Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018


QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VÀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
VỀ CHÍNH SÁCH THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ VÀ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG
Chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đây là một vấn đề chính trị - xã hội của quốc gia, dân tộc. Trong những năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn quan tâm và dành những tình cảm, trách nhiệm để chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công bằng những chính sách cụ thể, thiết thực và phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng. Điều đó thể hiện đạo lý và truyền thống “uống nước, nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam.
Hơn bảy mươi năm qua, thấm nhuần sâu sắc đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thực hiện lời dạy ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”(1), Đảng, Nhà nước, nhân dân và lực lượng vũ trang ta luôn luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn và làm được nhiều việc tốt để tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, quý trọng đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước. Những việc làm đó không những có ý nghĩa về mặt đạo lý mà còn có tác động thiết thực tạo động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 
Ngày 16-02-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL Về chế độ hưu bổng thương tật đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đây là Sắc lệnh đầu tiên về chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công; một sự kiện quan trọng trong chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta nhằm tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh, cống hiến của các thương binh, liệt sĩ và người có công với nước. Thấm nhuần sâu sắc và thực hiện lời dạy bảo ân cần của Người, Đảng, Nhà nước, nhân dân và lực lượng vũ trang ta luôn luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn và làm nhiều việc tốt “đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với cách mạng. Trong thư gửi Ban tổ chức ngày thương binh, liệt sĩ 27-7-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó đã ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn và giúp đỡ những người anh dũng ấy”(2). Trong Di chúc trước lúc đi xa Bác Hồ đã căn dặn: Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi một người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh. Người nhắc nhở: “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Người cũng chu đáo, quan tâm đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ (người có công với nước) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”(3). Những lời dạy bảo của Bác đang được Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang nhân dân ta phấn đấu thực hiện ngày càng tốt hơn và chu đáo hơn. Tại Đại hội lần thứ VI, Đảng ta chỉ rõ phải: “thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận, gia đình có công với cách mạng...”(4). Đại hội VII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng, coi đó vừa là trách nhiệm của Nhà nước, vừa là trách nhiệm của toàn dân; sớm ban hành chế độ toàn dân đóng góp vào quỹ đền ơn, trả nghĩa để chăm lo đời sống thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng”(5). Đến Đại hội VIII, Đảng ta chỉ rõ: “Tổ chức tốt việc thi hành Pháp lệnh về người có công, bảo đảm cho những người có công với đất nước và cách mạng có đời sống vật chất và tinh thần ít nhất bằng mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; bồi dưỡng và tạo điều kiện cho con em những người có công với cách mạng tiếp nối sự nghiệp của cha anh. Mở rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ...”(6). Tại Đại hội IX, Đảng khẳng định: “Chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương trên cơ sở kết hợp 3 nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân các đối tượng chính sách tự vươn lên”(7). 
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công, đặc biệt là người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến...”(8). Đến Đại hội XII, Đảng ta yêu cầu: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân(9). Đồng thời tiếp tục: “Huy động tốt nhất nguồn lực lao động để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”(10); “Tiếp tục hoàn thiện chính sách xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống. Phát triển và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội,... ”(11). 
Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, ngày 18-6-2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi người có công lần thứ ba; ngày 15-11-2007, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn bổ sung việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tiếp đó, để đánh giá toàn diện, đầy đủ việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, ngày 27-10-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng chương trình phối hợp, triển khai rà soát đối với 7 đối tượng, bao gồm: liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng và cựu thanh niên xung phong. Trên cơ sở rà soát sẽ kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện việc triển khai thực hiện chính sách đối với người có công. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các bộ, ngành đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với người có công với cách mạng, ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới, phù hợp, như sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Tuyên dương Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Chỉ thị của Bộ Chính trị, các văn bản, quy định của Chính phủ về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; các chủ trương, chính sách lớn đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. 
Thực hiện chủ trương của Đảng, các địa phương, đơn vị trong cả nước khắc phục những khó khăn, bất cập, khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh việc tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ; thúc đẩy phong trào đền ơn đáp nghĩa, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg, ngày 25-01-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Chỉ thị số 368-CT/QUTW, ngày 12-6-2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường bám sát cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề cần giải quyết trong thực hiện chính sách. 
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong những năm qua phát triển mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu. Cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Việc xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” mang lại những kết quả to lớn, thực sự huy động được sức mạnh của toàn xã hội tự nguyện tham gia phong trào, gánh vác trách nhiệm cùng Nhà nước chăm lo đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Ngành chính sách của các bộ, các tỉnh, thành phố đã chủ động chỉ đạo, tham mưu, hướng dẫn thực hiện việc xác nhận và quản lý chi trả chế độ theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, từ năm 2010 đến nay, đã lập hồ sơ, đề nghị xác nhận gần 600 liệt sĩ; cấp giấy chứng nhận thương binh cho gần 5.000 trường hợp, hơn 1.300 bệnh binh, bảo đảm chặt chẽ, chính xác; kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những sai sót, tiêu cực trong tổ chức thực hiện; tham gia xác lập hồ sơ, đề nghị và tổ chức chu đáo việc phong tặng, truy tặng đối với gần 73.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng,... Cùng với đó, công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ được các đơn vị, địa phương hết sức chú trọng; công tác thông tin, tuyên truyền được quan tâm đẩy mạnh; tổ chức và bảo đảm được thực hiện tốt hơn, công tác đối ngoại, hợp tác về lĩnh vực này được xúc tiến và mở rộng. Từ khi thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến nay (Đề án 1237 - năm 2013), các đơn vị, địa phương trong cả nước đã tìm kiếm, cất bốc, quy tập được gần 9.200 hài cốt (trong nước gần 4.500, ở Lào gần 1.500, Cam-pu-chia hơn 3.100). Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội lãnh đạo, chỉ đạo tích cực và triển khai toàn diện, đồng bộ với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với thực tế của đơn vị, địa phương và nguyện vọng của đối tượng chính sách. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, huy động được nhiều nguồn lực, mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Từ năm 2010 đến nay, Quân đội tham gia đóng góp hơn 443 tỷ đồng vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; nhận phụng dưỡng 1.776 bà mẹ Việt Nam anh hùng; tuyển dụng tạo việc làm cho 321 trường hợp là vợ, con liệt sĩ và thương binh, bệnh binh nặng; xây dựng, sửa chữa hơn 7.200 nhà tình nghĩa, hơn 7.660 căn nhà chính sách xã hội; tặng hơn 5.000 sổ tiết kiệm, với số tiền trên 7,3 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách; hỗ trợ phương tiện ô-tô, trang thiết bị cho các trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh với số tiền gần 70 tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị còn đóng góp vật liệu, ngày công xây dựng, tu sửa các công trình tình nghĩa ở các địa phương nơi đóng quân; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 900.000 lượt người có công và nhân dân; đỡ đầu, tổ chức kết nghĩa với các đoàn an, điều dưỡng thương binh, bệnh binh...
Ngoài những kết quả đã đạt được, chính sách hậu phương đối với người có công với nước còn một số hạn chế cần tiếp tục giải quyết. Nhiều trường hợp người tham gia cách mạng bị chết, bị thương hoặc mất tin chưa được các cơ quan có trách nhiệm kết luận, hàng vạn người mẹ, người vợ liệt sĩ vẫn mong đợi thông tin chính thức về phần mộ của người thân... Chế độ trợ cấp ưu đãi nói chung còn thấp; một số nội dung ưu đãi đã được quy định trong Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng còn thiếu những văn bản hướng dẫn thực hiện. Những sai sót, nhầm lẫn, tiêu cực trong thực hiện chính sách, chế độ xảy ra ở một số nơi đã gây không ít phiền hà cho người hưởng chính sách, gây dư luận không tốt trong xã hội. 
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước ta về chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng cần thực hiện tốt mấy giải pháp cơ bản sau:
Trước hết, quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến các địa phương cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về thực hiện chủ trương, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; đồng thời chủ động xác định kế hoạch, giải pháp thực hiện phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị, địa phương cần gắn công tác này với nhiệm vụ chính trị được giao; chú ý kết hợp chặt chẽ với công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị - xã hội địa phương vững mạnh. 
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công bằng các chương trình cụ thể; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện tốt việc chăm sóc người có công với trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc. Sự đóng góp của cộng đồng là nguồn lực, là sức mạnh để đạt mục tiêu của Đảng đề ra và cũng là nguồn bổ sung phong phú cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn, chu đáo hơn đời sống người có công. Đồng thời, các cấp cần thường xuyên làm tốt việc sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến, làm tốt phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” và các đối tượng chính sách có nhiều cố gắng trong sản xuất, học tập và công tác. Bổ sung những nội dung xây dựng chính sách ngày càng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, tập trung giải quyết có hiệu quả những tồn đọng về xác nhận thương binh, liệt sĩ, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; tu bổ, nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ. Đây là công việc lớn, phức tạp và khó khăn. Vì vậy, cùng với sự cố gắng của Nhà nước, phải có sự chung tay của các ngành, các cấp và của toàn dân. Trước hết, từng ngành, từng địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; triển khai kế hoạch cụ thể, rà soát, xem xét, kết luận từng trường hợp theo đúng quy định, tránh để nhầm, sót những người thực sự có cống hiến mà không được hưởng chính sách. Đồng thời, coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách; kiên quyết xử lý những hành vi gian dối, vi phạm pháp luật về người có công.
Bốn là, tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Nhà nước; bảo đảm các khoản phụ cấp, trợ cấp được trao “tận tay, đúng kỳ, đúng số” cho các đối tượng. Theo đó, các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, những bất hợp lý trong công tác chính sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để người có công được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện tốt Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg, ngày 9-11-2011, của Thủ tướng Chính phủ “Về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc” đúng tiến độ, đúng, đủ đối tượng.
Hậu quả chiến tranh trên khắp đất nước ta còn rất nặng nề. Kỷ niệm Ngày thương binh, liệt sĩ 27-7 hằng năm là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nêu cao truyền thống của dân tộc ta: “Đền ơn đáp nghĩa”, tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa đến công tác chăm sóc, ưu đãi thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang lại những hiệu quả thiết thực, làm cho các đồng chí, đồng bào yêu quý đó yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Các cấp ủy đảng, chính quyền có trách nhiệm đi sát cuộc sống thực tế của nhân dân, lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công, loại bỏ những điều không phù hợp, kịp thời bổ sung những điểm mới cần thiết nhằm giảm bớt khó khăn cho những người đã nêu cao tinh thần anh dũng vì nước, vì dân, cống hiến tài năng, hy sinh xương máu cho Tổ quốc./.
--------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 372
(2), (3) Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 1.425 - 1.426
(4) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 47, tr. 558
(5) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 51, tr.102
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 115
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 301
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr. 229 - 230
(9), (10), (11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 31, 136, 137
(10), (11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 136, 137
Trần Đơn
Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
http://hcma.vn/Home/Dien-dan-chinh-tri/6036/Quan-diem-cua-Dang-va-tu-tuong-Ho-Chi-Minh-ve-chinh-sach-thuong-binh-liet-si-va-nguoi-co-cong-voi-cach-mang

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...