Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM – GIÁ TRỊ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN
                                                      Trần Trí Nam
Quyền con người được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người, được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Quyền con người và đấu tranh cho các quyền cơ bản của con người cũng chính là một trong những nội dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như Đảng, Nhà nước Việt Nam chú trọng. Tuy nhiên, do động cơ và quan điểm chính trị bảo thủ, áp đặt mà các thế lực thù địch, cũng như một số cơ quan, tổ chức ở các nước phương Tây cho đến nay vẫn thường xuyên vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.
Thời gian qua, nhóm nghị sĩ cực đoan ở Hạ viện Mỹ thường tổ chức điều trần về “nhân quyền” ở Việt Nam và soạn thảo “Dự luật nhân quyền ở Việt Nam”. Vụ Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Bộ Ngoại giao Mỹ hàng năm đều công bố “Phúc trình thường niên về nhân quyền thế giới”; “Phúc trình về tự do tôn giáo thế giới”. Và Văn phòng Đại diện Liên minh Châu Âu ở Việt Nam thường công bố và kiến nghị về việc Việt Nam xét xử các vụ án liên quan đến quốc phòng an ninh mà họ cho là vi phạm nhân quyền. Không chỉ vậy, phương Tây còn tài trợ và khuyến khích các tổ chức phi chính phủ can thiệp vào việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam như: FH, FIDH…
Có thể khẳng định rằng, cho dù họ có xuyên tạc, vu khống vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đến đâu, thì cũng không thể phủ nhận được giá trị của việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Giá trị của việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam không chỉ được xác định trong quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam, mà còn được chính thực tiễn bảo đảm quyền con người ở Việt Nam khẳng định. Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã xác định các mục tiêu bảo đảm cho quyền con người trong xã hội mới: “A. Về phương diện xã hội thì: a) Dân chúng được tự do tổ chức. b) Nam nữ bình quyền, v.v..  c) Phổ thông giáo dục theo công nông hoá”[1].
Quyền con người còn được thể hiện trong Chương trình Việt Minh, trong đó nổi bật là các quyền về chính trị: “1. Phổ thông đầu phiếu: Hễ ai là người Việt Nam, vô luận nam nữ từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ bọn Việt gian phản quốc. 2. Ban bố các quyền tự do dân chủ cho nhân dân: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại trong nước, tự do xuất dương. Bỏ chế độ bắt phu và các chế độ áp bức do đế quốc đặt ra... 5. Toàn xá phạm nhân. 6. Nam nữ bình quyền. 7. Tuyên bố dân tộc tự quyết.”[2] Khi cách mạng thắng lợi, Hồ Chí Minh đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách của cách mạng là thành lập Chính phủ lâm thời và ban hành Hiến pháp để bảo đảm quyền tự do, dân chủ nhằm thực thi quyền con người của nhân dân Việt Nam, thực hiện nam nữ bình quyền, không phân biệt giai cấp, tôn giáo…
Trong lịch sử cận đại và hiện đại, nhân dân Việt Nam đã phải trải qua những năm tháng là dân của một nước thuộc địa, bị tước đoạt mọi quyền tự do cơ bản nhất và sau đó, đã phải chịu muôn vàn hy sinh để giành lại nền độc lập của mình. Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng do Người sáng lập, nhân dân ta lại tiếp tục phải đổ xương máu để bảo vệ nền độc lập cũng như việc thụ hưởng các quyền con người mà độc lập, tự do đã mang lại. Do đó, nhân dân Việt Nam luôn thiết tha coi trọng những giá trị của các quyền và tự do của con người; trong đó, có quyền thiêng liêng, cơ bản nhất là quyền được tự quyết định vận mệnh của mình. Và chính thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 năm 1945 với Hồ Chí Minh là kiến trúc sư đã mở ra trang sử mới cho nước nhà. Thắng lợi vĩ đại đó còn chấm dứt gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam và lần đầu tiên nhân dân Việt Nam ở vị trí người chủ thực sự trong xã hội.
Hiện nay, khi nói đến quyền con người, chúng ta có thể nói đến quyền theo các lĩnh vực: kinh tế, văn hoá, xã hội, dân sự, chính trị và theo các nhóm quyền dân tộc, quyền các nhóm người (như trẻ em, phụ nữ, người tàn tật) và quyền cá nhân. Đây cũng là những nội dung được đề cao trong Tuyên bố và Chương trình hành động của Hội nghị Quốc tế về Nhân quyền tổ chức tại Viên (thủ đô nước Áo), năm 1993. Xuất phát từ quan điểm đó, việc đối thoại, hợp tác quốc tế về quyền con người phải dựa trên các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, quyền tự quyết của các dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người. Trên tinh thần đó và kế thừa di sản Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam có chủ trương, chính sách nhất quán về quyền con người, luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước; khẳng định con người là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội; thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm sự nghiệp CNH, HĐH đất nước thắng lợi.
Kể từ khi có bản Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) cho tới nay, Việt Nam đã có 4 lần sửa đổi Hiến pháp; trong đó, quyền con người ngày càng được quy định toàn diện, đầy đủ hơn. Bản Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ nội dung quyền, các biện pháp bảo đảm cho các quyền con người ở Việt Nam; trong đó, có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm, bình đẳng; có quyền bình đẳng giữa các dân tộc và bình đẳng nam nữ, quyền bầu cử, ứng cử, khiếu nại, tố cáo, lập hội, tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do kinh doanh, sở hữu hợp pháp của cá nhân, tự do đi lại ở trong nước và ra nước ngoài, lao động, giáo dục, bảo vệ sức khoẻ...
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng nhiều bộ luật để đảm bảo toàn diện việc thực hiện các quyền con người. Đây là thành quả được các nước đánh giá cao tại phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế Kiểm điểm định kỳ phổ cập của Hội đồng Nhân quyền hàng năm. Cụ thể là chỉ riêng từ năm 1986 đến nay, Nhà nước Việt Nam đã ban hành, sửa đổi khoảng 13.000 văn bản luật và dưới luật, trong đó có các luật quan trọng, như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân, Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và ủy ban Nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Đặc xá, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo...
Điểm cần nhấn mạnh là trong quá trình xây dựng, các dự thảo văn bản luật và dưới luật đều được giới thiệu công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tham khảo ý kiến rộng rãi của nhân dân. Bên cạnh đó Việt Nam cũng đã gia nhập hầu hết các điều ước nhân quyền quốc tế chủ chốt, trong đó có “Công ước về Quyền dân sự, chính trị”“Công ước về Quyền Kinh tế, xã hội, văn hoá”; “Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc”, “Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ”. Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và nước Châu Á đầu tiên tham gia “Công ước Quyền trẻ em”; phê chuẩn 17 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế, và đã ký “Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật”, tham gia “Công ước Chống tra tấn”.
Những cam kết của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế đã được phản ánh trong các văn bản pháp luật trong nước. Quyền con người ở Việt Nam còn được bảo đảm bởi các cơ quan trong hệ thống hành pháp, tư pháp, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Đồng thời, nhân dân Việt Nam cũng có thể tham gia đóng góp ý kiến thông qua các cơ chế dân cử cấp địa phương, các quy trình khiếu nại, tố cáo, thanh tra, khiếu kiện..., theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Chính từ chính sách nhất quán, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về đảm bảo quyền con người và sự tham gia của toàn dân, cuộc sống và quyền của người dân đã được đảm bảo ngày càng đầy đủ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, chính trị, dân sự. Đáng chú ý, người dân có điều kiện tham gia nhiều hơn vào việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp do chính họ lập ra để đại diện cho lợi ích của mình. Hiện có nhiều đoàn thể lớn gồm hàng triệu thành viên, như: Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ở phạm vi toàn quốc có 380 hội, hàng nghìn hội ở cấp địa phương với hàng chục nghìn chi nhánh cơ sở. Số tổ chức công đoàn ở cấp quốc gia là 18, cùng hoạt động với 6.020 tổ chức công đoàn địa phương.
Thông tin đại chúng ở Việt Nam phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, của nhân dân; là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân và trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là số người tiếp cận Intemet chiếm gần 24% dân số, cao hơn mức trung bình ở châu Á là 18%. Có 95% số xã đặc biệt khó khăn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có trạm truyền thanh; nhiều xã có trạm truyền thanh, phát thanh bằng tiếng dân tộc. Ngoài hệ thống thông tin, báo chí trong nước, người dân Việt Nam còn được tiếp cận với báo chí, truyền hình của các hãng quốc tế.
Những thành tựu về đảm bảo quyền con người ở Việt Nam ngày càng khẳng định giá trị nhân văn, nhân đạo trong quan điểm, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Điều này được Hội đồng Nhân quyền LHQ đánh giá cao, nhất là việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, được thể hiện trên các lĩnh vực: xoá đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống của phụ nữ, trẻ em, của đồng bào các dân tộc thiểu số, đảm bảo đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, cũng như y tế, giáo dục, văn hoá, việc làm... Đồng thời quốc tế cũng ghi nhận và ủng hộ những nỗ lực, cam kết của Việt Nam nhằm tiếp tục đảm bảo tốt hơn nữa việc hưởng thụ các quyền của người dân.
Những thành tựu trong công cuộc bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam là kết quả của sự kết hợp giữa bản chất ưu việt, tiến bộ của chế độ XHCN với truyền thống nhân đạo, nhân văn của dân tộc Việt Nam, giữa quan điểm, chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam luôn đặt con người là trọng tâm trong sự phát triển đất nước, với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân trong việc thúc đẩy thực hiện quyền con người. Điều đó phản ánh giá trị không thể phủ nhận của việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam hơn 72 năm qua, và dĩ nhiên mọi luận điệu quy chụp, áp đặt, vu cáo của các thế lực thù địch về vấn đề này hoàn toàn đi ngược lại với thực tiễn bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Do đó, mọi quan điểm sai lệnh về điều này, dù xuất phát từ động cơ chính trị thế nào cũng đều bị thực tiễn bảo đảm quyền con người ở Việt Nam phủ nhận./.



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.1.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr.1.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...