Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

Sáng 4-3: Việt Nam không có ca nhiễm Covid-19 mới

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, sáng 4-3, Việt Nam không phát hiện thêm ca mắc Covid-19. Đến nay, Việt Nam có 2.482 bệnh nhân Covid-19 và hiện đã có 1.898 ca được công bố khỏi bệnh. 

Tính từ 18 giờ ngày 3-3 đến 6 giờ ngày 4-3, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Tính đến 6 giờ ngày 4-3, cả nước vẫn có 2.482 bệnh nhân, trong đó có 1.566 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước. 

Số lượng ca mắc mới do lây nhiễm trong nước tính từ ngày 27-1 đến nay là 873 ca. Trong đó, riêng Hải Dương có 689 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (năm ca), Bắc Giang (hai ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (hai ca), Hà Giang (một ca), Điện Biên (ba ca), Bình Dương (sáu ca), Hải Phòng (bốn ca ), Hưng Yên (ba ca). 

10 tỉnh, thành phố đã qua 19 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới Covid-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. 

Hà Nội đã bước sang ngày thứ 16 không có ca bệnh Covid-19 mắc mới tại cộng đồng. Tại Hải Phòng, tính từ ca bệnh mắc gần nhất đến nay đã chín ngày, thành phố này không có ca bệnh Covid-19 mắc mới tại cộng đồng. 

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.898 bệnh nhân Covid-19. Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 66 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 37 ca, số ca âm tính lần 3 là 113 ca. 

Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, có đến 82,5% không có biểu hiện lâm sàng; số biểu hiện lâm sàng nhẹ chiếm 14,7% và hiện còn BN1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất, nhưng hiện đã không còn phải can thiệp ECMO và đã có nhiều tiến triển rõ rệt về sức khoẻ. 

Tính đến hết ngày 3-3, toàn thế giới đã ghi nhận 115.722.872 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 2.569. 926 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 91.373.522 người. 

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 531.296 ca tử vong trong tổng số 29.443.219 ca mắc Covid-19. Tiếp đó là Ấn Độ với 157.471 ca tử vong trong số 11.156.748 ca mắc Covid-19. Brazil ở vị trí thứ 3 với 259.271 ca tử vong trong số 10.718.630 bệnh nhân. Hiện Brazil đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới trong khi các hệ thống y tế đều đang đứng trước nguy cơ quá tải.

Việt Nam, EU tìm hiểu cơ hội hợp tác quốc phòng trong tương lai

Ngày 25-2, tại Hà Nội, Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức buổi nghe giới thiệu trực tuyến về các dự án của Liên minh châu Âu (EU) dưới sự chủ trì của Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Phó cục trưởng Cục Đối ngoại. 

Đại diện các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng Việt Nam đã lắng nghe các cán bộ, chuyên gia EU tại điểm cầu Brussels (Bỉ) giới thiệu về Dự án “Các tuyến hàng hải trọng yếu tại Ấn Độ Dương” và Dự án “Tăng cường gắn kết an ninh trong và với châu Á” của EU. 

Buổi nghe giới thiệu là hoạt động cụ thể hóa kết quả Đối thoại Quốc phòng-An ninh lần thứ 2 giữa Việt Nam và EU theo hình thức trực tuyến vào tháng 12-2020, đồng thời sẽ mở ra cơ hội cho hai bên để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và cùng tìm hiểu các cơ hội hợp tác trong tương lai, góp phần phát triển quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng trên cơ sở cùng có lợi, phù hợp với nhu cầu và khả năng của mỗi bên.

Thời gian qua, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và EU được quan tâm thúc đẩy và đang từng bước trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU. Hai bên đã ra thông cáo báo chí chung giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan hành động đối ngoại EU về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng an ninh vào tháng 8-2019, ký kết Hiệp định thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA) vào tháng 10-2019 và tổ chức Đối thoại Quốc phòng-An ninh Việt Nam-EU thường niên từ năm 2019.

Tổng Thư ký ASEAN đánh giá cao thành công của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020

Ngày 26-2, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng đã trình Thư ủy nhiệm của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh lên Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi, chính thức trở thành Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại ASEAN.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Indonesia diễn biến phức tạp, buổi lễ được tổ chức trực tuyến. Đây là lần đầu tiên đại diện thường trực của một nước thành viên ASEAN trình Ủy nhiệm thư dưới hình thức này. 

Tại buổi lễ, Tổng Thư ký ASEAN một lần nữa chúc mừng và đánh giá cao thành công của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, đặc biệt là trong việc dẫn dắt ASEAN duy trì đoàn kết và chủ động thích ứng trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Tổng Thư ký Dato Lim Jock Hoi cũng tái khẳng định những đóng góp quan trọng của Ủy ban các Đại diện thường trực tại ASEAN (CPR) trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, như việc chủ trì và tham gia đàm phán thành công nhiều văn kiện trong khuôn khổ hợp tác của ASEAN với các đối tác, thúc đẩy điều phối các vấn đề liên trụ cột, củng cố vai trò và hoạt động của Ban Thư ký ASEAN. Ông tin tưởng Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, với kinh nghiệm công tác của một nhà ngoại giao kỳ cựu, sẽ có đóng góp quan trọng và tích cực vào công tác của CPR, tiếp tục củng cố vai trò và vị thế của Việt Nam trong ASEAN và ASEAN trong cộng đồng quốc tế. 

Đại sứ Nguyễn Hải Bằng bày tỏ vinh dự và vui mừng được đảm nhận cương vị Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại ASEAN, đồng thời khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 thông qua phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN, và tiếp tục phát huy những thành công và kết quả của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. 

Cùng tham dự buổi lễ, các Phó tổng Thư ký ASEAN khẳng định Ban Thư ký ASEAN sẽ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ các hoạt động của Phái đoàn Đại diện Thường trực của Việt Nam nói chung và Đại sứ Nguyễn Hải Bằng nói riêng trong thời gian tới. 

Trong năm 2021, Phái đoàn Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch của Nhóm đặc trách Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) và Hội đồng Ủy thác Quỹ ASEAN (AF BOT), hoàn thành nhiệm kỳ điều phối quan hệ đối tác ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021, và tiếp nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc giai đoạn 2021-2024.

Thống nhất thành lập 184 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước

Ngày 3-3, tại Nhà Quốc hội, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, chủ trì và điều hành Phiên họp thứ 3 của Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Tại Phiên họp, các đại biểu nghe Báo cáo kết quả điều chỉnh sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội Khóa XV và tình hình các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương chuẩn bị Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. 

Theo đó, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở Trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV. Hội nghị đã nhất trí dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số lượng, cơ cấu, đại biểu Quốc hội Khóa XV, đảm bảo tính đại diện các giai tầng, thành phần, vùng miền và có cơ cấu tương đối hợp lý. 

Về Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở địa phương, tính đến ngày 17-2-2021, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố đã tiến hành xong Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất. Tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 1.076 người; đạt tỷ lệ bình quân là 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu, nhưng tỷ lệ không đồng đều giữa các tỉnh. Đối với cơ cấu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tổng số người được Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử là 7.656 người/trên tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 3.715 đại biểu; đạt tỷ lệ bình quân là 2,06 lần trên số đại biểu được bầu. 

Hiện nay, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đang tích cực triển khai các bước của quy trình giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thời gian để các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoàn thành quy trình giới thiệu là từ ngày 24-2 tới 11-3. 

Tại phiên họp, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết quy định về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử trong cả nước. Theo đó, cả nước sẽ thành lập 184 đơn vị bầu cử. Nghị quyết sẽ được công bố trong ngày 4-3 theo đúng quy định. 

Kết luận Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia tiếp thu ý kiến, hoàn thiện văn bản gửi đến các thành viên của Hội đồng Bầu cử quốc gia và các cơ quan liên quan; đồng thời tiếp tục tập trung tham mưu giúp Hội đồng Bầu cử quốc gia và các Tiểu ban để đôn đốc, theo dõi việc triển khai thực hiện các công việc chuẩn bị cuộc bầu cử trong thời gian tới bảo đảm đúng tiến độ theo quy định. 

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các Tiểu ban, Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia, các cơ quan Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rà soát lại các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được phân công khẩn trương chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ về công tác bầu cử; đôn đốc chỉ đạo công tác tiếp nhận hồ sơ, chuẩn bị cho Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2, để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử và nội dung báo cáo công việc thường xuyên về Hội đồng Bầu cử quốc gia. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thường xuyên cập nhật thông tin, vận hành trang thông tin điện tử của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan tiến hành giám sát, kiểm tra công tác bầu cử, công tác bảo đảm an ninh trật tự, y tế. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý Tiểu ban nhân sự tiếp nhận đơn xin ứng cử đại biểu Quốc hội theo đúng quy định. Sau Phiên họp này, Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia và các tổ giúp việc khẩn trương hoàn thiện các văn bản đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Việt Nam thăng hạng “Sức mạnh mềm toàn cầu”

Trong bảng xếp hạng “Chỉ số Sức mạnh mềm toàn cầu” 2021 do tổ chức tư vấn Brand Finance của Anh công bố mới đây, Việt Nam tăng 3 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái, lên vị trí thứ 47/100.

“Đánh giá một cách khách quan, Việt Nam đã ứng phó đại dịch cực kỳ tốt. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp nhất thế giới. Không chỉ có cách ứng phó đại dịch đầy ấn tượng, Việt Nam còn là một trong số ít nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020”, Brand Finance nhấn mạnh. Bảng xếp hạng “Chỉ số Sức mạnh mềm toàn cầu” dựa vào ý kiến thăm dò từ hơn 75.000 người (cả người dân và giới chuyên gia) tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. “Sức mạnh mềm”, theo Brand Finance, là khả năng ảnh hưởng của một quốc gia trên trường quốc tế “thông qua sức hút và sự thuyết phục”.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...