Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022

Đấu tranh chống luận điệu “Quân đội không cần thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”

Các thế lực thù địch sử dụng chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, tiến hành nhiều thủ đoạn, nhiều hướng tấn công theo phương châm đánh “mềm, ngầm, sâu” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và tác động đến mọi đối tượng bằng con đường kích động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” làm suy yếu nội bộ của chúng ta.

 Trong đó, các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, với luận điểm kích động: “Quân đội không cần thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội".  

Thời gian qua, các thế lực thù địch xác định tiến hành nhiều thủ đoạn tinh vi, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, theo lộ trình “5 hóa”, trong đó có “vô hiệu hóa quân đội”. Bởi lẽ, các thế lực thù địch đưa ra nhận định rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam đang nắm chắc quân đội, công an nên chưa thể lật đổ được vai trò cầm quyền, vai trò lãnh đạo xã hội”.

Vì thế, chúng xác định âm mưu cơ bản, lâu dài là thực hiện “vô hiệu hóa quân đội” thì phải theo kịch bản, con đường “phi chính trị hóa” Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Khi đó quân đội không còn là lực lượng chính trị tin cậy, tách rời khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì sẽ không còn công cụ đắc lực để bảo vệ Đảng nên dễ lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam.

Mục đích phản động của luận điệu nêu trên là làm cho cán bộ, chiến sĩ mơ hồ ảo tưởng, rồi dần dần xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội ta, không trung thành với mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam là “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Nếu quân nhân nào bị ảo tưởng, nhận thức không đúng về mục tiêu, lý tưởng của Quân đội ta phải phục tùng mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam thì sẽ mất phương hướng chính trị.

Thực hiện thủ đoạn lấy tư tưởng là khâu đột phá, các thế lực thù địch đưa ra những luận điểm rất đa dạng và biến hóa: “Quân đội là trung lập”, “quân đội đứng ngoài chính trị”, “quân đội không cần tham gia chính trị”, “quân đội chỉ cần đề cao tính nhân dân, tính dân tộc”... Bên cạnh đó, chúng còn sử dụng con đường vòng là kích động truyền bá lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, buông thả, thờ ơ với chính trị để làm suy thoái về đạo đức lối sống dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị và phai nhạt về mục tiêu, lý tưởng trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ.

Chưa dừng lại ở đó, các thế lực thù địch, bất mãn chính trị từng đưa ra cái gọi là kiến nghị rằng: Lời thề thứ nhất trong "10 Lời thề danh dự của quân nhân" chỉ cần diễn đạt ngắn gọn lại là “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam”, bỏ cụm từ “dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” và cụm từ “phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”... Chúng cũng đưa ra đề xuất "quân đội chỉ cần thực hiện “công tác chính trị”, chứ không cần thực hiện “công tác đảng” và không cần xác định "Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội"(!).

Nếu cán bộ, chiến sĩ quân đội không có bản lĩnh chính trị vững vàng, phân biệt rõ đúng, sai mà lại bị kích động và nhận thức không đúng đắn về sự thống nhất giữa mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam với mục tiêu chiến đấu của Quân đội ta thì tác hại rất lớn. Tác hại là không chỉ gây mơ hồ, ảo tưởng về nhận thức tư tưởng chính trị mà sẽ dẫn đến hành động dễ bị lệch lạc trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay. 

Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ. Cội nguồn hàng đầu làm nên sức mạnh, sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta trong gần 8 thập niên qua là do sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của QĐND Việt Nam. Vì vậy, việc thấm nhuần và thực hiện mục tiêu, lý tưởng “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” phải được xác định là mạch sống và “linh hồn” của QĐND Việt Nam, là phương châm hành động của mọi cán bộ, chiến sĩ.

Việc cần làm thường xuyên, bất di bất dịch là giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo và kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên quyết phản bác, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa quân đội” của các thế lực thù địch. Đánh giá của Đảng ta về nguy cơ: “Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”(1). Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta phải tuân thủ triệt để cơ chế, nguyên tắc lãnh đạo lực lượng vũ trang là: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với QĐND, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh”(2). Bởi vì, có Đảng lãnh đạo mới có đường lối đúng, mới thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng. Đối với LLVT thì còn Đảng là còn tất cả; nếu Đảng ta không còn giữ quyền lãnh đạo xã hội, giữ quyền lãnh đạo LLVT thì sẽ mất chế độ XHCN.

Để vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch làm biến chất về chính trị Quân đội ta, cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhiều lực lượng xã hội. Trong đó, cần phát huy vai trò chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Quân ủy Trung ương, Ban chỉ đạo 35, cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đối với các cấp ủy đảng trực thuộc, thường xuyên nắm chắc và nhận diện đúng bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm vô hiệu hóa Quân đội ta về chính trị.

Nâng cao tính khoa học trong tổ chức hoạt động đấu tranh làm thất bại luận điểm sai trái “Quân đội không cần thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” của các thế lực thù địch. Về lý luận, phải chỉ rõ quân đội ra đời gắn liền với sự ra đời của nhà nước do yêu cầu của cuộc đấu tranh giai cấp, nên bất cứ quân đội nào cũng mang bản chất và phục vụ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của giai cấp sinh ra.

Công khai bản chất giai cấp công nhân của LLVT cách mạng, V.I.Lênin đề ra nguyên tắc xây dựng Hồng quân và Công an Xô viết là phải đặt dưới sự lãnh đạo, phải thực hiện mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng Bolshevik Nga (Đảng Cộng sản Liên xô). Vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I.Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, ngay từ năm 1930, trong “Chánh cương vắn tắt” của Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã yêu cầu phải “Tổ chức ra quân đội công nông”.

Vì thế, trong suốt quá trình tổ chức xây dựng, lãnh đạo, giáo dục Quân đội ta, Người luôn nhắc nhở: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”(3); do đó, “Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội. Phải tăng cường giáo dục chính trị để nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho toàn quân”(4). Đảng ta đã nhấn mạnh rằng: “Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”(5).

Các thế lực thù địch sử dụng đòn đánh nguy hiểm làm suy yếu nội bộ Quân đội ta về chính trị thì chúng ta phải có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, mà trực tiếp là giáo dục sâu sắc về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội ta. Nội dung giáo dục chính trị nói chung, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội ta nói riêng ở mỗi đơn vị phải phù hợp với mỗi đối tượng quân nhân, bảo đảm những nội hàm của mục tiêu “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” trong mỗi giai đoạn cụ thể, đặc biệt bám sát tinh thần mới mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác quản lý chính trị nội bộ, ngăn chặn và làm thất bại các hoạt động chiến tranh tâm lý của các thế lực thù địch. Chú trọng công tác dân vận, kết hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh phản bác, vạch trần các luận điểm sai trái, phản động trên lĩnh vực tư tưởng chính trị.

QĐND Việt Nam nguyện mãi mãi là lực lượng chính trị trung thành với mục tiêu, lý tưởng “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, không có một thế lực thù địch nào có thể làm thay đổi bản chất, mục tiêu chính trị của QĐND Việt Nam-một quân đội "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Trong giai đoạn hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội ta nỗ lực phấn đấu thực sự là đội quân chiến đấu tinh nhuệ, lực lượng chính trị tin cậy cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, vì "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Nguồn: Báo QĐND

Việt Nam ủng hộ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên bán đảo Triều Tiên

Ngày 9-6, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm của Việt Nam đối với tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:



“Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên bán đảo Triều Tiên; ủng hộ các bên thể hiện thiện chí, thúc đẩy đối thoại, cùng nỗ lực vì mục tiêu phi hạt nhân hóa và xây dựng nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Với tinh thần đó, đồng thời là nước có quan hệ hữu nghị truyền thống với Triều Tiên và là đối tác hợp tác chiến lược với Hàn Quốc, trong khả năng của mình, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình thúc đẩy đối thoại, hợp tác và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới”.

Khẳng định giá trị phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ với bạn bè quốc tế

Phát huy truyền thống "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua" của Quân đội nhân dân Việt Nam, những người lính quân y mũ nồi xanh Việt Nam tham gia sứ mệnh Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) không chỉ góp phần khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của Bộ đội Cụ Hồ mà còn giới thiệu những giá trị của phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ với thế giới...

 “Cảm ơn các bạn vì đã ở đây!”, “Các bạn hãy hứa sẽ quay trở lại”... là những câu nói đầy tình cảm mà những đồng nghiệp quốc tế tại Phái bộ Nam Sudan và người dân bản địa dành cho các bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam, những người họ đã coi như “điểm tựa tinh thần” quan trọng ở vùng đất nghèo đói và xung đột.

Các thê đội Bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp 2 của Việt Nam không chỉ chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh với chất lượng cao cho đội ngũ nhân viên LHQ và người dân bản địa mà còn tích cực thực hiện những hoạt động trao đổi chuyên môn, huấn luyện kỹ năng y tế, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cho các bệnh viện địa phương và các bệnh viện tại địa bàn.

Đặc biệt, BVDC 2.3 của Việt Nam đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân phù hợp với điều kiện dã chiến, có những kỹ thuật lần đầu tiên thực hiện ở Nam Sudan được các chỉ huy quân y phái bộ đánh giá cao. BVDC 2.2 và BVDC 2.3 của Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò là đơn vị trên tuyến đầu ngăn chặn dịch Covid-19 tại địa bàn.

Bà Hiroko Hirahara, Trưởng căn cứ Bentiu của Phái bộ Nam Sudan cho biết đã nhận được những phản hồi tích cực về những gì BVDC Việt Nam làm được. Bà đánh giá cao sự cống hiến, tận tâm và chuyên nghiệp của các y, bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam. Còn Đại tá Waleed Elazizy-Trưởng quân y Phái bộ khẳng định, các nhân viên LHQ ở đây đều cảm thấy an toàn và thoải mái khi tới BVDC Việt Nam điều trị. 

Trong điều kiện khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện an ninh bất ổn... các chiến sĩ quân y mũ nồi xanh Việt Nam không chỉ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn tích cực, chủ động tham gia những hoạt động từ thiện, nhân đạo giúp cải thiện phần nào đời sống của người dân bản địa.

Vừa trở về từ Nam Sudan sau khi kết thúc nhiệm kỳ một năm tham gia sứ mệnh quốc tế, Thượng úy Tống Vân Anh, nữ bác sĩ duy nhất của BVDC 2.3 chia sẻ rất nhiều kỷ niệm, nhưng chị nhớ nhất những lần tham gia hỗ trợ người dân bản địa; những lần rời căn cứ tới các trường học hay trại tị nạn để tặng quà, dạy các em nhỏ vẽ tranh, trồng cây cải thiện môi trường và vui chơi cùng các em. Gặp những hình ảnh “chạm tới trái tim” của người dân nghèo Nam Sudan, cũng như các đồng nghiệp của mình, nữ bác sĩ Tống Vân Anh mong muốn làm được nhiều hơn những gì có thể để giúp đỡ họ.

Theo Trung tá Trịnh Mỹ Hòa, Giám đốc BVDC 2.3, trong những ngày cuối cùng trước khi rời địa bàn Bentiu để về nước sau khi hoàn thành nhiệm vụ, BVDC 2.3 đã kịp hoàn thành chương trình từ thiện, nhân đạo cuối cùng trong chuỗi 12 hoạt động quân dân kết hợp (CIMIC) với mong muốn góp phần nhỏ bé để người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. 20 bộ bàn ghế trao tặng các em học sinh Trường Tiểu học Liech là món quà vô cùng ý nghĩa và thiết thực được làm từ các thanh gỗ đóng thùng hàng BVDC Việt Nam trao tặng các em học sinh nghèo. Những chiếc khẩu trang, đồ dùng học tập hay các món đồ chơi tự chế chứa đựng tình cảm của các y, bác sĩ mũ nồi xanh ở BVDC Việt Nam đã mang lại niềm vui cho các em.

Bác sĩ Vân Anh xúc động kể rằng, chị và các đồng nghiệp đã được các em học sinh Nam Sudan vẽ tặng bức tranh chân dung đơn sơ kèm dòng chữ “Doctor Angel-bác sĩ thiên thần”. Trước đó, BVDC 2.3 đã trồng hơn 100 cây xanh với hy vọng cải thiện môi trường khắc nghiệt ở địa bàn Bentiu.

Vườn ươm cây giống của bệnh viện chính là nơi chứa đựng rất nhiều tâm huyết và tình cảm của các y, bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đối với mảnh đất, con người Bentiu, nơi họ đã có một năm gắn bó. Từ vườn ươm này, nhiều loại cây đã được trồng tại địa bàn trong các hoạt động trồng cây tại căn cứ, tặng cây giống cho các đơn vị bạn và trường học mà BVDC 2.3 thực hiện thường xuyên, với hy vọng mang tới nhiều màu xanh và sự sống cho mảnh đất khô cằn Bentiu. 

Khuôn viên xanh tốt của BVDC Việt Nam, những vườn hoa rực rỡ, vườn rau tăng gia, giàn bí, giàn mướp sai trĩu của BVDC cấp 2 Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng cho các đơn vị bạn. Một số đơn vị bạn đã tới tham khảo và học hỏi mô hình của BVDC Việt Nam để về xây dựng khuôn viên xanh-sạch-đẹp ở đơn vị mình. Với các loại hạt rau giống mang từ Việt Nam, những đôi bàn tay cần cù đã chinh phục thành công mảnh đất cằn cỗi để trồng được nhiều loại rau xanh khác nhau không chỉ bảo đảm rau xanh cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên bệnh viện mà còn đủ để mang tặng các đơn vị bạn. Trong điều kiện khó khăn, tinh thần tự lực tự cường, cần cù, chịu khó của Bộ đội Cụ Hồ đã thực sự tỏa sáng, khiến bạn bè quốc tế yêu mến và nể phục. 

Các thê đội BVDC cấp 2 của Việt Nam nối tiếp nhau không chỉ tiếp tục khẳng định uy tín và trình độ chuyên môn mà còn chủ động thực hiện nhiều hoạt động CIMIC, được sự hoan nghênh của các cơ quan phái bộ. Qua đó, những người lính quân y mũ nồi xanh Việt Nam không chỉ phát huy các phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ, ghi những dấu ấn đậm nét trong lòng bạn bè quốc tế mà còn góp phần lan tỏa tinh thần nhân văn của người lính mũ nồi xanh luôn được LHQ khuyến khích.

Chuẩn tướng Dhananjay Joshi, Quyền Tổng tư lệnh lực lượng LHQ tại Nam Sudan đã hoan nghênh BVDC 2.3 mặc dù rất bận rộn với công việc chuyên môn vẫn nỗ lực tham gia các hoạt động CIMIC ý nghĩa như tư vấn HIV/AIDS, hỗ trợ Bệnh viện Bentiu, chia sẻ thuốc men và trang thiết bị cho các cơ quan chức năng địa phương... Các bác sĩ quân y mũ nồi xanh Việt Nam đã hướng dẫn người dân, nhất là phụ nữ bản địa biết cách tự chăm sóc sức khỏe cho mình trong điều kiện y tế thiếu thốn ở địa phương.

Nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe cho nhân viên LHQ tại địa bàn, nhưng các bệnh viện dã chiến Việt Nam không từ chối bất kỳ ca bệnh nào là dân thường Nam Sudan khi họ cần tới sự giúp đỡ với sự cho phép của cơ quan y tế phái bộ. Các hoạt động giúp đỡ người dân được thực hiện ngày càng nhiều hơn, với những hình thức phong phú hơn và được kế thừa, tiếp nối, phát huy từ BVDC 2.1 cho đến BVDC 2.4 hiện nay. 

Thực thi sứ mệnh quốc tế cao cả, những người lính quân y mũ nồi xanh Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò “sứ giả”, giới thiệu rộng rãi tới các nước và bạn bè quốc tế hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đầy bản lĩnh, trí tuệ và giàu lòng nhân ái.

Nhận diện rõ để phòng, chống chủ nghĩa cá nhân

Nhằm quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, Lữ đoàn 45 (Binh chủng Pháo binh) tổ chức Tọa đàm “Cán bộ, đoàn viên, thanh niên Lữ đoàn 45 phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân”.

Các ý kiến tại tọa đàm cho rằng, thời gian qua, tuổi trẻ Binh chủng Pháo binh và Lữ đoàn 45 luôn ra sức thi đua, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với những việc làm thiết thực, hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ vẫn còn số ít cán bộ, đoàn viên, thanh niên ý thức tự giác chưa cao trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, còn biểu hiện như ngại va chạm, làm việc cầm chừng, thiếu ý thức trách nhiệm với tập thể... Điều đó ảnh hưởng đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị cũng như phẩm chất, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.

Các đại biểu tập trung phân tích biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân; qua đó nhận thức rõ trách nhiệm của từng cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.

Theo Thiếu tá Trần Hữu Mạnh, Chính trị viên Tiểu đoàn 5, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân như tác động của mặt trái cơ chế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch; đời sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và hậu phương quân đội còn gặp nhiều khó khăn; một số quân nhân sa vào các tệ nạn xã hội, lôi kéo đồng đội cùng tham gia... Anh Mạnh nêu giải pháp quan trọng là việc nêu gương của người cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ trì, kết hợp với công tác giáo dục, tuyên truyền thường xuyên ở đơn vị; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Là cán bộ thực hiện “bốn cùng” với bộ đội, Trung úy Vũ Minh Trí, Trung đội trưởng Trung đội Chỉ huy, Đại đội 805, Tiểu đoàn 2, hiến kế một số giải pháp trong đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân. Đó là mở rộng dân chủ trong đơn vị, thực hiện linh hoạt trong quản lý bộ đội. Trong quá trình chỉ huy, người cán bộ phải phát huy được dân chủ, trí tuệ tập thể để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ; linh hoạt trong quản lý bộ đội, bảo đảm hợp tình hợp lý, hài hòa giữa cấp trên và cấp dưới, tránh rập khuôn máy móc.

Ghi nhận những ý kiến tâm huyết tại tọa đàm, Đại tá Lê Đức Hòe, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 45 nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch trong lòng mỗi người. Nó gặm nhấm, làm “hư hỏng” chính bản thân mỗi người, cản trở quá trình phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự vấn, thật thà tự kiểm điểm, tự phê bình hằng ngày, trước, trong và sau khi thực hiện nhiệm vụ”.  

Để phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ và kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, lãnh đạo lữ đoàn lưu ý mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên nhận thức rõ tính chất nguy hiểm và tác hại khi vướng vào chủ nghĩa cá nhân; nghiên cứu kỹ, nắm chắc các đặc trưng cơ bản của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân mà Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương đã nêu rõ. Bên cạnh đó, thường xuyên thực hiện hiệu quả việc tự phê bình và phê bình để giúp bản thân, đồng chí, đồng đội nhận ra những khuyết điểm, biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, cùng khắc phục để tiến bộ, trưởng thành.

Việt Nam, Hoa Kỳ thúc đẩy hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh

Sáng 10-6, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp ông Kelly McKeague, Giám đốc Cơ quan kiểm kê tù binh và người mất tích Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Tại buổi tiếp, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đánh giá cao đóng góp của Cơ quan kiểm kê tù binh và người mất tích Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đối với việc thúc đẩy quan hệ hai nước thời gian qua; khẳng định hợp tác tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh (MIA) tại Việt Nam là khởi nguồn, cầu nối, giúp nhân dân hai nước hiểu hơn về thiện chí, chính sách nhân đạo của nhau.

Trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hai bên vẫn phối hợp chặt chẽ trong hoạt động MIA theo kế hoạch thống nhất hằng năm và thu được một số kết quả tích cực. Phía Việt Nam đã tổ chức trao cho Hoa Kỳ 5 bộ hài cốt. Ngoài ra, hợp tác tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Việt Nam hy sinh trong chiến tranh cũng được hai bên tích cực triển khai.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đề nghị thời gian tới hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác về MIA, trong đó ưu tiên đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm, tập trung giải quyết nhanh chóng các hồ sơ MIA còn lại. Đồng thời, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đề nghị Cơ quan kiểm kê tù binh và người mất tích Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ có tiếng nói với Chính phủ Hoa Kỳ để quan tâm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, bao gồm: Đẩy nhanh tiến độ dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại các dự án đang triển khai; triển khai hiệu quả dự án hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải chất da cam/dioxin; tăng cường nguồn lực hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn trên cơ sở Bản ghi nhớ phía Hoa Kỳ đã cam kết; và các nội dung hợp tác trên tinh thần Bản ghi nhớ về hợp tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Việt Nam.

Về phần mình, ông Kelly McKeague cảm ơn lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chia sẻ kết quả hợp tác giữa hai bên trong khắc phục hậu quả chiến tranh, tự hào rằng MIA đã đóng góp tích cực trong quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh, dù thời gian qua bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và Hoa Kỳ không cử được đoàn công tác sang tìm kiếm, song phía Việt Nam đã rất tích cực, đơn phương tìm kiếm, trao trả hài cốt quân nhân cho phía Hoa Kỳ; cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thúc đẩy hiệu quả công tác này thời gian tới.

Nguồn: báo QĐND

Đối thoại Shangri-La ngày càng khẳng định được vai trò và sức hút

Đối thoại Shangri-La (còn được biết đến với tên gọi Hội nghị cấp cao an ninh khu vực châu Á) lần thứ 19 do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 12-6 tại Singapore.

Sau hai năm tạm hoãn do tác động của dịch Covid-19, IISS cho biết, Đối thoại Shangri-La lần này dự kiến thu hút sự tham dự của khoảng 500 đại biểu đến từ nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Được tổ chức lần đầu vào năm 2002 tại khách sạn Shangri-La ở Singapore, Đối thoại Shangri-La là nơi để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh, chuyên gia, học giả thảo luận về các vấn đề an ninh đang nổi lên của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và lắng nghe, nghiên cứu, nắm bắt chiến lược của từng quốc gia.

Trải qua 18 lần tổ chức, Đối thoại Shangri-La được đánh giá ngày càng khẳng định rõ vị trí, vai trò của mình như là một trong những diễn đàn hàng đầu về đối thoại an ninh khu vực và quốc tế, với những đóng góp tích cực vào việc xây dựng lòng tin, tăng cường tính minh bạch trong chính sách an ninh của các quốc gia khu vực, đồng thời thúc đẩy việc hình thành các cơ chế hợp tác an ninh đa phương mới vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng chung ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

“Đối thoại Shangri-La là diễn đàn cấp cao về quốc phòng quan trọng bậc nhất của châu Á-Thái Bình Dương. Đây là một diễn đàn đặc biệt để các bộ trưởng thảo luận về những thách thức an ninh cấp bách nhất của khu vực, tham gia các cuộc hội đàm song phương quan trọng và cùng nhau đưa ra những cách tiếp cận mới. Giữa lúc càng có nhiều sự quan tâm tới những diễn biến địa chính trị và an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương, việc thảo luận trực tiếp giữa các nhân tố chủ chốt trong khu vực càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Đối thoại Shangri-La chính là diễn đàn đặc biệt cho việc thảo luận nói trên, tạo điều kiện để bộ trưởng, quan chức cấp cao các nước cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp và các chuyên gia an ninh cùng nhau chia sẻ quan điểm mới về những thách thức an ninh đang nổi lên của khu vực”, IISS nêu rõ.

Theo IISS, Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 sẽ tiếp tục quy tụ nhiều bộ trưởng quốc phòng, quan chức cấp cao trong khu vực và trên thế giới cùng lãnh đạo các doanh nghiệp và các chuyên gia an ninh để thảo luận những vấn đề an ninh quan trọng, “tạo cơ hội cho các đại biểu từ hơn 40 quốc gia cùng thảo luận trực tiếp với các nhà hoạch định chính sách quốc phòng trên toàn cầu”.

Kể từ khi được mời tham gia Đối thoại Shangri-La lần đầu tiên vào năm 2002 cho đến nay, Việt Nam đã tham dự đối thoại nhiều lần ở cấp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Việt Nam luôn thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm, thường xuyên đưa ra quan điểm rõ ràng trước những thách thức an ninh trong khu vực, trên cơ sở kiên trì với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Đặc biệt, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã được mời phát biểu đề dẫn tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12. Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về “lòng tin chiến lược”, trong đó nhấn mạnh “lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột”, “lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành” đã mang lại dư luận tốt cả trong nước và quốc tế, giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Cùng với Đối thoại Shangri-La, những năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều diễn đàn đa phương là những khuôn khổ hợp tác quan trọng về xây dựng lòng tin, thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa và tìm kiếm các biện pháp quản lý có hiệu quả xung đột, trong đó phải kể đến Hội nghị an ninh quốc tế Moscow, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh, Đối thoại quốc phòng Seoul, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+)...

Sự tham gia của Việt Nam không chỉ góp phần vào thành công chung của Đối thoại Shangri-La và những diễn đàn đa phương nói trên mà còn là minh chứng sinh động cho tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, truyền tải thông điệp: Với truyền thống hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, cùng nhau xây dựng một môi trường hòa bình, thịnh vượng, hợp tác, phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Nguồn: Báo QĐND

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...