NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
LUÔN LÀ
NHÀ NƯỚC CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN – SỰ THẬT KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN
Khánh
Anh
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lập
nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam). Đó là thành quả của cuộc đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh của cán bộ,
đảng viên, chiến sĩ và nhân dân cả nước. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, mang bản chất
giai cấp công nhân, đồng thời có tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc. Trong đó,
bản chất giai cấp công nhân giữ vị trí cốt lõi, là hạt nhân chính trị sâu sắc,
còn tính nhân dân và tính dân tộc giữ vị trí quan trọng trong các nhân tố cấu
thành bản chất Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, không thể nói “nhà nước tư bản hay
nhà nước xã hội chủ nghĩa, chế độ tư bản hay chế độ xã hội chủ nghĩa cũng đều được”!
Nói như vậy là thể hiện thái độ thờ ơ, “xúc phạm” sự hy sinh của các thế hệ đi
trước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; phủ
nhận sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đúng đắn của Đảng, Bác Hồ và
nhân dân ta đã lựa chọn.
Từ khi ra đời đến
nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã
thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, thể hiện bản chất tốt đẹp của
một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân
dân, phục vụ lợi ích của dân tộc, đã quản lý đất nước, làm tròn trọng
trách mà nhân dân giao phó, được lịch sử ghi nhận, nhân dân tin tưởng, thế giới
ngưỡng mộ.
Về thực
hiện chức năng đối nội
Trên
lĩnh vực kinh tế, dưới sự lãnh đạo của
Đảng, quản lý của Nhà nước, Việt Nam đạt những thành tựu quan trọng trong công
cuộc đổi mới đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng
bước hình thành, phát triển; duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô
nền kinh tế tăng lên (đạt ngưỡng thu nhập trung bình). Giai đoạn 2011-2015, tốc
độ tăng trưởng GDP của Việt Nam tuy có chậm lại so với giai đoạn trước, nhưng
vẫn đạt 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới. Năm 2017, tăng trưởng
kinh tế đạt 6,81%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt khoảng 2.400 USD. Nhờ
đó, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, diện mạo đất nước có nhiều thay
đổi. Riêng năm 2018, theo báo cáo của Chính phủ tại phiên Họp báo thường kỳ
tháng 8-2018, có 12/12 chỉ tiêu mà Quốc hội giao có thể đạt và vượt, trong đó 8
chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt. Tăng trưởng GDP năm 2018 có khả năng hơn 6,7%,
thu ngân sách vượt dự toán 3-5%. Cùng với đó, nợ công giảm, lạm phát dưới 4%;
năng suất lao động tăng; bảo đảm sự phát triển của đất nước không chỉ tăng
trưởng theo số lượng mà chất lượng cũng được nâng lên; niềm tin của nhân dân
vào Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố; uy tín quốc tế của Việt Nam ngày
càng cao.
Trên
lĩnh vực chính trị, Nhà nước ta đã đạt
được thành tựu quan trọng về thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa và bảo đảm
quyền con người, nhất là vấn đề quyền làm chủ của nhân dân, quyền lực nhà nước
thuộc về nhân dân đã được xác lập và thực thi trên thực tế. Hiến pháp năm 2013
khẳng định nhất quán quan điểm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mà
nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ
trí thức. Đồng thời, thể hiện đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ
bản của công dân; xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với việc công nhận,
tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo
Hiến pháp và pháp luật, v.v. Còn ở Mỹ, một đất nước mà các học giả tư sản
thường ca ngợi là dân chủ, tự do nhất thế giới, nhưng có đầy rẫy sự vi phạm
trắng trợn về quyền con người. Đơn cử như, quyền sống và đảm bảo an ninh cá nhân
– quyền cơ bản nhất của con người - bị đe dọa. Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 100.000
người bị trúng đạn, trong đó có khoảng 30.000 người thiệt mạng trong các vụ xả
súng, mà Chính phủ Mỹ chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát. Việc kiểm soát,
cấm bán súng cho cá nhân vẫn là chủ đề tranh cãi giữa các đảng phái, mà nguyên
nhân là do lợi ích của các nhà tư sản sẽ bị ảnh hưởng nếu cấm bán súng cho cá
nhân. Cùng với đó, nạn phân biệt chủng tộc diễn ra phổ biến; quyền của phụ nữ
và trẻ em, nhất là phụ nữ gốc Phi chưa được đảm bảo, v.v. Điều đó cho thấy rõ
tính ưu việt, bản chất dân chủ, nhân đạo và tiến bộ của Nhà nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam, của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây
dựng, luôn hướng tới, đáp ứng tốt nhất các quyền chính đáng của con người, vì
con người, được các quốc gia trên thế giới thừa nhận, đánh giá cao.
Trên
lĩnh vực xã hội, Việt Nam đã đạt được
nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo
dục, v.v. Tính theo chuẩn mới: đến năm 2017, tỷ lệ người nghèo giảm xuống còn
7%. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), ngày 10-4-2018, với tiêu đề “Bước
tiến mới: giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” cho biết: “70% người
dân Việt Nam đã an toàn về kinh tế, trong đó 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo
chuẩn thế giới”. Việt Nam đã hoàn thành việc phổ cập giáo dục tiểu học vào năm
2010 và mầm non năm 2017. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều
tiến bộ, hệ thống cơ sở y tế được hình thành rộng khắp trong cả nước; số bác
sĩ, số giường bệnh trên một vạn dân tăng nhanh. Chất lượng hệ thống dịch vụ y
tế ngày càng được nâng cao. Việc thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của
phụ nữ được quan tâm, đạt kết quả cao. Hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở
Việt Nam khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) là 26,72%, tăng so với hai khóa trước
đó, cao hơn mức trung bình của thế giới (23,6%), giữ vị trí tương đối trong khu
vực và lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Các chính
sách dân tộc, tự do tín ngưỡng tôn giáo ngày càng hoàn thiện được bảo đảm trong
thực tiễn, v.v. Đó là điều đáng mừng. Bởi, đường lối, chính sách phát triển
kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay là đúng đắn, bảo đảm sự
phát triển bền vững, mang lại công bằng cho người dân.
Về thực
hiện chức năng đối ngoại
Thực
hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa
dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là
đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của các tổ chức quốc tế, đến nay, Việt
Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187 nước; trong đó, 3 đối tác chiến
lược toàn diện, 13 đối tác chiến lược và 11 đối tác toàn diện. Đồng thời, tham
gia nhiều tổ chức quốc tế. Cho đến nay, Việt Nam là thành viên của 63 tổ chức
quốc tế và có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ trên thế giới, điển
hình như: Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức
giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO), Diễn đàn hợp tác Á–Âu
(ASEM), v.v. Việt Nam đã hoạt động tích cực với vai trò ngày càng tăng tại Liên
hợp quốc (ủy viên Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc (ECOSOC), ủy viên
Hội đồng chấp hành Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP),...), phát huy
vai trò thành viên tích cực của phong trào Không liên kết, Cộng đồng các nước có
sử dụng tiếng Pháp, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), v.v. Điều đó,
không chỉ khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn
góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho phát triển,
bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.
Tuy
nhiên, Nhà nước Việt Nam cũng thẳng thắn thừa nhận còn nhiều hạn chế trong quản
lý xã hội, phát triển kinh tế, nhất là tình trạng tham nhũng trong một bộ phận
cán bộ, công chức, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, niềm tin của nhân dân đối với
Đảng và Nhà nước. Những tồn tại đó, hiện đang được Đảng, Nhà nước Việt Nam kiên
quyết đấu tranh, khắc phục với quyết tâm chính trị cao và đã đạt được kết quả
bước đầu quan trọng. Việc điều tra, đưa ra xét xử công khai các vụ án tham
nhũng gần đây là một minh chứng. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng trong sạch,
vững mạnh, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực sự của nhân dân, do nhân
dân và vì nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Như
vậy, cả về lý luận và thực tiễn sinh động trên đã khẳng định, Nhà nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đủ năng lực để quản lý, tổ chức, xây dựng đất nước
phát triển; và chỉ có Nhà nước Vệt Nam xã hội chủ nghĩa mang bản chất giai cấp
công nhân, thể hiện tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc mới đem lại dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh cho nhân dân, tất cả vì nhân dân phục
vụ, chứ không thể là nhà nước nào khác.