MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẤU TRANH
VỚI NHỮNG LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI HIỆN NAY
Trần Trí Nam
Trong những năm gần đây,
lợi dung xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, và sự phát triển mạnh mẽ của
cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là trước những khó khăn, thách thức
nảy sinh do tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng với
những diễn biến phức tạp trong đời sống quan hệ quốc tế, các thế lực thù địch
liên tục tăng cường đẩy mạnh các thủ đoạn trong chiến lược "Diễn biến hòa
bình", đặc biệt tung ra những luận điệu sai trái để chống phá cách mạng
Việt Nam.
Thực tế cho thấy, cứ vào
những dịp Việt Nam có sự kiện chính trị - xã hội lớn, thì tình trạng phát tán
những thông tin với các luận điệu xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ Đảng, Nhà nước,
cá nhân các đồng chí lãnh đạo, chế độ xã hội... lại được thực hiện một cách
dồn dập trên Internet, các trang mạng xã hội, các Đài phát thanh, báo, tạp
chí... có trụ sở từ bên ngoài. Có thể nhận thấy một số xu hướng biểu hiện
chính mà những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch tập trung chống phá
cách mạng Việt Nam như sau:
Một là, tung ra những thông tin và quan điểm sai trái phủ nhận chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của Việt Nam;
Xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; Gây mâu thuẫn nội bộ, vu
cáo, bịa đặt, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Kêu gọi thay đổi
chế độ chính trị, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; Kêu gọi biểu tình
gây áp lực đối với Đảng, Nhà nước; Âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và
đòi phi chính trị hóa quân đội...
Hai là, dùng các trang mạng xã hội và blog làm "nóng" các vấn đề trong
nước để tuyên truyền, chống phá Cương lĩnh, đường lối của Đảng và kêu gọi từ bỏ
chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã
hội ở Việt Nam, xuyên tạc, tung tin thất thiệt gây chia rẽ nội bộ;
Ba là, lợi dụng tình hình phức tạp trong đời sống quốc tế hiện nay, nhất là việc
Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của
Việt Nam và đang bồi lấp xây đảo nhân tạo ở khu vực Biển Đông, các thế lực
thù địch đã đẩy mạnh tuyên truyền bôi nhọ, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân
dân. Chúng kêu gọi biểu tình, bề ngoài thể hiện lòng yêu nước nhưng thực chất
là lợi dụng để tuyên truyền xuyên tạc đường lối đối ngoại và chủ trương, giải
pháp của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc giải quyết tình hình căng thẳng
trên Biển Đông và các vấn đề quốc tế hiện nay.
Bốn là, lợi dụng chiêu bài "Dân chủ", "Nhân quyền",
"Tôn giáo" để vu cáo, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam,
gây sức ép về chính trị và kinh tế, gắn vấn đề "Dân chủ", "Nhân
quyền" với các điều kiện về hợp tác kinh tế; Tìm cách tác động, kêu gọi
các nước, các tổ chức quốc tế gia tăng sức ép với Việt Nam... nhằm gây chú ý
của dư luận, tạo áp lực với Đảng, Nhà nước ta; Nhào nặn, lan truyền những thông
tin thất thiệt, gây tâm lý bi quan, hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều
hành, quản lý của Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, thúc đẩy quá
trình "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ta; Làm
suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, thực
hiện mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ
Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, từng bước hướng Việt Nam theo chế độ đa nguyên
chính trị, đa đảng đối lập.
Năm là, triệt để lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, xã hội,
những vấn đề "nóng", "bức xúc" trong xã hội như chống tham
nhũng, tiêu cực,… để xuyên tạc, bóp méo, lấy hiện tượng quy thành bản chất nhằm
công kích sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, gieo rắc tâm lý hoang
mang, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Sáu là, sử dụng chiêu bài đòi tự do lập hội để đẩy mạnh tuyên truyền, tập hợp
lực lượng, thành lập các hội, nhóm bất hợp pháp (Ví dụ: "Văn đoàn độc lập
Việt Nam", "Hội nhà báo độc lập Việt Nam"...) dưới vỏ bọc các tổ
chức "Xã hội dân sự", "Diễn đàn dân chủ"; Liên kết thực
hiện các hoạt động "đấu tranh cho nhân quyền"; Nhằm tập hợp, thu hút
thành viên tham gia để gia tăng hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Bẩy là, lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quản lý, định hướng thông tin ở một
số cơ quan báo chí để xảy ra tình trạng một số bài viết phản ánh về các vụ việc
phức tạp, nhạy cảm sai sự thật, thiếu khách quan; cá biệt một số tờ báo có
những bài viết "giật tít" câu khách; tần suất, số lượng bài viết về
các mặt trái, tiêu cực xã hội quá nhiều, nhất là trên một số báo điện tử, để tuyên
truyền xuyên tạc, chống phá ta[1].
Để phát tán các luận điệu
sai trái này, các thế lực thù địch phân loại đối tượng để có cách thâm nhập
tương thích theo lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn, tôn giáo... Chúng đặc
biệt chú trọng khai thác những kẻ cơ hội, bất mãn, khủng hoảng niềm tin, kể cả
những người đang chán nản vì gặp trắc trở trong cuộc sống. Điểm cần lưu ý là,
ở bất kỳ trường hợp nào, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch cũng
diễn ra rất bài bản, tinh vi, xảo quyệt, với các chiêu thức tưởng chừng vô hại
song vô cùng nham hiểm, gây ra những tác hại không nhỏ đối với đời sống xã
hội. Do đó, đấu tranh chống những luận điệu sai trái hiện nay, là một trong
những nhiệm vụ chính trị sống còn, thường xuyên của cách mạng Việt Nam dưới sự
lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc đấu
tranh chống những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch cũng
đã được các cơ quan quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, truyền
thông... đặc biệt là sự tham gia đông đảo, mạnh mẽ và quyết liệt của các cơ
quan báo chí, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhất là trong lực lượng vũ
trang. Điều này, đã có những tác động tích cực, phát huy tác dụng, góp phần
nâng cao nhận thức cho nhân dân về bản chất, thủ đoạn, quan điểm sai trái, phản
động của các thế lực thù địch.
Tuy nhiên, các bài viết
phản bác về những luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc thường chỉ xuất hiện
khi các thế lực thù địch công khai tấn công, chống phá, mà chưa thực sự được tiến
hành thường xuyên, rộng khắp. Nội dung nhiều bài phản bác có chất lượng chưa
cao, chưa sâu sắc; có những cơ quan báo chí ít thấy có tin bài; Sự phối hợp
giữa các cơ quan chức năng và các lực lượng chưa thực sự nhịp nhàng, hiệu
quả... Vì vậy, đấu tranh với những luận điệu sai trái, phản động là cuộc đấu
tranh trên lĩnh vực tư tưởng rất cam go, phức tạp, khó khăn, và có ý nghĩa rất
quan trọng đến sự thành công trong phòng, chống chiến lược "Diễn biến hòa
bình" của các thế lực thù địch. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh,
nhằm ngăn chặn, vô hiệu hóa những âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù
địch, phản động, nên chăng chúng ta cần phải tập trung thực hiện tốt một số
giải pháp như sau:
Một là, các cơ quan chức năng của Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan báo chí cần
chủ động cung cấp kịp thời, chính xác những kiến thức, định hướng để mọi người
có thể tự sàng lọc, nắm bắt những thông tin chính thống, đáng tin cậy, loại bỏ
những thông tin xấu, độc hại, sai trái. Qua đó, giúp người dân nhận thức một
cách đúng đắn, thấy rõ bản chất của vấn đề, để từ đó có một cơ chế tự phòng vệ,
tạo được hệ miễn dịch, không bị sa đà, vấp ngã trước những thông tin sai trái,
độc hại, phản động.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền những thành quả trên mọi lĩnh vực mà sự nghiệp
đổi mới của cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng trên 30 năm qua đã
đạt được. Đây là cơ sở thực tế vững chắc nhằm chống lại những luận điệu xuyên
tạc, thù địch, sai trái. Hiệu ứng thông qua những thông tin về kết quả đạt được
của nhân dân ta không những phản bác có hiệu quả đối với những luận điệu xuyên
tạc, sai trái của các thế lực thù địch mà qua đó còn giúp cộng đồng quốc tế
hiểu hơn và tin hơn vào Việt Nam.
Ba là, xây dựng và phát triển đội ngũ những "chiến sĩ xung kích"
trên mặt trận tư tưởng, văn hóa với bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ
nghiệp vụ cao, có tâm huyết, có trách nhiệm, có ngòi bút sắc bén trong đấu
tranh chống những luận điệu sai trái, xuyên tạc. Thực tế cho thấy, hiệu quả của
cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái phụ thuộc rất nhiều vào nội dung
của các thông tin, bài viết, bài nói chuyện. Nội dung thể hiện tính “tư
tưởng”, tính “chiến đấu” phụ thuộc rất nhiều vào tài trí của đội ngũ "chiến
sĩ xung kích" này. Vì thế, họ cần có cơ chế đãi ngộ xứng đáng, thường
xuyên được trau dồi kiến thức, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao trình độ nghiệp
vụ, thấm nhuần lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm,
đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bốn là, nhiệm vụ đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin
xuyên tạc, bịa đặt là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chứ không phải của
riêng các cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí. Do đó, các tổ chức trong hệ thống
chính trị cần tăng cường tổ chức sinh hoạt, sử dụng phương pháp tuyên truyền
miệng để thông tin kịp thời tình hình và định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng
viên, hội viên trong phạm vi tổ chức của mình, nâng cao nhận thức chính trị,
đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, phản động. Bên cạnh đó, cần phối kết
hợp trao đổi thông tin, kịp thời phát hiện, đề xuất tham mưu với cấp ủy đơn vị
những giải pháp, phương án đấu tranh ngăn chặn ảnh hưởng tác hại của những
thông tin xuyên tạc, những luận điệu sai trái do các thế lực thù địch tung ra
nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Năm là, các cơ quan báo chí, nhất là các báo chính trị - xã hội, các báo Trung
ương cần tiên phong, đóng vai trò chủ đạo trong nhiệm vụ đấu tranh chống những
luận điệu sai trái, thù địch. Vì thế, ngoài việc tăng cường sự phối hợp đồng bộ
giữa các loại hình báo chí, cần chủ động xây dựng và duy trì thường xuyên
chuyên trang, chuyên mục đăng tải các tin, bài đấu tranh phản bác các thông
tin, luận điệu sai trái, thù địch. Bên cạnh đó, cần quan tâm hiện đại hóa
phương tiện tác nghiệp cho tập thể và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực báo chí,
giúp hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo, nắm bắt thông tin, tuyên truyền
trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển rất nhanh như hiện nay./.
[1] Dẫn theo Công văn số 7515/CV-BTGTW ngày 30/12/2014
của Ban Tuyên giáo Trung ương "về tuyên truyền trong nội bộ và định hướng
đấu tranh với những luận điệu sai trái, thù địch trên In-tơ-nét".