I.
Tư tưởng đoàn kết trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đoàn
kết là một truyền thống quý báu của Đảng ta, dân tộc ta, là cội nguồn sức mạnh
- nhân tố cơ bản, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong Di
chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, tư tưởng đoàn kết trong
Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện hết sức cô đọng, súc tích.
1.
Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng
Trong
Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ
quý báu của Đảng và của dân ta”1. Sự kiện thành lập Đảng năm 1930
đánh dấu mốc khởi đầu cho truyền thống đoàn kết trong Đảng. Xét về mặt thống
nhất lực lượng chính trị, Hội nghị thành lập Đảng thực chất là sự thống nhất
các tổ chức cộng sản đã ra đời cuối năm 1929 ở Việt Nam. Bởi lẽ, ba tổ chức
cộng sản riêng rẽ tự nó nói lên vấn đề lực lượng lãnh đạo bị phân tán; vì vậy,
phải thống nhất thành một chính đảng duy nhất, thì mới có sức mạnh để lãnh đạo
toàn dân tiến hành đấu tranh giành độc lập dân tộc. Với uy tín và trách nhiệm
của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đứng ra nhận trách nhiệm triệu tập và chủ
trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất,
thông qua các văn kiện, thiết lập bộ máy thống nhất và lấy tên là Đảng Cộng
sản Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc và những đảng viên cộng sản kiên trung tham
gia Hội nghị thành lập Đảng trở thành người đặt nền móng đầu tiên cho truyền
thống đoàn kết của Đảng ta. Nhờ sức mạnh đoàn kết, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân
tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng
hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); giành thắng lợi trước các
cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc, hoàn thành sự nghiệp giải
phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ
nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc. Giá trị truyền thống
đoàn kết trong Đảng được bồi đắp và phát huy trên cơ sở những nguyên lý của chủ
nghĩa Mác – Lê-nin, đặc biệt là nguyên tắc xây dựng đảng kiểu mới của V.I.
Lê-nin, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng đoàn kết trên nền tảng
chung, lấy đó làm nguyên tắc để tổ chức đảng và đảng viên hành động thống nhất,
tạo ra một “véc tơ” lực để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp,
giải phóng con người theo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí
Minh.
Truyền
thống đoàn kết trở thành tài sản cực kỳ quý báu của Đảng ta, là cội nguồn sức
mạnh trong Đảng cũng như trong toàn xã hội. Đó là lý do tại sao Chủ tịch Hồ Chí
Minh lại chốt lại ý nghĩa khi mà Người dùng bổ ngữ “cực kỳ” trước hai chữ “quý
báu” khi đề cập truyền thống đoàn kết của Đảng trong bản Di chúc thiêng liêng.
2.
Đoàn kết tạo thành sức mạnh
Trong
Di chúc, Người khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai
cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng
ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ
thắng lợi này đến thắng lợi khác”2. Trong tác phẩm Đường kách
mệnh (năm 1927), Nguyễn Ái Quốc khẳng định: Cách mạng “Trước hết phải có
đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc
với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới
thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”3. Đảng
thành lập và phát triển không do mục đích tự thân mà là do yêu cầu của dân tộc.
Sự tồn tại và hoạt động của Đảng xuất phát từ sứ mệnh do dân tộc giao cho Đảng.
Chính vì thế, Người cho rằng: Đảng không phải từ trên trời sa xuống mà Đảng từ
trong xã hội mà ra, nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho đồng
bào sung sướng. Như vậy, sự lãnh đạo của Đảng là một tất yếu, vai trò lãnh đạo
của Đảng cũng là một tất yếu. Trong suốt tiến trình vận động của cách mạng Việt
Nam, sự hiện diện của Đảng với vai trò được giai cấp, nhân dân, Tổ quốc giao
phó lãnh đạo, đưa đất nước phát triển đã nói lên một thực tế rằng, sự lãnh đạo
của Đảng là thực tế lịch sử khách quan, đáp ứng yêu cầu phát triển của dân tộc.
Thắng
lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong gần 90 năm qua không
tách rời yếu tố đoàn kết trong Đảng, đoàn kết là thuộc tính tất yếu, là sức
mạnh của Đảng và là một nguyên tắc trong xây dựng Đảng; nội bộ Đảng có đoàn kết
thì mới có đoàn kết trong toàn xã hội. Đó chính là quy luật vận động nội tại
của bản thân Đảng và là điều kiện tiên quyết cho thắng lợi của cách mạng Việt
Nam trong các thời kỳ lịch sử. Do đó, đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, trở
thành nhân tố cốt lõi nhất, cơ sở vững chắc để xây dựng khối đoàn kết trong nhân
dân, đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn, từng bước đưa công cuộc
đổi mới toàn diện đất nước đến thành công.
3.
Để thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc
Theo
quan điểm của Người, đoàn kết trong Đảng phải được coi là nhiệm vụ hàng đầu,
phải được quán triệt trong mọi lĩnh vực, từ đường lối, chủ trương, chính sách,
tới hoạt động thực tiễn. Ngày 03-3-1951, trong lời kết thúc buổi ra mắt Đảng
Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Mục đích của Đảng Lao động
Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC”4.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, thực hiện tư tưởng đoàn kết trong Đảng mà
Bác đã nêu trong Di chúc, cần nhấn mạnh thêm những điểm sau đây:
Một
là, từng cán bộ, đảng viên nêu cao ý thức, trách
nhiệm và hành động nhất quán nhằm giữ gìn, bồi đắp và phát huy truyền thống
đoàn kết trong Đảng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Trong Di chúc, “TRƯỚC
HẾT NÓI VỀ ĐẢNG”, Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần
phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”5.
Người coi đoàn kết trong Đảng là giá trị truyền thống cực kỳ quý báu; cho nên,
với cách dùng lời ví von, so sánh dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, Người mượn
hình ảnh “con ngươi của mắt mình” để làm tâm điểm cho mọi suy nghĩ và hành động
giữ gìn nó. Tiêu chí cơ bản để đánh giá chất lượng của một tổ chức đảng, từ
Trung ương đến chi bộ, là ở sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Điều gì sẽ xảy
ra nếu “con ngươi của mắt” bị bệnh và do đó mắt không sáng? Tất yếu sẽ là hậu
quả xấu, rất tệ cho tầm nhìn của con người. Đối với tổ chức đảng cũng vậy, mất
đoàn kết là mất tất cả, từ tình cảm con người đến sức mạnh của tập thể và cả sự
nghiệp cách mạng. Những ai gây ra mất đoàn kết trong Đảng, bất kể cán bộ, đảng
viên là đều có tội đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.
Hai
là, nghiêm chỉnh thực hiện Di chúc của Bác
về công tác xây dựng Đảng. Trong đó, cần chú trọng những vấn đề sau:
1.
“Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê
bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và
thống nhất của Đảng”6. Hai điều cốt yếu mà Bác căn dặn này, từ khi
ra đời đến nay, Đảng ta đã và đang tiến hành. Đặc biệt trong điều kiện hiện
nay, Đảng cần phải mở rộng dân chủ trong Đảng hơn nữa; thường xuyên tự phê bình
và phê bình, tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội
và mọi hành động chia rẽ, bè phái, cục bộ trong Đảng. Hồ Chí Minh cho rằng,
dân chủ trong Đảng là làm cho mọi đảng viên tích cực đóng góp ý kiến của mình
cho Đảng với động cơ trong sáng. Đó là: dân chủ theo đúng nguyên tắc lãnh đạo,
nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, dân chủ gắn với tập trung; vừa phải chú
trọng khắc phục tính thờ ơ, vô cảm của tổ chức đảng và đảng viên, vừa phải
phòng, chống và khắc phục dân chủ hình thức, dân chủ vô lối, vô chính phủ, cực
đoan, mang động cơ xấu, làm suy yếu sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Tự
phê bình và phê bình là một nguyên tắc xây dựng Đảng. Vì vậy, để giữ gìn sự
đoàn kết, thống nhất trong Đảng thì tự phê bình và phê bình càng có ý nghĩa
quan trọng trong tình hình hiện nay. Không phải ngẫu nhiên mà Bác lại cho rằng
thực hành dân chủ cũng như tự phê bình và phê bình là “cách tốt nhất để củng cố
và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Công việc này phải được tiến
hành thường xuyên, như người ta rửa mặt hằng ngày; đó cũng là “thang thuốc tốt
nhất” để chữa các căn bệnh tiêu cực ở trong Đảng. Người thường nhấn mạnh tới
hai điểm cần chú ý trong tự phê bình và phê bình: tính mục đích và phương pháp.
Về mục đích: “để làm cho phần tốt trong mỗi con người nẩy nở như hoa mùa
Xuân và phần xấu bị mất dần đi”. Về phương pháp: phải được tiến hành một
cách kiên quyết, không nể nang, phải trung thực, không đặt điều; phải phê bình
việc chứ không phải phê bình người; phê bình phải có văn hóa, trên cơ sở tính
nhân văn trong Đảng. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Phải có tình đồng chí
thương yêu lẫn nhau”7.
2.
“Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật
sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”8. Trong một câu viết ngắn mà
Bác dùng đến hai lần cụm từ “thật sự” thì đủ biết Người muốn nhấn mạnh tính
hiệu quả của việc này như thế nào. Đạo đức cách mạng là tiêu chí quan trọng mà
Đại hội XII của Đảng nêu lên về các mặt xây dựng Đảng, vì Đại hội đã tách riêng
ra, nêu riêng, không như ở các đại hội trước chỉ nêu ba mặt xây dựng Đảng về
chính trị, tư tưởng, tổ chức. Người cán bộ, đảng viên hơn người ngoài Đảng
nhiều điểm, nhưng có điểm rất quan trọng phải trở thành gương sáng cho mọi
người noi theo. Đây là một trong những nội dung quan trọng bậc nhất mà toàn
Đảng, toàn dân, toàn quân đang tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện các nghị quyết, quyết định của Đảng liên quan
vấn đề đạo đức cách mạng của đảng viên cũng như nêu cao tính tiên phong, gương
mẫu và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các Ủy viên Bộ
Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng.
3.
“Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là
người đày tớ thật trung thành của nhân dân”9. Tiêu chí để đánh giá
tổ chức đảng có trong sạch hay không, trong sạch đến mức nào thì có nhiều,
nhưng tiêu chí quan trọng là nhìn vào chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, làm lãnh đạo cũng tức là làm đày tớ cho nhân
dân. Trong Di chúc, về việc riêng của mình, Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng
hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ
biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng
không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”10. Bác không “hối
hận”, nhưng Người “tiếc”; không phải “tiếc” vì chưa được hưởng vật chất đầy đủ,
mà là không còn thì giờ để cống hiến cho Đảng, cho dân, cho sự nghiệp cách
mạng. Đó là sự tiếc nuối của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng!
Hồ
Chí Minh không “hối hận” khi “phải từ biệt thế giới này” vì Người tự nguyện đặt
cả cuộc đời mình vào cuộc sống của nhân dân. Ngày 14-7-1969, trả lời phỏng vấn
của nữ phóng viên báo Granma (Cuba), Người nói: “…Tôi hiến cả đời tôi
cho dân tộc tôi”11. Người đã hòa nhịp đập với trái tim của những
người cần lao đang khát vọng giải phóng vươn lên làm chủ cuộc đời mình. Trả lời
các nhà báo nước ngoài đầu năm 1946, Hồ Chí Minh khẳng định: “Tôi chỉ có một sự
ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân
ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học
hành”12. Tinh thần, thái độ và hành động phục vụ cách mạng theo quan
niệm của Hồ Chí Minh, tức là tinh thần làm người đày tớ, làm công bộc cho nhân
dân. Người đã sống với cả một cuộc đời như thế và đúng là Người không có gì
phải hối hận khi từ biệt thế giới này. Vì vậy, cần nhấn mạnh rằng: “… từ buổi
thiếu niên cho đến phút cuối cùng, HỒ CHỦ TỊCH đã cống hiến trọn đời mình cho
sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một
cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô
cùng trong sáng và đẹp đẽ”13. Bác luôn đặt cái tôi vào chung với
toàn Đảng, đó mới thực sự là giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng.
4.
Để giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, theo Di chúc của
Bác, cán bộ, đảng viên phải thực hiện nói đi đôi với làm, phải phòng và chống
được bốn căn bệnh, đó là: (1) Nói nhiều mà làm ít; (2) Nói hay mà
làm dở; (3) Nói mà không làm; (4) Nói một đằng làm một nẻo. Những
căn bệnh này nếu không được chữa trị thì đoàn kết trong Đảng sẽ bị triệt tiêu.
Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại một gương sáng về việc này. Người đã
nói thì phải làm, làm cho bằng được.
50
năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn coi trọng giữ gìn
sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, lấy đó làm cơ sở để xây dựng khối đại đoàn
kết toàn dân tộc. Trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, việc giữ vững và tăng cường
đoàn kết, thống nhất trong Đảng là trách nhiệm của cấp ủy đảng các cấp, nhất là
các tổ chức cơ sở đảng và của mọi cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực
lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ngang tầm nhiệm vụ, lãnh đạo toàn xã hội thực
hiện điều “mong muốn cuối cùng” của Người trong Di chúc là: “Toàn Đảng, toàn
dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc
lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế
giới”14.
_____________
1 -
Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 622.
2 -
Sđd, tr. 621- 622.
3 -
Sđd, Tập 2, tr. 289.
4 -
Sđd, Tập 7, tr. 49.
5,
6, 7, 8, 9, 10, 11 - Sđd, Tập 15, tr. 622, 622, 622, 622, 622, 623, 674.
12
- Sđd, Tập 4, tr. 187.
13,
14 - Sđd, Tập 15, tr. 626 - 627, 624.
http://tapchiqptd.vn/vi/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh/lam-theo-di-chuc-cua-bac-xay-dung-dang-vung-manh-de-to-quoc-truong-ton/13583.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét