Nửa thế kỷ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, vượt qua nhiều sóng gió của tình hình quốc tế, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, với sự tin cậy chính trị cao và hợp tác thực chất, sâu rộng.
Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển nhanh chóng và thực chất trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Hai nước đã xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý quan trọng cho quan hệ song phương.
Hiện nay, cả Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thúc đẩy liên kết kinh tế như CPTPP và RCEP. Sau 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản phát triển vượt bậc và toàn diện. Hiện nay, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Nhật Bản hiện có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD tại Việt Nam. Nhật Bản còn là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) hàng đầu của Việt Nam với hơn 27 tỷ USD vốn ODA, góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững cho Việt Nam.
Quan hệ giữa các địa phương hai nước cũng là điểm sáng với hơn 70 cặp địa phương có thỏa thuận hợp tác. Giao lưu nhân dân ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng góp phần tăng cường hiểu biết và tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hơn 470.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Nhật Bản, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại đất nước Mặt trời mọc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Nhật Bản và là cầu nối quan trọng trong quan hệ hữu nghị hai nước.
Việt Nam đứng thứ nhất về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với hơn 200.000 người, đồng thời, trong năm 2022, Nhật Bản là thị trường lao động hàng đầu, tiếp nhận nhiều nhân lực Việt Nam nhất với hơn 67.000 người, trong đó có nhiều lao động kỹ thuật có tay nghề cao, như kỹ sư công nghệ thông tin, ứng viên điều dưỡng, hộ lý mà thị trường Nhật Bản đang cần. Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đang phát triển dưới nhiều hình thức, trong đó, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục, đào tạo tại Việt Nam.
Nhật Bản đánh giá cao vai trò và đóng góp mang tính xây dựng của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực (minh chứng là hai lần Nhật Bản mời Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng); khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhật Bản tiếp tục quan tâm, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực, nhất là hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế số, chuyển đổi năng lượng... Việt Nam khẳng định vai trò của Nhật Bản là đối tác quan trọng và lâu dài của Việt Nam, bày tỏ mong muốn Nhật Bản tiếp tục đóng vai trò tích cực và xây dựng đối với các vấn đề quốc tế và khu vực.
Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Nhật Bản. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí duy trì phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy các cơ chế đối thoại, tăng cường giao lưu và tiếp xúc các cấp, tổ chức các hoạt động có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao tại hai nước, như triển khai dự án Trường đại học Việt-Nhật, tăng cường hợp tác trong các khuôn khổ đa phương, như Liên hợp quốc, ASEAN, Mê Công... ■
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét