Việt Nam là quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam đã sớm tham gia, ký kết các điều ước quốc tế về bảo đảm các quyền cơ bản của con người và quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Điều thứ 10 trong bản Hiến pháp ngày 9/1/1946 của Quốc hội Việt Nam nêu rõ: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Những quyền cơ bản này đã được hiến định xuyên suốt trong các bản hiến pháp của Việt Nam và tiếp tục được khẳng định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 rằng: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Những năm gần đây, vào dịp Ngày Tự do báo chí thế giới (3/5) hằng năm, hay kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), trên nhiều trang mạng có nội dung xấu độc và trên trang tiếng Việt của một số cơ quan truyền thông nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam thường xuất hiện các ý kiến, bài viết xuyên tạc tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Trong đó, cái gọi là “Tổ chức phóng viên không biên giới” không những đưa ra bảng xếp hạng hết sức sai trái về tự do báo chí ở Việt Nam, mà còn công bố danh sách và trao giải thưởng “Anh hùng thông tin” cho một số đối tượng người Việt Nam đã lợi dụng tự do, dân chủ chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. “Tiền hô hậu ủng” cho tổ chức phi chính phủ này là những đối tượng được dán mác “nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền”, “nhà báo tự do” trong nước tung ra nhiều bài viết, phát ngôn xuyên tạc trắng trợn tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận của Việt Nam.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc bảo đảm, thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam là một trong những giải pháp quan trọng để khơi dậy, phát huy ý chí, nguyện vọng, trí tuệ, sức mạnh tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam đã và đang được đảm bảo trên thực tế. Hơn thế nữa, trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn có tinh thần cầu thị, tích cực tiếp thu, học hỏi, tham khảo những kinh nghiệm tiến bộ của các quốc gia khác để thực hiện ngày càng tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí cho đại đa số người dân.
Mọi quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí đều phải có giới hạn nhất định. Giới hạn này đặt ra để bảo đảm quyền tự do chính đáng cho số đông mọi người, chứ không phải cho một nhóm ít người nào đó nói năng bừa bãi, phát ngôn bạt mạng, thích gì viết đấy, nói và viết chỉ vì động cơ cá nhân ích kỷ, thiên vị mà không vì sự ổn định, đồng thuận chung của xã hội, cộng đồng.
Để bảo đảm quyền lợi, tự do chính đáng cho số đông công dân, chúng ta cũng không chủ quan, lơ là, mà phải luôn đề cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện, kiên quyết vạch trần, kịp thời bác bỏ mọi âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị cố tình lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí nhằm đưa ra những thông tin sai trái, xuyên tạc, tác động tiêu cực dư luận xã hội, xâm hại an ninh truyền thông quốc gia, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.