Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019

PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM TÁCH RỜI VẤN ĐỀ DÂN TỘC VÀ GIAI CẤP TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY


Đại Nguyễn
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Trong đó vấn đề xuyên suốt, bao trùm nhất là vấn đề dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp thực sự là một vấn đề khoa học và hết sức sáng tạo, Người đã nắm chắc và bám sát thực tiễn cách mạng Việt Nam, cũng như mục tiêu, con đường phát triển của cách mạng. Tư tưởng ấy đã góp phần làm sáng tỏ thêm mối quan hệ không thể tách rời giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Thật vậy, lịch sử đã cho thấy từ khi dân tộc xuất hiện cho đến nay, dân tộc luôn gắn liền với giai cấp. Giai cấp đại biểu cho phương thức sản xuất thống trị luôn nắm quyền thống trị dân tộc. Do đó, không có dân tộc phi giai cấp và giai cấp thống trị dân tộc bao giờ cũng bảo vệ độc lập, tự chủ và phát triển dân tộc theo hình ảnh và lợi ích của giai cấp mình. Vì thế, việc giải quyết vấn đề dân tộc bao giờ cũng phụ thuộc vào lập trường, quan điểm của giai cấp thống trị dân tộc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ biện chứng giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp phản ánh sự kết hợp, gắn bó hữu cơ giữa hai quá trình đấu tranh cách mạng từ trước đến nay. Qua thực tiễn đấu tranh và lãnh đạo cách mạng Việt Nam tư tưởng ấy đã đáp ứng đòi hỏi của lịch sử, góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin; đó cũng chính là nguyên nhân, nguồn gốc sức mạnh của cách mạng Việt Nam trong những năm qua. Tư tưởng đó còn được kiểm nghiệm cụ thể trong giai đoạn Đảng ta lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ (1945-1954), giai đoạn tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng  - cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, trong đó cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là cơ sở vững chắc của cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà (1954-1975), cũng như giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh đang được Đảng, Nhà nước ta vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp đổi mới hơn 30 năm quan, nhằm ra sức phát triển kinh tế, văn hóa làm cho dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là luận điểm trung tâm, nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam, góp phần phát triển sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin, vào lý luận cách mạng xã hội trong thời kỳ mới.
Thế nhưng, trong những năm gần đây, đã có kiến cho rằng: Hồ Chí Minh là người “theo chủ nghĩa dân tộc”, bởi Việt Nam vốn là nước thuộc địa, nửa phong kiến, vấn đề dân tộc bao giờ cũng chi phối, khi nào Đảng nhấn mạnh vấn đề giai cấp thì đều dẫn đến sai lầm. Từ đó, họ đề xuất ý kiến theo hướng nhấn mạnh một chiều vấn đề dân tộc, tách vấn đề dân tộc khỏi vấn đề giai cấp, hạ thấp ý nghĩa quan trọng, bức thiết của vấn đề giai cấp, không lấy quan điểm giai cấp làm lập trường để xem xét, giải quyết vấn đề dân tộc.
Quan điểm cho rằng Hồ Chí Minh chỉ là người theo “chủ nghĩa dân tộc” đã tước bỏ tính giai cấp, làm mờ đi lập trường, quan điểm giai cấp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam. Thực chất, đó là sự tước bỏ nội dung cách mạng, tiên tiến nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh, muốn tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, tách rời độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cổ súy cho quan điểm muốn nước ta từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa, từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân dân ta đã và đang xây dựng. Theo họ, nước ta hiện nay chỉ nên đề ra và giải quyết những vấn đề dân tộc, còn vấn đề giai cấp không nên đặt ra. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh'” được họ đồng tình, nhưng giải thích theo hướng phi giai cấp, nghĩa là không nhất thiết phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Như thế, quan điểm Hồ Chí Minh chỉ là người theo “chủ nghĩa dân tộc” đi ngược lại lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - tư tưởng chỉ đạo chiến lược lớn xuyên suốt cả quá trình cách mạng Việt Nam. Quan điểm ấy muốn Việt Nam từ bỏ ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, từ bỏ con đường mà dân tộc ta đã lựa chọn từ trước đến nay. Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chỉ ra rằng, trong bất cứ giai đoạn nào, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đều phải kết hợp nhuần nhuyễn lợi ích giai cấp với lợi ích dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam luôn gắn bó hữu cơ với lý tưởng của giai cấp công nhân Việt Nam. Nền độc lập thật sự của dân tộc; tự do và hạnh phúc của nhân dân chỉ có thể đạt được một cách bền vững trong sự nghiệp cách mạng theo mục tiêu, lý tưởng của giai cấp công nhân. Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta đã xác định rõ: đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là quan niệm đúng đắn hơn về chủ nghĩa xã hội và thực hiện mục tiêu ấy bằng những hình thức; bước đi và biện pháp phù hợp với Việt Nam. Nói cách khác, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa là nguyên tắc cơ bản của quá trình đổi mới hiện nay.
Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Vì thế, hiện nay càng phải vững vàng trên lập trường giai cấp, đồng thời không được tuyệt đối hóa quan điểm giai cấp khi giải quyết vấn đề dân tộc, mọi nhận thức và hành động hy sinh lợi ích dân tộc vì lợi ích giai cấp và ngược lại đều là ngụy biện, sai lầm.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), được thông qua tại Đại hội XI, tiếp tục khẳng định bài học kinh nghiệm lớn đầu tiên là phải “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”. Mọi quan điểm tách rời độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là nhận thức chưa đầy đủ, chưa hiểu hoặc cố tình xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều đó sẽ dẫn đến không nhận rõ mục tiêu chính trị của Đảng; mơ hồ, thậm chí là dao động về tư tưởng, và tất yếu trong hành động sẽ dẫn đến mất định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự mơ hồ về chính trị, dao động về tư tưởng, mất định hướng trong hành động như vậy là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến nguy cơ chệch định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước mà Đảng ta đã chỉ ra, cần tích cực, chủ động đấu tranh ngăn chặn, khắc phục kịp thời cả trong nhận thức và hành động cách mạng./.  

ĐẤU TRANH CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI VỀ VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY


ĐẤU TRANH CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI VỀ VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Đại Nguyễn
Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về nhân quyền rất văn minh, tiến bộ được quy định trong Hiến pháp, pháp luật, được thể hiện qua chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; và được thực hiện thống nhất trong xã hội, với những nội dung cơ bản như: Nhân quyền là giá trị chung của nhân loại; Đảng, Nhà nước tôn trọng và bảo vệ những giá trị cao quý được nhân loại thừa nhận về quyền con người. Việt Nam tham gia và cam kết thực hiện đầy đủ các công ước quốc tế về quyền con người cả nghĩa vụ và trách nhiệm. Bảo đảm không tách rời việc thực hiện quyền con người trên phạm vi đất nước bằng hệ thống pháp luật với việc bảo đảm những giá trị về quyền con người đã được pháp luật quốc tế quy định. Nhân quyền (quyền con người) và chủ quyền (quyền quốc gia) cơ bản thống nhất. Sự nghiệp giải phóng con người phải gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội; quyền con người chỉ có và chỉ được thực hiện đầy đủ khi quyền độc lập dân tộc được thực hiện., Nhân quyền là giá trị có tính phổ biến được áp dụng phổ biến mọi lúc, mọi nơi, với mọi đối tượng nhưng mang tính đặc thù với bản sắc riêng phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, mang sắc thái văn hoá, lịch sử và truyền thống của quốc gia. Trong xã hội có đối kháng giai cấp, việc bảo đảm thực hiện nhân quyền mang tính chất giai cấp, phản ánh bản chất giai cấp, nhân quyền Việt Nam mang bản chất của giai cấp công nhân Việt Nam. Nhân quyền gắn với quyền công dân, được pháp luật bảo hộ; Nhà nước cam kết thực hiện đầy đủ và sẵn sàng đối thoại về vấn đề nhân quyền với tất cả các tổ chức và các quốc gia trên thế giới.
Đã nhiều năm nay, Chính phủ Mỹ và Nghị viện Liên minh châu Âu, cùng một số tổ chức quốc tế ban hành nhiều đạo luật, nghị quyết, báo cáo về nhân quyền trên thế giới trong đó có đánh giá nhân quyền ở Việt Nam. Phần lớn nội dung các đạo luật, nghị quyết được ban hành là trái với pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam. Nội dung các báo cáo về dân chủ, nhân quyền đều có tính chất sai trái, không phản ánh đúng thực tế tình hình dân chủ, nhân quyền của Việt Nam, từ đó các phần tử cơ hội lợi dụng vấn đề này để chống phá cách mạng nước ta. Có nhiều nội dung chủ quan, áp đặt, tự động thêm bớt nhằm làm phức tạp hoá các vấn đề về dân chủ, dân tộc, tôn giáo từ đó tố cáo và lên án Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quân sự, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Chúng lợi dụng và không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để dùng chiêu bài nhân quyền, sử dụng nhân quyền như một mục tiêu xuyên suốt để chống phá cách mạng Việt Nam; phá hoại cuộc sống hoà bình, ổn định của đất nước ta. Mục tiêu, thủ đoạn của chúng là thổi phồng, bóp méo các sự kiện; xuyên tạc sự thật về nhân quyền để kích động dân chúng chống Đảng, chống Nhà nước và đặc biệt nguy hiểm là chống lại lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Bằng việc tự ban hành các đạo luật, nghị quyết; tự nhào nặn ra các báo cáo đánh giá nhân quyền; với dụng ý xấu chúng đã xuyên tạc trắng trợn tình hình nhân quyền, sự thật và những tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam. Bất chấp pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, chúng ngang nhiên coi nhân quyền cao hơn chủ quyền, lợi dụng nhân quyền để can thiệp thô bạo vào nhiều vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia.
Luận điệu của chúng là thường xuyên kích động, xuyên tạc bóp méo, đổi trắng thay đen, làm cho thật giả lẫn lộn, biến không thành có, lúc ngọt nhạt dụ dỗ, lúc trắng trợn đe doạ; cố tình thổi phồng để đánh lừa và gây hoang mang trong dư luận xã hội. Thực hiện mưu đồ đen tối là thật giả lẫn lộn, nguỵ tạo để gây dựng các vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền nhằm chính trị hoá, xã hội hoá các vấn đề xã hội; làm cho các vấn đề xã hội vốn rất bình thường trở thành vấn đề chính trị nổi cộm, vấn đề xã hội bức xúc, khó giải quyết. Gây căng thẳng, mâu thuẫn giữa các tầng lớp xã hội với Đảng, với chính quyền và tạo ra những điểm nóng về chính trị - xã hội. Thâm hiểm hơn là kích động gây mâu thuẫn, xung đột giữa các dân tộc ở trong nước, gây tâm lý hằn thù dân tộc; kích động, gây mâu thuẫn giữa Việt Nam với các quốc gia, dân tộc có chủ quyền nhằm chống phá chính sách mở cửa, đối ngoại hoà bình của Đảng, Nhà nước ta. Thủ đoạn của chúng rất tinh vi, xảo quyệt; xuyên tạc, kích động tâm lý về bất công, bất bình đẳng xã hội, gieo rắc hận thù, tạo mâu thuẫn, xung đột giữa các tầng lớp xã hội, các bộ phận dân chúng với nhau và với các cấp chính quyền.
Trực tiếp và đa dạng nhất là việc chúng lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng Việt Nam, lấy các giá trị dân chủ, nhân quyền của phương Tây để áp đặt cho Việt Nam. Dùng chiêu bài dân chủ, chúng liên tục có những hành động bịa đặt, vu cáo Đảng, Nhà nước áp bức dân chủ; nhân dân Việt Nam không được thực hiện quyền tự do dân chủ, nhân quyền. Tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đưa vấn đề dân chủ, nhân quyền thành điều kiện trong việc giải quyết các quan hệ quốc tế. Lợi dụng dân chủ, nhân quyền để phá hoại về chính trị, tư tưởng; tác động tạo sự chuyển hoá nội bộ, thực hiện “diễn biến hoà bình”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Người ta sinh ra và mãi mãi tự do và bình đẳng về quyền. Các quyền ấy là: tự do, tư hữu, an ninh và chống áp bức”[1]. Nhân quyền trong thời đại ngày nay chỉ được bảo đảm bởi nhà nước pháp quyền tiến bộ, gắn liền với chế độ xã hội chủ nghĩa; và gắn với độc lập dân tộc, tự do của con người “Nhà nước ta tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của con người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”[2]. Bảo đảm thực thi nhân quyền bằng pháp luật quốc gia gắn với bảo đảm giá trị nhân quyền theo pháp luật quốc tế: “Chăm lo con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mọi người; tôn trọng và thực hiện điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”[3]. Do đó, với nỗ lực trong việc giải quyết các vấn đề về xoá đói, giảm nghèo; thực hiện chính sách an sinh xã hội; tích cực phòng chống thiên tai, dịch bệnh và đấu tranh chống chiến tranh phi nghĩa. Đảng, Nhà nước ta chủ trương tiếp tục giữ vững môi trường hoà bình và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm vững chắc độc lập và chủ quyền quốc gia, đồng thời góp phần tích cực tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội./.



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG - ST, Hà Nội, 2011, t.1, tr. 260
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr.85
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001, tr.120.

CHỐNG LẠI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH


CHỐNG LẠI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ DI CHÚC
CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
“Di chúc” thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn thể bộ đội đã vinh quang trường tồn qua nửa thể kỷ, tháng 5 tới đây ( 5/2019), bản Di chúc lịch sử tròn 50 tuổi. Đây là “Bảo vật quốc gia” vô giá gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh và con đường phát triển cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc trước kia cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Tuy nhiên, gần đây một số phần tử kém nhận thức, cố tình bóp méo, xuyên tạc đường lối của Đảng ta, đã cho rằng: Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề nhắc đến con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng còn rêu rao rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội là đi ngược lại ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Những luận điệu đó thực chất nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta, phủ định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Đọc lại Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta thấy nhận định này hoàn toàn sai lầm, thể hiện ít nhất qua 3 vấn đề lớn sau đây
Thứ nhất, Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc đến cụm từ “chủ nghĩa xã hội”, “xã hội chủ nghĩa” hoặc các vấn đề liên quan đến đảng cộng sản.
Trong bản Di chúc viết năm 1965, đoạn nói về đoàn viên thanh niên, Hồ Chí Minh viết: “Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa “chuyên’". (Chúng tôi nhấn mạnh ở những chỗ in nghiêng). Câu này cũng được Hồ Chí Minh lặp lại ở bản Di chúcviết năm 1969. Còn trong bản năm 1968, Người khẳng định những chiến sĩ trẻ tuổi và thanh niên xung phong “là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Cũng trong năm này, người viết: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”.
Thứ hai, Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập các nội dung, yêu cầu mà Đảng phải thực hiện, qua đó khẳng định mục tiêu cao đẹp của Đảng ta là phải lãnh đạo xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trong Di chúc năm 1965, Người viết: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Trong bản Di chúc viết năm 1968, Hồ Chí Minh bổ sung nhiều nội dung quan trọng. Người khẳng định: “Đầu tiên làcông việc đối với con người”. Người đã nhắc đến các đối tượng: “những người đã dũng cảm hi sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), “các liệt sĩ”, cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ)”, “những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong”, phụ nữ… Và đây, lời nhắn nhủ đối với người vốn bị coi là tầng lớp “dưới đáy xã hội”, đặc biệt trong xã hội tư bản thì không bao giờ được quan tâm, chăm sóc, nhưng Hồ Chí Minh lại dặn dò rất kỹ: “Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu... thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”. Điều đó khẳng định tình yêu thương con người bao la của một người cộng sản, một người cách mạng suốt đời trung thành, tận tụy và không ngừng phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp đó. Và, điều mong muốn cuối cùng của Hồ Chí Minh là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (Di chúc năm 1965 và năm 1969). Điều đó càng khẳng định mục tiêu xây dựng đất nước theo tư tưởng của Hồ Chí Minh là từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.
Thứ ba, Hồ Chí Minh nhắc đến yêu cầu đoàn kết của phong trào cộng sản trên thế giới.
Trong bản Di chúc viết năm 1965 và năm 1969, trước khi nói về “việc riêng”, Hồ Chí Minh dành một đoạn nói về phong trào cộng sản thế giới, “là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em! Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình. Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”. Tức là trong 4 năm đó, Người vẫn đau đáu với những vấn đề nội tại của các nước xã hội chủ nghĩa; trên thực tế, sự mất đoàn kết không có dấu hiệu giảm đi mà ngày phức tạp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời trung thành với lý tưởng cộng sản, từ lúc tìm ra con đường giải phóng dân tộc cho đến lúc lãnh đạo cuộc cách mạng giành độc lập, tự do cho dân tộc và sau này lãnh đạo các cuộc kháng chiến. Điều đó hoàn toàn nhất quán trong các tác phẩm của Người, kể cả trong Di chúc viết vào những năm cuối đời.
Chúng ta phải luôn tỉnh táo, không mất cảnh giác trước những luận điệu chống phá, xuyên tạc về Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh để chúng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội do Đảng lãnh đạo. Đây là một thủ đoạn nguy hiểm của kẻ thù, mỗi đảng viên cần học tập, nghiên cứu kỹ bản Di chúc  để không mắc bẫy kẻ thù, đồng thời đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái đó.
                                                                                                                                 “504”

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...