Cứ mỗi năm khép lại, một số tổ chức
phản động ở hải ngoại lại diễn trò trao “Giải thưởng nhân quyền”. Mới đây, cái
gọi là “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” ở California (Hoa Kỳ) đã trao cái gọi là
“Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2019” cho 3 nhân vật: Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn
Đặng Minh Mẫn và Lê Công Định. Đây thực chất chỉ là màn kịch vụng về trên sân
khấu chính trị hải ngoại, ngày càng phơi bày bộ mặt chống phá Nhà nước Việt Nam
của các thế lực thù địch và những kẻ phản động lưu vong.
Chân dung những kẻ phản bội
Để hiểu mục
đích việc trao “Giải thưởng nhân quyền” của cái gọi là “Mạng lưới nhân quyền
Việt Nam” chúng ta hãy xem chân dung của 3 nhân vật mà tổ chức này đề xướng
trao giải.
Đối tượng
Nguyễn Trung Tôn sinh năm 1972, trú tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh
Thanh Hóa, hiện đang thụ án 12 năm tù giam về tội “Hoạt động nhằm lật đổ
chính quyền nhân dân” theo quy định tại Điều 79, Khoản 1, Bộ luật Hình sự năm
1999. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tại phiên tòa ngày 6-4-2018,
từ tháng 3-2013 đến tháng 7-2017, Nguyễn Trung Tôn cùng nhóm đối tượng là
Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển đã khởi xướng, thành lập tổ
chức, xây dựng cương lĩnh, điều lệ, quy chế và chỉ đạo, điều hành hoạt động của
tổ chức “Hội anh em dân chủ”. Nguyễn Trung Tôn và các bị cáo đã liên kết với
các tổ chức bất hợp pháp trong nước, tìm sự hậu thuẫn, tài trợ về tài chính từ
nước ngoài để tiến hành các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống
phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Mục đích sâu xa của Nguyễn Trung Tôn và
nhóm đối tượng trong tổ chức “Hội anh em dân chủ” là khi lực lượng đủ mạnh, chờ
thời điểm phù hợp sẽ công khai hoạt động, đối đầu với chính quyền, hòng thay
đổi thể chế chính trị tại Việt Nam để xây dựng chế độ “đa nguyên, đa đảng”,
tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân…
Tương
tự, đối tượng Nguyễn Đặng Minh Mẫn cũng từng bị phạt tù về tội “Hoạt động
nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ngày 9-1-2013, Nguyễn Đặng Minh Mẫn đã
bị Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử cùng 13 bị cáo khác. Theo
cáo trạng của Viện KSND, từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2011, Nguyễn Đặng Minh
Mẫn cùng nhóm 13 bị cáo đã nhiều lần ra nước ngoài dự các khóa huấn luyện về
“đấu tranh bất bạo động" của tổ chức khủng bố Việt Tân và gia nhập đảng Việt
Tân. Sau các khóa huấn luyện ở nước ngoài, các đối tượng được giao nhiệm vụ trở
về Việt Nam để thực hiện các hoạt động tuyên truyền chống phá, phát triển lực
lượng, kích động quần chúng gây rối làm mất ổn định tình hình chính trị-xã hội
trong nước; viết bài xuyên tạc quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của
Đảng và Nhà nước Việt Nam; lợi dụng chiêu bài đấu tranh dân chủ, nhân quyền,
chống tham nhũng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo... để thực hiện các mưu đồ chính
trị nhằm lật đổ chính quyền Nhà nước Việt Nam. Ngày 2-8-2019 vừa qua, Nguyễn
Đặng Minh Mẫn đã mãn hạn 8 năm tù. Ngay sau khi ra tù, tổ chức khủng bố Việt
Tân đã móc nối trở lại với Nguyễn Đặng Minh Mẫn hòng tiếp tục sử dụng đối tượng
này làm công cụ chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Còn đối với Lê
Công Định thì chúng ta chẳng lạ. Đối tượng này cũng từng bị TAND TP Hồ Chí
Minh tuyên phạt 5 năm tù giam, 3 năm quản chế sau mãn hạn tù. Trước đó, Lê Công
Định đã bị cơ quan công an bắt giam về "tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng
hòa XHCN Việt Nam" theo Điều 88 Bộ luật Hình sự. Sau hơn 3 năm thụ án, Lê
Công Định được ra tù trước thời hạn do chấp hành tốt nội quy trại giam. Trở về
với gia đình, với xã hội những tưởng Lê Công Định sẽ “cải tà quy chính” nhưng
không, hắn vẫn “ngựa quen đường cũ”. Mặc dù trước tòa Lê Công Định đã nói: “Tôi
thấy những việc làm trên của tôi đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Tôi rất ân hận
với những hành vi sai trái của mình. Tôi mong được Nhà nước xem xét cho tôi
hưởng lượng khoan hồng”, thế nhưng hiện nay, Lê Công Định đã lộ nguyên hình là
kẻ phản bội chuyên hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Pháp luật Việt Nam luôn phù hợp với công
ước quốc tế
Điểm qua vài
nét vậy đủ thấy rất rõ 3 nhân vật nói trên là những đối tượng đã và đang vi
phạm pháp luật Việt Nam. Không chỉ vậy, những người này còn vi phạm Công ước
quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông
qua ngày 16-12-1966; có hiệu lực ngày 23-3-1976; Việt Nam gia nhập ngày
24-9-1982). Theo công ước này, các quốc gia thành viên cam kết tôn trọng và bảo
đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền pháp lý của mình các
quyền đã được công nhận... Nhưng việc thực hiện các quyền đã được công nhận
trong công ước này có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những
giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe
hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác.
Việc xây dựng
và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam luôn giữ đúng nguyên tắc, sát với
thực tế đất nước, phù hợp và không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc
tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên. Ở Việt Nam, các quyền con
người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công
nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người,
quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp
cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo
đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền
công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng
quyền của người khác. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với
Nhà nước và xã hội. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam, việc
thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia,
dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác... Hành vi tuyên truyền xuyên
tạc, bịa đặt, kích động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam; âm mưu tổ chức hoạt
động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân của các đối tượng rõ ràng đã gây bất ổn
cho an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm quyền tự do cơ bản của người
khác... và phải chịu những hình phạt nghiêm minh của pháp luật là tất yếu.
"Vải xô" không che nổi mặt
trời
Luôn rêu rao
rằng, mục đích hoạt động là nhằm đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ nhân quyền trên
thế giới để thúc đẩy dân chủ, nhân quyền cho người dân Việt Nam dựa trên tinh
thần của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và các văn kiện quốc tế khác về nhân
quyền, vậy mà cái gọi là “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” lại đi trao giải cho
những nhân vật đã vi phạm pháp luật Việt Nam, vi phạm Công ước quốc tế thì quả
là việc làm không thể chấp nhận được.
Nhìn vào việc
làm của cái gọi là “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” dư luận có thể thấy ngay cái
mục đích mỹ miều mà tổ chức này đặt ra chỉ là dối trá, lừa bịp để nhận những
đồng đô la bố thí từ một vài tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam. Họ
ngày càng lộ nguyên hình là tổ chức “phản động lưu vong”, một tập hợp của những
phần tử “dân chủ cuội” không hơn không kém. Với một tổ chức ô hợp như thế thì
chỉ những người mù quáng mới tin rằng họ sẽ thúc đẩy quyền con người, đem lại
những điều tốt đẹp cho đất nước Việt Nam.
Mục đích hành
động trao “Giải thưởng nhân quyền” của cái gọi là “Mạng lưới nhân quyền Việt
Nam” không nhằm gì khác là hà hơi tiếp sức, kích động cho những phần tử phản
động trong nước ngày càng liều lĩnh chống Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Nhìn bề ngoài việc trao “Giải thưởng nhân quyền” là do cái gọi là “Mạng lưới
nhân quyền Việt Nam” tiến hành, nhưng nhìn sâu kỹ hơn chúng ta sẽ thấy đứng sau
mỗi “giải thưởng nhân quyền” ấy đều có hình bóng trực tiếp hoặc gián tiếp điều
hành của một số nước phương Tây và đồng minh. Xét cho đến cùng, những việc làm
ấy đều nằm trong âm mưu, thủ đoạn chống phá nhằm thực hiện chiến lược “diễn
biến hòa bình" với cách mạng Việt Nam. Nhưng “vải xô” không che nổi mặt
trời. Mọi âm mưu và thủ đoạn ấy dù có nham hiểm, tinh vi, xảo trá đến mấy cũng
sẽ bị phơi bày và đập tan bởi tinh thần cảnh giác cao độ của nhân dân Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét