Vị thế và uy tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới. Chúng ta đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA), Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN...; đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở châu Phi. Trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, tiếng nói, sáng kiến và cách thức giải quyết có lý, có tình trên tinh thần bình đẳng, hòa hiếu và nhân văn của nước ta đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhờ đó vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạng: Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” (“Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên lũy, nên thành tre ơi!”), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!
Thực tiễn cho thấy, những năm gần đây, ngoại giao đa phương của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc khi tham gia vào một loạt sự kiện quốc tế quan trọng như: Nước chủ nhà đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017, Hội nghị WEF ASEAN năm 2018, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên năm 2019, Chủ tịch ASEAN, AIPA 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021.
Ngoài ra, còn nhiều hoạt động đa phương khác có sự tham gia của các bộ, ngành. Đặc biệt, năm 2021 là năm thắng lợi của ngoại giao nước nhà khi Việt Nam được bầu là thành viên của Ủy ban Thương mại quốc tế của LHQ (UNCITRAL), ký được thỏa thuận xây dựng trụ sở của Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) tại Việt Nam cũng như lần thứ hai có người được bầu là thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) của LHQ với số phiếu cao hơn lần trước. Điều này chứng tỏ cộng đồng quốc tế ngày càng tin tưởng vào vai trò của Việt Nam cũng như năng lực của cán bộ ngoại giao Việt Nam.
Khi Việt Nam hội nhập, có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thành viên LHQ thì sự hiện diện, giao thương của Việt Nam đã ở khắp nơi trên thế giới. Ở nơi nào có sự hiện diện của người dân, doanh nghiệp Việt Nam, ở đó có lợi ích của Việt Nam.
Vì thế, khi tham gia vào HĐBA, dù đóng góp ít hay nhiều để mang lại ổn định, hòa bình cho các nước, cũng là mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân Việt Nam. Song, có những việc mà ngoại giao đa phương vừa làm đã mang lợi ích tức thì. Khi dịch Covid-19 mới bùng phát, cơ chế đa phương gần như bị tê liệt. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, các tổ chức chuyên môn, các cơ chế đa phương từ khu vực như ASEAN cho đến liên khu vực như ASEM, APEC, G20 và các tổ chức chuyên môn của LHQ như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có vai trò điều phối rất quan trọng.
Điển hình là cơ chế COVAX do WHO, Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng ứng phó dịch bệnh (CEPI), Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đồng sáng lập. Cơ chế này ngay khi thành lập đã xác định mục tiêu cung cấp đủ lượng vaccine cho 20% dân số thế giới, trong đó Việt Nam có thể tiếp nhận 39 triệu liều vaccine ngay từ đầu.
Năm 2021 đã khép lại với những thành tựu nổi bật của ngoại giao đa phương, góp phần quan trọng trong những dấu ấn nổi bật của ngành ngoại giao nói chung. Khi Việt Nam kết thúc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, nhiệm vụ đặt ra đối với ngoại giao đa phương ngày càng nặng nề hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét