Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

35 chuyên gia y tế Việt Nam sang hỗ trợ Lào phòng, chống dịch Covid-19

Chiều 3-5, GS, TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã gặp mặt và giao nhiệm vụ cho 35 y, bác sĩ, chuyên gia của Việt Nam được cử sang Lào làm nhiệm vụ hỗ trợ nước bạn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, các y, bác sĩ được cử sang Lào lần này vừa hướng dẫn, vừa triển khai các công việc cụ thể cho bạn về phòng, chống dịch. Trong công tác phòng, chống dịch, hiện Lào đang cần hỗ trợ về điều trị, thành lập đơn vị hồi sức tích cực, xét nghiệm và triển khai bệnh viện dã chiến. 

Về xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, nước bạn Lào có nhu cầu thiết lập hệ thống xét nghiệm, quản lý xét nghiệm hoặc xét nghiệm trên diện rộng, trước mắt Việt Nam hỗ trợ máy thở, khẩu trang và một số trang thiết bị khác. Do đó, các chuyên gia về lĩnh vực này cần chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ nâng công suất xét nghiệm với Lào.

Về quản lý chất thải, quản lý môi trường trong phòng chống dịch, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm, do đó các chuyên gia về lĩnh vực này cần hướng dẫn cho bạn. Đồng thời, đoàn công tác cũng phải hướng dẫn cho các bạn Lào sử dụng các thiết bị y tế trong điều trị, khám chữa bệnh… 

Khi đoàn công tác của Việt Nam đến hỗ trợ mỗi điểm của Lào cần đề nghị các điểm này kết nối với hệ thống khám chữa bệnh từ xa của Việt Nam. Ở đây, có các chuyên gia của Việt Nam sẽ hỗ trợ tối đa trong công tác phòng chống dịch. 

Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, theo đề xuất của Lào sẽ có 2 địa điểm là Savanakhet và Viêng Chăn cần có sự hỗ trợ của các y, bác sĩ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Theo Thứ trưởng, đây là lần đầu tiên một đoàn nhân viên y tế Việt Nam lớn như vậy sang nước bạn, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai công việc. Các vụ, cục của Bộ Y tế sẽ hỗ trợ trực tuyến cho các y, bác sĩ, chuyên gia Việt Nam tại Lào. Các cán bộ, chuyên gia được cử sang Lào dịp này sẵn sàng bắt tay ngay vào việc khi đến nước bạn. 

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các vụ, cục chức năng của Bộ Y tế chuẩn bị tài liệu chuyển cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia sang Lào… Cục quản lý khám chữa bệnh cử một lãnh đạo cục liên hệ công tác điều trị, chuẩn bị xây dựng bệnh viện dã chiến cho Lào. 

Đoàn cán bộ, chuyên gia y tế sang Lào hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 gồm 35 người do TS Hoàng Minh Đức, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng làm trưởng đoàn, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương làm phó đoàn.

Nguồn: Báo QĐNDVN

Công điện của Thủ tướng chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 570/CĐ-TTg ngày 2-5-2021 về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Công điện gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nêu rõ: 

Thời gian vừa qua Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã luôn quan tâm chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc kịp thời, nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp đã được triển khai. Đến nay, chúng ta vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, xuất hiện tình huống xấu và khó lường. Thực tế, nhiều nơi đã có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thực hiện chưa nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đặc biệt là giám sát thực hiện quy định 5K, nhất là việc đeo khẩu trang nơi công cộng, tập trung đông người. 

Trong điều kiện cả nước đang tích cực chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, để kịp thời chấn chỉnh những bất cập và tăng cường công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau: 

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các quy định, quy chế về phòng, chống dịch của Bộ Y tế. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 

2. Trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn, kinh nghiệm phòng chống dịch của các nước và các địa phương trong thời gian qua; bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định hiện hành về phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần phân cấp, phân quyền tối đa đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cho các cấp, các ngành, các địa phương chủ động , sáng tạo, linh hoạt phòng, chống dịch có hiệu quả nhất, đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình hiện nay. 

3. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đề nghị các cấp có thẩm quyền khẩn trương rà soát, xem xét khen thưởng kịp thời theo quy định đối với các địa phương: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lâm Đồng… đã kịp thời, phản ứng nhanh, chủ động có các biện pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. 

Thủ tướng Chính phủ phê bình, nhắc nhở, yêu cầu: 

- Các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh nghiêm tình trạng không tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia, nhất là việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc nơi công cộng; 

- Các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai các khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm điều kiện vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch và năng lực xét nghiệm tại địa phương; 

- Các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Hà Nam, Yên Bái bám sát quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, căn cứ hậu quả xảy ra để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, xử lý theo quy định, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự, theo tinh thần khách quan, công bằng, nghiêm minh. 

Bộ Y tế kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này; tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát việc bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc và điều kiện phòng chống dịch ở các địa phương. 

4. Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nhất là trong công tác quản lý nhập cảnh. Tổ công tác liên ngành gồm 5 Bộ: Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải tập trung thống nhất xử lý, kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh của người Việt Nam ở nước ngoài, của các chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao nước ngoài. 

5. Bí thư cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, động viên tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân để tập trung cho việc phòng chống dịch hiệu quả. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt. Mọi sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác sẽ phải trả giá về tính mạng con người, sức khỏe cộng đồng, tiền của, cơ hội, phát triển kinh tế-xã hội, trật tự an toàn xã hội và niềm tin, uy tín với nhân dân. 

6. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không gây tâm lý hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh, nhất là gây mất ổn định và hoảng loạn trong xã hội. 

7. Tăng cường phối hợp hơn nữa giữa các cơ quan trong công tác phòng chống dịch; luôn tỉnh táo, sáng suốt bám sát thực tế, tích cực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong việc xử lý tình huống. 

8. Các lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch nêu cao tinh thần trách nhiệm, xả thân, cống hiến vì danh dự, nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe cộng đồng, vì hạnh phúc của nhân dân. Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và sẽ có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời, phù hợp. 

9. Về việc bảo đảm vaccine tiêm phòng dịch Covid-19: 

a) Bộ Y tế rà soát toàn bộ số vaccine còn lại, thúc đẩy tiến độ tiêm hết số vaccine này nhanh nhất và công bố trên thông tin đại chúng để cho nhân dân biết và giám sát. 

b) Bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 50, Nghị quyết số 21 của Chính phủ để rà soát, xem xét tiếp cận nhiều nguồn vaccine nhất có thể để chủ động mở rộng phạm vi tiếp cận, tăng tính cạnh tranh và các sinh phẩm xét nghiệm mới, hiện đại, tập trung đàm phán với các đối tác, tận dụng các mối quan hệ, tổ chức mua và kiểm soát được nguồn cung cấp, chất lượng, giá vaccine và các sinh phẩm xét nghiệm một cách công khai, minh bạch. 

c) Quản lý và sử dụng có hiệu quả, kịp thời nguồn tài chính ngân sách đã được bố trí. Đồng thời có cơ chế, chính sách và các giải pháp kiểm tra, giám sát để các doanh nghiệp và người dân tích cực, chủ động tham gia xã hội hóa trên cơ sở đặt lợi ích chung, lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết. Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong việc mua bán, sử dụng vaccine. 

10. Bộ Y tế bám sát kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ về nhập khẩu, sản xuất và tiêm vaccine, cập nhật tình hình trong và ngoài nước để chỉ đạo xây dựng Báo cáo và Tờ trình ngắn gọn xin ý kiến thành viên Chính phủ tại phiên họp Chính phủ tháng 5 năm 2021 cho một số chủ trương lớn, trong đó chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca nhiễm Covid-19 để Bộ Y tế có cơ sở thực hiện mua trang thiết bị dự trữ; phương án thúc đẩy nghiên cứu sản xuất, nhập khẩu và tổ chức tiêm vaccine. 

11. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thay mặt Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo toàn diện các công việc liên quan đến phòng, chống dịch; trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế phát huy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống dịch, nêu cao trách nhiệm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, chủ trì tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện.

Nguồn: Báo QĐNDVN

Thiết lập “lá chắn thép” khép kín đường biên

Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở Campuchia. Trong nước, việc xuất hiện ổ dịch mới tại một số địa phương, nên nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng rất cao nếu không được kiểm soát tốt.

Với hơn 630km đường biên giới, các tỉnh biên giới Tây Nam đang triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, nhất là ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép (XNCTP). Với vai trò chủ trì, nòng cốt PCD ở địa bàn biên giới, LLVT các tỉnh biên giới và Quân khu 7 đã chủ động tăng cường các biện pháp, nâng cao sự phối hợp hiệp đồng, tạo nên phòng tuyến chống dịch vững chắc. 

Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, vùng biên giới Tây Ninh nắng như đổ lửa. Đi trên đường tuần tra biên giới thuộc địa bàn huyện Trảng Bàng và Bến Cầu, chúng tôi thấy những tổ, trạm canh trực PCD Covid-19 được bố trí sát đường biên; cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP), dân quân, công an phối hợp bám trụ, vượt qua khó khăn của thời tiết, ngày đêm thực hiện nhiệm vụ tuần tra, canh trực. Thượng tá Nguyễn Văn Hạ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phước Chỉ cho biết: "Đồn quản lý gần 14km đường biên giới. Chỉ cần ít phút lơ là thì các đối tượng XNCTP sẽ nhanh chóng vượt qua đường biên, nhất là vào ban đêm. Đồn bố trí nhiều chốt trực cố định và cơ động bảo đảm khép kín biên giới. Thời gian qua, đơn vị đã phát hiện, xử lý 21 vụ gồm 45 đối tượng XNCTP". 

Hiện đang là cao điểm của hoạt động XNCTP vì dịch Covid-19 ở Campuchia bùng phát mạnh. Tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh dài 240km có địa hình khá bằng phẳng với nhiều đường mòn, lối mở. Nhiều đối tượng theo dõi hoạt động của lực lượng bảo vệ biên giới để tổ chức XNCTP. Theo Đại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Tây Ninh, toàn đơn vị duy trì 129 chốt PCD Covid-19 cố định, 32 tổ tuần tra, kiểm soát lưu động; 12 trạm biên phòng, 27 điểm cảnh giới, quân số trực 24/24 giờ. Từ đầu năm 2021 đến nay, BĐBP tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ 141 vụ/778 đối tượng XNCTP; khởi tố 7 đối tượng tổ chức XNCTP; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 800 triệu đồng; thực hiện cách ly tất cả đối tượng theo quy định... 

Còn tại tỉnh Bình Phước, đường biên giới tiếp giáp với Campuchia dài hơn 260km, công tác PCD cũng được triển khai quyết liệt. Tỉnh đã triển khai 62 chốt và 11 tổ cơ động kiểm soát chặt chẽ biên giới, PCD Covid-19; thành lập 5 khu cách ly tập trung và có phương án sẵn sàng thành lập thêm 38 khu cách ly có khả năng tiếp nhận hơn 8.700 người; thành lập 1 bệnh viện dã chiến có sức chứa 150 giường, trang bị 1 máy xét nghiệm công suất gần 300 mẫu bệnh phẩm/ngày... 

Thời tiết trên tuyến biên giới Tây Nam đang chuyển vào mùa mưa, nắng nóng gay gắt, nhiều mưa dông, sấm sét. Tuyến biên giới dài, địa hình đa dạng, phức tạp gồm tuyến đất liền, tuyến sông, tuyến qua rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, nhiều đường ngang, lối mở nên công tác canh trực, tuần tra bảo vệ biên giới, PCD Covid-19 gặp rất nhiều gian nan, vất vả. Nhiều chốt trạm, điểm canh trực dã chiến còn tạm bợ nằm trong rừng sâu, khu vực hẻo lánh, có nơi không có sóng điện thoại, nước sạch, điện... Ở tuyến biên giới tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực, đầu tư cho các tổ chốt. Bộ Quốc phòng và Bộ tư lệnh BĐBP cũng đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng chốt, trạm kiên cố để cải thiện điều kiện sinh hoạt, thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ. Bình Phước đã đầu tư xây dựng được 62 căn nhà tiền chế vững chắc cho các tổ chốt thay cho các lán trại tạm bợ trước đây; lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời cho 55/62 tổ chốt... 

Còn ở Tây Ninh, đồng chí Dương Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh Tây Ninh đã đầu tư thêm kinh phí mua sắm trang thiết bị y tế, các loại công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng trên tuyến đầu PCD. Tỉnh vừa phê duyệt đề án lắp đặt camera quan sát đường biên giới, tổng trị giá hơn 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, tuyến biên giới còn nhiều khó khăn như nơi ăn nghỉ của các tổ chốt canh trực, các loại thiết bị, công cụ hỗ trợ còn thiếu, công tác bảo đảm chính sách cho các lực lượng được điều động tăng cường chưa thống nhất, lượng vaccine ngừa Covid-19 dành cho lực lượng bảo vệ biên giới chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu cột chống sét ở các điểm chốt... 

Nhằm nâng cao hiệu quả, tăng cường PCD Covid-19, ngay trước và trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua, Bộ Quốc phòng đã tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra công tác SSCĐ, quản lý, bảo vệ biên giới, chống XNCTP, PCD Covid-19 ở các tỉnh tuyến biên giới Tây Nam. Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn công tác đã kiểm tra thực tế, làm việc với Ban chỉ đạo PCD Covid-19 tỉnh Bình Phước. Phó đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tại tỉnh Tây Ninh. Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Phó tổng Tham mưu trưởng dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang... 

Thiếu tướng Võ Văn Thi, Phó tư lệnh Quân khu 7 cho biết: "Dịch Covid-19 đang ở thời điểm nguy cơ bùng phát rất cao, đặc biệt là nguồn bệnh xâm nhập từ hướng biên giới Tây Nam vào nội địa. Ban chỉ huy lâm thời phòng thủ dân sự Quân khu 7 xác định 5 cấp độ dịch bệnh để chủ động phòng, chống; tập trung chuẩn bị toàn diện, chu đáo, triển khai tiếp nhận, cách ly nhanh gọn, hiệu quả và bảo đảm tuyệt đối an toàn, theo phương châm 4 tại chỗ. Thời gian qua, Bộ tư lệnh Quân khu 7 cùng Ban chỉ đạo PCD Covid-19 các tỉnh, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp, siết chặt quản lý biên giới, tăng cường, bổ sung lực lượng hỗ trợ cho lực lượng ở biên giới; điều phối đối tượng cách ly giữa các tỉnh, xây dựng phương án, sẵn sàng triển khai các khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 tùy theo mức độ, tình huống dịch; rà soát những khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ và báo cáo Bộ Quốc phòng kịp thời có cách xử lý nhanh nhất, tốt nhất". 

Làm việc với lãnh đạo UBND các tỉnh biên giới, các đồng chí trưởng đoàn công tác Bộ Quốc phòng đều nhấn mạnh vai trò nòng cốt của LLVT, yêu cầu nâng cao toàn diện công tác phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, chính quyền địa phương, thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa SSCĐ, quản lý, bảo vệ biên giới, vừa PCD hiệu quả. Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chưa xác định được thời điểm chấm dứt, nguy cơ dịch xâm nhập qua biên giới rất cao, do đó, công tác PCD Covid-19 phải luôn nêu cao sự chủ động, có phương án xử lý hiệu quả các tình huống, đặc biệt là phải kiểm soát chặt chẽ biên giới, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức PCD cho người dân...

Nguồn: Báo QĐNDVN

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...