NHẬN DIỆN MẶT TRÁI
CƠN LỐC
CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
HIỆN NAY
Vũ Đảng
Sự phát triển nhanh của mạng Internet và dịch vụ
viễn thông hiện nay đang đặt ra những thách thức mới, cần phải nhận diện mặt
trái của cơ lốc này. Một bộ phận, nhất là các bạn trẻ, đã và đang chịu tác động
tiêu cực của mặt trái công nghệ thông tin, bị mê hoặc, lung lạc bởi những “điều
phi lý” trên mạng Internet. Đấu tranh đánh bại cuộc chiến tranh tâm lý - thông
tin của các thế lực thù địch đang trở thành một đòi hỏi cấp bách, một nhiệm vụ
trọng yếu của công tác tư tưởng.
Chưa
bao giờ trái đất lại trở nên “phẳng” và ngày càng thu nhỏ lại; con người trên
khắp hành tinh lại trở nên gần gũi như trong thế kỷ XXI. Trong tác phẩm nổi
tiếng “Thế giới phẳng, tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ XXI”, Thomas L.
Friedman đã dẫn lời nhận xét của Jimmy Wales - người sáng lập Wikipedia: Chúng
ta đang sống trong một thế giới của các phương tiện truyền thông mới với những
cơ hội hiếm có để nghiên cứu và liên lạc toàn cầu - nhưng thế giới đó cũng đầy
những kẻ phá hoại với những đầu óc thâm hiểm, và luận giải rõ hơn, có thể dễ
dàng tung lên mạng nội dung khiêu dâm, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự xảo
trá, những âm mưu, hay đơn giản, những câu nói vô nghĩa với tốc độ lan truyền
nhanh và xa hơn trên hệ thống thế giới phẳng.
Điều
nguy hại chính là ở chỗ, những âm mưu, thủ đoạn xảo trá, những điều vô nghĩa,
phi lý được tung lên mạng toàn cầu lại có ma lực lừa mị, lung lạc không ít
người truy cập. Không phải ai và lúc nào cũng có thể phân biệt được đúng, sai,
thật, giả trong mớ thông tin dày đặc được tung lên mạng toàn cầu, bởi vì về
phương diện tâm lý truyền thông, như Yaron Ezrahi, một chuyên gia về mối quan
hệ tương tác giữa các phương tiện truyền thông và chính trị, đã phân tích “Hệ
thống truyền thông tin mới - mạng Internet - có nhiều khả năng truyền đi những
điều phi lý hơn là hợp lý, vì cái phi lý chứa đựng nhiều cảm xúc hơn, đòi hỏi
ít tri thức hơn, nó giảng giải được nhiều điều cho nhiều người hơn, và dễ tiếp
nhận hơn”. Hiện nay ở Việt Nam đã có khoảng trên 21 triệu người sử dụng
Internet, có hơn 2 triệu blog cá nhân (những năm tới số lượng chắc chắn sẽ tăng
gấp nhiều lần). Một bộ phận những người đang sử dụng mạng thông tin toàn cầu ở Việt
Nam, nhất là các bạn trẻ, đã và đang chịu tác động tiêu cực của mặt trái công
nghệ thông tin, bị mê hoặc, lung lạc bởi những “điều phi lý” trên mạng Internet,
trở thành nạn nhân của “những bậc giáo điều và giấc mơ tôn giáo thời đại mới” -
như chính những chuyên gia của các nước tư bản đã cảnh báo. Chúng tung lên mạng
toàn cầu đủ các loại thông tin thất thiệt, hoặc hoàn toàn bịa đặt, hoặc trộn
lẫn thật giả, trắng đen, tập trung tấn công, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin,
đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam; bôi đen chế độ, vu cáo đả
kích lãnh tụ và các cán bộ cấp cao; bóp méo, xuyên tạc lịch sử; bơm thổi, kích
động những bức xúc xã hội, những bất mãn và tham vọng cá nhân... Ý đồ đen tối
của chúng là làm sụp đổ niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, vào vai trò lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phân hóa,
cô lập Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Ngón đòn “diễn biến hòa bình” đang được
các thế lực thù địch hướng vào đánh phá nội bộ, thúc đẩy quá trình “tự chuyển
hóa”, “tự diễn biến”, kết hợp với tích cực chuẩn bị lực tượng, tạo dựng ngọn cờ,
tiến hành bạo loạn, lật đổ chế độ Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Hơn lúc nào hết mỗi người, tổ chức, cần làm tốt công
tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhận diện mặt trái cơn lốc công nghệ thông tin hiện nay, nâng cao
cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc, lôi kéo, chia rẽ của các phần tử
chống đối, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội từ cơ sở. Chủ
động phát hiện, vạch trần những thông tin bịa đặt, sai trái do các thế lực thù
địch tung trên mạng Internet; thông qua nhiều kênh thông tin, nhất là mạng toàn
cầu và các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời cung cấp những thông tin
chính thống, chính xác để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu đúng bản chất các
vấn đề, sự việc đang diễn ra trong đời sống đất nước. Chủ động đổi mới, nâng
cao chất lượng hoạt động báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, công tác tuyên
truyền miệng, công tác giáo dục lịch sử, văn hoá... theo hướng nâng cao tính
khoa học, tính thuyết phục, tính định hướng và tính chiến đấu, thiết thực góp
phần nâng cao trình độ nhận thức, bồi đắp bản lĩnh chính trị và tình cảm tốt
đẹp, làm tăng sức đề kháng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế
hệ trẻ, trước những âm mưu, thủ đoạn vô cùng hiểm độc
của các thế lực thù địch./.