Nhận diện để chống
xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh dưới góc nhìn văn học
Xuyên
tạc, phủ nhận tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh luôn là mục tiêu chống phá của các
thế lực thù địch. Vì vậy, để thực hiện điều đó, chúng sử dụng nhiều hình thức,
biện pháp; trong đó, dùng văn học, nghệ thuật là một thủ đoạn nguy hiểm. Vì
thế, nhận diện để chống mưu đồ của các thế lực thù địch dưới góc nhìn văn học
là việc làm vừa cấp thiết, vừa lâu dài.
Cuộc đời và sự nghiệp của
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho hoạt động sáng tạo
của các thế hệ văn nghệ sĩ, ở mọi loại hình nghệ thuật. Chỉ tính riêng văn học,
mảng văn thơ viết về Bác đã hình thành một dòng chảy lớn, với các tác giả Tố
Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Minh Huệ, Viễn Phương, Trần
Đăng Khoa,… trong thơ; Sơn Tùng, Hồ Phương, Hoàng Quảng Uyên, Nguyễn Thế
Quang,… trong văn xuôi; Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Nhị, Hà Minh Đức, Phong Lê,
Phan Ngọc, Lê Xuân Đức, Đoàn Trọng Huy, Nguyễn Thanh Tú,… trong nghiên cứu, phê
bình. Những năm gần đây, tiếp nối mạch cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết nổi tiếng
Búp sen xanh (1981) và các tác phẩm khác viết về Bác của Sơn Tùng, một số tiểu
thuyết, như: Cha và con (2007) của Hồ Phương viết về thời niên thiếu của Bác;
Khúc hát những dòng sông (2013) của Nguyễn Thế Quang khắc họa những năm cuối
đời của bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ; bộ ba tiểu thuyết Mặt trời Pác Bó
(2010), Giải phóng (2013) và Trông vời cố quốc (2017) của Hoàng Quảng Uyên tái
hiện cuộc đời của Bác từ lúc ra đi tìm đường cứu nước cho đến những ngày Cách
mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến kéo dài chín năm đã làm sáng tỏ thêm chân
dung vĩ đại Hồ Chí Minh. Đồng thời cho thấy, lòng kính yêu sâu sắc, niềm ngưỡng
mộ không bao giờ vơi cạn của các nhà văn Việt Nam đối với Bác. Việc nghiên cứu,
tìm hiểu, ca ngợi, tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của Bác vừa là niềm say mê tự
nguyện, vừa là bổn phận thiêng liêng của không ít người cầm bút xưa nay.
Hình tượng Hồ Chí Minh đã
trở thành một đề tài có sức hấp dẫn lớn, giữ vị trí đặc biệt trong văn học Việt
Nam hiện đại. Trên thực tế, không chỉ các nhà thơ Việt Nam, mà còn có không ít
nhà thơ trên thế giới viết về Người, như Madeleine Riffaud (Pháp), Ewan MacColl
(Anh), Ernst Schumacher (Đức), Pavel Antokolsky (Nga), Georgi Veselinov
(Bulgaria), Lisandro Otero (Cuba), Rene Depestre (Haiti), v.v. Nhà thơ Cuba
Felix Pita Rodriguez khẳng định, bằng nhan đề một bài thơ của mình, Hồ
Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ.
Những thập niên gần đây,
một trong những mũi nhọn chống phá hàng đầu để thực hiện chiến lược “Diễn biến
hòa bình” của các thế lực thù địch là tập trung xuyên tạc, phủ nhận hình tượng
Hồ Chí Minh. Chúng cho rằng, sở dĩ chế độ cộng sản ở Việt Nam còn tồn tại được
đến ngày nay là nhờ nương tựa vào cái bóng của “huyền thoại Hồ Chí Minh”; do
đó, muốn chế độ ở Việt Nam sụp đổ thì một trong những vấn đề quan trọng nhất là
phải xóa bỏ được “thần tượng” này. Từ hải ngoại, chúng lan truyền các thông tin,
luận điệu xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Một số đối tượng
là nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà văn ở trong nước và nước ngoài có quan điểm sai
trái, lệch lạc cũng có những ấn phẩm mang hình thức văn học phụ họa, tiếp tay
rất tích cực.
Các ấn phẩm, tài liệu mang
yếu tố xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh - xuất hiện trong
khoảng 30 năm qua - về mặt thể loại tồn tại cả ở hình thức hư cấu (truyện ngắn,
tiểu thuyết) và phi hư cấu (hồi ký, nghiên cứu, phê bình). Có thể kể đến: Lê Hữu
Mục với Hồ Chí Minh không phải là tác giả “Ngục trung nhật ký” (nghiên
cứu, 1990), Trần Huy Quang với Linh nghiệm (truyện ngắn,
1992), Bùi Tín với Mặt thật (hồi ký, 1994), Vũ Thư Hiên
với Đêm giữa ban ngày (hồi ký, 1997), Minh Võ với Hồ
Chí Minh - nhận định tổng hợp (nghiên cứu, 2003), Dương Thu Hương
với Đỉnh cao chói lọi (tiểu thuyết, 2009), v.v. Năm 2009, bộ
phim tài liệu Sự thật về Hồ Chí Minh (được chủ trương bởi
“Phong trào quốc dân đòi trả tên Sài Gòn”) ra đời tại cộng đồng người Việt ở Mỹ
cũng là một sản phẩm “tiêu biểu” của chiến dịch “xóa thần tượng Hồ Chí Minh”.
Nhìn chung, các ấn phẩm, tài liệu trên đều ít nhiều chứa đựng thông tin sai lạc
về Hồ Chí Minh, được thể hiện trên các nội dung chủ yếu sau:
Trước
hết, xuyên
tạc về đời tư. Nhiều năm qua, đời tư của Hồ Chí Minh là khía cạnh các thế
lực thù địch tập trung nhiều nhất sự xuyên tạc, bôi nhọ. Một số ấn phẩm văn
học, tài liệu nghiên cứu ở hải ngoại cho rằng, Hồ Chí Minh không phải đã hy
sinh cuộc đời riêng để tận hiến cho dân tộc mà từng có vợ, con và nhiều người
tình. Qua đó, họ kết tội Hồ Chí Minh vô đạo đức vì không dám thừa nhận và nhẫn
tâm bỏ mặc vợ con mình. Đó là những câu chuyện về quan hệ đời tư của Hồ Chí
Minh được họ đề cập trong các hồi ký, bài báo, tiểu thuyết, tài liệu nghiên cứu.
Một điểm chung là tất cả các thông tin này đều không có căn cứ rõ ràng, không
đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào để khẳng định đó là sự thật. Những lời
kể chỉ là được “nghe nói lại” từ lời người khác; cả người nghe và người nói đều
không phải nhân chứng, không phải người trong cuộc.
Thứ
hai, xuyên
tạc về nhân cách. Lâu nay các thế lực thù địch luôn xuyên tạc nhân cách cao
đẹp của Hồ Chí Minh, tạo dựng lên một chân dung Hồ Chí Minh khác hẳn với con
người thực. Chúng bịa đặt ra những câu chuyện trong đó Hồ Chí Minh được miêu tả
như một con người tầm thường, bản năng và sống xa hoa hưởng lạc chứ không hề
giản dị thanh bạch như “cộng sản tuyên truyền”. Những luận điệu trên chủ yếu
được đưa ra từ những ấn phẩm xuất bản ở hải ngoại của một số kẻ chống cộng điên
cuồng, như: Hoàng Quốc Kỳ, Nguyễn Thuyên, Việt Thường,… và được Minh Võ tập
hợp, giới thiệu khái quát trong cuốn sách Hồ Chí Minh - nhận định tổng
hợp, kèm theo những bình luận, nhận định hết sức cực đoan của chính Minh
Võ. Ngoài ra, những chi tiết mang tính dung tục nhằm hạ thấp nhân cách Hồ Chí
Minh còn xuất hiện dày đặc trong tiểu thuyết của Dương Thu Hương như một sự phụ
họa ráo riết cho những ngụy ngôn của thế lực thù địch. Cũng như sự xuyên tạc về
đời tư, những thông tin xuyên tạc về nhân cách trên đều không có bằng chứng cụ
thể; nhiều thông tin trong đó chỉ mang tính vụn vặt, tiểu tiết, hẹp hòi, không
đáng dùng làm căn cứ đánh giá con người Hồ Chí Minh với tầm vóc một vĩ nhân,
một nhân vật quốc tế.
Thứ
ba, phủ
nhận quyền tác giả và xuyên tạc về tác phẩm. Trong cuốn sách Hồ Chí
Minh không phải là tác giả “Ngục trung nhật ký”, Lê Hữu Mục (nguyên
giáo sư Đại học Văn khoa Sài Gòn) “chứng minh” người viết cuốn Ngục
trung nhật ký là “già Lý” (một người Hán đã ở trong tù cùng với Nguyễn
Ái Quốc tại Hồng Kông), Hồ Chí Minh lấy tập thơ đó làm của mình. Những lý lẽ
của Lê Hữu Mục mang tính chủ quan, áp đặt, suy diễn. Vì thế, năm 1993 đã bị học
giả Phan Ngọc phản bác bằng những lập luận sắc sảo trong bài viết Câu
chuyện tác giả “Ngục trung nhật ký”, và cuối năm 2019, lại bị bài viết
của Phan Khả Minh (cùng tên với bài của Phan Ngọc) in trên Tạp chí Hồn
Việt vạch trần thêm nhiều chỗ sai trái.
Thứ
tư, phủ
nhận tư tưởng yêu nước, dân tộc của Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự
kết hợp hài hòa giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - Người vừa là người
yêu nước vừa là người cộng sản, vừa hy sinh vì dân tộc Việt Nam vừa nêu cao
tinh thần quốc tế vô sản. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Người đã nói lên điều
đó. Nghị quyết về việc kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Chí Minh của Đại hội đồng
UNESCO tại Paris năm 1987 cũng khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu
tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự
nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh
chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”1.
Nhưng, chối bỏ sự thật lịch sử, các thế lực thù địch đã cố tình phủ nhận điều
này. Chúng cho rằng, Hồ Chí Minh không hề yêu nước thương dân mà suốt đời chỉ
tôn thờ chủ nghĩa cộng sản quốc tế, làm tay sai cho Trung Quốc, Liên Xô, từ đó
kết tội Hồ Chí Minh “bán nước”. Đây là quan điểm xuyên suốt của Minh Võ trong
cuốn Hồ Chí Minh - nhận định tổng hợp; ông ta tán dương những tiếng
nói cùng quan điểm (Tưởng Vĩnh Kính, Nguyễn Thuyên) và bài xích những quan điểm
không đồng thuận với mình (Jean Lacouture, David Halberstam). Bên cạnh đó, Minh
Võ còn đưa ra những nhận định phi lý, bất chấp thực tế khách quan.
Thứ
năm, phủ
nhận sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng nền móng chế độ mới của
Hồ Chí Minh. Công lao trời biển của lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với đất nước ta
không chỉ là giành độc lập, tự do cho dân tộc, chấm dứt gần một trăm năm chế độ
thuộc địa thực dân và hàng nghìn năm chế độ quân chủ phong kiến mà còn thiết
lập nên nền móng cơ bản của một chế độ mới, xây dựng nền cộng hòa dân chủ với những
bước đi từ không đến có ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề. Đó là sự thật không
thể phủ nhận. Vậy mà, trong Đỉnh cao chói lọi (cuốn tiểu
thuyết có nhân vật chính là “Chủ tịch nước” - một hình ảnh mô phỏng và xuyên
tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh), Dương Thu Hương đã triệt để phủ nhận chế độ hiện
tại ở Việt Nam, coi đó là một xã hội hạ đẳng, thụt lùi và quy tất cả trách
nhiệm vào Hồ Chí Minh - người khai sinh chế độ. Phủ nhận công lao của Hồ Chí
Minh trong sự nghiệp kiến quốc, Dương Thu Hương phủ nhận cả thành quả của Cách
mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến do Đảng ta và Hồ Chí Minh lãnh đạo. Cái
nhìn đen tối của nhà văn này không chỉ cho thấy sự cực đoan, phiến diện trong
tư duy và nhận thức, mà còn bộc lộ cả sự bạc bẽo, vô ơn. Tương tự, truyện ngắn Linh
nghiệm của Trần Huy Quang lại mô phỏng thời khắc người thanh niên
Nguyễn Ái Quốc gặp chủ nghĩa Lênin với giọng điệu châm biếm, giễu nhại. Bằng
lối viết ẩn dụ, truyện ngắn này phụ họa cho luận điệu của Nguyễn Thuyên - Minh
Võ, rằng Hồ Chí Minh đã “chạy theo một chủ nghĩa ngoại lai để đem tai họa về
cho dân tộc”2; đồng thời, xuyên tạc nhân cách lãnh tụ khi ám chỉ Hồ
Chí Minh đã lợi dụng quần chúng nhân dân để đạt được mục đích của đời mình.
Như trên đã trình bày,
nhiều năm qua, các tác phẩm văn học về đề tài Hồ Chí Minh chủ yếu là ca ngợi,
tôn vinh hình tượng và di sản của Bác. Có rất ít bài viết trực tiếp đấu tranh
phản bác những luận điệu xuyên tạc về Người. Trong khi đó, các thế lực thù địch
có chủ trương, mục đích rõ ràng và ngày càng trắng trợn hơn trong chiến dịch
“xóa thần tượng”, sử dụng nhiều trang mạng xã hội để chống phá quyết liệt. Bởi
vậy, nhận diện đúng để đẩy mạnh đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù
địch xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh (trong văn học nói
riêng, trong lĩnh vực tư tưởng - văn hóa nói chung) lúc này là cấp thiết. Song
hiện nay, nhiều người cầm bút có tâm lý tránh né, ngại đấu tranh, ngại va chạm;
nhiều tờ báo cũng e ngại việc tạo diễn đàn tranh luận những vấn đề chính trị.
Không ít các văn nghệ sĩ chỉ có thiên hướng sáng tác về những vấn đề muôn thuở
của con người, không muốn đi vào lĩnh vực chính sự. Giới trẻ (trong đó có các
cây bút trẻ) một số ít quan tâm đến chính trị, thiếu hiểu biết về lịch sử Việt
Nam, lịch sử thế giới và cuộc đời của các lãnh tụ. Một số người muốn phản biện,
đấu tranh lại ít có điều kiện tìm kiếm, tiếp cận các ấn phẩm, tài liệu của
“phía bên kia” và thiếu trình độ ngoại ngữ để đọc những công trình nghiên cứu
về Hồ Chí Minh viết bằng các ngôn ngữ khác.
Để đẩy mạnh đấu tranh chống
các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng, đạo đức Hồ Chí
Minh, cần nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh một cách hệ thống, toàn diện và hiểu
biết sâu về cuộc đời cách mạng của Người. Đồng thời, cần nắm vững hệ thống văn
bản, quan điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương về văn
hóa, văn học nghệ thuật. Cùng với đó, phải có những hiểu biết về văn hóa, văn
học, sử học và tri thức về các ngành khoa học xã hội nhân văn khác; kết hợp hài
hòa giữa “chống” và “xây”, giữa đấu tranh trực diện và đấu tranh gián tiếp trên
tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Trong lĩnh vực văn học, việc tuyên
truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ và nhân dân cũng
cần tiếp tục được tiến hành với hai hình thức: nghiên cứu và quảng bá sâu rộng
các tác phẩm của Hồ Chí Minh; thúc đẩy hoạt động sáng tác về Hồ Chí Minh, làm
sáng rõ tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người qua tác phẩm của các văn nghệ
sĩ. Bảo vệ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là bảo vệ chân lý và sự
thật, do đó, đây là công việc vừa cấp thiết vừa lâu dài.
1 - Về Nghị quyết
của UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 02-12-2019, dangcongsan.vn.
2 - Minh Võ – Hồ Chí
Minh - nhận định tổng hợp, Tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia, Hoa Kỳ, 2006,
Tập 1, tr. 237.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét