Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

TỈNH TÁO ĐỂ LÒNG YÊU NƯỚC KHÔNG BỊ LỢI DỤNG



Yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nó được hình thành, hun đúc và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành sức mạnh vô cùng to lớn để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, chống đối thông qua các chiêu trò cố tình lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân ta để thực hiện những mưu đồ đen tối.
Tổ quốc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, truyền thống ông cha ta luôn kế truyền, phát huy đời này qua đời khác với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Việc giữ vững độc lập chủ quyền lãnh thổ phải bằng các chủ trương, đường lối phù hợp, lấy hòa bình, ổn định làm trọng, hết sức ngăn ngừa các nguy cơ gây chiến tranh, xung đột.
Thời gian qua, những tranh chấp về chủ quyền biển đảo tại khu vực Biển Đông diễn biến phức tạp. Về phía Việt Nam, chúng ta kiên định mực tiêu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trên cơ sở tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, các thế lực thù địch lại cố tình lợi dụng vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông để xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Nhận diện những luận điệu chống phá
Gần đây, một số trang thông tin của các cá nhân, tổ chức phản động và trang báo thù địch ở nước ngoài đăng tải nhiều bài nói, bài viết, thông tin liên quan đến việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy nhiên, nội dung của các bài nói, bài viết, thông tin được đưa ra lại có nhiều vấn đề sai lệch, mang tính kích động người dân. 
Đích đến của các đối tượng là lợi dụng vấn đề này để làm cho tình hình trong nước trở nên rối ren, phức tạp, âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá chính quyền, thực hiện các cuộc “đấu tranh bất bạo động” theo một kịch bản có sẵn và cuối cùng là xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tiến hành hướng lái chính trị ở Việt Nam. Những thông tin, luận điệu nguy hiểm đang được các thế lực thù địch đưa ra trên mạng gồm:
Thứ nhất, kích động người dân tuần hành, biểu tình, tụ tập đông người gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự
Thực tế, việc kích động người dân xuống đường tụ tập, tuần hành, biểu tình không phải là vấn đề xa lại. Đây là một phần trong kịch bản “cách mạng đường phố” mà các đối tượng đang hướng đến. Dưới vỏ bọc tuần hành thể hiện tình yêu nước và bảo vệ Tổ quốc, các đối tượng rêu rao việc xuống đường đấu tranh là ôn hoà, phi bạo lực.
Tuy nhiên, đây là cái cớ để chúng thực hiện mục tiêu chống phá như ném bom xăng, tấn công trụ sở cơ quan công quyền, tấn công cảnh sát, cán bộ cơ quan Đảng, Nhà nước. Năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 vào vùng biển của Việt Nam, lợi dụng lòng yêu nước của quần chúng nhân dân, các đối tượng đã dựng lên cái gọi là “tuần hành ôn hoà” tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Vậy nhưng sự “ôn hoà” lại được thể hiện bằng cách đập phá tài sản của doanh nghiệp, ném bom xăng vào trụ sở cơ quan chức năng, chống người thi hành công vụ, gây nhiều hệ lụy. 
Cũng cần nhấn mạnh thêm, không chỉ riêng sự kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông mà đối với tất cả các sự kiện “nóng”, các thế lực thù đều cố tình kích động người dân xuống đường biểu tình chống đối chính quyền. Đây là một phần trong âm mưu gây bạo loạn, lật đổ chính quyền qua con đường gọi là “phản kháng phi bạo lực” mà các đối tượng đang sử dụng để lừa dối người dân.
Thứ hai, xuyên tạc trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc của người dân
Bảo vệ Tổ quốc là quyền và đồng thời cũng là trách nhiệm vô cùng thiêng liêng của mỗi người dân. Điều 64, Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam khẳng định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là sự nghiệp của toàn dân”.
Trong đó, nòng cốt tham gia vào sự nghiệp này là lực lượng vũ trang nhân dân. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, chống đối lại xuyên tạc rằng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là trách nhiệm của lực lượng vũ trang, không phải là trách nhiệm của nhân dân. Bằng những lập luận vô căn cứ của mình, các đối tượng cố tình xuyên tạc trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân.
Qua các luận điệu sai lệch, các đối tượng muốn tách lực lượng vũ trang ra khỏi quần chúng nhân dân. Từ đây âm mưu của kẻ địch là khiến cho khối đoàn kết quân – dân bị lung lay, làm cho sức mạnh nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân bị suy yếu.
Cùng với đó, các đối tượng còn cổ suý, đưa luận điệu tuyên truyền “hãy để dân yêu lấy Tổ quốc mình”. Các đối tượng cho rằng, “tự người dân có thể bảo vệ Tổ quốc”, không cần sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Thông qua những luận điệu này, các đối tượng kích động, chia rẽ nhân dân với Đảng và Nhà nước, hình thành nhận thức sai lệch về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Thứ ba, xuyên tạc chủ trương, đường lối bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của Đảng, Nhà nước ta
Với những căn cứ lịch sử, pháp lý của mình, Việt Nam hoàn toàn có chủ quyền trên khu vực biển Đông. Mọi hành động tranh chấp của phía Trung Quốc đều là đơn phương và không có giá trị. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn theo dõi sát sao mọi biến động trên biển Đông và có cách ứng xử phù hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền của Việt Nam.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, chống đối nhiều lần đưa ra các thông tin sai lệch về thực tiễn, vu khống hoạt động bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Cùng với đó, các đối tượng cũng xuyên tạc một cách trắng trợn chủ trương, đường lối, chính sách liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền trên biển Đông của Đảng, Nhà nước ta. 
Nhiều đối tượng phản động, cơ hội chính trị núp dưới bóng đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền, bảo vệ Tổ quốc đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Hệ quả là điều đối tượng đã bị đưa ra đứng trước vành móng ngựa, bị toà tuyên án. Tuy nhiên, với ý thức chống đối sâu sắc, các đối tượng trong tù kết hợp với các đối tượng chống đối ngoài nhà tù tiếp tục thực hiện không ít chiêu trò để đạt được mục đích chống phá Đảng, Nhà nước.
Tỉnh táo để thể hiện lòng yêu nước đúng nghĩa 
Hiện nay, để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, các thế lực thù địch, chống đối đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”. Trong đó, thông tin - truyền thông được các đối tượng xác định là một mũi nhọn mang tính đột phá, khiến cho nước ta suy yếu, sụp đổ từ bên trong. Trong cuộc chiến thông tin, các thế lực chống phá cố tình đưa ra các dòng thông tin lệch chuẩn.
Thủ đoạn được các đối tượng thường xuyên sử dụng là lợi dụng các sự kiện nóng, các vấn đề nhạy cảm, những nội dung được đông đảo người dân quan tâm, để từ đó viết bài có nội dung xuyên tạc, kích động sự thù hằn, chống đối.
Khi viết bài, các đối tượng cố tình “múa bút” theo hướng biến mọi thứ trở nên ly kỳ, bí hiểm để kích động sự tò mò của người dân. Các đối tượng này cũng không quên việc “phỏng vấn”, trích lời các đối tượng cơ hội chính trị, những người tự xưng là “nhà dân chủ” để tiến hành chống phá. Sau đó, qua các kênh truyền thông, blog, mạng xã hội để lan truyền những thông tin này đến với người dân. Từ đó tác động đến nhận thức, tư tưởng của mọi người.
Với phương thức, thủ đoạn như trên, các đối tượng đã lừa dối không ít người dân, biến người dân trở thành “con rối” trong cái gọi là “phản kháng phi bạo lực” mà các đối tượng đang thực hiện. Để lòng yêu nước phát huy giá trị của mình, không bị các thế lực thù địch, chống đối lợi dụng vào việc gây bất lợi cho Tổ quốc, mỗi người dân phải thực sự tỉnh táo, bản lĩnh và có đủ hiểu biết để “gạn đục, khơi trong”, không mắc bẫy ma trận thông tin sai trái.

CẢNH GIÁC LUẬN ĐIỆU LỢI DỤNG VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG ĐỂ XUYÊN TẠC, KÍCH ĐỘNG CHỐNG PHÁ



Thời gian gần đây, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những sự kiện “nóng” xảy ra để quy chụp, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, kích động tâm lý chống đối, kêu gọi quần chúng tụ tập đông người gây rối an ninh trật tự.
Một trong những sự kiện “nóng” được chúng “khuấy” lên trong thời gian qua là việc nhóm tàu khảo sát Hải dương Địa chất 08 Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên vùng biển Nam Biển Đông, gần bãi Tư Chính, từ ngày 3-7 đến ngày 7-8-2019.
Mượn gió, bẻ măng, các thế lực thù địch, phản động tán phát nhiều tài liệu, gồm những bài viết, video clip, hình ảnh có nội dung xuyên tạc đường lối đối ngoại, chính sách “3 không” và khả năng chiến đấu của Quân đội, gây tâm lý bất an, hoài nghi và kích động sự chống phá của một bộ phận quần chúng do thiếu thông tin tình hình, do ngộ nhận. Vậy, bản chất của sự việc là gì, xin được trình bày trên một số điểm cơ bản như sau:
1. Chủ trương, đường lối, chính sách giải quyết bất đồng trên Biển Đông của Đảng, Nhà nước ta hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế của thời đại
Trong xu thế hiện nay, thế giới là một mái nhà chung, các quốc gia đều có xu hướng vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kể cả trong quan hệ song phương và đa phương; những điểm bất đồng giữa các quốc gia, dân tộc đều được giải quyết trên nền tảng hòa bình, đối thoại, cùng nhau tìm giải pháp chung và trên nền tảng nguyên tắc nhất định của luật pháp quốc tế.
Dĩ bất biến, ứng vạn biến, trong bối cảnh Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta luôn giữ được chủ trương: “Giải quyết mâu thuẫn thông qua thương lượng hoà bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của các bên, tiến tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển”.
Đảm bảo sự linh hoạt, mềm dẻo và giữ vững nguyên tắc không thể bác bỏ – chủ quyền quốc gia.
Chúng ta kiên trì đấu tranh trên các mặt trận, mọi cấp độ, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các quốc gia trên thế giới, thẳng thắn đấu tranh kiên quyết, trao công hàm, tiếp xúc đại diện, lên tiếng phản đối Trung Quốc, yêu cầu tôn trọng chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Đồng thời, duy trì lực lượng chuyên trách, sử dụng biện pháp đấu tranh “hòa bình” không để xảy ra xung đột vũ trang. Bên cạnh đó, thường xuyên thông tin kịp thời tình hình diễn biến đến nhân dân, quản lý chặt chẽ tình hình an ninh trật tự và làm tốt công tác định hướng tư tưởng cho nhân dân.
Ngược dòng lịch sử từ khi dựng nước và giữ nước cho đến ngày nay, đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Những cuộc chiến tranh đó đều đem đến những mất mát, tổn thất to lớn không thể bù đắp. Nhân dân ta cần hòa bình để ổn định, xây dựng và phát triển đất nước nên cần có chủ trương, đường lối đúng đắn, mọi sai lầm trong đường lối đều phải trả giá đắt, đều mang lại đau khổ cho nhân dân, nhất là khi đẩy đất nước vào chiến tranh.
Dân tộc Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình, ghét chiến tranh, chỉ khi tình thế bắt buộc mới phải đứng lên cầm súng đánh đuổi kẻ thù bảo vệ chính nghĩa, phẩm giá của dân tộc, không chịu khuất phục trước bất kỳ thế lực thù địch nào dù chúng mạnh đến đâu.
Trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông, nhờ đường lối đúng đắn, chúng ta vẫn bảo đảm và bảo vệ được lợi ích quốc gia dân tộc. Điều này cho thấy, chủ trương, đường lối, chính sách giải quyết bất đồng trên Biển Đông của Đảng, Nhà nước ta hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế của thời đại.
2. Chính sách “3 không” của Việt Nam vẫn hoàn toàn đúng đắn
Trước sự kiện vi phạm của tàu Trung Quốc, các thế lực thù địch đã công kích, đòi Việt Nam phải thay đổi chính sách “3 không”, tiến đến hợp tác toàn diện, là đồng minh của Mỹ, Nhật Bản… để chống lại hành động xâm phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc.
Thực tiễn cho thấy, mọi hành động của các quốc gia, xét đến cùng đều bắt nguồn từ lợi ích, lợi ích cao nhất, tối thượng nhất là lợi ích quốc gia, dân tộc.
Đặc biệt, với các quốc gia tư bản chủ nghĩa, nếu không có lợi ích, Việt Nam là đối tác toàn diện, là đồng minh của họ, đang bị các quốc gia khác đe dọa chủ quyền, họ cũng chẳng lên tiếng, huống hồ là giúp đỡ. Lịch sử cho thấy, nhiều quốc gia đã bị các nước lớn “đi đêm” mặc cả với nhau trên lưng các quốc gia khác, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của các nước nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia họ, trong đó có Việt Nam.
Do đó, với chính sách “3 không: không tham gia lực lượng, liên minh quân sự của bên này chống bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của Đảng, Nhà nước ta về quốc phòng nói chung, công tác đối ngoại quốc phòng nói riêng, mang bản chất chế độ XHCN mà Việt Nam đang xây dựng, hướng đến sự hòa bình, thịnh vượng cho đất nước, khu vực và thế giới.
Chính sách quốc phòng, quân sự, xây dựng quân đội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân của Việt Nam chỉ nhằm mục đích duy nhất là để bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta không quên sự hợp tác, giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; song từ xưa đến nay, cha ông ta luôn nhất quán tinh thần độc lập, tự chủ, lấy sức ta mà giải phóng cho ta, không dựa dẫm, ỷ lại, trông chờ duy nhất vào sự hỗ trợ từ bên ngoài để bị lệ thuộc, bị chi phối.
Đảng ta luôn nhất quán quan điểm biện chứng trong đối tượng và đối tác, có hợp tác và có đấu tranh; giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.
Trong xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam luôn chủ động hội nhập và phát triển; tiến hành hội nhập sâu rộng trên các lĩnh vực, như: hội nhập kinh tế quốc tế; hội nhập quốc tế về văn hóa – xã hội, môi trường và hội nhập quốc tế về chính trị, quốc phòng, an ninh.         
Việt Nam đã tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống; chủ động đề xuất, định hình cơ chế hợp tác Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn An ninh khu vực (ARF); tham gia Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol; tham gia Diễn đàn Tư lệnh cảnh sát các nước ASEAN và thường xuyên cử sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng với hơn 80 nước, bao gồm tất cả các thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; đã ký 50 hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác tương trợ tư pháp hình sự chống tội phạm, phòng, chống ma túy với các nước. Quan hệ quốc phòng - an ninh đa phương có bước phát triển về số lượng, chất lượng và hiệu quả…
Quá trình hội nhập đó, Việt Nam vẫn giữ được chủ trương, đường lối và bảo đảm thực hiện tốt chính sách “3 không”, giữ đúng định hướng. Đến nay, chính sách “3 không” vẫn hoàn toàn đúng đắn.
3. Quân đội nhân dân Việt Nam đấu tranh để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc
Các thế lực thù địch rêu rao: “Khi đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông, tại các vùng tranh chấp, Quân đội Việt Nam không dám nổ súng, không dám đấu tranh, để mặc Trung Quốc muốn làm gì thì làm…”. Những luận điệu đó là hoàn toàn xuyên tạc, không đúng sự thật, cố tình kích động gây căng thẳng tình hình với mục đích đẩy chúng ta vào cuộc đối đầu quân sự có thể dẫn đến hậu quả khó lường.
Thực tiễn cho thấy, trong suốt thời gian Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển, một trong những lực lượng thuộc biên chế của Quân đội Việt Nam luôn luôn có mặt 24/24h, thực hiện các hoạt động đấu tranh nhằm giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Lực lượng đó chính là Cảnh sát biển Việt Nam. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, từ năm 2008 đến năm 2019, lực lượng này đã phát hiện hơn 39.800 lượt/chiếc tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam.
Trong đó, phát hiện, theo dõi 850 lượt tàu quân sự, 2.287 lượt tàu chấp pháp, trên 4.000 lượt giàn khoan, tàu nghiên cứu thăm dò, tàu nước ngoài phụ hành và dịch chuyển bất hợp pháp trên vùng biển Việt Nam và đã yêu cầu trên 26.800 lượt/chiếc tàu vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Trong mỗi tình huống, các phương án đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn được lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam chuẩn bị, luyện tập nhuần nhuyễn và linh hoạt khi áp dụng vào thực tiễn đấu tranh, luôn giữ vững được định hướng, sự lãnh đạo của Đảng và tuân thủ nghiêm luật pháp quốc tế.
Bên cạnh lực lượng Cảnh sát biển, các thành phần khác của lực lượng vũ trang Việt Nam cùng lực lượng kiểm ngư luôn luôn sẵn sàng thực hiện phương án để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta luôn vì lợi ích quốc gia dân tộc, các chính sách, biện pháp giải quyết trong các tình huống tranh chấp trên Biển Đông của Đảng, Nhà nước ta thể hiện nhất quán nguyên tắc, mục tiêu đó. Chủ trương, đường lối đó cần được sự đánh giá, nhìn nhận khách quan từ mọi thành phần trong xã hội, nhất là thế hệ trẻ ngày nay.
Tinh thần dân tộc, lòng yêu nước luôn cháy bỏng trong mỗi con dân đất Việt, hãy hiện thực hóa tinh thần đó bằng việc làm cụ thể để đưa đất nước ta ngày càng phát triển, giàu mạnh, tăng cường mọi tiềm lực, sánh vai được với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới đấu tranh, phản bác lại các quan điểm phiến diện, siêu hình, xuyên tạc tình hình Biển Đông của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước.
Mỗi người dân yêu nước cần tỉnh táo, bình tĩnh, kiên quyết, kiên trì, nhận thức rõ luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch để có hành động đúng, góp phần bảo vệ Tổ quốc.

CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC MỤC TIÊU CNXH TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP



Cứ “đến hẹn lại lên”, nhằm vào thời điểm đất nước chuẩn bị có những sự kiện trọng đại, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lại triệt để lợi dụng để đẩy mạnh các hoạt động công kích, chống phá cách mạng Việt Nam... Lại luận điệu xuyên tạc vấn đề dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Tăng cường đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc. Lực lượng CAND với nhiệm vụ bảo vệ nền dân chủ, phản bác các luận điệu xuyên tạc. Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc quy định trách nhiệm nêu gương của Đảng
Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Để công tác chuẩn bị chu đáo, việc tổ chức đại hội các cấp bảo đảm thành công tốt đẹp theo đúng tinh thần chỉ thị của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã quán triệt: Kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH) trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối, chủ trương của Đảng. Tuy nhiên các thế lực phản động, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng thời điểm này để công kích, chống phá, xuyên tạc mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên XHCN ở Việt Nam.
Cứ “đến hẹn lại lên”, nhằm vào thời điểm đất nước chuẩn bị có những sự kiện trọng đại, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lại triệt để lợi dụng để đẩy mạnh các hoạt động công kích, chống phá cách mạng Việt Nam.
Lợi dụng thời điểm tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương đang có những chuẩn bị bước đầu để tiến tới đại hội Đảng các cấp, “lộng giả thành chân”, các đối tượng này bắt đầu gia tăng các hoạt động tuyên truyền, chống phá.
Trên các trang điện tử, blog hải ngoại, họ vờ vịt tỏ thái độ ngạc nhiên, ra vẻ thông thái dạy đời: “Vì sao đến giờ này mà Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng CNXH”. Họ cho rằng: “Ai cũng thấy là CNXH đã ở vào giờ thứ 25 trên phạm vi toàn cầu, việc thực hiện XHCN tại Việt Nam đã hoàn toàn thất bại sau 10 năm thực hiện triệt để (1975-1985) dù cố gắng “Đổi mới” 10 năm sau đó (1985-1995) theo gương “cải tổ” của Liên Xô vẫn không cứu vãn được.
Chúng xuyên tạc: Để được cứu nguy, tránh sự sụp đổ như Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, đạt được nhiều thành tựu như hiện nay, thực tế Việt Nam đã thực hiện “Kinh tế thị trường, theo định hướng tư bản chủ nghĩa”; nhờ đó, Việt Nam mới phát triển nhiều mặt để có bộ mặt phồn vinh như hôm nay về kinh tế, đời sống người dân ngày một được cải thiện và nâng cao, chứ không phải kinh tế thị trường định hướng XHCN…”.
Đây thực chất là những luận điệu phi lịch sử, phản khoa học và phản động. Mục đích của những kẻ tung ra luận điều này rất rõ ràng là muốn xóa bỏ CNXH, thay đổi thể chế chính trị, hướng lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa; bên cạnh đó là làm cho quần chúng nhân dân hoài nghi, bi quan, dao động, suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên CNXH mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Nói như vậy, luận điệu mà chúng nêu trên liệu có cần tranh luận? Chắc hẳn là không. Tuy nhiên cũng nên nói rõ để không “thật, giả, vàng, thau lẫn lộn”.
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của dân tộc Việt Nam. Lịch sử dân tộc nửa cuối thế kỷ XIX và ngót nửa đầu thế kỷ XX, đất nước không được độc lập, nhân dân không được tự do. Các phong trào từ “Cần Vương”, “Khởi nghĩa nông dân”, đến phong trào “Đông Du”, phong trào “Giải phóng dân tộc theo khuynh hướng tư sản dân tộc”… đều thất bại, cách mạng Việt Nam lâm vào khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc.
Trong điều kiện đó, Nguyễn Ái Quốc đã đưa lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, cách mạng vô sản về Việt Nam. Từ khi có Đảng, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng đất nước theo con đường CNXH, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nói như thế để thấy, con đường cách mạng vô sản tiến bộ là phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể, CNXH là sự lựa chọn của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Độc lập dân tộc là gắn liên với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn của nhân dân. Nhân dân là cội nguồn sức mạnh, chủ thể quyết định vận mệnh của dân tộc và non sông đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam một lòng phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Ngoài lợi ích của dộc tộc, nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác.
Nhân dân một lòng theo Đảng. Lý tưởng cộng sản là sự lựa chọn của nhân dân. Kiên định con đường đi lên CNXH là sự kiên định con đường thực tiễn mà nhân dân ta đang đi, kiên định mục tiêu thực hiện mà chúng ta đang hướng tới, là tiếp nối thành quả cách mạng của nhân dân ta và nâng lên tầm cao mới phù hợp với điều kiện lịch sử.
Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng ta tiếp tục con đường đã lựa chọn, kiên định mục tiêu CNXH mà tính đúng đắn, khoa học, cách mạng đã được thực tiễn chứng minh để xây dựng nước ta thực sự giàu mạnh, dân chủ, văn minh, nhân dân ta thực sự có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Kiên định con đường đi lên CNXH là phù hợp với quy luật lịch sử, chứ không phải là “đi vào vết xe đổ của Liên Xô” như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. CNXH hiện thực sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 không chỉ có ảnh hưởng quốc tế sâu rộng mà còn làm thay đổi tiến trình lịch sử thế giới trong suốt thế kỷ XX và cho đến tận ngày nay.
CNXH từ lý luận khoa học đã trở thành hiện thực sinh động; từ một nước trở thành hệ thống XHCN thế giới, trở thành lực lượng cách mạng thúc đẩy nhân loại phát triển và phẩm giá con người trong lòng xã hội được thực thi… Liên Xô sụp đổ là sự kiện địa chính trị lớn nhất của thế kỷ XX làm đau đớn nhân loại tiến bộ. Song nó phản ánh sự sai lầm về một mô hình khi đã xa rời những vấn đề mang tính nguyên tắc của CNXH.
Bên cạnh đó cũng phải nói rõ, những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử đạt được trong hơn 30 đổi mới đến nay mà nhân dân ta đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, là thành tựu của công cuộc đổi mới, thành tựu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chứ không phải là “kinh tế thị trường theo định hướng tư bản chủ nghĩa” như các thế lực thù địch xuyên tạc.
Kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" (Đảng Cộng sản Việt Nam: “Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII”, tr.102). Đây là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam, là thành quả phát triển, hoàn thiện về mặt tư duy lý luận của Đảng và thực tiễn phát triển kinh tế trong thời kỳ đổi mới. Kinh tế thị trường định hướng XHCN có đặc trưng mang tính đặ c thù, khác căn bản về chất so với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa mà đến những kẻ ngu ngơ nhất cũng không thể đánh đồng.
Thủ đoạn của thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động là xuyên tạc về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên CNXH ở nước ta, xuyên tạc kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhằm mục đích hướng lái cách mạng Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa; tác động, tiêm nhiễm tạo nhận thức lệch lạc, hoài nghi, tư tưởng hoang mang, dao động, từ đó suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân cần nâng cao ý thức cảnh giác và tăng cường đấu tranh tranh phản bác, làm thất bại âm mưu phản cách mạng nguy hiểm này.

VIỆT NAM KIÊN QUYẾT, KIÊN TRÌ BẢO VỆ CÁC QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP, CHÍNH ĐÁNG CỦA MÌNH



Ngày 16-8, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài liên quan việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

 “Theo thông tin của các cơ quan chức năng, ngày 13-8, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế.

Các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế”.

ĐẤU TRANH, NGĂN CHẶN CÁC TÀ ĐẠO Ở NƯỚC TA HIỆN NAY



QĐND - Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, trong đó có cả người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch đã tìm cách hình thành, phát triển các tà đạo nhằm xâm phạm an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH), chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; qua đó nhằm hình thành các lực lượng đối lập với Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Nhận diện tà đạo
Theo Từ điển tiếng Việt: “Tà đạo là đạo giáo chuyên dùng bùa phép mê hoặc người; đường lối sai quấy không chính đáng”. Còn theo Đại từ điển tiếng Việt: "Tà đạo: Tôn giáo khác với tôn giáo được coi là chính thống". PGS, TS Đặng Văn Đoài, Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân định nghĩa: "Tà đạo là một loại đạo lạ (so với tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống) nhưng khuynh hướng hoạt động mê tín dị đoan, phản văn hóa, vi phạm pháp luật".
Ở Việt Nam, những năm qua, tà đạo thường xuất hiện và phát triển mạnh ở vùng nông thôn, vùng sâu xa, nhất là địa bàn Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc. Các tổ chức này đã thu hút được một số lượng người tin theo, trong đó có tà đạo đã lôi kéo hàng nghìn người tham gia, sinh hoạt tại nhiều địa phương, như: Tin lành Đề Ga, Hà Mòn, Pháp Luân Công và đặc biệt gần đây là tà đạo Hội Thánh đức Chúa Trời, dù mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam chưa lâu, song, đã phát triển mạnh và hoạt động bất hợp pháp ở hơn 20 tỉnh, thành phố với hàng nghìn người tham gia, nhất là ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa… Việc tuyên truyền, phát triển tà đạo đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, gây tâm lý bức xúc, hoang mang trong một bộ phận quần chúng và tín đồ các tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm phức tạp tình hình ANCT-TTATXH tại địa phương. Qua nghiên cứu, căn cứ theo địa bàn xuất hiện, nguồn gốc xuất xứ và nội dung, phương thức hoạt động, có thể phân chia tà đạo thành hai nhóm chính: Nhóm thứ nhất có nguồn gốc hình thành liên quan đến các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, điển hình như các tà đạo: Tin lành Đề Ga, Hà Mòn, Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam... có nguồn gốc và bản chất liên quan đến Tin lành; các tà đạo: Đạo Tràng Hương Quảng, Pháp môn Di Lặc, Bửu Tòa Tam giáo... có nguồn gốc và bản chất gắn với Phật giáo, Đạo giáo. Nhóm thứ hai có nguồn gốc từ nước ngoài truyền vào Việt Nam, như: Thanh Hải Vô Thượng sư, Pháp Luân Công, Canh tân đặc sủng... Nhóm này mang tính lai tạp giữa một số tôn giáo khác nhau, như: Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian. Dù thuộc nhóm nào thì đặc điểm chung của các tà đạo này luôn tự coi mình là một tổ chức tôn giáo; giáo lý của họ chỉ là sự vay mượn hay chính xác hơn là xuyên tạc, bóp méo giáo lý của các tôn giáo khác theo hướng mê tín dị đoan để phục vụ cho ý đồ của những kẻ cầm đầu; giáo lý, lễ nghi của các tà đạo thường đơn giản, không có hệ thống và hoàn chỉnh như tôn giáo truyền thống, hàm chứa yếu tố mê tín, có màu sắc chính trị.
Từ trục lợi đến chống phá
Người tin theo các tà đạo thuộc nhiều thành phần như: Trí thức, cán bộ, viên chức và công nhân, nông dân, nhưng chủ yếu là người nghèo, có trình độ dân trí thấp; họ bị số đối tượng cầm đầu lợi dụng, lừa mị, lôi kéo tham gia. Các đối tượng sáng lập, cầm đầu và cốt cán thường là những chức sắc, chức việc và tín đồ có uy tín trong tôn giáo, dân tộc, thậm chí cả số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị. Mục đích chính của việc hình thành và phát triển tà đạo là nhằm mục đích trục lợi cá nhân thông qua sự giúp đỡ, đóng góp tiền của, công sức của những người tin theo tà đạo. Số đối tượng cầm đầu thường triệt để lợi dụng những vấn đề bức xúc, khó khăn mà người dân không tự giải quyết được để tác động, lôi kéo họ dựa vào niềm tin tâm linh nhằm giải thoát những vướng mắc về tâm lý và tư tưởng đang nảy sinh. Hoạt động của các tà đạo chủ yếu nhằm thực hành các hoạt động mê tín dị đoan, thực hành tín ngưỡng phản khoa học, phi đạo đức và văn hóa nhằm thu lợi bất chính, như yêu cầu người tin theo phải đóng góp tiền của, công sức xây dựng mới hay tu sửa nơi thờ tự, phục vụ hoạt động duy trì và phát triển tổ chức của các đối tượng cầm đầu, cốt cán. Riêng đối với một số tà đạo như: Tin lành Đề Ga, Hà Mòn… các đối tượng cầm đầu, cốt cán thu hút, lôi kéo người tham gia tổ chức nhằm chống phá chính quyền, cản trở việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, xâm phạm ANCT-TTATXH tại địa phương.
Để nắm giữ niềm tin của những người tham gia, đồng thời ép buộc hoặc tiếp tục thu hút những người khác trong gia đình họ phải đi theo tà đạo, số cầm đầu, cốt cán của các tà đạo thường yêu cầu và buộc số người tin theo không được tiếp xúc và quan hệ với người khác niềm tin; không tham gia các sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng; không thực hiện phong tục tập quán và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, đồng thời phủ nhận các tôn giáo chính thống, kể cả tôn giáo đó là nguồn gốc của mình để tin và trung thành với tổ chức tà đạo; không chấp hành pháp luật hay tham gia các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Một số tà đạo mang màu sắc chính trị như: Tin lành Đề Ga”, Hà Mòn, Thanh Hải Vô Thượng sư..., số đối tượng cầm đầu, cốt cán ráo riết kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, phân biệt, chia rẽ người Kinh với người dân tộc nhằm thu hút người dân để thực hiện mưu đồ ly khai, tự trị ở các vùng dân tộc, hình thành tổ chức phản động chống phá Nhà nước Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; điển hình như vụ biểu tình, bạo loạn ở Tây Nguyên năm 2001, 2004 do Tin lành Đề Ga tổ chức. Ở một số nơi, số đối tượng cầm đầu các tà đạo như: Thanh Hải Vô Thượng sư, Hà Mòn… còn vu cáo chính quyền vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tìm cách khoét sâu hoặc phóng đại những hạn chế, thiếu sót của chính quyền và cán bộ, đảng viên trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; vu cáo Nhà nước vi phạm dân chủ, nhân quyền; tạo cớ cho bên ngoài can thiệp, chống phá Nhà nước Việt Nam. Có thể khẳng định, các tà đạo đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, tuyên truyền mê tín dị đoan, kích động tâm lý hoang mang, dao động trong quần chúng nhân dân, làm phức tạp tình hình chính trị tại địa phương, truyền bá những đức tin phản khoa học, phản văn hóa và chuẩn mực chung về đạo đức, lối sống. Đặc biệt, thông qua hoạt động của các tà đạo, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động tư tưởng ly khai nhằm chống phá Việt Nam.
Đấu tranh, đẩy lùi và ngăn chặn
Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các tà đạo; trong đó đã chủ động nắm tình hình các địa bàn, đối tượng trọng điểm về dân tộc, tôn giáo để triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trái pháp luật. Thông qua nhiều kênh, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động quần chúng không tin, theo kẻ xấu lôi kéo, lừa bịp tham gia tổ chức tà đạo; thấy rõ tác hại của việc tham gia các tà đạo để từ đó tự giác tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các tà đạo. Chủ động xử lý nghiêm số đối tượng cầm đầu, cốt cán theo pháp luật, đồng thời vạch mặt, làm rõ bản chất chúng trước nhân dân. Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động của các tà đạo thời gian qua còn tồn tại những hạn chế nhất định. Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn sự hình thành, phát triển của các tà đạo trong thời gian tới, cần tập trung làm tốt công tác đấu tranh, phòng, chống sự hình thành, phát triển của các tà đạo; đồng thời tiến hành song song với công tác bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân trên cơ sở pháp luật và phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự quản lý, điều hành của Chính phủ nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác này. Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các tà đạo, qua đó nhằm huy động sự tham gia của cả xã hội trong công tác này.
Các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, đặc biệt là quản lý và định hướng các sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng theo thuần phong mỹ tục của dân tộc và phù hợp với luật pháp. Đối với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu các tà đạo, các cơ quan chức năng phải xử lý kiên quyết, kịp thời, triệt để theo pháp luật; vạch trần bản chất và hành vi vi phạm pháp luật, làm mất ổn định chính trị, xã hội, chia rẽ giữa các dân tộc, tôn giáo, lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để hoạt động tà đạo, mê tín dị đoan của số này trước quần chúng nhân dân. Tăng cường xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, lành mạnh cho mọi người dân nhằm tạo “sức đề kháng”, “miễn dịch” mạnh mẽ trước hoạt động của các tà đạo.  
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; về thành tựu đã đạt được trong việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Đặc biệt, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, làm cho người dân hiểu rõ đâu là chính đạo, đâu là tà đạo, tác hại của các tà đạo đối với đời sống vật chất, tinh thần của người dân và toàn xã hội. Từ đó vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tự giác tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh chống hoạt động của các tà đạo.
Chủ động triển khai nắm tình hình, dự báo kịp thời mọi âm mưu, hoạt động lôi kéo, thu hút người tham gia các hội nhóm tà đạo để triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Kịp thời phát hiện, phối hợp giải quyết dứt điểm các hoạt động tụ họp nhóm hoặc có hoạt động liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo không được cơ quan chức năng cho phép để vận động quần chúng giải tán, đồng thời cô lập, răn đe những kẻ cầm đầu, cốt cán trong hội nhóm tà đạo. Trong xử lý các vụ việc liên quan đến tà đạo phải bảo đảm những yêu cầu đặt ra nhằm tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kiên quyết không làm phức tạp thêm tình hình, không để sơ hở để bên ngoài lợi dụng vu cáo, xuyên tạc.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo… kết hợp với thực hiện công bằng xã hội, không ngừng nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định ANCT-TTATXH tại địa phương. Tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục truyền thống yêu nước, vận động đông đảo các chức sắc, tín đồ và nhân dân tích cực tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.


Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...