Ngày 17-12 cách đây 10 năm, một thanh niên bán bánh mì tên là Mohammed Bouazizi đã tự thiêu giữa phố ở Tunisia để phản đối chính quyền vì cuộc sống của anh ta quá khổ sở, lại còn phải chịu sự bất công nặng nề trong xã hội.
Sự tức giận bùng nổ, với hàng vạn
người dân Tunisia thuộc tầng lớp lao động, nghèo khổ đã làm nên cuộc biểu tình
rầm rộ chưa từng có trong lịch sử Tunisia, khởi đầu phong trào biểu tình phản
đối chính phủ được phương Tây đặt tên là “Mùa xuân Arab”, hay còn gọi là “cách
mạng hoa nhài”.
Biểu tình Mùa xuân Arab bùng nổ đầu tiên ở Tunisia
Chỉ trong vòng 18 ngày bùng phát, cuộc biểu tình của hàng vạn người dân Tunisia đã khiến chính quyền của Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali lung lay, và gần 1 tháng sau vụ tự thiêu, Tổng thống Ben Ali đã phải nhường lại chính quyền vào tay một người thuộc đảng Hồi giáo đối lập.
Vào thời điểm ông Ben Ali chạy sang Saudi Arabia để sống lưu vong vào giữa tháng 1-2011, Ai Cập cũng đang chuẩn bị bùng nổ những cuộc biểu tình với hàng triệu người tham gia. Một cuộc bạo loạn thật sự đã nổ ra sau đó tại quảng trường Tahrir, trung tâm thủ đô Cairo. Tổng thống Hosni Mubarak mất sự ủng hộ từ Tổng thống Mỹ Barack Obama và đành từ chức.
Sau Ai Cập, Libya cũng sục sôi cuộc nổi dậy với sự giúp sức từ phương Tây nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, trong đó châu Âu đóng vai trò chủ đạo, trực tiếp can thiệp vào cuộc nội chiến và Mỹ hậu thuẫn.
Từ Tunisia, các cuộc biểu tình nhanh chóng trở thành cuộc lật đổ, bén rễ khắp các quốc gia trong khu vực. Ở Ai Cập, Bahrain, Yemen, Libya và Syria, các quốc gia được lãnh đạo bởi chính thể “độc tài” lâu nay được xem là bất khả xâm phạm đã bất ngờ bộc lộ ra như những thực thể dễ bị tổn thương. Ở khắp nơi trong khu vực, câu chuyện của Bouazizi kiếm được khoảng 2 bảng Anh mỗi ngày để nuôi một gia đình 8 người và phải chịu sự bất công trong xã hội đã gây tiếng vang lớn, lôi kéo hàng triệu người dân phẫn nộ vì đè nén bấy lâu nay tràn xuống đường phố để biểu thị sự phẫn nộ, bất phản đối của mình.
Giới phân tích đã chỉ rõ rằng các cuộc biểu tình “Mùa xuân Arab” sở dĩ được triển khai nhanh chóng và huy động được số lượng người tham gia đông đảo, đặc biệt là giới trẻ chính là nhờ sự giúp sức hiệu quả cùa mạng xã hội, với phương tiện rất thông dụng là chiếc điện thoại di động thông minh và các ứng dụng web dễ truy cập, dễ dàng đánh bại các cấu trúc bảo mật của nhà nước.
Ở Ai Cập, trong làn sóng biểu tình thứ hai lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohammed Morsi được bầu lên sau cuộc biểu tình “Mùa xuân Arab”, mạng xã hội và chiếc điện thoại di động thông minh tiếp tục là công cụ trợ giúp đắc lực cho việc huy động lực lượng của người biểu tình.
Ngoài 4 quốc gia tiêu biểu kể trên, biểu tình “Mùa xuân Arab” cũng đã manh nha bùng nổ tại một số quốc gia khác, như Saudi Arabia, Morocco, Sudan, Djibouti,... nhưng chúng đã nhanh chóng bị dập tắt bởi các chính sách điều hành cũng như những biện pháp an ninh, kiểm soát nghiêm ngặt khiến cho những thành phần chống đối chính quyền không thể sử dụng công cụ mạng xã hội để huy động lực lượng như đã từng làm ở Ai Cập hay Tunisia.
Phong trào biểu tình “Mùa xuân Arab” đã làm lung lay quyền lực 4 nhà lãnh đạo trong khu vực, trong đó 3 người phải ra đi và chỉ 1 người trụ lại được. Nhà lãnh đạo Libya Gaddafi đã bị giết trong một cuộc truy đuổi của phiến quân nổi dậy. Cái chết của ông Gaddafi mang tính chất của một cuộc nội chiến lật đổ chế độ có sự nhúng tay của phương Tây hơn là kết quả đích thực của những người nổi dậy trong phong trào “Mùa xuân Arab”.
Ở Yemen, Tổng thống Ali Abdullah Saleh thoái vị vào ngày 25-2-2012 trong cuộc biểu tình biến thành nội chiến giữa lực lượng Hồi giáo đối lập với quân đội chính phủ. 5 năm sau, ông Saleh đã tử vong trong một cuộc giao tranh giữa phiến quân Houthi và quân đội do Saudi Arabia hậu thuẫn. Còn ở Ai Cập, Tổng thống Hosni Mubarak và các con trai đã phải hầu tòa về các cáo buộc tham nhũng và lạm dụng quyền hành. Duy nhất chỉ có lãnh đạo Syria là ông Bashar al-Assad còn trụ lại đến ngày hôm nay.
Sau khi lật đổ các nhà lãnh đạo mà phương Tây gọi là “độc tài”, phong trào biểu tình “Mùa xuân Arab” ở các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi dường như đã không mang lại kết quả như mong muốn của người tham gia biểu tình. Cái mà họ cần là cuộc sống được cải thiện, được trao nhiều quyền hơn, tự do hành động nhiều hơn thì vẫn chưa tìm được. Cuộc sống của họ vẫn khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn trước khi có “Mùa xuân Arab”.
Đáng quan tâm nhất là những cuộc biểu tình “Mùa xuân Arab” đã biến tướng thành cuộc nội chiến tại một số quốc gia, như Libya, Syria, Yemen với sự can thiệp từ bên ngoài, gây bất ổn định nghiêm trọng về an ninh, chính trị không chỉ cho quốc gia sở tại mà còn ảnh hưởng lan ra các nước trong khu vực, kể cả châu Âu do làn sóng người tị nạn chiến tranh. Hàng triệu người Syria mất nhà cửa, điều kiện sinh sống đã tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan,... và châu Âu khiến cho những nơi này phải chịu áp lực từ gánh nặng xã hội phải chăm lo cho họ.
Cho đến nay, 10 năm sau khi bùng phát phong trào “Mùa xuân Arab”, những người tham gia cuộc biểu tình năm xưa vẫn còn tiếp tục đấu tranh cho những điều họ mong muốn tìm kiếm. Tại Tunisia, Ai Cập, sau biểu tình “Mùa xuân Arab”, người ta không hài lòng với lãnh đạo mới lên thay người đã bị lật đổ nên tiếp tục biểu tình lần thứ hai. Đặc biệt là tại Ai Cập, sau khi cựu Tổng thống Mubarak bị lật đổ, bị bắt và xét xử, người lên thay là Tổng thống Morsi cũng bị lật đổ, bị bắt và xét xử tương tự.
Điều đáng buồn cho “Mùa xuân Arab” ở Ai Cập là sau khi phản đối, lật đổ 2 vị tổng thống, xã hội lại trở về với sự lãnh đạo hà khắc mới, vẫn bị cấm đoán và kiểm soát chặt chẽ nhiều vấn đề tương tự như trước khi có “Mùa xuân Arab”.
(Nguồn: http://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/Mua-xuan-Arab-10-nam-nhin-lai-623924/)