Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

CẢNH GIÁC VỚI CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ 

TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

                                           Trần Trí Nam

Trong khoảng hai tháng qua, lợi dụng chính sách, pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhất là khi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, trên trang mạng “Baotiengdan”, Nguyễn Công Bình – Linh mục Giáo phận Vinh và Nguyễn Mạnh Hùng – Mục sư Sài Gòn (sau đây gọi tắt là Linh mục Bình và Mục sư Hùng) cho rằng: “Các tôn giáo thay vì được tự do để thành nhà giáo dục lương tâm cho xã hội thì bị chế độ tìm mọi cách để bó buộc im tiếng hay biến thành công cụ”. Vậy có đúng là các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đang bị chế độ tìm mọi cách để bó buộc im tiếng hay biến thành công cụ? Phải khẳng định chắn chắn rằng hoàn toàn không đúng như vậy. Thực chất của luận điệu này, là cố tình xuyên tạc chính sách, pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam không chấp nhận mọi sự suy diễn, ngụy tạo, quy chụp nguy hiểm này. Đồng thời, cần phải kiên quyết đấu tranh với mọi luận điệu cáo buộc sai trái như của Linh mục Bình và Mục sư Hùng.

Hiện nay, trên thế giới, có lẽ ai cũng biết rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (theo Nghị quyết số 2200 (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc). Theo đó, Điều 18 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 ghi nhận: Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng. Các quyền này đã được Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cụ thể hoá và quy định tại Điều 18 rằng: “Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo…; Không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ… Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.
Như vậy, theo quan điểm được thể hiện trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, mặc dù tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền cơ bản của con người, nhưng quyền đó không phải là tuyệt đối, mà là một quyền có thể bị giới hạn bởi pháp luật, nếu việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo xâm hại tới an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác.
Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ được Hiến pháp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật ghi nhận, mà trong thực tế, quyền cơ bản này còn được Nhà nước ta tôn trọng, bảo đảm. Theo đó, Điều 24, Hiến pháp năm 2013 hiến định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”[1].
Để cụ thể hoá quy định của Hiến pháp về tín ngưỡng, tôn giáo, Điều 3 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 của Nhà nước Việt Nam quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trong đó “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân. Đồng thời, Điều 6 của Luật này quy định “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo”.
Bộ Luật hình sự (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) quy định: người nào có hành vi “gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội” là tội phá hoại chính sách đoàn kết (Điều 116) sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Và “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” là tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm (Điều 164).
Như vậy, Hiến pháp, Bộ Luật hình sự, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã quy định rõ ràng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi người, mọi tổ chức tôn giáo cũng như Nhà nước trong việc thực hiện và bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Các văn bản quy phạm pháp luật này trước khi ban hành đều được lấy ý kiến công khai, rộng rãi trong xã hội và phù hợp với các điều luật quốc tế về tín ngưỡng, tôn giáo. Nhưng tại sao Linh mục Bình và Mục sư Hùng lại cho rằng, ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo bị vi phạm, bóp nghẹt? Thậm chí, dù là công dân của nước Việt Nam, song họ lại rắp tâm vu cáo chính quyền Việt Nam hạn chế các hoạt động tôn giáo, đàn áp tôn giáo, đòi thả tự do cho những người vi phạm pháp luật liên quan đến tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Không chỉ xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Linh mục Bình và Mục sư Hùng còn phủ nhận toàn bộ thành quả về thực hiện chính sách, pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Và họ ngang nhiên lớn tiếng ra yêu sách đòi hỏi hoạt động của các tôn giáo là một quyền tuyệt đối, không bị hạn chế, không chịu sự quản lý của Nhà nước. Đây rõ ràng là quan điểm sai trái, hết sức vô lý, không thể chấp nhận. Bởi lẽ, cũng như mọi nhà nước trên thế giới, Nhà nước Việt Nam có toàn quyền quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Và trên thực tế, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm việc thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi quyền ngăn chặn sự vi phạm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước đã có những biện pháp, chế tài nhằm hỗ trợ cho công dân được hưởng đầy đủ các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, Nhà nước Việt Nam còn rất tích cực, chủ động đưa ra các kế hoạch, chính sách, đề án, chương trình cụ thể để mọi công dân thực hiện các quyền, nghĩa vụ về tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật Nhà nước.
Tóm lại, việc Đảng, Nhà nước Việt Nam từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo không phải là để can thiệp, hay hạn chế tự do tín ngưỡng, tôn giáo như Linh mục Bình và Mục sư Hùng rêu rao, mà nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, mọi luận điệu suy diễn, quy chụp về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam và yêu sách về một thứ tự do tôn giáo tuyệt đối như Linh mục Bình và Mục sư Hùng là vô lý, hoang đường và không thể chấp nhận./.






[1] Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Tuyên ngôn độc lập và các hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992, 2013), Hà Nội, 2015, tr.203-204.
MỘT QUAN ĐIỂM THIỂN CẬN VỀ HỒ CHÍ MINH
                                                                Trần Trí Nam
Có lẽ, nhiều người sẽ không ngạc nhiên khi bắt gặp những bài viết của các phần tử cơ hội phản động đăng tải trên một số trang mạng xã hội, nhất là vào thời điểm diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước, của dân tộc, thậm chí là của cả nhân loại tiến bộ trên thế giới, với nội dung và thái độ đi ngược lại với xu thế của thời đại. Bài viết của Le Nguyen trên blog danlambaovn.blogspot.com (ngày 11/8/2017) cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Đọc nội dung bài viết của Le Nguyen, mọi người đều nhận ra Le Nguyen muốn gì. Nhưng có lẽ Le Nguyen đã quá “xem thường” hiểu biết của người đọc về lịch sử dân tộc, nhất là về công lao và giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Bởi vậy, điều đầu tiên mà người đọc cảm nhận rõ đó là, dù cố ý lập luận, dẫn chứng nhưng những gì mà Le Nguyen đưa ra nhằm phủ nhận công lao và giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đều là sự xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo với động cơ đen tối.
Le Nguyen đã nghiên cứu khá kỹ khi lựa chọn trích dẫn lời của một học giả viết về Hồ Chí Minh: “… Chuyện Bác Hồ trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn… Hồ Chí Minh là người có tầm mắt đại dương… người mang tầm vóc vĩ nhân và cốt cách hiền triết thì trên đời này chỉ thấy ở Hồ Chí Minh… Hồ Chí Minh, một nhà cách mạng kiệt xuất với tư tưởng lỗi lạc, với trí tuệ uyên bác, ôm trùm mọi trí thức Đông, Tây, kim, cổ… Hồ Chí Minh là kết tinh của lòng yêu nước, thương dân và tỏa ánh sáng minh triết của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, văn hóa Hồ Chí Minh…”. Mặc dù những ý tứ được khái quát ngắn gọn, nhưng cũng chứa đựng và phản ánh công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Song tiếc rằng, sau lời trích dẫn đó, Le Nguyen dùng những lời lẽ thô thiển, thể hiện sự bất kính, thậm chí là “xúc phạm” để phủ nhận, xuyên tạc những phẩm chất, nhân cách tốt đẹp và công lao to lớn của Hồ Chí Minh. Le Nguyen cố tình “không biết”, “không hiểu” công lao và những đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cũng như ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, Le Nguyen càng không hiểu câu dẫn của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945 của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì thế,  Le Nguyen đã cố tình “cắt dán” để phủ nhận giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập cũng như trí tuệ uyên bác của Hồ Chí Minh. Xin nhắc lại câu trích dẫn của Người: “Tất cả mọi người đều sinh bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”[1]. Điều đó đã trở thành chân lý, vậy mà Le Nguyen cho là “sáng kiến cắt dán tư tưởng của các bậc vĩ nhân, hiền triết”. Việc trích dẫn ấy không những không “hạ thấp” sự cao cả của lãnh tụ Hồ Chí Minh, mà trái lại càng khẳng định và tôn thêm sự vĩ đại của Người. Bởi lẽ, câu trích dẫn đó của Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập đã vừa nói lên ước nguyện của nhân loại và của nhân dân Việt Nam, đã vạch trần bộ mặt thật của chủ nghĩa thực dân lâu nay vẫn ẩn dưới vỏ bọc “khai hóa văn minh” để xâm lược và thôn tính các nước thuộc địa; đồng thời cổ vũ, động viên các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên đấu tranh lật đổ ách thống trị của chế độ thực dân. Trong Từ điển “Danh nhân văn hóa thế giới” có viết: Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn cờ đầu của giải phóng dân tộc. Người đã dẫn dắt triệu triệu người Việt Nam cùng hàng ngàn triệu người nô lệ hơn 100 nước trên thế giới vùng lên giành độc lập tự do, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Người đã làm nên cuộc đảo lộn thế giới chưa từng có từ sau khi chủ nghĩa tư bản lật đổ đế chế La Mã cổ xưa. Người đã vẽ lại bản đồ thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng là Danh nhân văn hóa thế kỷ 20.
Trên thực tế, với những đóng góp to lớn cho dân tộc và nhân loại, Hồ Chí Minh đã được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam từ năm 1987. Nếu ai đó đọc bài viết của Le Nguyen với tinh thần và thái độ khách quan, công tâm thì đều dễ dàng nhận biết được ai là kẻ “bịa đặt”, “bồi bút”, “ngụy biện”… khi viết về công lao, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh?
Đã từ rất lâu, cả thế giới và Việt Nam đều biết tới Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và hạnh phúc của nhân dân. Tư tưởng của Người cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin là ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vì thế, với dã tâm của mình, Le Nguyen đã hằn học tìm mọi cách để xuyên tạc, công kích, bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ý đồ thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tiến tới phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi xóa bỏ chế độ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, Lê Nguyen và những người a dua, lầm đường lạc lối đã nhầm, bởi lẽ công lao cũng như tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ được thừa nhận và khắc ghi trong trái tim người Việt Nam yêu nước mà còn được khắc ghi trong tâm trí của nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Chính vì vậy, dù Le Nguyen có cố tình tìm mọi thủ đoạn xấu xa để phủ nhận công lao và giá trị của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, song chắc chắn độc giả ở Việt Nam, cũng như độc giả trên toàn thế giới với lương tri và trách nhiệm của con người chân chính sẽ chẳng ai tin, vì nó hoàn toàn đi ngược lại với thực tiễn của lịch sử./.





[1] Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và các Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992, 2013), Hà Nội, 2015, tr.7.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...