Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2022

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

Dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng, quân và dân ta đã đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi đó tiếp tục khẳng định tài thao lược của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khi ông trực tiếp chỉ đạo xây dựng “thế trận phòng không nhân dân”-một phát triển mới của chiến tranh nhân dân riêng có ở Việt Nam.

Từ đầu năm 1965, cùng với đưa quân vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam, Mỹ cũng điều máy bay B-52 từ các căn cứ không quân ở Thái Bình Dương tiến hành những phi vụ oanh tạc miền Bắc với cường độ xuất kích ngày càng tăng. Cùng với đó, Mỹ in truyền đơn quảng bá về uy lực của máy bay chiến lược B-52 hòng đe dọa tinh thần, làm nhụt ý chí chiến đấu của quân và dân ta.

Trước hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”(1). Căn cứ vào dự báo của Người, trên cương vị Bí thư QUTƯ, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) QĐND và Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) tìm cách khắc chế máy bay chiến lược của không lực Hoa Kỳ.

Là vị tướng luôn coi trọng tổng kết, lấy thực tiễn chiến trường để bổ sung lý luận, nghệ thuật tác chiến, nên tháng 5-1966, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo BTTM lệnh cho Trung đoàn Tên lửa 238 (Sư đoàn 363, Quân chủng PK-KQ) cơ động vào Vĩnh Linh (Quảng Trị), phối hợp với bộ đội radar, trinh sát điện tử, không quân... nghiên cứu tính năng kỹ thuật, đặc điểm và quy luật hoạt động của máy bay B-52.

Tại cuộc họp tháng 9-1971, Bộ Chính trị và QUTƯ nhận định: Năm 1972, hoặc là địch sẽ rút nếu đạt được giải pháp; nếu chưa, địch có thể tập trung không quân đánh phá. Ta cần có biện pháp đề phòng. Ngay sau cuộc họp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị: "B-52 không chỉ đánh ở miền Nam. Đến mức độ nào đó, chúng có thể đánh vào Thủ đô Hà Nội. Quân chủng PK-KQ phải nghiên cứu kỹ đối tượng này"(2). Bộ đội cao xạ, radar, tên lửa và không quân được lệnh triển khai huấn luyện chiến đấu theo các phương án đã được kết luận. Một số trận địa tên lửa, trận địa cơ động cho pháo cao xạ và sân bay dã chiến được bí mật xây dựng. Dân quân, tự vệ Hà Nội và một số thành phố được bổ sung hỏa lực bắn máy bay. Công tác bảo đảm quan sát, thông tin được tăng cường.

Tháng 6-1972, thực hiện chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hội nghị chuyên đề đánh máy bay B-52 được tổ chức. Từ thực tiễn chiến đấu đánh B-52 ở địa bàn Nam Quân khu 4, các ý kiến tại hội nghị đã chỉ ra hạn chế của máy bay B-52. Những yếu tố: Phải cơ động hợp lý, phòng tránh kịp thời, có giải pháp khắc phục nhiễu, tên lửa cố gắng đánh trước lúc B-52 cắt bom... đã được hội nghị bàn thảo kỹ. Đến tháng 10-1972, tập tài liệu "Cách đánh B-52" được hoàn chỉnh, trở thành cuốn cẩm nang đánh B-52 cho bộ đội phòng không.

Trong thời gian này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chỉ đạo BTTM giao Cục Tình báo chủ trì cùng với Quân chủng PK-KQ và cơ quan chuyên môn khai thác thông tin từ nhiều nguồn, trong đó có cả các phi công Mỹ bị bắt để có những tư liệu liên quan đến máy bay B-52, phục vụ yêu cầu tác chiến; chỉ đạo Quân chủng PK-KQ xúc tiến nghiên cứu cải tiến và sử dụng trang bị, vũ khí, sử dụng kết hợp nhiều loại radar, khí tài quang học với điện tử, điều chỉnh độ nhạy của đầu đạn tên lửa để có thể bắn rơi tại chỗ B-52. Cục Tình báo, Cục Quân lực, Binh chủng Thông tin liên lạc cùng Quân chủng PK-KQ phối hợp giải quyết các vấn đề bảo đảm trinh sát kỹ thuật, sức kéo, thông tin, quân số.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng chỉ đạo nghiên cứu các hướng tiến công chủ yếu của địch. Từ những nguồn tin, từ quy luật hoạt động của không quân Mỹ, chúng ta đi đến nhận định máy bay B-52 sẽ bay vào theo 5 hướng chủ yếu là: Tây Bắc và Đông Bắc xuống, từ Tây Nam vào, từ Nam và Đông Nam lên. Trong 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội, 70% số máy bay địch đều lợi dụng địa hình, địa vật bay hướng Tây Bắc xuống. Phán đoán chính xác hướng tiến công, nhất là hướng tiến công chủ yếu, giúp ta có biện pháp sử dụng các lực lượng hợp lý, lập thế trận hiểm hóc để đánh thắng địch. Đây là cơ sở quan trọng để BTTM và Quân chủng PK-KQ bố trí đội hình các trung đoàn tên lửa tập trung đánh B-52 trên các hướng Tây Bắc, Tây Nam, phía Nam Hà Nội. Lực lượng không quân sử dụng MiG-21 tổ chức đánh địch từ xa ngoài vòng hỏa lực của tên lửa và cao xạ, trên hai đường bay chủ yếu của B-52 là Tây Bắc và Tây Nam. Cùng với đó, hệ thống phòng không nhân dân, hệ thống radar được bố trí rộng khắp. Với cách bố trí thành cụm, chặn các đường bay của B-52, chúng ta đã tạo nên thế trận với sức mạnh tập trung, sẵn sàng đón đánh máy bay địch. Đây là nét độc đáo và sáng tạo trong xây dựng thế trận đánh B-52 trong Chiến dịch Phòng không năm 1972.

Ngày 20-10-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm việc với Quân chủng PK-KQ, xác định phương hướng tác chiến Chiến dịch Phòng không đánh B-52 bảo vệ Thủ đô. Đại tướng chỉ rõ, cần tăng cường cảnh giác, tích cực chuẩn bị, sẵn sàng đánh bại âm mưu địch đánh phá miền Bắc, nhất là Hà Nội, tuyệt đối không để bị bất ngờ.

Ngày 25-11-1972, trong Chỉ thị “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu”, thay mặt QUTƯ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Sắp tới, địch có thể ném bom bắn phá trở lại các mục tiêu ngoài vĩ tuyến 20 với mức độ ác liệt hơn trước. Chúng có thể liều lĩnh dùng máy bay B-52 đánh phá các trọng điểm Hà Nội, Hải Phòng...”.

Đánh gục uy danh không lực Hoa Kỳ

Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào tháng 11-1972, Tổng thống R.Nixon tìm cách trì hoãn ký kết Hiệp định Paris, xúc tiến kế hoạch Linebacker II, tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng. Ngày 14-12-1972, kế hoạch được Tổng thống Mỹ thông qua. Ngày 18-12-1972, Mỹ bắt đầu chiến dịch tập kích đường không có quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai vào miền Bắc nước ta. Dựa vào thế trận đã chuẩn bị sẵn, hệ thống phòng không nhân dân ta đã khiến không quân Mỹ choáng váng. Ngay trong đêm đầu tiên (18-12), 3 "pháo đài bay" của Mỹ bị bắn hạ và danh sách đó dài thêm trong những ngày tiếp theo. Cao điểm là đêm 26-12-1972 với 8 chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi. 12 ngày đêm đánh trả quân thù, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 34 chiếc B-52 (bằng 1/2 số bị bắn rơi trong 8 năm Mỹ đưa B-52 tác chiến ở Việt Nam), bắt nhiều giặc lái Mỹ.

Trong những ngày chiến dịch, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp luôn có mặt tại Tổng hành dinh, chỉ đạo các đơn vị nâng cao công tác hiệp đồng, nhanh chóng thu thập các nguồn tin, bảo đảm trận địa tên lửa để đánh được liên tục; đốc thúc khẩn trương lắp ráp đạn. Đại tướng cũng yêu cầu các đơn vị phải tiết kiệm đạn, đạn tên lửa chỉ được dùng để đánh B-52. Đại tướng trực tiếp đến thăm các đơn vị tên lửa ở Chèm, Yên Nghĩa, thăm Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ ở Núi Trầm (Chương Mỹ, Hà Tây); cùng Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đến thăm nhân dân khu phố Khâm Thiên sau khi bị máy bay B-52 ném bom. Sự có mặt của Đại tướng đã tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quyết tâm chiến đấu đập tan uy danh “pháo đài bay” B-52.

Nhận định về chiến thắng, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cho rằng: “12 ngày đêm chiến đấu tiêu diệt máy bay B-52 cuối năm 1972 là một chiến công nổi bật. Lần đầu tiên ta tổ chức và thực hiện thành công một chiến dịch phòng không quy mô lớn đánh thắng cuộc tập kích của không quân chiến lược Mỹ bằng một trận tiêu diệt chiến giòn giã, gây cho không quân Mỹ những tổn thất nặng nề nhất trong lịch sử của nó”(3).

Sau gần 70 năm đưa vào sử dụng, máy bay B-52 đã tham chiến ở nhiều nơi trên thế giới và nay vẫn là con bài chiến lược của không quân Hoa Kỳ... nhưng chỉ duy nhất bị QĐND Việt Nam bắn hạ. Đó là thắng lợi của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trong đó có vai trò của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khi đã chỉ đạo thực hiện thành công “chủ trương toàn dân đánh máy bay địch, lấy lực lượng phòng không trong ba thứ quân làm nòng cốt”(4), tạo nên phát triển mới nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Nguồn: Báo QĐND 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hội đàm với Thủ tướng Vương Quốc Thụy Điển

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thụy Điển Ulf Kristersson, từ ngày 10 đến 13-11, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm chính thức Vươ...