Trong hệ
thống quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, tập trung dân chủ là
nội dung được đề cập rất sâu sắc và toàn diện.
Người khẳng định: Tập trung dân chủ
là nguyên tắc cơ bản nhất để xây dựng Đảng Cộng sản thành một tổ chức chiến đấu
chặt chẽ, vừa phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân, vừa phát huy sức mạnh của tập
thể phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng cách mạng đã đề ra. Thấm nhuần tư tưởng của
Người, Đảng ta luôn nhất quán: Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ
bản, bảo đảm nguyên tắc này là vấn đề sống còn của Đảng.
Tập
trung dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quá trình lãnh đạo cách mạng Việt
Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định cách mạng “trước hết phải có Đảng
cách mệnh”, nên khi gặp Chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã chuẩn bị mọi mặt về chính
trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng vào ngày 3-2-1930. Đồng thời,
Người đặc biệt chú trọng đến việc thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng
ta thực sự là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong đó
tập trung dân chủ là nguyên tắc số một, bất di bất dịch, bảo đảm cho Đảng lãnh
đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sau thắng lợi
của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã trở thành Đảng Cộng sản cầm quyền,
lãnh đạo chính quyền công-nông, tiến hành 30 năm chiến tranh giải phóng dân
tộc, đánh bại hai đế quốc hùng mạnh, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên
chủ nghĩa xã hội. Trong Di chúc để lại
cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Người khẳng định: “Đảng ta là một đảng
cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng,
thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong
sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của
nhân dân”. Để xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cầm quyền, Người nhấn mạnh phải
xây dựng Đảng trên cả các mặt về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức.
Vận dụng sáng tạo quan điểm
của Karl Marx, Engels và V.I.Lênin về xây dựng đảng kiểu mới của
giai cấp vô sản, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, Hồ Chí Minh luôn
khẳng định, xây dựng Đảng về tổ chức thì điều cốt lõi là phải thực hiện nghiêm
các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Trong đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh nguyên
tắc tập trung dân chủ, Người gọi đó là “chế độ dân chủ tập trung”. Đây là
nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và sinh hoạt Đảng mà Người thường xuyên nhắc
đến khi nói về nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng: “Đảng tổ chức theo nguyên tắc
dân chủ tập trung. Nghĩa là: Có Đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ
quan lãnh đạo thống nhất”. Người lý giải vấn đề tập trung trong Đảng một cách
đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện: Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải
phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng
Trung ương”. Nguyên tắc này bảo đảm cho “Đảng tuy nhiều người, nhưng khi tiến
đánh chỉ như một người”. Đó là biểu hiện cụ thể của tính tiền phong, chiến đấu
của giai cấp công nhân.
Về vấn đề dân chủ trong Đảng được Hồ
Chí Minh giải thích cặn kẽ, chí lý. Người cho rằng, trong Đảng “phải thật sự mở
rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình; phải gom góp ý
kiến của đảng viên để giúp đỡ Trung ương chuẩn bị đại hội đảng cho thật tốt”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng là sự thống nhất
biện chứng giữa tập trung và dân chủ. Người chỉ rõ: “Tập trung trên nền tảng
dân chủ là các đảng viên có quyền thảo luận chính sách của Đảng, rồi tập trung
ý kiến lên Trung ương, còn dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung là vì nếu cái gì
không nên bàn cũng cứ bàn ắt hỏng, cái gì đã bàn rồi thì phải đưa lên. Khi bên
trên ra lệnh thì bên dưới phải thi hành, phải tuân theo”. Theo Người, tập trung
mà không dân chủ thì đi đến độc tài, dân chủ mà không tập trung thì dân chủ quá
trớn, nước nào càng tập trung lại càng dân chủ, càng dân chủ thì càng phải tập
trung. Do đó, tập trung trên nền tảng dân chủ. “Cơ quan lãnh đạo của Đảng có uy
tín và quyền lực chân chính. Những phương châm, chính sách, nghị quyết của
Đảng, mọi đảng viên nhất định phải chấp hành. Kỷ luật của Đảng, mọi đảng viên
phải tuân theo. Thế là tập trung”. Nhưng tập trung ấy không phải là cá nhân
chuyên chính; nó là xây dựng trên nền tảng dân chủ. Như vậy, trong quan niệm
của Hồ Chí Minh, tập trung và dân chủ không đối lập nhau mà có sự gắn bó mật
thiết với nhau. Người chỉ ra rằng, tập trung trên nền tảng dân chủ và dân chủ
dưới sự chỉ đạo tập trung.
Nguyên tắc tập trung dân chủ còn
được Hồ Chí Minh gọi là “chế độ” và biểu hiện cụ thể thành nguyên tắc tập thể
lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Đây là nguyên tắc gắn bó mật thiết với nguyên tắc
tập trung dân chủ (dân chủ tập trung). Hồ Chí Minh viết: “Tập thể lãnh đạo là
dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách,
tức là dân chủ tập trung”. Người giải thích cụ thể về tập thể lãnh đạo: “Một
người dù khôn ngoan, tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu cũng chỉ thấy
được một, hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả
mọi mặt của một vấn đề”. Vì vậy, muốn lãnh đạo đúng, ra quyết định chính xác
phải giữ nghiêm và thực hiện tốt lãnh đạo tập thể. Về cá nhân phụ trách, Người
lý giải: “Khi công việc đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng, kế hoạch đã xác
định rõ thì phải giao cho một người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế
hoạch mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy”... Quan hệ
giữa lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách được Hồ Chí Minh nêu rõ: Lãnh đạo
không tập thể thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là
hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô
chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Vì vậy, tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ
trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau.
Cùng với việc giải quyết tốt mối
quan hệ giữa tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách, Hồ Chí Minh nhấn
mạnh nguyên tắc tự phê bình và phê bình: Trong tổ chức sinh hoạt đảng và gắn
liền với nguyên tắc tập trung dân chủ. Muốn phụ trách tốt phải tự phê bình, vì
người đời không phải là thần thánh, không ai không có sai lầm, khuyết điểm,
nhưng khi có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh người khác
phê bình mình và kiên quyết sửa chữa, lúc đó sẽ mau tiến bộ. Đồng thời, tự phê
bình và phê bình cũng khuyến khích mọi người phát huy tốt dân chủ, phải bảo đảm
dân chủ, từ dưới lên và từ trên xuống, phê bình tốt, đúng mục đích không chỉ
phát huy dân chủ mà còn đạt được mục tiêu đoàn kết tổ chức đảng thành một khối
và tạo điều kiện cho tập trung tốt hơn.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tập trung
dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và sinh hoạt đảng. Do vậy, các cấp
ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến chi bộ phải thường xuyên quán triệt và thực
hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, lãnh đạo tập thể đi đôi với phân công
cá nhân phụ trách và các nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nguyên tắc nêu
gương của cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững
mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xứng đáng vừa là người lãnh
đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
Kiên
quyết đẩy lùi dân chủ hình thức, chuyên quyền, độc đoán
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân ta đang chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội
XIII của Đảng, trong bối cảnh cả nước hướng về kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ
tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 / 19-5-2020). Việc khẳng định nội dung, giá trị tư
tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền nói chung, về nguyên tắc tập trung
dân chủ nói riêng càng có ý nghĩa to lớn và thiết thực. Công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng trong những năm gần đây đã tạo ra bước chuyển biến mới, đạt được
những kết quả hết sức quan trọng, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hệ
thống chính trị, nhất là trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
trong Đảng, bộ máy chính quyền. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Trung ương đã phải xử
lý kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên giữ các cương vị cấp cao. Những trường hợp
vi phạm kỷ luật phải xử lý do nhiều nguyên nhân cả về phẩm chất chính trị, tư
tưởng, đạo đức, lối sống, trong đó có nguyên nhân hết sức quan trọng là tổ chức
đảng, cá nhân vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh
đạo, cá nhân phụ trách. Nhiều tổ chức đảng rơi vào dân chủ hình thức, người
đứng đầu ở không ít tổ chức, đơn vị lạm quyền, chuyên quyền, độc đoán, dẫn đến
sai phạm có hệ thống, gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Thực tiễn hơn 90 năm Đảng lãnh đạo
đất nước đã chứng minh, ở đâu, lúc nào nguyên tắc tập trung dân chủ được thực
hiện triệt để thì ở đó tổ chức đảng phát huy sức mạnh chiến đấu, hiệu lực và
hiệu quả lãnh đạo. Buông lỏng, coi nhẹ nguyên tắc tập trung dân chủ thì tổ chức
đảng đánh mất vai trò lãnh đạo, tạo môi trường, cơ hội cho chủ nghĩa cá nhân
sinh sôi, phát triển. Trong giai đoạn hiện nay, đó là mầm mống của suy thoái tư
tưởng chính trị, suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong Đảng.
Do đó, trong sinh hoạt và mọi hoạt
động lãnh đạo của Đảng nói chung, tổ chức đại hội các cấp nói riêng, cần triệt
để quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh
đạo, phân công cá nhân phụ trách theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, phải kiên
quyết chống mọi biểu hiện, hành vi vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ dưới
mọi hình thức như các biểu hiện dân chủ hình thức, độc đoán, chuyên quyền, lợi
dụng, lạm dụng chức quyền, bất chấp các quy định của Đảng. Cán bộ, đảng viên,
nhất là người đứng đầu, phải luôn nêu cao trách nhiệm, nghĩa vụ với Đảng, với
nước, với dân, công tâm giới thiệu nhân sự vào ban chấp hành đảng bộ các cấp và
chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng. Thấm nhuần, triệt để thực hiện
nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng là thiết thực học tập và làm theo lời
dạy của Bác Hồ kính yêu trước lúc đi xa: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết
phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và
giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".