(LLCT) - Chủ nghĩa dân tộc là một trào lưu thực
tiễn ra đời khi dân tộc xuất hiện mà không có một giá đỡ với tư cách là một hệ
thống lý thuyết. Còn chủ nghĩa dân túy, một lý thuyết chính trị được nảy sinh
và phát triển mạnh vào những thập niên 70, 80 ở nước Nga và Mỹ. Trên thực tế,
chủ nghĩa dân túy thời kỳ đầu đã có mối liên hệ với chủ nghĩa dân tộc để cố
gắng tìm lời giải cho sự phát triển của dân tộc. Trong bối cảnh mới của xã hội
hiện đại, một lần nữa, chủ nghĩa dân tộc được kết hợp với chủ nghĩa dân túy mới
với nhiều biểu hiện mới và đó là một lý thuyết chính trị mới. Sự kết hợp đó suy
cho cùng cũng nhằm tìm kiếm lời giải cho sự phát triển của dân tộc trong một
thế giới đầy biến đổi. Sự kết hợp này mang đến nhiều hệ lụy cho quốc gia, dân
tộc và cho toàn nhân loại, nguy cơ làm tăng sự xung đột giữa các dân tộc, hình
thành nhiều hành động cực đoan.
Cho đến hiện nay,
quan niệm về mối liên hệ giữa chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy vẫn là vấn
đề gây tranh cãi. Bỏ qua những khác biệt trong các quan niệm rất đa dạng hiện
nay, có thể hiểu, chủ nghĩa dân tộc là một trào lưu thực tiễn hướng đến mục
tiêu cuối cùng là đề cao các giá trị và lợi ích của dân tộc. Nó được hình thành
khi dân tộc ra đời và ở châu Âu nó gắn liền với sự ra đời của dân tộc tư sản.
Chủ nghĩa dân túy
ra đời vào những năm bảy mươi của thế kỷ XIX ở Nga và Mỹ.
Vấn đề đặt ra ở đây
là, tại sao chủ nghĩa dân túy lại khởi đầu ở Nga và Mỹ và tại sao chủ nghĩa dân
túy cổ điển lại dựa vào giai cấp nông dân, xem giai cấp đó là lực lượng chủ yếu
để thúc đẩy tiến bộ xã hội?
Như lịch sử đã
chứng tỏ sau khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được công bố (2-1848), chủ nghĩa
cộng sản, từ một bóng ma đã trở thành một thế lực hiện thực. Chủ nghĩa cộng sản
đã từng bước lan tỏa ảnh hưởng của mình với mục tiêu xóa bỏ sự thống trị của
giai cấp tư sản, xây dựng một chế độ mới tốt đẹp hơn mà ở đó ách áp bức, bóc
lột giai cấp bị thủ tiêu, con người được phát triển tự do, toàn diện. Chủ nghĩa
cộng sản xác định, giai cấp công nhân là lực lượng lãnh đạo xã hội thông qua
đội tiền phong của mình là đảng cộng sản, tiến hành cuộc liên minh chiến lược
với giai cấp nông dân và các lực lượng tiến bộ để từng bước “đoạt lấy dân chủ”,
“trở thành dân tộc” để tiến hành một cuộc cải tạo vĩ đại nhất trong lịch sử,
xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới. Khi nghiên
cứu lịch sử, những người sáng lập chủ nghĩa Mác khẳng định rằng, lịch sử nhân
loại không vận hành một cách ngẫu nhiên, vô hướng mà có “trật tự”, tuân theo
những quy luật vốn có của lịch sử. Lịch sử đó cũng không phải vận động theo một
chu trình khép kín của các lực lượng tinh thần theo kiểu Hêghen mà là một quá
trình mở vô tận, vĩnh viễn với động lực chủ yếu nhất là thực tiễn. Ngoài ra,
khi phân tích địa vị của các giai cấp, những người sáng lập chủ nghĩa Mác còn
thấy rằng, trong các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản, các giai
cấp khác thì ngày càng suy tàn. Chỉ có giai cấp công nhân là ngày càng lớn
mạnh, là đại biểu tiên tiến nhất của nhân loại. Giai cấp đó có đầy đủ địa vị
kinh tế, xã hội để có thể đảm đương được sứ mệnh của mình.
Sau khi Tuyên
ngôn của Đảng Cộng sản được công bố rộng rãi, chủ nghĩa Mác được lan truyền
nhanh chóng ra cả châu Âu, trong đó có nước Nga. Nhiều nhà mác xít đã có công
quảng bá chủ nghĩa Mác vào nước Nga và đã trở thành một lý thuyết chính trị có
ảnh hưởng to lớn trong đời sống của nước Nga.
Chủ nghĩa Mác được
du nhập vào nước Nga trong bối cảnh nước Nga đang loay hoay đi tìm một lối
thoát để vượt qua tình cảnh một nước lạc hậu về kinh tế và chuyên chế về chính
trị dưới sự thống trị của Nga hoàng nhằm theo kịp các nước châu Âu phát triển
khác. Lẽ đương nhiên, sẽ xuất hiện những va đập với các xu hướng tư tưởng khác
hiện đang tồn tại. Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa dân túy xuất hiện.
Như vậy, có thể
nói, chủ nghĩa dân túy Nga ra đời, thoạt nhìn như là một lý thuyết chính trị
cho con đường phát triển của nước Nga khác với lý thuyết của Mác. Tuy nhiên,
phân tích sâu hơn vào thực chất, vấn đề không đơn giản như vậy.
Kể từ sau khi Quốc
tế I được thành lập vào năm 1864 nhằm tập hợp phong trào công nhân trên toàn
thế giới trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa tư bản, bản thân nội bộ
Quốc tế Cộng sản đã có sự phân hóa và sự phân hóa đó càng ngày càng lộ rõ.
Trước tình hình ấy, C.Mác, Ph.Ăngghen và những người cách mạng chân chính đã
tuyên bố giải thể Quốc tế Cộng sản và tổ chức này chấm dứt sứ mệnh của mình vào
năm 1876.
Kế theo đó, do nhu
cầu phát triển của phong trào công nhân, vào năm 1889, Quốc tế II được thành
lập. Cũng như Quốc tế I, sự phân hóa cũng diễn ra trong lòng Quốc tế II, nhất
là sau khi Ph.Ăngghen qua đời. Các đại biểu nổi tiếng như Bestanh, Causky đã
không tán thành quan điểm với C.Mác, Ph.Ăngghen trên nhiều vấn đề, nhất là vấn
đề nhà nước, vấn đề phương pháp cách mạng...
Trước thực tế đó,
những nhà dân chủ cách mạng Nga cũng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của Bestanh,
Causky và chủ nghĩa cơ hội cũng được du nhập vào nước Nga. Trên cơ tầng đó, chủ
nghĩa dân túy Nga ra đời. Chủ nghĩa đó không thừa nhận con đường đấu tranh cách
mạng để lật đổ chủ nghĩa tư bản, không thừa nhận giai cấp công nhân là giai cấp
lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong của giai cấp là đảng cộng sản. Theo
họ, để khắc phục những khuyết tật của chủ nghĩa tư bản không nên sử dụng bạo
lực cách mạng mà phải tiến hành chủ yếu bằng con đường hòa bình và dựa vào giai
cấp nông dân, công xã nông thôn hoặc tầng lớp trí thức.
Tại sao chủ nghĩa
dân túy Nga chủ trương dựa vào nông dân với hình thức kinh tế chủ yếu và phổ
biến là công xã nông thôn và phủ nhận phương pháp cách mạng bạo lực? Lý do bởi,
theo họ, nông dân là lực lượng đông đảo nhất của xã hội Nga. Giai cấp đó cũng
là giai cấp đau khổ nhất trong xã hội.
Lý thuyết dân túy
đã bị V.I.Lênin kịch liệt phê phán, bởi, lý thuyết đó không thể mang lại một
thay đổi thực tế khi chủ trương dựa vào một giai cấp không đại diện cho lực
lượng sản xuất tiến bộ nhất của xã hội là giai cấp nông nhân. Nó cũng sai lầm
khi cho rằng giải quyết xung đột giai cấp thông qua hoạt động nghị trường,
thông qua các biện pháp hòa bình để chủ nghĩa tư bản tự chuyển hóa, tự thay
đổi. Vấn đề này không bao giờ xảy ra trên thực tế bởi trong lịch sử chưa có
giai cấp nào tự nguyện dâng hiến chính quyền của mình cho giai cấp khác.
Ở đây, tính chất
dân túy được thể hiện rõ ràng bởi các thủ thuật như là một dấu hiệu điển hình
nhất của chủ nghĩa, đó là mị dân bởi sự tán dương giai cấp nông dân một cách vô
lối nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ một cách giả tạo, thiếu cơ sở thực tế. Thủ
thuật đó cũng tạo nên một biểu hiện điển hình không chỉ ở chủ nghĩa dân túy cổ
điển mà còn có mặt ở mọi loại dân túy trong lịch sử.
Ở nước Mỹ, vào
những thập niên cuối của thế kỷ XIX, chủ nghĩa dân túy cũng xuất hiện. Mặc dù
không gian lịch sử của nước Mỹ thời điểm đó không hoàn toàn giống hoàn cảnh của
nước Nga song có những điểm chung rất cơ bản.
Trước hết, chủ
nghĩa tư bản đã bộc lộ nhiều khuyết tật cố hữu mà điển hình nhất là nạn áp bức
người lao động thậm tệ trong khi điều kiện sống, điều kiện làm việc không được
cải thiện. Trong cơn lốc tư bản chủ nghĩa, nhiều bộ phận dân cư, nhất là người
nông dân, là đối tượng thiệt thòi nhất. Một bộ phận trở thành công nhân bị áp
bức, bóc lột thậm tệ, bộ phận khác cũng đang điêu đứng trước làn sóng tư bản chủ
nghĩa. Trong bối cảnh đó, nhiều đảng phái chính trị, nhiều chính trị gia đã có
sự quan tâm đến lực lượng này. Sự quan tâm đó không phải hướng đích xóa bỏ chủ
nghĩa tư bản, cũng không nhằm cứu người nông dân ra khỏi guồng máy chủ nghĩa tư
bản, thay đổi thân phận và cuộc sống của họ theo hướng tốt đẹp hơn. Sự quan tâm
đó mục đích cuối cùng là để tranh thủ sự ủng hộ, tranh thủ phiếu bầu của cử tri
qua các cuộc bầu cử để rồi họ sẽ vứt bỏ những lời hứa hẹn tốt đẹp ngay sau khi
trở thành người cầm quyền. Vì vậy, về bản chất, chủ nghĩa dân túy Mỹ theo
khuynh hướng tả hay hữu cũng có chung biểu hiện là sự lừa mị những người bình
dân với những thủ thuật ngôn từ được chăm chút cẩn thận, và mang đầy màu sắc
của chủ nghĩa vụ lợi.
Qua cao trào ở cuối
thế kỷ thứ XIX, chủ nghĩa dân túy bước vào giai đoạn trầm lắng cho dù nó không
bao giờ bị biến mất khỏi cuộc sống. Sự thật này bắt nguồn sâu xa từ cuộc sống
trần thế của con người. Cuộc sống đó bao gồm những cá nhân với nhiều nhu cầu
rất đa dạng và ngày càng cao. Vì vậy, đôi khi, người ta cảm thấy hài lòng bởi
một lời hứa hẹn, một sự an ủi nào đó dù chỉ trong ngắn hạn, hay rất khó thực
hiện trong thực tế. Đó là mảnh đất màu mỡ để chủ nghĩa dân túy hình thành, bám
rễ. Cũng trên cơ sở đó, các đảng phái chính trị, các chính trị gia dân túy khai
thác để phục vụ mục tiêu của mình.
Tuy nhiên, vào
những năm đầu của thế kỷ XXI, người ta lại chứng kiến chủ nghĩa dân túy trỗi
dậy vô cùng mạnh mẽ, đặc biệt sau những tác động nhiều mặt của toàn cầu hóa,
sau những cuộc di cư khổng lồ của cư dân các khu vực vào châu Âu và Mỹ, sau
hiện tượng Brexit và thắng lợi của Donald Trump. Chủ nghĩa dân túy hiện đại,
nhìn chung mang bản chất của chủ nghĩa dân túy cổ điển song có nhiều dấu hiệu
mới. Cơ sở xã hội của nó là những người bình dân bị tổn thương trong quá trình
phát triển, nhất là quá trình toàn cầu hóa với sự cạnh tranh khốc liệt về kinh
tế cũng như các vấn nạn khác mà xã hội hiện đại mang lại. Đó là quá trình xuất
hiện nạn khủng bố quốc tế dưới nhiều màu sắc, của sự biến đổi của khí hậu toàn
cầu, sự lên ngôi của các lợi ích dân tộc cực đoan...
Khác với chủ nghĩa
dân túy cổ điển, chủ nghĩa dân túy hiện đại phát triển rầm rộ ở mọi châu lục,
kể cả khu vực châu Á vốn trước đây khá yên bình. Thêm nữa, nó xuất hiện trong
bối cảnh chủ nghĩa dân tộc lên ngôi và vì vậy, có thể xem là hình thức được
ngụy trang bằng chủ nghĩa dân tộc.
Ở khu vực châu Á,
các chính trị gia như Thủ tướng Abe của Nhật Bản, Tổng thống Dutete của
Philippin, Thủ tướng Modi của Ấn Độ hay Tổng thống Edugan của Thổ Nhĩ Kỳ...
cũng bày tỏ lập trường có màu sắc dân tộc với mục tiêu chấn hưng quốc gia, bảo
vệ lợi ích dân tộc. Abe của Nhật Bản mơ ước về một thời Minh Trị thiên hoàng;
Modi cố gắng tích hợp đạo Hindu với tinh thần thời đại; Edugan cố gắng khôi
phục đế chế Ôttôman; Putin trong nỗ lực chấn hưng dân tộc nhằm khôi phục vị thế
siêu cường mà nước Nga Đại đế đã có hay như Tập Cận Bình đang nỗ lực khôi phục
một Trung Hoa vĩ đại.
Rõ ràng, việc các
chính trị gia có thành công với giấc mộng của mình hay không và liệu giấc mơ
của họ có đem lại một sự thay đổi cơ bản trong dài hạn hay chỉ là thủ thuật tâm
lý vẫn phải chờ thêm chứng liệu của lịch sử, nhưng đều có thể khẳng định, điểm
chung của các chính trị gia là đã cố gắng sử dụng lá bài dân tộc dưới một hình
thức mới mà thời đại tạo ra. Trong bối cảnh mới, khi quan hệ quốc tế đã có
nhiều thay đổi đáng kể, lợi ích quốc gia, dân tộc được xem là tối thượng. Mục
tiêu này là cơ sở để định vị cách ứng xử của các chính trị gia và cũng là căn
cứ để người dân soi chiếu, đánh giá, thẩm định phẩm chất và năng lực của nhà
chính trị cầm quyền.
Sở dĩ mục tiêu dân
tộc được lựa chọn là tối thượng có 2 nguyên nhân cơ bản. Một là, suy cho cùng,
mọi sự phát triển đều bắt đầu diễn ra trên cơ sở dân tộc, trên mảnh đất dân tộc
và phục vụ trước hết cho lợi ích dân tộc. Vì vậy, sức mạnh của các chính trị
gia và cũng là thước đo cho năng lực của họ phải bắt đầu từ dân tộc. Hai là, do
những tác động rất đa chiều từ quá trình toàn cầu hóa. Riêng về toàn cầu hóa,
có thể nhận thấy, quá trình đó thoạt đầu là do những đòi hỏi của quá trình sản
xuất tư bản chủ nghĩa. Quá trình đó không thể không diễn ra bởi lực lượng sản
xuất của chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến giới hạn mà ở đó, nếu không mở
rộng, liên kết thị trường thông qua quá trình từng bước xóa bỏ hàng rào thuế
quan để thiết lập một thị trường ngày càng rộng lớn và thống nhất thì chủ nghĩa
tư bản không thể tiếp tục phát triển. Chính vì vậy, tiên phong trong quá trình
toàn cầu hóa không ai khác ngoài các tập đoàn tư bản khổng lồ.
Quá trình toàn cầu
hóa đã làm thay đổi cơ bản các dự liệu của những người khai đường, mở lối, tiên
phong. Nó đem lại một sự dịch chuyển ghê gớm về dòng vốn, về sự phân công lao
động và dĩ nhiên cả về lợi ích của các chủ thể xã hội cả ở tầm mức cá nhân và cả
tầm mức quốc gia, dân tộc. Sự thay đổi đó đã làm cho một số cộng đồng dân cư,
một số quốc gia, dân tộc cảm thấy bất lợi, thậm chí bị tụt lại phía sau, cảm
thấy bị tổn thương, nhất là ở các quốc gia phát triển nhất.
Trên thực tế, ngoài
xu hướng ủng hộ toàn cầu hóa đã xuất hiện xu hướng chống toàn cầu hóa. Xu hướng
này diễn ra khá rầm rộ trong lòng chủ nghĩa tư bản hiện đại và dĩ nhiên cùng
với nó là thái độ chính trị tương ứng. Đó là thái độ ủng hộ bảo hộ thương mại,
bài người nhập cư hay thái độ hành xử quốc tế chỉ lấy nguyên tắc lợi ích dân
tộc là chuẩn mực cao nhất, hình thành một động thái mới rất nguy hiểm là chủ
nghĩa đơn phương. Đó cũng là mảnh đất màu mỡ để hình thành và bùng phát nhiều
biểu hiện cực đoan từ tôn giáo cực đoan đến dân tộc cực đoan và nạn khủng bố
quốc tế. Đó là thái độ thờ ơ trước các vấn nạn toàn cầu như nghèo đói, chiến
tranh, dịch bệnh, biến đổi khí hậu..., hành động một cách đơn phương như Tổng
thống Mỹ Donald Trump đã từng thể hiện.
Vấn đề cần phải bàn
thêm ở đây là, khi cho rằng, chủ nghĩa dân túy chỉ quan tâm đến các vấn đề ngắn
hạn hay chỉ là những thủ thuật ngôn từ mà nội dung rất ít hay thuần túy chỉ là
những tuyên bố suông? Trên thực tế, vấn đề này cũng khó thuyết phục bởi trường
hợp Donald Trump là một ví dụ. Theo đó, trong tuyên bố tranh cử, những lời hứa
như “nước Mỹ trên hết” hay các cam kết rút khỏi hiệp định về chống biến đổi khí
hậu, hiệp định hạt nhân về Iran... vẫn từng bước được thực hiện.
Trước thực tế đó,
dĩ nhiên, thái độ khách quan là cần phải chờ đợi thêm các dữ liệu được cung cấp
từ cuộc sống, song về phương diện logic, có thể khẳng định rằng, một khi chủ
nghĩa dân túy mới được bổ sung thêm hình thức là chủ nghĩa dân tộc thì hệ lụy
của nó là vô cùng to lớn.
Về phương diện xã
hội, dường như nó tạo ra và cổ súy một lối sống, một cách ứng xử ở đó, nội dung
rất nghèo nàn nhằm thỏa mãn một nhu cầu nào đó trong ngắn hạn. Về phương diện
chính trị là sự lên ngôi của nghệ thuật ngôn từ nhằm làm hài lòng về mặt tâm lý
của cử tri, nhất là nhóm cử tri thấy mình được quan tâm, được đề cao, được chia
sẻ bởi những tổn thương trong cuộc sống mà họ đang phải đối mặt. Tai hại nhất,
khi chủ nghĩa dân túy núp dưới bộ áo chủ nghĩa dân tộc sẽ góp phần gia tăng chủ
nghĩa dân tộc cực đoan dưới các dạng thức chủ nghĩa nước lớn, chủ nghĩa cực
quyền, cổ súy các hành động đơn phương, đe dọa sự tồn vong của các định chế
quốc tế. Điều này đã xảy ra trong thực tế qua hành động của nhiều chính trị gia
mà Donald Trump là một ví dụ điển hình. Ở đó, khi vừa đắc cử, vị tổng thống này
ngay lập tức tuyên bố rút khỏi hiệp định về biến đổi khí hậu, hiệp định hạt
nhân về Iran, hiệp định về TPP, đàm phán lại NAPTA và nhiều định chế quốc tế
khác.
Có thể nói rằng,
chủ nghĩa dân túy kết hợp với chủ nghĩa dân tộc là lý thuyết chính trị mới của
nhân loại. Lý thuyết ấy cơ hồ đang thúc đẩy nhân loại đi về một lối rẽ khác với
việc làm rạn nứt các quan hệ quốc tế đã được xác lập, mở đường cho các hành
động đơn phương mà trong đó nhiều hành động không chỉ gây nguy hại cho quốc
gia, dân tộc mà còn cho cả nhân loại.
PGS, TS Hồ Trọng
Hoài
Học viện
Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/2798-moi-quan-he-giua-chu-nghia-dan-toc-va-chu-nghia-dan-tuy-trong-cac-nen-chinh-tri.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét