Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị. Ðó là: Việc tổ chức thực hiện một số nghị quyết của Ðảng vẫn là khâu yếu. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, thiếu gương mẫu. Việc hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị cho phù hợp với tình hình thực tiễn còn chậm. Ðổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động ở một số nơi thực hiện thiếu quyết liệt, chưa đạt mục tiêu đề ra. Tinh giản biên chế chưa thật sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... Ðiều đó đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW (ngày 25/10/2017), của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Theo PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thực tế cho thấy, sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy là việc khó, phức tạp và nhạy cảm. Quá trình thực hiện, nhiều người “mất chức”, nhiều người phải đảm nhiệm thêm công việc mới, nhiều người phải chuyển sang vị trí công việc khó khăn hơn, nhưng thu nhập thấp hơn, thậm chí có người mất việc do thuộc diện “dôi dư”. Vì vậy, các cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, khách quan, công tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ðồng thời phải khắc phục hai thái cực đã xảy ra trong quá trình thực hiện: Chủ quan, nóng vội, thiếu chín chắn, để xảy ra lộn xộn, hoặc khuynh hướng cầu toàn, “bình chân như vại”, trông chờ, ỷ lại, thiếu quyết đoán, không dám “đụng” đến tổ chức, con người vì sợ trách nhiệm, mất phiếu tín nhiệm.
Hà Nội có số lượng đầu mối tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ lớn nhất cả nước, nhưng là một trong những địa phương đầu tiên hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Nhiều cách làm hay của thành phố được Trung ương ghi nhận. Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà chia sẻ: Sau khi kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại phòng, ban, thành phố chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, hoàn thiện nội quy, quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, quy trình giải quyết công việc, thủ tục hành chính, bảo đảm thống nhất, đồng bộ kịp thời, phù hợp với đặc điểm, tình hình từng cơ quan, đơn vị. Thành phố xác định việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, phải làm thường xuyên, lâu dài; chú trọng rà soát sự trùng chéo về chức năng, nhiệm vụ, nhất là ở các nhiệm vụ phức tạp, giao thoa, khó phân định giữa các cơ quan, đơn vị. Thành phố tập trung các giải pháp đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, đây là nội dung quyết định khả năng có giảm được 10% biên chế sự nghiệp giai đoạn 2021-2025 không. Tiếp tục điều chỉnh, phê duyệt đề án vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên cơ sở danh mục khung vị trí việc làm được Bộ Chính trị thông qua; thường xuyên rà soát để bảo đảm phù hợp với thực tiễn quản lý, phát huy tối đa hiệu quả.
Tại cuộc làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tài chính về quản lý biên chế, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhận xét: Tinh giản biên chế vẫn không tập trung vào người năng lực kém mà chủ yếu rơi vào những người xin thôi việc, bỏ việc hoặc nghỉ hưu, trong khi đó không có chính sách để thu hút lớp trẻ được đào tạo bài bản vào làm việc… Tinh giản biên chế phải gắn với nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nếu không thì mới chỉ là sắp xếp gọn gàng, chưa làm được mục tiêu quan trọng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Thời gian tới, lần đầu tiên Bộ Chính trị sẽ quyết định tổng biên chế cho 5 năm tiếp theo, kèm theo cơ chế quản lý hiệu quả, hợp lý, cơ động, linh hoạt; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp để tính toán, điều hành hợp lý, không cứng nhắc.
Nguồn: Báo Nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét