Mạnh Bùi
Nhiều năm gần đây trên các trang mạng xã hội rộ lên một số
bài viết lạc lõng về đề tài đòi Việt Nam phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa
đảng đối lập. Lời lẽ của những bài viết đó chẳng có gì mới, vẫn là sự lặp lại
những ngôn từ cũ rích. Họ rêu rao “đa đảng là dân chủ, độc đảng là độc tài”;
đòi Việt Nam phải đa đảng đối lập để có dân chủ “thực sự” hoặc chỉ có thực hiện
chế độ “đa nguyên, đa đảng” thì “xã hội Việt Nam mới nhanh chóng thoát khỏi đói
nghèo”,… Có người còn lớn tiếng kêu gọi những đảng viên Cộng sản hãy ra khỏi
Đảng để thành lập một đảng mới, làm đối trọng với ĐCSVN. Với vỏ bọc “vì dân, vì
nước”, “đấu tranh cho nền dân chủ ở Việt Nam”, những tuyên bố của họ đã làm cho
một số ít người thiếu hiểu biết lầm tưởng rằng: cứ có nhiều đảng thì xã hội sẽ
có dân chủ hơn, có động lực để phát triển nhanh hơn.
Đó là luận điệu hoàn toàn sai lầm! Bởi lẽ, thể chế nhất
nguyên một đảng lãnh đạo ở Việt Nam hoàn toàn không đồng nghĩa với việc mất dân
chủ, triệt tiêu dân chủ như họ đã và đang ra sức xuyên tạc.
Ở Việt Nam, sự lãnh đạo duy nhất của ĐCSVN từ khi ra đời đến
nay là sự lựa chọn khách quan của lịch sử; nền chính trị nhất nguyên ở nước ta
là do nhân dân ta lựa chọn từ chính những trải nghiệm trong lịch sử đấu tranh
giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng CNXH. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự
nghiệp cách mạng ở nước ta đã đem lại những quyền cơ bản nhất cho quốc gia, dân
tộc và toàn thể nhân dân lao động. Đó là độc lập, tự do cho Tổ quốc; là quyền
tự quyết dân tộc, quyền bình đẳng với mọi quốc gia khác trong việc lựa chọn con
đường phát triển đi lên của mình; là quyền tự do lập hiến và lập pháp, lựa chọn
và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, mọi đường lối, chủ trương, chính sách của
Đảng và Nhà nước Việt Nam đều có sự tham gia đóng góp ý kiến của quần chúng
nhân dân; được xây dựng trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu ý kiến xây dựng của mọi
tổ chức chính trị - xã hội, của các đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân.
Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước dưới sự lãnh đạo của
ĐCSVN đã thu được nhiều thành tựu to lớn, làm thay đổi căn bản bộ mặt kinh tế,
chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Đời sống của nhân dân từng bước được
nâng cao; dân chủ xã hội ngày càng được bảo đảm,… Điều đó một lần nữa khẳng
định vai trò lãnh đạo của ĐCSVN trong công cuộc giải phóng dân tộc trước kia,
cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thực tiễn đó cũng
là minh chứng hùng hồn để bác bỏ ý kiến của những người lợi dụng vấn đề “dân
chủ”, “nhân quyền” để chống Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, đi ngược lại nguyện
vọng chính đáng của nhân dân lao động.
Thật nực cười khi có kẻ thiển cận cho rằng: cứ có nền kinh
tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế thì tất yếu dẫn đến nền chính trị
thị trường, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở thượng tầng kiến trúc. Hoàn
toàn không có “cái tất yếu” đó! Tư duy như vậy chỉ là hình thức, là ngụy biện,
vì nền kinh tế thị trường không dẫn đến chính trị thị trường như “gan tiết ra
mật”. Quy luật lịch sử đã chứng minh, tuy cơ sở hạ tầng có vai trò quyết định
đối với thượng tầng kiến trúc, nhưng thượng tầng kiến trúc không phải là sản
phẩm thụ động của cơ sở hạ tầng mà chúng có khả năng tác động trở lại rất mạnh
mẽ đối với cơ cấu kinh tế của xã hội. Bản thân các yếu tố, các bộ phận của kiến
trúc thượng tầng, như: chính trị, pháp lý, đạo đức,… cũng có sự tác động qua
lại với nhau; cho nên, việc hình thành các đảng phái chính trị không chỉ phụ
thuộc vào kinh tế, mà còn phụ thuộc rất lớn vào một loạt các yếu tố khác, như:
tương quan giai cấp trong xã hội, vị thế, vai trò của đảng cầm quyền, hoàn cảnh
lịch sử cụ thể, truyền thống,… của một đất nước. Thực tế cho thấy, nền kinh tế
của Việt Nam đang xây dựng là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; các thành
phần kinh tế, các giai cấp, tầng lớp xã hội không có mâu thuẫn đối kháng về lợi
ích. Lợi ích của nhà tư sản dân tộc, của Nhà nước và người lao động là thống
nhất; cho nên, không tạo ra những lực lượng chính trị đối lập trong xã hội và
không có cơ sở xã hội cho các đảng phái chính trị đối lập xuất hiện. Chính
những thành tựu được nêu trên đã một lần nữa khẳng định: ĐCSVN không chỉ có vai
trò lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, mà còn có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo
cách mạng XHCN, xây dựng CNXH và mang lại cho nhân dân lao động cuộc sống thực
sự ấm no, tự do, hạnh phúc.
Như vậy, ở Việt Nam không có cơ sở xã hội cho chế độ đa đảng.
Hệ thống chính trị ở Việt Nam vận hành theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước
quản lý, nhân dân làm chủ. Xã hội Việt Nam không có mâu thuẫn đối kháng. Đảng,
Nhà nước không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Mục
tiêu và lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân là thống nhất cùng thực hiện xây
dựng xã hội Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Ý đồ
thâm độc của các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị đòi thực hiện
“đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” chỉ có mục đích duy nhất là nhằm xóa bỏ
ĐCSVN khỏi đời sống chính trị của đất nước, cổ vũ cho các đảng tư sản hoạt động
ở nước ta, đưa Việt Nam phát triển theo “khuôn mẫu” của các nước phương Tây.
Điều đó sẽ không bao giờ thành hiện thực. Vì sự ổn định chính trị và phát triển
đất nước, nhân dân ta không cho phép các tổ chức chính trị đối lập ra đời và
không thực hiện chế độ đa đảng. Đa đảng hoàn toàn không phù hợp với đời sống
chính trị, thực tiễn của nước ta và không phù hợp với nguyện vọng của đông đảo
nhân dân ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét