Dân tộc Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đã vun bồi tình cảm, tư tưởng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và cuộc sống của nhân dân. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam mang đậm những nét đặc sắc riêng của mình. Đó là tình yêu quê hương, yêu đất nước; yêu nước gắn với thương dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc; yêu nước gắn với khát vọng về tự do, khát vọng hoà bình. Tất cả những giá trị đó luôn thống nhất, không tách rời nhau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” [5, tr.38]. Chủ nghĩa yêu nước chính là cội nguồn sức mạnh đưa dân tộc Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để đi đến những thắng lợi lừng lẫy năm châu, là giá trị thiêng liêng của toàn dân tộc Việt Nam, trở thành đặc trưng tiêu biểu cho tính cách của con người Việt Nam hùng cường, bất khuất. Thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc, chứng kiến cuộc sống khổ cực của nhân dân, sự áp bức, bóc lột dã man của bọn thực dân, phong kiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm có ý thức tìm con đường cứu nước giành độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.
Trên tinh thần yêu nước của các sĩ phu, văn thân yêu nước, tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh đã có sự kế thừa và phát triển mang tính thời đại, gắn liền với mục tiêu triệt để giải phóng dân tộc. Nhận định về những thất bại của các phong trào đấu tranh từ phong trào Cần Vương đến các phong trào yêu nước theo xu hướng tư sản mà tiêu biểu là phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, cải cách Dân Chủ… Người hiểu rõ không thể đi theo con đường cách mạng như các vị tiền bối. Theo Người, nước độc lập phải đi đôi với dân được hưởng quyền tự do, ấm no, hạnh phúc.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, chủ nghĩa yêu nước đã chi phối mọi suy nghĩ, hành động của Người. Người đau đáu trong mình “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” [4, tr.161]. Mọi kế sách đều là vô nghĩa nếu không đem lại tự do cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc. Vì mục đích lý tưởng này đã thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, chịu bao gian khổ, đồng thời là cơ sở tư tưởng dẫn Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, và sau này được Người khẳng định: “Lúc đầu, chính chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba” [3, tr.128].
Hồ Chí Minh có ý thức rất rõ ràng về vị trí, vai trò, sức mạnh của tinh thần yêu nước. Khẳng định về sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước.Theo Người, “Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì chỉ có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì dân mình mới được ấm no, Tổ quốc mới được giàu mạnh”. Yêu nước gắn liền với thương dân, nghĩa nước gắn chặt với tình thân, tình thân là cái gốc của chủ nghĩa yêu nước. Vì vậy, khi đọc được bản Sơ thảo Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, Người đã đọc đi, đọc lại nhiều lần và qua lăng kính chủ nghĩa yêu nước chân chính, Người đã sung sướng, reo lên vui mừng khi tìm ra được con đường giải phóng dân tộc đúng đắn. Hồ Chí Minh đã từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc duy nhất đúng đắn, đó là “con đường cách mạng vô sản”. Đây chính là con đường mà Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam đang tìm kiếm. Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ [7, tr.53]. Từ đó, Người đã tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế cộng sản, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên khi bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ III của Lênin tại Đại hội Tour tháng 12-1920. Đây là mốc lịch sử quan trọng trong hành trình tìm đường cứu nước của Người, đánh dấu bước chuyển biến quyết định, nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức, tư tưởng và lập trường chính trị của Hồ Chí Minh.
Chủ nghĩa yêu nước là động lực lớn của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu hơn ai hết truyền thống quý báo đó của dân tộc. Người khẳng định: “Đối với các dân tộc thuộc địa ở phương Đông, “Chủ nghĩa dân tộc là động lực to lớn của đất nước”, “người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên cái động lực vĩ đại và duy nhất trong đời sống của họ”. “Chủ nghĩa dân tộc ở đây là tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc. Từ niềm tin “người Việt Nam ai cũng có lòng yêu nước, ghét giặc”, Người đã khơi dậy truyền thống yêu nước đó, phát huy được sức mạnh của nhân dân cùng với Đảng đứng lên làm cách mạng giành lại độc lập tự do cho dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Sức mạnh nội sinh to lớn từ chủ nghĩa yêu nước chính là cơ sở để xây dựng, củng cố khối đoàn kết dân tộc. Bởi trừ những thành phần phản động, tay sai cho đế quốc, thì dù là địa chủ hay nông dân, thương gia… đều là người nô lệ. Xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất để đại đoàn kết dân tộc là sự sáng tạo của Hồ Chí Minh. Phương châm đoàn kết các giai cấp, tầng lớp khác nhau của Hồ Chí Minh là “cầu đồng tồn dị”. Minh chứng lịch sử đã cho thấy, đại đoàn kết dân tộc đã tạo sức mạnh vô địch giúp cho cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Không chỉ vậy, chủ nghĩa yêu nước của Hồ Chí Minh còn mang tinh thần quốc tế khi Người gắn kết hợp hài hòa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế, đoàn kết với nhân dân các nước vì mục tiêu giải phóng nhân dân khỏi áp bức, bóc lột, đoàn kết với nhân loại tiến bộ, vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế liên hệ khăng khít với nhau” [6, tr.272]. Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, mỗi dân tộc đều phải tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ và đồng thời tham gia vào nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình. Hai cuộc cách mạng này phải tiến hành đồng thời, tác động hỗ trợ lẫn nhau. Người kêu gọi tất cả những người yêu nước phải đoàn kết lại, “vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được Độc lập, Tự do” [1, tr.553]. Sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn đưa cách mạng Việt Nam đi đến cứu nước hoàn toàn.
Như vậy, Hồ Chí Minh đã kế thừa có chọn lọc những giá trị tốt đẹp trong truyền thống dân tộc Việt Nam, tinh hoa văn hoá nhân loại và đặc biệt là dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa yêu nước đã được đưa lên một tầm cao mới. Từ một người yêu nước tiến bộ trở thành người cộng sản, một lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập và rèn luyện đã phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước của mỗi người dân Việt Nam. Người đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng dân tộc - dân chủ - nhân dân ở Việt Nam, đưa dân tộc Việt Nam tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cùng với đó, chủ nghĩa yêu nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh luôn thống nhất với chủ nghĩa quốc tế vô sản, giữ vững lợi ích của dân tộc mình và luôn tôn trọng lợi ích của các dân tộc khác.
Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” [9, tr.103, 104]. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đánh giá về những thành tựu đạt được, Đại hội XIII xác định: “Đây là niềm tự hào, là động lực; nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức; tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững đất nước” [10, tr.104].
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét