Làn sóng biểu tình của những người “áo vàng” khởi đầu bùng phát dữ dội ở
Pháp, sau đó gây hiệu ứng, lan rộng ra hàng loạt nước châu Âu, khiến cho “Lục
địa già” chao đảo. Vì sao làn sóng biểu tình đó lại đồng loạt bùng nổ ở nhiều
nước châu Âu và hệ lụy của nó như thế nào đang là vấn đề được dư luận quốc tế
hết sức quan tâm.
Trung tuần tháng
11-2018, hàng trăm người trong trang phục áo vàng (màu áo gi-lê trang bị cho
lái xe của Pháp) đã xuống đường biểu tình phản đối quyết định tăng thuế môi
trường đối với xăng dầu của Tổng thống Pháp. Khác với trước đây, cuộc biểu tình
của những người “áo vàng” đã được đông đảo tầng lớp trung lưu và người lao động
trên cả nước tham gia, trở thành làn sóng biểu tình làm “rung động” nước Pháp.
Trước nguy cơ biểu tình “vượt tầm kiểm soát”, Chính quyền của Tổng thống E.
Ma-crông buộc phải nhượng bộ, tuyên bố hoãn, sau đó là xóa bỏ sắc lệnh tăng
thuế đối với nhiên liệu. Tuy nhiên, những nhượng bộ đó không những không xoa
dịu được tình hình mà còn được cho rằng “đổ dầu vào lửa”, làm cho làn sóng biểu
tình bùng phát dữ dội hơn. Ở nhiều nơi, biểu tình đã biến thành bạo loạn, xung
đột với cảnh sát vũ trang, hậu quả là đã có hàng trăm người, trong đó có cả cảnh
sát bị thương vong, hàng nghìn người biểu tình quá khích bị bắt giữ. Giới chức
an ninh của Pháp thừa nhận, kể từ cuộc nổi dậy của sinh viên năm 1968 thì làn
sóng biểu tình của phong trào “áo vàng” là lớn nhất và tồi tệ nhất. Không chỉ
vậy, nó còn tạo hiệu ứng “đô-mi-nô” làm bùng nổ làn sóng biểu tình quy mô lớn
của những người được cho là “cùng cảnh ngộ” ở một loạt nước châu Âu khác, như:
Đức, Anh, Áo, I-ta-li-a, Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển,… khiến cho “Lục địa già” chao
đảo.
Vì sao làn sóng
biểu tình “áo vàng” lại đồng loạt bùng nổ ở châu Âu?
Nhiều nhà bình luận
quốc tế cho rằng, những thập kỷ gần đây, việc biểu tình, bạo động nổ ra ở nơi
này, nơi kia không phải là việc “mới lạ” ở châu Âu, nhưng biểu tình đồng loạt
bùng nổ ở nhiều nước như phong trào “áo vàng” vừa qua thì thực sự là vấn đề
“đáng lo ngại”. Phân tích các yêu sách mà người biểu tình đưa ra, như: đòi cải
thiện cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là thái độ “giận dữ” của họ đối
với các chính sách “không hợp lòng dân” của chính phủ, có thể thấy, tầng lớp
trung lưu và những người lao động ở nhiều nước châu Âu đang “bất bình” sâu sắc
với giới cầm quyền nước họ. Phong trào “áo vàng” vì thế trở thành “mồi lửa”
châm ngòi để nó “nổ bung” thành làn sóng biểu tình dữ dội ở hàng loạt nước
thuộc châu lục này. Kết quả các cuộc thăm dò cho thấy, người biểu tình ở châu
Âu “bất bình” về nhiều lĩnh vực “nổi cộm” của đất nước:
Một là, sự phân
hóa giàu nghèo, tình trạng bất công trong xã hội đã đến mức “báo động”.
Nhiều đánh giá quốc tế cho biết, những năm gần đây, sự chênh lệch về mức thu
nhập của người dân ở các nước EU là rất lớn. 20% dân số có thu nhập cao nhất có
tài sản gấp hơn 5 lần so với 20% dân số có mức thu nhập thấp nhất; 1% người
giàu nhất nắm giữ tới 20% của cải. Trên thực tế, tầng lớp người giàu có cuộc
sống vương giả, trong khi tầng lớp công nhân và người lao động có mức thu nhập
chỉ khoảng 1.500 euro/tháng - mức thu nhập được coi là chỉ “đủ sống”. Một bộ
phận không nhỏ người lao động tự do thì phàn nàn rằng, họ phải rất vất vả mới
kiếm đủ tiền để thuê nhà và trang trải sinh hoạt. Số đông người về hưu ca thán,
khoản “lương hưu” của họ quá “còm” so với biến động giá cả trên thị trường. Họ
đòi chính phủ tăng “lương hưu” và đảm bảo các phúc lợi xã hội mà họ phải được
hưởng. Tầng lớp nông dân thì bức xúc với việc các vùng nông thôn, vùng xa xôi,
hẻo lánh của họ không có các dịch vụ tốt về giao thông, y tế, giáo dục - đào
tạo,… so với thủ đô và các vùng đô thị. Tầng lớp thanh niên ở các khu vực nông
thôn nói rằng, họ ít có cơ hội để vào các trường đại học và tìm việc làm so với
thanh niên ở khu vực thành thị. Những năm gần đây, tỷ lệ người thất nghiệp ở
nhiều nước tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức khoảng 10% và tỷ lệ người thất nghiệp ở
lứa tuổi thanh niên vẫn ở mức cao. Trong đó, thanh niên hư hỏng, vướng vào tệ
nạn xã hội, vi phạm pháp luật ở khu vực nông thôn cũng cao hơn ở khu vực thành
thị, v.v.
Hai là, giảm
lòng tin vào các chính sách của chính quyền. Phải nói rằng, từ sau Chiến
tranh thế giới thứ hai, các nước EU có một giai đoạn dài phát triển “thịnh
vượng”: kinh tế tăng trưởng cao, khoa học - công nghệ phát triển hiện đại, thu
nhập và đời sống của đại đa số nhân dân ở mức khá giả với nhiều phúc lợi xã hội
“đáng mơ ước”. Tuy nhiên, từ thập niên 80 của thế kỷ XX, khủng hoảng tài chính,
kinh tế, nợ công diễn ra liên miên, đẩy kinh tế các nước EU lâm vào suy thoái.
Chính phủ các nước EU đã đề ra rất nhiều chính sách phục hồi, nhưng như họ thừa
nhận, vẫn chưa thể khắc phục được cái gọi là “những khuyết tật cố hữu” của nền
kinh tế tư bản; tỷ lệ nợ công và nợ chính phủ vẫn ở con số rất cao. Tình hình
đó, buộc chính phủ nhiều nước EU phải thực hiện những giải pháp “vạn bất đắc dĩ”
là cắt giảm mạnh các phúc lợi xã hội, cái mà một thời họ vẫn tự hào là “ưu
việt” của Tây Âu; đồng thời, tăng các loại thuế đánh vào “hầu bao” của người
lao động. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người giàu thì ngày càng giàu
hơn; người lao động, kể cả tầng lớp trung lưu thu nhập không tăng hoặc tăng
không đáng kể nhưng phải gánh ngày càng nhiều các loại thuế, nên đời sống khó
khăn hơn. Từ cuộc sống khá giả trước đây, nay “phú quý ngày càng giật lùi”
khiến cho đại đa số người lao động ở nhiều nước EU “chán nản”, giảm lòng tin,
“bất mãn” với năng lực lãnh đạo của chính quyền. Người dân Pháp “quá thất vọng”
và gọi Tổng thống E. Ma-crông là “tổng thống của người giàu” khi Ông quyết định
cắt giảm “thuế thu nhập” cho giới thượng lưu, khiến “kho bạc” chính phủ bị giảm
khoảng 3,5 tỷ euro. Để bù ngân sách thiếu hụt, Ông lại “quá khinh xuất và độc
đoán” khi quyết định tăng các loại thuế mà tầng lớp lao động là những người bị
ảnh hưởng nhiều nhất. Trong đó, quyết định tăng thuế môi trường đối với xăng
dầu đã “châm ngòi” cho một làn sóng “phản kháng dữ dội” ở Pháp và khắp châu Âu.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Pháp E. Ma-crông đã
tụt dốc “thê thảm”, từ mức trên 80% khi mới cầm quyền xuống còn dưới 20% hiện
nay.
Đánh giá một cách
khách quan, toàn diện quá trình hình thành và phát triển của EU, chính khách
nhiều nước cho rằng, làn sóng biểu tình của phong trào “áo vàng” hoàn toàn
không phải là “bộc phát”, mà là hệ quả tất yếu của những mâu thuẫn cố hữu đã
được tích tụ trong lòng xã hội các nước EU từ nhiều thập kỷ qua. Phong trào “áo
vàng” chỉ là “giọt nước làm tràn ly” và làn sóng khổng lồ người biểu tình đang
“khốn khó trong lo toan cuộc sống”, cùng với các thể chế “yếu kém”, “bất lực”
của các nước EU hiện nay cũng chỉ là những “nạn nhân đáng thương” mà thôi.
Những hệ lụy từ làn
sóng biểu tình của phong trào “áo vàng”
Theo các nhà bình
luận quốc tế, làn sóng biểu tình quy mô lớn của phong trào “áo vàng” đã gây ra
những hệ lụy không nhỏ về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh đối với từng quốc
gia và toàn khối EU. Về kinh tế, ở nhiều nước EU, các cuộc biểu tình đã
có tới hàng chục vạn người tham gia, làm nhiều thành phố bị “tê liệt”; các
ngành kinh doanh, du lịch, nhà hàng, nhiều nhà máy, công xưởng phải ngừng hoạt
động trong thời gian dài. Hàng nghìn công trình, trang bị, thiết bị công cộng,
xe cộ,… bị người biểu tình đập phá. Ước tính làn sóng biểu tình này đã làm
thiệt hại hàng trăm tỷ euro cho các nước EU. Về xã hội, chính trị, trong
lòng xã hội các nước EU vốn đang tồn tại những mâu thuẫn phức tạp đan xen (giữa
người giàu với người nghèo, giữa thành thị với nông thôn, giữa người bản địa
với người nhập cư, giữa các sắc tộc, tôn giáo và các nền văn hóa,…), phong trào
“áo vàng” làm cho “vết nứt” của những mâu thuẫn đó càng rộng hơn. Điển hình
nhất là những phần tử dân tộc cực đoan, các băng đảng “xã hội đen” lợi dụng
tình trạng biểu tình để kích động bạo loạn, xung đột với chính quyền, cướp phá
tài sản, gây mất trật tự an ninh đất nước. Khung cảnh hoang tàn ở nhiều thành
phố diễn ra biểu tình khiến cho người ta liên tưởng đó như “chiến trường của
cuộc nội chiến”. Một thực tế nữa là, EU đang ở vào thời điểm khủng hoảng chính
trị, mà nhiều chính khách của liên minh này coi là “nghiêm trọng”. Ở Đức, thất
bại liên tiếp của Đảng Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) trong cuộc bầu
cử Quốc hội tháng 8-2017 và các cuộc bầu cử địa phương tháng 10-2018, buộc Thủ
tướng A. Méc-ken phải tuyên bố không tái tranh cử vào năm 2021. Ở Anh, vị thế
của Thủ tướng Tê-rê-xa Mây đang lung lay khi quốc gia này có thể Brexit mà
không có thỏa thuận với EU. Ở Pháp, Tổng thống E. Ma-crông đang được kỳ vọng là
“thủ lĩnh” trẻ đầy triển vọng có thể tạo “luồng sinh khí mới” cho nước Pháp và
EU. Tuy nhiên, làn sóng biểu tình của phong trào “áo vàng” làm dấy lên lo ngại
là Ông E. Ma-crông chưa đủ “tầm” để chèo lái con thuyền EU vượt qua “cơn sóng
gió” hiện nay và nếu không có những thay đổi trong chính sách cho “hợp lòng
dân” thì sự nghiệp chính trị của Ông cũng khó tránh khỏi “vết xe đổ” của những
người tiền nhiệm. Các nhà lập pháp của EU tỏ ý lo ngại rằng, làn sóng biểu tình
“áo vàng” làm cho các nước EU đã khốn khó càng khốn khó hơn, nhất là ở Đức,
Anh, Pháp - những nước được coi là “đầu tầu” của EU. Đây sẽ là “cơ hội vàng” để
các đảng phái mang khuynh hướng chính trị khác nhau, nhất là các đảng cánh hữu
do những nhân vật “diều hâu” dân tộc cực đoan điều hành, tạo “đột biến” trong
cuộc chạy đua “giành quyền kiểm soát” Nghị viện châu Âu dịp bầu cử tới đây vào
tháng 5-2019. Về an ninh, nhiều chuyên gia cho rằng, phong trào “áo
vàng” có sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng “ngoài sức tưởng tượng”. Ban đầu chỉ là
biểu tình phản đối vấn đề đơn lẻ ở một nước, sau nó nhanh chóng biến thành cuộc
“cách mạng” của nhiều giai tầng xã hội, đấu tranh vì cuộc sống ở hàng loạt quốc
gia. Chính phủ nhiều nước EU đã phải huy động hàng trăm nghìn cảnh sát được
trang bị tối tân cùng hàng trăm xe tăng, xe bọc thép để “trấn áp” biểu tình.
Theo họ, trong bối cảnh EU đang chìm trong khủng hoảng về kinh tế, chính trị,
người nhập cư, khủng bố, Brexit,… thì phong trào “áo vàng” có thể là “cuộc tổng
duyệt” cho một cuộc cách mạng đường phố mang tên “Mùa xuân Liên minh châu Âu”
để quyết định tương lai của liên minh kinh tế, chính trị lớn nhất hành tinh
này.
Dư luận cho rằng,
EU là một “trụ cột” kinh tế quan trọng của thế giới; sự thịnh, suy của EU tác
động trực tiếp đến tình hình kinh tế toàn cầu. Làn sóng biểu tình của phong
trào “áo vàng” như “hồi chuông” cảnh báo, buộc chính phủ các nước EU phải điều
chỉnh chính sách cho phù hợp để không chỉ ổn định an ninh chính trị, mà còn
thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng đất nước trong xu thế cạnh
tranh khốc liệt hiện nay.
ĐỨC MINH - HỮU ÂN
http://tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/lan-song-bieu-tinh-o-chau-au-nguyen-nhan-va-nhung-he-luy/13722.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét