành tốt các định hướng, nhiệm vụ nói trên, Đại hội XIII đề ra chủ trương “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân” . Chủ trương mới này phản ánh sự trưởng thành của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đồng thời cũng là một yêu cầu mới vừa mang tính chiến lược, lâu dài, vừa mang tính cấp thiết đối với đối ngoại và ngành ngoại giao trong bối cảnh mới.

Tính toàn diện của nền ngoại giao Việt Nam thể hiện ở chủ thể thực hiện đối ngoại bao gồm cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân; trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế- xã hội; với tất cả đối tác, địa bàn, khu vực, trọng tâm là đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước láng giềng, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương quan trọng có tầm chiến lược.

Tính hiện đại thể hiện ở tính chất nền ngoại giao Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống, bản sắc ngoại giao của dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, đường lối đối ngoại của Đảng qua các thời kỳ và tinh hoa ngoại giao thời đại; ở vận hành nền ngoại giao trong khuôn khổ thể chế ngày càng hoàn thiện, gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; ở tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả với phương thức hoạt động khoa học, chuẩn hóa và số hóa, có năng lực đổi mới, sáng tạo và chủ động thích ứng với chuyển biến mau lẹ của tình hình.

Nền ngoại giao Việt Nam với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân luôn đặt dưới lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng và sự quản lý tập trung của Nhà nước. Dù có vị trí, chức năng, vai trò và lợi thế khác nhau, nhưng ba trụ cột đối ngoại có quan hệ rất chặt chẽ và bổ trợ lẫn nhau bởi cùng thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng với mục tiêu chung vì lợi ích quốc gia- dân tộc. Điều này phản ánh bản chất nền ngoại giao Việt Nam là sự tổng hòa, thống nhất giữa tính đảng, tính quốc gia- dân tộc và tính dân chủ- nhân dân. Việc triển khai đồng bộ, phối hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân sẽ phát huy thế mạnh của từng trụ cột đối ngoại, tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam. Đây vừa là truyền thống và bài học quý báu, vừa là nghệ thuật “tập hợp lực lượng” độc đáo của đối ngoại cách mạng Việt Nam cần tiếp tục gìn giữ và phát huy trong giai đoạn mới.

Để xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, bên cạnh tiếp tục củng cố, hoàn thiện cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các trụ cột, cơ quan đối ngoại, một trong những điều cốt yếu là cần có đội ngũ cán bộ đối ngoại toàn diện về bản lĩnh, phẩm chất và trí tuệ, hiện đại về phong cách và phương pháp làm việc, đổi mới, sáng tạo, ngang tầm với thời đại. Trong lịch sử dân tộc, chúng ta có nhiều nhà ngoại giao xuất sắc, là những tấm gương tiêu biểu về lòng yêu nước, bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, tài trí và phong cách, nghệ thuật ngoại giao. Trước yêu cầu mới về xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, cần tiếp tục đặc biệt coi trọng công tác cán bộ đối ngoại, nhất là cơ chế, chính sách và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại toàn diện về phẩm chất, trình độ và năng lực. Thế hệ cán bộ đối ngoại và ngoại giao hôm nay phát huy truyền thống vẻ vang, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, không ngừng phấn đấu, nâng tầm trí tuệ, vững vàng, tự tin, kiên định và đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.  

Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại của Đảng ta thời kỳ đổi mới, là kim chỉ nam cho triển khai đối ngoại đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả trong thời gian tới. Để các chủ trương, định hướng đối ngoại của Đại hội XIII đi vào cuộc sống, cần sớm có chiến lược tổng thể về đối ngoại gắn kết chặt chẽ với chiến lược bảo vệ Tổ quốc và chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, trên cơ sở đó thống nhất nhận thức và hành động, xây dựng và triển khai các chiến lược, đề án, kế hoạch, biện pháp đối ngoại trong từng lĩnh vực, với từng đối tác. Có như vậy, sẽ phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn dân để đối ngoại đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra./.

Bùi Thanh Sơn

Ủy viên Trung ương Đảng

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc (02 - 04/12/2021), ngày 02/12/2021, tại thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hội đàm với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi (Vương Nghị). Trong không khí hữu nghị, thẳng thắn, xây dựng, hai bên trao đổi ý kiến về các biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc thời gian tới, đồng thời thảo luận về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Xi Jinping (Tập Cận Bình), Thủ tướng Quốc vụ viện Li Keqiang (Lý Khắc Cường), Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Nhân đại Trung Quốc Li Zhanshu (Lật Chiến Thư) và các đồng chí Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc; chúc mừng thành công của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc; chúc Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội XX và các sự kiện quan trọng khác trong năm 2022.

Tại hội đàm, hai bên đánh giá cao những bước phát triển trong quan hệ hai nước năm qua, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đặc biệt là, Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước duy trì tiếp xúc thường xuyên, định ra phương hướng lớn trong hợp tác giữa hai Đảng, hai nước và tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực; giao lưu giữa các Bộ, ngành, địa phương diễn ra thường xuyên; hợp tác kinh tế duy trì đà tăng trưởng tích cực với kim ngạch thương mại 10 tháng đầu năm đạt 133,65 tỷ USD, tăng 30%, vượt kim ngạch của cả năm 2020. Hai bên nhất trí cho rằng, việc Việt Nam và Trung Quốc tăng cường hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí thúc đẩy giao lưu, tiếp xúc cấp cao, phát huy vai trò các cơ chế giao lưu, hợp tác kênh Đảng, Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương, triển khai hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại cũng như những lĩnh vực hai bên có nhiều tiềm năng.

Hai bên đi sâu trao đổi về các biện pháp phối hợp cụ thể trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm duy trì các hoạt động giao thương, hợp tác kinh tế. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác phòng chống dịch Covid-19, nhất là hợp tác vắc-xin và điều trị bệnh; đề nghị Trung Quốc tạo thuận lợi về thủ tục thông quan cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản qua các cửa khẩu biên giới, tránh tình trạng ách tắc cửa khẩu biên giới vào thời điểm cuối năm; mở rộng các mặt hàng hoa quả xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam, góp phần cân bằng cán cân thương mại song phương và duy trì chuỗi cung ứng và sản xuất của hai nước; phối hợp thúc đẩy một số dự án về dân sinh do Trung Quốc viện trợ đạt tiến triển và sớm đưa vào sử dụng.

Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với với Việt Nam trong công tác phòng chống dịch, bao gồm hợp tác về vắc-xin; đồng thời tuyên bố Trung Quốc sẽ cung cấp thêm khoản viện trợ 20 triệu NDT mua sắm thiết bị, vật tư y tế phòng dịch và 500 nghìn liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho các địa phương của Việt Nam.

Coi trọng quan tâm của Việt Nam về cân bằng thương mại, Bộ trưởng Vương Nghị khẳng định, Trung Quốc sẽ mở rộng nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam có ưu thế, nhất là nông sản; sẽ khuyến khích doanh nghiệp có thực lực của Trung Quốc đầu tư vào các dự án lớn, công nghệ cao tại Việt Nam; đánh giá cao việc Việt Nam phê chuẩn Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). 

Hai bên đã trao đổi ý kiến thẳng thắn về vấn đề biên giới lãnh thổ; nhất trí tuân thủ nghiêm túc 3 văn kiện pháp lý, phối hợp quản lý tốt biên giới trên đất liền, kịp thời trao đổi, xử lý vấn đề nảy sinh, cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển. Hai bên nhất trí tiếp tục tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung cấp cao, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tích cực thúc đẩy đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)./.

Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO với 92% số phiếu chấp thuận

Ngày 17/11, trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 tại Paris (Pháp), Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2021-2025.

Với số phiếu rất cao, 163/178, tương đương với 92%, đây là lần thứ 5 Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO.

Theo ông Mai Phan Dũng, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, đồng thời là trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41, việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO.

Đây là kết quả của đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam, đồng thời là kết quả của quá trình triển khai bài bản và đồng bộ kế hoạch ứng cử trong những năm vừa qua.

Ông Dũng cho rằng, việc trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành là cơ hội tốt để Việt Nam thể hiện “trách nhiệm kép” trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, tận dụng các ý tưởng, sáng kiến của UNESCO phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước một cách bền vững, đồng bộ và toàn diện.

Đồng thời, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp thực chất vào các vấn đề quốc tế mà UNESCO đang quan tâm thúc đẩy.

Việt Nam đã từng là thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 1978-1983, 2001-2005, 2009-2013 và nhiệm kỳ 2015-2019.

Ông Dũng cho biết thêm, trong nhiệm kỳ 2021-2025 này, Việt Nam sẽ đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO trên 5 lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thông tin truyền thông, đồng thời khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam tại UNESCO nói riêng và trên trường quốc tế nói chung, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Hội đồng Chấp hành gồm 58 thành viên, là cơ quan điều hành quan trọng của UNESCO, chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và ngân sách của tổ chức, bỏ phiếu chọn ứng cử viên Tổng Giám đốc UNESCO để Đại hội đồng UNESCO thông qua./.

Cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy, nhiệm vụ xây dựng Ðảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đặt ra yêu cầu phải không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong toàn hệ thống chính trị.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Học viện Hành chính quốc gia, để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “vừa hồng, vừa chuyên” cần nhiều giải pháp đồng bộ: Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật về cán bộ, công chức, nhất là sớm ban hành Luật Công vụ và Luật Ðạo đức công vụ, xây dựng và mô tả công việc của từng vị trí việc làm cụ thể làm cơ sở cho công tác tuyển chọn cán bộ, công chức. Cùng với đó, xây dựng các tiêu chí rõ ràng, minh bạch về yêu cầu công việc đối với từng vị trí việc làm trong các bộ phận, cơ quan, đơn vị để làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc.  Qua đó, điều chỉnh các vị trí việc làm phù hợp với năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, cũng như có chế độ khen thưởng, kỷ luật, quy hoạch, bổ nhiệm một cách công khai, công bằng, tạo động lực phấn đấu.

Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, tình trạng ai cũng có quyền nhưng không ai chịu trách nhiệm là một cản trở lớn cho quá trình xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân. Nguyên tắc “cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về việc thi hành nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức thuộc quyền” dù đã được quy định nhưng cần phải được cụ thể hóa và thực hiện trong thực tế. Tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, nhất là người lãnh đạo, quản lý cũng phải thể hiện ngay trong thái độ ứng xử đối với những sai phạm xảy ra trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ, vậy nên “khuyến khích việc chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm”.

Khẳng định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề lớn, hệ trọng, cơ bản, lâu dài, Tiến sĩ Nguyễn Minh Ðức, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La cho rằng, cần phải có sự phân tích, đánh giá đúng thực trạng phát triển nguồn nhân lực trên tất cả các mặt, từ kinh tế, chính trị, xã hội, quản lý, sử dụng nguồn nhân lực,… đến các chính sách về thu hút, đãi ngộ người lao động, từ đó có nhận thức đúng đắn và đưa ra hệ thống giải pháp phù hợp cho sự phát triển. Từ thực tiễn ở địa phương, Tiến sĩ Nguyễn Minh Ðức chia sẻ: Trước yêu cầu mới hiện nay, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Sơn La cần tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực làm chủ thiết bị, công nghệ số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới trong phát triển kinh tế-xã hội. Mỗi lĩnh vực cần xác định rõ vai trò của từng loại nguồn nhân lực và thiết kế, thực thi các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả, không nên chỉ có một cơ chế, chính sách chung. Cần thiết lập một quy trình phát hiện, tìm tòi, đánh giá chặt chẽ và tuyển chọn công khai nguồn nhân lực phù hợp với từng nơi, từng yêu cầu cụ thể.

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là quan điểm có tính kế thừa, phát triển tinh thần của các Ðại hội trước, đồng thời đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Ðảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Yêu cầu này đòi hỏi sự nhận thức sâu sắc trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân để tạo sự thống nhất cao trong toàn xã hội, từ đó phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cùng với năng lực sáng tạo và trách nhiệm của mỗi cá nhân, nỗ lực xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường.

Nguồn: báo Nhân dân

Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy chính trị tin gọn, hoạt động hiệu quả

Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị. Ðó là: Việc tổ chức thực hiện một số nghị quyết của Ðảng vẫn là khâu yếu. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, thiếu gương mẫu. Việc hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị cho phù hợp với tình hình thực tiễn còn chậm. Ðổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động ở một số nơi thực hiện thiếu quyết liệt, chưa đạt mục tiêu đề ra. Tinh giản biên chế chưa thật sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... Ðiều đó đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW (ngày 25/10/2017), của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Theo PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thực tế cho thấy, sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy là việc khó, phức tạp và nhạy cảm. Quá trình thực hiện, nhiều người “mất chức”, nhiều người phải đảm nhiệm thêm công việc mới, nhiều người phải chuyển sang vị trí công việc khó khăn hơn, nhưng thu nhập thấp hơn, thậm chí có người mất việc do thuộc diện “dôi dư”. Vì vậy, các cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, khách quan, công tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ðồng thời phải khắc phục hai thái cực đã xảy ra trong quá trình thực hiện: Chủ quan, nóng vội, thiếu chín chắn, để xảy ra lộn xộn, hoặc khuynh hướng cầu toàn, “bình chân như vại”, trông chờ, ỷ lại, thiếu quyết đoán, không dám “đụng” đến tổ chức, con người vì sợ trách nhiệm, mất phiếu tín nhiệm.

Hà Nội có số lượng đầu mối tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ lớn nhất cả nước, nhưng là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Nhiều cách làm hay của thành phố được Trung ương ghi nhận. Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà chia sẻ: Sau khi kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại phòng, ban, thành phố chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, hoàn thiện nội quy, quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, quy trình giải quyết công việc, thủ tục hành chính, bảo đảm thống nhất, đồng bộ kịp thời, phù hợp với đặc điểm, tình hình từng cơ quan, đơn vị. Thành phố xác định việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, phải làm thường xuyên, lâu dài; chú trọng rà soát sự trùng chéo về chức năng, nhiệm vụ, nhất là ở các nhiệm vụ phức tạp, giao thoa, khó phân định giữa các cơ quan, đơn vị. Thành phố tập trung các giải pháp đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, đây là nội dung quyết định khả năng có giảm được 10% biên chế sự nghiệp giai đoạn 2021-2025 không. Tiếp tục điều chỉnh, phê duyệt đề án vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên cơ sở danh mục khung vị trí việc làm được Bộ Chính trị thông qua; thường xuyên rà soát để bảo đảm phù hợp với thực tiễn quản lý, phát huy tối đa hiệu quả.

Tại cuộc làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tài chính về quản lý biên chế, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhận xét: Tinh giản biên chế vẫn không tập trung vào người năng lực kém mà chủ yếu rơi vào những người xin thôi việc, bỏ việc hoặc nghỉ hưu, trong khi đó không có chính sách để thu hút lớp trẻ được đào tạo bài bản vào làm việc… Tinh giản biên chế phải gắn với nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nếu không thì mới chỉ là sắp xếp gọn gàng, chưa làm được mục tiêu quan trọng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Thời gian tới, lần đầu tiên Bộ Chính trị sẽ quyết định tổng biên chế cho 5 năm tiếp theo, kèm theo cơ chế quản lý hiệu quả, hợp lý, cơ động, linh hoạt; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp để tính toán, điều hành hợp lý, không cứng nhắc.

Nguồn: Báo Nhân dân

Xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị, nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam

 Hơn 91 năm qua, Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn là đảng duy nhất cầm quyền. Trong hệ thống chính trị, Ðảng vừa là thành viên, vừa là hạt nhân lãnh đạo. Ðảng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối, nghị quyết, chính sách; đồng thời thông qua công tác cán bộ, Ðảng giới thiệu những đảng viên ưu tú của mình ứng cử vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Từ Trung ương đến địa phương, trong mọi cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể đều có tổ chức đảng, đảng viên; họ là lực lượng nòng cốt trong việc thể chế hóa đường lối, chủ trương, quyết sách của Ðảng thành chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Vì vậy xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau.

Trong thực tế, nhiều năm qua, xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện. Ðó chính là sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ với đội ngũ cán bộ có phong cách gần dân, sát dân, vì lợi ích của nhân dân: “Làm hết việc, không làm hết giờ”. Tuy nhiên, nhiệm kỳ XIII nhấn mạnh vấn đề này cho thấy sự nhận thức mới: Ðảng muốn thể hiện được vai trò lãnh đạo toàn diện của mình, thì Nhà nước cũng phải được xây dựng vững mạnh, liêm chính, vì đây chính là bộ máy thực thi các quyết sách lãnh đạo của Ðảng. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, biến nghị quyết của Ðảng, chính sách của Nhà nước thành hành động thực tế của nhân dân, đồng thời nhân dân được thể hiện quyền làm chủ, được bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng.

Xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh còn là củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo, khát vọng phát triển. Lịch sử đã chứng minh sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Ðảng cùng với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. 

Hội thảo "Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng Cộng sản Pháp"

 Chiều 6-12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp đồng tổ chức Hội thảo trực tuyến về chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng Cộng sản Pháp và thành phố Mác-xây nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Pháp.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, và đồng chí Ê-li-an A-xa-xi, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp, Thượng Nghị sĩ, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ, Đảng Cộng sản tại Thượng viện Pháp, đồng chủ trì hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh hội thảo có ý nghĩa quan trọng với cả hai Đảng và là dịp để các thế hệ đảng viên, thanh niên của hai nước cùng ôn lại và nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng Cộng sản Pháp và quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hun đúc lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, nhìn lại hành trình mà Nguyễn Ái Quốc, từ một thanh niên tràn đầy khát vọng cứu nước trở thành một người cộng sản, một nhà vận động cách mạng vĩ đại và danh nhân văn hóa không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới.

Hội thảo góp phần triển khai Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”.

Chào mừng hội thảo, đồng chí Fabien Roussel, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp, khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với hai Đảng, và bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ đến Người vì những cống hiến cho cuộc đấu tranh chống thực dân trên thế giới.

Đồng chí một lần nữa nhấn mạnh tình đoàn kết sắt son của những người cộng sản Pháp dành cho nhân dân Việt Nam trong công cuộc kháng chiến trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay.

Tại hội thảo, các diễn giả Việt Nam và Pháp đã trình bày các nghiên cứu về ý nghĩa lịch sử của giai đoạn Bác Hồ ở Pháp và những đóng góp của Hồ Chí Minh với Đảng Cộng sản Pháp, đặc biệt là với thành phố Mác-xây; hành trình từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, Hồ Chí Minh với văn hoá Pháp và những người bạn Pháp, cuộc đấu tranh của công nhân, thợ thuyền, cộng sản tại Mác-xây và các vùng lân cận chống chủ nghĩa thực dân, thể hiện tình đoàn kết quốc tế cũng như những bài học cho thanh niên và thế hệ đảng viên trẻ của hai Đảng hôm nay.

Nguồn: Báo QĐND

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Quốc hội Lào

Chiều 6-12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane nhân dịp đồng chí dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào sang thăm chính thức Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng gặp lại đồng chí Xaysomphone Phomvihane, người bạn và đồng chí thân thiết của Quốc hội và nhân dân Việt Nam. Chủ tịch nước đánh giá rất cao và chân thành cảm ơn đồng chí chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Lào, thể hiện sự coi trọng của Đảng, Quốc hội Lào và cá nhân đồng chí đối với Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào, Lào - Việt.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 46 Quốc khánh Lào (2-12), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào về những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã đạt được. Chủ tịch nước cũng bày tỏ vui mừng được biết, ngày 24-11 vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết chuyển Lào sang Nhóm các nước đang phát triển.

Nhắc lại chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào vào tháng 8 vừa rồi, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Lào đã dành cho Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, chu đáo, thắm tình đồng chí anh em. Chủ tịch nước đặc biệt là cảm ơn đồng chí Chủ tịch Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội Lào đã dành cho Chủ tịch nước vinh dự được phát biểu tại Kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội Lào khóa IX, cũng là khách nước ngoài đầu tiên được phát biểu tại hội trường Nhà Quốc hội mới của Lào.

Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane chân thành cảm ơn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp Đoàn, đồng thời gửi lời thăm hỏi thân thiết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cũng như lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Lào tới Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Chủ tịch Quốc hội Lào đã thông báo với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về kết quả cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thông báo kết quả của cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong đó có việc Việt Nam hỗ trợ Lào phòng, chống dịch Covid-19. 

Chủ tịch Quốc hội Lào đề nghị hai bên tiếp tục kiểm tra giám sát những kế hoạch và thúc đẩy các dự án kết nối kinh tế và giao thông như dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Viêng chăn - Hà Nội, dự án tuyến đường sắt Khammuan - Vũng Áng…; đồng thời đề nghị hai nước thúc đẩy hợp tác thương mại hơn nữa.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Chia sẻ với Lào về những thách thức hiện nay, nhất là những khó khăn do Covid-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các cơ quan chức năng hai nước đã phối hợp hiệu quả, chặt chẽ ứng phó dịch bệnh và cần tiếp tục trong thời gian tới. Chủ tịch nước cũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là ưu tiên và phát triển mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. Hai nước luôn là những người đồng chí, anh em, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”.

Chủ tịch nước đề nghị hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước thúc đẩy hợp tác hai bên, duy trì trao đổi các chuyến thăm cấp cao và các cơ chế hợp tác song phương; triển khai có hiệu quả các thỏa thuận cấp cao; phối hợp chuẩn bị tốt nội dung cho Cuộc gặp thường niên hai Bộ Chính trị và Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào. Cùng với đó là mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực: An ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, giáo dục và đào tạo, đặc biệt là cùng đầu tư, tranh thủ vốn quốc tế, nhằm mở ra nhiều tuyến kết nối hai nền kinh tế về hệ thống điện, mạng viễn thông, giao thông với trọng tâm là kết nối đường bộ, đường sắt, đường ống xăng dầu… đưa hàng hóa của Lào qua các cảng của Việt Nam đi quốc tế, coi đây là cách để Lào “có cảng biển” để phát huy nội lực, tự chủ kinh tế, phát triển bền vững.

Chủ tịch nước đề nghị hai bên phối hợp tổ chức tốt các hoạt động trong năm 2022, “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022” để kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Việt Nam và Lào. Đây là dịp để đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ hai nước về quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước.

Chủ tịch nước cũng đề nghị hai nước phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực nhất là tại Liên Hợp quốc, ASEAN, đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2024, năm có ý nghĩa quan trọng trước thời điểm các nước ASEAN hoàn thành Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN và chuyển sang giai đoạn mới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ tiếp tục làm hết sức mình cùng vun đắp cho Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng phát triển nhất là phát triển kinh tế đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Nguồn: Bóa QĐND

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...