Trong nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các
thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng
của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và
cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế
tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư
nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước
ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển
kinh tế - xã hội. Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát
triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh
tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông
qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng
pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất để
định hướng, điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Một đặc trưng cơ bản, một thuộc
tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt
Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính
sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã
hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.
Điều đó có nghĩa là: Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi
mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến
bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại,
mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính
sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích
làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những
người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính
nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội
chủ nghĩa.
Chúng ta coi văn hóa là nền tảng
tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ
Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế
và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng
chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng,
dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí
Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy
những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu
những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn
minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri
thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao. Chúng ta xác định:
Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa,
xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát
triển giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi
trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững;
xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã
hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh.
Xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội
hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của
toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so
với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe
nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối
lập, đối kháng xã hội. Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ
giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về
mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động
của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục
tiêu phấn đấu. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo,
Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ
nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã
hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về
nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam. Chúng ta
chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trên cơ sở liên
minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức
thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ
trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia
quản lý xã hội. Chúng ta nhận thức rằng, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: Pháp quyền dưới chế
độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của
giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể
hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại
đa số nhân dân. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để
nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi
hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Đồng thời, chúng ta xác
định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa
quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam; không
ngừng thúc đẩy sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo.
Nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm
cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đặc
biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then
chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đảng Cộng sản
Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam; Đảng ra đời, tồn
tại và phát triển là vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và
của cả dân tộc. Khi Đảng cầm quyền, lãnh đạo cả dân tộc, được toàn dân thừa
nhận là đội tiên phong lãnh đạo của mình và do đó Đảng là đội tiên phong của
giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả
dân tộc Việt Nam. Nói như vậy không có nghĩa là hạ thấp bản chất giai cấp của
Đảng, mà là thể hiện sự nhận thức bản chất giai cấp của Đảng một cách sâu sắc
hơn, đầy đủ hơn, vì giai cấp công nhân là giai cấp có lợi ích thống nhất với
lợi ích của nhân dân lao động và toàn dân tộc. Đảng ta kiên trì lấy Chủ nghĩa
Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành
động cách mạng, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Đảng lãnh
đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương
lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám
sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên; thống nhất lãnh đạo công tác cán
bộ. Ý thức được nguy cơ đối với đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái
hóa v.v..., nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, Đảng Cộng sản Việt Nam
đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ
nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái
hóa v.v... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Công cuộc đổi mới, trong đó có
việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thực sự
đem lại những thay đổi to lớn, rất tốt đẹp cho đất nước trong 35 năm qua.
Trước Đổi mới (năm 1986), Việt
Nam vốn là một nước nghèo lại bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề, để lại những
hậu quả hết sức to lớn cả về người, về của và môi trường sinh thái. Tôi chỉ nêu
thí dụ, cho đến nay vẫn có hàng triệu người chịu các bệnh hiểm nghèo và hàng
trăm ngàn trẻ em bị dị tật bẩm sinh bởi tác động của chất độc da cam/dioxin do
quân đội Mỹ sử dụng trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam. Theo các chuyên
gia, phải mất đến hơn 100 năm nữa Việt Nam mới có thể dọn sạch hết bom mìn còn
sót lại sau chiến tranh. Sau chiến tranh, Mỹ và phương Tây đã áp đặt cấm vận
kinh tế với Việt Nam trong suốt gần 20 năm. Tình hình khu vực và quốc tế cũng
diễn biến phức tạp, gây nhiều bất lợi cho chúng ta. Lương thực, hàng hóa nhu
yếu phẩm hết sức thiếu thốn, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, khoảng 3/4 dân
số sống dưới mức nghèo khổ.
Nhờ thực hiện đường lối đổi mới,
nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao
trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô
GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ đô la Mỹ (USD), trở thành
nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17
lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ
năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không
những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu
gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá
nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng
85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỷ USD,
trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh,
đạt 100 tỷ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395
tỷ USD vào cuối năm 2020. Về cơ cấu nền kinh tế xét trên phương diện quan hệ sở
hữu, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam hiện nay gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà
nước, 4% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong
nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Hiện dân số của Việt Nam là hơn
97 triệu người, gồm 54 dân tộc anh em, trong đó hơn 60% số dân sống ở nông
thôn. Phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng
kinh tế - xã hội những năm 80 và cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Tỷ lệ
hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn
5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn
nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước). Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông
thôn mới; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện
lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và điện thoại.
Trong khi chưa có điều kiện để bảo đảm giáo dục miễn phí cho mọi người ở tất cả
các cấp, Việt Nam tập trung hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học
vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010; số sinh viên đại
học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Hiện nay, Việt Nam có 95% người
lớn biết đọc, biết viết. Trong khi chưa thực hiện được việc bảo đảm cung cấp
dịch vụ y tế miễn phí cho toàn dân, Việt Nam tập trung vào việc tăng cường y tế
phòng ngừa, phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều dịch bệnh vốn phổ biến trước đây đã được khống chế thành công. Người
nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tỷ
lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần. Tuổi
thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Cũng
nhờ kinh tế có bước phát triển nên chúng ta đã có điều kiện để chăm sóc tốt hơn
những người có công, phụng dưỡng các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm lo cho phần
mộ của các liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc. Đời sống văn hóa cũng được cải thiện
đáng kể; sinh hoạt văn hóa phát triển phong phú, đa dạng. Hiện Việt Nam có
khoảng 70% dân số sử dụng internet, là một trong những nước có tốc độ phát
triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam
là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu thiên niên
kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704,
thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình
độ phát triển.
Như vậy, có thể nói, việc thực
hiện đường lối đổi mới đã đem lại những chuyển biến rõ rệt, hết sức sâu sắc và
tích cực ở Việt Nam: kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường;
nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề
xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo
đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc
gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng
cố. Tổng kết 20 năm đổi mới, Đại hội Đảng lần thứ X (năm 2006) đã nhận định, sự
nghiệp đổi mới đã giành được "những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử".
Trên thực tế, xét trên nhiều phương diện, người dân Việt Nam ngày nay đang có
các điều kiện sống tốt hơn so với bất cứ thời kỳ nào trước đây. Đó là một trong
những lý do giải thích vì sao sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi
xướng và lãnh đạo được toàn dân Việt Nam đồng tình, hưởng ứng và tích cực phấn
đấu thực hiện. Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát
triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh
tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư
bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế. Những kết quả, thành tích đặc
biệt đạt được của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh
tế toàn cầu bắt đầu từ đầu năm 2020 được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận,
đánh giá cao, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Mới
đây, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một lần nữa lại khẳng
định và nhấn mạnh: "Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực
hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý
luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã
hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng
ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ,
toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta
vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế
và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức
sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua
nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách
quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi
mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu
quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh chính trị của Đảng
tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy
mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện
đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn
mới" (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nhà xuất
bản chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, trang 25 - 26).
Bên cạnh những thành tựu, mặt
tích cực là cơ bản, chúng ta cũng còn không ít khuyết điểm, hạn chế và đang
phải đối mặt với những thách thức mới trong quá trình phát triển đất nước.
Về kinh tế, chất lượng tăng
trưởng, sức cạnh tranh còn thấp, thiếu bền vững; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ;
hiệu quả và năng lực của nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước
còn hạn chế; môi trường bị ô nhiễm tại nhiều nơi; công tác quản lý, điều tiết
thị trường còn nhiều bất cập. Trong khi đó, sự cạnh tranh đang diễn ra ngày
càng quyết liệt trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Về xã hội, khoảng cách giàu nghèo
gia tăng; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn
không ít hạn chế; văn hóa, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tội phạm và các tệ
nạn xã hội diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy
thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận
cán bộ, đảng viên. Trong khi đó, các thế lực xấu, thù địch lại luôn tìm mọi thủ
đoạn để can thiệp, chống phá, gây mất ổn định, thực hiện âm mưu "diễn biến
hòa bình" nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Đảng ta nhận thức rằng, hiện nay
Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời
kỳ quá độ, các nhân tố xã hội chủ nghĩa được hình thành, xác lập và phát triển
đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa, gồm cả các nhân tố tư
bản chủ nghĩa trên một số lĩnh vực. Sự đan xen, cạnh tranh này càng phức tạp và
quyết liệt trong điều kiện cơ chế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế. Bên
cạnh các mặt thành tựu, tích cực, sẽ luôn có những mặt tiêu cực, thách thức cần
được xem xét một cách tỉnh táo và xử lý một cách kịp thời, hiệu quả. Đó là cuộc
đấu tranh rất gay go, gian khổ, đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và
sức sáng tạo mới. Đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình
không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy các nhân tố xã hội chủ nghĩa để các
nhân tố đó ngày càng chi phối, áp đảo và chiến thắng. Thành công hay thất bại
là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng
lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục
đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chú
trọng hơn chất lượng và tăng tính bền vững với các khâu đột phá là: Hoàn thiện
đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, trước hết là
nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về
kinh tế và xã hội (Văn kiện Đại hội XIII, tập 2, trang 337-338). Về xã hội,
chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng y
tế, giáo dục và các dịch vụ công ích khác, nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa
cho nhân dân. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang ra sức học tập và làm theo
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi
tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận
cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, thực hiện tốt
hơn nữa các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng, nhằm làm cho tổ chức đảng và bộ
máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, giữ vững bản chất cách mạng, nâng
cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Cả lý luận và thực tiễn đều cho
thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn
toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy
thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không
thể nóng vội. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo
đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng
hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình
tham gia thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu,
nguyện vọng của mình. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của
phát triển.
Mặt khác, Đảng lãnh đạo và cầm
quyền, trong khi xác định phương hướng chính trị và đề ra quyết sách, không thể
chỉ xuất phát từ thực tiễn của đất nước và dân tộc mình, mà còn phải nghiên
cứu, tham khảo kinh nghiệm từ thực tiễn của thế giới và thời đại. Trong thế
giới toàn cầu hóa như hiện nay, sự phát triển của mỗi quốc gia-dân tộc không
thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời
cuộc và cục diện của nó. Chính vì vậy, chúng ta phải chủ động và tích cực hội
nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác
và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn
trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội
bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.
Và điều hết sức quan trọng là
phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của Chủ
nghĩa Mác-Lênin-học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần
chúng lao động. Tính khoa học và cách mạng triệt để của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách
mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong
thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta
cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo
những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của
chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi
thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống. (Hết)
GS, TS NGUYỄN PHÚ TRỌNG, Tổng Bí
thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Nguồn: Báo QĐND