Thứ Tư, 15 tháng 5, 2019

CHỦ NGHĨA DÂN TỘC VÀ NHỮNG SẮC THÁI CỦA NÓ TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY



(LLCT) - Chủ nghĩa dân tộc với tư cách là một trào lưu tư tưởng, một khuynh hướng chính trị đã xuất hiện từ lâu trong đời sống chính trị thế giới và được thể hiện dưới những hình thái đa dạng, mang cả hàm ý tích cực và tiêu cực. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trào lưu dân tộc chủ nghĩa tưởng chừng sẽ lắng dần trước làn sóng toàn cầu hóa lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên thế giới, thúc đẩy quá trình hợp tác, mở cửa, hội nhập và liên kết khu vực, quốc tế diễn ra sôi động. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khuynh hướng chính trị này có xu hướng trỗi dậy với những biểu hiện mới, đe dọa an ninh, ổn định và phát triển bền vững của thế giới.

1. Chủ nghĩa dân tộc: khái niệm, đặc điểm và bản chất
Trước hết cần lưu ý rằng dân tộc trong chủ nghĩa dân tộc (nationalism) được đề cập ở đây là quốc gia dân tộc (nation-state hay country), không phải là những sắc tộc cụ thể (ethnicity). Vì vậy, chủ nghĩa dân tộc cũng được gọi là chủ nghĩa quốc gia. Chủ nghĩa dân tộc đề cập đến một hệ tư tưởng, tâm lý, tình cảm, một hình thái văn hóa của một nhóm người, hay một đảng phái, phong trào chính trị tập trung và đề cao quốc gia dân tộc mình. Là một khái niệm phức tạp, có tính đa chiều, chủ nghĩa dân tộc được nhìn nhận và định nghĩa dưới những góc nhìn khá đa dạng.
Theo Từ điển Bách khoa của Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc là “hệ tư tưởng chính trị và biểu hiện tâm lý đòi hỏi quyền lợi độc lập, tự chủ và phát triển của cộng đồng quốc gia dân tộc”(1). Trong khi đó Atlas thế giới cho rằng chủ nghĩa dân tộc là một ý thức hệ chính trị “đề cập đến cảm xúc mạnh mẽ về lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc” của một cộng đồng người trong một quốc gia dân tộc cùng chia sẻ những đặc điểm về văn hóa, ý thức hệ, tôn giáo hoặc tộc người(2). Như vậy, chủ nghĩa dân tộc trong hai định nghĩa trên mang hàm ý tích cực, phản ánh sự gắn kết của cộng đồng dân cư trong một quốc gia dân tộc dựa trên lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa và lợi ích dân tộc chung, đồng thời cũng phản ánh ý thức chính trị, tâm lý của một dân tộc đối với các quyền dân tộc cơ bản, chính đáng của quốc gia dân tộc mình. Chủ nghĩa dân tộc theo nghĩa tích cực, tiến bộ đó là đặc trưng cơ bản và là một động lực quan trọng của phong trào đấu tranh của các dân tộc bị áp bức ở Á, Phi và Mỹ Latinh chống thực dân đế quốc, giành và bảo vệ độc lập dân tộc trong thế kỷ XX.
Ngược lại, Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ quốc tế định nghĩa chủ nghĩa dân tộc “là xu hướng tư tưởng tuyệt đối hóa giá trị dân tộc mình, đặt dân tộc mình ở vị trí cao nhất trong toàn bộ hệ thống giá trị, đi đến chỗ khoa trương, bài ngoại, tự phụ, coi dân tộc mình cao hơn tất cả và gây thiệt hại cho dân tộc khác”(3). Cũng trong cách nhìn này, Từ điển Bách khoa Merriam-Webster nhìn nhận chủ nghĩa dân tộc là sự tự hào, “lòng trung thành và hiến dâng” đối với quốc gia, là việc “đề cao quốc gia dân tộc mình trên hết thảy những quốc gia khác và nhấn mạnh vào việc thúc đẩy văn hóa và lợi ích của quốc gia mình trái ngược với văn hóa và lợi ích của các dân tộc và các thực thể siêu quốc gia khác” dựa trên niềm tin rằng nó tốt hơn và quan trọng hơn của các quốc gia khác(4). Các định nghĩa này tập trung vào thái độ của những người mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đối với mối quan hệ giữa các quốc gia dân tộc. Nó phản ánh ý nghĩa tiêu cực của chủ nghĩa dân tộc.
Ở một chiều cạnh khác, Bách khoa thư triết học Đại học Stanford, Hoa Kỳ quan niệm rằng “chủ nghĩa dân tộc” là khái niệm dùng để diễn tả hai hiện tượng: 1) thái độ của các thành viên của một quốc gia đối với bản sắc quốc gia dân tộc của họ; và 2) hành động mà họ thực hiện khi tìm cách đạt được (hoặc duy trì) một số hình thức chủ quyền chính trị (như quyền tự quyết)(5). Định nghĩa này chỉ đề cập đến nội hàm của khái niệm mà không chỉ rõ xu hướng thái độ và hành vi của những người dân tộc chủ nghĩa.  
Từ những định nghĩa nêu trên và nhìn vào thực tiễn chính trị quốc tế, có thể thấy rằng, bên cạnh hình thái tiến bộ được hiểu như lòng yêu nước và tự hào dân tộc, ý thức gắn bó và tinh thần cống hiến cho lợi ích quốc gia dân tộc chính đáng, ở hình thái thứ hai, chủ nghĩa dân tộc dù được thể hiện dưới những sắc thái đa dạng, trải qua những giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng vẫn mang nghĩa tiêu cực, cực đoan với những đặc điểm và hệ lụy như đề cao, khuếch đại, thậm chí tuyệt đối hóa tính ưu việt, giá trị, tầm quan trọng và lợi ích của quốc gia dân tộc mình mà không tôn trọng đúng mức, thậm chí xem thường, bỏ qua và sẵn sàng chà đạp lên các giá trị và lợi ích của các dân tộc khác. Điều này đã thúc đẩy các hành vi thiếu công bằng, bất bình đẳng, thậm chí là định kiến, áp đặt, cưỡng ép và phân biệt đối xử trong quan hệ quốc tế. Cũng vì đề cao thái quá dân tộc mình, những người dân tộc chủ nghĩa theo đuổi tư tưởng, chủ nghĩa cục bộ, bản vị mà không xem trọng, thậm chí chống lại hợp tác, liên kết và hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Với việc xem quốc gia dân tộc mình như là ưu việt, tối thượng, chủ nghĩa dân tộc còn dẫn tới những hình thái cực đoan hơn như phản đối hoặc chống lại bất kỳ hình thái ý thức hệ nào khác biệt hoặc mâu thuẫn với dân tộc mình, thúc đẩy chiến tranh, xâm lược, thậm chí diệt chủng, thảm sát và thanh lọc dân tộc(6). Vì thế chủ nghĩa dân tộc thường được xem như làm suy giảm bang giao và hợp tác quốc tế, suy giảm lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, trực tiếp hay gián tiếp gắn với những hệ lụy tiêu cực, những hình thái tư tưởng cực đoan, dẫn tới mâu thuẫn, nghi kỵ, thù địch, xung đột và chiến tranh giữa các quốc gia(7).
Một hình thái tiêu cực khác của chủ nghĩa dân tộc là việc lợi dụng quyền tự chủ, tự quyết dân tộc để kích động và theo đuổi chủ nghĩa ly khai. Khuynh hướng này đã gây ra xung đột, chiến tranh và thanh lọc sắc tộc, vùng miền, hay giữa nhân dân với chính quyền ở nhiều nơi trên thế giới. Những biểu hiện của hình thái này có thể kể đến vấn đề người Tamil ở Sri Lanka; người Kurd ở Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ; hay giữa người Serbia với người Bosnia và người gốc Albania ở Nam Tư cũ. Đây hiện vẫn là một vấn đề nhức nhối ở nhiều nước châu Phi, thậm chí ở giữa lòng châu Âu mà điển hình là vấn đề Bắc Ireland và Scotland ở Liên hiệp Vương quốc Anh hay xứ Catalonia ở Tây Ban Nha. 
Chủ nghĩa Mác cho rằng trong xã hội có giai cấp thì không có dân tộc và chủ nghĩa dân tộc phi giai cấp. Chủ nghĩa dân tộc mácxít chân chính là chủ nghĩa dân tộc cách mạng, tiến bộ, nó xa lạ với chủ nghĩa dân tộc sô vanh nước lớn, chủ nghĩa dân tộc thượng đẳng, chủ nghĩa dân tộc địa phương và chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi. Chủ nghĩa dân tộc mácxít gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa quốc tế, phấn đấu cho sự bình đẳng, hợp tác, đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc, gắn giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp và toàn nhân loại, hướng tới xóa bỏ mọi hình thức phân biệt giai cấp, dân tộc, chủng tộc.
Chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước mặc dù đều phản ánh mối quan hệ của các thành viên với quốc gia dân tộc mình và có những nét tương đồng nhất định, nhưng hai khái niệm này có những điểm khác nhau cơ bản:
Một là, trong khi lòng yêu nước xuất phát từ tình cảm gắn bó, trung thành với đất nước mình, do đó là nền tảng và động lực cho tự do, độc lập, quyền tự quyết và phẩm giá của các dân tộc trước áp bức, thống trị và bất công thì chủ nghĩa dân tộc là lòng yêu nước được đẩy tới mức cực đoan, biến thành một tình cảm sô vanh, tự phụ và kiêu ngạo, trở thành tâm lý sùng bái và tự hào thái quá đối với dân tộc mình mà coi thường các dân tộc khác, và do đó nó là mầm mống của áp bức, bất công và phân biệt chủng tộc. Lòng yêu nước do đó mang tính thụ động và tự vệ còn chủ nghĩa dân tộc thì mang tính hung hăng, áp đặt(8).
Hai là, trong khi những người yêu nước thể hiện tình yêu, niềm tin và lòng tự hào về những giá trị tốt đẹp của dân tộc mình nhưng không xem dân tộc mình là ưu việt hơn các dân tộc khác, những người dân tộc chủ nghĩa xem dân tộc mình là “cao hơn, ưu việt hơn hết thảy các dân tộc khác”(9). Vì vậy, lòng yêu nước thừa nhận quyền bình đẳng giữa các quốc gia dân tộc, tôn trọng các dân tộc khác còn chủ nghĩa dân tộc thì không. Những người yêu nước có xu hướng khoan dung với những chỉ trích, sai lầm và sẵn sàng tiếp thu, học hỏi những cái mới, tốt đẹp từ các dân tộc khác, trong khi chủ nghĩa dân tộc không thừa nhận những sai lầm quá khứ của dân tộc, không khoan thứ cho những chỉ trích bên ngoài, thậm chí coi đó là sự xúc phạm đối với dân tộc mình. Có thể nói, lòng yêu nước “coi trọng trách nhiệm hơn là chỉ đề cao lòng trung thành đối với tổ quốc mình”(10).
Ba là, lòng yêu nước dựa trên tình cảm, tình yêu và chủ nghĩa nhân văn, do vậy nó dựa trên hòa bình và hướng tới hòa bình; còn chủ nghĩa dân tộc cực đoan bắt nguồn từ sự cạnh tranh, kình địch và oán giận, nó mang tính hung hăng, hiếu chiến về bản chất. Về điều này, nhà văn người Anh George Orwell đã từng có một câu nói nổi tiếng rằng chủ nghĩa dân tộc là “kẻ thù tồi tệ nhất của hòa bình”(11).
Bốn là, những người yêu nước tin và coi trọng xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc, trong khi những người dân tộc chủ nghĩa có xu hướng biệt lập, cục bộ, vị kỷ.
Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy cũng cần được phân biệt để nhận rõ bản chất và mối quan hệ của hai khuynh hướng chính trị này cũng như hiểu thực chất các hình thức biểu hiện đa dạng của hiện tượng mà nhiều người xem là chủ nghĩa dân túy trong nền chính trị thế giới hiện nay. Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy có mối liên quan gần gũi mà đôi khi không dễ phân biệt. Trên thực tế, lập trường, tư tưởng, phát ngôn và hành động của một số phong trào, đảng phái và nhà chính trị thể hiện sự hòa quyện giữa chính trị dân túy với dân tộc chủ nghĩa. Mặt khác, có những tư tưởng, phát ngôn và hành động mang tính dân túy nhằm đánh vào tâm lý của quần chúng nhân dân, lôi cuốn sự ủng hộ của một bộ phận quần chúng nhưng bản chất là chủ nghĩa dân tộc, trong khi đó, một số người được xem là dân tộc chủ nghĩa nhưng thực tế họ chỉ sử dụng những phát ngôn và hành vi nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc và tập hợp quần chúng phục vụ cho mục đích chính trị của mình.
Như vậy không phải tất cả những người dân túy đều mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và ngược lại, không phải tất cả những người dân tộc chủ nghĩa đều là những nhà dân túy. Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy có thể được phân biệt trên một số khía cạnh sau đây:
Một là, chủ nghĩa dân túy có cơ sở nguồn gốc từ nhân dân và hướng tới người dân (People) trong khi chủ nghĩa dân tộc có xuất phát điểm và mục tiêu là quốc gia dân tộc (Nation).
Hai là, chủ nghĩa dân tộc về bản chất tập trung vào khía cạnh bản sắc và ý thức thuộc về nhóm (dân tộc, quốc gia) trong khi chủ nghĩa dân túy “thiên hơn về quyền lực, giai cấp và giải pháp”, “về ý tưởng và lý tưởng mà vượt qua yếu tố nhóm”(12).
Ba là, chủ nghĩa dân tộc đối lập “chúng ta” với tư cách là những người trong cùng một quốc gia với “họ” với tư cách là những người thuộc quốc gia dân tộc khác được nhìn nhận như là một mối đe dọa tiềm tàng với “dân tộc của chúng ta”(13). Trong khi đó, hạt nhân của chính trị dân túy là tách biệt và đối lập giữa tầng lớp bình dân như là nhóm dưới và nhóm giữa của xã hội với tầng lớp tinh hoa chính trị, được coi là tầng lớp trên trong quốc gia đó. Vì vậy, những người dân túy và đảng dân túy xem mình là đại diện thực sự của quần chúng nhân dân đấu tranh với giới cầm quyền đương thời của quốc gia, trong khi những người dân tộc coi họ như là đại diện cho quốc gia dân tộc mình trong mối quan hệ với các dân tộc bên ngoài.
2. Chủ nghĩa dân tộc và những sắc thái mới trong thế giới đương đại
Thứ nhất, đó là những hình thức biểu hiện của chủ nghĩa sô vanh nước lớn, chủ nghĩa bành trướng, bá quyền và chính trị cường quyền hiện nay. Ở đó nước lớn gia tăng xu hướng cưỡng chế, hăm dọa và áp đặt nước nhỏ, bỏ qua hoặc tìm cách tước đoạt chủ quyền và các lợi ích quốc gia cơ bản của nước nhỏ, bất chấp các chuẩn mực ứng xử trong quan hệ giữa các quốc gia cũng như luật pháp quốc tế. Âm mưu và hành động nhằm độc chiếm Biển Đông hiện nay có thể gọi là một dạng biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc nước lớn.
Thứ hai, đó là sự xuất hiện và hồi sinh mạnh mẽ của các tư tưởng, các đảng phái, các phong trào mang tính phân biệt, bài ngoại, cực hữu, chống nhập cư, chống Hồi giáo ở châu Âu như Đảng Mặt trận quốc gia ở Pháp của Marine Le Pen, Đảng Tự do Áo, Đảng Độc lập Anh (UKIP), Đảng Liên đoàn Phương Bắc ở Italia, Đảng Nhân dân ở Đan Mạch, Phong trào Brexit ở Anh, Đảng Tự do Hà Lan, Đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD), Đảng Dân chủ cực hữu Thụy Điển, Đảng cực hữu Golden Dawn ở Hy Lạp, và phần nào đó có thể kể đến tư tưởng “nước Mỹ trên hết”, cùng những chính sách chống nhập cư và Hồi giáo dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thứ ba, đó là các hành vi của chủ nghĩa thực dụng, vụ lợi, theo đuổi, đề cao lợi ích quốc gia mang tính tư lợi, vị kỷ, hẹp hòi trong quan hệ quốc tế, chỉ biết tập trung vào việc đạt được quyền lợi cho quốc gia, dân tộc mình mà không quan tâm, thậm chí làm tổn hại lợi ích chính đáng của các quốc gia khác. Trong hình thức này, chủ nghĩa dân tộc cũng thờ ơ, lảng tránh trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cộng đồng quốc tế nói chung, với việc giải quyết những vấn đề chung của toàn nhân loại, không gắn lợi ích dân tộc với quốc tế.
Thứ tư, chủ nghĩa đơn phương, chối bỏ chủ nghĩa đa phương, chống toàn cầu hóa, theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ và các chính sách thương mại, đầu tư mang tính phân biệt đối xử có lợi cho quốc gia mình, hạn chế sự di chuyển các nguồn lực sản xuất ra bên ngoài, bảo vệ nền công nghiệp và các doanh nghiệp trong nước. Hình thức này được các nhà nghiên cứu gọi là chủ nghĩa dân tộc kinh tế(14). Những người theo đuổi chủ nghĩa dân tộc kinh tế không thừa nhận khía cạnh “đôi bên cùng có lợi, cùng thắng” trong việc hợp tác đa phương, thay vì vậy họ chỉ “tập trung vào một người chiến thắng duy nhất trong các cuộc thương lượng quốc tế”(15). Hệ thống chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump là biểu hiện rõ rệt của hình thức chủ nghĩa dân tộc này.
Vì đặc điểm cốt lõi của chủ nghĩa dân tộc kinh tế là chỉ coi trọng lợi ích kinh tế của quốc gia, những người dân tộc chủ nghĩa có thể ủng hộ hoặc chống lại các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nền kinh tế nước ngoài tùy thuộc vào sức mạnh và vị trí quốc tế của một nền kinh tế quốc gia cụ thể(16). Điều này thể hiện ở nghịch lý là một số quốc gia phát triển, được cho là khởi nguồn và đi tiên phong trong thúc đẩy toàn cầu hóa, cổ súy cho tự do thương mại nay lại quay sang chống toàn cầu hóa và bảo hộ mậu dịch. Trong khi đó, một số nước đang phát triển, được cho là đi sau trong tiến trình toàn cầu hóa lại tỏ ra nhiệt thành với toàn cầu hóa, tự do thương mại và hội nhập. Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa về kinh tế không chỉ có ở những người quay lưng với toàn cầu hóa, mà những tư tưởng cổ vũ cho toàn cầu hóa và tự do thương mại nhằm đạt được những lợi ích kinh tế và chính trị không công bằng, không minh bạch, không cùng thắng thông qua việc thực hiện cái mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là “chính sách đầu tư và mậu dịch mang tính cướp đoạt”, “chủ nghĩa thực dân về kinh tế” hay “ngoại giao bẫy nợ”cũng có thể xem là một dạng biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế.
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, người Việt Nam đã kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc. Người Việt mang trong mình tinh thần dân tộc rất mạnh mẽ và sâu sắc. Tinh thần dân tộc chủ nghĩa ấy được hun đúc qua thời gian, thấm đượm trong mỗi người Việt, được chưng cất thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Lịch sử đã cho thấy, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam không mang màu sắc cực đoan mà thể hiện tinh thần và khát vọng hòa bình, khoan dung, rộng mở, vì mục tiêu giữ gìn độc lập, tự chủ và phẩm giá của dân tộc. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế với tinh thần “là bạn với tất cả các nước”, nhưng vì lợi ích quốc gia dân tộc được xác định là mục tiêu cao nhất chỉ đạo mọi hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thực tế chứng minh rằng, cả trong đường lối, chính sách và hoạt động thực tiễn, đối ngoại Việt Nam đương đại thể hiện sự kết hợp hòa quyện giữa dân tộc, quốc tế và nhân loại. Chính sách đối ngoại Việt Nam hiện đại đề cao chủ nghĩa đa phương, đề cao hòa bình, bình đẳng, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, đồng thời chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi, vị kỷ, chủ nghĩa sô vanh, chủ nghĩa bá quyền, chính trị cường quyền và những hành động đi ngược lại hòa bình, hợp tác và tiến bộ xã hội.
____________________________
(1) Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, http://bachkhoatoanthu.vass.gov.vn.
(2) What Is Nationalism?, World Atlas, https://www.worldatlas.com.
(3) Đào Minh Hồng - Lê Hồng Hiệp (chủ biên): Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Khoa Quan hệ quốc tế - Đại học KHXH & NV TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2013.
(4) Merriam-webster Dictionary, https://www.merriam-webster.com.
(5) Stanford Encyclopedia of Philosophy, Center for the Study of Language and Information (CSLI), Stanford University,  https://plato.stanford.edu.
(6) Anne Sraders: “What is Nationalism? Its History And What It Means in 2018”, The Street, 5-7-2018, https://www.thestreet.com; Kimberly Amadeo: “Nationalism, Its Characteristics, History, and Examples”, The Balance, 13-6-2018, https://www.thebalance.com.
(7) Boyd C. Shafer: Faces of Nationalism, New York: Harcourt Brace Jovanovich, 1972; Anthony D. Smith: Theories of Nationalism, 2nd ed, New York: Harper & Row, 1983; và Stephen van Evera: Hypotheses on Nationalism and War, International Security , Vol. 18, No. 4 (Spring, 1994), tr.5-39; Jamie Gruffydd-Jones: Dangerous Days: The Impact of Nationalism on Interstate Conflict, Security Studies, 26:4 (2017), pp.698-728; Rafa RIEDEL, “Economic Nationalism and Populism - Intertwining Relations”, University of Opole, DOI: 10.14746/ pp.2017.22.3.1.
(8) George Orwell: “Notes on Nationalism”, http://www.orwell.ru.
(9) What is the difference, if any, between nationalism and patriotism?, https://www.quora.com; Alice Chen: “Nationalism vs Patriotism. Simple explanation with examples”,  https://www.myenglishteacher.eu; Nationalism vs. patriotism, The Washington Post,  https://www.washingtonpost.com.
(10) Difference between Nationalism and Patriotism, http://www.differencebetween.net; Nationalism vs patriotism: Do you know the difference?, India Today, https://www.indiatoday.in.
(11) How dangerous is nationalism?, https://www.theodysseyonline.com.
(12) Dick Meyer: “Trumpism is nationalism, not populism”, Decode DC, 15-12-2016, http://www.decodedc.com.
(13) Jose Pinto: “Trump, a Nationalist and a Populist Leader”, Global Journal of HUMAN-SOCIAL SCIENCE: F Political Science, Vol. 18 Issue 1 Version 1.0, 2018.
(14) What Is Nationalism?, World Atlas, https://www.worldatlas.com; What is Nationalism? Its History And What It Means in 2018, https://www.thestreet.com; Pryke S.: “Economic Nationalism: Theory, History and Prospects”, Global Policy, No 3 (3), 2012, tr.281-291. 
(15) Merkel warns Trump against ‘destroying’ UN, Channel News Asia, 30-9-2018,  https://www.channelnewsasia.com.
(16) Rafa Riedel: “Economic Nationalism and Populism - Intertwining Relations”, University of Opole, DOI: 10.14746/pp.2017.22.3.1, tr.11.

PGS, TS Phan Văn Rân
TS Ngô Chí Nguyện
Viện Quan hệ quốc tế,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/2797-chu-nghia-dan-toc-va-nhung-sac-thai-cua-no-trong-the-gioi-ngay-nay.html

MỐI QUAN HỆ GIỮA CHỦ NGHĨA DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA DÂN TÚY TRONG CÁC NỀN CHÍNH TRỊ



(LLCT) - Chủ nghĩa dân tộc là một trào lưu thực tiễn ra đời khi dân tộc xuất hiện mà không có một giá đỡ với tư cách là một hệ thống lý thuyết. Còn chủ nghĩa dân túy, một lý thuyết chính trị được nảy sinh và phát triển mạnh vào những thập niên 70, 80 ở nước Nga và Mỹ. Trên thực tế, chủ nghĩa dân túy thời kỳ đầu đã có mối liên hệ với chủ nghĩa dân tộc để cố gắng tìm lời giải cho sự phát triển của dân tộc. Trong bối cảnh mới của xã hội hiện đại, một lần nữa, chủ nghĩa dân tộc được kết hợp với chủ nghĩa dân túy mới với nhiều biểu hiện mới và đó là một lý thuyết chính trị mới. Sự kết hợp đó suy cho cùng cũng nhằm tìm kiếm lời giải cho sự phát triển của dân tộc trong một thế giới đầy biến đổi. Sự kết hợp này mang đến nhiều hệ lụy cho quốc gia, dân tộc và cho toàn nhân loại, nguy cơ làm tăng sự xung đột giữa các dân tộc, hình thành nhiều hành động cực đoan.
Cho đến hiện nay, quan niệm về mối liên hệ giữa chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Bỏ qua những khác biệt trong các quan niệm rất đa dạng hiện nay, có thể hiểu, chủ nghĩa dân tộc là một trào lưu thực tiễn hướng đến mục tiêu cuối cùng là đề cao các giá trị và lợi ích của dân tộc. Nó được hình thành khi dân tộc ra đời và ở châu Âu nó gắn liền với sự ra đời của dân tộc tư sản.
Chủ nghĩa dân túy ra đời vào những năm bảy mươi của thế kỷ XIX ở Nga và Mỹ.
Vấn đề đặt ra ở đây là, tại sao chủ nghĩa dân túy lại khởi đầu ở Nga và Mỹ và tại sao chủ nghĩa dân túy cổ điển lại dựa vào giai cấp nông dân, xem giai cấp đó là lực lượng chủ yếu để thúc đẩy tiến bộ xã hội?
Như lịch sử đã chứng tỏ sau khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được công bố (2-1848), chủ nghĩa cộng sản, từ một bóng ma đã trở thành một thế lực hiện thực. Chủ nghĩa cộng sản đã từng bước lan tỏa ảnh hưởng của mình với mục tiêu xóa bỏ sự thống trị của giai cấp tư sản, xây dựng một chế độ mới tốt đẹp hơn mà ở đó ách áp bức, bóc lột giai cấp bị thủ tiêu, con người được phát triển tự do, toàn diện. Chủ nghĩa cộng sản xác định, giai cấp công nhân là lực lượng lãnh đạo xã hội thông qua đội tiền phong của mình là đảng cộng sản, tiến hành cuộc liên minh chiến lược với giai cấp nông dân và các lực lượng tiến bộ để từng bước “đoạt lấy dân chủ”, “trở thành dân tộc” để tiến hành một cuộc cải tạo vĩ đại nhất trong lịch sử, xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới. Khi nghiên cứu lịch sử, những người sáng lập chủ nghĩa Mác khẳng định rằng, lịch sử nhân loại không vận hành một cách ngẫu nhiên, vô hướng mà có “trật tự”, tuân theo những quy luật vốn có của lịch sử. Lịch sử đó cũng không phải vận động theo một chu trình khép kín của các lực lượng tinh thần theo kiểu Hêghen mà là một quá trình mở vô tận, vĩnh viễn với động lực chủ yếu nhất là thực tiễn. Ngoài ra, khi phân tích địa vị của các giai cấp, những người sáng lập chủ nghĩa Mác còn thấy rằng, trong các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản, các giai cấp khác thì ngày càng suy tàn. Chỉ có giai cấp công nhân là ngày càng lớn mạnh, là đại biểu tiên tiến nhất của nhân loại. Giai cấp đó có đầy đủ địa vị kinh tế, xã hội để có thể đảm đương được sứ mệnh của mình.
Sau khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được công bố rộng rãi, chủ nghĩa Mác được lan truyền nhanh chóng ra cả châu Âu, trong đó có nước Nga. Nhiều nhà mác xít đã có công quảng bá chủ nghĩa Mác vào nước Nga và đã trở thành một lý thuyết chính trị có ảnh hưởng to lớn trong đời sống của nước Nga.
Chủ nghĩa Mác được du nhập vào nước Nga trong bối cảnh nước Nga đang loay hoay đi tìm một lối thoát để vượt qua tình cảnh một nước lạc hậu về kinh tế và chuyên chế về chính trị dưới sự thống trị của Nga hoàng nhằm theo kịp các nước châu Âu phát triển khác. Lẽ đương nhiên, sẽ xuất hiện những va đập với các xu hướng tư tưởng khác hiện đang tồn tại. Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa dân túy xuất hiện.
Như vậy, có thể nói, chủ nghĩa dân túy Nga ra đời, thoạt nhìn như là một lý thuyết chính trị cho con đường phát triển của nước Nga khác với lý thuyết của Mác. Tuy nhiên, phân tích sâu hơn vào thực chất, vấn đề không đơn giản như vậy.
Kể từ sau khi Quốc tế I được thành lập vào năm 1864 nhằm tập hợp phong trào công nhân trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa tư bản, bản thân nội bộ Quốc tế Cộng sản đã có sự phân hóa và sự phân hóa đó càng ngày càng lộ rõ. Trước tình hình ấy, C.Mác, Ph.Ăngghen và những người cách mạng chân chính đã tuyên bố giải thể Quốc tế Cộng sản và tổ chức này chấm dứt sứ mệnh của mình vào năm 1876.
Kế theo đó, do nhu cầu phát triển của phong trào công nhân, vào năm 1889, Quốc tế II được thành lập. Cũng như Quốc tế I, sự phân hóa cũng diễn ra trong lòng Quốc tế II, nhất là sau khi Ph.Ăngghen qua đời. Các đại biểu nổi tiếng như Bestanh, Causky đã không tán thành quan điểm với C.Mác, Ph.Ăngghen trên nhiều vấn đề, nhất là vấn đề nhà nước, vấn đề phương pháp cách mạng...
Trước thực tế đó, những nhà dân chủ cách mạng Nga cũng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của Bestanh, Causky và chủ nghĩa cơ hội cũng được du nhập vào nước Nga. Trên cơ tầng đó, chủ nghĩa dân túy Nga ra đời. Chủ nghĩa đó không thừa nhận con đường đấu tranh cách mạng để lật đổ chủ nghĩa tư bản, không thừa nhận giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong của giai cấp là đảng cộng sản. Theo họ, để khắc phục những khuyết tật của chủ nghĩa tư bản không nên sử dụng bạo lực cách mạng mà phải tiến hành chủ yếu bằng con đường hòa bình và dựa vào giai cấp nông dân, công xã nông thôn hoặc tầng lớp trí thức.
Tại sao chủ nghĩa dân túy Nga chủ trương dựa vào nông dân với hình thức kinh tế chủ yếu và phổ biến là công xã nông thôn và phủ nhận phương pháp cách mạng bạo lực? Lý do bởi, theo họ, nông dân là lực lượng đông đảo nhất của xã hội Nga. Giai cấp đó cũng là giai cấp đau khổ nhất trong xã hội.
Lý thuyết dân túy đã bị V.I.Lênin kịch liệt phê phán, bởi, lý thuyết đó không thể mang lại một thay đổi thực tế khi chủ trương dựa vào một giai cấp không đại diện cho lực lượng sản xuất tiến bộ nhất của xã hội là giai cấp nông nhân. Nó cũng sai lầm khi cho rằng giải quyết xung đột giai cấp thông qua hoạt động nghị trường, thông qua các biện pháp hòa bình để chủ nghĩa tư bản tự chuyển hóa, tự thay đổi. Vấn đề này không bao giờ xảy ra trên thực tế bởi trong lịch sử chưa có giai cấp nào tự nguyện dâng hiến chính quyền của mình cho giai cấp khác.
Ở đây, tính chất dân túy được thể hiện rõ ràng bởi các thủ thuật như là một dấu hiệu điển hình nhất của chủ nghĩa, đó là mị dân bởi sự tán dương giai cấp nông dân một cách vô lối nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ một cách giả tạo, thiếu cơ sở thực tế. Thủ thuật đó cũng tạo nên một biểu hiện điển hình không chỉ ở chủ nghĩa dân túy cổ điển mà còn có mặt ở mọi loại dân túy trong lịch sử.
Ở nước Mỹ, vào những thập niên cuối của thế kỷ XIX, chủ nghĩa dân túy cũng xuất hiện. Mặc dù không gian lịch sử của nước Mỹ thời điểm đó không hoàn toàn giống hoàn cảnh của nước Nga song có những điểm chung rất cơ bản.
Trước hết, chủ nghĩa tư bản đã bộc lộ nhiều khuyết tật cố hữu mà điển hình nhất là nạn áp bức người lao động thậm tệ trong khi điều kiện sống, điều kiện làm việc không được cải thiện. Trong cơn lốc tư bản chủ nghĩa, nhiều bộ phận dân cư, nhất là người nông dân, là đối tượng thiệt thòi nhất. Một bộ phận trở thành công nhân bị áp bức, bóc lột thậm tệ, bộ phận khác cũng đang điêu đứng trước làn sóng tư bản chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó, nhiều đảng phái chính trị, nhiều chính trị gia đã có sự quan tâm đến lực lượng này. Sự quan tâm đó không phải hướng đích xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, cũng không nhằm cứu người nông dân ra khỏi guồng máy chủ nghĩa tư bản, thay đổi thân phận và cuộc sống của họ theo hướng tốt đẹp hơn. Sự quan tâm đó mục đích cuối cùng là để tranh thủ sự ủng hộ, tranh thủ phiếu bầu của cử tri qua các cuộc bầu cử để rồi họ sẽ vứt bỏ những lời hứa hẹn tốt đẹp ngay sau khi trở thành người cầm quyền. Vì vậy, về bản chất, chủ nghĩa dân túy Mỹ theo khuynh hướng tả hay hữu cũng có chung biểu hiện là sự lừa mị những người bình dân với những thủ thuật ngôn từ được chăm chút cẩn thận, và mang đầy màu sắc của chủ nghĩa vụ lợi.
Qua cao trào ở cuối thế kỷ thứ XIX, chủ nghĩa dân túy bước vào giai đoạn trầm lắng cho dù nó không bao giờ bị biến mất khỏi cuộc sống. Sự thật này bắt nguồn sâu xa từ cuộc sống trần thế của con người. Cuộc sống đó bao gồm những cá nhân với nhiều nhu cầu rất đa dạng và ngày càng cao. Vì vậy, đôi khi, người ta cảm thấy hài lòng bởi một lời hứa hẹn, một sự an ủi nào đó dù chỉ trong ngắn hạn, hay rất khó thực hiện trong thực tế. Đó là mảnh đất màu mỡ để chủ nghĩa dân túy hình thành, bám rễ. Cũng trên cơ sở đó, các đảng phái chính trị, các chính trị gia dân túy khai thác để phục vụ mục tiêu của mình.
Tuy nhiên, vào những năm đầu của thế kỷ XXI, người ta lại chứng kiến chủ nghĩa dân túy trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ, đặc biệt sau những tác động nhiều mặt của toàn cầu hóa, sau những cuộc di cư khổng lồ của cư dân các khu vực vào châu Âu và Mỹ, sau hiện tượng Brexit và thắng lợi của Donald Trump. Chủ nghĩa dân túy hiện đại, nhìn chung mang bản chất của chủ nghĩa dân túy cổ điển song có nhiều dấu hiệu mới. Cơ sở xã hội của nó là những người bình dân bị tổn thương trong quá trình phát triển, nhất là quá trình toàn cầu hóa với sự cạnh tranh khốc liệt về kinh tế cũng như các vấn nạn khác mà xã hội hiện đại mang lại. Đó là quá trình xuất hiện nạn khủng bố quốc tế dưới nhiều màu sắc, của sự biến đổi của khí hậu toàn cầu, sự lên ngôi của các lợi ích dân tộc cực đoan...
Khác với chủ nghĩa dân túy cổ điển, chủ nghĩa dân túy hiện đại phát triển rầm rộ ở mọi châu lục, kể cả khu vực châu Á vốn trước đây khá yên bình. Thêm nữa, nó xuất hiện trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc lên ngôi và vì vậy, có thể xem là hình thức được ngụy trang bằng chủ nghĩa dân tộc.
Ở khu vực châu Á, các chính trị gia như Thủ tướng Abe của Nhật Bản, Tổng thống Dutete của Philippin, Thủ tướng Modi của Ấn Độ hay Tổng thống Edugan của Thổ Nhĩ Kỳ... cũng bày tỏ lập trường có màu sắc dân tộc với mục tiêu chấn hưng quốc gia, bảo vệ lợi ích dân tộc. Abe của Nhật Bản mơ ước về một thời Minh Trị thiên hoàng; Modi cố gắng tích hợp đạo Hindu với tinh thần thời đại; Edugan cố gắng khôi phục đế chế Ôttôman; Putin trong nỗ lực chấn hưng dân tộc nhằm khôi phục vị thế siêu cường mà nước Nga Đại đế đã có hay như Tập Cận Bình đang nỗ lực khôi phục một Trung Hoa vĩ đại.
Rõ ràng, việc các chính trị gia có thành công với giấc mộng của mình hay không và liệu giấc mơ của họ có đem lại một sự thay đổi cơ bản trong dài hạn hay chỉ là thủ thuật tâm lý vẫn phải chờ thêm chứng liệu của lịch sử, nhưng đều có thể khẳng định, điểm chung của các chính trị gia là đã cố gắng sử dụng lá bài dân tộc dưới một hình thức mới mà thời đại tạo ra. Trong bối cảnh mới, khi quan hệ quốc tế đã có nhiều thay đổi đáng kể, lợi ích quốc gia, dân tộc được xem là tối thượng. Mục tiêu này là cơ sở để định vị cách ứng xử của các chính trị gia và cũng là căn cứ để người dân soi chiếu, đánh giá, thẩm định phẩm chất và năng lực của nhà chính trị cầm quyền.
Sở dĩ mục tiêu dân tộc được lựa chọn là tối thượng có 2 nguyên nhân cơ bản. Một là, suy cho cùng, mọi sự phát triển đều bắt đầu diễn ra trên cơ sở dân tộc, trên mảnh đất dân tộc và phục vụ trước hết cho lợi ích dân tộc. Vì vậy, sức mạnh của các chính trị gia và cũng là thước đo cho năng lực của họ phải bắt đầu từ dân tộc. Hai là, do những tác động rất đa chiều từ quá trình toàn cầu hóa. Riêng về toàn cầu hóa, có thể nhận thấy, quá trình đó thoạt đầu là do những đòi hỏi của quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa. Quá trình đó không thể không diễn ra bởi lực lượng sản xuất của chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến giới hạn mà ở đó, nếu không mở rộng, liên kết thị trường thông qua quá trình từng bước xóa bỏ hàng rào thuế quan để thiết lập một thị trường ngày càng rộng lớn và thống nhất thì chủ nghĩa tư bản không thể tiếp tục phát triển. Chính vì vậy, tiên phong trong quá trình toàn cầu hóa không ai khác ngoài các tập đoàn tư bản khổng lồ.
Quá trình toàn cầu hóa đã làm thay đổi cơ bản các dự liệu của những người khai đường, mở lối, tiên phong. Nó đem lại một sự dịch chuyển ghê gớm về dòng vốn, về sự phân công lao động và dĩ nhiên cả về lợi ích của các chủ thể xã hội cả ở tầm mức cá nhân và cả tầm mức quốc gia, dân tộc. Sự thay đổi đó đã làm cho một số cộng đồng dân cư, một số quốc gia, dân tộc cảm thấy bất lợi, thậm chí bị tụt lại phía sau, cảm thấy bị tổn thương, nhất là ở các quốc gia phát triển nhất.
Trên thực tế, ngoài xu hướng ủng hộ toàn cầu hóa đã xuất hiện xu hướng chống toàn cầu hóa. Xu hướng này diễn ra khá rầm rộ trong lòng chủ nghĩa tư bản hiện đại và dĩ nhiên cùng với nó là thái độ chính trị tương ứng. Đó là thái độ ủng hộ bảo hộ thương mại, bài người nhập cư hay thái độ hành xử quốc tế chỉ lấy nguyên tắc lợi ích dân tộc là chuẩn mực cao nhất, hình thành một động thái mới rất nguy hiểm là chủ nghĩa đơn phương. Đó cũng là mảnh đất màu mỡ để hình thành và bùng phát nhiều biểu hiện cực đoan từ tôn giáo cực đoan đến dân tộc cực đoan và nạn khủng bố quốc tế. Đó là thái độ thờ ơ trước các vấn nạn toàn cầu như nghèo đói, chiến tranh, dịch bệnh, biến đổi khí hậu..., hành động một cách đơn phương như Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng thể hiện.
Vấn đề cần phải bàn thêm ở đây là, khi cho rằng, chủ nghĩa dân túy chỉ quan tâm đến các vấn đề ngắn hạn hay chỉ là những thủ thuật ngôn từ mà nội dung rất ít hay thuần túy chỉ là những tuyên bố suông? Trên thực tế, vấn đề này cũng khó thuyết phục bởi trường hợp Donald Trump là một ví dụ. Theo đó, trong tuyên bố tranh cử, những lời hứa như “nước Mỹ trên hết” hay các cam kết rút khỏi hiệp định về chống biến đổi khí hậu, hiệp định hạt nhân về Iran... vẫn từng bước được thực hiện.
Trước thực tế đó, dĩ nhiên, thái độ khách quan là cần phải chờ đợi thêm các dữ liệu được cung cấp từ cuộc sống, song về phương diện logic, có thể khẳng định rằng, một khi chủ nghĩa dân túy mới được bổ sung thêm hình thức là chủ nghĩa dân tộc thì hệ lụy của nó là vô cùng to lớn.
Về phương diện xã hội, dường như nó tạo ra và cổ súy một lối sống, một cách ứng xử ở đó, nội dung rất nghèo nàn nhằm thỏa mãn một nhu cầu nào đó trong ngắn hạn. Về phương diện chính trị là sự lên ngôi của nghệ thuật ngôn từ nhằm làm hài lòng về mặt tâm lý của cử tri, nhất là nhóm cử tri thấy mình được quan tâm, được đề cao, được chia sẻ bởi những tổn thương trong cuộc sống mà họ đang phải đối mặt. Tai hại nhất, khi chủ nghĩa dân túy núp dưới bộ áo chủ nghĩa dân tộc sẽ góp phần gia tăng chủ nghĩa dân tộc cực đoan dưới các dạng thức chủ nghĩa nước lớn, chủ nghĩa cực quyền, cổ súy các hành động đơn phương, đe dọa sự tồn vong của các định chế quốc tế. Điều này đã xảy ra trong thực tế qua hành động của nhiều chính trị gia mà Donald Trump là một ví dụ điển hình. Ở đó, khi vừa đắc cử, vị tổng thống này ngay lập tức tuyên bố rút khỏi hiệp định về biến đổi khí hậu, hiệp định hạt nhân về Iran, hiệp định về TPP, đàm phán lại NAPTA và nhiều định chế quốc tế khác.
Có thể nói rằng, chủ nghĩa dân túy kết hợp với chủ nghĩa dân tộc là lý thuyết chính trị mới của nhân loại. Lý thuyết ấy cơ hồ đang thúc đẩy nhân loại đi về một lối rẽ khác với việc làm rạn nứt các quan hệ quốc tế đã được xác lập, mở đường cho các hành động đơn phương mà trong đó nhiều hành động không chỉ gây nguy hại cho quốc gia, dân tộc mà còn cho cả nhân loại.
PGS, TS Hồ Trọng Hoài
 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/2798-moi-quan-he-giua-chu-nghia-dan-toc-va-chu-nghia-dan-tuy-trong-cac-nen-chinh-tri.html

LÀN SÓNG BIỂU TÌNH Ở CHÂU ÂU - NGUYÊN NHÂN VÀ NHỮNG HỆ LỤY



Làn sóng biểu tình của những người “áo vàng” khởi đầu bùng phát dữ dội ở Pháp, sau đó gây hiệu ứng, lan rộng ra hàng loạt nước châu Âu, khiến cho “Lục địa già” chao đảo. Vì sao làn sóng biểu tình đó lại đồng loạt bùng nổ ở nhiều nước châu Âu và hệ lụy của nó như thế nào đang là vấn đề được dư luận quốc tế hết sức quan tâm.
Trung tuần tháng 11-2018, hàng trăm người trong trang phục áo vàng (màu áo gi-lê trang bị cho lái xe của Pháp) đã xuống đường biểu tình phản đối quyết định tăng thuế môi trường đối với xăng dầu của Tổng thống Pháp. Khác với trước đây, cuộc biểu tình của những người “áo vàng” đã được đông đảo tầng lớp trung lưu và người lao động trên cả nước tham gia, trở thành làn sóng biểu tình làm “rung động” nước Pháp. Trước nguy cơ biểu tình “vượt tầm kiểm soát”, Chính quyền của Tổng thống E. Ma-crông buộc phải nhượng bộ, tuyên bố hoãn, sau đó là xóa bỏ sắc lệnh tăng thuế đối với nhiên liệu. Tuy nhiên, những nhượng bộ đó không những không xoa dịu được tình hình mà còn được cho rằng “đổ dầu vào lửa”, làm cho làn sóng biểu tình bùng phát dữ dội hơn. Ở nhiều nơi, biểu tình đã biến thành bạo loạn, xung đột với cảnh sát vũ trang, hậu quả là đã có hàng trăm người, trong đó có cả cảnh sát bị thương vong, hàng nghìn người biểu tình quá khích bị bắt giữ. Giới chức an ninh của Pháp thừa nhận, kể từ cuộc nổi dậy của sinh viên năm 1968 thì làn sóng biểu tình của phong trào “áo vàng” là lớn nhất và tồi tệ nhất. Không chỉ vậy, nó còn tạo hiệu ứng “đô-mi-nô” làm bùng nổ làn sóng biểu tình quy mô lớn của những người được cho là “cùng cảnh ngộ” ở một loạt nước châu Âu khác, như: Đức, Anh, Áo, I-ta-li-a, Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển,… khiến cho “Lục địa già” chao đảo.
Vì sao làn sóng biểu tình “áo vàng” lại đồng loạt bùng nổ ở châu Âu?
Nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng, những thập kỷ gần đây, việc biểu tình, bạo động nổ ra ở nơi này, nơi kia không phải là việc “mới lạ” ở châu Âu, nhưng biểu tình đồng loạt bùng nổ ở nhiều nước như phong trào “áo vàng” vừa qua thì thực sự là vấn đề “đáng lo ngại”. Phân tích các yêu sách mà người biểu tình đưa ra, như: đòi cải thiện cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là thái độ “giận dữ” của họ đối với các chính sách “không hợp lòng dân” của chính phủ, có thể thấy, tầng lớp trung lưu và những người lao động ở nhiều nước châu Âu đang “bất bình” sâu sắc với giới cầm quyền nước họ. Phong trào “áo vàng” vì thế trở thành “mồi lửa” châm ngòi để nó “nổ bung” thành làn sóng biểu tình dữ dội ở hàng loạt nước thuộc châu lục này. Kết quả các cuộc thăm dò cho thấy, người biểu tình ở châu Âu “bất bình” về nhiều lĩnh vực “nổi cộm” của đất nước:
Một là, sự phân hóa giàu nghèo, tình trạng bất công trong xã hội đã đến mức “báo động”. Nhiều đánh giá quốc tế cho biết, những năm gần đây, sự chênh lệch về mức thu nhập của người dân ở các nước EU là rất lớn. 20% dân số có thu nhập cao nhất có tài sản gấp hơn 5 lần so với 20% dân số có mức thu nhập thấp nhất; 1% người giàu nhất nắm giữ tới 20% của cải. Trên thực tế, tầng lớp người giàu có cuộc sống vương giả, trong khi tầng lớp công nhân và người lao động có mức thu nhập chỉ khoảng 1.500 euro/tháng - mức thu nhập được coi là chỉ “đủ sống”. Một bộ phận không nhỏ người lao động tự do thì phàn nàn rằng, họ phải rất vất vả mới kiếm đủ tiền để thuê nhà và trang trải sinh hoạt. Số đông người về hưu ca thán, khoản “lương hưu” của họ quá “còm” so với biến động giá cả trên thị trường. Họ đòi chính phủ tăng “lương hưu” và đảm bảo các phúc lợi xã hội mà họ phải được hưởng. Tầng lớp nông dân thì bức xúc với việc các vùng nông thôn, vùng xa xôi, hẻo lánh của họ không có các dịch vụ tốt về giao thông, y tế, giáo dục - đào tạo,… so với thủ đô và các vùng đô thị. Tầng lớp thanh niên ở các khu vực nông thôn nói rằng, họ ít có cơ hội để vào các trường đại học và tìm việc làm so với thanh niên ở khu vực thành thị. Những năm gần đây, tỷ lệ người thất nghiệp ở nhiều nước tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức khoảng 10% và tỷ lệ người thất nghiệp ở lứa tuổi thanh niên vẫn ở mức cao. Trong đó, thanh niên hư hỏng, vướng vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật ở khu vực nông thôn cũng cao hơn ở khu vực thành thị, v.v.
Hai là, giảm lòng tin vào các chính sách của chính quyền. Phải nói rằng, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước EU có một giai đoạn dài phát triển “thịnh vượng”: kinh tế tăng trưởng cao, khoa học - công nghệ phát triển hiện đại, thu nhập và đời sống của đại đa số nhân dân ở mức khá giả với nhiều phúc lợi xã hội “đáng mơ ước”. Tuy nhiên, từ thập niên 80 của thế kỷ XX, khủng hoảng tài chính, kinh tế, nợ công diễn ra liên miên, đẩy kinh tế các nước EU lâm vào suy thoái. Chính phủ các nước EU đã đề ra rất nhiều chính sách phục hồi, nhưng như họ thừa nhận, vẫn chưa thể khắc phục được cái gọi là “những khuyết tật cố hữu” của nền kinh tế tư bản; tỷ lệ nợ công và nợ chính phủ vẫn ở con số rất cao. Tình hình đó, buộc chính phủ nhiều nước EU phải thực hiện những giải pháp “vạn bất đắc dĩ” là cắt giảm mạnh các phúc lợi xã hội, cái mà một thời họ vẫn tự hào là “ưu việt” của Tây Âu; đồng thời, tăng các loại thuế đánh vào “hầu bao” của người lao động. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người giàu thì ngày càng giàu hơn; người lao động, kể cả tầng lớp trung lưu thu nhập không tăng hoặc tăng không đáng kể nhưng phải gánh ngày càng nhiều các loại thuế, nên đời sống khó khăn hơn. Từ cuộc sống khá giả trước đây, nay “phú quý ngày càng giật lùi” khiến cho đại đa số người lao động ở nhiều nước EU “chán nản”, giảm lòng tin, “bất mãn” với năng lực lãnh đạo của chính quyền. Người dân Pháp “quá thất vọng” và gọi Tổng thống E. Ma-crông là “tổng thống của người giàu” khi Ông quyết định cắt giảm “thuế thu nhập” cho giới thượng lưu, khiến “kho bạc” chính phủ bị giảm khoảng 3,5 tỷ euro. Để bù ngân sách thiếu hụt, Ông lại “quá khinh xuất và độc đoán” khi quyết định tăng các loại thuế mà tầng lớp lao động là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong đó, quyết định tăng thuế môi trường đối với xăng dầu đã “châm ngòi” cho một làn sóng “phản kháng dữ dội” ở Pháp và khắp châu Âu. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Pháp E. Ma-crông đã tụt dốc “thê thảm”, từ mức trên 80% khi mới cầm quyền xuống còn dưới 20% hiện nay.
Đánh giá một cách khách quan, toàn diện quá trình hình thành và phát triển của EU, chính khách nhiều nước cho rằng, làn sóng biểu tình của phong trào “áo vàng” hoàn toàn không phải là “bộc phát”, mà là hệ quả tất yếu của những mâu thuẫn cố hữu đã được tích tụ trong lòng xã hội các nước EU từ nhiều thập kỷ qua. Phong trào “áo vàng” chỉ là “giọt nước làm tràn ly” và làn sóng khổng lồ người biểu tình đang “khốn khó trong lo toan cuộc sống”, cùng với các thể chế “yếu kém”, “bất lực” của các nước EU hiện nay cũng chỉ là những “nạn nhân đáng thương” mà thôi.
Những hệ lụy từ làn sóng biểu tình của phong trào “áo vàng”
Theo các nhà bình luận quốc tế, làn sóng biểu tình quy mô lớn của phong trào “áo vàng” đã gây ra những hệ lụy không nhỏ về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh đối với từng quốc gia và toàn khối EU. Về kinh tế, ở nhiều nước EU, các cuộc biểu tình đã có tới hàng chục vạn người tham gia, làm nhiều thành phố bị “tê liệt”; các ngành kinh doanh, du lịch, nhà hàng, nhiều nhà máy, công xưởng phải ngừng hoạt động trong thời gian dài. Hàng nghìn công trình, trang bị, thiết bị công cộng, xe cộ,… bị người biểu tình đập phá. Ước tính làn sóng biểu tình này đã làm thiệt hại hàng trăm tỷ euro cho các nước EU. Về xã hội, chính trị, trong lòng xã hội các nước EU vốn đang tồn tại những mâu thuẫn phức tạp đan xen (giữa người giàu với người nghèo, giữa thành thị với nông thôn, giữa người bản địa với người nhập cư, giữa các sắc tộc, tôn giáo và các nền văn hóa,…), phong trào “áo vàng” làm cho “vết nứt” của những mâu thuẫn đó càng rộng hơn. Điển hình nhất là những phần tử dân tộc cực đoan, các băng đảng “xã hội đen” lợi dụng tình trạng biểu tình để kích động bạo loạn, xung đột với chính quyền, cướp phá tài sản, gây mất trật tự an ninh đất nước. Khung cảnh hoang tàn ở nhiều thành phố diễn ra biểu tình khiến cho người ta liên tưởng đó như “chiến trường của cuộc nội chiến”. Một thực tế nữa là, EU đang ở vào thời điểm khủng hoảng chính trị, mà nhiều chính khách của liên minh này coi là “nghiêm trọng”. Ở Đức, thất bại liên tiếp của Đảng Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 8-2017 và các cuộc bầu cử địa phương tháng 10-2018, buộc Thủ tướng A. Méc-ken phải tuyên bố không tái tranh cử vào năm 2021. Ở Anh, vị thế của Thủ tướng Tê-rê-xa Mây đang lung lay khi quốc gia này có thể Brexit mà không có thỏa thuận với EU. Ở Pháp, Tổng thống E. Ma-crông đang được kỳ vọng là “thủ lĩnh” trẻ đầy triển vọng có thể tạo “luồng sinh khí mới” cho nước Pháp và EU. Tuy nhiên, làn sóng biểu tình của phong trào “áo vàng” làm dấy lên lo ngại là Ông E. Ma-crông chưa đủ “tầm” để chèo lái con thuyền EU vượt qua “cơn sóng gió” hiện nay và nếu không có những thay đổi trong chính sách cho “hợp lòng dân” thì sự nghiệp chính trị của Ông cũng khó tránh khỏi “vết xe đổ” của những người tiền nhiệm. Các nhà lập pháp của EU tỏ ý lo ngại rằng, làn sóng biểu tình “áo vàng” làm cho các nước EU đã khốn khó càng khốn khó hơn, nhất là ở Đức, Anh, Pháp - những nước được coi là “đầu tầu” của EU. Đây sẽ là “cơ hội vàng” để các đảng phái mang khuynh hướng chính trị khác nhau, nhất là các đảng cánh hữu do những nhân vật “diều hâu” dân tộc cực đoan điều hành, tạo “đột biến” trong cuộc chạy đua “giành quyền kiểm soát” Nghị viện châu Âu dịp bầu cử tới đây vào tháng 5-2019. Về an ninh, nhiều chuyên gia cho rằng, phong trào “áo vàng” có sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng “ngoài sức tưởng tượng”. Ban đầu chỉ là biểu tình phản đối vấn đề đơn lẻ ở một nước, sau nó nhanh chóng biến thành cuộc “cách mạng” của nhiều giai tầng xã hội, đấu tranh vì cuộc sống ở hàng loạt quốc gia. Chính phủ nhiều nước EU đã phải huy động hàng trăm nghìn cảnh sát được trang bị tối tân cùng hàng trăm xe tăng, xe bọc thép để “trấn áp” biểu tình. Theo họ, trong bối cảnh EU đang chìm trong khủng hoảng về kinh tế, chính trị, người nhập cư, khủng bố, Brexit,… thì phong trào “áo vàng” có thể là “cuộc tổng duyệt” cho một cuộc cách mạng đường phố mang tên “Mùa xuân Liên minh châu Âu” để quyết định tương lai của liên minh kinh tế, chính trị lớn nhất hành tinh này.
Dư luận cho rằng, EU là một “trụ cột” kinh tế quan trọng của thế giới; sự thịnh, suy của EU tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế toàn cầu. Làn sóng biểu tình của phong trào “áo vàng” như “hồi chuông” cảnh báo, buộc chính phủ các nước EU phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp để không chỉ ổn định an ninh chính trị, mà còn thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng đất nước trong xu thế cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
ĐỨC MINH - HỮU ÂN
http://tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/lan-song-bieu-tinh-o-chau-au-nguyen-nhan-va-nhung-he-luy/13722.html

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...