Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐỘC LẬP DÂN TỘC
GẮN LIỀN VỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM LÀ HOÀN TOÀN ĐÚNG ĐẮN, KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC
                                                                       Nghĩa Trí
  Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc là một tư tưởng khoa học và cách mạng, điều đó được Đảng ta vận dụng trong toàn bộ tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc giành độc lập và tiếp tục theo đuổi lý tưởng xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng trong tình hình hiện nay, kẻ thù luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bóp méo để tư tưởng của Người về vấn đề độc lập dân tộc nhằm hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh trong trái tim mọi người dân Việt Nam và nhân dân thế giới.
  Bằng cách thông qua việc sử dụng các cơ quan phát thanh, báo chí, xuất bản...cùng với thủ đoạn sử dụng Internet, mạng xã hội và blog có nội dung xấu, độc hại, liều lượng, tần xuất ngày càng tăng. Chúng tập trung tuyên truyền, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Chúng xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là trước thềm đại hội Đảng các cấp. Chúng cho rằng, Hồ Chí Minh thực chất chỉ là người “dân tộc chủ nghĩa”. Chúng cố chứng minh tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, không có gì quý hơn độc lập tự do của Hồ Chí Minh là “phi nhân tính”.  Chúng suy luận: “Nhân dân Việt Nam đi theo con đường cách mạng Hồ Chí Minh là sai lầm, là đi vào ngõ cụt”... Do vậy, khi cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là “chủ nghĩa dân tộc” là một cách diễn đạt thiếu chính xác, không đầy đủ. Cách diễn đạt này dù vô tình hay hữu ý đã bỏ qua tính giai cấp, làm mờ đi lập trường, quan điểm giai cấp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam. Với cách diễn đạt ấy đã tước bỏ nội dung cách mạng, tiên tiến nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh và thực chất là để phủ nhận tư tưởng của Người. 
  Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc gắn bó thống nhất với tư tưởng của Người về chủ nghĩa xã hội. Người cho rằng, trong thời đại ngày nay, con đường phát triển tất yếu của cách mạng giải phóng dân tộc do đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo sẽ là tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người khẳng định: cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Bởi: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Và theo Người, chủ nghĩa xã hội là làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do; về bản chất, chủ nghĩa xã hội là một xã hội do nhân dân lao động làm chủ, một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm là không hưởng; bảo đảm phúc lợi cho người già, trẻ mồ côi; một xã hội có nền sản xuất phát triển gắn liền với sự phát triển khoa học -kỹ thuật và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân lao động. Đó là một xã hội có kỷ cương, đạo đức, văn minh, trong đó người với người là bạn bè, đồng chí, anh em, mọi người được phát triển hết khả năng của mình; hòa bình hữu nghị, làm bạn với các nước; một xã hội do nhân dân lao động làm chủ thực sự dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là sự phản ánh chính xác mục đích, lý tưởng, khát vọng và ham muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, để bảo đảm vững chắc độc lập dân tộc, không rơi vào lệ thuộc, đói nghèo lạc hậu, chặng đường tiếp theo chỉ có thể là đi lên CNXH. Do những đặc trưng nội tại của mình, CNXH sẽ củng cố những thành quả đã giành được trong cách mạng dân tộc dân chủ, tạo điều kiện để bảo đảm cho độc lập và sự phát triển của dân tộc.
  Tư tưởng độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang một nội dung sâu sắc, triệt để là độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. CNXH không chỉ củng cố những giá trị nêu trên mà còn làm phong phú về mặt nội dung, xác lập các điều kiện để hiện thực hóa các nội dung đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chỉ có CNXH, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng triệt để các dân tộc bị áp bức khỏi ách nô lệ; chỉ có cách mạng XHCN mới bảo đảm cho một nền độc lập thật sự, chân chính. Hiện nay, đất nước chúng ta chuyển sang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh mặt tích cực, kinh tế thị trường cũng tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, nó kích thích chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng phát triển, coi tiền là tất cả mà coi thường đạo lý, coi nhẹ lý tưởng, tình đồng chí, làm băng hoại những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, làm tăng phân hóa giàu nghèo, khuyến khích lối sống hưởng thụ ích kỷ, không có tình nghĩa. Trong bối cảnh đó, nếu cán bộ, đảng viên không có bản lĩnh chính trị vững vàng, thiếu tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên thì rất dễ dao động về lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, dễ sa ngã bởi những cám dỗ vật chất tầm thường, rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân.
  Như vậy, đấu tranh chống quan điểm sai trái như một nhiệm vụ tất yếu chúng ta cần làm và nhất định phải làm thật tốt. Để thực hiện được điều đó, cần nhận rõ các dạng quan điểm sai trái để có những đối sách phù hợp. Yêu cầu chung nhất của việc đấu tranh chống quan điểm sai trái chính là làm tốt công tác tư tưởng trong Đảng và toàn dân bằng cách tuyên truyền, tổ chức, giáo dục hướng tới sự thống nhất tư tưởng và thống nhất hành động trong toàn xã hội.





KHÔNG THỂ TÁCH RỜI
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỚI CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN
                                                       Đồng Mạnh
Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch đang tăng cường thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng Việt Nam trên mặt trận tư tưởng, văn hóa nhằm làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng chế độ ngày một quyết liệt hơn, với âm mưu, thủ đoạn cũng tinh vi, xảo quyệt hơn. Trong đó, chúng tập trung phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng ta, xóa bỏ vị trí thống trị của hệ tư tưởng vô sản trong Đảng và trong xã hội, từ đó đòi thay nền tảng tư tưởng trong xã hội ta bằng hệ tư tưởng tư sản. Trong số những quan điểm chống phá đó, có quan điểm đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng cùng với đó phủ nhận học thuyết Mác - Lênin, với biện giải học thuyết này đã lỗi thời, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là “đáng giá” và rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, bởi trong đó đã bao hàm chủ nghĩa Mác - Lênin, thậm chí còn cao hơn chủ nghĩa Mác - Lênin!
Chúng ta khẳng định quan điểm sai trái trên là rất nguy hiểm và thâm độc, vì chúng đã tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin. Quan điểm này thể hiện tính ngụy biện, dễ làm cho một số người cả tin, ngộ nhận khi chúng không phủ nhận sạch trơn nền tảng tư tưởng của Đảng ta mà lại nâng tầm một cách giả tạo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá một cách khách quan, chính xác, đầy đủ và sâu sắc vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với cách mạng Việt Nam. Ngay từ năm 1927, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - đã viết: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[1]. Theo Người, chủ nghĩa Mác - Lênin không những là “cẩm nang” thần kỳ, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, mà còn là “mặt trời soi sáng” con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng - CNXH và chủ nghĩa cộng sản. Trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Sáclơ Phuốcniô, ngày 15-7-1969, Hồ Chí Minh khẳng định: “…chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lê-nin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết. Chúng tôi giành được thắng lợi là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng… chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin”.
Khi nghiên cứu lịch sử hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rõ tư tưởng của Người có nguồn gốc từ chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đã nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin một cách cơ bản, hệ thống. Ngày 12-7-1946, trả lời trong cuộc họp báo tại biệt thự Roayan Môngxô, Hồ Chí Minh đã nói: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác”. Hồ Chí Minh không bao giờ “tách mình” ra khỏi C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin để đưa ra các quan điểm riêng, mà như Người nói là “cố gắng vận dụng” tư tưởng của các nhà kinh điển đó, “nhưng vận dụng một cách sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam”Nếu không có chủ nghĩa Mác - Lênin thì không có tư tưởng Hồ Chí Minh. Chỉ khi tiếp nhận được chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mới thực sự được xác lập và phát triển.
Trong bài “con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin”, Hồ Chí Minh đã nói: trước khi đến với chủ nghĩa Lênin, “tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên”[2], tham gia Đảng Xã hội Pháp vì họ ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, còn “Đảng là gì, công đoàn là gì, CNXH và chủ nghĩa cộng sản là gì thì tôi không hiểu”[3]. Thế rồi, “Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có CNXH, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ[4].
Chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc lý luận chủ yếu của sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước hết, chủ nghĩa Mác - Lênin đã cung cấp cho Hồ Chí Minh thế giới quan, phương pháp luận khoa học, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; đồng thời, đặt “hòn đá tảng” những vấn đề có tính nguyên tắc về lập trường quan điểm, về phương pháp chỉ đạo cách mạng. Những phạm trù cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh nằm trong những phạm trù cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trên cơ sở nắm vững và quán triệt sâu sắc lập trường, quan điểm và phương pháp biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã tiếp thu được những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây để hình thành tư tưởng của mình. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Những cống hiến đó có được trước hết do Người đã nắm được bản chất cốt lõi, “linh hồn sống” trong tư tưởng của các nhà kinh điển Mác - Lênin là phép biện chứng duy vật.
Hồ Chí Minh nghiên cứu, tiếp thu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin không phải theo lối giáo điều, kinh viện, mà có sự phát triển, làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện lịch sử mới. Người không bao giờ coi chủ nghĩa Mác - Lênin là “cái gì đã xong xuôi hẳn”, là “đơn thuốc vạn năng”, mà như Người nói: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”[5]. Trong bài “V.I.Lênin, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam” đăng trên báo Sự thật (Liên Xô), Hồ Chí Minh khẳng định: “Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là một thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước trước đây là thuộc địa. Những kinh nghiệm thành công của cách mạng Việt Nam cũng góp phần ít nhiều vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin”[6].
Bản chất của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học và cách mạng, “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Vì thế, không thể tách rời mối quan hệ vốn có giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, không thể lấy tư tưởng Hồ Chí Minh để thay thế cho chủ nghĩa Mác - Lênin và ngược lại. Cũng không thể đề cao được tư tưởng Hồ Chí Minh, khi mà bằng cách này hay cách khác lại phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin. Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta,…”. Vì thế, những quan điểm tách rời chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh, hoặc đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin đều sai trái, thậm chí thù địch, với dụng ý xấu. Như thế, không phải là ca ngợi, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh theo đúng giá trị đích thực, vốn có trong tư tưởng của Người. Trái lại, người ta muốn cô lập, tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi nguồn gốc lý luận chủ yếu của tư tưởng này là chủ nghĩa Mác - Lênin, làm suy yếu và tiến tới phủ định chính tư tưởng Hồ Chí Minh. Nguy hiểm của luận điểm sai trái đó là cùng một lúc nhằm ba mục tiêu: phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin; phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh; theo đó, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, hòng làm suy yếu và đi đến xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, cần kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, xấu độc đó để bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đại hội XII của Đảng đề ra.





[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 2, tr.289, Nxb CTQG, H.2011.
[2] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, tr.561, Nxb CTQG, H.2011.
[3] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, tr.561, Nxb CTQG, H.2011.
[4] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, tr.563, Nxb CTQG, H.2011.
[5] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 1, tr.510, Nxb CTQG, H.2011.
[6] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 13, tr.381, Nxb CTQG, H.2011. 

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...