Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

NGUYỄN ÁI QUỐC 

VÀ LỚP HUẤN LUYỆN Ở VÙNG BIÊN GIỚI VIỆT - TRUNG

(LLCT) - Tháng 10-1940, Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện cho hơn 40 thanh niên các dân tộc Cao Bằng vượt biên giới sang làng Nậm Quang (xã Cát Thôn, huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) - một làng nằm sát biên giới Việt -Trung để tìm đến với cách mạng, với lãnh tụ cách mạng. Đây là bước chuẩn bị lực lượng vô cùng quan trọng, làm nòng cốt cho cuộc trở về Tổ quốccủa Người để xây dựng căn cứ địa cách mạng, trực tiếp chỉ đạo cách mạng trong nước đi tới thành công.
Trong hành trình 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước,Nguyễn Ái Quốc -Hồ Chí Minh luôn có mong muốn cháy bỏng sớm“trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(1).
Để thực hiện được mong muốn đó, Người đã phải trải qua một chặng đường đầy gian nan, nguy hiểm, dưới sự truy lùng gắt gao của thực dân Pháp, nên mặc dù nhiều lần tìm đường trở về Tổ quốc nhưng đều chưa thực hiện được. Đầu năm 1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được phân công trở về hoạt động tại Côn Minh (Trung Quốc), được sự giúp đỡ của những người cách mạng Trung Quốc, Người đã bắt được mối liên lạc với Ban Hải ngoại của Đảng ta. Tình hình thế giới và trong nước thời gian này có những chuyển biến nhanh chóng. Ngày 15-6-1940, phát xít Đức tấn công nước Pháp. Ngày 22-6-1940, Chính phủ Pháp đầu hàng không điều kiện phát xít Đức. Nhận thấy thời cơ giải phóng dân tộc đang tới gần, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập cuộc họp với các đồng chí trong Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng ta, phân tích rõ tình hình và tìm đường về nước lãnh đạo cách mạng.
Trên hành trình về đến gần Tổ quốc, tháng 10-1940, khi được biết cóhơn 40 thanh niên các dân tộc Cao Bằng dobị thực dân Pháp khủng bố đã vượt biên giới sang làng Nậm Quang, xã Cát Thôn, huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc-một làngnằm sátbiên giới Việt -Trungđểtìmđến với cách mạng, với lãnh tụ cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã nói với các đồng chí cùng hoạt động ở Quế Lâm: “Chúng ta sẽ tổ chức một lớp huấn luyện cho các anh em, sau đó đưa anh em trở về củng cố và mở rộng phong trào Cao Bằng và tổ chức liên lạc về nước”(2). Người còn nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”(3). Việc mở lớp huấn luyện cho những thanh  niên ưu tú của Cao Bằng tại vùng biên giới Việt -Trung là bước chuẩn bị lực lượng vô cùng quan trọng, làm nòng cốt cho cuộc trở về Tổ quốccủa Người để xây dựng căn cứ địa cách mạng, trực tiếp chỉ đạo cách mạng trong nước đi tới thành công.
Vào hạ tuần tháng 12-1940, Nguyễn Ái Quốc cùng với một số cán bộ rời Quế Lâm đi xuống Tĩnh Tây. Ngay sau Tết Dương lịch năm 1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ từ trong nước sang gặp Người tại làng Tân Khư, Tĩnh Tây. Đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Trung ương Đảng báo cáo về tình hình trong nước, những công tác đã thực hiện được và việc chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ támvà đề nghị với Người chọn hướng Cao Bằng để về nước vì đâylà tỉnh biên giới có phong trào cách mạngphát triểnsớm, đội ngũ cán bộ tương đối vững vàng, đa số nhân dân có tinh thần giác ngộ cách mạng cao;liên lạc quốc tế thuận tiện. Đề nghị của đồng chí Hoàng Văn Thụ rất trùng hợp với nhận định trước đó của Người.Người đã tán thành và căn dặn số cán bộ về nước trước tìm địa điểm làm căn cứ, phải chú ý hai điều kiện cơ bản là:có hàng rào quần chúng bảo vệ và có đường rút lui.
Việc Nguyễn Ái Quốc quyết định mở lớp huấn luyện cho những thanh niên từ Cao Bằng sang đã được Người kể lại trong bài: Bác ăn tết với chúng tôi với bút danh T.Lan đăng báo Nhân dân, số 2523, ngày 14-2-1961:
“Vào cuối năm 1940, chúng tôi một nhóm thanh niên Cao-Bằng bí mật sang Trung Quốc đi tìm cách mạng, tìm lãnh tụ cách mạng. Trong nhóm có các bạn Quảng Ba, Hoàng Sâm, Bằng Giang, v.v... 
Cũng trong lúc đó, lại nghe tin có một nhóm cách mạng khác đến Quảng Tây. Chúng tôi lại đi tìm, thì gặp các đồng chí Hoàng Văn Hoan, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng... Rồi chúng tôi gặp một cụ người gầy, trán cao, mắt sáng, ăn mặc như một bác nông dân Trung Quốc. Chúng tôi cảm thấy ông cụ rất hiền lành và đối với chúng tôi rất bình đẳng...
Ít hôm sau, ba đồng chí Võ,  Phạm,  Hoàng ở lại Tĩnh Tây. Ông cụ thì bí mật cùng chúng tôi về một làng Trung Quốc gần biên giới Cao Bằng, mở lớp huấn luyện. Ông cụ tức là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Cùng đi có ông Thược, thày thuốc và ông Lộc-“anh nuôi”(4).
Kế thừa kinh nghiệm và thành công từlớp huấn luyện chính trị đầu tiên tại Quảng Châu(Trung Quốc)những năm 1927- 1928, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy  sựcần thiết phải mởlớp huấn luyện những thanh niên này nhằm đào tạo họ thành những cán bộ cốt cán, để trở về Cao Bằng, xây dựng thí điểm các đoàn thể cách mạng, lập căn cứ địa cách mạng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi trong Hồi ký: “Bác và anh Phùng Chí Kiên về một làng cách Tĩnh Tây năm chục cây số. Bác cho người đến gọi anh Đồng và tôi về để mở lớp huấn luyện… Các anh Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng và tôi được Bác hướng dẫn làm chương trình huấn luyện. Bác phân công mỗi người làm từng mục: tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh…”(5). Dựa theo tài liệu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã biên soạn tập bài giảng cho lớp học, gồm sáu bài(6):
“Bài 1: Tình hình thế giới, trong đó đề cập tới cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, phong trào cách mạng trên thế giới, về Liên bang Xô viết, về cuộc kháng Nhật cứu nước của nhân dân Trung Quốc.
Bài 2: Tình hình Đông Dương, trong đó giới thiệu về đặc điểm địa lý, tình hình kinh tế, chính trị, về các giai tầng và các dân tộc Đông Dương, về thái độ của người Pháp và Hoa kiều…
Bài 3: Vấn đề cách mạng Việt Nam, trong đó giới thiệu về phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam, về những điều kiện đảm bảo của cách mạng, đồng thời giới thiệu các đảng phái chính trị ở Đông Dương và chủ nghĩa dân chủ mới của Việt Nam.
Bài 4: Về công tác, chủ yếu hướng dẫn học viên cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đưa quần chúng ra đấu tranh.
Bài 5: Vấn đề khởi nghĩa, trong đó có hai nội dung chính là đánh du kích và khởi nghĩa. 
Bài 6: Một người cách mạng phải như thế nào nói về tư cách của người cách mạng”(7).
Ngay từ những ngày đầu tiên của lớp học, Người căn dặn học viên về năm điều nên làm và năm điều nên tránh đối với dân. Năm điều nên làm là: Giúp dân những công việc thiết thực hàng ngày; Tìm hiểu phong tục tập quán, nghiêm túc chấp hành điều lệ; Học tiếng địa phương, dạy hát, dạy chữ, gây tình cảm tốt với dân; Tùy nơi, tùy lúc mà tuyên truyền cách mạng cho thích hợp; Làm cho dân thấy mình là người đúng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật, do đó dân càng tin và giúp ta.
Năm điều nên tránh là: Tránh việc gì làm hại đến dân, làm bẩn,làm hỏng nhà cửa ruộng vườn của dân; Tránh năn nỉ mua hoặc mượn thứ gì cho bằng được; Tránh sai lời hứa; Tránh phạm đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân; Tránh lộ bí mật.
Người cũng đặc biệt quan tâm đến việc sinh hoạt của lớp học và có những chỉ dẫn hết sức cụ thể: “Ở nhà người ta, thì phải quét dọn sạch sẽ, ang nước phải đầy, bếp củi phải đủ”. Mỗi ngày, cứ sáng dậy thì Bác cùng chúng tôi quét dọn trong nhà ngoài sân. Xong rồi, mới vào lớp. Buổi chiều thì cùng nhau đi lấy củi. Vài hôm sau, cả làng tấm tắc khen ngợi. Ban huấn luyện chia làm mấy tổ, mỗi tổ ở chung một nhà. Buổi sớm, Bác nói chuyện chung với cả ban. Chiều và tối, các tổ nghiên cứu riêng. Tôi nhớ Bác nói về mấy vấn đề: thời sự, Cách mạng Nga, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa đế quốc, Cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh, cách tuyên truyền, cổ động, tổ chức, và tư cách người cách mạng...
Bác nói như kể chuyện, vui vẻ, dễ hiểu, dễ nhớ. Nói xong một đoạn, Bác lại hỏi, mọi người đã hiểu rõ chưa? Trong tổ chúng tôi giúp đỡ lần nhau, cho nên hiểu và nhớ được hết”(8).
Tuy lớp huấn luyện được tổ chức trong thời gian ngắn, điều kiện vật chất thiếu thốn, bữa ăn chỉ có cháo bẹ với rau rừng, nhưng các học viên học tập rất hăng say. Các học viên đã được nghe lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền đạt những vấn đề cơ bảnvề tình hình thế giới và trong nước;về tổ chức đoàn thể quần chúng, cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức huấn luyện và đấu tranh cách mạng, học cách dân vận, giữ mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân nước bạn. Nhờ đó, các học viên đã tiếp thụ được những hiểu biết cơ bản về chủ trương, đường lối cách mạng trong điều kiện lịch sử mới, nắm được cách thức gây dựng, phát triển phong trào…Bên cạnh đó, các học viên đã tạo được sự thiện cảm, yêu mến của nhân dân địa phương: “Lớp huấn luyện rất sôi nổi, dân chủ và vui vẻ. Bà con Trung Quốc trong làng không hiểu chúng mình dạy cái gì, học cái gì, nhưng đều khen thanh niên Việt Nam đoàn kết, chăm học, siêng làm. Bà con trong làng nhất là những người cho mượn nhà rất mến chúng ta. Vì vò nước bao giờ cũng đầy, đống củi bao giờ cũng cao, nhà cửa bao giờ cũng sạch, trong nhà có việc gì chúng ta cũng ra tay làm giúp. Đặc biệt các em nhi đồng luôn luôn xoắn xít chung quanh anh em ta để học hát, học nhảy múa, không nghịch ngợm, và đánh nhau như trước nữa. Chúng ta đã góp phần làm cho cái làng tịch mịch trong một thung lũng âm u vui hẳn lên... Bác bảo các đồng chí thanh niên: “Đó là một cách dân vận thiết thực đấy”(9).
Lớp huấn luyện kết thúc sau 15 ngày vào khoảng giáp Tết Tân Tỵ năm 1941, doQuốc dân Đảng lùng sục ráo riết tạivùng Nậm Quang.Trước những biển chuyển nhanh chóng của tình hình, Nguyễn Ái Quốc lên kế hoạchcùng đoàn cán bộ về nước. Trước khi trở về Tổ quốc, Người và các học viên đã ở lại đón Tết cùng với nhân dân địa phương: “Sáng 30 Tết, chúng tôi làm mấy mâm cơm nếp và thịt lợn, mời các vị phụ lão và những người tai mắt trong làng đến chén một bữa vui vẻ.
Để khỏi phạm đến phong tục mê tín của dân làng, Bác dặn chúng tôi: “Mồng 1 Tết, các chú phải ở trong nhà, không được đi ra ngoài. Nếu các chủ nhà mời ăn Tết, thì mỗi tổ cử một vào người đi thôi...”.
Mồng 1 Tết, suốt cả buổi sáng cả làng chỉ lo cúng quảy. Trước hết họ cúng tổ tiên, rồi họ cúng cả ràn trâu, chuồng lợn, cái cối giã gạo, cái cuốc làm vườn, cái liềm, cái rạ... mọi nông cụ làm ăn đều được cúng. Sau đó thôn trưởng vào mời chúng tôi ăn Tết”(10).
Sáng mùng một Tết, Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí trong đoàn đi chúc tết nhân dân hai làng Nậm Quang và Nậm Tấy, Tĩnh Tây. Người mặc bộ quần áo Nùng màu chàm, đầu vấn khăn, tay chống gậy. Theo phong tục người Nùng ở đây, Người tặng mỗi nhà một tờ giấy hồng điều trên có ghi bốn chữ Hán “Cung chúc Tân niên” (Chúc mừng năm mới). Các cháu nhỏ được Người tặng tiền phong bao, mỗi gói một xu đồng.
Sáng mồng hai Tết, tức ngày 28-1-1941, trời chưa sáng, sương mù còn dày đặc, đoàn rời Nậm Quang lên đường về nước. Khi đặt chân đến cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung, địa phận thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng, Người đứng lặng hồi lâu, xúc động. Giây phút đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng, nơi địa đầu Tổ quốc sau này được Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại: “Chiều hôm đó, đồng chí Quảng Ba dẫn Bác và cả nhóm thanh niên về PắcBó. Xa rời Tổ quốc đã hơn 30 năm. Đã mất bao nhiêu thời giờ và sức lực tìm liên lạc mà không được. Bao nhiêu thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động. Từ hôm đó, cái hang PắcBó trở nên “đại bản doanh” của chúng ta”(11).
Mảnh đất Pác Bó (Cao Bằng), nơi có địa thế hiểm trở, núi non hùng vĩ, nhân dân sớm được giác ngộ, kiên cường tranh đấu, trung thành với Đảng, với cách mạng, đã được Người được chọn làm nơi đặt cơ quan chỉ đạo phong trào cách mạng. Pác Bó trở thành đầu nguồn cách mạng, cũng từ đây, chúng ta đã xây dựng được khu giải phóng rộng lớn gồm 6 tỉnh (Cao - Bắc-Lạng-Thái-Tuyên-Hà).
Có thể nói, nếu như các học viên của lớp huấn luyện chính trị do Người đào tạo tại Quảng Châu, Trung Quốc là những hạt giống đỏ cho cách mạng Việt Nam, thì các học viên của lớp huấn luyện ngắn hạn vùng biên này được Người ví là “43 con đại bàng bay cao” và Người tiên đoán “sẽ có điềm lành tốt đẹp”;“Từ đó, phong trào phát triển rất nhanh, chẳng bao lâu đã xây dựng được nhiều nơi căn cứ vững chắc của cách mạng. Cách một năm sau, tổ chức Việt Minh đã khắp tỉnh Cao Bằng và lan đến các tỉnh lân cận”(12).
77 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện cho những thanh niên ưu tú của Cao Bằng tại vùng biên giới Việt -Trung vẫn để lại cho Đảng ta những kinh nghiệm, bài học quý báu; giúp chúng tanhận thức rõ hơn quan điểm của Hồ Chí Minh:“Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, một khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì công tác cán bộ luôn là khâu quyết định.“Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Đây là di sản và những bài học quýgiá về công tác cán bộ củaChủ tịch Hồ Chí Minh để lại.
________________
(1) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Văn học, Hà Nội, 1969, tr.49.
(2) Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1969, tr.33.
(3) Vũ Anh: Những ngày gần Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 19.
(4) Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
(5) Võ Nguyên Giáp: Đầu nguồn, Nxb Văn học, Hà Nội, 1972, tr.98
(6) Các tài liệu sau in thành sách nhan đề là “Con đường giải phóng”
(7) Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ký hiệu: H2C7/3.
(8), (10), (12) T.Lan: Bác ăn tết với chúng tôi, Tài liệu bản thảo lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
(9), (11)T. Lan:Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.72, 73.

Nguyễn Văn Dương
Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch


QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ “CÁCH LÃNH ĐẠO" VÀ VẬN DỤNG TRONG LÃNH ĐẠO HIỆN NAY
(LLCT) - Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947) của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng hệ thống những luận điểm, chỉ dẫn sâu sắc về thái độ và phương pháp làm việc, nhất là về cách thức lãnh đạo. Dựa vào việc phân tích một khuynh hướng nghiên cứu mới của khoa học lãnh đạo hiện đại - Kiến tạo tri thức như chức năng của lãnh đạo, bài viết làm sáng tỏ hơn và khẳng định giá trị khoa học mang tính thời đại trong những luận điểm về “Cách lãnh đạo”. Qua đó gợi mở hướng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong nghiên cứu, đào tạo và thực hành lãnh đạo trong bối cảnh thế giới “phẳng” ngày nay.
1. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách lãnh đạo
Ngay từ năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn sâu sắc về cách lãnh đạo huy động trí tuệ quần chúng, học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng, chủ động dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức của tập thể, cộng đồng để tạo nên những quyết định lãnh đạo sáng suốt.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Sự hiểu thấu và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình... Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của “những người không quan trọng”(1).
Người đã lập luận hết sức thuyết phục rằng: “Những người lãnh đạo chỉ trông thấy một mặt của công việc, của sự thay đổi của mọi người: trông từ trên xuống. Vì vậy sự trông thấy có hạn. Trái lại, dân chúng trông thấy công việc, sự thay đổi của mọi người, một mặt khác: họ trông thấy từ dưới lên. Nên sự trông thấy cũng có hạn. Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề cho đúng, ắt phải họp kinh nghiệm cả hai bên lại. Muốn như thế, người lãnh đạo ắt phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa mình với các tầng lớp người, với dân chúng”(2).
Là một người có trí tuệ uyên bác, nhưng trong lãnh đạo, Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào trí tuệ của nhân dân, luôn tin rằng họ là người hiểu nhất vấn đề của chính họ, cái mấu chốt là cán bộ lãnh đạo phải làm sao để khơi dậy nguồn lực trí tuệ đó. Người chỉ rõ: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(3).
Theo Hồ Chí Minh, muốn huy động được trí tuệ quần chúng nhân dân, phải từ bỏ cách lãnh đạo quan liêu, mệnh lệnh, áp đặt từ trên xuống rồi bắt quần chúng theo; thay vào đó là cách lãnh đạo “Làm theo cách quần chúng”.Khi đề cập cách thức lãnh đạo Làm theo cách quần chúng, Người chỉ rõ: “Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”(4).
Để thực hiện cách thức lãnh đạo này một cách có hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn rất cụ thể:
Thứ nhất,cán bộ cần phải hiểu rõ đặc điểm tâm lý, trình độ của quần chúng nhân dân, xem đó như một phần tất yếu của bối cảnh lãnh đạo. Người đã chỉ ra thuộc tính tĩnh của dân chúng: có lớp tiền tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu.Vì lý do đó, như một lẽ tất nhiên, ý kiến của mọi người sẽ rất khác nhau. Người nhấn mạnh ưu thế động của dân chúng, là sự cảm nhận, so sánh theo thời gian, so sánh theo bối cảnh không gian cụ thể. Cùng với đó là năng lực tổng quát của dân chúng trong việc phát hiện ra mâu thuẫn và đề ra cách giải quyết.
Thứ hai,khi đã hiểu rõ đặc điểm tâm lý, trí tuệ của quần chúng thì cán bộ nên sử dụng phương pháp gợi mở vấn đề và kích thích tư duy phản biện trong chính những người dân để cùng nhau giải quyết vấn đề. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “khi đem vấn đề ra bàn trước dân chúng, họ đem các ý kiến khác nhau so sánh. So đi sánh lại, sẽ lòi ra một ý kiến mà mọi người đều tán thành, hoặc số đông người tán thành. Ý kiến đó, lại bị họ so sánh tỷ mỷ từng đoạn, họ thêm điểm hay vào, bỏ điểm dở đi. Ý kiến đó trở thành ý kiến đầy đủ, thiết thực. Sau khi bàn bạc, so sánh, thêm thắt, thành một ý kiến đầy đủ, ý kiến đó tức là cái kích thước nó tỏ rõ sự phát triển trình độ của dân chúng trong nơi đó, trong lúc đó. Theo ý kiến đó mà làm, nhất định thành công. Làm không kịp ý kiến đó, là đầu cơ, nhút nhát. Làm quá ý kiến đó là mạo hiểm, hẹp hòi, “tả””(5).
Hồ Chí Minh hết sức phê phán những cán bộ có thái độ coi thường trí tuệ của nhân dân. Người viết: “Có người thường cho dân là dốt, không biết gì, mình là thông thái tài giỏi. Vì vậy, họ không thèm học hỏi dân chúng, không thèm bàn bạc với dân chúng. Đó là một sai lầm nguy hiểm lắm. Ai có sai lầm đó, phải mau sửa đổi. Nếu không sẽ luôn luôn thất bại”(6).
Thứ ba, tin vào trí tuệ của nhân dân, nhưng người lãnh đạo không được “theo đuôi quần chúng” mà phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, phải đóng vai trò chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo trong dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức tập thể để đưa ra các quyết định hợp lý. Vai trò của lãnh đạo trong quá trình ra quyết định thể hiện ở chỗ biết phát huy những kiến thức, phương pháp lý luận khoa học đã được học để so sánh, tổng hợp các ý kiến của nhân dân, làm sâu sắc hơn, lý giải cơ sở khoa học của nó và tiếp tục đưa sản phẩm tư duy, sáng tạo của mình cho nhân dân phản biện. Về luận điểm này, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cố nhiên, không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo. Người cán bộ cũng phải dùng cách so sánh của dân chúng mà tự mình so sánh. Nghĩa là đem các ý kiến khác nhau để so sánh kỹ, phân tích kỹ các nội dung của các tầng lớp xã hội có cái ý kiến đó. Tìm ra mối mâu thuẫn trong những ý kiến khác nhau đó. Xem rõ cái nào đúng, cái nào sai. Chọn lấy ý kiến đúng, đưa ra cho dân chúng bàn bạc, lựa chọn lại, để nâng cao dần dần sự giác ngộ của dân chúng”(7). “Gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận, đem làm ý kiến chung. Rồi lại đem ý kiến chung đó để thí nghiệm trong từng bộ phận. Rồi lại đem kinh nghiệm chung và mới, đúc thành chỉ thị mới. Cứ như thế mãi. Biết làm như vậy mới thật là biết lãnh đạo”(8).
Như vậy, trong chu trình vận động và phát triển tri thức của tập thể, của cộng đồng, Hồ Chí Minh vừa coi trọng vai trò của quần chúng nhân dân, vừa nhấn mạnh đến vai trò, sứ mệnh của người lãnh đạo trong việc tổ chức, dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức - tổ chức đối thoại, tranh luận nhằm tìm ra chân lý và tổ chức thực hành để kiểm nghiệm chân lý trong thực tiễn, rồi lại nâng kinh nghiệm thực tiễn (cũ và mới) thành lý luận mới, chính sách mới.
2. Vận dụng trong lãnh đạo phù hợp thời đại cách mạng công nghiệp 4.0
Lãnh đạo bao gồm nhiều hoạt động, từ việc xây dựng tầm nhìn, xác định mục tiêu, ra quyết định đúng, đổi mới để tổ chức phát triển, đến việc xây dựng văn hóa tổ chức, tạo động lực và sự cam kết của các thành viên hướng tới tầm nhìn, mục tiêu chung... Trong tất cả các hoạt động đó, việc tiếp nhận, xử lý thông tin, dữ liệu (đầu vào) để đi đến các quyết định quản lý hoặc quyết định chính sách hợp lý (đầu ra) có vai trò hết sức quan trọng. Các nhà khoa học đã ước tính 70% thời gian của lãnh đạo là dành cho việc tiếp nhận, xử lý các loại hình thông tin, dữ liệu thông qua các kênh khác nhau. Sự khác biệt về “chất” giữa đầu vào - đầu ra thể hiện ở các phương án quyết định mà nhà lãnh đạo cần phải lựa chọn: tính chất tổ hợp, khả năng phản ánh hiện thực khách quan, tính khả thi... Bên cạnh năng lực tổng hợp, phân tích và cảm nhận cá nhân của lãnh đạo thì chất lượng thông tin, dữ liệu đầu vào có tác động quan trọng đến chất lượng phương án quyết định quản lý hoặc quyết định chính sách đầu ra. Chính ở đây, có nhiều câu hỏi quan trọng được đặt ra như: làm thế nào để thu nhận được các thông tin, dữ liệu đầu vào có chất lượng trong hoạt động lãnh đạo quản lý; đánh giá mức độ tin cậy của các nguồn thông tin; giữa các loại thông tin dữ liệu khác nhau thậm chí mâu thuẫn nhau, thì làm thế nào để lựa chọn đúng, xây dựng phương án phù hợp?...
Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin, truyền thông, dữ liệu thì khoảng cách trong tiếp nhận thông tin giữa các nhóm xã hội khác nhau ngày càng bị thu hẹp. Bên cạnh đó, như nhiều nhà khoa học đã chỉ ra, với một lượng thông tin hằng ngày rất lớn, đa dạng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, thì con người có thể bị chìm ngập trong thông tin mà không đem lại kiến thức và tri thức đáng kể nào. Nhà lãnh đạo, với yêu cầu đưa ra được các quyết định đúng đắn để giải quyết các nhiệm vụ mà thực tiễn cuộc sống, công việc đặt ra, càng cảm nhận thấy tình trạng mất cân đối giữa một bên là thông tin ngày càng nhiều - và một bên là sự không theo kịp của năng lực xử lý thông tin để tạo ra tri thức có ích cho công việc. Trong hoàn cảnh đó, các nhà khoa học đã nhấn mạnh đến quá trình kiến tạo tri thức(knowledge creation) mang tính ứng dụng cao trong khi đối diện với các thách thức lãnh đạo. Nói cách khác, nếu coi việc ra quyết định là sự lựa chọn một trong các phương án hành động thì chất lượng thông tin, dữ liệu đầu vào và tính khả thi của các phương án đưa ra sẽ có tác động rất lớn đến hiệu quả của việc thực thi quyết định.
Herbert Simon đã lập luận về “Lý trí giới hạn - bounded rationality” (1972) dẫn đến các phương pháp ra quyết định dựa vào trí tuệ tập thể thông qua các phương pháp như delphi, hay lấy ý kiến bậc thang(9). Tuy nhiên, hạn chế lớn của cách tiếp cận này là tập trung vào việc lấy ý kiến các chuyên gia, trong giới hạn nhóm nhỏ của tổ chức, công ty hoặc công ty tư vấn.
Năm 2004, James Surowiecki (người Mỹ) đã công bố cuốn sách: “Trí tuệ đám đông - Vì sao đa số thông minh hơn thiểu số”, đưa ra nhiều dẫn chứng lịch sử và thực nghiệm xã hội khẳng định rằng sự đa dạng, độc lập của các ý kiến khác nhau của nhóm đông người là vô cùng cần thiết để đi đến những phán đoán sát với thực tế; một nhóm bình thường đông người có thể đưa ra quyết định hợp lý hơn cả các chuyên gia(10). Công trình nghiên cứu này gợi ý cho chúng ta rằng việc tìm kiếm phương án giải quyết các thách thức lãnh đạo không nên chỉ giới hạn bởi ý kiến của nhóm có trình độ cao mà cần huy động trí tuệ của nhiều người, kể cả người rất bình thường. Thách thức lớn nhất khi cần huy động trí tuệ tập thể - ý kiến quần chúng - là làm sao để họ tham gia vào quá trình cung cấp thông tin và gợi ý phương án hành động một cách chân thật nhất. Các ý kiến đó nên và cần xuất phát từ chính góc nhìn của chủ thể chứ không phải bị áp đặt bởi góc nhìn của nhà lãnh đạo hay một ai khác.
Trong thời gian dài, đã có định kiến về tương quan chênh lệch kiến thức, tri thức giữa người lãnh đạo và người dân bình thường. Theo đó, đa số ý kiến cho rằng người lãnh đạo luôn có nhiều thông tin, kiến thức hơn so với người dân; những cán bộ dưới quyền chỉ là người thừa hành, tiếp nhận thông tin và kiến thức từ lãnh đạo, vận dụng sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ do lãnh đạo giao. Nói cách khác, dòng chảy thông tin, kiến thức mang tính một chiều từ lãnh đạo đến nhân viên, từ cán bộ đến người dân thường. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, truyền thông, khả năng và cơ hội khai thác thông tin, dữ liệu của người dân đã được cải thiện rất nhiều. Việc nâng cao trình độ học vấn, cơ hội giao lưu văn hóa liên quốc gia đã gia tăng khả năng tổ hợp tri thức của chính những người dân bình thường. Thông qua đó, năng lực của người dân trong nhận biết mâu thuẫn và tìm phương án giải quyết vấn đề cũng có bước phát triển vượt trội. Vậy tri thức tổ hợp của lãnh đạo sẽ phải được gây dựng như thế nào, ở trình độ nào mới thể hiện được năng lực lãnh đạo và dẫn dắt?
Trong khoa học xã hội đã đề cập đến Tri thức bối cảnh hóa- contextualized knowledge như một trong những luận điểm có sức sống nhất trong các lý thuyết quản trị tri thức hiện đại. Theo đó, với tiến trình gia tăng mức độ phức tạp và phức hợp của các hiện tượng và tiến trình trong xã hội được cộng hưởng bằng sự tương tác hàm chứa nhiều điều “bất định” hơn là “tất định” thì sự hiểu biết của con người về bất kỳ một sự kiện hiện tượng nào cũng không thể “bất biến” mà phải gắn với bối cảnh cụ thể, không gian - thời gian của sự kiện, hiện tượng(11). Tri thức bối cảnh hóa (contextualized intelligence/knowledge) trở nên hết sức hữu dụng, đặc biệt đối với việc xử lý các thách thức lãnh đạo thì hiểu biết về bối cảnh cụ thể và có thể đang thay đổi từng ngày, từng giờ càng trở nên quan trọng. Thiếu thông tin, hiểu biết về bối cảnh của thách thức rất dễ đưa ra các quyết định sai lầm.
Các thách thức lãnh đạo và chính sách trong thực tiễn, luôn khác xa so với những kiến thức được học tập trong nhà trường. Trong rất nhiều trường hợp, tri thức khoa học truyền thống, những kiến thức hiện có của bản thân nhà lãnh đạo cũng như của tổ chức không đủ để giúp nhà lãnh đạo giải quyết được các thách thức đó. Trong hoàn cảnh này đòi hỏi nhà lãnh đạo và tổ chức phải kiến tạo tri thức mới, do đó, năng lực hỗ trợ và dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức trở nên hết sức quan trọng đối với nhà lãnh đạo. Trong quá trình kiến tạo tri thức này, mỗi chủ thể liên quan, cho dù là người có trình độ cao, hay những người học vấn thấp, lạc hậu, vẫn có một vị trí nhất định. Vai trò của họ không chỉ giới hạn ở việc trở thành đối tượng hưởng lợi của quá trình kiến tạo tri thức mà họ có khả năng đóng góp nhất định cho tri thức bối cảnh hóa đó.
Lý thuyết “Quản trị dựa vào tri thức” của Ikujiro Nonaka - một trong 20 nhà quản trị nổi tiếng thế giới thế kỷ XXI, nhấn mạnh kiến tạo tri thức (knowledge creation) là nền tảng cốt lõi để lãnh đạo, quản lý tổ chức/cộng đồng ngày càng phát triển thích ứng được với những thay đổi liên tục của thị trường, xã hội. Khi so sánh, đối chiếu chu trình kiến tạo tri thức SECI gồm 4 giai đoạn: xã hội hóa - ngoại hóa - tổng hợp - nội hóado I.Nonaka và các cộng sự phát hiện, khái quát trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn quá trình kiến tạo tri thức trong hàng loạt doanh nghiệp thành công nổi bật ở Nhật Bản(12), chúng ta nhận thấy có sự trùng hợp với những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh như đã trình bày ở trên.
Mô hình SECI khẳng định rằng quá trình tạo ra tri thức là quá trình biến hóa liên tục giữa tri thức ẩn (tacit knowledge) và tri thức hiện (explicit knowledge).Tri thức ẩnlà những hiểu biết của cá nhân, nó có tính chủ quan và là tri thức dựa trên trải nghiệm cá nhân, nhiều khi không thể thể hiện bằng lời, con số, hay công thức (nó phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể). Tri thức hiệnlà những tri thức có tính khách quan, logíc có thể thể hiện bằng lời, con số hoặc các công thức (nó không phụ thuộc vào bối cảnh). Tất cả mọi tri thức đều ở dạng tri thức ẩn hoặc bắt nguồn từ tri thức ẩn. “Tri thức mới được tạo ra từ sự tương tác liên tục giữa tri thức ẩn và tri thức hiện”(13). Theo I.Nonaka, tương tác qua lại giữa tri thức ẩn và tri thức hiệnlà sự di chuyển liên tục qua lại giữa cách nhìn chủ quan và khách quan, hướng đến chân lý; trong đó đối thoại và thực hành đóng vai trò quan trọng để khách quan hóa tri thức ẩn của cá nhân và kiểm chứng nó, giúp nó tiệm cận đến chân lý.
Điều này đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minhđãnhấn mạnh: dân chúng so sánh đúng, giải quyết đúng, là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe cũng thấy. Đây chính là nguồn tri thức ẩnvô tận mà bất cứ một nhà lãnh đạo, quản lý nào muốn thành công thì khôngthể bỏ qua, coi nhẹ. Sự kiến tạo tri thức đối với người lãnh đạo, không chỉ giới hạn ởviệc tự mình tìm ra tri thức mới, hoặcdựa vào đội ngũ chuyên gia. Họ cần phải tìm ra các phương thức, công cụ khác nhau, để đối thoại với người dân, kích hoạt quá trình làm nổi lên tri thức ẩn (ngoại hóa tri thức ẩn) và từ đó, chuyển hóa thành tri thức hiện(khách quan, khái quát hóa tri thức ẩn) mang tính hữu dụng để sẵn sàng đối diện và vượt qua các thách thức. Đó chính là vai trò lãnh đạo và dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức, trong phạm vi hẹp ở cơ quan, tổ chức, haytrên bình diện cộng đồng, xã hội rộng lớn.
Đối với cán bộ lãnh đạo,quản lý khu vực công (đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội,...), việc phát triển năng lực lãnh đạo dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức sẽ đi cùng với việc xây dựng các công cụquản trị tri thức, rèn luyện các kỹ năng thông qua đào tạo, kèm cặp, trải nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên,trước hết cần phải rèn luyện một năng lực quan trọng đầu tiên trong quan hệ với dân chúng, như Hồ Chí Minhđã chỉ ra:“Muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói”(14).
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, người dân có thể tìm kiếm, trao đổi thông tin và học hỏi nhanh hơn, nhiều hơn thông qua sử dụng mạng internet; vai trò của trí tuệ nhân tạo, của sức sáng tạo ở con người ngày càng quan trọng thì năng lực dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức trong cơ quan, tổ chức, cộng đồng xã hội, để hóa giải những thách thức trong lãnh đạo, quản lý càng trở thành đòi hỏi cấp thiết đối với người lãnh đạo. Năng lực đó được coi là một trong những năng lực cốt lõi của nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai.
Năng lực lãnh đạo, dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức có thể được đào tạo, bồi dưỡng, do đó, nó cần trở thành hợp phần quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam và trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
_______________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2017
 (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 285, 286, 295, 294, 296, 295, 297, 291, 295.
(9) Simon, H. (1972): “Theory of boubded rationality” trong sách Guire, C.B.Mc. and Radner, R. (Eds), Decision and organization, North-Holland Publishing Company.
(10), (13) James Surowiecki: Trí tuệ đám đông - Vì sao đa số thông minh hơn thiểu số, Nxb Trí Thức, Hà Nội, 2014.
(11) Helga Nowotny, Peter Scott and Michael
Gibbons: Tư duy lại khoa học - tri thức và công chúng trong kỷ nguyên bất định, Nxb Tri thức, 2009.
(12) Nonaka, I., Toyama, R. và Hirata, T:Quản trị dựa vào tri thức, Nhà xuất bản Trẻ, 2011.

TS Bùi Phương Đình
TS Nguyễn Thị Thanh Tâm
Viện Lãnh đạo học và chính sách công,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


CẦN NHẬN THỨC ĐÚNG QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN VÀ QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN
Quyền con người (QCN) là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là giá trị cao quý chung của các dân tộc. Ngày nay, QCN được xem như là thước đo sự tiến bộ và trình độ văn minh của các xã hội, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển và bản sắc văn hóa.
Quyền tự do ngôn luận, báo chí và quyền tiếp cận thông tin là một quyền cơ bản, quan trọng của cá nhân được quy định trong nhiều công ước quốc tế về QCN. Ở Việt Nam, QCN được quy định trong các hiến pháp, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013.
Thế nhưng trong dịp đầu năm 2018, trên trang mạng Dân luận và nhiều hãng thông tấn, báo chí phương Tây đã tán phát “Bản lên tiếng về quyền được nói và nghe sự thật”. Văn bản này do những tổ chức xã hội mạng phi pháp và một số cá nhân tự xem mình là người “bất đồng chính kiến” ký. Điều đáng chú ý là có nhiều trang mạng và cá nhân ở nước ngoài, như Hoa Kỳ, Canada, Australia… đã hùa theo “Bản lên tiếng...” mà về bản chất là sự xuyên tạc, phủ nhận quyền tự do ngôn luận, báo chí, internet ở Việt Nam. “Bản lên tiếng...” đưa ra một số vụ án, trong đó những bị can, bị cáo đã sử dụng mạng xã hội, nhất là Facebook làm minh chứng. Văn bản ảo này đòi hủy bỏ nhiều điều luật trong Chương XI-Về các tội phạm an ninh Quốc gia, như Điều 79 (Tội lật đổ chính quyền nhân dân), Điều 88 (Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam) và Điều 258 (Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân) của Bộ luật Hình sự 1999, vẫn được giữ lại trong Bộ luật Hình sự 2015. Và họ còn đòi “trả lại toàn bộ sự thật liên quan đến biến cố Mậu Thân, 1968”.
Pháp luật Việt Nam cũng như các quốc gia khác, quyền bao giờ cũng đi đôi với nghĩa vụ. Hiến pháp và nhiều bộ luật Việt Nam đã quy định rõ ràng các quyền tự do ngôn luận, báo chí, kể cả sử dụng mạng xã hội và quyền tiếp cận thông tin… Cho đến nay, ở Việt Nam có hàng triệu người đã và đang sử dụng mạng xã hội để trao đổi thông tin, chia sẻ quan điểm chính trị, giá trị xã hội một cách công khai. Hơn nữa, mạng xã hội còn được Nhà nước Việt Nam đánh giá là một điều kiện cho sự phát triển của đất nước.
Theo tổ chức nghiên cứu về mạng xã hội quốc tế-Next Web, Việt Nam nằm trong “Top 10” quốc gia có nhiều người dùng Facebook nhất thế giới. Số người có tài khoản trên Facebook là 64 triệu người, chiếm 3% tổng số tài khoản Facebook toàn cầu. Người dân có thể đăng tải lên mạng và tải về các video/clip hoàn toàn không bị cấm đoán nếu không vi phạm pháp luật. Vậy vì sao trong số 64 triệu tài khoản Facebook của người Việt chỉ có một số rất ít người, như Hồ Văn Hải, Vũ Quang Thuận, Hoàng Đức Bình…bị ra tòa?
Đó là vì họ đã vi phạm pháp luật. Chẳng hạn Hồ Văn Hải với trang blog và tài khoản Facebook đã đăng nhiều bài viết bôi nhọ, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển đã đăng tải nhiều video/clip lên internet, phỉ báng chính quyền, phao tin bịa đặt, xuyên tạc sự thật. Hoàng Đức Bình vi phạm tội “Chống người thi hành công vụ”; “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, quy định tại Điều 257 và 258 của Bộ luật Hình sự (1999) trong vụ “biểu tình bất bạo động” đòi đuổi Formosa, tụ tập đông người cố tình gây ách tắc Quốc lộ 1A đoạn qua Hà Tĩnh, Nghệ An vào tháng 5-2017.
“Bản lên tiếng...” đòi trả lại “Toàn bộ sự thật liên quan đến biến cố Mậu Thân, 1968” thì câu trả lời là: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nằm trong chiến lược quân sự, chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo ra bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Cuộc tổng tiến công này đã đập tan ý chí giành chiến thắng của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán, tạo thế và lực để quân dân ta giành toàn thắng vào năm 1975. Nếu ai đó thật sự thương cảm đồng bào bị “sát hại” (như “Bản lên tiếng...” viết) trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968… thì hãy nhớ thắp hương cho hàng triệu đồng bào, chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống xâm lược này… trong đó có những người đã ngã xuống trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Tôn trọng và bảo đảm QCN thuộc bản chất và là một mục mục tiêu của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời kỳ 1975-1986 do nhận thức lý luận về CNXH-Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương xây dựng xã hội XHCN kiểu cũ, sở hữu tư nhân, kinh tế thị trường bị xóa bỏ, một số QCN trên lĩnh vực kinh tế, xã hội đã bị hạn chế. Trong thời kỳ đổi mới (từ 1986 đến nay) với mô hình XHCN kiểu mới-xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, các QCN ở Việt Nam được được tôn trọng và bảo đảm đầy đủ.
Lần đầu tiên Hiến pháp năm 2013 dành cả một chương (Chương II ) quy định về “QCN, quyền và nghĩa vụ công dân”. Chương này, không chỉ quy định đầy đủ các QCN, quyền và nghĩa vụ công dân mà còn quy định những nguyên tắc cơ bản về QCN. Những nguyên tắc đó bao gồm: 1) Nguyên tắc về mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân, trong đó Nhà nước có nghĩa vụ, người dân là chủ thể của quyền; 2) Nguyên tắc hạn chế quyền (Điều 24); quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình… (Điều 25) có thể bị hạn chế “vì lợi ích an ninh quốc gia, trật tự xã hội…”.
Những năm qua, QCN, quyền công dân của nhân dân Việt Nam không chỉ được quy định trong Hiến pháp, pháp luật mà còn được bảo đảm trong thực tế. Nhiều quyền dân sự, chính trị đã được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Qua nhiều hình thức cung cấp, ngoài hệ thống báo chí trong nước, người dân Việt Nam còn được tiếp xúc với 75 kênh truyền hình nước ngoài thuộc nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới. Hiện nay, 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam. Đặc biệt, internet được Nhà nước khuyến khích sử dụng. Hiện, có tới 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, hơn 1.170 trang thông tin điện tử được cấp phép hoạt động. Giá dịch vụ internet ở Việt Nam rẻ nhất khu vực. Ngày nay, người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới, như: AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times…Với những số liệu nêu trên, không thể nói quyền tự do ngôn luận, báo chí, internet ở Việt Nam bị “bóp nghẹt” như nhiều người tự xưng là người “bất đồng chính kiến” nói.
Năm 2016, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin (TCTT). Đây là một văn kiện pháp luật cụ thể hóa về quyền tự do ngôn luận, báo chí của Hiến pháp năm 2013. Theo quy định của Luật TCTT thì quyền TCTT là một quyền có thể bị hạn chế hoặc là quyền có điều kiện. Những quyền bị hạn chế chẳng hạn: “Thông tin thuộc bí mật Nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, ...”; những thông tin mà “nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng…” (Điều 6). Những thông tin được tiếp cận có điều kiện: “Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận nếu chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý”... "Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, nếu được người đó đồng ý” (Điều 7). Điều 11 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: “Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin… Cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức...”
Luật này cũng quy định quyền và nghĩa vụ của công dân (trong việc TCTT). Đó là những quyền sau: “Được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin”. Đồng thời công dân có nghĩa vụ sau: “Tuân thủ quy định của pháp luật về TCTT; …Không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp; Không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền TCTT”.
Trước tình hình nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội, internet vi phạm quyền, lợi ích quốc gia, quyền, lợi ích cá nhân, Bộ luật Hình sự 2015 đã có những quy định bảo vệ các quyền này. Điều 288 quy định về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông: “Phạt tiền” người nào thực hiện nhằm “thu lợi bất chính”; “gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân” số tiền phạt lên đến hàng tỷ đồng. “Phạt cải tạo không giam giữ” phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với những người: a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông “những thông tin trái với quy định của pháp luật...”.
Thời gian qua, không ít người cho rằng, mọi người đều có quyền sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính, mạng xã hội-xem đó là một quyền tuyệt đối không có giới hạn. Nói cụ thể là người ta hiểu rằng có quyền đưa thông tin sai sự thật, thông tin bịa đặt... lên mạng mà không phải chịu trách nhiệm gì về những thông tin mình đưa lên. “Bản lên tiếng...” nói trên là một ví dụ. Trong nhiều “tuyên ngôn”, “tuyên bố”, “thư ngỏ” gửi cơ quan, tổ chức, các đồng chí lãnh đạo... thời gian qua thực chất là thủ đoạn chính trị xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc lịch sử cách mạng, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo; phá hoại mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân; kích động hận thù dân tộc; phá hoại quan hệ quốc tế của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Bởi vậy hơn lúc nào hết, cán bộ, đảng viên và người dân cần hiểu rõ, nắm vững các quy định của pháp luật về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, quyền TCTT; nâng cao tinh thần cảnh giác với những thủ đoạn tung tin ảo trên mạng xã hội, tránh tình trạng vô tình trở thành người vi phạm pháp luật, phá hoại chế độ.
BẮC HÀ
Nguồn:http://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/can-nhan-thuc-dung-quyen-tu-do-ngon-luan-va-quyen-tiep-can-thong-tin-533427


NHỮNG CÁI NHÌN SAI TRÁI VỀ NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Cùng với sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, những năm qua, giáo dục Việt Nam có những chuyển động tích cực và chuyển biến tiến bộ về nhiều mặt. Chính những thành tựu to lớn về giáo dục không chỉ là một trong những động lực thúc đẩy đất nước đi lên, mà góp phần làm cho diện mạo đời sống xã hội ngày càng khởi sắc.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, lợi dụng một số vụ việc đơn lẻ xảy ra trong ngành giáo dục, một số người có cái nhìn chưa khách quan, toàn diện, thậm chí phủ nhận những thành tựu của nền giáo dục Việt Nam.
Những liên tưởng sai trái và sự xuyên tạc trơ trẽn
Những ngày gần đây, xã hội nói chung, những người tâm huyết với sự nghiệp “trồng người” nói riêng không khỏi băn khoăn, chạnh lòng khi nghe thông tin về trường hợp một nữ giáo viên bậc tiểu học ở tỉnh Long An bị phụ huynh tạo áp lực phải quỳ gối trước học sinh trong vòng 40 phút. Đây là một vụ việc hi hữu, rất đáng lên án vì nó làm tổn thương nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm giá của các thầy, cô giáo. Sau khi vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ tính chất, mức độ, hậu quả vụ việc để có hướng xử lý phù hợp. Người gây áp lực bắt nữ giáo viên phải quỳ đã bị khai trừ ra khỏi Đảng.
Trong khi nhiều cơ quan báo chí, nhiều luật sư, nhiều nhà giáo lên tiếng kịp thời, phân tích thấu đáo, bình luận có lý, có tình nhằm giúp công luận có một cái nhìn đúng đắn, khách quan về vụ việc, thì đáng tiếc vẫn có những ý kiến nhìn nhận vấn đề mang nặng tính áp đặt chủ quan, thiếu thiện chí, thiếu nhân văn, thậm chí đánh đồng hiện tượng với bản chất theo kiểu “vơ đũa cả nắm”, từ đó có những liên tưởng, suy diễn không đúng mực về nhà giáo, về ngành giáo dục Việt Nam. Cá biệt có trường hợp lợi dụng vài ba vụ việc đơn lẻ xảy ra trong hoạt động giáo dục để xuyên tạc mục tiêu, bản chất tốt đẹp của nền giáo dục cách mạng Việt Nam. Ví như họ coi ngành giáo dục là “ngành ăn mày xã hội”, viễn cảnh giáo dục Việt Nam như một bức màn “màu đen xám xịt”, đó là “nền giáo dục ngu dân do độc đảng cai trị” (!).
Viết về giáo dục mà bằng những lời lẽ vô văn hóa, phản giáo dục như vậy đã bộc lộ rõ “tim đen” của những người bình luận. Mặt khác, cách nhìn nhận, đánh giá về giáo dục Việt Nam kiểu đó chẳng khác nào cách liên tưởng bằng con mắt “mù màu”, bằng những lời xuyên tạc trơ trẽn. Vì thế, không những không được hầu hết người dân Việt Nam chấp thuận, mà cũng khó có thể làm lung lay nền tảng vững chắc của nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã được vun trồng, bồi đắp bền bỉ hơn 7 thập niên qua dưới chế độ giáo dục XHCN đầy tính nhân văn, ưu việt. 
Những gam màu tươi sáng của giáo dục Việt Nam
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, suốt 73 năm qua kể từ khi nước Việt Nam giành được độc lập, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam ngày càng quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, vì giáo dục liên quan đến sức mạnh, sự trường tồn, hưng thịnh của quốc gia. Đảng ta nhiều lần khẳng định, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển. Vì vậy, trong từng thời kỳ cách mạng, giáo dục Việt Nam luôn có sự cải cách, đổi mới để theo kịp sự phát triển của thời đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ giữa thế kỷ 20 đến nay, Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc cải cách giáo dục. Năm 1950, trong hoàn cảnh nước nhà còn muôn vàn khó khăn, nhưng cuộc cải cách giáo dục lần đầu tiên đã nhằm mục tiêu xây dựng một nền giáo dục của dân, do dân và vì dân; đến năm 1956, cải cách giáo dục lần thứ hai hướng tới đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những công dân tốt, có đức có tài; đến lần thứ ba năm 1981, cuộc cải cách giáo dục toàn diện hơn, đồng bộ hơn nhằm tạo bước chuyển biến mới về hệ thống giáo dục, nội dung và phương pháp dạy học. Hiện nay, chúng ta đang khẩn trương tiến hành một “cuộc cách mạng” về giáo dục với việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI của Đảng, bảo đảm cho giáo dục Việt Nam phát triển theo định hướng XHCN, hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo lộ trình, còn khoảng một năm rưỡi nữa, tức là bắt đầu từ năm học mới 2019-2020, chính thức triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc tiểu học.
Một trong những thành tựu lớn nhất trong hơn 30 năm đổi mới được cộng đồng quốc tế ghi nhận là nền giáo dục Việt Nam có sự phát triển cả về lượng và chất. Chúng ta không chỉ hoàn thành mục tiêu đưa hầu hết trẻ em đúng độ tuổi được đến trường học tập và đến nay cơ bản hoàn thành phổ cập THCS ở khắp các địa phương trong cả nước, mà chất lượng giáo dục cũng ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực ở tất cả đối tượng học sinh và các cấp học, bậc học. Điều này được bà Irina Bokova, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) nhìn nhận trong chuyến thăm Việt Nam vào dịp tháng 8-2017: “Trong lần thứ ba đến Việt Nam, tôi thấy Việt Nam có nhiều thay đổi, nhất là sự phát triển tích cực về kinh tế cũng như chất lượng giáo dục, trong đó có thành tựu về đào tạo giáo viên và thúc đẩy sự công bằng, bình đẳng về giáo dục”.
Không ngẫu nhiên mà người đứng đầu UNESCO ghi nhận về thành tựu giáo dục Việt Nam như vậy. Vài dẫn chứng sau đây phần nào minh chứng điều đó. Đến nay, các trường đại học ở Việt Nam đã có hơn 500 chương trình đào tạo quốc tế với các trường đại học ở nhiều nước trên thế giới; chưa kể hàng chục chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, cử nhân tài năng, chương trình tiên tiến theo chuẩn quốc tế, chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE)… Những năm gần đây, Việt Nam cũng trở thành một trong những điểm sáng trên bản đồ giáo dục thế giới khi đăng cai và tổ chức thành công nhiều kỳ thi quốc tế, như: Olympic Vật lý châu Á 2004, Olympic Toán học quốc tế 2007, Olympic Vật lý quốc tế 2008, Olympic Hóa học quốc tế 2012, Olympic Sinh học quốc tế 2016. Đặc biệt, thành tích của các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế cũng rất nổi bật, được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Năm 2017, đội tuyển Olympic quốc tế các môn Toán, Vật lý, Hóa học của Việt Nam được đánh giá là giành thành tích cao nhất trong lịch sử tham dự Olympic bởi cả số lượng, chất lượng huy chương mang về cho Tổ quốc. 4/4 thí sinh dự thi Olympic Hóa học đều giành huy chương (gồm 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc). Đội tuyển Olympic Vật lý Việt Nam đoạt 4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, đứng thứ 5/86 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Singapore. 6/6 thí sinh Việt Nam đều giành huy chương (4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng) cuộc thi Olympic Toán học quốc tế, xếp thứ 3/112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, chỉ sau Hàn Quốc và Trung Quốc. Đó là minh chứng sinh động thể hiện giáo dục Việt Nam đang chủ động hội nhập thế giới, không ngừng tiếp cận chuẩn mực giáo dục quốc tế để làm mới, làm giàu cho nền giáo dục của quốc gia mình. Đó cũng là gam màu tươi sáng thể hiện bức tranh giáo dục Việt Nam đang trên đà khởi sắc.
Đối với nhà giáo, từ lâu dân tộc Việt Nam đã có truyền thống tôn sư trọng đạo, mọi người, mọi nhà luôn trân trọng những người làm nghề dạy học. Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách hợp lý để bảo đảm cho đội ngũ nhà giáo yên tâm gắn bó với nghiệp “trồng người”, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục nước nhà phát triển. Hầu hết các thầy, cô giáo đều yêu nghề, yêu người, không ngừng rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình, xứng đáng với lòng tin của toàn xã hội. Những thành tựu của giáo dục Việt Nam thời gian qua có một phần đóng góp quyết định của đội ngũ nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước.
Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa nền giáo dục Việt Nam chỉ toàn “màu hồng”, mà Việt Nam cũng đang gặp những khó khăn, thách thức phải vượt qua. Điều này đã được Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định sâu sắc tại Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI, từ đó đưa ra những giải pháp căn cơ, đồng bộ để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà trong thời gian tới.
THIỆN VĂN
Nguồn:http://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/nhung-cai-nhin-sai-trai-ve-nen-giao-duc-viet-nam-534023


Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...