LẠI MỘT BẢN PHÚC TRÌNH MANG TÍNH ÁP ĐẶT
CỦA BỘ NGOẠI GIAO MỸ VỀ TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM
Trần Trí Nam
Ngày 15-8-2017, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Phúc trình Tự do Tôn giáo ở Việt Nam năm 2016,
đây là nội dung nằm trong Báo
cáo thường niên về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập tình hình tự do
tôn giáo ở 199 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở bản Phúc trình này, dù có một số
tiến bộ trong đánh giá tình hình tôn giáo ở Việt Nam, song vẫn còn nhiều nội
dung thể hiện sự nhìn nhận phiến diện, không khách quan, thiếu thiện chí và mang
tính áp đặt.
Phúc trình về tình hình tự do tôn giáo
quốc tế năm 2016 của Bộ Ngoại giao Mỹ có 29 trang nói về tình hình tôn giáo ở
Việt Nam, trong đó ghi nhận Việt Nam đã có những cải thiện về tự do tôn giáo:
Hiến pháp Việt Nam quy định tự do tín ngưỡng và tự do thờ phụng theo đức tin là
quyền mà người dân được hưởng; Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng,
Tôn giáo vào ngày 18 tháng 11 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm
2018, nhằm đảm bảo thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân trên
thực tế; Ban Tôn giáo Chính phủ công nhận toàn
quốc đối với Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê su Kytô (Mặc Môn)
(6/2016); lần đầu tiên kể từ năm 1975, chính quyền cho phép Học viện Công giáo
Việt Nam khai giảng khóa Cao học thần học ở thành phố Hồ Chí Minh (9/2016). Tuy
nhiên, trong bản Phúc trình còn có nội dung hoàn toàn mang tính áp đặt, khi cho
rằng Việt Nam tiếp tục kiểm soát, thậm chí triệt hạ những tổ chức tôn giáo
không được sự chấp thuận của Nhà nước, với những điều luật mơ hồ cho Nhà nước
rộng quyền hơn trong việc kiểm soát mọi sinh hoạt tôn giáo dưới danh nghĩa bảo
vệ an ninh quốc gia, duy trì đoàn kết dân tộc. Nhiều tôn giáo lớn như: Phật giáo,
Thiên Chúa giáo, Cao Đài,... đến các nhóm Tin lành ở vùng sâu, vùng xa đang là
đối tượng bị nhà cầm quyền sách nhiễu, cấm đoán. Những người truyền đạo là
người dân tộc ở Tây Bắc hoặc ở Tây Nguyên, miền Trung bị đe dọa, buộc phải chối
bỏ đức tin; các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và y tế của các nhóm tôn giáo
được công nhận tiếp tục bị hạn chế, dù ít nghiêm trọng hơn năm trước. Nổi bật nhất trong Phúc trình tự do tôn giáo 2016, là
việc chính quyền Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh đã cưỡng chế chùa Liên Trì của
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vào ngày 8/9/2016.
Có thể thấy rằng, cũng như báo cáo
thường niên các năm trước, Phúc trình Tự do Tôn giáo ở Việt Nam năm 2016 của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn tiếp tục đánh giá sai
thực tế tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, bản Phúc trình
lần này vẫn bị chi phối bởi định kiến và sự khác biệt về quan điểm lịch sử, văn
hóa, chính trị đối với các sự việc liên quan tới tôn giáo ở Việt Nam. Đây là
những luận điệu không phản ánh đúng tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Song điều
đáng nói là bất chấp mọi nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong
lĩnh vực tôn giáo, bản Phúc trình này cũng như các bản báo cáo trước đều đưa ra
các sự việc thiếu căn cứ chính xác, và những yêu cầu thể hiện sự áp đặt mô hình
tự do tín ngưỡng, tôn giáo lên Việt Nam. Họ đã quên mất rằng, quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của công dân Việt Nam. Quyền
cơ bản ấy được Nhà nước Việt Nam thể chế bằng Hiến pháp, pháp luật từ bản Hiến
pháp đầu tiên năm 1946 đến bản hiến pháp mới nhất là Hiến pháp 2013.
Hơn
70 năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của
Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng. Đại hội XII của Đảng đã khẳng
định: “Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến
chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định
của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng
thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín
ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt
động tín ngưỡng, tôn giáo trái với quy định của pháp luật”[1].
Nhất quán với đường lối, quan điểm về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Điều 24,
Hiến pháp 2013 hiến định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo,
theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà
nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không
ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo
để vi phạm pháp luật”[2].
Cụ thể hóa Điều 24 Hiến pháp 2013 và
trước sự phát triển của tình hình trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 18/11/2016,
Quốc hội đã thông qua và ban hành Luật
Tín ngưỡng, tôn giáo số 02/2016/QH14 gồm 09 chương, 68 điều, quy định chi
tiết các vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo. Đáng chú ý, ngoài các vấn đề được kế
thừa, phát triển so với các văn bản pháp luật trước đó, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo dành hẳn Chương VIII quy định về quản lý
nhà nước và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Điều
này tương thích với các văn bản quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Trong
đó, Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị (năm 1966) đã nêu: Mọi người
có quyền “tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo” nhưng phải
chịu giới hạn vì “an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức
của công chúng, hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”.
Như vậy,
chính sách, pháp luật ở Việt Nam khẳng định nhất quán quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo của công dân cũng như cam kết bảo đảm các quyền đó gắn với lợi ích
quốc gia, dân tộc. Những chính sách đó của Đảng, Nhà nước Việt Nam được ban
hành những năm gần đây, đã định hướng và tạo hành lang pháp lý cũng như chỉ dẫn
cần thiết cho các cấp ủy đảng, chính quyền trong đối xử với các tổ chức tôn
giáo, các chức sắc và tín đồ tôn giáo ở các địa phương trong toàn quốc. Đồng
thời, đó cũng là hành lang pháp lý để các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc
và tín đồ tôn giáo hoạt động.
Thực tiễn sinh động và những thành tựu
trong hoạt động tôn giáo những năm qua là minh chứng thuyết phục nhất về bảo
đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Theo khẳng định của đồng chí
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khi tiếp Đức Hồng y
Reinhard Marx, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức (Báo điện tử Chính phủ, ngày
11-1-2016): Trước năm 2000, Nhà nước ta
công nhận và cấp phép cho 3 tổ chức tôn giáo, tới nay đã công nhận và cấp
phép hoạt động cho 40 tổ chức thuộc 14 tôn giáo. Còn về số lượng người theo
các tôn giáo cũng đang tăng lên. Theo số liệu Tổng điều tra dân số năm 2009, cả
nước có 15.651.467 người theo tôn giáo. Trong đó Phật giáo có 6,8 triệu, Công
giáo 5,7 triệu, Tin lành 734.168 người. Đến năm 2011, theo số liệu của Ban Tôn
giáo Chính phủ, cả nước có 25,4 triệu người là tín đồ các tôn giáo, trong đó
Phật giáo là 10 triệu, Công giáo 6,1 triệu, Tin lành là 1,5 triệu[3].
Như vậy, số lượng tín đồ các tôn giáo sau hơn 10 năm đã tăng tới 10 triệu
người, trong đó Tin lành tăng gấp 2 lần. Hàng chục nghìn cơ sở thờ tự (nhà thờ,
chùa chiền, thánh thất...) được xây dựng mới, được tu sửa, nâng cấp. Các trường
đào tạo chức sắc được mở ra ở nhiều nơi với nhiều cấp học, số lượng người theo
học ngày càng đông, số lượng chức sắc tăng lên. Riêng Công giáo có 7 đại chủng
viện, 26 tổng giám mục, 5 nghìn linh mục, 3 người là đại biểu Quốc hội khóa
XIII, 38 người tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, hơn 300 người tham gia Hội
đồng nhân dân cấp huyện, quận[4].
Những kết quả không thể phủ nhận ở trên
cho thấy, tại Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân thực sự
được tôn trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn. Đó là một thực tế mà nếu
dành thời gian trực tiếp trải nghiệm đời sống xã hội ở Việt Nam, nhất là đời
sống tín ngưỡng, tôn giáo thì không ai có thể phủ nhận được. Và cần phải nhấn
mạnh rằng, cũng như hoạt động bình thường khác của xã hội, sinh hoạt tôn giáo ở
Việt Nam đều phải trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Có nghĩa rằng, sinh hoạt
tín ngưỡng, tôn giáo phải trên tinh thần “sống tốt đời, đẹp đạo”, “kính chúa,
yêu nước”, đồng hành cùng dân tộc. Nhà nước Việt Nam nghiêm cấm và xử lý nghiêm
bất kỳ ai lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã
hội, đi ngược lại quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân. Các tôn
giáo ở Việt Nam muốn phát triển được đều phải chịu sự quản lý của Nhà nước,
không tôn giáo nào được phép đứng ngoài hoặc đứng trên pháp luật cũng như lợi
ích quốc gia, dân tộc. Vì thế, luận điệu trong Phúc trình Tự do Tôn giáo ở Việt Nam năm
2016 mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố là
hoàn toàn chủ quan, áp đặt. Bởi vì, ngay ở nước Mỹ, để phòng, chống nguy
cơ khủng bố từ tín đồ đạo Hồi của Nhà nước Hồi giáo IS, Tổng thống Mỹ đương nhiệm
là Donal Trump đã ban hành các sắc lệnh hạn chế người theo đạo Hồi, đặc biệt là
công dân một số nước Trung Đông, Bắc Phi có đông người Hồi giáo không được cấp
thị thực vào Mỹ. Sắc lệnh ngày 27/01/2017 của người đứng đầu Nhà trắng yêu cầu tạm thời không tiếp nhận công dân đến từ 7
quốc gia có đông dân Hồi giáo vào Mỹ, gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan,
Yemen và Syria. Chính các quy định này đã làm dấy lên làn song phản đối
Chính phủ Mỹ phân biệt đối xử với người theo đạo Hồi, vi phạm quyền con người.
Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ cũng viện dẫn, các quy định đó nhằm bảo đảm an ninh cho
nước Mỹ và người dân Mỹ.
Tóm lại, ngay cả Chính
phủ Mỹ cũng trên cơ sở hiến pháp, pháp luật và lợi ích nước Mỹ mà hạn chế, phân
biệt người theo đạo Hồi với các tôn giáo khác. Nên những điều mà họ đưa vào
trong bản Phúc
trình Tự do Tôn giáo ở Việt Nam năm 2016 hoàn toàn sai lệnh, mang tính áp đặt và đi ngược lại với quan hệ đối
tác chiến lược Việt – Mỹ. Do đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam
không chấp nhận các đánh giá có tính áp đặt, làm sai lệch và phương hại đến
hình ảnh, thành quả bảo đảm quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo nói riêng của Việt Nam, cũng như quan hệ Việt – Mỹ theo tinh thần của
Văn kiện “Tầm nhìn chung” được ký kết giữa hai nhà nước vào tháng
7-2015./.
[1]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016,
tr.165.
[2]
Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và các Hiến
pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992, 2013), Nxb Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 2015, tr.203-204.
[3]
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đức Hồng y Reinhard
Marx, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Báo điện tử Chính phủ, ngày 11-1-2016.
[4]
TS Phạm Huy Thông: “Tình hình tôn giáo và những yêu cầu đặt ra với công tác tôn
giáo vận”,
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/2263/Tinh_hinh_ton_giao_va_nhung_yeu_cau_dat_ra_voi_cong_tac_ton_giao.