Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH: VỊ TƯỚNG TÀI BA, NHÀ LÃNH ĐẠO XUẤT SẮC, MỘT NHÂN CÁCH ĐỨC ĐỘ, GIẢN DỊ, GẦN GŨI NHÂN DÂN



QĐND - Đại tướng Lê Đức Anh là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một vị tướng tài ba, người đã được tôi luyện, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế, giải phóng nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
Là một vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước xuất sắc, Đồng chí luôn đổi mới, quyết đoán, nhanh nhạy, bám sát thực tiễn, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và cũng rất giản dị, sâu sắc, nhân văn trong cuộc sống, được đồng chí, đồng đội và nhân dân yêu mến, bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Đồng chí Lê Đức Anh sinh ngày 1-12-1920 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, quê quán tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông nội của Đồng chí là một sĩ phu tham gia Phong trào Cần Vương chống Pháp. Trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống yêu nước và hiếu học, thấu hiểu sự nghèo đói, lam lũ của người dân lao động cùng khổ dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc, người thiếu niên Lê Đức Anh đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1937, khi mới 17 tuổi, Đồng chí tham gia phong trào dân chủ ở Phú Vang, Thừa Thiên-Huế; tháng 5-1938, Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong thời kỳ 1939-1944, Đồng chí hoạt động trong các hội Ái hữu tại Hội An, Đà Lạt, Lộc Ninh, Thủ Dầu Một và các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh, Quảng Lợi, Xa Can, Xa Cát.
Là chiến sĩ cộng sản kiên trung, mang trong mình ý chí tất cả vì độc lập, tự do, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, đầu năm 1945, Đồng chí được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng trung kiên trong các nghiệp đoàn, chuẩn bị đấu tranh võ trang. Tháng 8-1945, Đồng chí được phân công phụ trách chỉ huy khởi nghĩa giành chính quyền ở các đồn điền cao su và hai huyện Hớn Quản, Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Thời gian này, Đồng chí tham gia Quân đội, chỉ huy giành chính quyền ở Lộc Ninh, tham gia tỉnh ủy lâm thời, phụ trách quân sự phía Bắc tỉnh Thủ Dầu Một; giữ các chức vụ Chính trị viên Chi đội 1 (sau là Trung đoàn 301), Trung đoàn ủy viên, Tỉnh ủy viên Thủ Dầu Một. Từ năm 1948 đến năm 1954, Đồng chí đảm đương nhiều chức vụ quan trọng, như: Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8, Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn, Quân khu ủy viên, Tham mưu phó Bộ tư lệnh Nam Bộ.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương năm 1954, Đồng chí tập kết ra Bắc; từ năm 1955 đến năm 1963 là Phó cục trưởng Cục Tác chiến, rồi Cục phó, Cục trưởng Cục Quân lực-Bộ Tổng Tham mưu và trở thành Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ đầu năm 1964, Đại tá Lê Đức Anh trở lại chiến trường miền Nam, đảm nhiệm các chức vụ Tham mưu trưởng, rồi Phó tư lệnh Bộ tư lệnh miền Nam, Ủy viên Quân ủy Miền; Tư lệnh Khu 9, Phó bí thư Khu ủy; Phó tư lệnh Bộ tư lệnh miền Nam, Ủy viên Quân ủy Miền. Đồng chí là một trong hai sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được phong hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng vào tháng 4-1974. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Đồng chí được giao trọng trách Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh Cánh quân Tây Nam, đóng góp quan trọng cho thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thực hiện nhiệm vụ được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao, từ năm 1976 đến năm 1986, Đồng chí là Tư lệnh Quân khu 9, Bí thư Quân Khu ủy, rồi Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, Đồng chí là một trong những tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy chiến trường và giành nhiều thắng lợi quan trọng, bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Năm 1981, đồng chí được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia.
Năm 1986, Đại tướng Lê Đức Anh là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, từ năm 1987 là Bộ trưởng Quốc phòng, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương. Đồng chí là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 1992-1997. Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa V, VI, VII, VIII; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1997 đến tháng 4-2001; Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX.
Về quân sự, Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng trận mạc, một nhà chỉ huy xuất sắc, có tầm nhìn chiến lược, có chiến thuật tài tình và linh hoạt xử lý các tình huống phức tạp. Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng gắn với nhiều chiến trường vào Nam ra Bắc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả trên chiến trường nước bạn. Đồng chí từng chỉ huy bộ đội tham gia những trận đánh quan trọng, những sự kiện mang tính bước ngoặt của chiến tranh, như: Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cuộc chiến đấu chống lấn chiếm vùng giải phóng năm 1973, Chiến dịch Phước Long năm 1974, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, Chiến dịch giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng năm 1979. Đồng chí là người trực tiếp thị sát, chỉ đạo và đóng góp quan trọng trong xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đồng chí đảm trách chỉ huy và lãnh đạo trực tiếp cánh quân tiến công trên hướng Tây-Tây Nam Sài Gòn (Đoàn 232), một trong 5 cánh quân của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Đây là nơi có địa hình khó tiến công vì là đồng bằng, sông ngòi, sình lầy chằng chịt, nhưng là một hướng tiến công rất quan trọng để nhanh chóng chia cắt quân địch trên tuyến quốc lộ số 4, không để chúng co cụm về cố thủ ở Cần Thơ. Đoàn 232 do Đồng chí chỉ huy đã thực hiện thành công các nhiệm vụ chính là: Chia cắt các lực lượng Sài Gòn và miền Đông với lực lượng vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tấn công Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát, sau đó hợp điểm cùng các cánh quân khác tại Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30 tháng Tư lịch sử.
Đại tướng Lê Đức Anh là người luôn coi trọng nhân, nghĩa, ngay cả đối với kẻ thù; và là người lãnh đạo, chỉ huy luôn thương yêu, tìm mọi cách giảm thiểu hy sinh xương máu của cán bộ, chiến sĩ và khó khăn, mất mát của người dân. Trong hồi ký, Đại tướng Lê Đức Anh viết: Thắng lợi trọn vẹn của chúng ta có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân to lớn nhất, cơ bản nhất, gốc rễ nhất là tư tưởng “nhân ái”. Tư tưởng “nhân nghĩa” của thời đại Hồ Chí Minh là bắt nguồn từ truyền thống chí nhân, chí nghĩa của dân tộc, như Nguyễn Trãi từng viết trong Đại Cáo Bình Ngô: “Lấy chính nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Khi xe tăng, thiết giáp của ta vượt qua sông Vàm Cỏ thì trời đổ mưa, đoạn thuộc huyện Đức Huệ (Long An) sình lầy, xe không đi được; nhân dân vác những bó cây và dỡ nhà mình ra lót đường cho xe tăng và pháo ta vượt qua. Đồng chí đã chỉ đạo anh em chiến sĩ giúp dân làm lại nhà, dù người dân không hề đòi hỏi.
Sau này, trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng-An ninh, thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, với tình cảm sâu nặng và ý thức trách nhiệm lớn lao, Đại tướng Lê Đức Anh thường xuyên đến thăm, kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội, công an. Đồng chí chỉ đạo quyết liệt vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng và là một trong những người đưa ra ý tưởng xây dựng khu vực phòng thủ, các khu kinh tế-quốc phòng trên địa bàn chiến lược mà chúng ta đã và đang triển khai thực hiện. Đồng thời, Đại tướng cũng hết sức chú trọng đến tình hình bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị của quân đội và đời sống của cán bộ, chiến sĩ. Trước thực trạng các doanh trại quân đội dột nát, Đồng chí đã yêu cầu tăng kinh phí xây dựng, sửa chữa doanh trại và có các biện pháp cụ thể, thiết thực bảo đảm đời sống cho cán bộ, chiến sĩ.
Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh cũng rất quan tâm công tác chính sách hậu phương quân đội, giải quyết tồn đọng về chính sách sau chiến tranh. Ngày 10-9-1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” để tặng hoặc truy tặng những Mẹ đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; đồng thời cũng là để giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các thế hệ mai sau.
Là Chủ tịch nước, rồi Cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và kể cả khi đã nghỉ công tác, đồng chí Lê Đức Anh vẫn thường xuyên quan tâm đến lực lượng vũ trang, nghiên cứu và đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, có tầm chiến lược sâu rộng về công tác quân sự, quốc phòng cho Đảng và Nhà nước ta.
Trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị giao, Đồng chí đã nghiên cứu sâu sắc về cách thức, phương pháp, bước đi để thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ với một số nước, đối tác, góp phần đặt nền móng cho chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập của Đảng, Nhà nước ta. Khi trên cương vị Chủ tịch nước, là Nguyên thủ quốc gia, đồng chí Lê Đức Anh đã nhiều lần dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến thăm các nước, các tổ chức quốc tế và ký kết nhiều hiệp định, điều ước quốc tế, để lại những dấu ấn quan trọng và tình cảm tốt đẹp với các quốc gia, cộng đồng quốc tế.
Đối với đồng chí, đồng đội, đồng chí Lê Đức Anh không phân biệt cấp bậc, chức vụ, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, luôn quan tâm, chăm lo đến cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ và cuộc sống hằng ngày. Là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khi đến thăm đơn vị quân đội, Đồng chí vẫn nói chuyện như không có khoảng cách với các chiến sĩ trẻ; động viên các cựu chiến binh khắc phục khó khăn; quan tâm chỉ đạo giải quyết chế độ chính sách.
Đại tướng Lê Đức Anh sống giản dị, gần gũi, chân tình, sâu sắc và nặng tình nghĩa với quê hương. Tham gia hoạt động cách mạng từ thời niên thiếu, nhưng Đồng chí luôn nhớ về quê hương với một tình cảm rất sâu đậm. Mỗi lần về quê, Đồng chí thường đi thăm bà con lối xóm, ân cần thăm hỏi cuộc sống, tình hình lao động sản xuất; động viên bà con, họ hàng, con cháu quê nhà luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước; phát huy tinh thần thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất để phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trong gia đình, Đồng chí là người chồng, người cha, người ông, người cụ mẫu mực, đức độ và giàu lòng nhân ái. Đồng chí luôn chú trọng giáo dục, nhắc nhở con cháu, người thân nỗ lực học tập, rèn luyện, tự mình phấn đấu, trưởng thành, là người tốt, sống có lý tưởng và có ích cho xã hội.
Với 99 tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Có thể nói, cuộc đời hoạt động cách mạng hơn 80 năm của Đại tướng Lê Đức Anh là dành cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, vì sự trưởng thành lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, vì hạnh phúc của người dân. Khi ốm nặng và trong quá trình điều trị, mỗi lần đồng chí, đồng đội, đồng bào đến thăm, Đại tướng Lê Đức Anh kính mến đều hỏi về tình hình đất nước, về cuộc sống của người dân với tình cảm ân cần, cảm động. Mới đây, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tôi cùng một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhìn chúng tôi với ánh mắt trìu mến, tin tưởng và gửi gắm tình cảm tốt đẹp.
Cuộc đời của Đại tướng Lê Đức Anh gắn liền với những chiến thắng, những bước thăng trầm của lịch sử nước nhà. Đồng chí đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Chúng ta mãi mãi nhớ về Đại tướng Lê Đức Anh-anh Sáu Nam kính mến, người đồng chí thân thiết, chí tình, một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhân cách đức độ, giản dị, gần gũi. Noi gương Đồng chí, chúng ta nguyện nỗ lực phấn đấu, ra sức hành động, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình ổn định cho phát triển, xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
NGUYỄN XUÂN PHÚC (Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ)
https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dai-tuong-le-duc-anh-vi-tuong-tai-ba-nha-lanh-dao-xuat-sac-mot-nhan-cach-duc-do-gian-di-gan-gui-nhan-dan-573171

HÒA HỢP, HÒA GIẢI DÂN TỘC – CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH NHẤT QUÁN CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA



Hòa hợp, hòa giải dân tộc là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, được nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế công nhận. Sự thực đó không một thế lực nào, thủ đoạn tuyên truyền nào có thể xuyên tạc, phủ nhận.
Gần đây, chủ đề hòa hợp, hòa giải dân tộc lại được những người tự xưng là “bất đồng chính kiến” - những người phản bội dân tộc - cả ở trong và ngoài nước xới lên, nhằm kích động, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ ra sức rêu rao rằng: hòa hợp, hòa giải dân tộc chỉ là “cái bẫy” của cộng sản để thực hiện những mục tiêu nhất thời…, không thể có hòa hợp, hòa giải dân tộc nếu còn chế độ cộng sản; thậm chí họ còn “lái” khái niệm hòa hợp, hòa giải dân tộc sang “hòa hợp” với những “người bất đồng chính kiến”.
Vậy vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc bắt nguồn từ đâu? Lực lượng chính trị nào đã gây ra mâu thuẫn, bất đồng, chia cắt đất nước đối với dân tộc Việt Nam? Quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta về hòa hợp, hòa giải dân tộc như thế nào?
Trước năm 1945, với chính sách “chia để trị”, thực dân Pháp đã chia nước ta làm ba miền: Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã giành được độc lập cho dân tộc Việt Nam. Nhưng với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã gây ra cuộc chiến tranh xâm lược thêm 09 năm (1945 - 1954). Sau những chiến thắng lớn cả ở ba miền Bắc, Trung, Nam, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5-1954, thực dân Pháp buộc phải chấp nhận thất bại trên chiến trường, ngồi vào bàn đàm phán, nhằm lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhưng, tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, thực dân Pháp và tay sai cùng với các thế lực chính trị nước ngoài đã thúc ép các bên ký hiệp định, Chính phủ ta đã chấp nhận lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời chia đất nước làm hai miền Nam - Bắc. Theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ, hai miền Nam - Bắc sẽ tổng tuyển cử, thống nhất đất nước, nhưng lực lượng tay sai của thực dân Pháp, có sự giúp sức của đế quốc Mỹ đã phá hoại cuộc tổng tuyển cử. Đây là nguyên nhân đất nước ta bị chia cắt lần thứ nhất.
Lần chia cắt thứ hai, cũng do đế quốc Mỹ và lực lượng tay sai thực hiện. Với mong muốn giải phóng hoàn toàn đất nước (do đế quốc thống trị ở miền Nam), đồng bào miền Nam đã nổi dậy vào năm 1955 - 1956. Cuộc nổi dậy đã  được quân dân ta ở miền Bắc chi viện với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Cuộc kháng chiến lần thứ hai của dân tộc ta sau 17 năm (1956 - 1973) đã đi đến hồi kết. Năm 1973, tại Hội nghị Pa-ri (Pháp), Chính phủ ta và Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam đã ký Hiệp định Pa-ri, nhằm kết thúc chiến tranh lập lại hòa bình, tiến tới thống nhất đất nước.
Theo Hiệp định Pa-ri, lực lượng các bên phải ở yên các vị trí,… nghĩa là một bộ phận lãnh thổ của chúng ta ở miền Nam vẫn ở trong tay lực lượng phản động do đế quốc Mỹ chống lưng. Ngay sau khi ngừng bắn, lực lượng tay sai của Mỹ đã cố tình tấn công lấn chiếm, mở rộng vùng cai trị của chúng, buộc quân dân miền Nam phải giáng trả. Âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai là chia cắt vĩnh viễn Việt Nam, nhằm ngăn chặn “làn sóng đỏ”1 xuống khu vực Đông Nam Á.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân dân ta (đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh) giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước được thống nhất. Trong dịp này, đáng tiếc, một số công chức làm việc cho chính quyền tay sai Sài Gòn và người dân do bị bọn tay sai tuyên truyền đã rời bỏ đất nước, di tản, sinh sống ở nước ngoài. Gần đây, do thiếu thông tin chân thực ở trong nước, do bị tuyên truyền xuyên tạc nên đã có không ít người nhận thức sai lầm về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta nói chung, về hòa hợp, hòa giải dân tộc nói riêng, dẫn đến kỳ thị với chế độ xã hội và Nhà nước ta. Cứ gần đến các ngày lế, tết, các sự kiện chính trị quan trọng, nhất là dịp đất nước ta kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4 hằng năm) thì những luận điệu xuyên tạc về chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của các thế lực thù địch lại rộ lên, với nhiều giọng điệu hằn học, nhằm khơi dậy hằn thù, phủ nhận chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, kích động kiều bào yêu nước về thăm quê, tham gia xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Để làm rõ hơn chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời vạch mặt dã tâm của các thế lực thù địch, chống đối, xuyên tạc chính sách nhân văn đó, cần thấy rằng chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước ta là có cơ sở lịch sử, chính trị và pháp lý vững chắc, được tổ chức thực hiện minh bạch, hiệu quả. Các cương lĩnh của Đảng ta, từ Chánh cương vắn tắt, ngày 03-02-1930 đến Cương lĩnh thông qua tại Đại hội XI của Đảng, năm 2011, đều nhất quán xác định mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam là giành lại độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng chế độ xã hội do nhân dân làm chủ (mà ngày nay là chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa) - do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nguyên tắc độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất đất nước và sự toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta: “… nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được”2, “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”3.
Các Hiến pháp Việt Nam, từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho đến Hiến pháp năm 2013 đang được thực thi hiện nay, đều quy định rõ ràng về chế độ chính trị, nhà nước và sự toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta. Điều 1, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Về những yếu tố chủ yếu của dân tộc, đã được quy định tại Điều 5: “1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình,…” .
Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, nhiều đạo luật của Nhà nước ta đã có chế tài nghiêm khắc với những tội danh xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Chẳng hạn, Điều 9, Luật Báo chí năm 2016, quy địnhcác hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có những hành vi đăng, phát thông tin có nội dung: “Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa Nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân…; Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.
Hiện nay, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, số kiều bào Việt Nam định cư ở nước ngoài lên đến trên 4,5 triệu người. Thực hiện chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, trong những năm gần đây, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai nhiều hoạt động, như: tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới; trại hè Việt Nam dành cho thế hệ trẻ kiều bào; Đoàn kiều bào tiêu biểu về thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa hằng năm, v.v. Thông qua những chương trình mang tính thực tế, nhiều cá nhân kiều bào trước kia còn nặng định kiến nay đã thay đổi nhận thức, chính kiến và có những đóng góp thiết thực cho quê hương đất nước.
Vừa qua, ngày 26-01-2019, tại trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã diễn ra buổi gặp mặt 100 kiều bào tiêu biểu từ 34 quốc gia về nước đón Tết cổ truyền và tham dự chương trình Xuân Quê hương năm 2019. Tại cuộc gặp mặt, thay mặt Đảng và Nhà nước, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đánh giá cao sự đóng góp của kiều bào ta ở nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí nói: kiều bào ta không chỉ tham gia phát triển kinh tế - xã hội mà còn hưởng ứng các cuộc vận động cứu trợ, giúp đỡ đồng bào trong nước khắc phục hậu quả thiên tai, cũng như hỗ trợ các chương trình vì người nghèo. Tại buổi gặp mặt, bà con kiều bào đều bày tỏ vui mừng trước sự thay đổi, phát triển của đất nước, sự quan tâm ngày càng sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc, học tập ở nước ngoài. Bà con kiều bào cũng thể hiện niềm vui được về đón Xuân Kỷ Hợi, bày tỏ nguyện vọng được đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng đất nước. Một số kiều bào mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục hỗ trợ bà con kiều bào giải quyết vấn đề địa vị pháp lý, như: vấn đề cấp quốc tịch Việt Nam, cấp VISA dài hạn; quan tâm giúp đỡ đến việc dạy học tiếng Việt; giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào về đầu tư tại quê hương, v.v. Thực tế trên được các phương tiện thông tin truyền thông trong và ngoài nước đưa tin công khai, không thể xuyên tạc.
Hòa hợp, hòa giải dân tộc là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, khẳng định rõ: lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm điểm tương đồng, chủ động mở rộng quan hệ với tất cả kiều bào ta định cư ở nước ngoài, không phân biệt ý thức hệ, lịch sử cá nhân, kể cả đối với những người còn định kiến, mặc cảm với chế độ xã hội. Nhà nước ta tạo điều kiện cho mọi người, kể cả những người từng làm việc trong chế độ cũ, có nhiều tội ác với nhân dân được về thăm, đóng góp để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, tiến bộ, v.v. Thiết nghĩ, lòng yêu nước, được đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam ở bất cứ đâu. Quyền và nghĩa vụ này luôn được Đảng, Nhà nước trân trọng và bảo đảm. Và như thế, những luận điệu xuyên tạc chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước ta không lừa gạt được ai và nhất định bị phủ nhận bởi thực tiễn sinh động về hòa giải, hòa hợp dân tộc trên đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
TS. CAO ĐỨC THÁI
_____________
1 - Tư liệu trong Cuốn hồi ký “Nhìn lại thảm họa và những bài học Việt Nam”, xuất bản năm 1995 và bộ phim “Chiến tranh Việt Nam”, phát hành năm 2017 tại Hoa Kỳ.
2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 11,  Nxb CTQG, H. 2011, tr. 264.
3 - Sđd, Tập 4, tr. 280.

VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT KHÔNG THỂ ĐỨNG NGOÀI CHÍNH TRỊ



Văn học, nghệ thuật chính thống của một chế độ xã hội bao giờ cũng phục tùng, phục vụ việc xây dựng và củng cố chế độ xã hội ấy. Điều đó đã khẳng định: văn học, nghệ thuật không thể đứng ngoài chính trị, không thể tách khỏi sự lãnh đạo của giai cấp cầm quyền. Đó là quy luật. Ấy vậy mà ở nước ta, một số người, nhóm người vẫn cố tình đi ngược lại quy luật khách quan đó.
Thời gian qua, nhất là những năm gần đây, một số người biến chất hoạt động trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã lớn tiếng kêu gọi và đòi văn học, nghệ thuật không phụ thuộc vào sự lãnh đạo của Đảng, đứng ngoài chế độ chính trị hiện hành (cho dù chính chế độ này đã mang lại cho họ những giá trị đích thực và họ đã, đang được hưởng). Vì thế, họ ra sức truyền bá các tác phẩm văn học, hội họa, những chương trình ca nhạc, phim ảnh có nội dung chống chế độ xã hội chủ nghĩa, phủ nhận thành quả của cách mạng, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ đề cao, cổ súy một số tác phẩm của những văn nghệ sĩ cực đoan, quá khích. Thậm chí, họ còn cho rằng, những tác phẩm này đã tạo nên “luồng gió mới” trong lĩnh vực báo chí, văn học, nghệ thuật nước ta và đã “tiên phong” thoát ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, thể hiện đúng tinh thần “văn nghệ mở”. Bên cạnh đó, một số kẻ đã cố tình bôi nhọ, đả kích các nhân vật, các nhà phê bình văn học có quan điểm chính thống; xuyên tạc cho rằng họ là những “bồi bút” cho Đảng, “con rối” trên diễn đàn văn chương, v.v. Điển hình trong đó có nhóm tự xưng “Ban vận động Văn đoàn Việt Nam độc lập” và phiến diện cho rằng: văn học, nghệ thuật do Đảng lãnh đạo là thứ văn học, nghệ thuật minh họa nghị quyết, tô hồng thực tế theo chỉ đạo của Đảng. Thật đáng buồn hơn, có nhà văn, nhà thơ trưởng thành trong nền văn chương cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhưng do bị “mắc bệnh nặng” nên đã “mờ mắt”, phủ nhận chính những đứa con tinh thần của mình khi liên tục cho rằng: các tác phẩm văn học viết trong chiến tranh là những kiểu viết minh họa đầy chất “đặt hàng” của Đảng mà không phải viết do cảm xúc, do tình người của nhà văn; do đó, những tác phẩm đó không có giá trị và phải có nhận thức mới để thoát khỏi sự can dự của Đảng(!)
Chắc chắn các “nhà văn nghệ mở” đều đã biết, sự tồn tại của chính trị trong một xã hội thường được thể hiện trên hai phương diện là học thuyết chính trị và nhà nước. Trong đó, học thuyết chính trị giữ vai trò chủ đạo trong ý thức xã hội để giải quyết mối quan hệ giữa các giai cấp, các dân tộc, các tầng lớp trong xã hội và xây dựng nên một nhà nước nhằm tổ chức, quản lý, điều chỉnh và định hướng xã hội phát triển theo lý luận, quan điểm của học thuyết chính trị đó. Như vậy, trong một xã hội, nói đến chính trị là nói đến vai trò chủ đạo cả trong ý thức xã hội lẫn hệ thống thiết chế mang tính chất nhà nước để bảo đảm cho sự hiện thực hóa tư tưởng chính trị. Khi đã hiển nhiên giữ vai trò chủ đạo trong một xã hội, thì chính trị không chỉ ảnh hưởng và tác động tới các hình thái ý thức xã hội khác cùng trong một kiến trúc thượng tầng, mà còn giữ vai trò lãnh đạo và chi phối mọi hoạt động trong lĩnh vực vật chất, tinh thần của xã hội. Bằng cách tiếp cận thực sự khách quan, toàn diện, khoa học, chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã chỉ ra, văn học, nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội nhưng là hình thái ý thức xã hội đặc thù; biểu hiện tập trung, đầy đủ, sâu sắc nhất quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực và luôn nhấn mạnh văn học, nghệ thuật phải thấm nhuần tư tưởng cách mạng, có tính giai cấp, tính đảng, tính định hướng, v.v. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”1. Vì vậy, dù có những đặc trưng, đặc thù nào đi chăng nữa thì từ sự nhận thức, phản ánh của mình, văn học, nghệ thuật vẫn phải nhằm mục đích góp phần vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, giải quyết những mâu thuẫn, những yêu cầu đặt ra của thời đại. Ý thức chính trị và ý thức văn học là những người bạn đồng hành trên con đường đi tìm hạnh phúc. Tiếng nói chính trị và tiếng nói nghệ thuật bổ sung cho nhau, làm thăng bằng đời sống tinh thần của xã hội.
Thực hiện sứ mệnh mà dân tộc, nhân dân giao cho, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo văn học, nghệ thuật nhằm phát huy cao nhất tính “chân, thiện, mỹ” của nó, vì khát vọng cao đẹp của nhân dân và dân tộc ta. Điều đó cũng có nghĩa, Đảng lãnh đạo văn học, nghệ thuật không phải là sự áp đặt, mà trở thành nhu cầu khách quan, không chỉ cho việc thực hiện mục tiêu, lý tưởng của dân tộc, mà còn vì chính sự tồn tại, phát triển của văn học, nghệ thuật; đảm bảo cho “hình thái ý thức xã hội đặc thù” này phát triển đúng hướng, toàn diện, có ích và đáp ứng khát vọng tốt đẹp, phong phú, lành mạnh của nhân dân, của dân tộc. Vì vậy, ngay từ năm 1943, Ðề cương văn hóa - chiến lược đầu tiên về văn hóa (trong đó có văn học, nghệ thuật) của Ðảng đã đặt văn hóa là một cuộc cách mạng được tiến hành đồng thời với cách mạng chính trị và cách mạng kinh tế. Quan điểm đúng đắn đó đã được khẳng định lại trong nhiều nghị quyết của Ðảng. Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đề cao văn hóa, coi đó là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là sự bảo đảm cho sự phát triển bền vững: “Không có hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người”2.
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng không can thiệp sâu vào những vấn đề cụ thể như cá tính sáng tạo, cảm hứng sáng tác, các tác nghiệp, kỹ năng thực hành văn hóa, v.v. Đảng chủ trương: đổi mới phương thức lãnh đạo đối với văn học, nghệ thuật theo hướng vừa bảo đảm để văn hóa, văn học - nghệ thuật phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn. Mới đây, trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (25-7-2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: để tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật phát triển, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, đường lối văn học, nghệ thuật của Ðảng là một bộ phận trong đường lối phát triển con người, phát triển đất nước, được xây dựng trên những căn cứ khoa học xác đáng, hướng tới những mục tiêu cao đẹp mà văn học, nghệ thuật cũng nhằm hướng tới. Do đó, văn học, nghệ thuật Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đã chuyển hóa lập trường cho nhiều trí thức tiểu tư sản sang người trí thức cách mạng giàu lòng yêu nước. Đơn cử như, bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu (năm 1938) đã đánh dấu sự chuyển biến, đi theo lý tưởng cao đẹp, dám sống, dám đấu tranh của giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ. Nhà thơ Chế Lan Viên đã cảm ơn Đảng: Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi. Nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng đã khẳng định: chính Cách mạng Tháng Tám đã cứu sống đời Ông, giải phóng cho gia đình Ông và giải phóng cho ngòi bút viết tiểu thuyết của Ông, v.v. Trong giai đoạn cách mạng từ 1930 - 1945, văn học, nghệ thuật đã có vai trò quan trọng trong vận động cách mạng, cổ vũ đồng bào cả nước làm nên thắng lợi lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các tên tuổi, như: Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Xuân Hồng, Phạm Tuyên,… và cả những người đã anh dũng ngã xuống, như: Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân,… đã vừa cầm súng, vừa cầm bút; vừa chiến đấu, vừa sáng tác, góp phần làm nên hình ảnh cao đẹp, đáng tự hào - “Người nghệ sĩ - chiến sĩ”. Họ đã có những tác phẩm đạt tới tầm cao về tư tưởng, văn học, nghệ thuật; tạo ra những hình tượng đậm chất lý tưởng, thực sự mang tầm văn hóa lớn trong đấu tranh cách mạng, hướng bạn đọc đi đến những cái cao thượng, anh hùng, v.v. Từ khi đất nước thống nhất, đặc biệt trong sự nghiệp đổi mới, văn học, nghệ thuật tiếp tục đạt được những thành tựu đáng trân trọng; đại đa số các văn nghệ sĩ phát huy trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ - chiến sĩ, sáng tác ra nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa nước nhà, xứng đáng đại diện cho “những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng”3.
Thực tế là vậy! Thử hỏi các “nhà văn nghệ mở”, các ngòi bút “tiên phong” rằng, đó có phải là bóp nghẹt tự do, dân chủ, áp đặt tư tưởng, quan điểm trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; hay trấn áp những văn nghệ sĩ, đấu tranh cho tự do tư tưởng, tự do sáng tạo không? Và, nếu các tác phẩm được viết theo kiểu “minh họa”, hay viết theo “đặt hàng mà không phải do cảm xúc” thì liệu có đạt tới tầm cao về tư tưởng, văn học, nghệ thuật như vậy không? Phải chăng, từ ý thức chính trị kết hợp với tài năng và tấm lòng trong sáng đã đem tới các thế hệ văn nghệ sĩ cách mạng Việt Nam ý chí, tình yêu vô bờ bến với sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc. Từ ý thức đó, các văn nghệ sĩ được tự do sáng tác và vững bước cùng dân tộc, góp phần cùng dân tộc làm nên những kỳ tích mà lịch sử sẽ còn lưu giữ mãi.
Thời gian qua, chúng ta đã cấm phát hành và quyết định thu hồi một số tác phẩm, ấn phẩm văn học đã phát hành là do vi phạm Luật Xuất bản; thậm chí có tác phẩm có những quan điểm, nhận định, đánh giá thiếu căn cứ khoa học, mơ hồ về chính trị, như: cuốn “Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc” có nội dung xuyên tạc lịch sử về chủ quyền Biển Đông của Việt Nam; cuốn sách dịch “Đường về nô lệ” có nội dung đánh đồng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô với chủ nghĩa phát-xít; cuốn sách “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” có nguồn thông tin tư liệu sai lệch, tuyên truyền chủ nghĩa xét lại một cách cực đoan, kích động thù hằn dân tộc, tạo tâm lý oán trách, v.v. Việc làm đó là hoàn toàn chính xác, đúng đắn để tạo điều kiện cho nền văn học, nghệ thuật chân chính phát triển, góp phần tích cực vào xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta, dân tộc ta đã lựa chọn, chứ không như một số người rêu rao là: trừng trị, triệt tiêu những đóng góp của giới tinh hoa, trí thức! Có chăng, đó chỉ là việc làm ngăn chặn những tác phẩm bôi đen, trút bức xúc và hằn học cá nhân, lấy cái tôi để làm thước đo phẩm chất cộng đồng,…; những tác phẩm đó bao giờ cũng mang tới sự “phản giá trị” đối với tác phẩm và chính chủ nhân của nó. Đó là sự thật không thể chối cãi được. Cho nên, khi người ta đòi hỏi tách văn học, nghệ thuật khỏi chính trị, nếu đó không nhằm tiếp tay, thực hiện ý đồ đen tối cho các thế lực phản động, thì cũng là biểu hiện của sự ấu trĩ, mất phương hướng trong nhận thức mà thôi.
Đại tá, TS. PHẠM QUANG THANH, Trường Sĩ quan Chính trị
_____________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 13, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 504.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 47, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 464.
3 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. CTQG, H.1998, tr. 56.
http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/van-hoc-nghe-thuat-khong-the-dung-ngoai-chinh-tri/13451.html

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...