Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

Lật tẩy màn kịch lợi dụng quyền “tự ứng cử” để phá rối

Một số người nhân danh “nhà dân chủ”, “đấu tranh cho dân chủ” đã tuyên bố tự ứng cử, hô hào phát động các chiến dịch truyền thông trên Internet, kêu gọi ký tên ảo, bỏ phiếu online. Họ tung hô, ủng hộ cho các đối tượng lợi dụng tự do dân chủ, chống phá Nhà nước, đăng ký tự ứng cử nhằm gây nhiễu loạn, phá hoại an ninh, trật tự kỳ bầu cử.

Lợi dụng quyền tự do, dân chủ trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, một số người nhân danh “nhà dân chủ”, “đấu tranh cho dân chủ” đã tuyên bố tự ứng cử, hô hào phát động các chiến dịch truyền thông trên Internet, kêu gọi ký tên ảo, bỏ phiếu online. Họ tung hô, ủng hộ cho các đối tượng lợi dụng tự do dân chủ, chống phá Nhà nước, đăng ký tự ứng cử nhằm gây nhiễu loạn, phá hoại an ninh, trật tự kỳ bầu cử.

Để thực hiện âm mưu, ý đồ lợi dụng quyền tự ứng cử, thủ đoạn của họ là:

Xây dựng trang mạng (facebook, fanpage, blog…) công khai vận động ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, đưa tin, hình ảnh, bài viết về những người “tự ứng cử” nhằm tô vẽ, cổ vũ tinh thần, khuếch trương thanh thế, thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội. Thành lập nhóm facebook, zalo kín để tập hợp số “tự ứng cử” cùng số đối tượng chống đối để bàn bạc thực hiện ý đồ.

Trong đó, họ thành lập “tổ chuyên gia tư vấn” với số đối tượng cầm đầu, cốt cán nhằm xây dựng phương hướng, thẩm định chương trình hành động của các ứng viên; tư vấn, hỗ trợ ứng cử viên các hoạt động liên quan tự ứng cử; bàn bạc thành lập “ban hỗ trợ bầu cử” có nhiệm vụ hỗ trợ những người tự ứng cử về hồ sơ, quay phim, chụp ảnh, đưa tin, vận động xin kinh phí, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các ứng viên; thống nhất kế hoạch hành động như sẽ bố trí người đến ủng hộ, cổ vũ, động viên, gây sức ép đòi vào tham dự hội nghị cử tri, quay phim, chụp ảnh đưa lên mạng Internet. Sau khi nộp hồ sơ tự ứng cử, các đối tượng trực tiếp đi vận động quần chúng nhân dân nơi cư trú ủng hộ khi tổ chức hội nghị cử tri, tìm cách gặp gỡ nhân viên ngoại giao các nước để tìm kiếm sự ủng hộ, hậu thuẫn.

Phát động các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội để kêu gọi ký tên ảo, bỏ phiếu online nhằm tung hô, ủng hộ cho các đối tượng chống đối tự ứng cử. Để phát động các chiến dịch truyền thông, họ triệt để khai thác các trang mạng sẵn có, đồng thời thông qua các trang mạng của các đài phát thanh nước ngoài phỏng vấn, tung hô số đối tượng tự ứng cử, vu cáo Nhà nước ta tổ chức bầu cử không dân chủ, thiếu minh bạch…

Đặc biệt, các đối tượng còn lập ra các kênh truyền thông trên nền tảng của mạng xã hội, nhất là kênh You Tube, hoạt động như một kênh truyền hình để tuyên truyền ca ngợi, cổ vũ, kêu gọi ký tên ảo, bỏ phiếu online cho các “nhà dân chủ” tự ứng cử. Đưa tin, bài viết phê phán, xuyên tạc, vu cáo chính quyền, cho rằng Đảng phân biệt đối xử với những người tự ứng cử; những người “đấu tranh dân chủ” bị đưa ra “đấu tố”, “chỉ trích”, “hội nghị cử tri mất dân chủ, vi phạm pháp luật”… khi các đối tượng tự ứng cử mà không nhận được tín nhiệm của nhân dân tại hội nghị cử tri nơi cư trú.

Ở Việt Nam, quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định bởi Hiến pháp và pháp luật. Điều 27, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 nêu rõ: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND. Việc thực hiện các quyền này do luật định”. Thực tế cho thấy, trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV năm 2016 đã có 162 hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó đã có những người tự ứng cử trúng cử đại biểu Quốc hội như trường hợp đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định).

Trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV năm 2021, theo báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cả nước có 77 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại 24 tỉnh, thành phố. Trong đó Hà Nội có 30 người, TP Hồ Chí Minh có 16 người. Những con số trên cho thấy, Nhà nước ta luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự ứng cử trong bầu cử, không có phân biệt giữa người được đề cử và tự ứng cử.

Vấn đề là người tự ứng cử phải đảm bảo tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, về năng lực, trình độ và uy tín trong quần chúng. Dù là đề cử hay tự ứng cử thì yêu cầu hiển nhiên khi tham gia Quốc hội, HĐND là để phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Sự thực, các kỳ bầu cử vừa qua là minh chứng bác bỏ những nhận định cho rằng, bầu cử đại biểu Quốc hội ở Việt Nam là “mất dân chủ”, “không công bằng”, là sân chơi “độc diễn” của Đảng, không có “cửa” cho những người tự ứng cử.

Chúng ta cần thấy rằng, lịch sử các cuộc bầu cử cho thấy, có những người tự nộp hồ sơ ứng cử với động cơ rất trong sáng, muốn đóng góp sức mình vào cơ quan của Quốc hội và HĐND các cấp. Và thực tế đã có những người tự ứng cử có đủ phẩm chất, năng lực, được cử tri tín nhiệm bầu vào Quốc hội, HĐND các cấp.

Tuy nhiên, ở đây cần phân biệt việc tự ứng cử với mục đích, động cơ trong sáng, tinh thần xây dựng với việc lợi dụng quyền tự ứng cử để phá rối, gây hại. Thời gian qua, việc một số người tự xưng là các “nhà đấu tranh cho dân chủ” hô hào, phát động phong trào tự ứng cử, nộp hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp thực chất chỉ là chiêu trò phá rối, vì động cơ xấu.

Những người này biết rằng, cơ hội trúng cử đối với họ là không có bởi với bản “lý lịch đen” chống phá Đảng, Nhà nước, hồ sơ đó đương nhiên không nhận được sự ủng hộ của người dân ngay tại nơi họ sinh sống chứ chưa nói tới được cử tri bỏ phiếu. Thế nhưng, họ vẫn đăng ký tự ứng cử, vẫn hô hào ký tên ảo, bỏ phiếu online bởi mục đích thực là để đánh bóng tên tuổi với mong muốn sẽ trở thành “ngọn cờ” của “phong trào đấu tranh dân chủ” trong nước, qua đó khuếch trương hình ảnh, để được nhiều người biết đến.

Khi những người này không được đưa vào danh sách bầu cử hoặc khi được đưa vào danh sách bầu cử nhưng không trúng cử, họ sẽ xem đó là cơ hội để xuyên tạc, vu cáo chính quyền, vu cáo Đảng, Nhà nước với luận điệu kiểu như: “Người tự ứng cử gần như không có cơ hội trở thành đại biểu Quốc hội”, “Đảng Cộng sản Việt Nam độc tài, giả hiệu trong việc tổ chức bầu cử”… Mặt khác, họ sẽ xem đây là “bằng chứng” về sự vi phạm dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, từ đó kêu gọi quốc tế, Liên hợp quốc lên tiếng can thiệp, giám sát quá trình bầu cử tại Việt Nam. Bởi vậy, chúng ta cần tỉnh táo, cảnh giác để nhận diện và đấu tranh kịp thời.

Lật tẩy thủ đoạn phá rối bầu cử

Những luận điệu trên tuy không mới nhưng lại được che đậy dưới những thủ đoạn tinh vi và được tung ra trong thời điểm chuẩn bị bầu cử nên gieo rắc hoang mang, gây nghi ngờ, phân tâm trong nội bộ nhân dân. Nếu ai mất cảnh giác, có thể lầm tưởng, thậm chí bị dẫn dắt và tin theo.
Gần đến ngày diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đối tượng thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại ráo riết thực hiện các âm mưu, hoạt động chống phá, đưa ra những luận điệu sai trái, đòi hỏi phi lý nhằm phá hoại bầu cử. Bởi vậy, cần nhận diện âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá, từ đó nâng cao cảnh giác, góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày Chủ nhật, 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế nhưng, đi ngược lại với mong muốn đó, các đối tượng thù địch, phản động, cơ hội chính trị, phần tử xấu lại xem đây là thời cơ để chống phá.
Họ dùng mọi thủ đoạn xuyên tạc, kích động, chống phá cuộc bầu cử, đưa ra các luận điệu xuyên tạc bản chất của cuộc bầu cử, một số đối tượng còn lợi dụng quyền “tự ứng cử” để phát động các chiến dịch truyền thông hô hào “ký tên” ảo, gây rối.
Âm mưu của họ là nhằm gây nhiễu loạn thông tin, tạo sự hoang mang, hoài nghi trong dư luận, xuyên tạc công tác bầu cử trong Đảng, bôi lem chế độ, từ đó gây mất niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ, phá hoại cuộc bầu cử; làm cho cuộc bầu cử không diễn ra theo kế hoạch, dự kiến.
Những thủ đoạn đang được các đối tượng sử dụng để xuyên tạc, chống phá cuộc bầu cử là:
- Tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc về cuộc bầu cử, cho rằng cuộc bầu cử này chỉ là hình thức, người dân không có vai trò gì.
Các đối tượng đăng tải trên Internet những luận điệu cho rằng: “Cuộc bầu cử chỉ do Đảng độc diễn, người dân không có vai trò gì”, “Bầu cử chỉ là hình thức bởi nhân sự đã do Đảng chọn”, “Cuộc bầu cử không có gì mới so với trước đây”, Đảng “phân biệt đối xử với người tự ứng cử”, “Việc quy định con số và tỷ lệ đại biểu do Đảng áp đặt là tùy tiện, trái Hiến pháp”... Từ đó, quy kết rằng, ở  Việt Nam không có “dân cử, dân bầu”, đó chỉ là diễn kịch, trò hề…
Không những vậy, các đối tượng còn tung ra các luận điệu kiểu như: Quốc hội qua các nhiệm kỳ chưa làm tròn chức trách là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, phần lớn đại biểu chỉ là cơ cấu để bấm nút bỏ phiếu, chưa thể hiện được tiếng nói và nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân; tổ chức bầu cử như hiện tại chỉ gây lãng phí tiền của nhân dân; cuộc bầu cử này là không chính danh, chỉ là “hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng”... Từ đó, các đối tượng kêu gọi phải mở rộng “dân chủ trong bầu cử”, Đảng cần ủng hộ những người “tự ứng cử”, phải vận động, tranh cử công khai để cử tri lựa chọn...
- Kêu gọi, kích động người dân không đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử. Để cổ suý luận điệu “Quốc hội chỉ là hội nghị mở rộng của Đảng”, các đối tượng thông qua Internet kêu gọi, kích động người dân không đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử. Đối với những người đi bầu cử, các đối tượng tuyên truyền gạch chéo tất cả những phiếu bầu.
- Tán phát cái gọi là “thư ngỏ”, “thư kiến nghị”, “góp ý” nhằm tuyên truyền luận điệu kêu gọi thay đổi cơ chế, chính sách, quy định về bầu cử. Lấy cớ những nhà trí thức, nhà khoa học, với những “ý kiến tâm huyết” với Đảng, Nhà nước, một số đối tượng đã chủ động viết, tán phát “thư ngỏ”, “thư kiến nghị”, “góp ý” kêu gọi Đảng, Nhà nước thay đổi cơ chế, chính sách, quy định về bầu cử hiện nay. Họ kêu gọi Đảng, Quốc hội phải sửa đổi hệ thống bầu cử, tạo điều kiện cho tất cả mọi người được ứng cử tự do. Còn nếu với cách tổ chức bầu cử và cơ chế bầu cử theo quy định hiện nay thì họ tuyên truyền rằng, đối với nhiều đại biểu có thể tự mình công bố mình trúng cử và có đủ tư cách đại biểu mà không cần phải tổ chức bầu cử tốn tiền thuế của dân. Họ hô hào: Để lập được một Quốc hội có năng lực thì trước hết phải kiên quyết bỏ hẳn cách Đảng cử dân bầu, mặt trận độc quyền giới thiệu. Phải mở rộng đường cho việc tự ứng cử và vận động ứng cử tự do...
- Lợi dụng quyền tự ứng cử, phát động các chiến dịch truyền thông hô hào ký tên ảo trên Internet, tung hô, ủng hộ cho người này, người kia. Trước thời điểm bầu cử, các tổ chức phản động, chống đối trong và ngoài nước thường chỉ đạo số thành viên, cơ sở trong nước đăng ký tự ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND các cấp. Không những vậy, các đối tượng còn phát động các chiến dịch truyền thông trên Internet, mạng xã hội để kêu gọi ký tên ảo nhằm tung hô, ủng hộ cho những nhà “dân chủ” tự ứng cử. Ý đồ của họ là tìm cách xâm nhập người vào các cơ quan dân cử. Trong trường hợp những người này trúng cử thì họ sẽ có điều kiện để phá hoại, tác động chuyển hóa nội bộ. Trường hợp những người này không trúng cử thì họ sẽ lợi dụng để vu cáo, xuyên tạc công tác bầu cử, cho rằng cuộc bầu cử là thiếu minh bạch, thiếu dân chủ.
Có thể thấy, những luận điệu trên tuy không mới nhưng lại được che đậy dưới những thủ đoạn tinh vi và được tung ra trong thời điểm chuẩn bị bầu cử nên gieo rắc hoang mang, gây nghi ngờ, phân tâm trong nội bộ nhân dân. Nếu ai mất cảnh giác, có thể lầm tưởng, thậm chí bị dẫn dắt và tin theo.
Ở Việt Nam, Hiến pháp và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp quy định: Cử tri bầu đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những quy định của pháp luật bầu cử ở Việt Nam thể hiện một cách nhất quán nhận thức về các nguyên tắc bầu cử để đảm bảo ý chí của nhân dân, phù hợp với xu hướng tiến bộ xã hội. Việc lựa chọn, giới thiệu người ra ứng cử được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, nghiêm túc và người dân tự do thể hiện chính kiến của mình khi cầm lá phiếu bầu cử, hoàn toàn không có chuyện ép buộc như luận điệu các đối tượng rêu rao. Hoàn toàn không có việc “bầu cử chỉ do Đảng độc diễn, người dân không có vai trò gì”, không có phân biệt đối xử với người tự ứng cử…
Hiện nay, các cơ quan chức trách đang tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Thường xuyên bám sát các vấn đề, sự kiện chính trị liên quan tới cuộc bầu cử để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, có định hướng theo quan điểm, đường lối của Đảng và yêu cầu của xã hội cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Đồng thời, nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm đảng viên, chủ động sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống; không nghe theo các luận điệu sai trái, thù địch, thủ đoạn kích động chống phá của các đối tượng.

Khởi tố 3 đối tượng về tội tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép

Ngày 9-5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với 3 đối tượng để điều tra về tội tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép.

Các đối tượng gồm: Đặng Xuân Tuấn (sinh năm 1979, quê huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, hiện trú tại xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội); Phạm Trung Tấn (sinh năm 1982, ở xã Hải An, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định); Trần Thị Hường (sinh năm 1977, ở xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái).

Trước đó, ngày 6-5, quần chúng nhân dân phường Nam Viêm, TP Phúc Yên phát hiện nhóm người Trung Quốc không đeo khẩu trang đang đi bộ trên địa bàn nên đã báo cơ quan công an. Tại thời điểm lực lượng công an kiểm tra, số người này không có giấy tờ tùy thân. Đấu tranh mở rộng vụ án, cơ quan chức năng đã làm rõ các đối tượng Đặng Xuân Tuấn, Phạm Trung Tấn và Trần Thị Hường cấu kết với nhóm người Trung Quốc trên để đưa họ xuất nhập cảnh trái phép. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Phúc Yên đang phối hợp với phòng Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị liên quan tiếp tục điều tra mở rộng vụ án và củng cố hồ sơ để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Báo cáo của USCIRF – vẫn "bổn cũ soạn lại" (Bài 1)

Dung lượng và kết cấu phần báo cáo về Việt Nam năm nay của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF) Mỹ giống báo cáo năm 2020, vẫn không phản ánh đúng bản chất tình hình, mà thậm chí cố tình phớt lờ những thành tựu của Việt Nam trong tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Ngày 21/4, USCIRF ra bản phúc trình năm 2021 về tự do tôn giáo tại Việt Nam. Báo cáo của USCIRF ghi nhận một số tiến triển tích cực trong việc bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam như việc Chính phủ Việt Nam nỗ lực xây dựng nền tảng trực tuyến liên ngành để giám sát, theo dõi việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và giải quyết khiếu nại của các cá nhân, tổ chức tôn giáo; thực hiện tái định cư cho những người Mông Cơ đốc giáo không hộ tịch đang cư trú ở Tiểu khu 179, Lâm Đồng; trả tự do cho A Đảo thuộc “Danh sách các tù nhân lương tâm tôn giáo” của USCIRF.

Tuy nhiên, USCIRF vẫn đánh giá rằng tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam năm 2020 nhìn chung “tiêu cực” như trong năm 2019 và tiếp tục đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo CPC. Một điểm đáng chú ý là dung lượng và kết cấu của báo cáo năm nay giống như báo cáo năm 2020 khiến người ta không khỏi nghi ngờ về khả năng USCIRF vẫn “bổn cũ soạn lại” với những cáo buộc vu khống về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam. Sự khác biệt duy nhất mà USCIRF đưa ra lại là bày tỏ quan ngại về việc áp dụng Luật An ninh mạng và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước của Việt Nam – hai luật đang ngày càng được nhiều quốc gia áp dụng và xử lý với hình phạt mạnh. 

Chưa hết, để tạo nên “dàn đồng ca”, cùng lúc với việc USCIRF tung ra báo cáo thì các trang mạng như RFA, BPSOS… lại phát tán các bài viết về vấn đề sắc tộc người Tây Nguyên, trong đó có nhiều nội dung sai trái, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; cho rằng đa số người dân Tây Nguyên sống trong nghèo nàn, lạc hậu, bị phân biệt đối xử, bị chính quyền bức hại, phải tìm cách để vượt biên, trốn khỏi Việt Nam… 

Thực tế, đây chỉ là những lời xuyên tạc, sai sự thật bởi lần nào vào Việt Nam, đại diện của USCIRF cũng chỉ ưu tiên tiếp xúc số chức sắc, nhà tu hành và số tín đồ có thái độ chính trị xấu, mang nặng tư tưởng tôn giáo cực đoan, ít nhiều từng có hoạt động lợi dụng tôn giáo xâm phạm đến an ninh trật tự. 

Và trong những lần gặp gỡ đó, USCIRF thường  công khai bày tỏ quan điểm sẵn sàng tài trợ bất hợp pháp cho số này hoạt động chống đối trong tôn giáo, thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước. Được khích lệ, hứa hẹn bảo trợ, các đối tượng chống đối tích cực cung cấp thông tin, tài liệu vu cáo, xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống Việt Nam.

Trong khi đó, thực tế cho thấy, ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và có chính sách bảo đảm phát triển tự do, công bằng, bình đẳng đối với các tôn giáo. Như ở Mường Nhé, mảnh đất ở cực Tây của Tổ quốc thuộc tỉnh Điện Biên - nơi mà hơn 10 năm trước được biết đến với vụ bạo động, đòi thành lập “Vương quốc Mông” bất thành…, việc sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của bà con rất thuận lợi.

Nếu như trước đây, thời gian sinh hoạt tập trung của các điểm nhóm Tin lành phải từ 20-25 năm trở lên thì nay, chỉ cần 5 năm sinh hoạt liên tục, thường xuyên, cộng thêm một số điều kiện khác là đã được đăng ký. Thậm chí, Mường Nhé còn là một trong những huyện thành công nhất ở Điện Biên trong việc cấp phép cho các điểm nhóm Tin lành.

Nói về việc này, ông Giàng Hồng Sinh, người phụ trách trực tiếp giảng đạo ở điểm nhóm Tin lành thuộc bản Sima 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé cho biết, bà con rất phấn khởi, biết ơn Đảng và Nhà nước khi được cùng nhau tề tựu, sinh hoạt tôn giao tại căn nhà gỗ khang trang hơn 150m2. Mỗi buổi sinh hoạt, bà con đến rất đông đủ để nghe giảng về lòng yêu kính Chúa, yêu thương con người, chăm chỉ làm ăn, không vi phạm pháp luật.

Còn ở tỉnh Gia Lai, đặc biệt là huyện Đak Đoa, nơi có đông đồng bào thiểu số theo tôn giáo và từng tham gia nhiều hoạt động liên quan đến Tin lành Degar, sinh hoạt tôn giáo của bà con cũng luôn được quan tâm, tạo điều kiện. Chính vì thế mà nơi đây đã chứng kiến rất nhiều người từng sa chân, lỡ bước nghe theo lời của những kẻ xấu xúi giục nhưng sau đó tỉnh ngộ, quay trở về quê hương làm ăn sinh sống. (Còn nữa)

Báo cáo của USCIRF – vẫn "bổn cũ soạn lại" (Bài 2)

Ông Y Bome (người Ba Na, 65 tuổi) ở làng Rai, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa là một nhân chứng sống. Hoạt động cho Fulro từ trước năm 1975, sau khi Gia Lai được giải phóng, ông Y Bome đã bị bắt đưa đi cải tạo nhưng lại trốn trại và tiếp tục hoạt động Fulro cho đến năm 1999 thì nhận sự chỉ đạo từ đối tượng Ksor Kơk ở Mỹ, kêu gọi người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai tổ chức biểu tình tại Pleiku với số lượng rất đông. Sau sự kiện ngày 2/2/2001, ông bị bắt với tội danh “Phá rối an ninh”. Theo tài liệu của cơ quan chức năng, các tổ chức phản động đã dựng nhân vật này thành “Tỉnh trưởng Gia Lai” của cái gọi là “Nhà nước Degar tự trị”.

Ngày 6/3/2012, sau hơn 11 năm chấp hành án phạt, ông Y Bome trở về quê hương, quyết tâm gây dựng lại cuộc sống. Giờ đây, khi nói về những trải nghiệm cay đắng đó, ông Y Bome vẫn hối hận, chỉ mong sao ngày càng có nhiều người hiểu được và tránh xa những suy nghĩ lệch lạc sai trái mà những kẻ xấu dụ dỗ để không lầm đường, lạc lối.

“Các dân tộc ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, nếu 54 dân tộc, ai cũng muốn xé đất nước ra để thành lập nhà nước riêng thì làm sao có đất để ở. Tranh giành nhau đất đai thôi cũng sẽ bất ổn, đất nước không thể phát triển. Tốt hơn hết là đừng nghe những điều họ nói”, ông Y Bome tâm sự.

Rõ ràng, những đánh giá tiêu cực về tự do tôn giáo ở Việt Nam trong bản phúc trình của USCIRF đã không phản ánh đúng bản chất vấn đề cũng như tâm tư nguyện vọng của người dân Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam có 25,1 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số với 55.710 chức sắc, 145.721 chức việc. Nhà nước Việt Nam rất quan tâm trong việc thực hiện nhất quán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động (tăng 10 tôn giáo với 28 tổ chức so với trước khi thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo).

Năm 2018 và 2019, 3 tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo: Hội thánh Tin lành Liên hiệp truyền giáo Việt Nam, Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam, Giáo hội Các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ky - tô Việt Nam; 1 tổ chức được công nhận pháp nhân tôn giáo: Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam.

Đối với các nhóm người theo tôn giáo chưa được công nhận về mặt tổ chức hoặc chưa được cấp đăng ký hoạt động, chính quyền địa phương vẫn bảo đảm tự do sinh hoạt tôn giáo cho các tín đồ tại gia đình, điểm nhóm đăng ký với chính quyền hoặc địa điểm hợp pháp theo quy định của Luật.

Tính đến năm 2020, khu vực Tây Nguyên hiện có khoảng 580.000 tín đồ đạo Tin lành thuộc 33 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành đang sinh hoạt tại 311 chi hội, 183 nhà thờ, hơn 1.700 điểm nhóm được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Tại khu vực miền núi phía Bắc có khoảng 250.000 tín đồ đạo Tin lành đang sinh hoạt tại 14 chi hội và hơn 1.600 điểm nhóm, trong đó chính quyền địa phương đã cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho gần 800 điểm nhóm…

Người có tín ngưỡng, tín đồ các tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin tại gia đình, cơ sở thờ tự hoặc điểm nhóm đăng ký với chính quyền. Tổ chức tôn giáo được hoạt động theo Hiến chương, điều lệ, được tạo điều kiện in ấn, phát hành kinh, sách tôn giáo; nâng cấp, xây mới cơ sở thờ tự; mở rộng quy mô và hình thức sinh hoạt; tăng cường, mở rộng hoạt động quốc tế…

Đặc biệt, ở Việt Nam không có xung đột tôn giáo. Các tôn giáo chung sống hòa hợp, gắn bó đồng hành với dân tộc. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia phong trào xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước…

Như vậy, phải khẳng định rằng, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay khá sôi động, đa dạng với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, nhiều tổ chức tôn giáo và mô hình tổ chức tôn giáo. Nếu muốn đánh giá về tình hình tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, cần phải có thái độ khách quan, công tâm và coi trọng sự thật thay vì xuyên tạc, vu cáo mang mục đích chính trị nhằm kêu gọi hoạt động chống phá chính phủ và Nhà nước Việt Nam. (Hết)

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xử lý người đứng đầu địa phương nếu chủ quan để dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng, mất kiểm soát

 Ngày 9-5, sau khi đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một số tỉnh biên giới Tây Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp từ đầu cầu tỉnh An Giang với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, một số bộ, ngành liên quan và lãnh đạo 6 tỉnh biên giới phía Tây Nam gồm: An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An và Tây Ninh.

Trong đó, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự họp tại điểm cầu Tây Ninh; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 dự họp tại đầu cầu Hà Nội; Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng dự họp với Thủ tướng tại đầu cầu An Giang. 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 29-4 đến 12 giờ ngày 9-5, nước ta đã ghi nhận 257 ca mắc Covid-19 tại 26 địa phương, đơn vị và có nguy cơ tiếp tục có nhiều ca nhiễm mới; tình hình dịch lây lan nhanh, đa nguồn lây, đa ổ dịch và các chủng virus lây lan nhanh hơn các lần trước. 

Đối với các tỉnh biên giới, tình hình xuất nhập cảnh trái phép, chỉ trong 1 tuần qua có 24 nghìn trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam từ 3 quốc gia láng giềng; trong đó 515 trường hợp nhập cảnh trái phép. Đây chỉ là con số nắm bắt giữ được, còn con số người nhập cảnh trái phép có thể cao hơn.

Tại điểm cầu Tây Ninh, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết đã cùng đoàn công tác đi kiểm tra biên giới và một số địa phương khu vực Tây Nam Bộ. Theo đó, tại các địa phương, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hết sức quyết liệt, quản lý chặt chẽ biên giới, các chốt kiểm soát được bố trí dày đặc, tăng cường lực lượng liên hợp…

Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, hiện nay các địa phương ngăn chặn khá tốt tình trạng nhập cảnh trái phép, tuy nhiên áp lực rất lớn. Các lực lượng chức năng phải căng mình kiểm soát nên rất vất vả, vì vậy cần phải tiếp tục tăng cường nhân lực, phương tiện, hỗ trợ vật chất, kịp thời động viên tinh thần đối với các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. 

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng nêu một thực trạng khác là người nước ngoài nhập cảnh trái phép từ phía Bắc đi vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để tìm đường sang Campuchia, do đó, cần phải xử lý triệt để, chủ động ngăn chặn, triệt phá các đường dây nhập cảnh trái phép… 

Phó thủ tướng Thường trực cho rằng, chúng ta phải đánh giá đúng tình hình, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang…; đồng thời phải dự liệu các tình huống xấu nhất để sẵn sàng các giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả. 

Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu An Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, tình hình dịch Covid-19 hiện rất phức tạp, nguy cơ lây lan ra toàn quốc là rất cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không có sự chủ động, tích cực, cảnh giác. Mặc dù vậy, vẫn có địa phương lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không chuẩn bị các kịch bản cho phù hợp. Do đó Thủ tướng khẳng định, nơi nào để xảy ra dịch bệnh diện rộng không kiểm soát được, trì trệ trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội mà do nguyên nhân chủ quan thì dứt khoát phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp trong những ngày gần đây. Một số tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... dịch diễn biến phức tạp; một số tỉnh phía Nam có nguy cơ rất cao như Khánh Hòa, Lâm Đồng... 

Về nguyên nhân, theo Thủ tướng, thứ nhất là do dịch bệnh lây lan từ người nhập cảnh vào; cộng với tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thậm chí thực hiện phòng, chống dịch không đúng quy chế, không đúng quy trình, không đúng nguyên tắc. Nguyên nhân thứ hai là đa nguồn lây, đa ổ dịch, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây lây nhiễm rất nhanh, khó lường, xảy ra trên diện rộng. Nguyên nhân thứ ba là các doanh nghiệp, địa phương, cơ quan, đơn vị mời chuyên gia nước ngoài vào nhưng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện nghiêm quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và của Bộ Y tế. Nguyên nhân thứ tư là tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp ở các nước láng giềng gây áp lực, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta lớn. Việc kiểm soát đường biên giới rất khó khăn, vì điều kiện đường biên giới khu vực Tây Nam dễ tạo điều kiện cho người qua lại trái phép nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập qua biên giới rất lớn. 

Thủ tướng cũng cho biết, vừa qua đã xuất hiện hiện tượng chống phá, xuyên tạc, nói xấu, đưa thông tin sai lệch, sai sự thật trên mạng xã hội và một số phương tiện, nền tảng thông tin về công tác phòng, chống dịch và tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19  làm nhân dân hoang mang, dao động… Thủ tướng đề nghị các phương tiện thông tin truyền thông, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vừa qua các lực lượng trên tuyến đầu như Y tế, Quân đội, Công an... đã căng mình chống dịch trên toàn tuyến. Các địa phương có dịch, nhất là những nơi xuất hiện tình hình phức tạp, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cùng nhân dân đã nỗ lực quyết liệt chống dịch. Mặc dù vậy, qua kiểm tra, nhiều tỉnh còn chủ quan, lơ là, nhất là khi chưa có dịch; nhưng lúc có ca mắc thì hốt hoảng, có những giải pháp không chủ động... Đặc biệt, tại 6 tỉnh biên giới giáp với Campuchia hiện nay có nguy cơ cao do tình trạng xuất nhập cảnh và cư trú trái phép xuất hiện nhiều; tình trạng buôn lậu gia tăng, phức tạp. 

Thủ tướng cho rằng, nếu dịch xảy ra trên phạm vi cả nước, thì ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, ổn định chính trị, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2021, việc kết thúc năm học 2020-2021...Vì vậy, các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí Thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, hướng dẫn của Bộ Y tế… về công tác phòng, chống dịch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; tích cực, tích cực hơn nữa; hiệu quả, hiệu quả hơn nữa; thành công, thành công hơn nữa". 

Thủ tướng chỉ đạo, các ngành, địa phương phải phát hiện sớm, xét nghiệm diện rộng, truy vết thần tốc, cách ly thật nhanh, điều trị tích cực, bàn giao, quản lý sau điều trị chặt chẽ, giải quyết dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh các ổ dịch mới, nhanh chóng ổn định tình hình, tổ chức tốt công tác khắc phục hậu quả, phát triển kinh tế, xã hội; các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, nhất là nhập cảnh và cư trú trái phép, xử lý đối tượng cư trú trái phép, chống buôn lậu qua biên giới…

Thủ tướng nhấn mạnh phải chuẩn bị cho kịch bản cả nước có 30.000 người nhiễm và điều trị trên toàn quốc, khi nguy cơ đã hiện hữu. Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị phải xây dựng kịch bản cụ thể cho cấp, ngành, đơn vị mình ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục nhập vaccine, thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước, tuyên truyền, giải thích cụ thể về tiêm vaccine không để cho các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc, chống phá. Các địa phương có kịch bản đảm bảo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2021 an toàn; kết thúc năm học 2020-2021 đúng luật, có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình, tập trung cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống của nhân dân. Các bộ ngành, địa phương rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trên cơ sở đó có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phù hợp đảm bảo sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân. 

Thủ tướng đề nghị các tỉnh biên giới, bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn trong phòng chống dịch. Theo đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất dự trữ, hỗ trợ các tỉnh biên giới, nhất là các tỉnh biên giới phía Nam để phòng, chống dịch chủ động, hiệu quả; Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo việc điều hành chuyến bay, chuyến tàu, phương tiện vận tải hợp lý, không trì trệ, ách tắc, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch hiện nay...

Nguồn: Báo QĐND

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...