Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Năm thắng lợi của ngoại giao đa phương


Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, ngoại giao đa phương đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt khi tham gia vào một loạt sự kiện đối ngoại quan trọng của nước nhà trong năm 2021. 

Vài năm trở lại đây, ngoại giao đa phương của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc khi tham gia vào một loạt sự kiện quốc tế quan trọng như: Nước chủ nhà đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017, Hội nghị WEF ASEAN năm 2018, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên năm 2019, Chủ tịch ASEAN, AIPA 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021.

Ngoài ra, còn nhiều hoạt động đa phương khác có sự tham gia của các bộ, ngành. Đặc biệt, năm 2021 là năm thắng lợi của ngoại giao nước nhà khi Việt Nam được bầu là thành viên của Ủy ban Thương mại quốc tế của LHQ (UNCITRAL), ký được thỏa thuận xây dựng trụ sở của Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) tại Việt Nam cũng như lần thứ hai có người được bầu là thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) của LHQ với số phiếu cao hơn lần trước.

Điều này chứng tỏ cộng đồng quốc tế ngày càng tin tưởng vào vai trò của Việt Nam cũng như năng lực của cán bộ ngoại giao Việt Nam.

Những dấu ấn ngoại giao đa phương của Việt Nam khi tham gia vào HĐBA được Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế Đỗ Hùng Việt nhắc đến trước hết là Việt Nam có lập trường nguyên tắc dựa trên luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, luôn quan tâm đến lợi ích chính đáng và tiếng nói của các bên liên quan, qua đó tạo dựng được ý kiến đồng thuận.

“Bên cạnh đó, Việt Nam đã thúc đẩy một loạt ưu tiên và hoàn thành tương đối tốt. Chúng ta thúc đẩy để tăng cường vai trò, tiếng nói, sự hiện diện của ASEAN tại LHQ. Ví dụ, khi bàn thảo về vấn đề Myanmar, Việt Nam luôn mời đại diện của ASEAN tham gia phát biểu, chia sẻ quan điểm, đánh giá về tình hình ở Myanmar. Đây là vấn đề rất mới, bởi bắt đầu từ năm 2020, ASEAN mới hiện diện và đóng góp ý kiến tại HĐBA”, Trợ lý Bộ trưởng Đỗ Hùng Việt kể lại.

Đồng quan điểm trên, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, Thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế, cho rằng lần đầu là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam trong giai đoạn khẳng định vị trí của mình. Ở nhiệm kỳ thứ hai, Việt Nam đã chủ động trong nhiều vấn đề.

Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, đóng góp lớn nhất của Việt Nam ở HĐBA LHQ là thúc đẩy tiến trình xây dựng lực lượng Gìn giữ hòa bình LHQ. Việt Nam cũng nói lên tiếng nói của các nước đang phát triển để giải quyết xung đột ở những “điểm nóng” như Sudan, Ethiopia và một số nước khác. Lần đầu tiên Đại hội đồng LHQ lấy ngày 27-12 là Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh theo sáng kiến của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam và Đức còn đồng sáng kiến thành lập Câu lạc bộ các nước về Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, với 112 nước tham gia.

“Tại HĐBA, Việt Nam tham gia giải quyết những xung đột ở châu Phi, Trung Đông để làm gì, thu lợi được gì?”. Câu hỏi này được Vụ trưởng Đỗ Hùng Việt giải đáp rằng, nhiệm vụ hàng đầu của nền ngoại giao Việt Nam chính là tạo dựng môi trường hòa bình để phát triển.

Khi Việt Nam hội nhập, có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thành viên LHQ thì sự hiện diện, giao thương của Việt Nam đã ở khắp nơi trên thế giới. Ở nơi nào có sự hiện diện của người dân, doanh nghiệp Việt Nam, ở đó có lợi ích của Việt Nam.

Vì thế, khi tham gia vào HĐBA, dù đóng góp ít hay nhiều để mang lại ổn định, hòa bình cho các nước, cũng là mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân Việt Nam. “Có thể chúng ta không nhìn thấy ngay lập tức, nhưng 5, 10, thậm chí 15 năm sau, chúng ta mới thấy sự tham gia này quan trọng như thế nào”, ông Việt nhấn mạnh.

Song, có những việc mà ngoại giao đa phương vừa làm đã mang lợi ích tức thì. Khi dịch Covid-19 mới bùng phát, cơ chế đa phương gần như bị tê liệt. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, các tổ chức chuyên môn, các cơ chế đa phương từ khu vực như ASEAN cho đến liên khu vực như ASEM, APEC, G20 và các tổ chức chuyên môn của LHQ như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có vai trò điều phối rất quan trọng.

Điển hình là cơ chế COVAX do WHO, Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng ứng phó dịch bệnh (CEPI), Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đồng sáng lập. Cơ chế này ngay khi thành lập đã xác định mục tiêu cung cấp đủ lượng vaccine cho 20% dân số thế giới, trong đó Việt Nam có thể tiếp nhận 39 triệu liều vaccine ngay từ đầu.

Vụ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, những liều vaccine đầu tiên tiêm cho người dân Việt Nam đến từ cơ chế COVAX. Cái khó của giai đoạn đầu là khan hiếm nguồn cung, do đó công tác vận động càng phải quyết liệt. Nhân tố quyết định chính là sự vào cuộc của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước.

Một yếu tố rất quan trọng được COVAX tính đến khi cung cấp vaccine cho Việt Nam chính là năng lực của hệ thống y tế trong việc triển khai tiêm chủng.

“Chúng ta đã đi gom từng liều vaccine, có những lô vaccine cả triệu liều, nhưng có lô chỉ 30.000 liều. Có lần, biết tin một quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương không tiêm hết vaccine trong thời gian ngắn nên Việt Nam đã đề nghị WHO, COVAX chuyển số vaccine đó cho chúng ta. Chúng ta đã sẵn sàng tiếp nhận và triển khai rất nhanh lượng vaccine đó”, Vụ trưởng Đỗ Hùng Việt nhớ lại.

Năm 2021 đã khép lại với những thành tựu nổi bật của ngoại giao đa phương, góp phần quan trọng trong những dấu ấn nổi bật của ngành ngoại giao nói chung. Khi Việt Nam kết thúc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, nhiệm vụ đặt ra đối với ngoại giao đa phương ngày càng nặng nề hơn.

Hiện nay, Vụ Các tổ chức quốc tế-Bộ Ngoại giao đang xây dựng kế hoạch để tiếp tục ứng cử vào vị trí lãnh đạo khác của LHQ. Ngoài việc ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam dự kiến sẽ ứng cử vào một số cơ chế, tổ chức khác của LHQ, đồng thời tiếp nối sáng kiến, ưu tiên đã triển khai; tăng cường tham gia xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống, đặc biệt là dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Vụ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh, đây là những lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều dư địa để phát huy vai trò hơn nữa trong thời gian tới.

Nguồn: Báo QĐND

Chiêu trò lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước

Để chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch từ lâu xem tôn giáo là một trong những mũi nhọn để công kích, chống phá. Những đối tượng phản động, cơ hội chính trị lợi dụng tôn giáo và quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo để kích động và tiến hành các hoạt động chống chính quyền, chống chế độ XHCN dưới chiêu bài “đấu tranh cho tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền”, tiến tới phủ nhận, xóa bỏ vai trò của Đảng, Nhà nước ta.

Trước hết, các thế lực thù địch đi sâu tuyên truyền, gieo rắc tâm lý cho rằng: “CNXH không chấp nhận tôn giáo, xóa bỏ tôn giáo; công dân theo đạo không được xét, kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam”; cố gắng tạo ra khoảng cách cũng như dùng các thủ đoạn làm tăng sự đối kháng giữa tôn giáo với đời sống hiện thực để kích động tôn giáo chống lại Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch không những phủ nhận những kết quả trong công tác tôn giáo mà còn ra sức lợi dụng tôn giáo, coi tôn giáo là vũ khí lợi hại để chống phá sự nghiệp cách mạng với nhiều chiêu thức thâm độc, tinh vi, xảo quyệt; khi thì bí mật, lúc thì trắng trợn, công khai.

Chúng tổ chức xây dựng các tổ chức lấy danh xưng tôn giáo cùng với việc thiết lập các trang mạng xã hội như: Youtube, facebook, blog… để phát tán, đăng tải các video, hình ảnh, bài viết với danh nghĩa các tôn giáo để đả kích, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Họ đi sâu vào những mặt trái của xã hội để quy kết, hạ thấp thanh danh của Đảng, Nhà nước ta, thậm chí cố tình “diễn trò”, lợi dụng về đức tin và sự gắn kết cộng đồng của tôn giáo nhằm lôi kéo, tập hợp lực lượng chống phá cách mạng hay tìm mọi cách chia rẽ các tôn giáo với nhau, chia rẽ người có tôn giáo với người không có tôn giáo, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận nhân dân với hệ thống chính trị.

Trong giai đoạn hiện nay, tôn giáo ở Việt Nam đều có mối quan hệ quốc tế sâu sắc. Đây chính là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch lợi dụng, sử dụng mọi chiêu trò để vu khống Đảng, Nhà nước ta “xâm phạm quyền tự do, đàn áp tôn giáo”; từ đó, kêu gọi các tổ chức, cộng đồng quốc tế lên tiếng, can thiệp. Bằng hình thức lôi kéo, cổ súy, hậu thuẫn cho một số linh mục, chức sắc tôn giáo có nhiều tham vọng chính trị và lợi dụng đức tin của các tín đồ đã tuyên truyền, xuyên tạc hết sức phản động về Đảng, chế độ, chính quyền các cấp; ngang nhiên phát thư ngỏ trên mạng xã hội, kêu gọi, kích động một bộ phận nhân dân có đạo gây rối.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc song phát triển không đều về kinh tế, văn hóa, xã hội. Đời sống dân trí và các hoạt động xã hội giữa thành thị với nông thôn, miền xuôi với miền núi, vùng có đạo và không có đạo còn có sự chênh lệch. Các dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng núi cao, địa bàn có vị trí chiến lược nhưng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Dựa vào đặc điểm địa lý; khó khăn về kinh tế, văn hóa, xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số, các thế lực thù địch đã lợi dụng để hình thành, phát triển những tôn giáo cực đoan, dị dạng trái với các giá trị văn hóa của tôn giáo, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc, từ đó thúc đẩy kết hợp chống phá sự nghiệp cách mạng cả về vấn đề dân tộc và tôn giáo.

Trong quá trình lãnh đạo, quản lý đất nước, Đảng, Nhà nước ta vừa quan tâm, chăm lo, bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo, vừa tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân về đường lối, chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, vừa quan tâm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các tôn giáo hoạt động, phát triển bình đẳng trong khuôn khổ pháp luật. Điều này thể hiện rõ trong quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước ta.

Điều 24 Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được nhìn nhận là quyền tự nhiên của con người - tức đã là con người, ai cũng được thụ hưởng, đó là quyền bẩm sinh của con người, con người sinh ra đã có quyền đó. Một điểm nữa để khẳng định rõ hơn chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là việc có nhiều hơn những người theo tôn giáo được kết nạp Đảng.

Tự do ngôn luận ở Việt Nam luôn được Hiến pháp bảo đảm

Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Hay như trong các luật được ban hành thời gian gần đây, như Luật Tiếp cận thông tin (năm 2013); Luật Báo chí (năm 2016); Luật An ninh mạng (năm 2018)..., quyền tự do ngôn luận luôn được tôn trọng và bảo đảm.

Trước những diễn biến mới trên mặt trận tư tưởng, ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Tiếp đó, ngày 25-3-2019, Ban Bí thư ban hành Kế hoạch số 14-KH/TW thực hiện Nghị quyết số 35. Theo Kế hoạch số 14, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 35 cần gắn với việc tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng có liên quan. Riêng vấn đề chống lại việc lợi dụng “tự do ngôn luận” để tùy ý “ngôn luận tự do” nhằm lôi kéo, kích động, gây bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp cơ bản như sau:

Thứ nhất, sớm kiện toàn việc xây dựng lực lượng chuyên trách theo hướng tinh gọn, đủ mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW. Đồng thời, phát huy cao nhất trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, trước hết là của người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch... Lực lượng chuyên trách là những người chủ lực, tiên phong trong việc thực hiện nhất quán, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, quan điểm cũng như các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 35-NQ/TW, với kế hoạch trước mắt, lâu dài, cùng lộ trình ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và những trường hợp đột xuất phù hợp với tình hình thực tiễn một cách linh động, khoa học, sát hợp.

Việc hình thành lực lượng chuyên trách, tinh nhuệ trên mọi lĩnh vực, để có thể kịp thời phát hiện, bóc trần những âm mưu, thủ đoạn mà thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cố tình gây ra và đấu tranh chống lại những âm mưu đen tối bằng nhiều phương thức khác nhau, trên cả các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như trên không gian mạng, giúp đông đảo người dân hiểu rõ bản chất của thông tin, miễn nhiễm với thứ “ngôn luận tự do” vô lối, trái pháp luật và nhận ra, hiểu rõ dã tâm của những phần tử quá khích, kích động, chống phá...

Thứ hai, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền nội dung của Nghị quyết số 35-NQ/TW, Kế hoạch số 14-KH/TW một cách thường xuyên, sáng tạo, khoa học, dễ nhớ, dễ hiểu, tránh khô cứng, sáo mòn, giáo điều, khó đi vào cuộc sống. Cần tuyên truyền sâu rộng, thiết thực 4 nhiệm vụ thường xuyên tại Kế hoạch số 14-KH/TW đã được xác định rõ, đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường thông tin tích cực; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong tình hình mới; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị; tăng cường quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm... Đồng thời, các cấp, các ngành chức năng cần kịp thời cung cấp thông tin chính xác, khách quan để đấu tranh phản bác, định hướng dư luận trước những thông tin trái với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp cấp ủy cơ sở có sự định hướng kịp thời...

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, đặc biệt là về hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế, công bằng xã hội,... để tạo gốc rễ, nền tảng vững chắc góp phần đẩy mạnh công cuộc phát triển đất nước. Có như thế, mới không tạo ra những “kẽ hở”, những “khoảng trống” cho việc hình thành, phát sinh, tồn tại “nhóm lợi ích”, những quan tham, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong xã hội... Bên cạnh đó, cần phát huy những kết quả tích cực đã đạt được trong phát triển kinh tế  - xã hội những năm qua, để tạo đà cho những sự bứt phá tiếp theo, với kỳ vọng sẽ đạt được những thành tựu nổi bật hơn nữa trong thúc đẩy đà tăng trưởng, nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền trong cả nước...

Thứ tư, xây dựng, thiết lập hệ thống các giải pháp tuyên truyền đồng bộ, sát hợp, hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên không gian mạng, góp phần nhận diện, chủ động đấu tranh sớm, kịp thời, hiệu quả trước mọi thủ đoạn tấn công, phá hoại của các thế lực thù địch. Các cơ quan báo chí cần tổ chức thông tin cân bằng hơn, tăng cường thông tin về các mặt tích cực, tốt đẹp trong xã hội, tránh tình trạng mất cân bằng thông tin, khiến các thế lực thù địch, phản động dựa vào đó và nhân danh “tự do ngôn luận” để xuyên tạc, vu khống đất nước bằng những gam màu xám... Các cơ quan báo chí cần tăng cường thời lượng cho các chuyên mục đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tránh chỉ dồn việc cho vài cơ quan báo chí vốn lâu nay chuyên đảm trách vấn đề này... Đồng thời, cần thiết phải hình thành, duy trì hoạt động hiệu quả các trang thông tin trên mạng xã hội, nhất là trên mạng xã hội Facebook được tổ chức khoa học, bài bản, với đội ngũ phụ trách chuyên nghiệp nhằm kịp thời, chủ động nhận diện, đấu tranh bài bản, khoa học, xác đáng, thuyết phục, hiệu quả trước các âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động...

Thứ năm, cần kịp thời phát hiện, nhận diện để đấu tranh, nghiêm trị những phần tử phá hoại núp dưới danh nghĩa “yêu nước”, “nhân quyền”, “đòi công lý cho nhân dân” để kích động, tạo lập các mầm mống gây bạo loạn, lật đổ,... trên tất cả các phương diện, hình thức khác nhau. Phải khu biệt, cô lập, xác định đúng đối tượng phản động, phá hoại, kích động, chủ mưu trong từng vụ, việc, cũng như đã cố tình vi phạm cả thời gian dài, có hệ thống để đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật...

Cảnh giác với chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để gây nhiễu thông tin, chống phá Đảng, Nhà nước

Phát huy dân chủ, quyền làm chủ, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong giám sát, phản biện tích cực nhằm mang lại những kết quả tích cực là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy vậy, một thực tế rất đáng quan tâm là không ít đối tượng lợi dụng phản biện xã hội (PBXH) để gây nhiễu thông tin, tạo ra những mâu thuẫn trong xã hội. Đặc biệt, các thế lực thù địch, một số tổ chức phản động đã móc nối, gieo mầm, nuôi dưỡng các đối tượng này để sử dụng làm công cụ chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Để thực hành PBXH với ý nghĩa tích cực, phải dựa trên nền tảng tri thức, thái độ khách quan, lấy lợi ích của cộng đồng làm mục đích... Nếu không, PBXH sẽ dễ chỉ là ý kiến chủ quan, cảm tính và phiến diện, thậm chí cực đoan, không đóng góp với tiến trình phát triển của xã hội, của đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có không ít cá nhân xem và sử dụng PBXH như một “chiêu bài” để thực hiện một ý đồ, một mục tiêu nào đó hoàn toàn không nhằm mang lại lợi ích xã hội.

Thực tế cho thấy, trước mỗi kỳ đại hội Đảng hay trước mỗi lần sửa đổi Hiến pháp, ban hành các đạo luật, tổ chức các sự kiện lớn, những vấn đề hệ trọng của đất nước..., Đảng và Nhà nước ta đều công bố rộng rãi các văn kiện dự thảo, đưa ra quan điểm, chủ trương để lấy ý kiến thảo luận, đóng góp của toàn dân. Đại đa số nhân dân có ý thức trách nhiệm cao, luôn coi mỗi đợt đóng góp ý kiến là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và hưởng ứng tích cực. Các cơ quan chức năng luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận sớm, hướng dẫn người dân nghiên cứu, bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về từng nội dung trong dự thảo các văn kiện và những vấn đề quan trọng. Tất cả ý kiến dù đồng thuận hay không đồng thuận đều được cơ quan chức năng tổng hợp báo cáo với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để xem xét quyết định.

Tuy vậy, với những người có động cơ xấu, nhằm mục đích chống phá đất nước, lại không bày tỏ quan điểm theo quy trình tổ chức và các kênh chính thống. Các đối tượng triệt để lợi dụng ưu thế của internet, nhất là mạng xã hội (MXH) để tiến hành các hoạt động chống phá núp dưới danh nghĩa PBXH. Dưới sự giật dây của các thế lực thù địch, một số phần tử cơ hội trong nước và cả ở nước ngoài đã soạn ra các văn bản dưới dạng “tâm thư”, “thư góp ý”, thậm chí họ còn soạn hẳn một dự thảo văn kiện mới, hoàn toàn khác với dự thảo văn kiện chính thống được công bố... để thể hiện những ý kiến trái ngược với quan điểm của Đảng, Nhà nước. Để minh họa cho những quan điểm sai trái đã nêu, núp dưới chiêu bài PBXH, họ dựng chuyện, tung ra nhiều thông tin thất thiệt, tuyên truyền xuyên tạc, nhằm gây nhiễu loạn thông tin, gây bất ổn trong dư luận. Trên không gian mạng, họ lập ra các hội, nhóm trá hình… để tuyên truyền, lôi kéo những người nhẹ dạ, tán phát các ý kiến tiêu cực, đi ngược với chủ trương, đường lối của Đảng.

Ngoài sử dụng những đối tượng PBXH đã được móc nối, để chống phá đất nước, các thế lực thù địch đặc biệt quan tâm đến việc phát triển lực lượng “phản biện” mới. Đối tượng PBXH là giới trẻ, cán bộ, đảng viên, công chức... được chúng đặc biệt để mắt. Cùng với tài trợ về tài chính, chúng còn hướng dẫn nội dung, kế hoạch hoạt động liên kết thành mạng lưới. Khi xuất hiện những quan điểm đi ngược chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên không gian mạng, thì ngay lập tức chúng huy động lực lượng “chân rết” vào bình luận, chia sẻ, tung hô... để gây bất ổn trong dư luận.

Bên cạnh việc phản biện có thể giúp điều chỉnh xã hội từ vi mô tới vĩ mô, thì mặt khác, phản biện cũng biểu thị cho tính dân chủ của xã hội. Vấn đề là ở chỗ, phản biện phải hướng tới ổn định và phát triển, không phải dùng phản biện nhằm gây mơ hồ, làm lạc hướng nhận thức chung, càng không gây ra sự ngộ nhận, nhầm lẫn trong dư luận… Do vậy, muốn làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng PBXH để gây nhiễu thông tin, chống phá đất nước của các thế lực thù địch, việc tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động PBXH cần được quan tâm, chú trọng.

Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, khi tiếp cận với những thông tin, tài liệu, nhất là những nội dung thuộc quan điểm về các vấn đề hệ trọng, nhạy cảm của đất nước tán phát trên MXH, cần phải tỉnh táo nhận diện đâu là thông tin tốt, đâu là thông tin xấu, đâu là thông tin có cơ sở khách quan, đâu là thông tin xuyên tạc. Nâng cao hiểu biết, tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết là cách tốt nhất để mỗi người nâng cao “sức đề kháng”, tránh bị cuốn theo những giọng điệu xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch.

Hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các tổ chức “xã hội dân sự”

Hiện nay ở nước ta, bên cạnh các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, còn có một loại tổ chức tự xưng dưới danh nghĩa là “xã hội dân sự”(XHDS). Mặc dù có những đóng góp nhất định trong hoạt động xã hội, nhưng nhiều tổ chức có hoạt động trái phép hoặc bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước.

Có nhiều khái niệm khác nhau, nhưng  chung nhất  của XHDS hoạt động trong lĩnh vực xã hội là theo tôn chỉ tự nguyện, phi lợi nhuận, không ràng buộc bởi nhà nước. Tên gọi có thể là nhóm, hội, tổ chức, câu lạc bộ hoặc tổ chức phi chính phủ (NGO). Mặt tích cực của XHDS là có những hoạt động thúc đẩy kỹ năng, kiến thức cho cộng đồng, góp phần hữu ích cho xã hội khi Nhà nước chưa thể với tới. Tuy nhiên, nhiều tổ chức về danh nghĩa cương lĩnh, điều lệ không chống Nhà nước nhưng lại có xu thế phản kháng, làm trái hoặc được bên ngoài lợi dụng hoạt động chống đối. Nhiều tổ chức hoạt động chống phá dưới hình thức “phản biện”, “nghiên cứu phát triển” và có những hội công khai chống đối.

Nhìn ra thế giới trong những năm gần đây, để nhận rõ hơn bản chất của các tổ chức XHDS. Đầu năm  2011, chính biến nổ ra ở Bắc Phi, Trung Đông, bắt đầu từ Tuynidi, lan sang Ai Cập, Li Bi cho đến Syria đều có vai trò thúc đẩy sụp đổ các chính phủ, do NGO của một số nước tiến hành. Các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội cùng với các tổ chức dân sự đã đưa ra nhiều phương thức khác nhau nhằm kích động, dẫn dắt những cuộc biểu tình đường phố, trở thành những làn sóng bạo loạn. Bắt đầu là biểu tình nhỏ, từ một vài nhóm người có bức xúc, dần dần được tác động từ bên ngoài thông qua NGO nội địa đã tập hợp hàng chục ngàn người tham gia. Ở Ukraina trước đây, với gần 200 tổ chức XHDS đã trở thành lực lượng nòng cốt kích động quần chúng gây nên những cuộc bạo loạn đường phố, tạo nên “cách mạng màu cam”.

Nhiều năm qua, các tổ chức XHDS ở nước ta đã lợi dụng hoặc dựa bên ngoài để hoạt động chống phá như đã làm ở nhiều nước. Đặc điểm chung nhất là các tổ chức dạng này không xin phép thành lập, tập hợp những người có tư tưởng chống đối hoặc dưới danh nghĩa phản biện. Ban đầu là đề cao vai trò “phản biện”, triệt để lợi dụng tính đa dạng hoạt động nhiều mặt nhằm hình thành nhiều luồng tư tưởng khác nhau. Từ đa nguyên tư tưởng hình thành đa nguyên chính trị và sau cùng là hình thành tổ chức chính trị đối lập với Đảng. Nhiều hội được hình thành với hình thức đa dạng để tạo tiền đề cho bầu cử dân chủ, công khai cạnh tranh với Đảng khi có điều kiện. Mục tiêu mà các tổ chức XHDS hướng đến là những người “bất đồng chính kiến”, cơ hội chính trị, người có quan điểm trái chiều hoặc thiếu nhận thức. Dưới danh nghĩa “phản biện”, “góp ý” bằng “thỉnh nguyện”, “ thư ngỏ” đòi thay đổi Hiến pháp, xóa bỏ vai trò của Đảng Cộng sản, đổi tên nước, từ bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và tổ chức các cuộc biểu tình biến tướng.

Nhiều tổ chức trong nước có mối liên hệ và được bên ngoài tài trợ kinh phí đã thường xuyên tổ chức các hoạt động trái phép, chống đối. Vào những dịp có sự kiện lớn của đất nước hoặc khi đồng bọn bị bắt, chúng lại rộ lên những “chiến dịch” phản ứng quyết liệt, đòi nhà nước trả tự do không điều kiện cho “các nhà dân chủ” mà chúng gọi là “tù nhân lương tâm”. Dưới danh nghĩa “yêu nước”, “bảo vệ biển đảo”, nhiều tổ chức đã tập hợp lực lượng biểu tình ở các đô thị dưới chiêu bài “bất bạo động”, “ôn hòa”. Mục đích là lôi kéo đông người, thăm dò phản ứng của chính quyền, mặt khác quay phim, chụp ảnh gửi ra bên ngoài để khuếch trương, xin tài trợ. Không ít kẻ cầm đầu khi bị bắt đã thừa nhận nhiều lần nhận những khoản tiền lớn, thực chất là cách “trả công” hay “nhuận bút” của các tổ chức bên ngoài.

Nhóm “Đồng thuận” ở xã Đồng Tâm (Hà Nội) quan hệ với các tổ chức dân chủ không những gây rối, tạo sức ép mà còn dùng tiền được tài trợ để lôi kéo lực lượng, mua sắm vũ khí chống lại chính quyền.

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: Công dân có quyền được “hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ “Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội” đã nêu điều kiện thành lập hội là phải “có mục đích không trái pháp luật”. Như vậy, các tổ chức không phải do Nhà nước lập ra đều phải tuân thủ  quy định của pháp luật, không thể tự ý tuyên bố thành lập, hoạt động trái phép.

Các hội mang tính chất XHDS không tuân thủ quy định là mầm mống của các tổ chức đối trọng, là cơ sở xã hội cho các thế lực thù địch lợi dụng làm chỗ dựa cho hoạt động chống Đảng, Nhà nước. Bài học về sự hữu khuynh của các quốc gia bị lật đổ, chuyển hóa trong những năm qua đang là bài học rút ra cho chúng ta.

Trong tình hình hiện nay, các thế lực chống đối đang tích cực lợi dụng tự do, dân chủ, thành lập các nhóm hội trái phép dưới danh nghĩa  XHDS. Cần nhận diện đúng tổ chức dạng này, xử lý nghiêm minh, không để phát triển trở thành tổ chức đối trọng với Đảng,  làm mất ổn định xã hội.

Hình phạt thích đáng cho hành vi tuyên truyền thông tin chống phá Nhà nước

Ngày 28/10, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Quốc Khánh về tội "Tuyên truyền thông tin nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Trần Quốc Khánh, sinh năm 1960, quê quán ở xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; đăng ký thường trú tại P.307, nhà Z8, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Trình độ học vấn 10/10.

Trong thời gian từ 19/9/2019 đến 04/01/2021, Trần Quốc Khánh đã sử dụng tài khoản Facebook "Trần Quốc Khánh" và trang Fanpage "Tiếng Nói Công Dân" của mình, để phát trực tiếp 22 video có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc, bịa đặt, quy chụp chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập, chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Tại phiên tòa, ban đầu Trần Quốc Khánh còn cứng đầu, quanh co chối tội. Nhưng trước những chứng cứ không thể chối cãi, Trần Quốc Khánh đã phải cúi đầu nhận tội và xin được giảm nhẹ hình phạt. 

Căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt bị cáo Trần Quốc Khánh 6 năm 6 tháng tù; ngoài ra, bị cáo phải chịu quản chế 2 năm tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. 

Những dấu ấn kinh tế nổi bật của Việt Nam

Trong bài viết điểm lại những dấu ấn kinh tế nổi bật của Việt Nam trong năm 2021, hãng tin Nga Sputnik nhấn mạnh rằng, với nền tảng vững chắc, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu đáng nể qua các giai đoạn khủng hoảng, mới nhất là đại dịch Covid-19.

Sputnik nhận định: Làn sóng Covid-19 thứ tư đã “phủ bóng đen” lên tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam, với hàng loạt tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài và trên diện rộng, các doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn, khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy. Tuy nhiên, nổi lên là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới ảm đạm, Việt Nam vẫn đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế. Đặc biệt, với mức tăng trưởng GDP hơn 2%, thương mại 22,4%, Việt Nam lọt vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đầu tư trực tiếp nước ngoài duy trì đà tăng, nhờ môi trường đầu tư an toàn và ổn định dù trong bối cảnh đại dịch.

Theo Sputnik, đây là kết quả của quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế trong việc triển khai nhanh chóng và linh hoạt các chính sách quan trọng, thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Sự bứt phá của nền kinh tế trong đại dịch có được cũng xuất phát từ một loạt nghị quyết, chính sách “chưa có tiền lệ” trong phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt là nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện một số biện pháp chưa được quy định, hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành, để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19; nghị quyết của Chính phủ mở đường cho các bộ, ngành, địa phương chủ động các biện pháp chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh...

Năm 2021 ghi dấu mốc 15 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Bứt phá với mức tăng trưởng ấn tượng, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2021 tăng hơn bảy lần so mức năm 2006, Việt Nam được công nhận là một trong số 50 nền kinh tế thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới. Hàng chục hiệp định thương mại tự do có hiệu lực và đang được đàm phán đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có độ mở cao.

Trong bài viết, Sputnik cũng dẫn các kết quả xếp hạng, bình chọn của nhiều tổ chức quốc tế, đánh giá rất cao về nền kinh tế Việt Nam. Vị trí của Việt Nam được cải thiện mạnh mẽ trong Báo cáo chỉ số “quyền lực mềm toàn cầu” năm 2021, do Brand Finance công bố, từ hạng 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam lọt tốp 10 thị trường đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số thị trường logistics mới nổi toàn cầu năm 2021, do hãng Agility chuyên cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới bình chọn. Thị trường chứng khoán Việt Nam lập kỷ lục chưa từng có về điểm số, thanh khoản và số tài khoản mới trong năm 2021.

Bài viết của Sputnik nêu rõ, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh mục tiêu hình thành cơ cấu hợp lý và hiệu quả, phát triển nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao và tạo xung lực bứt phá về cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chọi của nền kinh tế. Việt Nam cũng đã cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, khẳng định là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Nguồn: Báo Nhân dân

WHO cảnh báo Omicron gây quá tải hệ thống y tế

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 28/12 cảnh báo Omicron có thể dẫn tới quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe dù các nghiên cứu ban đầu cho thấy biến chủng này gây bệnh nhẹ hơn.

“Sự lây lan nhanh của biến chủng Omicron vẫn sẽ dẫn đến số lượng lớn ca nhập viện, đặc biệt ở người chưa tiêm vaccine, và gây ra sự gián đoạn trên diện rộng đối với hệ thống y tế và các dịch vụ quan trọng khác", bà Catherine Smallwood - quan chức cấp cao thuộc WHO khu vực châu Âu - cho biết.

Lời cảnh báo được đưa ra giữa lúc hàng loạt nước trên thế giới công bố ca nhiễm mới kỷ lục trong 24 giờ qua, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha…

Mỹ công bố 512.553 ca nhiễm mới trong ngày 28/12, con số cao nhất kể từ đầu đại dịch và cao hơn đáng kể so với lục trước đó ghi nhận vào ngày 8/1 với 294.015 ca mắc, theo dữ liệu Đại học Johns Hopkins.

Trong khi đó, để giảm bớt tác động kinh tế giữa lúc Omicron khiến nhiều lao động Mỹ nghỉ ốm, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã giảm một nửa thời gian cách ly với những ca không triệu chứng.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 27/12 đã rút ngắn thời gian đề xuất cách ly những người nhiễm virus SARS-CoV-2 từ 10 ngày xuống chỉ còn 5 ngày.

Theo đó, người mắc Covid-19 được đề xuất giảm thời gian cách ly trong trường hợp không có triệu chứng và đảm bảo sẽ đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác thêm 5 ngày sau đó.

Vương quốc Anh cũng công bố kỷ lục 129.471 ca mắc Covid-19 trong ngày 28/12, dù mới chỉ tổng hợp dữ liệu ca nhiễm ở Anh và xứ Wales, chưa bao gồm dữ liệu ở Scotland và Bắc Ireland.

Tại Pháp, 179.807 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, đánh dấu ngày có số trường hợp nhiễm mới cao chưa từng thấy. Kỷ lục trước đó là 104.611 ca nhiễm mới ghi nhận vào ngày 25/12.

Giới chức trách nước này đã yêu cầu các công ty phải cho nhân viên làm việc từ xa ít nhất 3 ngày/tuần.

Tại châu Á, Trung Quốc dù đối mặt với đợt bùng dịch nhỏ hơn so với các điểm nóng toàn cầu khác, nước này vẫn không nới lỏng chiến lược "Zero Covid-19", áp đặt phong tỏa cục bộ nhiều khu vực ở thành phố Diên An hôm 28/12.

Hàng trăm nghìn cư dân Diên An bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa mới nói trên trong khi 13 triệu người dân thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây đã trải qua lệnh phong tỏa kéo dài tới ngày thứ 6, trong bối cảnh Trung Quốc chống chọi với đợt bùng dịch mới đưa số ca nhiễm hàng ngày lên mức cao nhất trong 21 tháng.

Phạm Thị Đoan Trang lĩnh án 9 năm tù về tội chống phá Nhà nước

Ngày 14-12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 9 năm tù đối với bị cáo Phạm Thị Đoan Trang, sinh năm 1978, trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội theo quy định tại Điều 88, khoản 1, điểm a, b, c – Bộ luật Hình sự năm 1999.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, trong khoảng thời gian từ ngày 16-11-2017 đến ngày 5-12-2018, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngoài ra, bị cáo Đoan Trang còn trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân.

Cụ thể, bị cáo Đoan Trang có hành vi tàng trữ các tài liệu: "Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam"; "Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam"; "Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam".

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội xác định, các tài liệu trên có nội dung tuyên truyền "luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Hội đồng xét xử xác định, hành vi của bị cáo Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa, xã hội, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân.

Bản thân bị cáo là người có trình độ nhận thức nhất định, bị cáo hiểu và biết rõ hậu quả hành vi vi phạm của mình nhưng vẫn tích cực thực hiện trong một thời gian dài, do vậy cần phải xử phạt nghiêm minh.

Khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử đánh giá bị cáo Phạm Thị Đoan Trang khai báo không thành khẩn, phạm tội nhiều lần nên quyết định áp dụng hình phạt tù với thời hạn nhất định mới có tác dụng giáo dục và phòng ngừa.

Hai bị cáo lợi dụng sự việc ở Đồng Tâm chống phá Nhà nước lĩnh án 16 năm tù

Ngày 15-12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm về tội chống phá Nhà nước.

Theo đó, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt 2 bị cáo: Trịnh Bá Phương, sinh năm 1985 10 năm tù và Nguyễn Thị Tâm, sinh năm 1972 (cả hai cùng trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) 6 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại Điều 117-Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ngoài hình phạt tù, Tòa còn tuyên phạt quản chế bị cáo Phương 5 năm, quản chế bị cáo Tâm 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, vào các ngày 9, 10, 11-1-2020, lực lượng quân đội thực hiện xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn và Công an thành phố Hà Nội thực hiện công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Lợi dụng mạng xã hội Facebook, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm đã thực hiện việc phát trực tiếp các video, đăng tải các bài viết, trạng thái, chia sẻ trên tài khoản cá nhân “Trịnh Bá Phương”, “Nguyễn Thị Tâm”, “Tâm Dương Nội” các nội dung liên quan đến sự việc ở xã Đồng Tâm.

Những thông tin và nội dung phát tán, chia sẻ này đã xuyên tạc, bịa đặt tình hình diễn ra tại Đồng Tâm, phỉ báng chính quyền nhân dân, kích động nhân dân chống đối chính quyền, thóa mạ, hạ uy tín lực lượng chức năng, xúc phạm uy tín danh dự của người khác, gây hoang mang trong nhân dân, nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các thông tin và nội dung phát tán của Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm đã thu hút nhiều lượt người xem, tương tác, chia sẻ, bình luận có nội dung tiêu cực, phản đối chính quyền, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, Trịnh Bá Phương còn có hành vi tàng trữ 1 tài liệu dạng sách gồm 278 trang, trong đó trang bìa có in các dòng chữ “Phạm Đoan Trang”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Luật Khoa tạp chí”.

Qua giám định đã kết luận tài liệu này có nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; đe dọa phá vỡ sự vững mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; gây ảnh hưởng đến uy tín và sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và cá nhân; gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội, chính trị của Nhà nước và từng địa phương.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Tâm đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo Trịnh Bá Phương không khai nhận hành vi phạm tội, không thành khẩn, chống đối. Ngoài hình phạt chính, căn cứ quy định tại các Điều 43 và Điều 122 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng hình phạt bổ sung là quản chế các bị cáo một thời gian sau khi chấp hành xong hình phạt tù.


Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...