Trong những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có phong cách làm việc dân chủ đã đạt nhiều kết quả, góp phần chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ. Song, trước yêu cầu của tình hình mới, đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược nâng cao hơn nữa về chất lượng, vững kiến thức chuyên môn, có năng lực quản lý, điều hành, phong cách làm việc dân chủ, khoa học... Có như vậy mới phát huy được trí tuệ của tập thể, đưa ra được những quyết định sáng suốt, hiệu quả, phù hợp, vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.
Tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), triển khai kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ngày 12-6-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: “Phong cách Hồ Chí Minh là lối sống, tác phong khiêm tốn, giản dị, cầu thị, gần dân, trọng dân, tin dân, học dân, làm việc gì cũng phải vì lợi ích của nhân dân; là đầy tớ của dân chứ không phải “làm quan nhân dân”, không được lên mặt “làm quan cách mạng”(10). Có thể thấy, yêu cầu xây dựng, bồi dưỡng phong cách làm việc cho cán bộ, trong đó có phong cách dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh là việc làm hết sức cần thiết.
Để công tác này thực hiện có hiệu quả, trước hết, cần thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước về cán bộ và công tác cán bộ như: Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4-8-2017 của Bộ Chính trị khóa XII về “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4-8-2017 về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”; Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19-12-2017 về “Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”; Quy định số 50-QĐ/TW, ngày 27-12-2021 về công tác quy hoạch cán bộ; Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18-8-2022 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 28-4-2022 về luân chuyển cán bộ; Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ… Việc thực hiện nghiêm các quy định trong công tác cán bộ là cách thức để thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong mỗi tổ chức đảng. Đồng thời để cán bộ phải tự ý thức rèn luyện phong cách làm việc dân chủ.
Bên cạnh đó, cần phát huy dân chủ, bảo đảm tính chặt chẽ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Công tác cán bộ được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện cho cán bộ có môi trường rèn luyện, phấn đấu, phát triển toàn diện. Tiếp tục đổi mới công tác tác đánh giá cán bộ, bởi đây là khâu mở đầu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng liên quan đến các khâu khác của công tác cán bộ. Đánh giá không đúng về cán bộ dẫn tới bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ không đúng, có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng; triệt tiêu nhân tố tích cực, thúc đẩy chủ nghĩa cơ hội, tiêu cực, suy thoái đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cán bộ được đánh giá khách quan, công tâm, được lựa chọn và bố trí đúng sẽ góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực… Để đánh giá đúng cán bộ, cần đánh giá đa chiều, thông qua năng lực, phẩm chất và uy tín; dựa vào kết quả, hiệu quả thực hiện từng công việc cụ thể. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, cần phải căn cứ vào kết quả, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, phải căn cứ vào kết quả đổi mới, sáng tạo; tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm; khả năng thích ứng nhanh với tình hình thực tiễn, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Đánh giá để bổ nhiệm và bầu cử phải trực tiếp khảo sát, gặp gỡ trao đổi với các tổ chức, cá nhân có liên quan và tham khảo ý kiến phản ánh, đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bản thân cán bộ tự đánh giá, tập thể đánh giá, cấp trên đánh giá, cấp dưới đánh giá, huy động các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia đánh giá cán bộ.
Cần có cơ chế, chính sách thu hút, lựa chọn, bồi dưỡng, sử dụng người có đức, có tài. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương gắn với các chế độ, chính sách như tiền lương, thu nhập, cải thiện cuộc sống, môi trường, điều kiện làm việc… cho cán bộ. Việc đổi mới, thực hiện tốt cơ chế, chính sách trên cơ sở kiểm soát tốt quyền lực, vừa đảm bảo chất lượng cán bộ, vừa phát huy dân chủ, phòng, chống được tiêu cực…
Thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cũng là cách để rèn luyện tác phong dân chủ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII) của Đảng đều nêu rõ vấn đề về vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” cũng đã khẳng định quan điểm đó. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ, trong nhiệm kỳ qua, “việc đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo Đảng từ Trung ương tới cơ sở có bước tiến bộ. Coi trọng việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội”(11).
Cán bộ phải sâu sát cơ sở, nắm vững thực tiễn, kịp thời giúp cơ sở giải quyết các khó khăn và vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là tác phong công tác cần phải có của mỗi cán bộ. Đặc biệt với cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, để có phong cách lãnh đạo sâu sát, cần phải dành thời gian đi cơ sở, trực tiếp trao đổi, đối thoại với người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức…, từ đó tránh được bệnh quan liêu, hạn chế tình trạng ra các quyết định, chủ trương thiếu tính thực tiễn, duy ý chí. Mặt khác, cần xem phong cách sâu sát cơ sở, thực tiễn là một tiêu chí, một yêu cầu cần thiết trong quy hoạch, đề bạt cán bộ giữ vị trí người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Cùng với làm tốt các khâu trong công tác cán bộ, cần “có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân”. Như vậy đội ngũ cán bộ sẽ ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao về chất lượng, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng.
---
(1), (6) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 8, tr.287, 149.
(2) Sách đã dẫn (Sđd), tập 13, tr.448.
(3) Sđd, tập 12, tr.376.
(4), (5), (8), (9) Sđd, tập 5, tr.309, 280, 284, 330-331.
(7) Sđd, tập 15, tr.526.
(10) Nguyễn Phú Trọng: “Ra sức học tập, nỗ lực phấn đấu và rèn luyện, không ngừng làm theo tư tưởng đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh” Tạp chí Cộng sản, số 968, tháng 6-2021, tr.5.
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB CTQG ST, H.2021, tập I, tr.77.