Thứ Hai, 10 tháng 1, 2022

Tôn giáo đồng hành cùng dân tộc

 Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Đồng bào theo tôn giáo ở Việt Nam luôn được nuôi dưỡng bởi truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc. Bởi vậy, họ không chỉ có đức tin và sự cố kết với tôn giáo của mình, mà luôn đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Mỗi dân tộc đều có tín ngưỡng riêng của mình nhưng không hề có những xung đột và kỳ thị lẫn nhau. Sự hòa quyện về văn hóa cũng như những sinh hoạt tín ngưỡng, tập tục, ngôn ngữ được thể hiện rõ nét trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và trong sự nghiệp đấu tranh kiên cường bảo vệ độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Theo bản Hiến pháp về nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948, tại Điều 18 quy định về tự do tôn giáo, tín ngưỡng có viết: “Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền tự do này gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo, tín ngưỡng do mình tự lựa chọn, tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong tập thể với nhiều người khác một cách công khai hoặt thầm kín dưới hình thức thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và giảng đạo. Không một ai ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn một tôn giáo hoặc tín ngưỡng”.

Nhưng trước đó, chỉ một ngày sau khi tuyên bố Việt Nam là một nước độc lập, ngày 3-9-1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời, một trong 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên là: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương, Giáo đoàn kết lại”. Đây là một chủ trương đúng đắn, thể hiện quan điểm vì dân của chính quyền mới được đông đảo nhân dân tán thành và ủng hộ.

Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, suốt 76 năm qua, Nhà nước Việt Nam đã không ngừng và ngày càng đáp ứng đầy đủ hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Chính vì chính sách đoàn kết dân tộc, tôn giáo mà trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đã có hàng triệu người con dù là Lương hay Giáo đã có những đóng góp tích cực về sức người, sức của cho các công việc chung của dân tộc. Có gia đình cả nhà là linh mục, tu sĩ, nhưng đều theo kháng chiến như linh mục Phạm Bá Trực, sau này là Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I, gia đình linh mục - liệt sĩ Nguyễn Bá Luật.

Tuy nhiên, lợi dụng tình cảm sùng kính Thiên chúa của một số đồng bào giáo dân, ở một số nơi, các chức sắc, tu sĩ đã kích động, kêu gọi bà con giáo dân cầu nguyện đòi đất, căng băng rôn, khẩu hiệu, ném gạch đá vào người thi hành công vụ, bắt người trái phép... Cũng cùng mục đích như vậy, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các tổ chức phản động đã lợi dụng sự thật thà, cả tin, thiếu hiểu biết của bà con để dựng lên tà một số tà đạo không phù hợp với tập quán sinh hoạt đồng bào dân tộc thiểu số, đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc. Chính quyền và lực lượng chức năng các địa phương đã nhanh chóng chỉ rõ những thủ đoạn lôi kéo, kích động, gây rối của các tổ chức phản động bên ngoài để bà con cảnh giác đề phòng, đồng thời, phân tích những sai lầm để các đối tượng sai phạm đứng ra tự nói rõ việc làm sai trái của họ. Qua đó, bà con hiểu rõ thực chất của các tà đạo mà mình đang theo.

Có thể khẳng định, trong suốt hơn 76 năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của người dân; đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hòa trong dòng chảy lịch sử, sức mạnh được hun đúc từ mạch nguồn truyền thống văn hóa ngàn năm của dân tộc, lòng yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, tự chủ, tự cường đã cảm hóa, nuôi dưỡng và kết nối người dân Việt Nam, không phân biệt tôn giáo, thành phần xã hội, ý thức hệ gắn bó khối đại đoàn kết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...