Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021

Đoàn Bình Giã tận tình hỗ trợ nhân dân

Hơn một tháng hành quân vào tâm dịch của TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong phòng, chống dịch, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 (Đoàn Bình Giã), Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 đã nỗ lực, tận tâm thực hiện nhiệm vụ. Từng cử chỉ, hành động của bộ đội Đoàn Bình Giã đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân thành phố trong những ngày cao điểm chống dịch.


Dù cái nắng buổi chiều còn rất nóng nhưng không khí các khu lao động trên đường Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP Hồ Chí Minh dường như hối hả hơn khi cấp ủy, chính quyền địa phương cùng bộ đội Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 triển khai phát lương thực, nhu yếu phẩm đến tận hộ gia đình. Trung úy Trần Sỹ Linh, Tổ công tác số 23 của Trung đoàn 1 cho biết: “Dù lần đầu tiên tham gia công tác phòng, chống dịch ở thành phố nhưng tôi và đồng đội đều động viên nhau cố gắng làm tốt vai trò, chức trách, nhiệm vụ được phân công. Nhìn người dân được an toàn, chăm lo đầy đủ, chúng tôi càng có thêm động lực trong từng phần việc”.

Làm nghề chạy xe ba gác, là lao động chính nuôi vợ bị bệnh và hai cháu nhỏ nên từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống của gia đình ông Trần Văn Bách, sinh năm 1965 càng thêm khó khăn. Khi nhận được quà hỗ trợ, ông Bách xúc động bày tỏ: “Được địa phương và các chú bộ đội đến tận gia đình thăm hỏi, trao quà hỗ trợ, gia đình đình tôi cảm ơn và xúc động lắm”. Chứng kiến hiệu quả hoạt động của bộ đội Trung đoàn 1, đồng chí Phạm Đăng Nam, Chủ tịch UBND phường Võ Thị Sáu, quận 3 tâm đắc: “Chúng tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 đã hỗ trợ tích cực cho địa phương trên mặt trận chống dịch. Hiệu quả từ sự giúp sức của bộ đội đã tạo niềm tin, động lực để người dân cùng đồng hành các cấp phòng, chống dịch hiệu quả”.

Với lực lượng tăng cường cho TP Hồ Chí Minh, Trung đoàn 1 đã chia thành 72 tổ công tác. Từ khi triển khai thực hiện nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch Covid-19 đến nay, Trung đoàn 1 đã cùng lực lượng vũ trang, các ban, ngành, đoàn thể địa phương thành lập 106 tổ chốt kiểm soát dịch và 24 tổ tuần tra, chốt chặn các tuyến đường, khu cách ly, tuần tra lưu động để tuyên truyền, kiểm soát công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, tham gia vận chuyển gần 4.700 tấn gạo và lương thực thực phẩm, gần 1.900 tấn rau, củ… Cùng với đó, tham gia mô hình “đi chợ hộ” với 16.000 đơn hàng, tham gia đóng gói và trao tặng hơn 1,1 triệu phần quà đến nhân dân.

Là người trực tiếp bám sát địa bàn, chỉ huy bộ đội tham gia phòng, chống dịch, Trung tá Lê Minh Tuân, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 khẳng định: “Để đạt được kết quả trên, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn luôn đoàn kết, thống nhất chủ trương, biện pháp, điều chỉnh tổ chức biên chế hợp lý, phân công cán bộ phụ trách các hướng cụ thể, quyết tâm hoàn thành tốt “nhiệm vụ kép”. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, từng cán bộ, chiến sĩ phát huy tính chủ động, tự giác, hỗ trợ nhân dân tận tình, chu đáo nhất. Giữ cuộc sống bình yên của nhân dân chính là động lực để cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 1 vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Địa bàn tăng cường tham gia phòng, chống dịch Covid-19 của Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 tại TP Hồ Chí Minh gồm các quận: 3, Tân Phú và Phú Nhuận. Hơn một tháng qua, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã không quản ngại khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh của thành phố. Theo ghi nhận của chúng tôi, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã “vượt nắng, thắng mưa” bám trụ tại các chốt, trạm kiểm soát dịch, tham gia sắp xếp, vận chuyển số lượng lớn hàng hóa, lương thực, thực phẩm và đi đến từng ngõ hẻm, tuyến phố để đưa lương thực, nhu yếu phẩm đến tận tay người dân khó khăn trong mùa dịch.

Đồng chí Nguyễn Hùng Hậu, Bí thư Đảng ủy phường Võ Thị Sáu, quận 3 nhận xét rằng: “Sự tăng cường lực lượng từ Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 đã tạo nguồn lực quan trọng để địa phương làm tốt công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ nhân dân. Qua đó, đã kịp thời chia sẻ khó khăn, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của địa phương, quân đội đối với nhân dân, động viên mọi người ổn định cuộc sống”.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn bình thường mới. Công tác hỗ trợ phòng, chống dịch của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 cũng có nhiều thay đổi để phù hợp tình hình, tập trung vào công tác an sinh xã hội, hỗ trợ các điểm tiêm vaccine phòng Covid-19… Quá trình tham gia giúp dân phòng, chống dịch, đơn vị đã duy trì cán bộ, chiến sĩ bảo đảm đúng tác phong, ngôn phong, kỷ luật và nguyên tắc công tác. Đối với các tổ, đội khi tham gia làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát, tổ tuần tra, luôn phối hợp nhịp nhàng với lực lượng chuyên trách của địa phương, luôn chấp hành 5K, không gây phiền nhiễu đối với nhân dân. Đơn vị thường xuyên duy trì bộ đội thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn trong công tác và khi tham gia giao thông. Sau từng buổi, từng ngày công tác, đơn vị duy trì chặt chẽ quy trình các bước vệ sinh, khử khuẩn tập trung do đội trưởng, tổ trưởng trực tiếp duy trì.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Đoàn Mạnh Hà, Phó chính ủy Trung đoàn 1 cho biết: “Tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, đơn vị xác định đây là một nhiệm vụ đặc biệt, đáng tự hào, được thực hiện với mệnh lệnh trái tim người lính. Toàn đơn vị luôn quán triệt phương châm hỗ trợ địa phương, nhân dân phải tận tâm, trách nhiệm cao nhất, không quản ngại khó khăn, không kể ngày hay đêm. Đơn vị tiếp tục làm tốt nhiệm vụ đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn hoặc theo yêu cầu của cấp trên”.

Hành quân về tâm dịch TP Hồ Chí Minh để tăng cường lực lượng tham gia phòng, chống dịch, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 luôn giữ nghiêm kỷ luật quân đội, kỷ luật trong quan hệ với nhân dân, làm tốt công tác dân vận. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 – Đoàn Bình Giã anh hùng, đã để lại hình ảnh tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân Thành phố mang tên Bác.

Nguồn: Báo QĐND

Không thể đổi “đen thành trắng” với Trần Huỳnh Duy Thức và Phạm Đoan Trang

Ngày 6-10, một số tổ chức, hội nhóm dưới danh nghĩa “bảo vệ nhân quyền” đã cất lên ý kiến cố tình bóp méo sự thật để bênh vực cho Trần Huỳnh Duy Thức và Phạm Đoan Trang – những đối tượng vi phạm và đã bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Cái gọi là tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam một lần nữa lại xuyên tạc rằng, việc bắt và giam giữ Phạm Đoan Trang “là hành vi vi phạm quyền tự do ngôn luận một cách trắng trợn”, “tấn công vào nền tự do báo chí và hoạt động báo chí độc lập”. Từ đó, họ đòi phải trả tự do ngay lập tức cho đối tượng trên.

Dư luận trong nước và quốc tế hẳn không xa lạ gì hai nhân vật trên. Phạm Đoan Trang bị khởi tố, tạm giam về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 và Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015. Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Quyết định phê chuẩn các Quyết định của Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đối với bị can Phạm Thị Đoan Trang và các bước tố tụng tiếp theo được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Còn Trần Huỳnh Duy Thức thì đang thụ án 16 năm tù giam tại Trại giam Số 6 huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vì tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ luật Hình sự. Thời gian vừa qua, một số tổ chức như NGO và Tổ chức Ân xá Quốc tế - AI, “Tổ chức theo dõi nhân quyền - HRW”  đã phát động chiến dịch ủng hộ Trần Huỳnh Duy Thức, tán phát thư ngỏ xuyên tạc Việt Nam dùng mọi thủ đoạn đàn áp, khuất phục tư tưởng, dụ dỗ Trần Huỳnh Duy Thức nhận tội… Nhưng những việc làm ấy không thể đổi “đen thành trắng”, vu khống Nhà nước và các cơ quan pháp luật Việt Nam.

Những đối tượng vi phạm pháp luật nêu trên không phải là “nhà bảo vệ nhân quyền” hay “nhà báo tự do”, nhà báo độc lập vì ở Việt Nam, Hiến pháp và pháp luật có quy định rất rõ đâu là hoạt động báo chí, không có cái gọi là “nhà báo độc lập”.

Vì vậy, các tổ chức và hội nhóm xã hội dân sự cần tôn trọng sự thật và pháp luật Việt Nam cũng như quốc tế, không nên bóp méo sự thật, xuyên tạc thực tế ở Việt Nam để bênh vực cho những đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam.

Nguồn: Báo QĐND

Việt Nam sẽ công nhận và sử dụng hộ chiếu vaccine của các nước tại Việt Nam

Lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý với bộ tiêu chí công nhận và sử dụng hộ chiếu vaccine của các quốc gia và vùng lãnh thổ tại Việt Nam do Bộ Ngoại giao đề xuất. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã cho biết như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao diễn ra theo hình thức trực tuyến chiều 7-10.

Tại cuộc họp báo Thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cập nhật việc triển khai “hộ chiếu vaccine” và kế hoạch tiếp nhận trở lại khách du lịch của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và còn lâu dài, không thể khống chế tuyệt đối, Chính phủ Việt Nam đã thống nhất chuyển chủ trương từ “Không Covid” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” có nghĩa là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, chiến lược “hộ chiếu vaccine”, “thẻ xanh sức khỏe” hay “giấy chứng nhận sức khỏe số”… được xem là giải pháp khả thi nhằm từng bước mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là các ngành liên quan đến dịch vụ và du lịch.

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, vừa qua, lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý với bộ tiêu chí công nhận và sử dụng hộ chiếu vaccine của các quốc gia và vùng lãnh thổ tại Việt Nam do Bộ Ngoại giao đề xuất. Một trong những nội dung quan trọng của bộ tiêu chí nói trên là về loại vaccine, theo đó Việt Nam chấp nhận các loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới hoặc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ hoặc Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu hoặc Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch thí điểm đón khách du lịch đã được tiêm chủng tới Việt Nam, trước mắt là triển khai thí điểm ở Phú Quốc trong thời gian tới.

Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc sắp chiếu phim xuyên tạc lịch sử

Chiều nay (7/10), tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, thông tin về bộ phim "Quân đội Vương Bài" sắp công chiếu của Trung Quốc có nội dung xuyên tạc lịch sử chiến tranh biên giới năm 1979, được đưa ra.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Trả lời về vấn đề liên quan, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chú ý tới bộ phim này.

"Chủ trương nhất quán của Việt Nam đối với các vấn đề thuộc về lịch sử là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai; nhìn nhận lịch sử một cách đúng đắn và khách quan, có các việc làm thiết thực để tăng cường sự hiểu biết, hữu nghị giữa người dân, đóng góp cho quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia trên thế giới" - bà Hằng nêu rõ.  

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhấn mạnh quan điểm đề nghị phía Trung Quốc thực hiện nghiêm nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; tăng cường tuyên truyền, hữu nghị, khách quan, củng cố cơ sở xã hội, thuận lợi cho phát triển quan hệ hai nước.

Trước đó, mạng xã hội Baidu của Trung Quốc công chiếu trailer phim "Quân đội Vương Bài". Theo thông tin giới thiệu từ Baidu, bộ phim có mốc thời gian 1983, các nhân vật tham gia chiến đấu và rà phá bom mìn tại Quảng Tây - một tỉnh giáp biên giới với Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh của Việt Nam.

Các diễn viên Trung Quốc mặc trang phục trùng khớp với quân phục giai đoạn nước này tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam năm 1979. Đối chiếu với lịch sử, nhiều người cho rằng bộ phim có những chi tiết có liên quan đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...