ĐẤU TRANH CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI VỀ
VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Đại Nguyễn
Quan điểm của Đảng, Nhà nước
ta về nhân quyền rất văn minh, tiến bộ được quy định trong Hiến pháp, pháp luật,
được thể hiện qua chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; và được thực hiện
thống nhất trong xã hội, với những nội dung cơ bản như: Nhân quyền là giá trị
chung của nhân loại; Đảng, Nhà nước tôn trọng và bảo vệ những giá trị cao quý được
nhân loại thừa nhận về quyền con người. Việt Nam tham gia và cam kết thực hiện đầy
đủ các công ước quốc tế về quyền con người cả nghĩa vụ và trách nhiệm. Bảo đảm
không tách rời việc thực hiện quyền con người trên phạm vi đất nước bằng hệ thống
pháp luật với việc bảo đảm những giá trị về quyền con người đã được pháp luật
quốc tế quy định. Nhân quyền (quyền con người) và chủ quyền (quyền quốc gia) cơ
bản thống nhất. Sự nghiệp giải phóng con người phải gắn liền với sự nghiệp giải
phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội; quyền con người chỉ có và
chỉ được thực hiện đầy đủ khi quyền độc lập dân tộc được thực hiện., Nhân quyền là giá trị có tính phổ biến
được áp dụng phổ biến mọi lúc, mọi nơi, với mọi đối tượng nhưng mang tính đặc
thù với bản sắc riêng phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, mang sắc
thái văn hoá, lịch sử và truyền thống của quốc gia. Trong xã hội có đối kháng
giai cấp, việc bảo đảm thực hiện nhân quyền mang tính chất giai cấp, phản ánh bản
chất giai cấp, nhân quyền Việt Nam mang bản chất của giai cấp công nhân Việt
Nam. Nhân quyền gắn với quyền công dân, được pháp luật bảo hộ; Nhà nước cam kết
thực hiện đầy đủ và sẵn sàng đối thoại về vấn đề nhân quyền với tất cả các tổ
chức và các quốc gia trên thế giới.
Đã nhiều năm nay, Chính
phủ Mỹ và Nghị viện Liên minh châu Âu, cùng một số tổ chức quốc tế ban hành nhiều
đạo luật, nghị quyết, báo cáo về nhân quyền trên thế giới trong đó có đánh giá
nhân quyền ở Việt Nam. Phần lớn nội dung các đạo luật, nghị quyết được ban hành
là trái với pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam. Nội dung các báo cáo về dân chủ,
nhân quyền đều có tính chất sai trái, không phản ánh đúng thực tế tình hình dân
chủ, nhân quyền của Việt Nam, từ đó các phần tử cơ hội lợi dụng vấn đề này để
chống phá cách mạng nước ta. Có nhiều nội dung chủ quan, áp đặt, tự động thêm bớt
nhằm làm phức tạp hoá các vấn đề về dân chủ, dân tộc, tôn giáo từ đó tố cáo và
lên án Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền
Bên cạnh đó, các thế lực
thù địch luôn tìm cách chống phá về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quân sự,
quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Chúng lợi dụng và không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào
để dùng chiêu bài nhân quyền, sử dụng nhân quyền như một mục tiêu xuyên suốt để
chống phá cách mạng Việt Nam; phá hoại cuộc sống hoà bình, ổn định của đất nước
ta. Mục tiêu, thủ đoạn của chúng là thổi phồng, bóp méo các sự kiện; xuyên tạc
sự thật về nhân quyền để kích động dân chúng chống Đảng, chống Nhà nước và đặc
biệt nguy hiểm là chống lại lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Bằng việc tự ban
hành các đạo luật, nghị quyết; tự nhào nặn ra các báo cáo đánh giá nhân quyền;
với dụng ý xấu chúng đã xuyên tạc trắng trợn tình hình nhân quyền, sự thật và
những tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam. Bất chấp pháp luật quốc tế và
pháp luật Việt Nam, chúng ngang nhiên coi nhân quyền cao hơn chủ quyền, lợi dụng
nhân quyền để can thiệp thô bạo vào nhiều vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia.
Luận điệu của chúng là thường
xuyên kích động, xuyên tạc bóp méo, đổi trắng thay đen, làm cho thật giả lẫn lộn,
biến không thành có, lúc ngọt nhạt dụ dỗ, lúc trắng trợn đe doạ; cố tình thổi
phồng để đánh lừa và gây hoang mang trong dư luận xã hội. Thực hiện mưu đồ đen
tối là thật giả lẫn lộn, nguỵ tạo để gây dựng các vấn đề liên quan đến dân chủ,
nhân quyền nhằm chính trị hoá, xã hội hoá các vấn đề xã hội; làm cho các vấn đề
xã hội vốn rất bình thường trở thành vấn đề chính trị nổi cộm, vấn đề xã hội bức
xúc, khó giải quyết. Gây căng thẳng, mâu thuẫn giữa các tầng lớp xã hội với Đảng,
với chính quyền và tạo ra những điểm nóng về chính trị - xã hội. Thâm hiểm hơn
là kích động gây mâu thuẫn, xung đột giữa các dân tộc ở trong nước, gây tâm lý
hằn thù dân tộc; kích động, gây mâu thuẫn giữa Việt Nam với các quốc gia, dân tộc
có chủ quyền nhằm chống phá chính sách mở cửa, đối ngoại hoà bình của Đảng, Nhà
nước ta. Thủ đoạn của chúng rất tinh vi, xảo quyệt; xuyên tạc, kích động tâm lý
về bất công, bất bình đẳng xã hội, gieo rắc hận thù, tạo mâu thuẫn, xung đột giữa
các tầng lớp xã hội, các bộ phận dân chúng với nhau và với các cấp chính quyền.
Trực tiếp và đa dạng nhất
là việc chúng lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng Việt
Nam, lấy các giá trị dân chủ, nhân quyền của phương Tây để áp đặt cho Việt Nam.
Dùng chiêu bài dân chủ, chúng liên tục có những hành động bịa đặt, vu cáo Đảng,
Nhà nước áp bức dân chủ; nhân dân Việt Nam không được thực hiện quyền tự do dân
chủ, nhân quyền. Tố cáo Việt Nam
vi phạm nhân quyền, đưa vấn đề dân chủ, nhân quyền thành điều kiện trong việc
giải quyết các quan hệ quốc tế. Lợi dụng dân chủ, nhân quyền để phá hoại về chính
trị, tư tưởng; tác động tạo sự chuyển hoá nội bộ, thực hiện “diễn biến hoà bình”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ
rõ: “Người ta sinh ra và mãi mãi tự do và bình đẳng về quyền. Các quyền ấy là:
tự do, tư hữu, an ninh và chống áp bức”[1].
Nhân quyền trong thời đại ngày nay chỉ được bảo đảm bởi nhà nước pháp quyền tiến
bộ, gắn liền với chế độ xã hội chủ nghĩa; và gắn với độc lập dân tộc, tự do của
con người “Nhà nước ta tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân;
chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của con người. Quyền và nghĩa vụ công dân
do Hiến pháp và pháp luật quy định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ
công dân”[2]. Bảo
đảm thực thi nhân quyền bằng pháp luật quốc gia gắn với bảo đảm giá trị nhân
quyền theo pháp luật quốc tế: “Chăm lo con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp cho mọi người; tôn trọng và thực hiện điều ước quốc tế về quyền con người
mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”[3].
Do đó, với nỗ lực trong việc giải quyết các vấn đề về xoá đói, giảm nghèo; thực
hiện chính sách an sinh xã hội; tích cực phòng chống thiên tai, dịch bệnh và đấu
tranh chống chiến tranh phi nghĩa. Đảng, Nhà nước ta chủ trương tiếp tục giữ vững
môi trường hoà bình và tạo điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển
kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc. Bảo đảm vững chắc độc lập và chủ quyền quốc gia, đồng thời góp phần tích
cực tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập
dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội./.
[1] Hồ Chí
Minh, Toàn tập, Nxb CTQG - ST, Hà Nội,
2011, t.1, tr. 260
[2] Đảng Cộng
sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr.85
[3] Đảng Cộng
sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001, tr.120.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét