Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI ĐỒNG BÀO MIỀN NAM
Tuấn Nho
Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam; Người giành cả cuộc đời để sống và tranh đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Trong đó, Người luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào miền Nam ruột thịt bởi “miền Nam đi trước về sau”; bởi độc lập, thống nhất hai miền Nam – Bắc là khát khao cháy bỏng của Hồ Chí Minh và cả dân tộc. Khi một nửa đất nước còn nằm dưới ách thống trị của Mỹ - ngụy thì trái tim Bác luôn hướng về miền Nam, thương nhớ đồng bào ngày đêm rên xiết dưới gót giày quân xâm lược, cùng niềm mong mỏi ngày thống nhất đất nước. Tình cảm của Người dành cho đồng bào miền Nam phần nào được thể hiện qua câu nói giản dị mà rất nổi tiếng của Người: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi… “.
Ngày 5/6/1911, Bác Hồ tạm biệt mảnh đất Nam Bộ thân yêu để từ bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước trên chiếc tàu Đô đốc Latouche Treville. Và 34 năm sau, ngày 26/9/1945, trên cương vị Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác có lá thư đầu tiên gửi đồng bào Nam Bộ (sau ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9) nhằm động viên, kêu gọi tinh thần đấu tranh của nhân dân miền Nam khi thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa: “Hỡi đồng bào Nam Bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm, khi còn chiến tranh với Nhật, bọn thực dân Pháp hoặc đầu hàng hoặc chạy trốn. Nay vừa hết chiến tranh, thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật, hoặc công khai mò đến. Trong bốn năm, họ đã bán nước ta hai lần… Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ… Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và đồng bào toàn quốc sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh đấu tranh để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.
Ngay sau đó, Hồ Chủ tịch đã gửi thư cho Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ kèm theo bản Tuyên ngôn độc lập, yêu cầu đại diện phe đồng minh có sự can thiệp tức thời ngăn chặn ngay việc thực dân Pháp, núp bóng quân Anh gây chiến ở Nam Bộ.
Ngày 29/10/1945, Bác ra lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ và lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ, vạch rõ phương hướng hoạt động của toàn dân thực hiện: “Vì công lý, cuộc kháng chiến tự vệ của dân tộc ta phải toàn thắng. Quân Pháp đi đến đâu sẽ gặp cảnh đồng không nhà vắng, không người, không lương thực… Đồng bào miền Nam trong một tháng nay, đã tỏ rõ tinh thần vững chắc, hùng dũng, đáng làm gương cho lịch sử thế giới… Các bạn thanh niên Nam Bộ đã là bức Vạn lý trường thành vững chắc”.
Ngày 1/6/1946, trước khi lên đường sang Pa-ri để đàm phán với chính phủ Pháp tại Hội nghị Phông-ten-nơ-blô, Hồ Chủ tịch lại có thư gửi đồng bào Nam Bộ: “Cùng đồng bào Nam Bộ yêu quý! Được tin tôi cùng đoàn đại biểu qua Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức, đồng bào cả nước, nhất là đồng bào Nam Bộ đều lấy làm bâng khuâng. Bâng khuâng vì chưa biết tương lai Nam Bộ thế nào?
Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước. Đồng bào Nam Bộ cùng hy sinh tranh đấu mấy tháng trường để giữ gìn non sông cho toàn nước Việt Nam. Cho nên đồng bào cả nước đều phải nhớ ơn đồng bào Nam Bộ. Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi…”.
Tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp trở về, ngày 23/10/1946, Bác lại khẳng định: “Đối với gan vàng, dạ sắt của đồng bào Nam Bộ, toàn thể quốc dân không bao giờ quên, Tổ quốc không bao giờ quên, Chính phủ không bao giờ quên. Tôi kính cẩn cúi đầu chào trước linh hồn các liệt sĩ và xin lỗi những đồng bào đang khổ sở, hy sinh…”.
Chủ trương hòa hoãn thông qua việc đàm phán tại Phông-ten-nơ-blô và ký Tạm ước 14/9/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức sáng suốt và đúng đắn, tạo điều kiện để quân dân cả nước, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ có thời gian để xây dựng lực lượng chiến đấu lâu dài. Phân tích và đánh giá chủ trương đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Các đồng chí và đồng bào Nam Bộ cho rằng chủ trương này đúng. Mà đúng thật. Vì đồng bào và đồng chí ở Nam Bộ đã khéo lợi dụng dịp đó để xây dựng và phát triển lực lượng của mình…”.
Trong hàng ngàn bức thư, bức điện, bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn… Bác Hồ luôn dùng những lời lẽ cao quý nhất, trang trọng và tha thiết nhất để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường, lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Người tặng danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” cho nhân dân miền Nam, tặng phụ nữ miền Nam tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”… 
Tư tưởng được Bác quán xuyến suốt 24 năm làm Chủ tịch nước là sự toàn vẹn lãnh thổ, quét sạch giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước.
Người kêu gọi: “Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”, dồn sức người, sức của để chi viện cho quân dân miền Nam chiến đấu. Mùa Xuân năm 1969, dù sức khỏe đã yếu, Bác vẫn dành thời gian tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Bác nói: “Trong thư chúc Tết năm nay, tôi có nói là: “Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn!”. Trong lúc viết như thế, tôi cũng không chắc là câu thơ đó được thực hiện sớm trong năm nay… Để hoan nghênh phái đoàn miền Nam ruột thịt thì có nói mấy trăm câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu cũng không thể hết được. Tôi chỉ xin nói một câu thôi: “Bao giờ Nam - Bắc một nhà / Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng”. Và Bác xúc động nhắc lại điều Bác đã từng nói nhiều lần: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi…”.
Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Người đã để lại bản Di chúc với những dòng thiết tha, thương nhớ hướng về miền Nam và khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta sẽ thắng lợi hoàn toàn: “Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi… Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà… Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam, Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ chiến sĩ”…
Đáp lại tình cảm của Bác, nhân dân miền Nam đã chiến đấu anh dũng, kiên cường để góp phần làm lên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thỏa lòng mong ước của Người… Kỷ niệm 43 năm thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975) chúng ta cùng nhìn lại để thấy được công lao và sự vĩ đại của Người đối với lịch sử dân tộc nói chung, với miền Nam ruột thịt nói riêng. Từ đó mỗi chúng ta vững bước đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn – con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.


CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH LÀ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG, KIM CHỈ NAM CHO HÀNH ĐỘNG CỦA ĐẢNG VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
                                                                                     Hà Văn
Để chống phá cách mạng Việt Nam, một trong những thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch là ra sức xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng dẫu tìm mọi cách, lúc trắng trợn, lúc tinh vi, chúng nhất định không lừa dối được nhân dân Việt Nam và những người có lương tri trên toàn thế giới. Cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam và cách mạng Việt Nam.
Cách mạng Việt Nam đã và đang là một tâm điểm chống phá của các thế lực thù địch. Đã có rất nhiều chiến dịch quy mô quốc tế, dưới nhiều phương thức khác nhau, nhằm bôi đen, xuyên tạc, vu khống những người cộng sản, các vị lãnh tụ cách mạng Việt Nam được nhân dân yêu mến, nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc.
Tập trung xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng cho rằng, Hồ Chí Minh là người dân tộc chủ nghĩa. Chúng cố chứng minh tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; không có gì quý hơn độc lập tự do của Hồ Chí Minh đến nay là không còn phù hợp nữa. Chúng suy luận: Nhân dân Việt Nam đi theo con đường cách mạng Hồ Chí Minh là sai lầm, là đi vào ngõ cụt. Chúng còn dựng những câu chuyện hoang đường về thân thế, đời tư của Người. Chúng công khai mục tiêu đạp đổ thần tượng Hồ Chí Minh, phá bỏ huyền thoại Hồ Chí Minh.
Vì sao chúng lại cố tình làm như thế? Thực ra, mục đích chính của chúng là để chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đưa Việt Nam đi theo con đường khác con đường XHCN mà Đảng, Bác Hồ và chính lịch sử dân tộc ta đã lựa chọn. Trong nhiều “kênh” chống phá, chúng nhằm vào hai “kênh” chính yếu nhất là “đánh” vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ở “kênh” thứ nhất, chúng “đánh” vào Đảng Cộng sản Việt Nam, vì Đảng là tổ chức chính trị duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Chúng hy vọng đến một lúc nào đó Đảng sẽ yếu đi, dần dần biến chất, mất vai trò lãnh đạo, hoặc đi đến tan rã. “Kênh” thứ hai, chúng tập trung “đánh” vào gốc, vào nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và vào giá trị tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta, đó là “thần tượng” Hồ Chí Minh, với một hệ thống tư tưởng sâu sắc và toàn diện về con đường cách mạng Việt Nam và một nhân cách vĩ đại của dân tộc. Đây là một âm mưu rất thâm hiểm.
Để thực hiện âm mưu đó, các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn nào để bôi xấu, xuyên tạc về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những thủ đoạn quen thuộc là chúng cắt xén những câu nói, trang viết của Người. Gần đây, có kẻ mệnh danh là “nhà dân chủ”, “người đấu tranh vì tự do”… đã ra vẻ “khâm phục” câu nói của Hồ Chí Minh: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý…” để minh chứng là chúng đang làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh! Liệu có phải thế không? Câu nói của Hồ Chí Minh đã bị chúng cố ý cắt đi vế sau để “lập lờ đánh lận con đen”, nhằm xuyên tạc tư tưởng của Người. Vế sau ấy là: “… Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, tức không phải là chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”.
Bằng thủ đoạn khác, có kẻ làm ra vẻ là người “trong cuộc”, “nắm chắc” được bản chất của vấn đề, có khả năng “vén những tấm màn bí mật” ở chốn “thâm cung bí sử”… để bịa đặt, thêu dệt nên những câu chuyện không có thật hòng hạ uy tín Hồ Chí Minh. Thời gian gần đây, chúng tích cực lôi kéo những phần tử cơ hội, bất mãn với chế độ (thực chất là những kẻ bị suy thoái về tư tưởng chính trị, những kẻ “trở cờ”, phản bội), để làm cái “loa bung xung”. Số này thường được hà hơi, tiếp sức của “quan thầy” ở nước ngoài; tích cực liên lạc với nhau (cả ở trong nước và ngoài nước), tự coi là những “nhà dân chủ”, “bất đồng ý kiến” với Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Đây là những kẻ có thái độ cực kỳ cay cú, sẵn sàng bịa chuyện, hoặc dựa trên một vài sự kiện, tài liệu để thêm thắt, bình luận. Để thực hiện những thủ đoạn trên, chúng thường sử dụng phương pháp viết truyện, hồi ký, viết báo, mở “diễn đàn”,… thông qua blog cá nhân, nhất là các trang mạng của các tổ chức phản động ở nước ngoài để kích động, nói xấu, phủ nhận tư tưởng, con người Hồ Chí Minh đi liền với phủ nhận con đường cách mạng Việt Nam. Chúng tô đậm những điều đó còn nhằm để tự bào chữa cho những sai lầm của chúng trong quá khứ. Thực ra, tác dụng của sự xuyên tạc từ những kẻ cơ hội, bất mãn này không thực sự lớn. Người đọc, người nghe tinh ý đều thấy rõ bản chất, thái độ, động cơ chính trị của chúng, nên không mấy người tin vào những điều hồ đồ đó.
Về thân thế, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có rất nhiều công trình khoa học, chương trình nghiên cứu, bài nói, bài viết của các học giả, nhân sĩ, trí thức, nhà chính trị… trong nước và trên thế giới bàn tới. Tư tưởng của Người là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể Việt Nam; kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế, văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân”.
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Người không chỉ luôn phấn đấu thực hiện, mà còn truyền dạy cho các thế hệ cách mạng và người dân Việt Nam về tư tưởng đó. Chính vì vậy, Người là hiện thân của chủ nghĩa nhân văn cao cả, suốt cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mang lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Người là nhà chiến lược, nhà tổ chức thiên tài trong cuộc chiến đấu khổng lồ của nhân dân Việt Nam chống mọi sự áp bức, bóc lột, nghèo nàn và lạc hậu, tiến bước lên con đường XHCN. Người là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế, một chiến sĩ quả cảm không ngừng đấu tranh cho hòa bình và sự tiến bộ xã hội.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi sự giải phóng, từ giải phóng dân tộc, đến giải phóng xã hội - giai cấp, đều nhằm tới giải phóng con người, trên bình diện quốc gia và quốc tế. Vì vậy, Người được toàn dân Việt Nam nhiều thế hệ và nhiều tổ chức, cá nhân có lương tri trên thế giới tôn vinh. Một trong số đó là Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Năm 1987, tổ chức này đã ra Nghị quyết về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong đó, đánh giá Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.
Mặc dù Bác đã đi xa gần 50 năm, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành giá trị văn hóa có sức thẩm thấu và lan tỏa mạnh mẽ trên thế giới; là tài sản tinh thần vô cùng quý báu của dân tộc ta trên con đường hội nhập và phát triển; cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế giới biến đổi không ngừng và có nhiều phức tạp, khó lường, nhưng giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh luôn sống cùng với sự phát triển tiến bộ của nhân loại và dân tộc Việt Nam.
Thực tế cho thấy, xã hội loài người luôn chứa đựng sự đấu tranh khốc liệt, không ngừng nghỉ giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tiến bộ và phản tiến bộ, giữa văn hóa và phản văn hóa. Các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam chính là lực lượng tiêu biểu cho cái xấu, cái ác, cái phản tiến bộ, phản văn hóa đang cố tình xuyên tạc, phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh. Do vậy, bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Bảo vệ tư tưởng của Người là bảo vệ con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH mà lịch sử dân tộc ta đã lựa chọn và Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định ngay từ khi mới thành lập (03-02-1930). Nhưng, làm thế nào để chống lại sự xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh?
Trước hết, chúng ta cần đẩy mạnh việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề được Đảng ta đặt ra từ lâu và đã đạt những kết quả quan trọng, mang tính đột phá, nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục phải được tổ chức nghiên cứu sâu hơn nữa. Sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với các thời kỳ hoạt động của Người trong phong trào cách mạng Việt Nam và quốc tế. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tuân thủ nguyên tắc logic - lịch sử và lịch sử - cụ thể, là xem xét một cách toàn diện các mối liên hệ cơ bản trong một hoàn cảnh cụ thể và sự phát triển các quan điểm của Người. Đồng thời, chú trọng hơn nữa công tác sưu tầm, xử lý những thông tin, tư liệu, tài liệu liên quan đến Người ở cả trong và ngoài nước. Mặt khác, phải tăng cường giao lưu, hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật với những người nước ngoài, nhất là với những nhà nghiên cứu khoa học đang quan tâm tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự trao đổi học thuật là một trong những biện pháp quan trọng để tăng cường sự hiểu biết đúng đắn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có việc sưu tầm, xử lý những tài liệu có liên quan đến cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Người. Cùng với đó, chúng ta cần quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nhất là đối với thế hệ trẻ về thân thế, sự nghiệp và các giá trị của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, để cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng của mỗi người dân yêu nước Việt Nam. Trong giáo dục, tuyên truyền về tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta phải dựa trên cơ sở khoa học; tránh hiện tượng “thần thánh hóa” con người bình dị và vĩ đại Hồ Chí Minh.

Quân đội ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta sáng lập, giáo dục và rèn luyện; là đội quân cách mạng, “chính trị trọng hơn quân sự”, hơn lúc nào hết, trong giai đoạn hiện nay, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang càng phải vững vàng về chính trị, tư tưởng, nắm chắc tay súng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN và nhân dân. Muốn vậy, mọi cán bộ, chiến sĩ phải không ngừng học tập, rèn luyện về mọi mặt, trước hết là về tư tưởng, bản lĩnh chính trị; nhận diện rõ cái tốt và cái xấu, những giá trị Chân - Thiện - Mỹ; đồng thời, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng, làm thất bại mọi luận điệu xuyên tạc thân thế, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh.

PHẢI CHĂNG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

CẦN “PHI CHÍNH TRỊ HÓA”?

Văn  Đỗ
Trong thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch đặc biệt coi trọng thúc đẩy “phi chính trị hóa” Quân đội nhân dân Việt Nam. Do đó, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của chúng là vấn đề chiến lược và mang tính cấp thiết, có ý nghĩa sống còn không chỉ đối với quân đội, mà còn đối với sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Vì thế, một trong những điều cấp thiết trong cuộc đấu tranh này là làm rõ được sự phi lý, lạc lõng của luận điệu “phi chính trị hóa quân đội” của các thế lực thù địch.
Trong những năm qua, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh “diễn biến hòa bình” nhằm chống lại sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Chúng biết rất rõ, quân đội là lực lượng nòng cốt của Đảng và Nhà nước ta, là lực lượng bảo vệ thành quả cách mạng, do đó nếu làm suy yếu quân đội, chúng sẽ có cơ hội để chuyển hóa Việt Nam đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Trong đó, chúng tập trung chống phá lĩnh vực chính trị tư tưởng, với luận điệu phi lý, lạc lõng là “phi chính trị hóa” quân đội ta. 
Chúng cho rằng, quân đội không phải trung thành với Đảng mà phải “trung lập về chính trị”; “chỉ trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức chính trị nào”. Chúng tuyên truyền, xuyên tạc chức năng, nhiệm vụ của quân đội, chia rẽ quân đội với Đảng, quân đội với nhân dân và quân đội với công an.
Theo bọn chúng, quân đội phải “trung lập về chính trị”, tức là không tham gia hoạt động chính trị và khi biến động xảy ra thì “đứng ngoài cuộc”, không đứng về phe nào. Chúng ra sức lợi dụng sự bất mãn của một số cán bộ quân đội để tuyên truyền, xuyên tạc nói xấu Đảng, làm cho quân đội mất uy tín trong nhân dân, hạ thấp vị thế của quân đội trong xã hội.
Mục tiêu của chúng là thúc đẩy sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm cho quân đội xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng; biến chất về chính trị, tiến tới vô hiệu hóa vai trò của quân đội. Đây là những thủ đoạn rất tinh vi và thâm độc, nhưng không có cơ sở cả về lý luận và thực tiễn nhằm đánh lừa những người nhẹ dạ, cả tin hoặc mua chuộc một số kẻ “thoái hóa, biến chất”, “bán rẻ lương tâm”.
Thực tiễn tổ chức và xây dựng quân đội của các nước trên thế giới chỉ rõ, không có một quân đội của một quốc gia nào “trung lập về chính trị” hay “đứng ngoài chính trị” vì quân đội là công cụ bạo lực vũ trang của chính quyền. Clausewitz - nhà lý luận quân sự nổi tiếng của nước Phổ đã nói rằng: “Chiến tranh là sự kế tục của chính trị”, trong khi quân đội ra đời để đáp ứng nhu cầu của chiến tranh. Luận điểm này được thừa nhận rộng rãi trong cả khoa học quân sự tư sản lẫn khoa học quân sự vô sản. Chính V.I. Lênin cũng đánh giá cao luận điểm này.
Vì vậy, thừa nhận “chiến tranh là sự kế tục của chính trị” thì tất yếu sẽ không bao giờ và không ở đâu có thứ quân đội “đứng ngoài chính trị”, hoặc “trung lập về chính trị”, “phi chính trị hóa” quân đội, bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng có mục tiêu chính trị, phản ảnh lập trường chính trị của các bên và quân đội của các bên tham chiến.
Quân đội ở bất cứ một quốc gia nào bao giờ cũng mang bản chất giai cấp. Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội là phục vụ cho mục tiêu, lý tưởng của giai cấp đã tổ chức ra nó. V.I. Lênin khẳng định: Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị, đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ, giả nhân, giả nghĩa của giai cấp tư sản. Thực tiễn cho thấy, quân đội của bất kỳ quốc gia nào cũng là một lực lượng chính trị quan trọng mà bất cứ nhà nước nào, giai cấp cầm quyền nào cũng phải nắm lấy để bảo vệ quyền lợi của mình.
Quân đội ta được Đảng và Bác Hồ sáng lập, giáo dục và rèn luyện, là lực lượng chính trị tin cậy của Đảng và Nhà nước. Quân đội luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Điều đó được thể hiện trước hết ở sự thống nhất về mục tiêu chiến đấu của quân đội với mục tiêu chính trị của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Quân đội luôn được chăm lo xây dựng vững mạnh về mọi mặt, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu thắng lợi. Ngay từ ngày đầu thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã được tổ chức theo mô hình có chi bộ Đảng lãnh đạo, bên cạnh người đội trưởng, có một cán bộ chính trị chuyên làm công tác chính trị theo đường lối của Đảng.
Sinh thời, V.I.Lênin cảnh báo: Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta. Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ. Cho dù các thế lực thù địch có nhiều mưu ma, chước quỷ, hiểm độc đến đâu, song chúng cũng không thể đạt được mục đích chuyển hóa hòng làm cho quân đội ta “đứng ngoài chính trị” hoặc “trung lập về chính trị”.
Đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị” hóa quân đội của các thế lực thù địch là vấn đề chiến lược trong xây dựng quân đội, tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Đảm bảo quân đội thực sự là lực lượng chính trị - lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước và của nhân dân, là nhân tố đặc biệt quan trọng bảo đảm cho đất nước luôn ổn định và phát triển bền vững. Đó là câu trả lời “đanh thép” nhất với vấn đề: phải chăng Quân đội nhân dân Việt Nam cần “phi chính trị hóa”?


Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...