Một trong
những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch là xuyên tạc, phủ nhận những
thành quả của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta lãnh đạo. Tuy nhiên, vị thế ngày
càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế đã bác bỏ mọi sự xuyên tạc, phủ nhận.
Xuyên tạc sự thật là một thủ đoạn
quen dùng của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam. Họ thường tập
trung xuyên tạc vị thế lãnh đạo của Đảng, khi cho rằng “chế độ một đảng lãnh
đạo chỉ đưa dân tộc đến ngõ cụt”(!). Gần đây, trên một số trang mạng xã hội, họ
rêu rao rằng “Hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất
nước ngày càng lún sâu vào xu thế lụn bại, tụt dốc không phanh”(!). Xuyên tạc
đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, họ cho
rằng “Đó là sự bế tắc của những người cộng sản, bởi đường lối này là đầu Ngô
mình Sở”(!). Xuyên tạc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa
phương hóa, gắn với chủ trương “Việt Nam không tham gia liên minh quân sự,
không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt
căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia”, họ cho
rằng “đường lối trung dung này tự cô lập Việt Nam, tước đi cơ hội hợp tác với
các nước lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(!). Xuyên tạc những thành tựu của
sự nghiệp đổi mới, họ cố bịa đặt: “đất nước đang lâm vào khủng hoảng toàn
diện”(!), v.v.
Dẫn một số biểu hiện nổi bật của thủ
đoạn xuyên tạc nói trên để thấy rằng, các thế lực thù địch không chừa lĩnh vực
nào, miễn là có thể làm lẫn lộn “thật, giả”, gây hoang mang, dao động, suy giảm
niềm tin ở cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng
và chế độ chính trị hiện nay; qua đó, hòng phá hoại công cuộc xây dựng chủ
nghĩa xã hội trên đất nước ta. Tuy nhiên, vị thế đang lên của Việt Nam trên
trường quốc tế xét ở mọi lĩnh vực đã bác bỏ những xuyên tạc ác ý.
Trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, từ chỗ nước ta chỉ là “một xứ thuộc
địa”, ngày nay đã trở thành một nước độc lập, tự do, có quan hệ ngoại giao với
189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ
chức quốc tế và khu vực; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước,
đối tác toàn diện với 11 nước, bao gồm cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an
Liên hợp quốc. Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp
quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 và hiện nay là ứng viên duy nhất của nhóm các nước
châu Á - Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc ứng cử vào vị trí này trong nhiệm kỳ
2020 - 2021. Nhiệm kỳ 2014 - 2016, Việt Nam là Ủy viên Hội đồng Nhân quyền thế
giới; nhiệm kỳ 2013 - 2017 đảm nhiệm vị trí Tổng thư ký ASEAN và năm 2020 Việt
Nam sẽ đảm nhiệm lần hai vị trí Chủ tịch ASEAN. Năm 2016, Việt Nam được bầu làm
thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế và cuối năm 2018 được bầu làm thành viên Ủy
ban Luật Thương mại quốc tế nhiệm kỳ 2019 - 2025 của Liên hợp quốc. Điều đó
khẳng định, vị thế của Việt Nam đã chuyển từ “tham gia tích cực” sang “chủ động
đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”. Việc được bầu với số phiếu rất
cao vào các vị trí nói trên của Liên hợp quốc cho thấy, vị thế của Việt Nam và
mức độ tin cậy ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế đối với nước ta.
Năm 2017, lần thứ hai tổ chức Tuần
lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Việt
Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới khi là nơi hội tụ toàn bộ lãnh
đạo các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có lãnh đạo các nền kinh tế hàng
đầu thế giới, như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản. Trong bối cảnh chủ nghĩa
dân túy và bảo hộ nổi lên mạnh mẽ, với tư cách chủ nhà, Việt Nam thể hiện vai
trò cân bằng trong điều hành, khéo léo điều hòa khác biệt, thúc đẩy điểm tương
đồng giữa các thành viên để tạo tiếng nói chung; qua đó, tô đậm dấu ấn của Việt
Nam trên tiến trình hợp tác của APEC. Cũng trong dịp này, với sự điều hành linh
hoạt, uyển chuyển của Việt Nam và Nhật Bản, 11 nước thành viên đã ký kết
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những
việc làm đó đã khẳng định vai trò và khả năng của Việt Nam trong xử lý những
vấn đề quốc tế; thể hiện sự chủ động và “tầm vóc” của Việt Nam trong tham gia
kiến tạo và định hình các thể chế khu vực và toàn cầu. Nhận định về vai trò của
Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Đô-nan Trăm nói: “Việt Nam là một đối tác tuyệt vời
trong khu vực và có rất nhiều cơ hội để chúng tôi tìm ra phương cách hợp tác
song phương nói riêng và cả khu vực nói chung nhằm thúc đẩy tăng trưởng ở khu
vực”.
Sau thành công của Năm APEC-2017,
Việt Nam trở thành địa điểm tin cậy của các sự kiện quốc tế đa phương. Năm
2018, Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan
trọng, như: Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26, Hội nghị
Thượng đỉnh Tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần thứ 6, Hội nghị cấp cao Tam giác phát
triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam lần thứ 10, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế
giới về ASEAN (WEF ASEAN). Đáng chú ý là, Hội nghị WEF ASEAN 2018 do Việt Nam
tổ chức được đánh giá là hội nghị khu vực thành công nhất của WEF trong 27 năm
qua, khi quy tụ được nhiều nguyên thủ của các quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao
của các nước đối tác, khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn đa quốc gia, các doanh
nghiệp ASEAN và quốc tế. Trong tháng 5 tới đây, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc
Vesak 2019 sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Đây là lần thứ 3 sau hai lần nước ta
đăng cai vào năm 2008 và 2014. Điều đó khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt
Nam với các hoạt động của Liên hợp quốc trên tất cả các lĩnh vực.
Sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm
của cả thế giới đầu năm 2019 là Việt Nam được chọn làm nơi diễn ra Hội nghị
Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 để bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa và thiết
lập nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Điều đó cho thấy, Việt Nam
không chỉ là một địa điểm được tin cậy về mặt an ninh, mà còn có vai trò đóng
góp quan trọng cho công việc chung của thế giới và khu vực, vì hòa bình, ổn
định và phát triển. Sau sự kiện này, giáo sư Lee Woong-Hyeon, Chủ tịch Viện
Nghiên cứu địa chính trị Hàn Quốc chia sẻ: “Việt Nam cho thế giới thấy vị thế
của một cường quốc tham gia ngoại giao thế giới”. Cùng với những sự kiện đó,
hàng loạt chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước (Tổng Bí
thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội) đến các nước trong
ASEAN, Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ, Hàn Quốc, một số
nước Tây Âu, Bắc Âu và Va-ti-căng,… cũng như nguyên thủ các nước này đến thăm
nước ta trong những năm qua, đã khẳng định vị thế ngày càng tăng của Việt Nam
và Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Trên lĩnh vực kinh tế, thực hiện đường lối phát triển
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã hội nhập ngày càng
sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới; thoát khỏi vị thế của nước kém phát triển,
trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình với mức tăng trưởng kinh
tế khá cao trong nhiều năm. Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước từ chỗ đạt
6,3 tỷ USD vào năm 1989 đã không ngừng tăng lên, đạt hơn 240 tỷ USD vào năm
2018. Đánh giá về vấn đề này, chiến lược gia về truyền thông của WEF 2018,
Peter Vanham khẳng định: “Nếu như cách đây chỉ khoảng 30 năm, kinh tế Việt Nam
còn rất khó khăn. Giờ đây, Việt Nam là một trong những “ngôi sao” trong nhóm
các nước mới nổi”. Còn Chủ tịch điều hành WEF 2018 Borge Brende thì nhấn mạnh:
“Từ năm 2010 đến nay, WEF đã chứng kiến sự tăng trưởng vị thế tuyệt vời của
Việt Nam với GDP tăng gần gấp đôi trong tám năm, xuất khẩu tăng gần gấp ba lần.
Quan trọng hơn là tỷ lệ đói nghèo tại Việt Nam đã giảm nhanh, năm 1990 tỷ lệ
đói nghèo là 50% thì nay chỉ còn khoảng 3%. Những con số này là minh chứng rõ
ràng cho sự thành công của Việt Nam trong tiến trình phát triển vững chắc”. Từ
một nước phải nhập khẩu lương thực, nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu
lương thực và đứng trong tốp đầu thế giới xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản,
dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, v.v. Đến nay, nước ta đã có quan hệ thương
mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên của Tổ chức Thương mại thế
giới. 71 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Nước ta cũng đã
ký 14 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các nước, trong đó 11 hiệp định
đã có hiệu lực. Hiện nay, Việt Nam đang cùng các nước tích cực thúc đẩy đàm
phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); đẩy mạnh các hoạt động
vận động và thúc đẩy Liên minh châu Âu sớm ký kết, phê chuẩn và triển khai thực
hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu.
Cùng với việc đăng cai và tổ chức
thành công nhiều hội nghị quốc tế về phát triển kinh tế khu vực và thế giới,
Việt Nam còn được mời tham dự các hội nghị quốc tế lớn, như: Thượng đỉnh
Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại
Đức (tháng 7-2017); Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng
tại Ca-na-đa (tháng 6-2018); Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos - Thụy Sĩ
(tháng 01-2019). Điều đó cho thấy, sự coi trọng của các nước lớn đối với vai
trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế; khẳng định nước ta
đã thực sự là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trên cả ba cấp độ: song
phương, khu vực và toàn cầu.
Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội và
quốc phòng, an ninh,
nước ta cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng. “Giáo dục và đào tạo, khoa
học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế có bước phát triển. An sinh xã hội được
quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được
cải thiện… Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường”1.
Nhiều cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa của từng vùng,
miền được công nhận là Di sản thiên nhiên hoặc Di sản văn hóa vật thể, phi vật
thể của khu vực hay của nhân loại. GDP bình quân đầu người từ vị trí của nước
kém phát triển, đã tăng hơn 20 lần so với trước thời kỳ đổi mới, đạt 2.590 USD
vào năm 2018, đứng đầu nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình
thấp. Đánh giá thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này, bà Victoria Kwakwa,
nguyên Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: “Ngày nay,
Việt Nam là một nước có thu nhập trung bình. Các chỉ số phúc lợi xã hội hiện
nay cao hơn phần lớn các nước có mức thu nhập cao hơn. Phần lớn người dân Việt
Nam được hưởng nền giáo dục tốt hơn. Tỷ lệ tử vong ở bà mẹ khi sinh ở Việt Nam
thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực”. Việt Nam là một trong số ít nước
sản xuất được vacxin phòng bệnh cho người (đã sản xuất được 10 loại); là 1/14
nước được Tổ chức Y tế thế giới đặt hàng sản xuất vacxin cúm (chủng virut H1N1,
H3N2 và B) phục vụ phòng, chống đại dịch trên thế giới. Thể thao nước nhà cũng
đã vươn ra tầm châu lục và thế giới, gặt hái được thành công với nhiều huy
chương vàng, bạc trong các giải đấu quốc tế lớn. Nhiều đoàn học sinh Việt Nam
đạt huy chương vàng, bạc trong các kỳ thi quốc tế về Toán, Lý, Hóa, Sinh, v.v.
Quốc phòng và an ninh cũng hội nhập
ngày càng sâu, rộng vào cộng đồng quốc tế. Nước ta đã có quan hệ quốc phòng
chính thức với gần 70 nước; đặt văn phòng tùy viên quốc phòng tại hơn 30 nước
và hơn 40 nước thiết lập tùy viên quốc phòng hoặc kiêm nhiệm tại Việt Nam. Bên
cạnh việc coi trọng quan hệ hợp tác về quốc phòng và an ninh với các nước láng
giềng (Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, Phi-líp-pin, Xin-ga-po...), nước ta cũng mở
rộng quan hệ hợp tác với Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, I-xra-en, Cu-ba, Ấn Độ, I-ta-li-a,
Liên minh châu Âu, v.v. Đặc biệt chú trọng hợp tác với các nước lớn, như: Nga,
Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việt Nam cũng rất coi trọng cấp độ hợp tác đa phương
về quốc phòng và an ninh, nhất là tham gia các cơ chế hợp tác, như: Diễn đàn An
ninh khu vực ASEAN, Đối thoại Shangri-La, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các
nước ASEAN (ADMM) và ADMM+, v.v. Việt Nam cùng các quốc gia đồng chủ trì khác
tổ chức thành công nhiều cuộc diễn tập, như: Diễn tập thực địa về hành động mìn
nhân đạo tại Ấn Độ (tháng 3-2016), Diễn tập thực địa ADMM+ về an ninh hàng hải
và chống khủng bố tại Bru-nây, Xin-ga-po (tháng 5-2016), Diễn tập thực địa về
hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và quân y tại Thái Lan (tháng 9-2016), v.v. Ở
cấp độ toàn cầu, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế
(Interpol) từ năm 1991; năm 2014 tham gia vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên
hợp quốc. Từ chỗ chỉ cử số lượng ít sĩ quan, năm 2018 chúng ta đã cử một đơn vị
(một bệnh viện dã chiến cấp 2) tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Xu-đăng.
Đây là những hành động thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc xây dựng
lòng tin, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới; nâng cao vị
thế của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Những thực tiễn nói trên đã khẳng
định tầm vóc và vị thế của Việt Nam không ngừng được nâng cao trong khu vực và
trên trường quốc tế. Vị thế đó không tự nhiên có, mà là kết quả sự nỗ lực của
toàn dân, toàn quân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là bằng
chứng sinh động khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp
tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng là đúng đắn; đồng thời,
là minh chứng thuyết phục bác bỏ mọi sự xuyên tạc của các thế lực thù địch.
NGUYỄN NGỌC HỒI
__________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 58-59.
http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/vi-the-cua-viet-nam-bac-bo-moi-su-xuyen-tac/13587.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét