Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

Khi “đức tin” bị lừa gạt

Sau một thời gian “nằm yên” do bị sự chấn chỉnh của pháp luật, những hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ” tiếp tục diễn ra ở Quảng Nam, gây bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân, hoang mang trong dư luận.

Trước thực tế này, như Báo CAND đã thông tin, ngày 4/11 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã yêu cầu các đơn vị phát hiện kịp thời và kiên quyết đấu tranh, xoá bỏ về phương diện tổ chức đối với “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ”.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, thời gian gần đây, hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ” với tên gọi đầy đủ là “Hội thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành thế giới” (xuất phát từ Hàn Quốc, du nhập vào Việt Nam từ năm 2001) tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước và tỉnh Quảng Nam. Một số đối tượng “Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ” từ các tỉnh, thành khác đến Quảng Nam chia thành nhiều nhóm nhỏ, thường xuyên thay đổi địa điểm, phương thức hoạt động nhằm phát triển “tà đạo” với nhiều dấu hiệu tiêu cực, có yếu tố mê tín, dị đoan, trục lợi cá nhân, gây bức xúc và phẫn nộ trong quần chúng nhân dân, vi phạm các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, trái thuần phong mỹ tục.

Trước đó, nhiều nhóm người len lỏi đến các trường Đại học, vùng nông thôn ở mọi miền như Thanh Hóa, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang… để tuyên truyền về “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ”, dụ dỗ và lôi kéo người dân theo đạo.

Phương thức của nhóm này là sử dụng sách thực hành giảng đạo, các quyển tranh, ảnh minh họa thuyết trình giảng đạo không nguồn gốc xuất bản. Nội dung tuyên truyền cực đoan, phản khoa học “chỉ sống cho riêng mình, từ bỏ gia đình”; Nội dung không phù hợp với văn minh của nhân loại như “có một đấng tiên tri ở nước ngoài về xem và nói về tương lai đúng 100%”, “không làm mà vẫn có ăn”. Trong khi đó vẫn phải nhờ sự đóng góp 1/10 thu nhập của người khác để sống. Mặt khác, các nhóm này yêu cầu thành viên đều phải có trách nhiệm đi truyền giáo cho người khác (kết trái) thực chất là lôi kéo người khác để góp tiền cho chúng.

Thế nhưng, trái ngược với những lời tuyên truyền vàng ngọc đó, những người mê muội gia nhập “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ” đã bỏ bê công việc, vợ chồng mâu thuẫn, ly hôn, sinh viên bỏ học, để lại cho người thân những nỗi đau, vừa tự tay khép chặt cánh cửa tương lai của chính mình.

Rồi, có nhiều người u mê đến nỗi về nhà vứt hết bát hương thờ cúng tổ tiên, không ăn đồ thờ cúng, tin vào “ngày tận thế”. Nguy hại hơn nữa, họ còn đòi bán cả vườn đất chỉ để “phụng Chúa”, vì sau này có nhà trên thiên đường, sống sung sướng… Thậm chí, có người phụ nữ còn bỏ nhà và con nhỏ mới sinh mấy tháng tuổi để đi theo.

Những hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ” đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm các quyền tự do cơ bản của công dân, có dấu hiệu lợi dụng giáo lý của tôn giáo để trục lợi cá nhân… cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Vì thế, Bộ Nội vụ đã đề nghị các địa phương kiên quyết xoá bỏ Hội thánh Đức Chúa trời mẹ như: Giải tán, thu hồi giấy phép đối với các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, không để tổ chức này tái nhóm, hình thành các tụ điểm hoạt động mới; đồng thời không chấp thuận đăng ký hoạt động dưới mọi hình thức bao gồm đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, hình thành tổ chức phi chính phủ, công ty, văn phòng đại diện, cửa hàng, câu lạc bộ, chương trình ngoại khóa…

Nếu như vài thập kỷ trước, khi mà cuộc sống của không ít người còn quá khó khăn, khi mà người ta phải tin vào những điều không tưởng để có chỗ dựa về tinh thần nhằm xoa dịu nỗi đau thực tế thì việc tin tưởng mù quáng không quá khó hiểu.

Tuy nhiên, hiện nay cuộc sống của con người ngày càng tốt hơn, xã hội ngày càng phát triển thì thực trạng trên đúng là quá khó chấp nhận. Những người đi theo “tà đạo” không chỉ là bà con có dân trí thấp, không chỉ là những người ở vùng sâu, vùng xa mà có rất nhiều người ở các thành phố lớn, được ăn học đàng hoàng. Nó thể hiện sự hời hợt trong nhận thức, sự lệch lạc trong tư tưởng, sự thiếu hiểu biết của một nhóm người.

Nó cũng cho thấy, “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ” đang lợi dụng “đức tin” của một bộ phận nhân dân. Và khi con người ta “lếch thếch” đi theo cái gọi là “đức tin” đó của hội  này thì nó cũng đồng nghĩa với việc con người ta đang bị đầu độc và giết chết từ bên trong. Đồng thời, sự “lây lan” của hội này tại nhiều địa phương, tồn tại kéo dài mà chưa kịp thời giải quyết cũng cho thấy công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng cũng đang có những bất cập nhất định.

Việc “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ” bị cho là tà giáo là có cơ sở ngay từ chính nơi khởi nguyên của nó, chứ đừng nói đến những hoạt động không đúng với giáo lý kinh thánh, kích động, không hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt trong thời gian qua.

Đúng là, niềm tin của mỗi người rất đáng được trân trọng. Vấn đề ở chỗ, tin tưởng vào những điều không tưởng, tin tưởng vào những thứ vô văn hóa, vô giá trị như lời tuyên truyền của “Hội thánh Đức Chúa trời mẹ” thì khó lòng có thể chấp nhận được. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến riêng những người tham gia vào tà đạo và gia đình của họ mà còn tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự của địa phương.

Lại giở trò lố “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2023”

 Ngày 18/11 vừa qua, tổ chức Mạng lưới nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại bang California (Mỹ) công bố “Báo cáo nhân quyền 2022-2023”, tiếp tục đưa ra những nội dung xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.

Đồng thời, tổ chức này còn đưa ra cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2023” để “tôn vinh” các đối tượng Trần Văn Bang, Y Wô Niê, Lê Trọng Hùng – những kẻ đang phải chấp hành án phạt tù về các hoạt động chống phá đất nước.

Ngày 12/5/2023, TAND TP Hồ Chí Minh mở phiên sơ thẩm xét xử và tuyên phạt Trần Văn Bang lĩnh 8 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Mạng lưới nhân quyền Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam Human Rights Network – VHRN) là một tổ chức tự xưng có trụ sở tại bang California (Mỹ), được biết đến là một tổ chức ngoại vi của Việt Tân, tập hợp thành viên chân rết của tổ chức này để tiến hành các hoạt động chống phá. Tháng 11/1997, một nhóm người Việt sinh sống ở Mỹ do Nguyễn Thanh Trang, Lê Minh Nguyễn, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Thị Hồng Liên… đã tổ chức “hội nghị quốc tế” tại TP Santa Ana, thuộc quận Orange County, bang California, Mỹ và công bố thành lập tổ chức với tên gọi Mạng lưới nhân quyền Việt Nam. Để thu hút sự quan tâm của dư luận, đánh bóng, gây thanh thế trong cộng đồng hải ngoại, Mạng lưới nhân quyền Việt Nam đã đưa ra mục tiêu hoạt động “gia tăng có hiệu quả các hoạt động dân chủ, nhân quyền trên thế giới để thúc đẩy tiến trình cải tiến dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam”.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tổ chức này đã thiết lập các trang mạng xã hội, website để đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video, hình ảnh nhằm tuyên truyền, xuyên tạc về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Cùng với đó, Mạng lưới nhân quyền Việt Nam còn quan hệ, móc nối, vận động sự bảo trợ của một số nghị sĩ của Mỹ có quan điểm thiếu thiện chí với Việt Nam và tăng cường móc nối, quan hệ với các tổ chức thường xuyên có hoạt động vu cáo, xuyên tạc chống phá Nhà nước Việt Nam về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc như Đài Á Châu Tự Do – RFA; tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch - HRW), tổ chức Nhà báo không biên giới (Reporters Sán Frontieres – RSF), tổ chức Ủy ban bảo vệ ký giả (Committee to Protect Journalists – CPJ), tổ chức Ân xá quốc tế ( Amnesty International – AI), Ủy ban Tự do tôn giáo cho Việt Nam, tập hợp Thanh niên dân chủ...

Từ khi thành lập đến nay, Mạng lưới nhân quyền Việt Nam thường xuyên công bố báo cáo nhân quyền, nội dung lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc ở Việt Nam để xuyên tạc sự thật, phục vụ cho mục đích bôi lem, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực. “Báo cáo nhân quyền Việt Nam 2022-2023” mà tổ chức này đưa ra cũng không nằm ngoài chiêu bài trên khi họ tập hợp, đánh giá với hàng trăm trang nhưng tất cả đều là cách nhìn phiến diện, sai sự thật về thực tiễn tình hình tự do dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, dân tộc ở Việt Nam. Trong đó, họ đã cố tình xuyên tạc rằng “Chính phủ Việt Nam ngược đãi, kỳ thị người dân tộc thiểu số Tây Nguyên một cách có hệ thống”; đưa ra những thông tin, tình hình sai lệch về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ… Đồng thời, để cổ vũ cho những kẻ lợi dụng quyền tự do dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật, chống phá đất nước, hằng năm, mạng lưới này còn tổ chức họp, bình chọn, công bố, “vinh danh” cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam” để “tuyên dương thành tích tranh đấu bất bạo động cho lý tưởng nhân quyền tại Việt Nam”.

Từ năm 2002 đến nay, Mạng lưới nhân quyền Việt Nam đã trao giải thưởng này cho hơn 60 cá nhân. Những người được tổ chức này “vinh danh” nhận giải thưởng cũng là những thành phần quen thuộc trong các hoạt động vi phạm pháp luật, chống phá đất nước núp dưới danh nghĩa là “tù nhân lương tâm”, “dân oan”, “tù nhân tôn giáo”, “tù nhân chính trị”, kẻ đã ra tù, kẻ thì đang bị giam giữ hoặc đang bị khởi tố, xét xử. 21 năm qua, “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam” đã “vinh danh” những cá nhân chống phá như Nguyễn Văn Lý, Lê Quang Liêm, Thích Quảng Độ, Phan Văn Lợi, Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang, Nguyễn Đăng Quế, Nguyễn Chính Kết, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Hải (Hải “Điếu cày”), Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Công Chính, Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần, Huỳnh Thục Vy, Võ An Đôn, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Hữu Vinh, Đặng Đình Mẫn, Phạm Đoan Trang, Lê Công Định, Cấn Thị Thêu, Trịnh  Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Đinh Thị Thu Thủy, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Tường Thụy, Lưu Văn Vịnh, Trần Đức Thạch… Đồng thời, một số tổ chức núp bóng dân chủ hoạt động chống phá đất nước cũng được “vinh danh” với giải thưởng này như “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, “Bán nguyệt san Tự do ngôn luận” của khối 8406, “Hội Anh em dân chủ”, “Mạng lưới blogger Việt Nam”…

Cùng với “Báo cáo nhân quyền Việt Nam 2022-2023” thì ngày 18/11 vừa qua, Mạng lưới nhân quyền Việt Nam cũng đã công bố “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2023” để “tôn vinh” các đối tượng Trần Văn Bang (SN 1961), Y Wô Niê (SN 1970) và Lê Trọng Hùng (SN 1979) - những kẻ rêu rao xuyên tạc rằng, họ là những “nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa” đang bị “giam cầm trong nhà tù cộng sản”! Theo thông tin được tổ chức này chia sẻ trên các trang mạng xã hội, trang web và được các trang mạng như Đài RFA, VOA Tiếng Việt chia sẻ thì Mạng lưới nhân quyền Việt Nam sẽ tổ chức trao giải tại TP Toronto, Canada với sự hợp tác của Ủy ban yểm trợ phong trào dân chủ quốc nội – Toronto vào ngày 10/12/2023, nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế nhân quyền lần thứ 75. Vậy chân dung của những kẻ vừa được nhận cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2023” là ai?

Đối với Trần Văn Bang (SN 1961, quê quán Hải Dương), bị TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên y án 8 năm tù giam về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự. Bang là người đã sử dụng 3 tài khoản facebook gồm “Trần Bang”, “Bang Trần”, “Tran Josh” để soạn thảo, đăng tải 39 bài viết có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ bảng, nói xấu chính quyền, thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, thể hiện thái độ thù ghét, bất mãn đối với Đảng, Nhà nước và các vị lãnh đạo. Không những vậy, y còn có hành vi tàng trữ nhiều tài liệu, sách báo, trong đó có 4 cuốn tài liệu tuyên truyền chống Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc, nhân dân các nước, kích động bạo lực. Với những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, việc Trần Văn Bang bị tòa tuyên phạt 8 năm tù giam là đúng pháp luật.

Với Y Wô Niê (SN 1970, ở buôn Pưk, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), bị TAND cấp cao tại Đắk Lắk tuyên phạt y án sơ thẩm 4 tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Y Wô Niê là người đã từng có 1 tiền án về hành vi phá hoại chính sách đoàn kết và bị TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt 9 năm tù giam. Vậy nhưng sau khi chấp hành xong án phạt tù vào tháng 12/2011, Y Wô Niê đã “ngựa quen đường cũ” khi lập tài khoản “Jing” trên mạng xã hội WhatsApp để đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh có nội dung vu khống, xúc phạm, bôi nhọ uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và lực lượng Công an trên địa bàn huyện Cư Kuin và tỉnh Đắk Lắk. Với những hành vi gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, xâm hại đến uy tín của cơ quan Đảng, Nhà nước ở địa phương và gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân, TAND cấp cao tại Đắk Lắk tuyên phạt y án sơ thẩm 4 năm tù giam với Y Wô Niê về tội danh trên.

Còn với Lê Trọng Hùng, tức Hùng “gàn”, SN 1979, trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù giam và 5 năm quản chế kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự. Lê Trọng Hùng đã thông qua fanpage facebook “CHTV Vietnam” đăng tải các video clip có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin, bịa đặt gây hoang mang trong dư luận; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Chỉ điểm qua những hoạt động trên để thấy bản chất của cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2023” hay “Báo cáo nhân quyền Việt Nam 2022-2023” cũng là chiêu trò đến hẹn lại lên của tổ chức Mạng lưới nhân quyền Việt Nam cũng như những tổ chức, cá nhân khác vốn lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá Việt Nam. Chiêu trò này tuy quá cũ nhưng nó vẫn như cú hích nhằm tìm kiếm nguồn tài chính hỗ trợ, đồng thời để cho các đối tượng trong nước bấu víu, tiến hành các hoạt động chống phá đất nước.

Nền tảng vững chắc cho sự phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, chính sự đồng lòng của lãnh đạo và nhân dân hai nước đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.

Ngày 28/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân đã hội kiến Nhà vua Nhật Bản Naruhito và Hoàng hậu.

Trong không khí thân tình, hai bên đánh giá cao và bày tỏ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp, toàn diện của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản và tình cảm ngày càng thân thiết của người dân hai nước.

Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cảm ơn Nhà vua, Hoàng hậu cũng như các thành viên Hoàng gia Nhật Bản về những tình cảm tốt đẹp và sự quan tâm sâu sắc dành cho nhân dân Việt Nam, cũng như mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong nhiều năm qua.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Phu nhân cũng bày tỏ xúc động và cảm ơn Nhà vua, Hoàng hậu và Chính phủ Nhật Bản dành cho Đoàn Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, thân tình trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này.

Nhà vua Naruhito và Hoàng hậu bày tỏ vui mừng được đón tiếp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân thăm chính thức Nhật Bản vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản; cảm ơn Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho Hoàng Thái tử Akishino và Công nương sự tiếp đón trọng thị và tình cảm nồng ấm trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 9 vừa qua.

Nhà vua và Hoàng hậu cho rằng sự gắn kết và giao lưu trong lịch sử, sự tương đồng về các yếu tố văn hóa, con người là một trong những yếu tố căn bản để phát triển quan hệ Việt Nam-Nhật Bản sâu sắc, gắn kết chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực như hiện nay.

Nhà vua và Hoàng hậu bày tỏ tin tưởng rằng các hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân được tổ chức ở nhiều địa phương hai nước trong năm 2023 - năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước sẽ tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, góp phần quan trọng vào thúc đẩy giao lưu nhân dân và quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ ấn tượng tốt đẹp đối với đất nước, con người Nhật Bản; chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc về các chuyến thăm Nhật Bản trước đây trên các cương vị khác nhau.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, hai nước có nhiều nét tương đồng về văn hóa, gần gũi về tính cách. Tình cảm của người dân hai nước dành cho nhau rất tự nhiên, chia sẻ nhiều giá trị và quan tâm chung. Chính sự đồng lòng của lãnh đạo và nhân dân hai nước đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định các chuyến thăm Việt Nam lịch sử của Thượng hoàng và Thái hậu năm 2017 trên cương vị Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Nhà vua năm 2009 trên cương vị Hoàng Thái tử, cũng như chuyến thăm tháng 9 vừa qua của Hoàng Thái tử Akishino và Công nương đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng lãnh đạo và người dân Việt Nam, góp phần làm sâu sắc sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước và đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

Chiều cùng ngày, tại Hoàng cung, Nhà vua Naruhito và Hoàng hậu chủ trì chiêu đãi thân mật Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự COP28 tại UAE và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ

 Chiều 28-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội lên đường dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 29-11 đến ngày 3-12, theo lời mời của Chính phủ UAE và Chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.

Đoàn đại biểu chính thức tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân trong chuyến công tác có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phạm Hoài Nam; Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến; Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Bùi Văn Thạch; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc; Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; Phó viện trưởng Thường trực, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến. Tham gia Đoàn còn có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương; Đại sứ Việt Nam tại UAE và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự COP28 tại UAE và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường tham dự COP28 và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ.  

Chuyến công tác tham dự COP28, tiến hành một số hoạt động song phương tại UAE và thăm chính thức Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng, vừa khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực và quốc tế.

Cùng với đó, chuyến công tác này góp phần củng cố tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và UAE, Thổ Nhĩ Kỳ; phát đi thông điệp về cam kết mạnh mẽ và đóng góp trách nhiệm của một Việt Nam hòa hiếu, chân thành, tin cậy, sẵn sàng tăng cường quan hệ hữu nghị, đối thoại và hợp tác cùng có lợi, xây dựng môi trường khu vực và quốc tế hòa bình, ổn định với các nước.

Chuyến công tác tiếp tục cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng về “tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế” và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; đồng thời là hoạt động có ý nghĩa dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - UAE.

TTXVN

Nguồn: Báo QĐND

Việt Nam và Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác sâu rộng và thực chất

Nửa thế kỷ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, vượt qua nhiều sóng gió của tình hình quốc tế, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, với sự tin cậy chính trị cao và hợp tác thực chất, sâu rộng.

Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển nhanh chóng và thực chất trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Hai nước đã xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý quan trọng cho quan hệ song phương.

Hiện nay, cả Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thúc đẩy liên kết kinh tế như CPTPP và RCEP. Sau 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản phát triển vượt bậc và toàn diện. Hiện nay, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Nhật Bản hiện có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD tại Việt Nam. Nhật Bản còn là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) hàng đầu của Việt Nam với hơn 27 tỷ USD vốn ODA, góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho Việt Nam.

Quan hệ giữa các địa phương hai nước cũng là điểm sáng với hơn 70 cặp địa phương có thỏa thuận hợp tác. Giao lưu nhân dân ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng góp phần tăng cường hiểu biết và tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hơn 470.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Nhật Bản, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại đất nước Mặt trời mọc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Nhật Bản và là cầu nối quan trọng trong quan hệ hữu nghị hai nước.

Việt Nam đứng thứ nhất về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với hơn 200.000 người, đồng thời, trong năm 2022, Nhật Bản là thị trường lao động hàng đầu, tiếp nhận nhiều nhân lực Việt Nam nhất với hơn 67.000 người, trong đó có nhiều lao động kỹ thuật có tay nghề cao, như kỹ sư công nghệ thông tin, ứng viên điều dưỡng, hộ lý mà thị trường Nhật Bản đang cần. Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đang phát triển dưới nhiều hình thức, trong đó, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục, đào tạo tại Việt Nam.

Nhật Bản đánh giá cao vai trò và đóng góp mang tính xây dựng của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực (minh chứng là hai lần Nhật Bản mời Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng); khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhật Bản tiếp tục quan tâm, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực, nhất là hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế số, chuyển đổi năng lượng... Việt Nam khẳng định vai trò của Nhật Bản là đối tác quan trọng và lâu dài của Việt Nam, bày tỏ mong muốn Nhật Bản tiếp tục đóng vai trò tích cực và xây dựng đối với các vấn đề quốc tế và khu vực.

Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Nhật Bản. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí duy trì phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy các cơ chế đối thoại, tăng cường giao lưu và tiếp xúc các cấp, tổ chức các hoạt động có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao tại hai nước, như triển khai dự án Trường đại học Việt-Nhật, tăng cường hợp tác trong các khuôn khổ đa phương, như Liên hợp quốc, ASEAN, Mê Công... ■

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Tokyo bắt đầu thăm chính thức Nhật Bản

Hơn 19 giờ tối nay, 26/11, theo giờ địa phương, tức chiều nay theo giờ Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Haneda, Thủ đô Tokyo, thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27 đến 30/11.

Tối 26/11 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam đã tới thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản. (Ảnh: Thống Nhất – TTXVN)

Tối 26/11 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam đã tới thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản. (Ảnh: Thống Nhất – TTXVN)

Đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân tại sân bay Haneda, về phía Nhật Bản có Đại sứ Yamada và Phu nhân; Thứ trưởng Ngoại giao Komura Masahiro và một số lãnh đạo Bộ Ngoại giao. Về phía Việt Nam có: Đại sứ Phạm Quang Hiệu và Phu nhân cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và kiều bào ta tại Nhật Bản.

Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị mới và cũng là chuyến thăm Nhật Bản lần thứ 4 của các Chủ tịch nước Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nhật Bản Kishida và Phu nhân sẽ chủ trì lễ đón trọng thể Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân. Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ dẫn đầu đoàn cấp cao hai nước hội đàm, đánh giá những thành quả đạt được trong 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và đề ra những phương hướng hợp tác mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cũng sẽ hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản; gặp Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản và có bài phát biểu quan trọng tại Quốc hội Nhật Bản; dự lễ Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản; tiếp tiếp lãnh đạo một số chính Đảng và một số chính trị gia Nhật Bản.

Tại Tokyo, Chủ tịch nước dành thời gian gặp mặt, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật bản; gặp đại diện các thế hệ người Việt Nam tại Nhật Bản có nhiều đóng góp; tiếp Ban lãnh đạo Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam; dự chương trình giao lưu võ thuật Vovinam Việt Nam và võ đạo Nhật Bản.

Trong chương trình làm việc tại Fukuoka, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ tiếp Thống đốc, Chủ tịch Hội đồng Fukuoka và Lãnh đạo các tỉnh khu vực Kyushu; gặp gỡ cán bộ, nhân viên Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka và cộng đồng người Việt Nam tại khu vực Kyushu; tiếp lãnh đạo Hiệp hội Hữu nghị Kyushu-Việt Nam; tiếp lãnh đạo Hiệp hội chuyên gia Nhật-Việt; thăm Trường Đại học Kyushu và Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ pin nhiên liệu Hydrogen.

Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian qua đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Các hoạt động trao đổi đoàn, trong đó có trao đổi đoàn cấp cao và các cấp được diễn ra và đẩy mạnh. Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là đối tác cung cấp viện trợ không hoàn lại (ODA) lớn nhất, thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về hợp tác đầu tư, du lịch và thứ tư về thương mại. Hợp tác giữa các địa phương hai nước không ngừng được đẩy mạnh và cho đến nay có khoảng 100 cặp quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.

“Hiến kế ngược" - chiêu trò hòng phá hoại Thủ đô Hà Nội - Bài 2: Quy chụp hiện tượng thành bản chất

 Một trọng điểm mà các thành phần chống phá hướng tới là cố tình hạ bệ vai trò, vị trí, uy tín của hệ thống chính trị TP Hà Nội hòng dẫn dắt, kích động dư luận quay lưng với cấp ủy, chính quyền Thủ đô.

Dựng chuyện "bưng bít thông tin"

“Giả đui để điêu” chính là bản chất của những thế lực chống đối, cố tình phớt lờ sự thật. Đối với Hà Nội, những thành phần chống phá cách mạng đang áp dụng chiêu thức này để trắng trợn quy chụp: “Hệ thống chính trị Hà Nội đang cố bưng bít khi để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng”. Mới đây nhất, lợi dụng việc Hà Nội đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, nhất là sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, họ lại ra sức thêu dệt, đặt điều.

Dễ nhận rõ, từ một vụ cháy thương tâm, các thế lực chống phá đã tìm mọi thủ đoạn, chiêu trò tấn công vào tâm lý người dân hòng gây hoang mang, bức xúc trong dư luận. Họ đặt điều rằng: Hà Nội có phải thành phố đáng sống? Tại sao giữa lòng Thủ đô vẫn tồn tại những chung cư mini ổ chuột? Nguy hiểm hơn, bằng thủ đoạn xảo quyệt, các lực lượng thù địch chủ ý cắt ghép, nhào nặn những thông tin với mục đích hướng lái dư luận tư duy theo ý đồ vạch sẵn.

“Hiến kế ngược" - chiêu trò hòng phá hoại Thủ đô Hà Nội - Bài 2: Quy chụp hiện tượng thành bản chất
Hiện trường vụ cháy chung cư mini trong phố Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: TTXVN 

Việc rõ mười mươi mà người dân Thủ đô đều biết, đó là ngay sau khi vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại chung cư mini ở phố Khương Hạ, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy có văn bản chỉ đạo việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3 tổ chức đảng liên quan. Phần việc kịp thời, nghiêm túc, trách nhiệm này nhằm làm rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, xem xét, xử lý theo quy định đối với các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan khi để xảy ra vụ việc đáng tiếc. Như vậy, luận điệu “bưng bít sai phạm” mà các thế lực chống đối rêu rao lại chính là sự thể hiện rõ nét cho thói giả đui, giả điếc của các phần tử theo chủ nghĩa xét lại.

Không riêng vụ việc này, thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đặc biệt quan tâm, coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương và thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng bộ TP Hà Nội đã kiểm tra 3.542 lượt tổ chức đảng, 992 đảng viên; giám sát 2.212 lượt tổ chức đảng, 1.098 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 317 lượt tổ chức đảng và 758 đảng viên, kết luận 122 tổ chức đảng và 332 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 17 tổ chức đảng và 236 đảng viên. Điển hình là đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng cấp dưới có liên quan trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Công tác thi hành kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng được cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp xem xét giải quyết kịp thời, đồng bộ, xử lý kỷ luật về Đảng đồng thời với xử lý kỷ luật về chính quyền, bảo đảm nghiêm minh. Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy đã thi hành kỷ luật 28 tổ chức đảng và 2.377 đảng viên.

Tính riêng trong 9 tháng năm 2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội triển khai 2 cuộc kiểm tra (đối với 62 tổ chức đảng, 10 đảng viên) theo kế hoạch năm 2023 và 2 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm (đối với 4 tổ chức đảng). Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND thành phố nhiệm kỳ 2011-2016 và nhiệm kỳ 2016-2021 trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các dự án, gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC và các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” AIC thực hiện từ năm 2011 đến 2021; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Xuân, Đảng ủy Công an quận Thanh Xuân, Đảng ủy phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025 trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương và thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy.

Các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy cũng đã kiểm tra đối với 92 lượt tổ chức đảng và 91 đảng viên; đảng ủy cơ sở và chi bộ kiểm tra đối với 603 lượt tổ chức đảng và 291 đảng viên. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, các chương trình công tác của Thành ủy.

Không dừng lại ở đó, Hà Nội còn chủ trương đẩy mạnh kiểm tra, giám sát vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt chú trọng kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm, khuyết điểm, tham nhũng, tiêu cực, như công tác quản lý dự án, đất đai, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, công tác cán bộ, công tác kê khai tài sản, thu nhập; kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu mất đoàn kết, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, rơi vào suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để kịp thời nhắc nhở, giáo dục, ngăn chặn vi phạm.

Như vậy, tự thân những kết quả vừa dẫn chứng đã trả lời thuyết phục cho câu hỏi: Liệu tổ chức đảng các cấp ở Đảng bộ TP Hà Nội có sợ trách nhiệm, có chủ ý bưng bít thông tin như những đối tượng phản động cố tình rêu rao?

Thấy cây mà không thấy rừng

Mượn cớ chỉ trích một số vụ việc sai phạm cùng một số tổ chức đảng, đảng viên của Thủ đô bị kỷ luật, các thế lực thù địch đánh lái dư luận theo hướng “từ tiêu cực đến tham nhũng chỉ là một dấu gạch nối”. Đào bới, tô vẽ thêm việc sai phạm của một số cán bộ thành phố trước kia, những người này xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Hà Nội chỉ như “ném đá ao bèo, cưỡi ngựa xem hoa, qua loa cho xong chuyện”, rồi tiếp tục suy diễn: “Nếu Hà Nội thực sự coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa thì hẳn sẽ không có những đại án”. Quả thực, càng nói thì những người này lại càng lộ rõ bản chất xảo trá cùng tầm nhìn thiển cận “thấy cây mà không thấy rừng”.

Thực tiễn cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, được cả hệ thống chính trị Hà Nội tích cực vào cuộc. Để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy tích cực, chủ động chỉ đạo tiếp nhận, xử lý đơn thư từ các nguồn gửi đến. Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy tiếp nhận 14.933 đơn thư, chuyển cơ quan giải quyết 3.912 đơn... Do đó, hàng loạt vụ việc tồn đọng, kéo dài, phức tạp được đội ngũ lãnh đạo TP Hà Nội và cơ quan chức năng nắm bắt, quyết liệt chỉ đạo, giải quyết triệt để; đồng thời sớm phát hiện, tháo gỡ vướng mắc, ngăn chặn nảy sinh tiêu cực, nhất là bức xúc trong dân.

Cùng với đó, Thành ủy, HĐND thành phố, Ban chỉ đạo của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017, Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các cấp, ngành tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng các đơn thư tố cáo liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là việc tiếp dân định kỳ, đột xuất của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Chỉ đạo tổ chức sơ kết từ cơ sở đến thành phố 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và 6 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy; qua sơ kết đã ban hành Kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, Chỉ thị số 15-CT/TU với các giải pháp đồng bộ, thiết thực. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo rà soát trên địa bàn thành phố còn 150 vụ việc phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo Thành ủy tiếp tục theo dõi, chỉ đạo giải quyết. Với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Thành ủy, các đơn vị đã giải quyết được hơn 100 vụ việc.

Bám sát các chỉ đạo của Trung ương, quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản, chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí, Thành ủy Hà Nội ban hành và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17-3-2021 về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025"; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, Hà Nội sớm thành lập Ban chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả. Theo đó, Ban chỉ đạo đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác tham mưu, xử lý các vụ việc, vụ án, ban hành 495 văn bản các loại; đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn và giám sát kết quả giải quyết đối với hơn 200 vụ việc, vụ án; chỉ đạo công tác chuẩn bị xét xử đối với tổng số 43 vụ việc, vụ án; xử lý đối với 40 vụ việc, vụ án hình sự khác xảy ra trên địa bàn thành phố.

Nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Hà Nội tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động. Công tác cải cách hành chính được chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát, cụ thể. Chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện, nâng cao các chỉ số đánh giá về hiệu quả hoạt động của chính quyền; tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp, nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ban Thường vụ Thành ủy còn thành lập 13 đoàn kiểm tra, giám sát đối với 35 tổ chức đảng và 54 đảng viên về các nội dung của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, quán triệt chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm khi chưa ban hành kết luận thanh tra. Hà Nội đặc biệt quán triệt, thực hiện nghiêm túc các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các hội nghị, phiên họp, cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chuyển hồ sơ, tài liệu một số vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý. Các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử phối hợp liên ngành giải quyết tốt các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; của Thường trực Thành ủy Hà Nội và Ban chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

“Đẩy mạnh xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội thực sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiêu biểu; xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là nhân tố có ý nghĩa quyết định; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam” (Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).

(còn nữa) 

TẤN TUÂN - ĐÀO THẠNH

Nguồn: Báo QĐND

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...