Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020

CẢNH GIÁC VỚI CHIÊU TRÒ XUYÊN TẠC VỚI CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH QUỐC PHÒNG CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA

 

Trong thời gian gần đây, trên các mạng xã hội, các blog, trang web có máy chủ đặt ở nước ngoài tiếp tục xuất hiện nhiều thông tin vu cáo, xuyên tạc chủ trương, chính sách quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta; Đặc biệt nhất là bôi nhọ, hạ thấp uy tín của một số đồng chí lãnh đạo Bộ quốc phòng. Nói xấu cán bộ, xuyên tạc chính sách đối ngoại quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta. Đưa tin kích động, kêu gọi Việt Nam hợp tác với các nước khác để chống lại Trung Quốc. Tiêu biểu là bài “Chính sách quốc phòng có lợi cho Tàu?” của đối tượng Đỗ Ngã trên trang blog Chân Trời Mới Media.

Những giọng điệu tuyên truyền xuyên tạc về về chủ trương, chính sách quốc phòng là chiêu trò hết sức lố bịch, đi ngược lại so với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Như chúng ta đã biết, chủ trương, chính sách Quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược.  Với tinh thần ấy, nhân dân ta mãi mãi Theo Đảng và tất cả vì một Việt Nam phát triển, sánh vai cùng bạn bè năm châu, xây dựng một đất nước Việt Nam hoà bình, thịnh vượng ./.

Độ Mạnh

 


XÂY DỰNG NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN VỮNG MẠNH TẠO NỀN TẢNG VỮNG CHẮC BẢO VỆ TỔ QUỐC TRONG TÌNH HÌNH MỚI



Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là chủ trương chiến lược, xuyên suốt của Đảng, nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Trong bối cảnh an ninh, chính trị thế giới, khu vực diễn biến phức tạp hiện nay, nhiệm vụ này càng trở nên quan trọng và cần thiết.
Bản chất của xây dựng nền quốc phòng toàn dân là xây dựng nền tảng vật chất, tinh thần của nền quốc phòng vững mạnh, cùng với đấu tranh quốc phòng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong thực tiễn, nhờ thực hiện tốt đường lối quốc phòng toàn dân, cách mạng nước ta đã giành được những thắng lợi quan trọng. Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực, trong nước tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó dự báo, đặt ra yêu cầu mới cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, xây dựng nền quốc phòng toàn dân có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; đồng thời, tăng cường sức mạnh quốc phòng, nâng cao khả năng phòng thủ đất nước, sẵn sàng đánh bại mọi mưu đồ chiến tranh xâm lược. Nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm nhiều vấn đề, trong đó tập trung vào xây dựng về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa - xã hội,… tạo nền tảng vững chắc để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân về chính trị là nội dung quan trọng, quyết định sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân. Chiến lược Quốc phòng Việt Nam thời kỳ mới đã chỉ rõ: “Kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân gắn với xây dựng hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở vững mạnh”. Như vậy, xây dựng nền tảng chính trị của nền quốc phòng toàn dân trước hết là xây dựng hệ thống chính trị, trọng tâm là công tác xây dựng Đảng. Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, cần kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; coi trọng xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nâng cao trình độ trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt. Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận làm sáng tỏ các vấn đề cơ bản về chủ nghĩa xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân và phản bác các quan điểm sai trái. Đổi mới công tác cán bộ, công tác bảo vệ chính trị nội bộ và phương thức lãnh đạo của Đảng; kiên quyết ngăn chặn, đấu tranh, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, v.v. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân và sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hoạt động của chính quyền các cấp. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, thực hiện tốt dân chủ, giám sát và phản biện xã hội. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo và phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Cùng với xây dựng hệ thống chính trị, cần tập trung “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”1. Thực chất là xây dựng lực lượng đông nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất, chỗ dựa vững chắc nhất của nền quốc phòng toàn dân và sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Trọng tâm là xây dựng và củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm của mọi công dân. Để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, cần thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở; coi trọng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng; gần dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, chăm lo lợi ích chính đáng và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân về kinh tế là xây dựng nền tảng vật chất của nền quốc phòng toàn dân, của sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng về kinh tế, trước hết là phát triển nhanh, mạnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nền kinh tế sản xuất ra nhiều của cải, vật chất, tăng khả năng dự trữ cho quốc phòng, sẵn sàng huy động cho các nhiệm vụ. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách huy động lực lượng, phương tiện từ nền kinh tế, phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, cũng như xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong các cơ sở kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Phải bảo đảm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển của nền kinh tế, tránh để chệch hướng như dự báo các nguy cơ của Đảng. Giữ vững độc lập, tự chủ, mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế, huy động các nguồn lực từ bên ngoài vào xây dựng thế trận quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Nội dung cốt lõi của xây dựng nền quốc phòng toàn dân về kinh tế là kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận và lực lượng của nền quốc phòng toàn dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức, triển khai đồng bộ, thống nhất kết hợp kinh tế với quốc phòng ngay từ trong đường lối, chính sách, quy hoạch, kế hoạch tổng thể đến biện pháp thực hiện từ Trung ương đến địa phương; chú trọng điều chỉnh quy hoạch giữa các vùng, miền, địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Tăng cường xây dựng các công trình lưỡng dụng; kết hợp quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm gắn với quốc phòng, nhất là các trọng điểm phòng thủ chiến lược quốc gia. Phát triển kinh tế - xã hội các vùng biên giới đất liền gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng bảo đảm từng bước hòa nhập với công nghiệp quốc gia, tiến tới hình thành các tập đoàn, tổ hợp công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ trong sản xuất vũ khí, trang bị quân sự, tập trung vào hệ thống tên lửa, tự động hóa chỉ huy, tác chiến không gian mạng,… bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại cho Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân về quân sự là xây dựng nền tảng sức mạnh cơ bản, đặc trưng, nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, của sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; là sự tập trung sức mạnh mọi mặt của đất nước, thực hiện thắng lợi các hoạt động đấu tranh vũ trang bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Xây dựng về quân sự, trước hết là xây dựng lực lượng quân sự, coi trọng xây dựng lực lượng toàn dân. Đây là lực lượng rất quan trọng, cần chuẩn bị chu đáo mọi mặt, sẵn sàng vũ trang toàn dân khi cần thiết. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, lấy xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ cở, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, luôn là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Nghiên cứu, điều chỉnh tổ chức, biên chế Quân đội bảo đảm tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam và vũ khí, trang bị mới. Từng bước hình thành quân chủng lục quân, xây dựng lực lượng tên lửa chiến lược, các sư đoàn binh chủng hợp thành mạnh làm lực lượng cơ động chiến lược, kết hợp cải tiến, sản xuất và mua sắm có trọng điểm các loại vũ khí hiện đại. Tiếp tục đổi mới công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, nâng cao hiệu quả các mặt bảo đảm cho Quân đội. Ưu tiên cho lực lượng làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn chiến lược, quan tâm đúng mức đến việc Quân đội tham gia phòng thủ dân sự, nhất là trong phòng, chống thảm họa, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, coi trọng công tác đăng ký, quản lý và huấn luyện. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp, chất lượng cao, chú trọng các địa bàn có tính đặc thù về quốc phòng, biên giới, biển, đảo, v.v.
Cùng với xây dựng lực lượng quân sự, tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh thế bố trí các lực lượng, hình thành thế trận chiến lược vững chắc trên cả nước, từng hướng, từng địa bàn. Đầu tư xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, liên kết chặt chẽ trong thế trận tác chiến phòng thủ quân khu. Tiếp tục xây dựng các công trình quốc phòng, quân sự có trọng điểm, ưu tiên công trình phòng thủ biển, đảo, biên giới, địa bàn chiến lược, đường tuần tra biên giới, khu kinh tế - quốc phòng và trên hướng chiến lược trọng yếu. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát triển nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội nhân văn quân sự, kỹ thuật quân sự, coi trọng nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam. Kết hợp chặt chẽ xây dựng về quốc phòng với đấu tranh quốc phòng, thường xuyên nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, nhất là dự báo chiến lược, chủ động chuẩn bị về mọi mặt, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân về văn hóa - xã hội là xây dựng nền tảng tinh thần của nền quốc phòng toàn dân, của sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; làm cho “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”2; là sự thể hiện bản sắc, cốt cách của dân tộc cùng với kết cấu xã hội và sự cố kết cộng đồng dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh Việt Nam. Trong tình hình mới, văn hóa cần được xây dựng toàn diện trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội: chính trị, kinh tế, đối ngoại, quân sự, v.v. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng tới chân, thiện, mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự, xây dựng và huấn luyện Quân đội cần coi trọng xây dựng văn hóa quân sự, nghệ thuật, khoa học xã hội và nhân văn quân sự, đối ngoại quốc phòng và trong ứng xử, xử lý các tình huống. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân cần quan tâm đúng mức đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tăng cường giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa dân tộc, chú trọng đến thế hệ trẻ, giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, kiên quyết ngăn chặn sự lệ thuộc, xâm lăng về văn hóa. Quản lý chặt chẽ các hoạt động báo chí, tuyên truyền, xuất bản,… bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, chủ động cung cấp thông tin, định hướng dư luận, đẩy lùi thông tin, văn hóa độc hại, nâng cao khả năng tự bảo vệ.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa - xã hội là xây dựng các nội dung rất cơ bản của nền quốc phòng toàn dân. Khi tiến hành, cần kết hợp chặt chẽ với xây dựng nền quốc phòng toàn dân về đối ngoại, thực hiện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nhằm tạo và phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 149.
2 - Sđd, tr. 126.


BAN CHỈ ĐẠO 35 QUÂN ỦY TRUNG ƯƠNG TỔNG KẾT NĂM 2019 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2020



Sáng 30-12, tại Hà Nội, Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương đã chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Dự Hội nghị có: Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, thành viên Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Trung ương; đồng chí Bùi Trường Giang, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thành viên Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Trung ương; đại biểu Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hà Nội; Cục An ninh Chính trị nội bộ, Cục Công tác Đảng, Công tác chính trị, Bộ Công an; các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương; đại biểu các cơ quan, đơn vị chức năng và các đồng chí trong nhóm chuyên gia, bộ phận chuyên trách, bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương.
Báo cáo tổng kết và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị thống nhất đánh giá: năm 2019, Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương đã chủ động tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, bảo đảm giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, góp phần giữ vững sự ổn định về chính trị, tư tưởng trong Quân đội. Đồng thời, chủ động thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; các sự kiện chính trị lớn của đất nước và những vấn đề dư luận quan tâm đến với mọi đối tượng; kiên quyết đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc, đặc biệt là âm mưu, thủ đoạn chống phá Quân đội. Các cơ quan báo chí trong Quân đội đã bám sát nhiệm vụ chính trị, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương mở rộng các chuyên trang, chuyên mục, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, định hướng tư tưởng, dư luận trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.
Năm 2020, Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần tổ chức thực hiện tốt, đó là: tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù dịch trong tình hình mới; tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; tiêu chí, chuẩn mực đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới; tích cực làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt cho tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; chủ động phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo chính xác tình hình; kịp thời thông tin, định hướng tư tưởng cho bộ đội và nhân dân trước các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong nước, khu vực và quốc tế. Thường xuyên kiện toàn, thành lập mới, duy trì có nền nếp, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 và cơ quan chức năng; quan tâm bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ cho lực lượng nòng cốt; đa dạng hóa các nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền. Cùng với đó, tiến hành đồng bộ các giải pháp xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Phát huy tốt vai trò của các cơ quan nghiên cứu, các học viện, nhà trường trong biên soạn, phát hành tài liệu, tư liệu để thông tin, tuyên truyền giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho 25 tập thể, 20 cá nhân; Bằng khen của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho 35 tập thể và 47 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch năm 2019.

MÀN KỊCH VỤNG VỀ TRÊN SÂN KHẤU CHÍNH TRỊ HẢI NGOẠI



Cứ mỗi năm khép lại, một số tổ chức phản động ở hải ngoại lại diễn trò trao “Giải thưởng nhân quyền”. Mới đây, cái gọi là “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” ở California (Hoa Kỳ) đã trao cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2019” cho 3 nhân vật: Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Đặng Minh Mẫn và Lê Công Định. Đây thực chất chỉ là màn kịch vụng về trên sân khấu chính trị hải ngoại, ngày càng phơi bày bộ mặt chống phá Nhà nước Việt Nam của các thế lực thù địch và những kẻ phản động lưu vong.
Chân dung những kẻ phản bội
Để hiểu mục đích việc trao “Giải thưởng nhân quyền” của cái gọi là “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” chúng ta hãy xem chân dung của 3 nhân vật mà tổ chức này đề xướng trao giải.
Đối tượng Nguyễn Trung Tôn sinh năm 1972, trú tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, hiện đang thụ án 12 năm tù giam về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo quy định tại Điều 79, Khoản 1, Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tại phiên tòa ngày 6-4-2018, từ tháng 3-2013 đến tháng 7-2017, Nguyễn Trung Tôn cùng nhóm đối tượng là Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển đã khởi xướng, thành lập tổ chức, xây dựng cương lĩnh, điều lệ, quy chế và chỉ đạo, điều hành hoạt động của tổ chức “Hội anh em dân chủ”. Nguyễn Trung Tôn và các bị cáo đã liên kết với các tổ chức bất hợp pháp trong nước, tìm sự hậu thuẫn, tài trợ về tài chính từ nước ngoài để tiến hành các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Mục đích sâu xa của Nguyễn Trung Tôn và nhóm đối tượng trong tổ chức “Hội anh em dân chủ” là khi lực lượng đủ mạnh, chờ thời điểm phù hợp sẽ công khai hoạt động, đối đầu với chính quyền, hòng thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam để xây dựng chế độ “đa nguyên, đa đảng”, tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân…
Tương tự, đối tượng Nguyễn Đặng Minh Mẫn cũng từng bị phạt tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ngày 9-1-2013, Nguyễn Đặng Minh Mẫn đã bị Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử cùng 13 bị cáo khác. Theo cáo trạng của Viện KSND, từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2011, Nguyễn Đặng Minh Mẫn cùng nhóm 13 bị cáo đã nhiều lần ra nước ngoài dự các khóa huấn luyện về “đấu tranh bất bạo động" của tổ chức khủng bố Việt Tân và gia nhập đảng Việt Tân. Sau các khóa huấn luyện ở nước ngoài, các đối tượng được giao nhiệm vụ trở về Việt Nam để thực hiện các hoạt động tuyên truyền chống phá, phát triển lực lượng, kích động quần chúng gây rối làm mất ổn định tình hình chính trị-xã hội trong nước; viết bài xuyên tạc quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam; lợi dụng chiêu bài đấu tranh dân chủ, nhân quyền, chống tham nhũng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo... để thực hiện các mưu đồ chính trị nhằm lật đổ chính quyền Nhà nước Việt Nam. Ngày 2-8-2019 vừa qua, Nguyễn Đặng Minh Mẫn đã mãn hạn 8 năm tù. Ngay sau khi ra tù, tổ chức khủng bố Việt Tân đã móc nối trở lại với Nguyễn Đặng Minh Mẫn hòng tiếp tục sử dụng đối tượng này làm công cụ chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Còn đối với Lê Công Định thì chúng ta chẳng lạ. Đối tượng này cũng từng bị TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt 5 năm tù giam, 3 năm quản chế sau mãn hạn tù. Trước đó, Lê Công Định đã bị cơ quan công an bắt giam về "tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam" theo Điều 88 Bộ luật Hình sự. Sau hơn 3 năm thụ án, Lê Công Định được ra tù trước thời hạn do chấp hành tốt nội quy trại giam. Trở về với gia đình, với xã hội những tưởng Lê Công Định sẽ “cải tà quy chính” nhưng không, hắn vẫn “ngựa quen đường cũ”. Mặc dù trước tòa Lê Công Định đã nói: “Tôi thấy những việc làm trên của tôi đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Tôi rất ân hận với những hành vi sai trái của mình. Tôi mong được Nhà nước xem xét cho tôi hưởng lượng khoan hồng”, thế nhưng hiện nay, Lê Công Định đã lộ nguyên hình là kẻ phản bội chuyên hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Pháp luật Việt Nam luôn phù hợp với công ước quốc tế
Điểm qua vài nét vậy đủ thấy rất rõ 3 nhân vật nói trên là những đối tượng đã và đang vi phạm pháp luật Việt Nam. Không chỉ vậy, những người này còn vi phạm Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16-12-1966; có hiệu lực ngày 23-3-1976; Việt Nam gia nhập ngày 24-9-1982). Theo công ước này, các quốc gia thành viên cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền pháp lý của mình các quyền đã được công nhận... Nhưng việc thực hiện các quyền đã được công nhận trong công ước này có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác.
Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam luôn giữ đúng nguyên tắc, sát với thực tế đất nước, phù hợp và không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên. Ở Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam, việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác... Hành vi tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt, kích động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam; âm mưu tổ chức hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân của các đối tượng rõ ràng đã gây bất ổn cho an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm quyền tự do cơ bản của người khác... và phải chịu những hình phạt nghiêm minh của pháp luật là tất yếu.
"Vải xô" không che nổi mặt trời
Luôn rêu rao rằng, mục đích hoạt động là nhằm đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ nhân quyền trên thế giới để thúc đẩy dân chủ, nhân quyền cho người dân Việt Nam dựa trên tinh thần của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và các văn kiện quốc tế khác về nhân quyền, vậy mà cái gọi là “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” lại đi trao giải cho những nhân vật đã vi phạm pháp luật Việt Nam, vi phạm Công ước quốc tế thì quả là việc làm không thể chấp nhận được.
Nhìn vào việc làm của cái gọi là “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” dư luận có thể thấy ngay cái mục đích mỹ miều mà tổ chức này đặt ra chỉ là dối trá, lừa bịp để nhận những đồng đô la bố thí từ một vài tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam. Họ ngày càng lộ nguyên hình là tổ chức “phản động lưu vong”, một tập hợp của những phần tử “dân chủ cuội” không hơn không kém. Với một tổ chức ô hợp như thế thì chỉ những người mù quáng mới tin rằng họ sẽ thúc đẩy quyền con người, đem lại những điều tốt đẹp cho đất nước Việt Nam.
Mục đích hành động trao “Giải thưởng nhân quyền” của cái gọi là “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” không nhằm gì khác là hà hơi tiếp sức, kích động cho những phần tử phản động trong nước ngày càng liều lĩnh chống Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Nhìn bề ngoài việc trao “Giải thưởng nhân quyền” là do cái gọi là “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” tiến hành, nhưng nhìn sâu kỹ hơn chúng ta sẽ thấy đứng sau mỗi “giải thưởng nhân quyền” ấy đều có hình bóng trực tiếp hoặc gián tiếp điều hành của một số nước phương Tây và đồng minh. Xét cho đến cùng, những việc làm ấy đều nằm trong âm mưu, thủ đoạn chống phá nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình" với cách mạng Việt Nam. Nhưng “vải xô” không che nổi mặt trời. Mọi âm mưu và thủ đoạn ấy dù có nham hiểm, tinh vi, xảo trá đến mấy cũng sẽ bị phơi bày và đập tan bởi tinh thần cảnh giác cao độ của nhân dân Việt Nam.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...