Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG HOẠT  ĐỘNG LI KHAI, TỰ TRỊ TRONG DÂN TỘC THIỂU SỐ KHU VỰC BIÊN GIỚI TÂY BẮC HIỆN NAY
                                                                   Thanh Thiên
 
  Biên giới phía Bắc nước ta có đường biên giới dài 1.125 km, trong đó có 515 km tiếp giáp với Trung Quốc và 610 km tiếp giáp với Lào, bao gồm các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La (gồm 96 xã, phường biên giới của 19 huyện, thành phố biên giới). Khu vực BGPB có 23 dân tộc anh em sinh sống, trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) như: Mông, Dao, Hà Nhì, Dáy, La Hủ… Đây là địa bàn có địa hình phức tạp, hiểm trở nhưng có vị trí chiến lược rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước; đồng thời đây cũng là địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (ANCT, TTATXH).
  Đặc điểm nổi bật của đồng bào khu vực BGTB là trình độ dân trí thấp, tỉ lệ hộ nghèo và mù chữ cao, tín ngưỡng, tôn giáo đa dạng và phức tạp, mê tín dị đoan và các hủ tục lạc hậu còn nặng nề… Lợi dụng vấn đề trên, các thế lực phản động, thù địch đã tuyên truyền, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, li khai, tự trị dân tộc hòng phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; đe đọa đến chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đặc biệt, chúng tập trung kích động, lôi kéo đồng bào DTTS “đòi quyền lợi dân tộc”, “khôi phục vị thế, sức mạnh dân tộc”… Điển hình như vụ việc xảy ra tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (Điện Biên); chúng đã kích động, lôi kéo, lừa gạt, ép buộc người Mông từ các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Đắc Nông, Đắc Lắk…về thành lập “Nhà nước Mông”, “Vương quốc Mông tự trị”. Thủ đoạn hoạt động của chúng rất tinh vi, xảo quyệt như: Kích động tư tưởng li khai, tự trị, hướng tư tưởng của đồng bào Mông đi tìm Tổ quốc riêng cho mình; chỉ đạo một số đối tượng trong đạo Tin Lành ở các địa bàn tuyển chọn người Mông gửi ra nước ngoài huấn luyện quân sự, xây dựng nguồn cán bộ lâu dài cho “Nhà nước Mông”, v.v..
Trước tình hình trên, Đảng và Nhà Nước ta đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phức tạp nảy sinh, không để bị động bất ngờ, kiểm soát tốt tình hình, kiềm chế các đối tượng không để hình thành các tổ chức phản động ở KVBG. Đặc biệt, các lực lượng vũ trang trên địa bàn đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và thực hiện tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kiên quyết đấu tranh làm thất bại các hoạt động li khai, tự trị trong DTTS; giữ vững ANCT, TTATXH, chủ quyền lãnh thổ ở KVBG các tỉnh Tây Bắc.
Tuy nhiên, quá trình đấu tranh phòng, chống hoạt động li khai, tự trị trong DTTS của BĐBP ở KVBG các tỉnh Tây Bắc vẫn còn một số hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trong tình hình mới. Đó là việc nắm tình hình, diễn biến tư tưởng của đồng bào DTTS, đặc biệt là hoạt động li khai, tự trị dân tộc có lúc, có nơi chưa kịp thời; việc tham mưu, phối kết hợp với các lực lượng tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, phường, thị trấn biên giới có nội dung chưa thực sự đồng bộ, chất lượng, hiệu quả có mặt còn hạn chế...
  Trong thời gian tới, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “quyền tự quyết dân tộc” để chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta. Âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của chúng là vừa chia rẽ, kích động, khơi dậy tư tưởng hẹp hòi, khoét sâu vào hiềm khích dân tộc để phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc; kích động tư tưởng li khai, tự trị dân tộc, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo đồng bào DTTS chống lại chính quyền, gây mất ANCT, TTATXH; móc nối gây dựng và tiếp sức cho các phần tử xấu, nhen nhóm các tổ chức phản động trong các DTTS... Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống hoạt động li khai, tự trị; giảm thiểu tác động tiêu cực, từng bước hạn chế tư tưởng li khai, tự trị trong một bộ phận đồng bào DTTS ở KVBG Tây Bắc, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
  Một là, làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn sớm hoạt động li khai, tự trị trong đồng bào DTTS ở KVB.
Đây là yêu cầu quan trọng mang tính tiên quyết, là cơ sở để đề ra chủ trương, đối sách đấu tranh đúng đắn với hoạt động li khai, tự trị trong đồng bào DTTS. Theo đó, Cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, cần tăng cường bám nắm địa bàn, vận dụng linh hoạt các biện pháp công tác để nắm toàn diện tình hình cả nội và ngoại biên, tình hình của đồng bào dân tộc Mông, nhất là nắm về âm mưu, hoạt động của số cầm đầu các nhóm phản động ở KVBG; kiểm soát chặt chẽ biên giới không để chúng trốn ra nước ngoài. Kết hợp chặt chẽ và sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ ngăn chặn không cho số đối tượng này tác động, lôi kéo đồng bào các dân tộc, tôn giáo, nhất là đồng bào DTTS đưa người ra nước ngoài huấn luyện cho các tổ chức phản động hoặc đưa về nước hoạt động.
  Hai là, tăng cường tuyên truyền cho đồng bào hiểu về các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến các dân tộc thiểu số; cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bọn phản động hoạt động tuyên truyền tư tưởng li khai, tự trị dân tộc ở KVBG.
  Cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lực lượng vũ trang các tỉnh Tây Bắc cần thường xuyên tổ chức những hình thức tuyên truyền cho phù hợp với vùng DTTS ở KVBG; qua đó giáo dục, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc ở KVBG về lịch sử, truyền thống đoàn kết của các dân tộc Việt Nam trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giải thích những vấn đề nhạy cảm, chưa được đồng bào nhận thức chuẩn xác về mối quan hệ dân tộc trong lịch sử; vạch trần các luận điệu xuyên tạc, sai trái, phản động về vấn đề dân tộc.
Công tác tyên truyền, vận động cần được tiến hành thường xuyên để đồng bào nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với các thế lực thù địch, bọn phản động hoạt động tuyên truyền tư tưởng li khai, tự trị và kích động, lôi kéo đồng bào DTTS tham gia các hoạt động chống chính quyền, đòi li khai, tự trị dân tộc.
Ba là, tích cực bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên trách làm công tác vận động quần chúng trong đấu tranh phòng, chống hoạt động li khai, tự trị trong DTTS ở KVBG.
  Cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Bắc cần lựa chọn những cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt; có phẩm chất, năng lực vận động quần chúng (VĐQC), có ý thức tổ chức kỷ luật; biết hòa đồng, cảm phục, gần gũi, tôn trọng quần chúng nhân dân; có đức tính “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, miệng nói, tay làm, chân đi”. Trong đó, đặc biệt coi trọng công tác quy hoạch, lựa chọn, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác VĐQC là người địa phương, người DTTS. Tập trung bồi dưỡng cho lực lượng này nắm vững yêu cầu, nhiệm vụ công tác VĐQC ở vùng DTTS. Chú trọng bồi dưỡng tác phong tiếp xúc với đồng bào, kỹ năng tiến hành công tác VĐQC; thực hiện tốt phương châm “nghe được đồng bào nói, nói cho đồng bào hiểu và làm cho đồng bào tin”. Trên cơ sở đó nắm vững địa bàn, nắm vững tình hình ngăn ngừa sự phát sinh mâu thuẫn, xung đột dân tộc dẫn đến li khai, tự trị dân tộc.
  Bốn là, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở KVBG vững mạnh, thực sự là hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc.
  Hệ thống chính trị là chỗ dựa đáng tin cậy của quần chúng nhân dân các dân tộc, là nơi tổ chức thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở địa phương nói chung và nhiệm vụ bảo vệ biên giới nói riêng. Thời gian tới, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các tỉnh Tây Bắc cần thường xuyên đổi mới, trong đó, tập trung đổi mới phương pháp lãnh đạo, quản lý, làm cho cơ quan, đơn vị mình VMTD, tạo niềm tin tưởng của nhân dân với Đảng, chính quyền. Cần      xây dựng phong cách làm việc của hệ thống chính trị theo hướng “gần dân, trọng dân, nghe dân và hiểu dân”; mọi cán bộ, đảng viên là người thân, là bạn, là chỗ dựa trong mọi điều kiện, hoàn cảnh của đồng bào DTTS. Coi trọng việc tạo nguồn, đào tạo, bố trí sử dụng phù hợp để phát huy tối đa khả năng của đội ngũ cán bộ là người DTTS trong hệ thống chính trị nhằm xây dựng lực lượng chính trị cốt cán vững mạnh, đủ khả năng vận động, tập hợp quần chúng người DTTS đi theo cách mạng.
Năm là, tiếp tục thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ở KVBG
  Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ở KVBG sẽ góp phần tạo ra sự bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS. Cần phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện tốt các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển nhanh, bền vững, toàn diện đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các DTTS ở KVBG, nhất là ở những địa bàn còn nhiều khó khăn. Tập trung giải quyết nhu cầu bức xúc của đồng bào DTTS như: Đất sản xuất và đất ở ổn định, vốn, kỹ thuật sản xuất, việc làm, chăm sóc y tế. Tích cực xóa đói và giảm nhanh số hộ nghèo người DTTS, thu hẹp khoảng cách về mức sống của người DTTS so với mặt bằng chung cả nước. Tạo điều kiện kiện thuận lợi để đồng bào DTTS tham gia sâu rộng hơn vào đời sống chính trị - xã hội; thể hiện tâm tư, nguyện vọng của mình về các vấn đề của xã hội thông qua đại diện là số trí thức, cán bộ đảng viên người DTTS trong hệ thống chính trị các cấp ở KVBG với số lượng tương xứng tỉ lệ dân số các DTTS ở từng địa bàn cụ thể. Hướng dẫn đồng bào DTTS sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật./.


PHẢI CHĂNG KINH TẾ THỊ TRƯỜNG KHÔNG THỂ KẾT DUYÊN ĐƯỢC VỚI ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA?
                                                                                          Khánh Anh
Có quan điểm cho rằng: “ Làm gì có cái gọi là kinh tế thị trường định hướng XHCN”, “kinh tế thị trường là gắn với chủ nghĩa tư bản”, “là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản”, đưa thêm đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” vào là một sự gán ghép khiên cưỡng, tiến tới bài xích, phủ nhận vấn đề này. Để chứng minh cho luận điệu này, “họ” đã đưa ra quan điểm: “kinh tế thị trường và CNXH là hai ý tưởng hoàn toàn mâu thuẫn nhau; kinh tế tư nhân lẫn kinh tế nhà nước gọi chung là kinh tế quốc dân không có kinh tế nào là chủ đạo cả…Nói đến CNXH làm cho cả dân tộc lạnh xương sống”.
Xin thưa với “họ” rằng: kinh tế thị trường và CNXH hoàn toàn không mâu thuẫn nhau. Kinh tế thị trường không phải là cái riêng có của chủ nghĩa tư bản, mà là thành tựu chung của nhân loại, nó được tồn tại và phát triển qua các phương thức sản xuất khác nhau. Dưới chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường thì lợi nhuận được coi là mục tiêu và động lực của sự phát triển. Vì vậy, CNTB lợi dụng tối đa ưu thế của kinh tế thị trường để bóc lột sức lao động của giai cấp công nhân phục vụ cho mục đích của giai cấp tư sản, chiếm đoạt lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Vai trò thống soái của chủ nghĩa tư bản trong cơn lốc tìm kiếm thị trường và toàn cầu hóa kinh tế đã đe dọa lợi ích đến tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới. Tự cho mình quyền tự do chiếm đoạt, tự do xâm lược, tự do bóc lột, tự do khủng bố, tự do phân biệt chủng tộc…Bất chấp tất cả miễn sao chiếm đoạt được nhiều lợi nhuận. Đối với chúng ta, kinh tế thị trường được coi là phương tiện, cách thức để xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH gắn chặt với việc không ngừng nâng cao đời sống toàn diện của nhân dân, tuyệt nhiên không phải là mục đích giành lấy lợi nhuận tối đa bằng mọi giá như CNTB đã làm. Vậy thì kinh tế thị trường và CNXH làm gì có mâu thuẫn.
Quan điểm của “họ” cho rằng: “kinh tế tư nhân lẫn kinh tế nhà nước gọi chung là kinh tế quốc dân không có kinh tế nào là chủ đạo cả”. Thực chất của quan điểm này chính là tìm mọi cách để phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, tuyệt đối hóa kinh tế tư nhân, xóa bỏ định hướng XHCN, tiến tới xóa bỏ CNXH ở nước ta. Xung quanh vấn đề này xin trả lời với “họ” rằng: nếu không có kinh tế Nhà nước đủ mạnh thì lấy gì để hỗ trợ cho các thành phần kinh tế khác vươn lên đứng vững trong cạnh tranh với các đối tác nước ngoài để xây dựng một nền kinh tế phát triển thống nhất trong đa dạng, hội nhập toàn cầu hiện nay ở nước ta. Những người có quan điểm trên cũng nên nhớ rằng: ngay cả các nước tư bản chủ nghĩa, kinh tế Nhà nước luôn đóng vai trò là “bà đỡ”, “người cứu tử” đối với các doanh nghiệp khi họ rơi vào tình trạng khó khăn, có nguy cơ sụp đổ, làm chao đảo nền kinh tế quốc dân như: (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…) trong những năm gần đây, đã không dưới hai lần Nhà nước của các quốc gia này phải dùng sức mạnh kinh tế của mình để cứu lấy hàng trăm công ty trên các lĩnh vực kinh tế quan trọng của họ lâm vào cảnh phá sản, đổ vỡ trước “cơn bão tài chính” và các vụ thăng trầm của thị trường chứng khoán thế giới những năm qua. Đối với Việt Nam, trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước luôn luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế cùng phát triển, hợp tác cạnh tranh bình đẳng. Xin hỏi “Họ”: hãy đánh giá một cách vô tư xem đã có mấy doanh nghiệp tư nhân trong nước hay nước ngoài đầu tư vào phát triển các ngành kinh tế thuộc kết cấu hạ tầng quan trọng như các nhà máy thủy điện ở vùng sâu, vùng xa. Khi hàng loạt “cơn sốt ác tính” của thị trường bất động sản, xi măng, sắt thép… đồng loạt bùng phát, tưởng như không vượt qua, có nguy cơ tàn phá kinh tế đất nước, trước nguy cơ đó đã có mấy ông kinh tế tư nhân ra tay cứu trợ, nếu không phải là kinh tế Nhà nước gánh vác thành công trọng trách đầy cam go đó. Trong việc giải quyết những vấn đề xã hội ở tầm vĩ mô, có ông kinh tế tư nhân nào sẵn sàng vô tư nhảy vào làm những việc cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự tàn phá khốc liệt của thiên tai không? Trên thực tế, việc đó chỉ có thể được giải quyết tốt khi kinh tế Nhà nước chủ động ra tay giải quyết. Vậy thì tại sao “vai trò chủ đạo lại không thuộc về kinh tế Nhà nước”
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay của đất nước, kinh tế Nhà nước xứng đáng là chỗ dựa cho Nhà nước của dân, do dân, vì dân trong điều tiết, phát triển nền kinh tế, ngày càng chủ động trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, vì lợi ích của toàn dân, bảo đảm sự hài hòa, thống nhất giữa phát triển kinh tế với giải quyết những vấn đề xã hội, thực hiện dân chủ, công bằng xã hội (đây là một tiêu chí then chốt của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN) mà chúng ta đã và đang thực hiện. Kể từ khi Việt Nam bước vào thực hiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, làm thay đổi khá rõ tình hình đất nước. Kinh tế ra khỏi tình trạng khủng hoảng, hoạt động ngày càng năng động và có hiệu quả. Của cải xã hội ngày càng nhiều, hàng hóa ngày càng phong phú. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Đất nước không những giữ vững được sự ổn định trước những chấn động kinh tế lớn trên thế giới mà còn có bước phát triển đi lên. Kinh tế tăng trưởng khá, chính trị – xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, văn hóa, xã hội được phát triển. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Vị thế uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Điều này minh chứng rõ ràng, KTTT không chỉ thích ứng với định hướng XHCN mà nó còn kết duyên “ngọt ngào”  với định hướng XHCN. Thế mà tại sao “họ” lại cho rằng: “nói đến CNXH làm cho cả dân tộc lạnh xương sống”. Thật là sự hồ đồ hết chỗ nói.

Để thay cho lời kết tác giả xin mượn lời của bài báo đăng trên Mạng tin châu Âu (Europe Presse Image) ngày 26-9-2017 như sau: Diện mạo đất nước Việt Nam thay đổi gần như hoàn toàn, kinh tế tăng trưởng mạnh; công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển, nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa được đẩy nhanh; mức sống của người dân được nâng lên rõ rệt, đưa Việt Nam ra khỏi nhóm các nước kém phát triển, trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Về đối ngoại, Việt Nam vừa ký thỏa thuận tiến tới thành lập khu vực mậu dịch thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU), giúp thúc đẩy quan hệ thương mại với các nền kinh tế năng động của châu Á, giữa EU và Đông Nam Á và có thể trở thành hình mẫu để EU thiết lập các thỏa thuận tương tự với các nền kinh tế đang phát triển khác. Tác giả đánh giá cao sự ổn định chính trị ở Việt Nam, coi đây là điều cần thiết và không thể thiếu để phát triển kinh tế – xã hội. Theo nghiên cứu của bộ phận nghiên cứu đầu tư trực tiếp nước ngoài của báo Financial Times, nhờ môi trường chính trị ổn định, Việt Nam đứng đầu trong các nền kinh tế nước ngoài về thu hút vốn nước ngoài cho các dự án mới. Công ty Kiểm toán Price Waterhouse Coopers nhận định, từ nay đến năm 2050, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới./.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...