Đã
thành thông lệ, sắp đến kỳ Đại hội Đảng, các thế lực thù địch lại ra sức chống
phá cách mạng nước ta trên mọi lĩnh vực, trong đó có phủ nhận thành tựu giáo
dục, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc
của chúng về vấn đề này là việc làm cấp thiết.
Với
mưu đồ xuyên tạc tình hình đất nước, chế độ, một số người có cái nhìn thiếu
khách quan, toàn diện, nhất là họ lợi dụng những yếu kém, khuyết điểm của ngành
Giáo dục trong thời gian gần đây để xuyên tạc, phủ nhận thành tựu to lớn của
nền giáo dục nước ta. Từ đó, đưa ra những luận điệu: “nền giáo dục Việt Nam là
nền giáo dục dối trá từ trên xuống dưới”, “công cuộc cải cách giáo dục đã hoàn
toàn thất bại”, v.v. Đây là những luận điệu sai trái nhằm xuyên tạc, phủ nhận
thành tựu của nền giáo dục nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhìn
lại nền giáo dục trước năm 1945, dưới chế độ thực dân, phong kiến, 95% dân số
nước ta rơi vào tình cảnh mù chữ, đại đa số con em gia đình nông dân, nhân dân
lao động không được đến trường. Trung bình mỗi tỉnh chỉ có từ 02 đến 04 trường
tiểu học, mỗi trường có từ 100 đến vài trăm học sinh. Bậc Trung học chỉ có ở
một số đô thị lớn, như: Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Mỗi trường cũng chỉ có khoảng 100
đến 200 học sinh. Đến năm 1945, toàn Đông Dương chỉ có Viện Đại học Đông Dương,
gồm 10 trường Cao đẳng thành viên, với 1.575 sinh viên so với tổng số dân Việt
Nam lúc đó là 23 triệu người.
Từ
thực trạng nêu trên, ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thấm
nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”1,
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo; coi giáo
dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Trong từng thời kỳ cách mạng, dưới sự
lãnh đạo của Đảng, nền giáo dục của Việt Nam có sự cải cách, đổi mới và đạt
được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới.
Tại
phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã đề cập đến vấn đề “diệt giặc dốt”, là một trong sáu
nhiệm vụ cấp bách của nước nhà lúc bấy giờ. Người đã ký sắc lệnh thành lập
Nha Bình dân học vụ. Tiếp đến, tháng 10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu
gọi chống nạn thất học. Chỉ sau một năm phát động phong trào “diệt giặc dốt”,
cả nước đã có 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ và đến năm 1948 đã có 06 triệu
người thoát nạn mù chữ.
Từ
giữa thế kỷ XX đến nay, Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc cải cách giáo
dục. Năm 1950, trong hoàn cảnh nước nhà còn muôn vàn khó khăn, nhưng cuộc
cải cách giáo dục lần đầu tiên nhằm mục tiêu xây dựng một nền giáo dục của dân,
do dân và vì dân. Đến năm 1956, cải cách giáo dục lần thứ hai hướng tới đào
tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những công dân tốt, có đức, có tài. Năm 1981,
cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba toàn diện hơn, đồng bộ hơn nhằm tạo bước
chuyển biến mới về hệ thống giáo dục, nội dung và phương pháp dạy học. Đến
những năm cuối của thế kỷ XX, nước ta đã có hơn 93,7% dân số từ 15 tuổi trở lên
biết chữ, 85% tỉnh, thành phố và 90% quận, huyện đạt chuẩn quốc gia về xóa mù
chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đang tiến
tới phổ cập trung học cơ sở, giáo dục ở các vùng dân tộc thiểu số đã có những
chuyển biến tích cực.
Hiện
nay, chúng ta đang tích cực tiến hành một “cuộc cách mạng” về giáo dục với
việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo tinh thần
Nghị quyết 29-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), bảo đảm cho giáo
dục Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế,
thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo lộ trình, bắt đầu từ năm học
2020 - 2021, ngành Giáo dục chính thức triển khai áp dụng chương trình giáo dục
phổ thông mới ở bậc tiểu học.
Một
trong những thành tựu trong gần 35 năm đổi mới được cộng đồng quốc tế
ghi nhận là nền giáo dục Việt Nam có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Chúng ta đã hoàn thành mục tiêu đưa trẻ em đúng độ tuổi được đến trường, cơ bản
hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Đến nay, Việt Nam đã có 700 trường đại học,
học viện và trường cao đẳng với gần 73.000 giảng viên, hơn 16.500 tiến sĩ,
500 chương trình đào tạo, phối hợp với nhiều trường đại học trên thế giới và
nhiều chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, cử nhân tài năng, chương trình
tiên tiến theo chuẩn quốc tế.
Theo
báo cáo được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 15/3/2018, có 07 trong số 10 hệ
thống giáo dục hàng đầu thế giới đang nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Trong đó, sự phát triển thực sự ấn tượng thuộc về hệ thống giáo dục của
Việt Nam và Trung Quốc. Tháng 6/2018, tổ chức Quacquarelli Symonds
(QS) - Vương quốc Anh - đã công bố kết quả xếp hạng trường tốt nhất thế
giới năm 20192. Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam có trường Đại học
Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh trong top 1.000
trường đại học hàng đầu thế giới.
Bước
sang thiên niên kỷ mới, Việt Nam cũng trở thành một trong những điểm sáng trên
bản đồ giáo dục thế giới khi đăng cai và tổ chức thành công nhiều kỳ thi quốc
tế, như: Olympic Toán học quốc tế 2007, Olympic Vật lý quốc tế 2008, Olympic
Sinh học quốc tế 2016. Đặc biệt, thành tích của các đội tuyển học sinh Việt Nam
tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế cũng rất nổi bật. Trong 3 năm gần đây, 2017
đến 2019 đội tuyển Olympic quốc tế các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học của
Việt Nam đều đạt thứ hạng cao.
Đối
với nhà giáo, từ lâu dân tộc Việt Nam đã có truyền thống tôn sư trọng
đạo, mọi người, mọi nhà luôn trân trọng những người làm nghề dạy học. Đảng
và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách hợp lý, để bảo đảm cho đội ngũ nhà
giáo yên tâm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, góp phần thúc đẩy sự nghiệp
giáo dục nước nhà phát triển. Hầu hết các thầy, cô giáo đều yêu nghề, yêu
người, không ngừng rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình,
xứng đáng với lòng tin yêu, kính trọng của toàn xã hội.
Những
kết quả đã đạt được là minh chứng sinh động về thành tựu to lớn của nền giáo
dục Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mặc dù trong
thời gian qua, với nhiều nguyên nhân khác nhau, nền giáo dục nước ta còn tồn
tại một số hạn chế, bất cập, song không vì thế mà xuyên tạc, phủ định nền giáo
dục Việt Nam.
Hiện
nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nói chung và ngành Giáo dục nói riêng đã
và đang nỗ lực loại bỏ những tiêu cực, khắc phục những hạn chế, bất cập nhằm
tiếp tục phát triển nền giáo dục nước ta ngang tầm khu vực và thế giới, đáp ứng
yêu cầu nhiệm vụ nâng cao dân trí, bồi dưỡng, phát triển nhân tài trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
___________________
1 -
Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr 7.
2 -
Bảng xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds (QS World University
Rankings) là bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên
thế giới của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS). Bảng xếp hạng đại
học thế giới QS được đánh giá là một trong những bảng xếp hạng có uy tín và
ảnh hưởng hàng đầu thế giới.