Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

XUYÊN TẠC LỊCH SỬ CHÍNH LÀ PHÁ HOẠI TƯƠNG LAI


QĐND - Tom Polgar, nhân viên cao cấp tòa đại sứ Mỹ ở Việt Nam, một trong những người Mỹ cuối cùng di tản khỏi Việt Nam, sau này đã viết: “Ai không học được gì ở lịch sử, bắt buộc sẽ phải lặp lại sai lầm trong lịch sử”. Thế mà đáng tiếc, 44 năm trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc được thống nhất, vẫn còn có những ý kiến sai lệch, xuyên tạc lịch sử. Họ chẳng những đi ngược tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai mà còn khoét sâu những vết thương bởi mù quáng và bạo tàn. Hành động của họ xét cho cùng cũng chính là sự phá hoại tương lai…

Xuyên tạc, đánh tráo, xóa nhòa lịch sử
Cứ đến dịp kỷ niệm 30-4 hằng năm, lại xuất hiện những cụm từ cũ rích, cố tình tô vẽ lại những quan điểm sai lầm. Gần đây, trên một trang xưng là của cộng đồng người Việt ở nước ngoài vẫn nhắc lại những từ ngữ như “tháng Tư là tháng "vo gạo bằng nước mắt”, “mùa quốc hận-tháng tư đen”. Nhiều trang mạng viết coi cuộc kháng chiến thực chất chỉ là nội chiến, là chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh ý thức hệ nên không có gì đáng tự hào. Một số ít người tự cho mình là cấp tiến, tùy tiện phán xét quá khứ, cho rằng kỷ niệm ngày chiến thắng không phải là một việc “tử tế”.
Cù Huy Hà Vũ, kẻ sinh ra trong một gia đình cách mạng, từng bị tòa án tuyên án khi bóp méo sự thật về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, gây chia rẽ, thù hằn dân tộc. Gần đây, khi sang Mỹ, Vũ phát ngôn cho rằng, hòa hợp dân tộc không dừng ở hòa hợp giữa hai bên “thắng cuộc” và "thua cuộc" mà còn là hòa hợp giữa những nhà dân chủ với chính quyền hiện nay. Chỉ khi nào “chế độ cộng sản sụp đổ, người Việt mới có hòa hợp, hòa giải”. Nguyễn Lân Thắng, "kẻ đốt đền" trong một gia đình khoa học thì lại muốn nổi tiếng bằng những lời xảo ngôn: "Mình mong ngày 30-4 sẽ chuyển thành ngày tưởng niệm những mất mát của dân tộc, đừng nói chuyện ai thắng, ai thua". Lý Thái Hùng, kẻ tự xưng là "tổng bí thư" của tổ chức khủng bố Việt Tân gần đây đã hô hào biến ngày 30-4 từ "quốc hận" trở thành “tinh thần quốc kháng” để chống lại chế độ cộng sản.
Tháng 9-2018, tại Washington (Mỹ), cái gọi là “tập hợp vì dân chủ cho Việt Nam” đã tổ chức hội thảo có chủ đề “Nhìn lại chiến tranh Việt Nam” và đưa ra một số luận điểm bịa đặt, biện hộ cho cuộc chiến tranh phi nghĩa. Họ kêu gọi: “43 năm qua, Việt Nam vẫn chưa có tự do, vẫn chưa có dân chủ. Thành ra sứ mệnh của người trẻ tại hải ngoại sẽ phải tiếp tục đồng hành, tiếp tục tranh đấu cho tự do và dân chủ”.
Xung quanh bộ phim tài liệu 10 tập The Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) được Mỹ công chiếu, một số người trong nhóm "Văn đoàn độc lập" đã xét lại lịch sử: “Có nhất thiết phải qua chiến tranh mới giành được độc lập không? Giá chúng ta tìm một con đường khác ít xương máu hơn cho nền độc lập của đất nước thì quý biết nhường nào?”. "Nếu không cần chống Mỹ, miền Nam có giàu như Hàn Quốc không?".
Không thể phủ nhận sự thật và đảo ngược chân lý
Để xem xét lịch sử thì cần phải có cái nhìn toàn diện, khách quan, tôn trọng sự thật. Cho dù cuộc kháng chiến đã lùi xa 44 năm hay lâu dài hơn nữa thì lịch sử dân tộc và thế giới đều ghi nhận và chúng ta phải luôn khẳng định, tự hào về thắng lợi của một cuộc kháng chiến chính nghĩa, trường kỳ, vĩ đại vì nền hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc. Đúng như Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ IV, đại hội đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất đã ghi rõ: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc".
Nhà sử học người Pháp, kiêm chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Đông Dương Alain Rusco cho rằng, sự kiện 30-4 “gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù… để có được chiến thắng này hàng triệu người dân Việt Nam đã ngã xuống trong nhiều thập kỷ đầy cam go, quyết liệt”.
Gần đây, trả lời báo chí về bộ phim tài liệu The Vietnam War, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam mang tính chính nghĩa, phát huy được truyền thống sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, được bạn bè và nhân dân thế giới hết sức ủng hộ. Chính vì thế đã đi đến thắng lợi cuối cùng và thống nhất đất nước".
Trong cuốn hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đúc kết một trong những đặc điểm nổi bật về cuộc kháng chiến là: “Cả nước đánh Pháp, đánh Mỹ, không phân biệt tiền tuyến, hậu phương. Ý chí thống nhất Tổ quốc là thế và lực mạnh trong chiến tranh. Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Chiến trường Việt Nam là một. Cả dân tộc kết thành một khối trong tình đồng bào cùng chung giống nòi Hồng Lạc, không thể cắt chia. Thù nhà nợ nước là chung của cả dân tộc…”. Những kẻ ngày nay xuyên tạc cho rằng bên này, bên kia mới là thắng cuộc, bên này mới là giải phóng bên kia… chẳng những không hiểu cội nguồn lịch sử mà còn xúc phạm xương máu cha ông.
Trên thực tế, chính những người trong cuộc là Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũng đều đã thừa nhận tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam; chỉ một bộ phận chống cộng, mang nặng hận thù và những kẻ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ngày nay mới tin vào những luận điệu như chiến tranh ý thức hệ, nội chiến hay quan điểm lập lờ “bên nào thắng thì nhân dân đều bại”(!).
Chính Robert McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, người được xem là “kiến trúc sư” của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã rút ra 11 “sai lầm một cách tồi tệ”, đáng chú ý nhất là đã lẫn lộn cuộc đấu tranh ý thức hệ với cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của cả một dân tộc. Ông viết: "Chúng ta (Mỹ) đã đánh giá sai khi đó (và từ đó đến nay) những chủ đích địa chính trị của các đối thủ là mở rộng làn sóng đỏ xuống Đông Nam Á và chúng ta đã phóng đại những mối nguy hại từ hành động của họ đối với nước Mỹ”.
Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ viết: "Hà Nội chỉ chiến đấu với một lẽ duy nhất, đó là lòng yêu nước của họ. Và một nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản Việt Nam, chiến thắng vào năm 1975…”.
Theo các tài liệu mới được giải mật của chính quyền Mỹ, ngày 27-9-1948, trong một văn kiện của Bộ Ngoại giao Mỹ xác định mục tiêu lâu dài của Mỹ là “thủ tiêu ở mức tối đa có thể được ảnh hưởng của cộng sản ở Đông Dương, Mỹ muốn thấy Việt Nam và Đông Dương có một nhà nước dân tộc chủ nghĩa tự trị thân Mỹ”. Ngày 30-12-1949, Tổng thống Mỹ S.Truman phê chuẩn một văn kiện của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, trong đó nêu rõ: “Mục tiêu lâu dài của Mỹ là thủ tiêu ở mức độ tối đa có thể được ảnh hưởng của cộng sản ở Việt Nam và Đông Dương... Mỹ muốn thấy ở Việt Nam và Đông Dương có các nhà nước chống cộng, thân Mỹ”. Điều này cũng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc lại nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: "Bác Hồ đã sớm nhìn thấy âm mưu đen tối của Mỹ. Từ 1950, Bác đã chỉ ra sự dính líu và can thiệp của Mỹ vào chiến tranh Ðông Dương. Ðể tranh thủ hòa bình, Bác đã 11 lần gửi thư cho Tổng thống Mỹ S.Truman...” nhưng không có phản hồi.
Giáo sư Trần Chung Ngọc, một người Mỹ gốc Việt, một cựu quân nhân trong quân lực Việt Nam cộng hòa từng có nhiều bài viết phân tích sâu sắc về cuộc chiến tranh. Ông viết: “Mỹ không có lý do nào chính đáng để can thiệp vào Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975. Mỹ đã bất kể đến công pháp quốc tế, không dựa trên pháp lý mà dựa trên “luật rừng” và “cường quyền thắng công lý” để can thiệp vào Việt Nam với ý đồ “bành trướng thế lực và ảnh hưởng trên toàn khu vực”…
Quá khứ - dòng máu Lạc Hồng tạo nên nhân cách
Một trong 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra là: “Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần hết sức tỉnh táo để phát hiện, ngăn chặn.
Không chỉ cán bộ, đảng viên mà mỗi người dân yêu nước Việt Nam cũng cần phải có tiếng nói đúng với lương tâm và lẽ phải. Quá khứ không chỉ là lịch sử mà còn là hành trang, là sức mạnh tinh thần, là dòng máu Lạc Hồng tạo nên nhân cách của mỗi người dân đất Việt. Nếu quên tổ tiên, quên công lao của thế hệ đi trước, quên những hy sinh cao cả vì độc lập, tự do của dân tộc thì không thể là người Việt Nam chân chính. Phẫn nộ với ý kiến cho rằng "không cần chiến tranh sau này đất nước vẫn giàu mạnh", nhà sử học người Mỹ gốc Việt Nguyễn Mạnh Quang đã viết: “Trừ phi không biết hoặc thuộc loại phản quốc, khi có một nước khác đến ngồi trên đầu làm chủ, không có một người dân tử tế nào bằng lòng chờ cho có ngày bọn thực dân tự động trả lại cơ đồ ông cha mình cả. Nếu theo luận điệu ươn hèn như trên, thì những công lao và sự hy sinh của hàng triệu anh hùng nghĩa sĩ trong các lực lượng nghĩa quân kháng chiến của nhân dân ta trong đại cuộc đánh đuổi giặc Pháp ngoại xâm từ năm 1858 đến 1954 đều là vô ích hay sao! Và hàng triệu anh hùng nghĩa sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến 1954-1975 để đòi lại miền Nam trong tay Mỹ, đem lại thống nhất cho đất nước cũng là vô ích hay sao! Ðưa ra luận điệu này là tỏ ra vô ơn với hàng triệu anh hùng nghĩa sĩ đã ngã xuống cho Tổ quốc Việt Nam được trường tồn”.
Trên thực tế, đã có rất nhiều tiếng nói từ những người ở phía bên kia chiến tuyến sau này thừa nhận sai lầm của họ và ghi nhận chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc cũng như chiến công của những người cộng sản. Tướng Nguyễn Hữu Có, phó thủ tướng kiêm tổng trưởng quốc phòng Việt Nam cộng hòa, sau này trả lời phóng vấn Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, nói: “Chiến thắng 30-4 rất vĩ đại, là chiến thắng của sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam... Không còn chiến tranh, không còn bom rơi đạn nổ trên quê hương mình là điều lớn nhất mà việc kết thúc chiến tranh mang lại". Cựu thủ tướng Việt Nam cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ nhận xét về việc gọi ngày 30-4 là "quốc hận" và đòi "phục quốc": "Thống nhất xứ sở là nhiệm vụ lịch sử của mỗi một người con Việt Nam nhưng chúng tôi đã không làm được. Những người anh em phía bên kia đã làm được, phải chấp nhận đó là lịch sử và đất nước đã được thống nhất rồi. Vậy mà còn quay ra nói phục quốc? Nước Việt Nam có mất cho Tây... đâu mà phục quốc?".
Bài học cho tương lai
Ngay cả những người Mỹ đương đại cũng luôn nhìn lịch sử với sự tôn trọng để rút ra bài học cho tương lai. Trong bài thuyết trình "Cuộc chiến đã qua đi: Hồi ức và bài học lịch sử" trình bày tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh năm 2018, Giáo sư D.G.Faust, Hiệu trưởng Trường Đại học Harvard nói: “Lịch sử soi rọi những sự mù quáng và tàn bạo đã làm nên chiến tranh. Nó giúp chúng ta hình dung và đấu tranh cho hòa bình”.
Chúng ta cũng có thể tham khảo được nhiều bài học từ nước Nga. Sau khi Liên Xô tan rã, đã xuất hiện nhiều tiếng nói phủ nhận những thành tựu thời Xô viết, xét lại Cách mạng Tháng Mười, coi đó như một cuộc đảo chính man rợ, coi chế độ Xô viết như chủ nghĩa phát xít… Thế nhưng sau đó, chính quyền từ thời Tổng thống Nga Putin đã nhanh chóng bác bỏ những quan điểm sai trái trên, tiếp tục đề cao các giá trị truyền thống tốt đẹp thời Xô viết, coi đó là niềm tự hào chung để cố kết dân tộc Nga, tăng thêm sức mạnh. Phê phán những quan điểm sai trái, một bài báo từ hãng thông tấn Sputnik của Nga khẳng định: Không có chính quyền dân chủ nào được lập nên trên đầu mũi súng và không có nền dân chủ nào lại xúi giục những người anh em trong cùng một đất nước bắn giết lẫn nhau, dối trá và phỉ báng lịch sử của mình.
Sự dối trá, hèn hạ phỉ báng lịch sử, khơi gợi hận thù để lặp lại sai lầm, kích động mâu thuẫn… không chỉ là hành động vô luân, vô ơn với tiền nhân, với người hy sinh vì hòa bình, độc lập, thống nhất mà còn là sự phá hoại tương lai của dân tộc. Chúng ta phải kiên quyết lên án, xóa bỏ những tư tưởng ấy để “mở nền thái bình muôn thuở", "dập tắt chiến tranh muôn đời”.    

BẤT TUÂN DÂN SỰ - MỘT THỦ ĐOẠN NGUY HIỂM


QĐND - Những năm gần đây, để thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch thường sử dụng một thủ đoạn mới mang tên "bất tuân dân sự". "Bất tuân dân sự" thể hiện tư tưởng cực đoan, "vô chính phủ", đang được lợi dụng gắn với cái gọi là xã hội dân sự để chống phá Đảng, Nhà nước, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam.

"Bất tuân dân sự" - lịch sử và sự biến tướng
Thuật ngữ "bất tuân dân sự" lần đầu tiên xuất hiện trong tập tiểu luận của Henry David Thoreau-nhà văn, nhà tư tưởng người Mỹ-với nhan đề "Dân sự bất hợp tác", vào tháng 5-1849. Nội dung cơ bản của tập tiểu luận bàn về mối quan hệ giữa cá nhân (hoặc thiểu số công dân) với nhà nước. Theo đó, cá nhân (hoặc thiểu số công dân) có thể không tuân thủ, không phục tùng nhà nước; thậm chí, có thể thực hành chống lại luật pháp của nhà nước nếu cảm thấy những điều luật đó không phù hợp với người dân, kể cả là với thiểu số, bằng phương pháp "cách mạng hòa bình". 
Thực chất đây là quan điểm cực đoan, "vô chính phủ" của một kẻ vốn là phạm nhân (H.D. Thoreau viết tập tiểu luận này nhằm biện minh cho việc ông ta phải ngồi tù ở bang Massachusetts vì tội không đóng thuế). Mặc dù ở thời điểm ra đời, tác phẩm của H.D. Thoreau không gây được sự ảnh hưởng nào, nhưng sang thế kỷ 20, tư tưởng về một cuộc "cách mạng hòa bình" của ông được một số nhà hoạt động chính trị lợi dụng phát triển thành phương pháp đấu tranh bất bạo động như phong trào "Satyagraha" của Mahatma Gandhi đấu tranh giành quyền lợi cho người Ấn Độ ở Nam Phi (năm 1914) và giành độc lập cho Ấn Độ từ thực dân Anh (năm 1947); phong trào đấu tranh dân quyền ở Mỹ của Martin Luther King (thập niên 60 thế kỷ 20); phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc (chủ nghĩa Apartheid) ở Nam Phi của Nelson Mandela...
Đặc biệt, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chiến lược "diễn biến hòa bình" của chủ nghĩa đế quốc ra đời với tư tưởng chủ đạo là chuyển cuộc đấu tranh vào bên trong các nước XHCN. Từ đó, "bất tuân dân sự" từng bước trở thành một phương thức, thủ đoạn nằm trong mối liên hệ chặt chẽ với các phương thức, thủ đoạn khác của chiến lược "diễn biến hòa bình". Trong các cuộc "cách mạng ca hát", "cách mạng màu", "cách mạng đường phố" ở các nước Đông Âu và Liên Xô vào những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21; "Mùa xuân Ả Rập" ở các nước Trung Đông và Bắc Phi đầu những năm 2010... đều có dấu ấn của phong trào "bất tuân dân sự". Gần đây nhất là phong trào biểu tình nhằm lật đổ Chính phủ Bolivar ở Venezuela (từ năm 2017 đến nay); phong trào “cách mạng dù” của sinh viên Hồng Công (năm 2014 và 2019) đều thể hiện rất rõ thủ đoạn "bất tuân dân sự".
Như vậy, “bất tuân dân sự” khi được sử dụng trong tay chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế đã trở thành một thủ đoạn phản cách mạng nhằm chống phá, lật đổ chính quyền, thay đổi chế độ chính trị ở những nước tiến bộ, không cùng "quỹ đạo" với chúng.Nhận diện bản chất. Hiện nay, có nhiều quan niệm khác nhau về "bất tuân dân sự" nhưng thực chất “bất tuân dân sự” là các hoạt động công khai từ chối tuân theo, hoặc vi phạm một cách cố ý và có ý thức đối với một số  đạo luật  nhất định nhằm cản trở quá trình thực thi chính sách, luật pháp của nhà nước; là hình thức phản kháng bất bạo động, gây áp lực buộc nhà nước phải thay đổi chính sách, luật pháp, thậm chí lật đổ chính quyền; bản chất là hành vi vi phạm pháp luật.
“Bất tuân dân sự" là các hoạt động công khai từ chối tuân theo, hoặc vi phạm một cách cố ý và có ý thức đối với một số quy định pháp luật nhất định của nhà nước. Điều này khác hẳn với nguyên tắc phổ biến mà hầu hết các nhà nước pháp quyền trên thế giới đều thực hiện, đó là: Tiểu số phục tùng đa số; lợi ích riêng phải nằm trong lợi ích chung; lợi ích cá nhân phải phục tùng lợi ích cộng đồng, xã hội, dân tộc. Vì vậy, "bất tuân dân sự" về cơ bản thể hiện tư tưởng cực đoan, "vô chính phủ", hầu như không được nhà nước pháp quyền nào chấp nhận (ngoại trừ những thế lực muốn lợi dụng nó để chống lại nhà nước pháp quyền).
"Bất tuân dân sự" hình thức phản kháng, không tuân thủ, không phục tùng, không hợp tác cơ bản là ôn hòa, bất bạo động. Tuy nhiên, không phải tất cả hình thức đều là ôn hòa, bất bạo động. Thậm chí, theo những người chủ trương "bất tuân dân sự", hành động vũ trang của kẻ yếu chống lại kẻ mạnh hơn có vũ trang thì được coi là bất bạo động. Điều này thể hiện sự mập mờ về tính chất của các hình thức đấu tranh gọi là bất bạo động; hay nói cách khác, ranh giới giữa bất bạo động và bạo động là khá mong manh, có thể chuyển hóa cho nhau rất nhanh chóng. Thực chất, đây là cách ngụy tạo để biện giải, mở đường cho đấu tranh bạo động khi bất bạo động đã tích lũy đủ điều kiện hay "châm ngòi" thành công.
Hành vi phản kháng, không tuân thủ, không phục tùng những điều luật đã được ban hành; được thực hiện thông qua hình thức bất bạo động thể hiện sự coi thường kỷ cương, pháp luật, trái với các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền trong một xã hội văn minh. Hơn nữa, khi hướng tới mục tiêu chính trị, "bất tuân dân sự" là bước khởi đầu của một cuộc "cách mạng mềm" nhằm thay đổi chế độ chính trị đang tồn tại hoặc lực lượng chính trị đang nắm quyền. Vì vậy, trong hầu hết các vụ việc, về bản chất, đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa bản chất và hiện tượng. Đối với các hiện tượng cụ thể, có thể ở mức độ thấp, không ảnh hưởng xấu nhiều tới cộng đồng, nhưng ở mức độ cao, khi hướng tới mục tiêu chính trị bằng các hình thức đấu tranh trực tiếp gây tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự của đất nước, của địa bàn thì cần phải có giải pháp phù hợp.
Đẩy lùi những chiêu trò “bất tuân dân sự” ở Việt Nam
Ở Việt Nam, hoạt động "bất tuân dân sự" đã diễn ra từ nhiều năm trước, có nguy cơ trở thành "phong trào" nguy hại trực tiếp đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nếu không nhận diện và đấu tranh kịp thời...
Những năm gần đây, có một số vụ việc mang bóng dáng "bất tuân dân sự", như: "Bất tuân cưỡng chế" của một số đối tượng khi giải phóng mặt bằng ở Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Đắc Nông, Gia Lai...; "bất tuân" quy định về thành lập hội (nhóm), đòi lập các tổ chức xã hội dân sự (thực chất là phản động trá hình) như "Hội anh em dân chủ", "Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam", "Hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam", "Hội văn đoàn độc lập Việt Nam", "Hội nhà báo độc lập Việt Nam", "Mạng lưới Blogger Việt Nam"...; “bất tuân” để phản đối Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2014), Luật An ninh mạng (năm 2018)… Các hình thức như kích động tài xế phản đối trả phí BOT giao thông; từ chối đóng các loại quỹ phúc lợi xã hội; tẩy chay hàng hóa nước ngoài... cũng có nhiều vụ việc bị lợi dụng, biến tướng.
“Bất tuân dân sự" được tổ chức ngày càng chặt chẽ, được một số tổ chức phản động nước ngoài như Việt Tân, Voice công khai giật dây. Chúng lợi dụng các vấn đề dân sinh còn có hạn chế, khuyết điểm khiến người dân bức xúc để làm suy giảm niềm tin, tích tụ thêm mâu thuẫn của người dân đối với chính quyền, với Đảng, Nhà nước. Chúng lợi dụng thông qua đó để tập hợp, xây dựng, phát triển lực lượng, hợp thức hóa, công khai hóa việc chống đối chính quyền. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa "bất tuân dân sự" với "xã hội dân sự", sử dụng các tổ chức "xã hội dân sự" để chỉ đạo, điều hành "bất tuân dân sự". Thủ đoạn chủ yếu là tiếp tục sử dụng các chiêu bài "tự do", "dân chủ", "nhân quyền"; triệt để lợi dụng các vấn đề nhạy cảm về dân tộc, tôn giáo, các sự kiện, vụ việc, những sơ hở, bất cập của ta trong quá trình triển khai các quyết sách phát triển kinh tế-xã hội, đối ngoại... để đẩy mạnh tuyên truyền chống phá; lôi kéo, kích động nhân dân tụ tập, tuần hành, biểu tình, tạo dựng phong trào phản kháng trong quần chúng; phát triển lực lượng cốt cán, xây dựng "ngọn cờ"; tiến hành tập dượt các kịch bản đấu tranh chuẩn bị cho mục tiêu cao hơn...
Để đấu tranh làm thất bại "bất tuân dân sự", cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng văn hóa "thượng tôn pháp luật" cho mọi công dân. Trong đó, cần chú trọng nâng cao trình độ giác ngộ, niềm tin vào tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật đối với mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục; làm cho mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến được với người dân một cách cụ thể, gần gũi, dễ hiểu, dễ tuân thủ, chấp hành. Coi trọng tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nắm vững các quy định về quy trình, thủ tục, phương pháp, cách thức tiến hành phản biện xã hội theo pháp luật; tránh để bị kẻ địch lợi dụng phát động "bất tuân dân sự". Tăng cường đấu tranh vạch rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn sử dụng "bất tuân dân sự" để chống phá Việt Nam của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; nâng cao chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính của cơ quan hành chính các cấp, nhất là ở cơ sở. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả, trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các lĩnh vực quản lý kinh tế, tài chính, tài nguyên, môi trường... Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm của cán bộ các cấp, củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Chính quyền các cấp phải nêu cao vai trò, trách nhiệm phục vụ nhân dân, tăng cường đối thoại, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của nhân dân; giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng về tranh chấp, khiếu kiện, không để âm ỉ, kéo dài…
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành khảo sát kỹ lưỡng thực trạng "bất tuân dân sự" trên địa bàn quản lý; xây dựng kế hoạch phòng, chống chặt chẽ; bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng xử lý. Phối hợp chặt chẽ giữa công an, quân đội, các lực lượng chức năng và cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong việc bám nắm cơ sở, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động trong việc kích động, lôi kéo nhân dân thực hiện "bất tuân dân sự".
Khi xảy ra các vụ việc "bất tuân dân sự", cần hết sức tỉnh táo; nhận định, đánh giá đúng tính chất, mức độ, xác định rõ nguyên nhân; kiên trì, khôn khéo, lấy biện pháp đối thoại, tuyên truyền, vận động, thuyết phục là chính; thực hiện phân hóa lực lượng cốt cán, cầm đầu với quần chúng bị dụ dỗ, lôi kéo… Xử lý nghiêm minh số đối tượng cốt cán, cầm đầu, những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật; có biện pháp phù hợp quản lý, giáo dục, động viên, giúp đỡ những đối tượng bị dụ dỗ, lôi kéo...

ĐẤU TRANH BẢO VỆ LỢI ÍCH QUỐC GIA BẰNG BIỆN PHÁP HÒA BÌNH


(VOV5) - Đối với những hoạt động của Trung Quuốc trên thực địa tại bãi Tư Chính trong những ngày qua, Việt Nam chọn con đường đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia bằng biện pháp hòa bình.

Với những hoạt động trên thực địa tại bãi Tư Chính trong những ngày qua, Trung Quốc đã vi phạm các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, xâm phạm đặc quyền kinh tế và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng biển này. Đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia bằng biện pháp hòa bình là con đường mà Việt Nam lựa chọn hiện nay. Bài viết của Lê Văn Bình, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng mới đây nhấn mạnh: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực”.
Thực thi chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế
Về ứng xử của các lực lượng chấp pháp của Việt Nam tại hiện trường, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”.
Theo tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Ban Biên giới Chính phủ, khẳng định của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho thấy lập trường pháp lý và chủ trương chính trị của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện thiện chí của một quốc gia thành viên có trách nhiệm của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982): "Về pháp lý chính trị đối với các vấn đề đang xảy ra ở trong vùng Biển Đông, tôi cho rằng những phản ứng của chúng ta về mặt ngoại giao và trên thực địa liên quan đến sự kiện Tư Chính, chúng ta đã có lập trường rõ ràng khá cứng rắn nhưng đồng thời cũng thể thiện chí của chúng ta. Và với những gì đang diễn ra cho đến hiện nay chúng ta làm như vậy có thể nói là rất tốt, không để xảy ra các vấn đề gây phức tạp không kiểm soát được".
Điều 2, Hiến Chương Liên Hợp Quốc nghiêm cấm các quốc gia sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Điều 33, Hiến Chương Liên Hợp Quốc quy định các quốc gia phải giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Tiến sĩ Hoàng Việt, giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, Việt Nam đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển bằng biện pháp hòa bình là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Bảo vệ lợi ích quốc gia bằng biện pháp hòa bình
Đến thời điểm này, Việt Nam đã kiên trì triển khai nhiều biện pháp phù hợp đấu tranh trên thực địa; Bộ Ngoại giao Việt Nam trao công hàm phản đối hoạt động trái phép của nhóm tàu Hải Dương 08 cho phía Trung Quốc, sử dụng nhiều kênh ngoại giao khác nhau để liên lạc với Trung Quốc. Đó là những bước đầu trong đấu tranh bằng biện pháp hòa bình theo quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Tiến sỹ Hoàng Việt đánh giá: "Các biện pháp hòa bình được liệt kê trong Hiến chương Liên Hợp quốc thứ nhất là bằng con đường đàm phán thương lượng giữa các bên. Phát ngôn của Bộ Ngoại Giao cũng cho thấy Việt Nam đã 3 lần gửi công hàm và sử dụng nhiều kênh ngoại giao quan trọng để tiếp xúc với Trung Quốc. Biện pháp thứ hai là dùng bên thứ ba để tham gia trong quá trình đàm phán và giải quyết trực tiếp".
Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Bá Diến, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định Bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hoạt động của Trung Quốc tại khu vực này là hoàn toàn trái phép. Các lực lượng chấp pháp của Việt Nam đã và đang kiên trì đấu tranh tuyên truyền trên thực địa.
Khi mọi nỗ lự ngoại giao đều bị phía Trung Quốc khước từ thì Việt Nam có thể đưa vụ việc ra Liên Hợp Quốc: "Chúng ta phải đưa vụ việc ra trước tổ chức quốc tế mà cụ thể có thể là Liên Hợp Quốc. Nếu như tất cả các nỗ lực thương lượng, đàm phán và mọi sự kiên nhẫn của chúng ta đã cạn thì khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế. Chúng ta có những căn cứ và cơ sở pháp lý vững chắc hơn rất nhiều so với Philippines trong vụ kiện Trung Quốc trước đây".
Những ngày qua, Việt Nam đã tận dụng tất cả các biện pháp ngoại giao để tiếp xúc với Trung Quốc, đề nghị rút nhóm tàu Hải Dương 08 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhằm bảo vệ mối quan hệ ngoại giao hiện có của hai nước. Nếu Trung Quốc không tiếp nhận thiện chí này, những bước tiếp theo trong đấu tranh bằng biện pháp hòa bình có thể sẽ được Việt Nam sử dụng để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình trên Biển Đông./.

TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN PHÚ TRỌNG GẶP MẶT ĐẢNG VIÊN TRẺ TIÊU BIỂU TOÀN QUỐC HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI BÁC


 - Sáng 27-8, tại Trụ sở T.Ư Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt gần 400 đảng viên trẻ về thủ đô Hà Nội tham gia Chương trình “Gặp gỡ đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác” toàn quốc năm 2019 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, một trong những nội dung tổng kết đợt hoạt động “Tuổi trẻ Việt Nam - Nhớ lời Di chúc theo chân Bác”.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng: Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh Văn phòng T.Ư; đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức T.Ư, Ban Tuyên giáo T.Ư, Văn phòng Tổng Bí thư, Văn phòng Chủ tịch nước,…
Nói chuyện thân mật với các đại biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có sáng kiến tổ chức đợt hoạt động “Tuổi trẻ Việt Nam - Nhớ lời Di chúc theo chân Bác” trên toàn quốc và Chương trình “Gặp gỡ đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác” năm 2019. Đây là hoạt động rất thiết thực và có ý nghĩa sâu sắc trong dịp toàn Đảng, toàn dân ta kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc mừng, biểu dương những thành tích mà các đảng viên trẻ tiêu biểu và hầu hết là cán bộ đoàn các cấp đã đạt được; gửi lời thăm hỏi ân cần, lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể đoàn viên, thanh niên trong cả nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong rằng, thời gian tới đoàn viên, thanh niên có nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa để đi theo chân Bác như chương trình hoạt động của Trung ương Đoàn đã đề ra; tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của Đoàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, lịch sử của Đoàn gắn liền với hoạt động của Đảng ta. Tuổi trẻ nước ta đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thành lập và hoạt động của Đảng. Trong dịp này có 11 triệu đoàn viên thanh niên tham gia đợt hoạt động Nhớ lời Di chúc theo chân Bác. Muốn nhớ lời Di chúc theo chân Bác, trước hết phải ghi nhớ, phải hiểu, phải ngấm vào máu, vào tim điều Bác dặn là gì, phải trăn trở, suy nghĩ, day dứt để học và làm theo. Toàn Đảng, toàn dân ta cũng phải thực hiện như thế. Các đồng chí hãy truyền đạt tinh thần đó đến với tất cả đoàn viên, thanh niên và đảng viên trẻ trong cả nước, phải học tập, thấm nhuần và thực hiện thật tốt lời Bác dạy. Đã là đoàn viên, thanh niên phải đi đầu xung kích, “Đâu cần thanh niên có/Đâu khó có thanh niên. Hơn nữa là đảng viên trẻ càng phải tiên phong, gương mẫu, tức là đi đầu, làm gương, nêu gương cho mọi người làm theo, đúng vai trò, vị trí của đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, con cháu của Bác Hồ kính yêu. Đoàn viên, thanh niên là đội hậu bị của Đảng, rất vinh dự, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề. Không được hài lòng với kết quả đã đạt được. Để tiên phong, gương mẫu trên từng lĩnh vực công tác, cần nhiều yếu tố, các phong trào, điều lệ đoàn, phương hướng công tác..., đặc biệt là phải có đức, có tài. Đức đi đôi với tài, nhưng đức phải là gốc, đức phải trước tiên. Muốn làm tốt vai trò tiên phong, gương mẫu phải vừa có đức vừa có tài. Nhắc lại các câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài/Có tài mà cậy chi tài/Chữ tài liền với chữ tai một vần”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phân tích rõ mối quan hệ giữa đức và tài. Đức và tài đi song song với nhau. Không có tài không làm được việc gì; có tài mà không có đức chỉ phá hoại cách mạng. Đức là gốc, có đức mới có thể làm được những việc nhân nghĩa. Đối với các đảng viên trẻ, còn nhiều cơ hội cống hiến, nhiệm vụ, trách nhiệm còn nặng nề, cho nên càng phải rèn đức, luyện tài. Đức không chỉ là việc ăn ở, đối xử với nhau mà còn là lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; làm việc gì cũng phải nghĩ đến đất nước, đến nhân dân trước. Đoàn viên, thanh niên là nguồn bổ sung phát triển cho Đảng; đảng viên trẻ có trách nhiệm lớn lắm, là nguồn hậu bị tin cậy, lớp kế tục của Đảng. Mong các đồng chí tiên phong, gương mẫu, phát huy tinh thần nơi nào khó có thanh niên và phải có phương pháp, cách làm phù hợp, hiệu quả.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, các tổ chức đảng, đoàn thanh niên có trách nhiệm đào tạo bồi dưỡng, chăm lo cho thế hệ trẻ như Bác Hồ đã căn dặn trong Di chúc. Đồng thời, mỗi đoàn viên, thanh niên phải tự mình rèn luyện, học tập và làm theo lời Bác trong từng việc làm. Đối với những đảng viên trẻ, còn nhiều thời gian để học tập, công tác, phấn đấu và cống hiến cho đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tin tưởng đợt kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ với những hoạt động thiết thực, cụ thể, hiệu quả là bài học quý để các đồng chí đoàn viên, thanh niên, đảng viên trẻ hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nguyện tiếp tục sống, chiến đấu, lao động, học tập theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại. Hy vọng trong số gần 400 đảng viên trẻ có mặt tại Trụ sở Trung ương Đảng hôm nay sẽ có những người vào Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí nhấn mạnh, nhưng không phải vào cho oai, vào để kiếm chác mà là để tiếp tục đóng góp sức mình cho đất nước, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn,...
Tại buổi gặp, đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam và các đảng viên trẻ đã báo cáo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước những cách làm hay, đóng góp của tuổi trẻ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kết quả đợt hoạt động “Tuổi trẻ Việt Nam - Nhớ lời Di chúc theo chân Bác” và Chương trình “Gặp gỡ đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác” toàn quốc năm 2019 .

DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VẪN LÀ ÁNH SÁNG SOI ĐƯỜNG, LÀ NIỀM TIN TẤT THẮNG CHO SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG NƯỚC TA



NDĐT - Sáng 28-8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Học viện Chính trị quốc gia (CTQG) Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (1969-2019).
Chủ trì và tham dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, và các đồng chí: GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tham dự hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Học viện CTQG Hồ Chí Minh; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy một số địa phương cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội thảo khoa học “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” được tổ chức trọng thể đúng vào lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, do đó mang ý nghĩa vô cùng to lớn.
Đồng chí Phạm Minh Chính cho rằng, hội thảo là dịp để chúng ta nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử và ý nghĩa lý luận, vai trò cương lĩnh định hướng của bản Di chúc mà Người để lại cho Đảng và nhân dân ta. Đồng thời, hội thảo cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá về những kết quả đã làm được, những thành tựu nổi bật và cả những hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục, sửa chữa, qua 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng là dịp để tuyên truyền, cổ vũ mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập và thực hiện tốt những di huấn của Người, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, để hội thảo đạt ý nghĩa thiết thực và hiệu quả, các báo cáo, tham luận tại hội thảo tập trung, thảo luận làm rõ một số vấn đề: những giá trị lý luận và thực tiễn của Bản Di chúc; những kết quả đạt được qua 50 năm thực hiện Di chúc; đề xuất những việc cần tiếp tục làm để thực hiện tốt Di chúc của Người gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe bảy tham luận được trình bày trực tiếp, và nghiên cứu hơn 60 báo cáo, tham luận của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và các nhà khoa học gửi đến, được Ban Tổ chức xuất bản trong cuốn sách Kỷ yếu của hội thảo.
Kết luận hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, theo chủ đề của hội thảo, từ nhiều góc độ khác nhau, các báo cáo, tham luận đã bằng những luận cứ khoa học, tập trung phân tích, làm sâu sắc thêm về tầm vóc lịch sử, giá trị thời đại và những định hướng chiến lược được thể hiện trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các ý kiến tham luận đều thống nhất khẳng định rằng, sự vận dụng sáng tạo những chỉ dẫn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đưa đến những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên nhiều lĩnh vực, cùng những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người.
Đặc biệt, các tham luận đều khẳng định Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập tới những vấn đề cốt lõi nhất của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng thời, các tham luận cũng khẳng định những chỉ dẫn của Người trong Di chúc về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sau 50 năm vẫn mang giá trị thời sự, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhiều ý kiến luận giải, đó là những định hướng chiến lược về khôi phục kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân sau chiến tranh. Những định hướng đó có ý nghĩa rất quan trọng đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Nhiều tham luận của các đại biểu đại diện cho các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong cả nước đã cho thấy những kết quả rất ý nghĩa đã đạt được trong 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, các báo cáo và ý kiến của các đại biểu tại hội thảo cũng đã phân tích, luận giải bên cạnh những thành tựu đạt được, đất nước ta còn nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp, cần phải được tập trung, giải quyết, khắc phục, như: Nhiều nơi vẫn còn tình trạng thiếu dân chủ; dân chủ hình thức; một số đảng bộ, chi bộ còn có tình trạng chủ nghĩa cá nhân, mất đoàn kết nội bộ, lợi ích nhóm; tư tưởng cục bộ địa phương còn khá nặng nề, kinh tế phát triển thiếu bền vững; khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng, dẫn đến sự mâu thuẫn và bức xúc xã hội; nhiều vấn đề cấp thiết cần phải nghiên cứu giải quyết như ô nhiễm môi trường, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đáp ứng với yêu cầu nâng cao đời sống nhân dân; nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn hiện hữu....
Để phát huy những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử đã đạt được trong 50 năm qua, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, các báo cáo, tham luận cũng nêu ra nhiều bài học và giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
50 năm đã qua, nhưng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là ánh sáng soi đường, là niềm tin tất thắng cho sự nghiệp cách mạng nước ta, là cội nguồn sức mạnh, động viên, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam tiếp tục phấn đấu tiến lên giành những thắng lợi mới.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...