Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019

PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM TÁCH RỜI VẤN ĐỀ DÂN TỘC VÀ GIAI CẤP TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY


Đại Nguyễn
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Trong đó vấn đề xuyên suốt, bao trùm nhất là vấn đề dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp thực sự là một vấn đề khoa học và hết sức sáng tạo, Người đã nắm chắc và bám sát thực tiễn cách mạng Việt Nam, cũng như mục tiêu, con đường phát triển của cách mạng. Tư tưởng ấy đã góp phần làm sáng tỏ thêm mối quan hệ không thể tách rời giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Thật vậy, lịch sử đã cho thấy từ khi dân tộc xuất hiện cho đến nay, dân tộc luôn gắn liền với giai cấp. Giai cấp đại biểu cho phương thức sản xuất thống trị luôn nắm quyền thống trị dân tộc. Do đó, không có dân tộc phi giai cấp và giai cấp thống trị dân tộc bao giờ cũng bảo vệ độc lập, tự chủ và phát triển dân tộc theo hình ảnh và lợi ích của giai cấp mình. Vì thế, việc giải quyết vấn đề dân tộc bao giờ cũng phụ thuộc vào lập trường, quan điểm của giai cấp thống trị dân tộc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ biện chứng giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp phản ánh sự kết hợp, gắn bó hữu cơ giữa hai quá trình đấu tranh cách mạng từ trước đến nay. Qua thực tiễn đấu tranh và lãnh đạo cách mạng Việt Nam tư tưởng ấy đã đáp ứng đòi hỏi của lịch sử, góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin; đó cũng chính là nguyên nhân, nguồn gốc sức mạnh của cách mạng Việt Nam trong những năm qua. Tư tưởng đó còn được kiểm nghiệm cụ thể trong giai đoạn Đảng ta lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ (1945-1954), giai đoạn tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng  - cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, trong đó cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là cơ sở vững chắc của cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà (1954-1975), cũng như giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh đang được Đảng, Nhà nước ta vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp đổi mới hơn 30 năm quan, nhằm ra sức phát triển kinh tế, văn hóa làm cho dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là luận điểm trung tâm, nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam, góp phần phát triển sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin, vào lý luận cách mạng xã hội trong thời kỳ mới.
Thế nhưng, trong những năm gần đây, đã có kiến cho rằng: Hồ Chí Minh là người “theo chủ nghĩa dân tộc”, bởi Việt Nam vốn là nước thuộc địa, nửa phong kiến, vấn đề dân tộc bao giờ cũng chi phối, khi nào Đảng nhấn mạnh vấn đề giai cấp thì đều dẫn đến sai lầm. Từ đó, họ đề xuất ý kiến theo hướng nhấn mạnh một chiều vấn đề dân tộc, tách vấn đề dân tộc khỏi vấn đề giai cấp, hạ thấp ý nghĩa quan trọng, bức thiết của vấn đề giai cấp, không lấy quan điểm giai cấp làm lập trường để xem xét, giải quyết vấn đề dân tộc.
Quan điểm cho rằng Hồ Chí Minh chỉ là người theo “chủ nghĩa dân tộc” đã tước bỏ tính giai cấp, làm mờ đi lập trường, quan điểm giai cấp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam. Thực chất, đó là sự tước bỏ nội dung cách mạng, tiên tiến nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh, muốn tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, tách rời độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cổ súy cho quan điểm muốn nước ta từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa, từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân dân ta đã và đang xây dựng. Theo họ, nước ta hiện nay chỉ nên đề ra và giải quyết những vấn đề dân tộc, còn vấn đề giai cấp không nên đặt ra. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh'” được họ đồng tình, nhưng giải thích theo hướng phi giai cấp, nghĩa là không nhất thiết phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Như thế, quan điểm Hồ Chí Minh chỉ là người theo “chủ nghĩa dân tộc” đi ngược lại lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - tư tưởng chỉ đạo chiến lược lớn xuyên suốt cả quá trình cách mạng Việt Nam. Quan điểm ấy muốn Việt Nam từ bỏ ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, từ bỏ con đường mà dân tộc ta đã lựa chọn từ trước đến nay. Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chỉ ra rằng, trong bất cứ giai đoạn nào, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đều phải kết hợp nhuần nhuyễn lợi ích giai cấp với lợi ích dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam luôn gắn bó hữu cơ với lý tưởng của giai cấp công nhân Việt Nam. Nền độc lập thật sự của dân tộc; tự do và hạnh phúc của nhân dân chỉ có thể đạt được một cách bền vững trong sự nghiệp cách mạng theo mục tiêu, lý tưởng của giai cấp công nhân. Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta đã xác định rõ: đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là quan niệm đúng đắn hơn về chủ nghĩa xã hội và thực hiện mục tiêu ấy bằng những hình thức; bước đi và biện pháp phù hợp với Việt Nam. Nói cách khác, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa là nguyên tắc cơ bản của quá trình đổi mới hiện nay.
Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Vì thế, hiện nay càng phải vững vàng trên lập trường giai cấp, đồng thời không được tuyệt đối hóa quan điểm giai cấp khi giải quyết vấn đề dân tộc, mọi nhận thức và hành động hy sinh lợi ích dân tộc vì lợi ích giai cấp và ngược lại đều là ngụy biện, sai lầm.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), được thông qua tại Đại hội XI, tiếp tục khẳng định bài học kinh nghiệm lớn đầu tiên là phải “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”. Mọi quan điểm tách rời độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là nhận thức chưa đầy đủ, chưa hiểu hoặc cố tình xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều đó sẽ dẫn đến không nhận rõ mục tiêu chính trị của Đảng; mơ hồ, thậm chí là dao động về tư tưởng, và tất yếu trong hành động sẽ dẫn đến mất định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự mơ hồ về chính trị, dao động về tư tưởng, mất định hướng trong hành động như vậy là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến nguy cơ chệch định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước mà Đảng ta đã chỉ ra, cần tích cực, chủ động đấu tranh ngăn chặn, khắc phục kịp thời cả trong nhận thức và hành động cách mạng./.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...