Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

Nét đẹp "Bộ đội Cụ Hồ"

 Lợi dụng việc Quân đội tăng cường chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam phòng, chống đại dịch Covid-19, trên một số trang mạng các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị đã đưa thông tin không chính xác, mang tính bịa đặt, xuyên tạc với ý đồ xấu.

Họ xuyên tạc mục đích của việc làm cần thiết, tốt đẹp của quân đội hỗ trợ TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch, cho rằng không cần thiết, gây chia rẽ Bắc - Nam, vu cáo quân đội là “ có động cơ khác, là “làm màu”… 


Đầu tiên, xin khẳng định ngay rằng những thông tin, ý đồ xuyên tạc, bịa đặt trên là hoàn toàn sai trái, không chính xác. Mục đích của những kẻ tiến hành xuyên tạc, bịa đặt, vu khống trên là nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân, Quân đội ta. Không ai được phép lợi dụng những việc làm tốt đẹp, nhân ái của Bộ đội Cụ Hồ để đưa lên mạng xã hội nhằm động cơ xấu. Chúng ta cần nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh phòng, chống để chiến thắng loại virus độc hại đó, không để nó lan truyền, gây hại cho cộng đồng. 

Lịch sử hơn 76 năm qua cho thấy, Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt. Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu hy sinh. Quân đội luôn cố gắng thực hiện tốt 3 chức năng: Đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất. Trong chiến đấu thì giết giặc lập công, hòa bình thì huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống thiên tai dịch bệnh, giúp đỡ, bảo vệ nhân dân. 

Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta, Quân đội xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu thời bình. Và quân đội đã trở thành lực lượng nòng cốt, xung kích, tiên phong nơi tuyến đầu phòng, chống dịch. Từ năm 2020 đến nay, trải qua 4 đợt dịch, Quân đội đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Bộ đội chấp nhận khó khăn, gian khổ, nguy cơ lây nhiễm… luôn vì nhân dân phục vụ, tất cả đều tình nguyện, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ, xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tin tưởng, yêu quý, đồng thuận, giúp đỡ, đúng với truyền thống Bộ đội Cụ Hồ- “Ở đâu nhân dân cần, ở đâu có khó khăn thì ở đó có Bộ đội Cụ Hồ”, Bộ đội Cụ Hồ đến dân vui, Bộ đội Cụ Hồ đi dân nhớ, Bộ đội Cụ Hồ ở dân thương"...


Tham gia phòng, chống dịch tại các địa phương, Quân đội sử dụng lực lượng tại chỗ gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ để phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, cơ quan chức năng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp và các tầng lớp nhân dân phòng, chống dịch . Như TP Hồ Chí Minh có lực lượng vũ trang Quân khu 7, các đơn vị chủ lực, học viện, nhà trường, bệnh viện quân đội đóng quân trên địa bàn. Khi đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ cuối tháng 4 - 2021, ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, số ca dương tính tăng cao…thì cần thiết phải có chi viện, tăng cường từ các nơi khác. Lực lượng quân đội tăng cường cho TP  Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam gồm: Lực lượng quân y, hậu cần, kỹ thuật và một số cơ quan, đơn vị khác để cùng với ngành chức năng, lực lượng tại chỗ, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phòng, chống dịch. Quân đội tăng cường, tham gia xây dựng, duy trì hoạt động của các bệnh viện dã chiến, xét nghiệm, tiêm vắc xin, thực hiện quy định giãn cách xã hội, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu đến tận tay người dân… Những ngày này, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” nhiệt tình, thiết thực, gần gũi, hết lòng hỗ trợ giúp đỡ nhân dân, góp phần bảo đảm không có ai đói, không có ai không được chăm sóc… khiến người dân TP Hồ Chí Minh hết sức xúc động, biết ơn và càng thêm tin yêu, đồng thuận, đoàn kết phối hợp, hỗ trợ Quân đội cùng các lực lượng phòng, chống đại dịch. 

Chúng ta đều đã thấy rất rõ sự đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong phòng, chống đại dịch Covid-19  trên phạm vị toàn quốc. Khi các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh dịch bệnh phức tạp thì Quân đội nhân dân, cùng Công an nhân dân, ngành Y tế và các địa phương cả nước, trong đó có TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam khẩn trương giúp đỡ tích cực, hiệu quả. Nay TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam dịch phức tạp thì đương nhiên, Quân đội, Công an lại cùng ngành y tế, các địa phương cả nước kịp thời chi viện tích cực, hiệu quả cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam phòng, chống dịch. Thật đúng là tương thân tương ái, nghĩa tình sâu đậm, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, trước sau vẹn tròn, một truyền thống văn hóa cao đẹp, rất đáng quý của dân tộc Việt Nam. 

Qua báo chí, tôi được biết, hưởng ứng lời kêu gọi phòng, chống dịch Covid- 19 của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương và Phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; ngày 23-8, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng đã phát động Phong trào Thi đua đặc biệt với chủ đề “Quân đội cùng cả nước chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Tôi  tuyệt đối tin tưởng và kỳ vọng rằng, Quân đội sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ vì có Đảng lãnh đạo, Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo, điều hành, hệ thống chính trị và đặc biệt là nhân dân ủng hộ, giúp đỡ và với chính nội lực của mình sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp để Quân đội chiến thắng, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Việt Nam nhận thêm 250.800 liều vắc xin AstraZeneca và Moderna

 Sáng 30/8, Bộ Y tế đã tiếp nhận 250.800 liều vắc xin phòng COVID-19 AstraZeneca và Moderna do Chính phủ Cộng hoà Séc tài trợ. Lô vắc xin này đã về đến Sân bay Quốc tế Nội Bài và đã được vận chuyển bảo quản tại kho lạnh theo quy định hôm 27/8.

Ông Lukas Musil - Đại biện lâm thời tại Việt Nam thay mặt Chính phủ Séc trao tặng cho Việt Nam lô vắc xin này.

Theo ông Lukas Musil, lô vắc xin trao tặng Bộ Y tế Việt Nam chứng tỏ mối quan hệ giữa 2 nước vô cùng đặc biệt, là mối quan hệ đã được vun đắp từ nhiều năm nay.

"Chúng ta đã luôn hỗ trợ lẫn nhau. Ở thời điểm năm ngoái khi Cộng hoà Séc đang nỗ lực chống dịch thì cộng đồng người Việt tại Cộng hoà Séc đã có nhiều công tác tham gia hỗ trợ phòng chống dịch. Việt Nam là ưu tiên trong chính sách hỗ trợ vắc xin của Cộng hoà Séc. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống dịch", ông Lukas Musil nói.

Được biết, Chính phủ Cộng hoà Séc cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam về trang thiết bị phòng chống dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã và đang tác động đến nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều nước đã phải phong toả, giãn cách để phòng chống dịch. Việt Nam đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch và nỗ lực tiếp cận các nguồn vắc xin.

Việt Nam đánh giá cao Chính phủ và nhân dân Cộng hoà Séc đã hỗ trợ 250.800 liều trong bối cảnh Chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam rất nỗ lực triển khai các giải pháp phòng chống dịch.

"Sự hỗ trợ này hết sức ý nghĩa, là nguồn động viên cho công cuộc phòng chống dịch của Việt Nam và càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam và Cộng hoà Séc bước sang năm thứ 71 quan hệ hợp tác", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Không thể đánh đồng sự kiện ở Afghanistan với Chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam

Ngày 15/8 (giờ địa phương), Người phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban Mohammad Naeem thông báo trên truyền hình, cuộc chiến ở Afghanistan đã kết thúc. Một thể chế và quy định mới sắp hình thành ở Afghanistan và Taliban đã sẵn sàng đàm phán với các nhân vật trong chính quyền Afghanistan.

Ở chiều ngược lại, chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani đã thừa nhận thất bại. Trong bài đăng trên trang facebook, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani xác nhận, Taliban đã giành chiến thắng và bây giờ lực lượng này có trách nhiệm bảo vệ tài sản và người dân Afghanistan. Ông Ashraf Ghani cũng cho biết lý do ông rời đất nước là vì “không muốn có thêm thương vong và thủ đô Kabul bị phá hủy”.

Trước chiến thắng của Taliban và sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani, trên mạng xã hội một số người tỏ ra hả hê, vui sướng. Một số người còn đem so sánh sự kiện này với sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ở Việt Nam ngày 30/4/1975; so sánh cảnh tượng Mỹ vội vã sơ tán người khỏi thủ đô Kabul với cảnh quân đội Mỹ rút khỏi Sài Gòn năm 1975 và mô tả nó như “sự tái hiện lịch sử”. Đặc biệt, họ còn so sánh Taliban với Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Họ chế nhạo những ca từ của các bài hát cách mạng như “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Tiến về Sài Gòn”... và đánh đồng hai cuộc chiến với nhau.

Trang BBC tiếng Việt đăng tải một số bài viết so sánh hai sự kiện này với những lời lẽ xuyên tạc lịch sử Việt Nam, như: “Vì sao chiến thắng của Taliban tại Kabul được so với sự kiện Sài Gòn thất thủ?”; “Kabul chưa đánh đã hàng, có giống chiến tranh Việt Nam”… Cùng với đó là những ngôn từ, bình luận mang tính xuyên tạc lịch sử Việt Nam như “tái hiện hình ảnh Sài Gòn thất thủ”, so sánh Taliban với “quân Bắc Việt”, từ đó miệt thị “Chính phủ Cộng sản Bắc Việt Nam”, “Việt Cộng đánh chiếm Sài Gòn”…

Đúng là nếu chỉ nhìn bề ngoài có thể thấy một số điểm trùng hợp giữa sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ở Việt Nam năm 1975 và sự kiện Taliban tiến vào thủ đô Kabul ở Afghanistan năm 2021. Đó là việc Mỹ đưa quân vào Afghanistan lật đổ Taliban, dựng lên chính phủ do Mỹ hậu thuẫn, tồn tại đến 20 năm; so với việc Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam với thời gian gần tương tự, cũng lập nên chính phủ bù nhìn do Mỹ hậu thuẫn. Rồi hình ảnh những chiếc trực thăng Mỹ vội vã di tản nhân viên khỏi Sài Gòn năm 1975 và Kabul năm 2021… Nhưng, hình ảnh chỉ phản ánh sự việc diễn ra chứ hình ảnh không phản ánh bản chất bởi hai sự kiện này là khác nhau.

Về mặt bản chất, cuộc chiến tranh Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam là một cuộc chiến tranh chính nghĩa giữa nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam -  những lực lượng được cộng đồng quốc tế thừa nhận với thế lực xâm lược và phản động, tay sai. Nó khác với cuộc chiến tranh giành quyền lực diễn ra ở Afghanistan giữa Taliban - một lực lượng chưa được cộng đồng quốc tế thừa nhận với một chính quyền thân Mỹ, do Mỹ và đồng minh dựng lên. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Taliban cũng là hai lực lượng, hai phạm trù lịch sử khác nhau.

Ngày 15/2/1961, tại Chiến khu Đ, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng, trực tiếp hoạt động trên chiến trường miền Nam, đặt dưới sự lãnh đạo về mọi mặt của Trung ương Đảng, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam và sự chỉ đạo, chỉ huy thống nhất của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà thường xuyên là Ban Quân sự thuộc Trung ương Cục (từ tháng 10/1963 là Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh Miền). Về mặt chính trị, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là lực lượng vũ trang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lực lượng này có nhiệm vụ chủ yếu là làm nòng cốt cho toàn dân đấu tranh vũ trang, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau 14 năm được thành lập, Quân Giải phóng miền Nam đã cùng quân và dân cả nước mưu trí, sáng tạo, không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh đánh bại đế quốc Mỹ và lực lượng tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành vẻ vang sứ mệnh lịch sử mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Taliban được thành lập năm 1994 ở thành phố miền Nam Kandahar bởi Mullah Mohammad Omar, thành viên một bộ lạc Pashtun và từng là một chỉ huy phiến quân Mujahideen chống lại chiến dịch quân sự của Liên Xô ở Afghanistan trong thập niên 1980. Hầu hết thành viên của Taliban là người Pashtun, dân tộc đông dân nhất Afghanistan. Tên Taliban có nghĩa là “những giáo sinh Pashto”. Khởi đầu với khoảng 50 tay súng có tham vọng thiết lập lại trật tự dựa trên sự nghiêm khắc của Hồi giáo nguyên thủy năm 1994, Taliban nhanh chóng lớn mạnh về quân số, mở rộng ảnh hưởng ở Kandahar, sau đó là toàn vùng Tây Nam Afghanistan nhờ lời hứa mang lại ổn định và công bằng thông qua luật Sharia, trong bối cảnh các nhóm quyền lực khác chỉ tập trung bắn giết.

Tuy nhiên, mặt trái của Taliban chính là sự tàn khốc, hà khắc. Năm 1996, Taliban tiến vào Kabul, lật đổ chế độ của Tổng thống Burhanuddin Rabbani - một trong những cha đẻ của tổ chức Mujahideen, buộc Rabbani ra nước ngoài sống lưu vong. Sau khi bị liên quân Mỹ, đồng minh lật đổ năm 2001, Mullah Omar và nhiều thủ lĩnh Taliban chạy sang Pakistan, đồng thời mở những chiến dịch quân sự trên khắp lãnh thổ Afghanistan để giành lại quyền lực.

Như vậy, không thể đồng nhất Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam – lực lượng cách mạng của nhân dân Việt Nam với Taliban. Việc so sánh hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam với Afghanistan cũng là kiểu so sánh rất khập khiễng, không thể nói “đồng nhất”. Đó là một hành vi làm sai lệch bản chất cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta, hạ thấp ý nghĩa, sức nặng chiến thắng của dân tộc ta, hạ thấp những gì mà nhân dân ta và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã trải qua trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bởi cuộc chiến tranh chính nghĩa, bảo vệ nền độc lập dân tộc, được nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới ủng hộ nên ngay khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố thành lập vào năm 1969, đã có tới 23 quốc gia công nhận, trong đó có 21 quốc gia đặt quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ và khoảng 50 quốc gia khác đặt những liên hệ ngoại giao.

Về ý nghĩa, Đại thắng mùa xuân 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm. Chiến thắng đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, cả nước cùng tiến lên CNXH. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta và của thế giới, như một trang sử chói lọi của thế kỷ XX, mang tầm quốc tế, tầm thời đại sâu sắc.

Chiều 19/8, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, báo chí trong nước và quốc tế đặt nhiều câu hỏi về quan điểm của Việt Nam đối với tình hình Afghanistan hiện nay. Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định, Việt Nam quan tâm theo dõi tình hình Afghanistan và mong Afghanistan sớm ổn định vì lợi ích của người dân Afghanistan, vì hòa bình, ổn định của khu vực. Là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan không sử dụng vũ lực, bảo đảm an ninh, trật tự, cơ sở hạ tầng thiết yếu, tính mạng và tài sản cho người dân Afghanistan và người nước ngoài, nhất là phụ nữ và trẻ em, cũng như đảm bảo tiếp cận nhân đạo khi cần thiết.

Một hãng tin quốc tế đặt câu hỏi về việc gần đây một số hãng truyền thông so sánh cảnh tượng Mỹ vội vã sơ tán người khỏi thủ đô Kabul với cảnh quân đội Mỹ rút khỏi Sài Gòn năm 1975 và mô tả nó như “sự tái hiện lịch sử”, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, với chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra trang sử mới của Việt Nam, kỷ nguyên độc lập tự do, hòa bình, toàn dân tộc chung tay xây dựng, phát triển đất nước. Thắng lợi của cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã đem lại lòng tin, phấn khởi, khâm phục, mến mộ của lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng đó là không thể lay chuyển. 

Nguồn: https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/khong-the-danh-dong-su-kien-o-afghanistan-voi-chien-thang-30-4-1975-cua-viet-nam-i625289/

Sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết

Việc áp dụng giãn cách xã hội là một trong những giải pháp hữu hiệụ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng. Thực tế 3 đợt dịch trước ở Việt Nam đã chứng minh, thực hiện thông điệp 5K, áp dụng giãn cách xã hội vẫn là giải pháp chỉ đạo để ngăn chặn sự lây lan bệnh, đặc biệt trong điều kiện nguồn vaccine còn hạn chế, chưa thể tiêm chủng rộng khắp cho nhân dân. Đây là cách thức khoa học, đúng đắn đã được các cấp chính quyền quyết liệt thực hiện, được nhân dân đồng tình ủng hộ, qua đó đã hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng quyết liệt phương pháp này và đã thành công ở từng mức độ cụ thể, cùng với việc tăng cường tiêm chủng vaccine. Do đó, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với TP Hồ Chí Minh và các địa phương đang có dịch bệnh phức tạp là: 

Thứ nhất, thực hiện cách ly nghiêm ngặt, triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã, phường với xã, phường để ngăn chặn dịch bệnh lâu lan. Lực lượng Quân đội, Công an được huy động, chi viện, phối hợp với TP Hồ Chí Minh và các địa phương triển khai nhiệm vụ cùng các ngành, các cấp tham gia động viên, hỗ trợ người dân để thực hiện cách ly nghiêm ngặt. Thủ tướng chỉ rõ, cách ly là để lo cho dân, vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân. 

Thứ hai, cách ly, giãn cách cũng là biện pháp tổ chức, tăng hiệu quả xét nghiệm thần tốc, qua đó phát hiện F0 nhanh nhất, bóc tách ra khỏi cộng đồng, không bỏ sót; phân loại, hạn chế lây lan, áp lực lên hệ thống y tế, tập trung điều trị hiệu quả ca nhiễm, giảm tối đa các trường hợp tử vong. 

Thứ ba, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương, với sự phối hợp của các lực lượng khác, Quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân, đồng thời hết sức uyển chuyển, linh hoạt, tận dụng các biện pháp khác để cung ứng lương thực, thực phẩm với điều kiện tiên quyết là bảo đảm tuyệt đối an toàn, tất cả vì sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của nhân dân. 

Thứ tư, tăng cường lực lượng Công an, Quân đội để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân, trợ giúp người dân, cùng cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi, giải thích để người dân hiểu rõ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người dân, đúng như Thủ tướng chỉ đạo: “chúng ta làm gì cũng vì lợi ích của nhân dân”. 

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo, hành động quyết liệt phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “tính mạng con người là trên hết, trước hết và quý giá nhất”. Đây vốn là bản chất tốt đẹp, nhân văn của chế độ và cũng là giá trị truyền thống quý báu của dân tộc. Thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội đợt này cũng là cụ thể hóa Lời kêu gọi của Tổng Bí thư: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.  Rõ ràng, lợi dụng dịch bệnh để thông tin sai trái, xuyên tạc với mục đích kích động, chống phá, đó là hành vi vô pháp, bất đạo trước sức khỏe, tính mạng con người, cần nhận diện và đấu tranh ngăn chặn. 

Hãy tỉnh táo trước những luận điệu xảo trá, phá hoại cuộc chiến chống dịch ở TP Hồ Chí Minh

Trước diễn biến dịch COVID-19 hết sức phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam, hàng loạt địa phương đã siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn việc giãn cách xã hội ở TP Hồ Chí Minh với tinh thần “ai ở đâu, ở yên đó”, mỗi phường, xã là một “pháo đài” chống dịch. 

Công tác phòng chống dịch COVID-19 chuyển từ tập trung cao độ ở cấp thành phố sang “hai mũi” vừa tập trung, vừa phân tán xuống đến từng phường, xã, cá nhân, hộ gia đình. Chính phủ và thành phố bảo đảm mọi nhu cầu để mỗi xã, phường là một pháo đài trong mọi khâu: Quản lý giãn cách, hạn chế tối đa số người ra đường, bảo đảm an sinh xã hội, lo ăn, ở cho người dân, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân; tăng cường xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện F0, bóc tách nguồn lây khỏi cộng đồng, điều trị F0 ngay tại xã, phường, tuyến trên chủ yếu chữa trị cho những trường hợp nặng. Quân đội, Công an triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó có lực lượng y, bác sĩ điều trị, Quân đội, Công an tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân, bảo vệ an ninh, an toàn, an dân, an ninh xã hội. 

Lợi dụng tình hình trên, một số đối tượng, tổ chức phản động đã phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin xuyên tạc, sai trái. Nhân việc Chính phủ quyết định việc thực hiện giãn cách ở mức độ cao hơn, thực chất hơn, chúng lập tức tập trung khai thác, công kích vào chủ trương, biện pháp, cách thức phòng, chống dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch. Ngay sau phiên họp của Thường trực Chính phủ với một số tỉnh, thành phía Nam, thống nhất thực hiện nhiều biện pháp với tinh thần trên, Đài RFA, RFI, BBC, hệ thống truyền thông hải ngoại, phản động đăng tải hàng loạt bài viết với nội dung lên án, phỉ báng, phê phán cách thức, biện pháp phòng, chống dịch. 

Họ xuyên tạc rằng, việc thực hiện siết chặt giãn cách ở TP Hồ Chí Minh là “biện pháp sai lầm, phi khoa học”, cho rằng quyết định này sẽ là thảm họa; không thể coi “chống dịch như chống giặc”, virus nó vô hình lan truyền trong không khí, việc chốt chặt, lập hàng rào thép gai, nhốt dân… làm sao ngăn chặn được virus mà “để tra tấn dân”, từ đó vu cáo cách làm này “chỉ làm dịch lan rộng, dân chưa chết vì dịch bệnh thì đã chết vì đói”. Có bài viết mỉa mai: “Những kẻ khờ khạo thì chống dịch theo kiểu thiết quân luật, càng ngăn cản chừng nào thì càng làm bế tắc hệ tuần hoàn xã hội và dẫn đến cái chết của xã hội. Đã đến lúc phải chấp nhận một sự thật rằng mọi giải pháp “chống giặc” đều vô nghĩa”. Từ đó kêu gọi theo kiểu chống đối: “Đừng chống nữa, đừng đánh nữa, đừng diệt nữa… dân khổ lắm rồi, hãy khiêm tốn, nghiêm túc nhận sai, thất bại, chấp nhận”! 

Lợi dụng việc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an triển khai một số đơn vị, lực lượng giúp dân phòng, chống dịch, tổ chức khủng bố Việt Tân cắt gắp nhiều hình ảnh xe bọc thép tung lên mạng để xuyên tạc rằng: “Hà Nội huy động lực lượng quân đội vào Sài Gòn để dẹp loạn nếu dân đói làm loạn… Quân đội sẽ đàn áp nếu dân đói xuống đường biểu tình, đòi quan chức mở kho lương. Quân đội hiện diện khắp đường phố Sài Gòn là để răn đe dân chứ không phải chống dịch!”. Luật khoa tạp chí vốn là một tổ chức tự xưng “xã hội dân sự” trá hình, tung lên cộng đồng mạng xã hội những hình ảnh việc cơ quan chức năng tuyên truyền, xử lý một số người dân vi phạm như không đeo khẩu trang, tập thể dục, ra đường khi không có việc cần thiết ở TP Hồ Chí Minh để xuyên tạc, quy kết chính quyền là vi hiến. Họ lèo lái: “Việc đi bộ, thể dục, đạp xe, ra đường trên phố vắng người không gây hại cho xã hội, cũng không tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh, vì không tiếp xúc với ai. Chính việc xử phạt lại làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh khi người bị phạt phải tiếp xúc cùng lúc với ba viên cảnh sát. Tại sao nhà nước lại có quyền trừng phạt một hành vi không gây tổn thất cho xã hội”? Cho rằng Chỉ thị 16 không phải là văn bản pháp quy, việc ban hành chỉ thị để cấm đoán quyền đi lại, làm việc là vi hiến… 

Nhiều trang mạng hải ngoại phát tán, lan truyền nhiều hình ảnh bi thương trong đại dịch để lên án Nhà nước, chính quyền bỏ mặc dân. Họ xuyên tạc tình hình tiếp cận, phân bổ vaccine, phê phán Nhà nước phân biệt, ép người dân tiêm vaccine mà không được lựa chọn, kỳ thị chủng loại vaccine, chia rẽ vùng miền, khối đại đoàn kết dân tộc, kêu gọi “dân bất tuân luật giãn cách”. Đây là những luận điệu sai trái, xuyên tạc với mục đích công kích, chống phá, hạ thấp uy tín và vai trò quản lý của Nhà nước, chính sách, biện pháp, cách thức phòng, chống dịch bệnh; gây hoang mang, dao động, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch bệnh cấp bách hiện nay. Luận điệu này là một thứ “biến chủng Delta” của virus thông tin độc hại, nguy hiểm.

Vin cớ “góp ý chống COVID-19” để xuyên tạc, chia rẽ người dân với Công an (Bài 2)

 Lý giải những  “băn khoăn”, “góp ý”… 

Thực ra, không khó để nhìn nhận ý đồ của những kẻ đang lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp hòng tuyên truyền phá hoại, gây hiểu nhầm và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt là chia rẽ lực lượng vũ trang và nhân dân. Bên cạnh đó, với xu hướng “lướt tin bề nổi” như hiện nay thì không ít người do nhẹ dạ, cả tin mà đang bị những luồng thông tin xấu đó hướng lái, chi phối để rồi đọc và “tiêu hóa” ngay mà không đánh giá đúng bản chất sự việc. Vì thể, xin nêu những luận giải dễ nhận biết để mọi người cùng hiểu, không mắc mưu kẻ xấu: 

Thứ nhất, một số người hoài nghi về việc Công an, Quân đội đi chợ cho dân, vận chuyển, cấp phát lương thực, thực phẩm cho dân liệu có đúng vai trò, nhiệm vụ hay không? CAND Việt Nam có chức năng đảm bảo an ninh, trật tự; đặc biệt trong công cuộc phòng, chống “giặc COVID-19” hiện nay thì lực lượng Công an phải triển khai các biện pháp, công tác nhằm đấu tranh chống “giặc dịch”, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân. Một trong những công tác cần thực hiện trong cuộc chiến đấu này là đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch, trong đó có việc thực hiện giãn cách, phong tỏa, truy vết ngăn chặn dịch bệnh, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định chống dịch. 

Đồng thời, lực lượng CAND cùng các cơ quan chức năng đảm bảo an sinh, xã hội, giúp đỡ nhân dân. Trong công tác, bản chất người CAND là vì nhân dân phục vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân. Do đó, việc đi chợ mua hàng giúp nhân dân trong bối cảnh người dân phải thực hiện giãn cách chống dịch, chẳng phải là vì nhân dân phục vụ hay sao? Tương tự, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam theo quy định tại Luật Quốc phòng 2018, có các chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất. Đội quân công tác chính là phục vụ nhân dân. CAND, QĐND là lực lượng nòng cốt trong công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân. 

Có ý kiến nói rằng, lực lượng vũ trang không giỏi mua hàng bằng shipper, cần giao cho đội ngũ này. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra lúc này không phải chỉ là giỏi hay không giỏi mua hàng, giao hàng mà quan trọng nhất là các công việc đó phải đảm bảo an toàn, phải đưa hoạt động này được quy củ, giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Trong đại dịch vừa qua, từ cứu người đến giúp dân gặt lúa, dựng nhà, dọn dẹp, chuyển đồ, đưa bệnh nhân đi cấp cứu, cấp phát thuốc…, không có gì khó khăn mà CBCS Công an nề hà. Hơn nữa, điều mà công tác chống dịch cần ở Công an, Quân đội bây giờ là sự chính quy, thống nhất và kỷ luật thì không lực lượng nào, con người nào có thể làm tốt hơn lực lượng vũ trang. Rõ ràng, Công an, Quân đội luôn là chỗ dựa an toàn nhất, yên tâm nhất, là thanh bảo kiếm bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. 

Thứ hai, một số ý kiến tung luận điệu rằng, Công an, Quân đội đi giúp dân sao phải đeo súng, định “bắn con COVID hay bắn dân”? Ai nói như vậy hẳn chưa kịp nghĩ vì sao Quân đội, Công an lại được gọi là “lực lượng vũ trang”? Cần hiểu rằng, không phải cứ bồng súng là sẽ bắn ai, dọa ai, ngay cả các nghi lễ ngoại giao, đội tiêu binh cũng mang súng, tuốt lê để thể hiện sự uy nghiêm, mạnh mẽ của lực lượng vũ trang, sự trọng thị của nghi lễ. 

Việc khoác súng khi tuần tra, canh gác cũng chính là phương án trong bảo đảm an ninh, trật tự nhằm ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ nhân dân. Thực tế, đã có nhiều hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp để thực hiện hành vi phạm tội, nhiều trường hợp chống đối, gây rối, tấn công lại lực lượng thi hành công vụ, huỷ hoại tài sản và đã có cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh, bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, đảm bảo an ninh, trật tự, lực lượng vũ trang có phương án chủ động trấn áp những đối tượng chống đối, phá hoại, trong công cuộc “chống giặc COVID-19” thì càng phải thực hiện nghiêm hơn. Súng không phải “đeo là để bắn” mà còn để răn đe, phòng ngừa tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự. 

Thứ ba, một số người xét nét, dè bỉu xung quanh việc truyền thông, quay phim chụp ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội chuyển đồ cứu trợ cho dân. Chúng ta đang sống ở cái thời mà không gian mạng gắn chặt với hành động, tư duy, suy nghĩ của mỗi người. Việc đưa lên internet, truyền hình, báo chí hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội chuyển đồ, giao hàng, đi chợ giúp dân cũng là lẽ thường tình như bao hình ảnh giúp dân mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân lâu nay vẫn làm, đâu phải “làm màu”! 

Gần 2 năm qua, hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội đã căng mình chiến đấu với COVID-19 từ biên giới, hải đảo đến tâm dịch, từ đô thị tới nông thôn, từ khu cách ly đến bệnh viện, họ nhường cả chỗ ăn, chỗ ngủ cho dân. Thực tế, việc chụp hình, quay phim ngoài giúp lan tỏa những việc làm tích cực, những đóa hoa đời thường còn nhiều ý nghĩa khác và chính người dân cảm kích trước việc làm tận tụy của CBCS Công an, Quân đội mà họ đã chụp, quay clip đưa lên. 

Hình ảnh về các CBCS lực lượng vũ trang giúp dân trong đại dịch, thực sự toát lên ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Mỗi người càng thấu cảm sự hy sinh, vất vả của những người khoác màu xanh áo lính, những ngôi sao vàng trên áo mũ. Trong số những chàng trai, cô gái trẻ khoác màu áo cảnh phục kia, có những người tuổi mới ngoài đôi mươi, xuất thân từ nông thôn, giọng nói vẫn đặc sệt âm ngữ vùng miền, lối ăn, nết ở, cư xử của họ mộc mạc. Trong những ngày đầu, nhiều người có thể chưa quen việc mua hàng, đi chợ, không thuộc đường, không am tường văn hoá địa phương… thì cũng đừng trách móc họ hay bịa ra câu chuyện “lính nói ngọng” để dè bỉu. Bởi các chiến sĩ đã dám bỏ lại sau lưng những nỗi lo toan của bản thân và gia đình khi lao vào tâm dịch, vào môi trường hiểm nguy và chính nơi đó, người dân đang cần những người lính “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ”. 

Phát biểu tại buổi làm việc với Viện Khoa học hình sự Bộ Công an nhân kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống của lực lượng CAND, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh rằng: Cùng với các lực lượng tuyến đầu khác như cán bộ y tế, bộ đội, những cán bộ ở cơ sở, tình nguyện viên…, các chiến sĩ CAND đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh bản thân mình, xa gia đình, người thân; bằng cả tấm lòng nhân ái, sự hy sinh thầm lặng, sự sẻ chia sâu sắc, tận tình phục vụ, chăm lo, hướng dẫn, giữ gìn an ninh, trật tự cho nhân dân trong vùng dịch, canh chốt trong các khu cách ly, bảo đảm an toàn chống dịch cho nhân dân… 

Đã có hơn 1.400 đồng chí nhiễm bệnh (trong đó 6 đồng chí đã mất), 3 đồng chí hy sinh trong cuộc chiến chống COVID-19, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ bị thương, hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm. Đó là những minh chứng thể hiện bản chất tốt đẹp, cao quý của người Công an cách mạng “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình, thực sự xứng đáng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. (hết)

Vin cớ “góp ý chống COVID-19” để xuyên tạc, chia rẽ người dân với Công an (Bài 1)

Trong khi cán bộ, chiến sĩ CAND đang ngày đêm vất vả, hy sinh trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như ở tuyến đầu phòng, chống đại dịch COVID-19 thì một số người lại đang cố tình phủ nhận mọi nỗ lực, vin cớ “góp ý” để tung ra những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, vu cáo lực lượng CAND. Mục đích của họ là nhằm làm vấy bẩn, chia rẽ hình ảnh người chiến sĩ Công an trong lòng dân, kích động, tạo dư luận tiêu cực. 

Gây nhiễu để chống phá 

Một số tổ chức núp bóng nhân quyền ở nước ngoài như “Ủy ban cứu người Việt Nam vượt biển” (BPSOS), “Theo dõi nhân quyền”, “Phóng viên không biên giới”… gia tăng hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo lực lượng CAND Việt Nam, như: Ra thông cáo vu cáo Công an Việt Nam sử dụng công nghệ trích xuất dữ liệu để xâm nhập thông tin, dữ liệu cá nhân của người dân; vu cáo Công an đàn áp các nhà “hoạt động dân sự”. 

Các trang mạng, đài, báo ở bên ngoài (BBC, RFA tiếng Việt, báo Tiếng dân, Chân trời mới media, Việt Tân, Thoibao.de…) lợi dụng việc báo chí trong nước đưa tin về các vụ việc sai phạm, phức tạp liên quan đến một số cán bộ trong lực lượng Công an để tạo dựng, chia sẻ các tin, bài viết xuyên tạc, tung tin sai lệch để hướng lái dư luận, tạo cái nhìn tiêu cực về ngành Công an. Họ xuyên tạc rằng, việc đưa nhiều Công an, Quân đội vào TP Hồ Chí Minh là để “trấn áp người dân” chứ không phải để chống dịch… 

Số đối tượng chống đối chính trị, phần tử xấu ở trong nước thì đăng tải, chia sẻ các thông tin, bài viết, video clip trên trang cá nhân hoặc trả lời phỏng vấn đài, báo nước ngoài với những lời lẽ xuyên tạc, vu cáo Công an đã “lạm dụng” Điều 117 Bộ luật Hình sự để gia tăng bắt giữ “người bất đồng chính kiến”, kêu gọi các tổ chức quốc tế, chính khách các nước can thiệp, kêu gọi trả tự do cho số đối tượng chống đối chính trị đang bị bắt, bị giam giữ. 

Họ còn xuyên tạc rằng, lực lượng Công an đang gây khó khăn cho người dân khi tham gia hỗ trợ chống dịch trong vùng giãn cách, khu cách ly, Chính phủ “ngăn sông cấm chợ” là đang trao cho Công an quyền “chặn cướp” của dân; vu cáo việc Bộ Công an quy định người dân khai báo, quét mã di biến động dân cư là không cần thiết, lãng phí và làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh ở các chốt kiểm soát dịch. Thậm chí, còn dựng lên những câu chuyện, thông tin, hình ảnh giả mạo, sai sự thật về lực lượng Công an như hình ảnh người giao hàng “quỳ lạy” CSGT ở TP Hồ Chí Minh, làm thơ, vè “lính nói ngọng”… 

Các đối tượng đăng tải, phát tán những thông tin, bài viết, hình ảnh, video clip xuyên tạc, sai sự thật về lực lượng Công an trên các trang mạng xã hội, từ đó kích động, hướng lái dư luận, tạo dư luận tiêu cực. Họ triệt để khai thác các tính năng bình luận, chia sẻ và phát trực tiếp (livestream) để đăng tải, chia sẻ, lan truyền các thông tin, hình ảnh sai sự thật, xuyên tạc lực lượng Công an, tạo ra những thông tin thất thiệt, đánh vào tâm lý của một bộ phận quần chúng nhân dân nhằm tạo ra cái nhìn thiếu thiện cảm của người dân với lực lượng Công an. 

Họ dựng lên những câu chuyện không có thật, giả danh, mạo danh Công an bằng việc mặc sắc phục giả, sử dụng giấy tờ, chứng minh CAND giả, sau đó thực hiện các việc làm phản cảm, vi phạm pháp luật, lừa đảo, gây bức xúc dư luận rồi quay video clip phát tán trên mạng xã hội kèm những lời bình luận khiếm nhã, từ đó kích động, hướng lái dư luận có cái nhìn tiêu cực, gây chia rẽ giữa nhân dân với lực lượng Công an. 

Một số đối tượng còn sử dụng thủ đoạn lập ra các cuộc thăm dò ý kiến trên mạng (poll), tạo ra những luồng thông tin trái chiều nhằm gây áp lực với lực lượng Công an dưới những khía cạnh khác nhau, như yêu cầu Công an phải tuân thủ luật pháp, không được “đứng trên pháp luật”, không được “lạm quyền”; Công an phải đứng về phía nhân dân, không thể là “công cụ chuyên chính, bạo lực của Đảng”; “Quốc hội cần phải sửa luật để hạn chế bớt quyền của Công an, để kiểm soát quyền của Công an”… Đây rõ ràng là những thủ đoạn rất tinh vi, nham hiểm nhằm đánh vào sự thiếu tỉnh táo, cảnh giác của một bộ phận quần chúng nhân dân, những người nhẹ dạ, cả tin, những người thiếu bản lĩnh chính trị, từ đó cố tình bôi nhọ danh dự, uy tín, hình ảnh của lực lượng CAND. (Còn nữa)

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...