PHẢI CHĂNG “ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM KÌM HÃM TỰ DO, DÂN CHỦ, VI PHẠM NHÂN QUYỀN, CHIA RẼ DÂN TỘC”
Long vĩ
|
“Đảng Cộng sản Việt Nam kìm hãm tự do, dân chủ, vi phạm nhân quyền, chia rẽ dân tộc” – đó là luận điệu mà các thế lực thù địch, một số kẻ cơ hội chính trị cấu kết với nhau rêu rao từ nhiều năm nay; và năm 2017 này, khi mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực, quyết tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; Nhà nước Việt Nam trong nhiều năm qua cũng như trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh việc kiện toàn hệ thống pháp luật, chính sách và thể chế về đảm bảo quyền con người, xây dựng Nhà nước Pháp quyền, đảm bảo sự thụ hưởng ngày càng đầy đủ hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân; Chính phủ đã và đang hành động mạnh mẽ nhiều vấn đề về Chính phủ kiến tạo, liêm chính hoạt động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả thì họ càng ra sức công kích. Vậy đâu là sự phi lý của luận điệu xuyên tạc chống phá trên?
Các thế lực thù địch và mấy nhóm người cơ hội chính trị nói trên không tiếc lời ca tụng, khuếch trương quan điểm dân chủ, nhân quyền của phương Tây, đồng thời ra sức chê bai tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Trước hết, cần thấy rằng, cách thức một số giới phương Tây đã và đang đẩy tới cuộc tiến công vào dân chủ, nhân quyền đã làm không ít người lo ngại trận địa này sẽ trở thành một “điểm nóng xung đột” rất gay gắt về tư tưởng, văn hóa. Thực tế cho thấy những người chủ mưu đã tung tiền bạc tổ chức, đặc biệt là giúp các tổ chức lưu vong “hải ngoại”, tiến hành vô số hội thảo, hội nghị, tọa đàm, gặp gỡ, trao đổi ý kiến… về dân chủ, nhân quyền. Họ năng nổ cử các đoàn đại biểu đa dạng về thành phần,… tới các xứ sở mà họ coi là “sa mạc về nhân quyền” để điều tra, thẩm vấn, xét hỏi,… “các vụ vi phạm”. Cho dù đa số “đại biểu” là “diễn viên” vốn được xếp hạng trong “gánh hát nhân quyền”, nhưng họ vẫn ngang nhiên tỏ thái độ áp đặt, trịch thượng, kể cả với những nước họ đến “dạy dỗ”, thậm chí ngay cả lãnh đạo các quốc gia này!
Một nhầm lẫn đáng tiếc, nếu không muốn nói là sự áp đặt của một số thế lực phương Tây: họ mặc nhiên coi những giá trị phương Tây là giá trị chung của toàn nhân loại! Hễ ở đâu, có ai đó làm gì trái ý là họ lại lập tức lên giọng phán xét đó là “chà đạp dân chủ, vi phạm nhân quyền”. Họ làm ngơ hoặc vờ như không biết rằng, làm sao có thể tách nhân quyền ra khỏi các điều kiện lịch sử, địa lí, văn hóa, trình độ phát triển của các quốc gia, dân tộc. Đó là căn nguyên lí giải tại sao một số tín đồ của Chúa Giêsu sẽ tôn thờ những giá trị tinh thần không hoàn toàn giống một tín đồ của Thánh Ala; một người dân Xômali sinh sống trên sa mạc cháy bỏng sẽ không giám đòi hỏi những điều kiện vật chất giống người dân Mỹ; và khi một công dân Mỹ tới Xingapo vẽ bậy lên tường, bị luật pháp nước này phạt 50 roi, lại bị Mỹ nhìn nhận như là “một sự vi phạm nhân quyền”, còn phía Xingapo lại khẳng định nếu không xử phạt anh ta mới là vi phạm nhân quyền của người khác…
Dân chủ là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước. Chúng ta đã và đang từng bước hoàn thiện nền dân chủ, đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Điều gì đã giúp cho Nhà nước ta vượt qua tất cả thử thách cam go, tình thế hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc” trong các cuộc kháng chiến cứu nước trước đây cũng như ở thời điểm “chuyển dời dâu bể” sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nhiều cuộc giông bão do các cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra? Một trong những nhân tố quan trọng nhất là sự gắn bó máu thịt của toàn dân ta với Đảng, với Nhà nước mình. Đó là Nhà nước do chính nhân dân gây dựng nên và Nhà nước đó lại phục vụ chính nhân dân. Căn nguyên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam là do Đảng ta đã kế thừa và phát huy cao độ bài học lấy dân làm gốc đã được cha ông đúc kết từ nghìn xưa. Thế kỷ XV, Nguyễn Trãi từng viết: “đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Và giữa thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã viết: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Chúng ta xác lập cơ chế đúng đắn Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lí, nhân dân làm chủ. Mọi hoạt động Nhà nước đều nhằm mục đích cao nhất là vì quyền lợi và hạnh phúc của nhân dân. Đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi chiến lược phát triển là sự dứt khoát của Đảng và nhà nước ta. Mọi công việc của Đảng đều có sự tham gia của toàn dân.
Dân chủ ở nước ta được thể hiện, tăng cường và có cơ chế để bảo đảm thực hiện trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, hệ thống pháp luật, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Về chính trị, dân chủ thể hiện ở việc Đảng Cộng sản Việt Nam là đại biểu cho lợi ích của nhân dân lao động và dân tộc, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều vì dân; công việc của Đảng được coi là công việc của toàn dân. Dân chủ thể hiện rõ nét qua các qui định được nêu nhất quán trong các bản hiến pháp: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Quyền lực nhà nước thuộc về toàn dân, chứ không hề nằm trong tay một tổ chức, một nhóm hay một cá nhân nào. Nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình qua hai hình thức: trực tiếp và gián tiếp. Nhân dân có quyền tố cáo, khiếu nại các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Rõ ràng, gần gũi và sống động nhất về dân chủ trong chính trị ở thời điểm hiện nay là việc góp ý cho Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đang diễn ra sôi nổi ở khắp mọi nơi, từ trung ương đến địa phương với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân. Đảng tôn trọng tối đa mọi ý kiến đóng góp của nhân dân, kể cả các ý kiến phản biện mang tính xây dựng. Quyền của người dân còn được thể hiện qua các cơ quan đại diện như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể… Mọi vấn đề thiết yếu đều được đưa ra bàn thảo trước khi quyết định. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thảo luận và thông qua Luật trưng cầu ý dân ngày 25-11-2015.
Luật trưng cầu ý dân góp phần thiết thực vào việc phản ánh các giá trị tư tưởng trọng dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc được thể hiện rõ trong truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, trong Tư tưởng Hồ Chí Minh và trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Nó đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước, tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực vào việc quyết định các công việc của Nhà nước và xã hội phù hợp với bản chất của Nhà nước ta, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đồng thời, tạo điều kiện để Nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Thực tế từ nhiều năm nay, các phiên chất vấn của Quốc hội đều được truyền hình trực tiếp để toàn dân theo dõi, giám sát. Rất ít quốc gia trên thế giới, ngay cả một số nước phương Tây chưa làm được điều này. Nếu không là nột đất nước dân chủ, tôn trọng quyền dân chủ, đất nước của nhân dân thì không thể có những sinh hoạt dân chủ như vậy.
Dân chủ về kinh tế thể hiện qua cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho mọi công dân phát huy quyền tự chủ của mình trong sản xuất, kinh doanh. Ở Việt Nam, ngoài kinh tế nhà nước, còn có các thành phần kinh tế khác được tạo điều kiện phát triển, cạnh tranh bình đẳng. Kinh tế ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển chung của đất nước, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Hiến pháp 2013 có hẳn một chương về nhân quyền với những điều luật cụ thể, rõ ràng, phù hợp với thực tiễn đời sống chính trị - xã hội Việt Nam. Về hiến định là như vậy, còn trên thực tế, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam không còn là giấc mơ xa mà đang hiển hiện trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên, phấn đấu cho dân chủ, nhân quyền là quá trình liên tục. Trình độ phát triển kinh tế - xã hội chính là nền tảng cở bản tạo ra điều kiện và khả năng khách quan cho việc thực hiện ngày một tốt hơn cho dân chủ và nhân quyền. Nhận thức được rằng đất nước còn nhiều khó khăn, người dân ở nhiều nơi còn nghèo khổ; không ít nơi còn có tình trạng bất công, vi phạm dân chủ nghiêm trọng. Đảng và Nhà nước đang rất nỗ lực để tăng cường, phát huy dân chủ, cố gắng làm mọi điều có thể để nhân dân được hưởng những giá trị vật chất và tinh thần ngày càng tiến bộ hơn.
Trong lĩnh vực tôn giáo, công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, pháp luật nhà nước cũng nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xúi gục, kích động và lôi kéo người dân làm việc trái pháp luật. Nhiều năm nay, trong các báo cáo về nhân quyền, tôn giáo trên thế giới, một số giới ở phương Tây được sự tiếp tay của một số kẻ cơ hội chính trị luôn thiếu thiện chí khi nói về Việt Nam. Trong khi họ la lối Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, thì rất nhiều chính khách ở phương Tây, sau khi thăm Việt Nam trở về, đã tuyên bố rằng, trước đây do thiếu thông tin, hoặc tiếp xúc với những thông tin sai lệch nên đã có những nhận thức không đúng về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Họ khẳng định, Chính phủ Việt Nam đang cố gắng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kì 2014-2016, trong đó Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất (184/192 phiếu) là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; là minh chứng sống động và thuyết phục về sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với các thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng…
Trong bối cảnh quan hệ Việt – Mỹ đang phát triển ngày càng tốt đẹp, cuộc đối thoại giữa hai nước về nhân quyền lần thứ 21 (23-5-2017) vừa qua đã diễn ra tại Hà Nội trong bầu không khí cởi mở, thực chất, xây dựng. Với tinh thần đối ngoại như vậy, sẽ có cách nhìn khách quan và thực tiễn, không để những vấn đề còn khác biệt, tồn đọng ảnh hưởng đến việc xây dựng lòng tin, cản trở đà tiến triển của mối quan hệ giữa hai nước. Tháng 7-2015 trong cuộc thảo luận tại Nhà Trắng với Tổng Bí thư Nuyễn Phú Trọng, Tổng thống B.Obama tin tưởng sẽ giải quyết được một số vấn đề còn khác biệt thông qua các nỗ lực ngoại giao, không chỉ trong khuôn khổ song phương mà cả đa phương, qua hợp tác ASEAN. Trên tinh thần đó, thật đáng khích lệ, quan hệ hai nước ngày càng phát triển còn được thể hiện qua các hoạt động trao đổi quân đội, chính sách quốc phòng, các cuộc đối thoại an ninh, chính trị …đạt được kết quả tích cực.
Gần đây nhất là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Hoa Kỳ thành công tốt đẹp theo lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Chuyến thăm rất đúng thời điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này đã góp phần duy trì đà phát triển quan hệ, tiếp tục thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi, củng cố cơ sở quan hệ đã được xây dựng và vun đắp trong nhiều năm qua, đặc biệt là góp phần xây dựng quan hệ làm việc với Lãnh đạo chính quyền và quốc hội mới, tăng cường hiểu biết về lập trường của nhau, giải toả một số quan ngại và xây dựng lòng tin giữa hai bên. Đây là kết quả của chủ trương đúng đắn của Đại hội Đảng lần thứ XII là làm sâu sắc quan hệ hợp tác với các đối tác và các nước lớn. Trong thời gian qua, ta đã triển khai đồng bộ chủ trương này. Ta đã hết sức chủ động và tích cực trong việc tiếp cận, xây dựng quan hệ với chính quyền và quốc hội mới của Hoa Kỳ, làm cho chính quyền và chính giới Hoa Kỳ hiểu rõ về tầm quan trọng của hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đối với mỗi nước và với việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Chính vì vậy chính quyền mới của Hoa Kỳ coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác với ta. Vậy điều gì làm cho Hoa Kỳ coi trọng thúc đẩy phát triển với Việt Nam? Đây phải chăng là vì Nhà nước Việt Nam kìm hãm tự do, dân chủ, vi phạm nhân quyền, chia rẽ dân tộc? Đó là điều không thể.
Trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam đã xây dựng một nền văn hóa lấy tinh thần độc lập, tự do làm nền tảng. Vì quyền được sống trong phẩm giá chân chính của con người, dân tộc độc lập, nhân dân tự do, ấm no, hạnh phúc – khát vọng về nhân quyền lớn nhất mà nhân dân Việt Nam đã chiến đấu và hi sinh hàng triệu sinh mạng trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở thế kỷ XX. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và cũng đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong những năm qua, nhưng Việt Nam chưa coi mình đã đạt thành tích tốt về nhân quyền. Sau nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, chúng ta đang cố gắng làm mọi điều có thể để 54 dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam được hưởng những giá trị vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn. Một dân tộc như thế ắt biết thẩm định, tôn trọng, phấn đấu cho dân chủ, nhân quyền, cho quyền lợi thiết thực, hạnh phúc đích thực của nhân dân, cho những giá trị cao quý nhất của nhân loại.